Quái Hài về Tây
Thông Thiền

 

Thiền môn Tổ ấn khơi niềm nhớ
Bích nhãn Hồ tăng xé đêm dày
Dẫm ngược cành lau về Thiên Trúc
Trời Tây phơi phới chiếc giày bay.

Con người ấy xuất hiện rực rỡ như vầng dương giữa đêm trường tăm tối, hiên ngang như một kiếm khách giữa triều đình nhà Lương, trầm hùng ngồi ngó vách suốt chín năm nơi Thiếu Thất, ánh mắt xanh biếc quét những tia nhìn như xuyên phủng tâm người, cất tiếng an tâm đến nay còn đồng vọng, chân dẫm cành lau rẽ nước phăng phăng về Thiên Trúc… tất cả, tất cả như kết hào quang đưa Người vào huyền sử…

Con người đó là ai? Đó chính là vị hồng tử thứ ba của vua Hương Chí nước Nam Thiên Trúc, vốn tên là Bồ-đề-đa-la, sau khi gặp tổ thứ hai mươi bảy Bát-nhã-đa-la, phát minh đại sự được đổi tên là Bồ-đề-đạt-ma. Thiền tông có hệ thống truyền pháp gồm hai mươi tám vị Tổ Ấn Độ, sáu vị Tổ Trung Quốc; Bồ-đề-đạt -ma là nhân vật quan trọng từ Ấn Độ đem thiền học truyền về phương Đông, là vị tổ thứ hai mươi tám của Ấn Độ và giữ địa vị sơ tổ trong lịch sử Thiền tông Trung Quốc.

Căn cứ vào chỗ ghi chép của các bộ sử truyền đăng của Thiền tông, vào ngày 21 tháng 9 năm Đinh Mùi (527), niên hiệu Phổ Thông triều Lương, Tổ đến Nam Hải được Thứ sử Quảng Châu là Túc Ngang đón tiếp. Sau đó Tổ ở chùa Thiếu Lâm trên đỉnh Tung Sơn, ngồi xoay mặt vào vách đá chín năm, được sự sùng kính của các đệ tử như Huệ Khả và được người đương thời gọi là Bích Nhãn Hồ Tăng (Vị tăng Ấn Độ mắt xanh). Sau đó, vào niên hiệu Thái Hòa thứ 19 triều vua Hiếu Minh Đế đời Hậu Ngụy, Tổ bị đầu độc lần thứ sáu, “do hóa duyên đã xong, tìm được người để truyền pháp” nên Tổ không tự điều trị mà chấp nhận thị tịch. Về sự tích của Tổ Đạt-ma có không ít truyền thuyết khác nhau, nếu khảo sát trên lịch sử có nhiều điểm không phù hợp, chỉ có vài điểm có thể tin được. Theo Trung Quốc Thiền Tông Sử, chương thứ nhất của Pháp sư Ấn Thuận cho rằng:

1.Tổ Đạt-ma là nhân vật có thật, 2. Tổ quả thật có đến truyền pháp, là người khai sáng Thiền Tông, 3. Khảo cứu kỹ thời gian Tổ đến Trung Quốc và truyền pháp cho đích xác là việc làm khó khăn, 4. Về sự tích của Tổ Đạt-ma cũng có sự thêu dệt và ngụy tạo như truyện Cửu niên diện bích (Chín năm ngồi xoay mặt vào vách).

Theo Đạt-ma Truyện của ngài Đạo Tuyên thì: Đại thừa bích quán của Đạt-ma công nghiệp rất cao, lưu hành trong đời được lắm người ngưỡng mộ và chủ trương hoằng pháp của Tổ không ngoài chủ trương của Phật giáo, đó là Lý nhập và Hạnh nhập.

Về Lý nhập, mượn giáo để ngộ tông. Giáo ở đây là giáo lý kinh Lăng-già. Tin sâu chúng sanh cùng một chân tánh tức là Phật tánh Như lai tạng. Nếu bỏ vọng về chân, tinh thần ngưng trụ như tường vách không thấy có ta, có người, thánh phàm bình đẳng (…) như thế là thầm hợp với lý Vô vi một cách vắng lặng hồn nhiên, gọi là Lý nhập. Về Hạnh nhập, sau khi giải thích bốn hạnh: Báo oán hạnh, Tùy duyên hạnh, Vô sở cầu hạnh, Xứng pháp hạnh, Tổ kết thúc pháp thoại này bằng tám câu kệ:

Ngồi dứt các duyên
Trong không nghĩ tưởng
Tâm như tường vách
Mới vào được đạo
Rõ Phật tâm tông
Không còn lầm lạc
Hành giải hợp nhau
Mới gọi là Tổ.

Sở dĩ Tổ Đạt-ma hay hoằng dương pháp Thiền, bởi vì: Một là do nó giản dị, ba tạng kinh điển của Phật giáo nhiều tợ cát sông Hằng, nhưng Tổ Đạt-ma chỉ truyền kinh Lăng-già, chẳng đặt nặng giới luật, hình thành phong cách giản dị. Hai là từ phương pháp truyền dạy của Tổ vượt ra ngoài sự trói buộc của danh tướng, thay đổi tùy theo tính cách của người được truyền thọ. Vào thời ấy, đối với việc câu chấp danh tướng, trọng tri giải giảng dạy của Giáo môn, thì phương pháp mới này là một cú đột phá trọng đại, làm chấn động một thời, phát sinh ra hiệu quả “Rung cảm lòng người rất sâu sắc”. Trải qua vài đời hoằng dương, cuối cùng từ một giáo phái nhỏ, hình thành một tông phái lớn trong Phật giáo, ảnh hưởng rất nhiều đến các tôn giáo khác, cả đến tư tưởng, học thuật, văn học, nghệ thuật của Trung Quốc.

Câu truyện “Chích lý Tây qui”(quảy một chiếc giày về Tây) của Tổ Đạt-ma, mặc dù có vẻ thần thoại nhưng rất giàu thiền cơ. Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 3 ghi về việc ấy như sau:

Tổ (Đạt-ma) hưng thịnh Thiền tông ban bố mưa pháp, nhuần thấm muôn loài, song có người khí lượng hẹp hòi, tự chẳng kham nhận, liền khởi tâm hại Tổ, nhiều lần đầu độc. Đến lần thứ sáu do thấy hóa duyên đã xong, tìm được người truyền pháp nên Tổ chẳng tự cứu, ngồi yên thị tịch vào ngày 5 tháng 10 năm Bính Thìn (536), niên hiệu Thái Hòa thứ 19 triều vua Hiếu Minh Đế đời Hậu Ngụy, được chôn ở núi Hùng Nhó, xây tháp ở chùa Định Lâm. Sau ba năm, Tống Vân là sứ giả nước Ngụy đi sứ Tây Vực trở về gặp Tổ dưới rặng Thông Lãnh, thấy Tổ quảy chiếc giày, đạp cành lau rẽ nước phăng phăng một mình về Ấn Độ, liền hỏi Tổ đi đâu? Tổ đáp: Đi về Tây Thiên! Tổ bảo Vân rằng: Chúa của ngươi đã qua đời. Vân nghe xong mờ mịt, từ giã Tổ trở về Trung Quốc phục mạng thì vua Minh Đế đã băng hà. Đợi Hiếu Trang Đế lên ngôi, Vân liền kể lại việc ấy. Trang Đế sai người quật tháp thì thấy quan tài trống rỗng, chỉ còn một chiếc giày như ngầm muốn khai thị điều gì…

Qua hình ảnh Tổ quảy một chiếc giày về Tây Trúc vừa phiêu nhiên vừa đầy hào khí, chúng ta thể nhận được điều chi? Rõ ràng là các thiền sư thông qua câu chuyện này dùng thi ca để biểu hiện cơ cảnh của thiền. Như Ngũ Tổ Pháp Diễn có bài tụng như sau:

Tổ sư di hạ nhất chích lý,
Thiên cổ vạn cổ bá nhân nhĩ.
Không tự kiên đảm tiển túc hành,
Hà tằng đạp trước tự gia để.
Tổ sư để lại chiếc giày xinh
Truyền đến muôn đời, kẻ hậu sinh
Không tự gánh vác, chân trần bước
Bao giờ đạp trúng giày nhà mình.

Ngũ Tổ Pháp Diễn muốn nói việc Tổ Đạt- ma để lại một chiếc giày trong quan tài nơi tháp chùa Định Lâm núi Hùng Nhó, còn một chiếc lại quảy về Thiên Trúc sẽ còn lưu truyền từ nơi tai miệng của thiền tăng đến nhiều đời sau. Nếu như từ góc độ diệu dụng mà nhìn thì ta cho đó là thần thông kỳ đặc của Tổ. Nếu từ nơi bản thể mà luận thì phải chăng Tổ muốn gợi mở cho chúng ta thấy quan điểm nhất như vô nhị kiến của Thiền tông!

Bên cạnh đó, hình ảnh Tổ dẫm trên cành lau đứng trên sóng nước nhằm khai thị điều gì? Đứng dẫm trên là hàm nghĩa không xem trọng. Không xem trọng cái chi? Phải chăng Tổ muốn dạy người tu hành không nên chuộng văn chương bóng bảy mà xa rời chân lý, như lời của Tôn giả Bát-nhã-đa-la dạy Tổ khi sang Trung Quốc phải khéo trừ bỏ tệ nạn thủy trung văn bố. Thủy trung văn bố có ý nghĩa văn chương bàng bạc bay bướm như sóng triều uốn dợn trên mặt nước. Điều này cũng ứng hợp với lời tuyên bố dõng dạc của Tổ Đạt-ma: Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.

Thế là, chúng ta hãy từ nơi phương tiện thi thiết này của Tổ sư mà quay lại với chính ta, lập tức gánh vác, xỏ được chiếc giày nhất như kia hay nói khác đi minh tâm kiến tánh mới là việc quan trọng; còn như loay hoay với hình ảnh Tổ sư rồi hướng ngoại cầu huyền hoặc cầu tri giải thì giống như người để chân trần mà bước đi, biết đến bao giờ đạp trúng giày nhà mình, rốt cuộc chỉ uổng công mà thôi.

Sách tham khảo:
– Thiền Môn Khai Ngộ Thi Nhị Bách Thủ của Đỗ Tùng Bách.
– Phật Quang Đại từ Điển.