Phải phát tâm bồ đề, phải lợi ích chúng sinh. Không nên học tác phong nhỏ hẹp của hàng nhị thừa, chỉ tự lo thân mình một cách ích kỷ, không chịu độ kẻ khác.
Nhẫn là vật vô giá, nhưng người dùng không tốt. Nếu biết dùng lòng nhẫn, chuyện gì cũng tốt đẹp.
Nếu bạn không chấp trước, việc tới thì ứng phó, việc đi rồi thì an tĩnh. Giống như mặt gương: Vật để trước gương thì hiện bóng, vật đi thì bóng lặng, ánh sáng vẫn phản chiếu. Nếu được như vậy thì bạn sẽ vô tư vô lự, không hay không biết, cũng không phiền não, cũng không rắc rối.
Năm mới tới, mình hãy tiếp đón thần tài, thần hỉ, thần quý. Sao gọi là thần tài? Nếu bạn đừng đem tinh khí vất đi thì đó là thần tài. Sao gọi là thần quý? Nếu một năm bạn không nổi nóng, đó là thần quý. Nếu bạn phát tâm, rằng: Sang năm mới tôi không nổi giận nữa, tôi phải sửa đổi tính tình của tôi, thì đó là thần quý. Nếu bạn lúc nào cũng vui vẻ, thì đó là bạn tiếp đón thần hỉ rồi. Ba vị thần này đều tại nơi ta. Bất quá bạn không biết nó, nên phải chạy đi cầu thần ở bên ngoài.
Nếu bạn làm một con giòi lười biếng không chịu tu hành thì tôi sẽ không chờ bạn đâu.
Trên đời đầy dẫy chuyện hư vọng không thật. Mỗi người đều có tri kiến nhân ngã bất đồng. Do vậy hoặc là họ tranh ngoài mặt hoặc dấu sau lưng; mỗi người mỗi dạng ích kỷ. Mây đen tham sân si của họ trùm phủ bầu trời khiến người ta không còn thấy ánh sáng, không còn được tưới mát nữa. Chỉ có Bồ Tát là vất bỏ sạch hết hư danh, giả lợi, vất bỏ vòng sinh tử hư ngụy, buông xả ngũ dục cột trói. Vì thế nên trí huệ chân thật của ngài mới hiện ra.
Có người nói: Bây giờ lò sát sinh khác hơn khi xưa lắm. Họ dùng súng bắn hoặc điện giựt cho chết. Do đó, bò dê chết nhưng không có cảm giác gì. Bạn cho rằng như vậy là đúng sao? Vậy thì sao bạn không chết như thế đi? Sự thật thì phương pháp này còn tàn nhẫn hơn trước kia, lòng oán hận của con thú vẫn nghiễm nhiên tồn tại. Có lẽ hận thù còn sâu hơn xưa. Hễ sát sinh là tội nghiệp rồi.
Cái lưỡi có công đức thuyết pháp, mà cũng có tội nghiệp nói thị phi. Nếu nó không thuyết pháp thì nó sẽ nói thị phi, hoặc lời tà vạy, vô nghĩa. Tức là một vạn hai ngàn thứ tội.
Giới là thước đo cho người xuất gia.
Không nên tìm chuyện rắc rối vào thân, cũng đừng sợ việc rắc rối.
Muốn thành Phật thì người học Phật phải tham thiền tỉnh tọa. Mỗi ngày đều phải ngồi thiền, đừng sợ chân đau, gối mỏi, lưng nhức thì mới thành tựu được. Người xưa nói: Không qua một lần lạnh thấu xương, làm sao hoa nở thơm ngát hương?
Trên đời chẳng có thứ gì đáng gọi là báu quý, chẳng có thứ gì là khó tìm khó gặp. Chỉ có kẻ biết thuyết giảng chánh pháp là khó tìm khó gặp.
Mình có chuyện đau khổ là vì chấp trước chưa phá trừ. Chấp trước một khi xả bỏ thì không còn gì khổ đau nữa. Cũng chẳng còn gì gọi là khoái lạc.
Trong đời Mạt Pháp, tất cả thiên ma ngoại đạo, ly mỵ vọng lượng, sơn yêu thủy quái đều sợ nhất là chú Lăng Nghiêm. Bởi vì chú Lăng Nghiêm là chú phá tà, hiển chánh.
Tu là hàng phục thân tâm, rèn luyện thân thể cho thành chất kim cang. Lúc bạn mệt mỏi cũng phải hướng về phía trước tiếp tục tu trì, đoạn trừ tất cả vọng tưởng.
Tâm tánh của chúng sinh vốn là quang minh lỗi lạc. Chẳng qua nó bị vô số tội chướng, vọng niệm che phủ mà thôi.
Niệm danh hiệu đức Bồ Tát có thể làm ta minh tâm kiến tánh.
Bạn hãy xem ngày bạn quy y như là ngày sinh nhật của mình. Xem quãng đời tu hành của mình bắt đầu từ ngày này.
Kinh Lăng Nghiêm là cốt tủy của đạo Phật. Người không có xương cốt thì hẳn phải chết. Ðạo Phật mà thiếu Kinh Lăng Nghiêm thì có thể nói rằng không có Phật pháp.
Bạn ăn chúng sinh nào nhiều thì bạn có nhiều chủng tử của chúng sinh đó trong người mình. Tức là bạn thành bà con với chúng. Khi nhân duyên với chúng quá sâu thì sự gắn bó sẽ không thể nào tách rời được.
Ăn thịt heo nhiều thì bạn có cơ hội rất lớn sẽ làm heo. Ăn thịt bò nhiều thì bạn cũng sẽ có nhiều cơ hội làm bò. Ăn nhiều cơm, phải chăng biến thành gạo? Gạo là loài vô tình, còn chúng sinh là loài hữu tình. Nếu ăn chúng sinh hữu tình thì mình sẽ sinh làm loài chúng sinh hữu tình ấy. Ăn thứ vô tình, chẳng những mình không biến thành gạo, thành rau, thành cỏ, mà thật sự nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng đúng đắn nhất.
Kinh Lăng Nghiêm là bảo giám của người tham thiền. Ai tu đạo cũng nên nghiên cứu sâu xa kinh này.
Không nên xía vào chuyện người khác. Cứ nói: Cô ta không tốt, anh ta ác lắm! Ðừng tìm lỗi lầm của người khác, mà nên trừ vọng tưởng thành kiến trong đầu mình. Dù là chuyện xứng tâm duyệt ý đi nữa, nó cũng chỉ là một vọng tưởng vui sướng trong đầu. Do đó phải nhìn cho thủng, buông xả nó, để chứng đắc trung đạo liễu nghĩa.
Ðời mạt Pháp, căn tánh của chúng sinh rất thấp kém, không thích hợp với nhiều pháp môn. Chỉ có pháp Niệm Phật là thích hợp với hết thảy căn cơ. Ba hạng căn cơ (cao, vừa, thấp) đều hợp, kẻ ngu người trí đều được.
Ðôi khi chúng ta cho mình là làm việc tốt, nhưng kỳ thật thì không phải như vậy. Ðó là vì sao? Vì chủng tử (của việc mình làm) là bất tịnh.
Vì sao có sinh tử? Vì có vọng tưởng.
Khi bạn lạy đức Quan Âm, Niệm danh đức Quan Âm, bạn hãy phản tỉnh xem mình có tánh nóng giận không? Phải chăng thói hư tật xấu của mình chưa trừ? Nếu như vậy thì dù mình lạy tới kiếp vị lai, niệm danh hiệu đến hết kiếp thì cũng không sao gặp đức Quan Âm đâu.
Nếu bạn hiểu giới luật thì sẽ thâm nhập vào mọi pháp Phật. Nếu bạn không hiểu giới luật thì bạn cũng giống như mây phiêu dạt trên trời, chẳng chút nền tảng cơ bản gì hết.
Vì sao bây giờ thế giới vấn đề của em trẻ rắc rối tràn lan như vậy? Vì cha mẹ sinh con mà không biết dạy con.
Nếu bạn có đầy lòng nhân, nghĩa, lễ, trí thì mặt bạn sẽ hiện ra một thứ đức tướng, một thứ công đức.
Trí huệ bát nhã của người ngu và kẻ trí thì chẳng khác nhau. Cái khác là một người thì biết dùng, một người thì chẳng biết dùng (trí bát nhã).
Nếu bạn thường hồi quang phản chiếu, thấy tự tánh, thường sinh trí bát nhã thì đó là công. Bạn dùng trí bát nhã ấy ứng dụng khắp nơi, biến hóa vô cùng, nhưng không bị nhiễm trước, không làm việc bất tịnh, thì đó là đức.
Phải nhận biết cảnh giới, chớ chấp trước vào cảnh giới. Vô luận là cảnh thiệt hay giả, bạn không thể chấp trước. Nếu bạn chấp trước thì cảnh thiệt cũng biến thành giả. Nếu không chấp trước, cảnh giả cũng biến thành thiệt.
Chú Lăng Nghiêm là vua của các chú, cũng là chú dài nhất. Chú này có quan hệ đến sự hưng suy của Phật giáo. Trên thế giới nếu còn có người trì tụng chú Lăng Nghiêm thì còn tồn tại chánh pháp. Không ai trì tụng chú Lăng Nghiêm thì chánh pháp diệt mất. Chú Lăng Nghiêm là do hóa Phật trong quang minh phóng ra từ đỉnh đầu của đức Thích Ca. Do đó chú này kỳ diệu không thể tả xiết. Mỗi chữ mỗi chữ đều áo diệu khôn lường.
Tham cầu danh thì bị lửa đốt chết. Tham cầu lợi thì bị nước dìm chết. Tham cầu vinh hoa phú quý thì bị gió thổi chết.
Bất luận là sám hối với ai, bạn cũng phải nói cho rõ ràng, không được nói mơ hồ, khiến người nghe diễn dịch đàng nào cũng được.
Không ai tránh đặng sinh, lão, bịnh, tử. Sinh là do đâu? Từ trời sinh ra? Ðất sinh ra? Người sinh ra? Tự nhiên sinh ra? Sinh ra rồi thì ta là gì? Trách nhiệm của ta là gì? Nghĩa vụ ta phải làm là gì? Thiên chức của ta là gì? Những việc trên mình phải nghĩ cho rõ, đừng uổng phí kiếp làm người.
Bạn phải nhất định học thuộc chú Lăng Nghiêm. Không những bạn có thể liễu thoát sinh tử, mà còn tránh được ma nạn, tai họa và cứu độ chúng sinh.
Ðồng tính luyến ái là yêu nghiệt, đi ngược lại với thiên tánh, ngược lại luân lý, ngược lại sinh lý.
Muốn thành Phật thì phải học Phật pháp.
Thứ mình xứng đáng có, thì mình sẽ được nó. Thứ mà mình không xứng đáng có thì mình chớ vọng tham cầu. Mình phải giữ khoảng cách, trách nhiệm. Không nên ích kỷ, không nên tự lợi hay nói dối. Làm vậy thì thế giới mới hòa bình. Bạn không muốn nó thái bình, nó cũng thái bình. Không muốn nó bình an, nó cũng bình an. Vì sao bây giờ không bình an? Vì ai cũng hướng ngoại truy cầu, không biết hồi quang phản chiếu, tìm đáp án nơi chính mình.
Lúc nào mình cũng phải có tâm trong sạch như trẻ thơ. Giữ như em trẻ, lúc nào cũng không già, thì mình sẽ không bao giờ chết. Do vậy muốn mạnh khỏe, trường thọ, thì chỉ cần bạn buông bỏ tài sắc danh thực thùy, thì cái chân thật sẽ hiện bày ngay.
Bất luận là tiểu thừa, đại thừa hay Phật thừa, thừa nào cũng dạy mình đầu tiên phải trừ bỏ thói hư tật xấu, vô minh phiền não, tham sân si. Nếu bạn bỏ những thứ thói xấu ấy đi thì tự nhiên sẽ tương ưng với ý nghĩa trong kinh. Nếu tật xấu không trừ thì sẽ không hiểu được nghĩa kinh đâu.
Bạn nhìn xem: Bạn là bậc nhất rồi đó, nhưng có làm sao đâu? Bạn phát tài rồi đấy, nhưng có ích gì?
Khi quan sát người tu đạo, bạn nhìn chỗ nào? Bạn xem y có giữ giới luật hay không. Nếu y không giữ giới luật, y nhất định là ma. Nếu y giữ giới, đặc biệt nghiêm minh, thì y đúng là tín đồ của Phật.
Rắc rối ở trên đời do đâu mà ra? Do người ta ai cũng ích kỷ. Ích kỷ bắt nguồn từ đâu? Bắt đầu từ nơi dục Niệm.
Tu đạo, bất kỳ thứ gì cũng đừng tham. Tốt không tham, xấu càng không tham. Lấy tâm bình thường làm đạo tràng. Lúc nào cũng bình thường, chẳng tham muốn gì cả. Hễ tham là sai lầm.
Nếu nhận thức của bạn về nóng và lạnh không khác biệt thì nóng lạnh không tồn tại. Nếu nóng lạnh không tồn tại thì có ai đó để cảm giác về nó? Các cặp đối tượng khác thì đạo lý cũng như vậy. Nếu mình chẳng khởi tâm phân biệt sự vật thì sự an tĩnh vốn có của tự tâm sẽ không bị quấy nhiễu.
Hậu quả của nghiệp sát nặng nề là sẽ hình thành thiên tai nhân họa. Hoặc là động đất, hoặc là sóng thần, hoặc là thời tiết thất thường, quá nóng, quá lạnh, cho tới mưa gió bất định, đủ hiện tượng mà đất nước, nhân dân không chút thanh bình an lạc.
Trẻ em thì giống như cây non lớn lên. Cành nhánh mọc lộn xộn thì phải tém cho gọn để nó có thể mọc cao lớn, sau này gỗ có thể dùng làm rường cột.
Con người nằm mộng thì không biết mình đang mộng. Tỉnh dậy mới biết là mộng. Lúc nào thì tỉnh mộng? Khi khai ngộ. Tu làm sao? Thì tu học Phật pháp. Phật pháp là gì? Nói gọn là cái chìa khóa. Ngày ngày mình chạy đi tìm cái chìa khóa này. Chìa khóa này là gì? Là trí huệ bát nhã. Tìm ra chìa khóa trí huệ thì mình có thể mở tung ổ khóa vô minh. Lúc ấy mình sẽ giải thoát, tức là tỉnh dậy từ cơn mộng giả huyễn.
Ðồ còn dùng được mà mình vất đi thì tức là lãng phí vật chất. Trên thế giới này vật chất dùng đã hao tổn gần hết. Nếu mình không biết tiết kiệm thì tương lai thật nguy hiểm.
Ở đời bất luận là việc tốt hay xấu đều dạy mình giác ngộ. Việc tốt thì dạy mình chuyện tốt. Việc xấu thì dạy mình chỗ sai lầm của nó.
Hãy đặc biệt chú ý đến mỗi câu chú Lăng Nghiêm. Ðừng khinh thường nó. Ðây là diệu pháp tất khó gặp trong trăm ngàn vạn ức kiếp đó. Các bạn cho rằng trên thế giới có rất nhiều người thuyết giảng về chú Lăng Nghiêm ư? Chẳng có ai.
Vọng niệm là ý tưởng không chân thật, hư vọng không tự tánh. Kẻ điên đảo thì biết việc này không đúng mà cứ cố ý làm, lại còn biện hộ, nói việc này là đúng.
Người đời ai cũng bận rộn, lăng xăng hoài. Xuất phát điểm của họ không ngoài lòng ích kỷ, rằng phải bảo vệ sinh mạng và tài sản của mình. Phật pháp thì đại công, không riêng tư, chỉ nhắm vào lợi ích kẻ khác thôi.
Nghe giảng kinh thì bạn sẽ có cái kính chiếu yêu. Yêu ma quỷ quái hiện hình là bạn biết ngay.
Người tu phải phát nguyện cho chân chánh. Phát nguyện từ lòng thành, rồi theo nguyện ấy mà nỗ lực thật hành.
Nếu bạn chỉ còn một tâm thái đại công vô tư, không ham mau, không muốn hơn kẻ khác, chỉ chuyên tâm nhất chí, thì ma gì cũng không thể hại bạn.
Người tu phải thanh tịnh như tròng mắt của mình, không thể để dính bụi. Nếu mắt có bụi thì chắc hẳn sẽ khó chịu, phải tìm cách rửa cho sạch. Nếu không thì thâm tâm không an. Tu đạo thì cũng tương tợ. Bụi là gì? Là lòng tham. Có lòng tham thì mọi chuyện sẽ dấy khởi biến động. Mình vốn thanh tịnh, nhưng vì ý niệm tham lam, nên phản ứng hóa học phát sinh, khiến nước trong biến đục, tâm thanh thành trược. Lúc ấy mình chẳng thể giúp ai, mà ngược lại còn tự hại. Mục đích chủ yếu của người tu là liễu sinh thoát tử, không phải vì cầu có cảm ứng mới tu hành. Bạn nên nhớ: Chẳng thể có mưu đồ lúc tu hành. Vì mong cầu thành tựu, mong cầu cảm ứng mà tu: Ðó là sai lầm to lớn lắm.
Nếu có trí thì bạn như mặt trời. Có huệ thì bạn như mặt trăng.
Nếu nói động vật là để người ta ăn. Vậy loài người thì để loài gì ăn?
Mỗi lời nói mỗi hành động của chúng sinh trong cõi Ta Bà này đều là tham, sân si. Trong phạm vi pháp thế gian, họ dùng tham sân si mà hành sự. Ðến khi tu pháp xuất thế gian, họ cũng dựa vào tham sân si mà tu hành. Nào là họ tham khai ngộ; ngồi thiền hai ngày rưỡi là đã muốn khai ngộ. Tu chút xíu là muốn thần thông. Niệm Phật mới mấy ngày là muốn đắc niệm Phật tam muội. Bạn xem tâm tham lam lớn như vậy, đều là do con quỷ tham lam biểu hiện đó.
Tu thì như trèo cây sào trăm trượng: Tuột xuống thì dễ, trèo lên thì khó như lên trời. Bất luận gặp cảnh giới gì, nếu bạn không xuyên thủng được nó thì rất dễ gặp ma chướng. Sơ hở chỉ tại một niệm mà thôi. Một niệm sai là một niệm tà, thiên ma ngoại đạo liền vào tâm phủ của bạn. Nếu có chánh niệm thì Phật sẽ hợp nhất với bạn. Lục Tổ Ðàn kinh dạy: Lúc chánh niệm thì Phật trong phòng; Lúc tà niệm thì ma tại nhà. Chính là đạo lý như thế.
Thích ăn ngon cũng là do có một cái oan nghiệp dắt dẫn. Nó khiến bạn vui thích hy sinh tánh mạng của vật khác để bồi bổ cho tánh mạng của chính mình.
Ðịa ngục không phải tự nhiên có sẵn, chuẩn bị sẵn sàng để mình rớt xuống đó đâu. Làm sao có nó? Do nghiệp của mình hiện ra. Nếu bạn tạo nghiệp địa ngục thì có địa ngục hiện ra.
Nếu bạn chân thành đọc tụng kinh điển thì thường có chư thiên tán hoa, mùi hương thơm lạ tỏa khắp, quỷ thần cung kính cúng dường.
Bạn muốn biết cảnh giới ấy thật hay giả, người đó là Bồ Tát hay là ma. Bạn có thể từ chỗ này mà nhìn: Thứ nhất, y có lòng dâm dục hay không? Thứ hai y có lòng tham lam hay không? Tham lam tức là tham tài, tham sắc. Nếu có y chẳng phải là của thật.
Tết năm nay tôi cho các bạn thấy tờ giấy lau miệng của tôi đã dùng bốn lần rồi mà vẫn còn xài. Bạn nghĩ xem trên đời còn ai hà tiện như tôi chăng? Không phải chỉ có giấy, bất kỳ thứ gì tôi cũng không lãng phí. Tuy việc này nhỏ, song hy vọng các bạn chú ý, đừng nên lãng phí tài nguyên của thế giới.
Chữ nhục gồm có hình một người bị ăn và một người ăn thịt. Người ăn thịt thì ở bên ngoài, và vẫn còn là người. Người bị ăn thì ở bên trong, nhưng đã biến thành con vật. Người ăn thịt và kẻ bị ăn thì có một mối quan hệ mật thiết, một mối oan kết không thể giải trừ, ràng buộc lẫn nhau.
Trí huệ và ngu si không phải là hai thứ. Chúng như hai mặt của bàn tay. Lật bên này: Trí huệ; trở qua bên kia: Ngu si.
Mê tín phật pháp thì tuy là mê tín, không hiểu biết gì, nhưng ít ra vẫn còn có lòng tin. Nếu bạn tin mê thì tuy có lòng tin nhưng bạn tin vào thứ tà đạo, thứ đạo mê hoặc lòng người, thứ đạo không chân chính. Lòng tin ấy mới là nguy tai.
Nhà cần nhỏ một chút, tiền cần ít một chút, người cần tốt một chút, nghiệp cần sạch một chút.
Kinh Hoa Nghiêm là kinh của Pháp Giới, của hư không. Tận cùng hư không trùm phủ khắp pháp giới, không chỗ nào mà chẳng có Kinh Hoa Nghiêm. Kinh này ở đâu thì Phật ở đó, pháp cũng ở đó và chư Thánh hiền tăng cũng ở đó.
Nếu trên thế giới còn một người niệm chú Lăng Nghiêm thì thế giới sẽ không bị hủy diệt. Pháp cũng không bị hủy diệt. Chừng nào trên đời chẳng còn ai trì tụng chú Lăng Nghiêm nữa thì khi đó Phật pháp sẽ phải tận diệt.
Tôi thường nói với các bạn: Chết cho mau! Ý là nói bạn phải làm chết vọng tưởng đi, chớ nên ngày ngày khởi vọng tưởng. Khởi vọng tưởng thì làm sao tu hành? Tâm vọng tưởng chết rồi thì tâm từ bi sẽ lớn mạnh, trí huệ và nguyện lực cũng lớn mạnh.
Tu thì cũng như bơi lội. Nếu bạn có sức lực, kỷ thuật bơi giỏi, thì có thể bơi ngược giòng, tới bờ bên kia an toàn. Nếu bạn sức yếu, bơi không giỏi, thì sẽ bị giòng nước nghịch đẩy lùi. Chẳng những không tới được bờ, có khi còn chết chìm.
Người tốt thì không oán ghét ai. Kẻ xấu mới oán ghét người khác.
Nghe giảng kinh thì phải kiên nhẫn. Dù hiểu hay không cũng phải kiên nhẫn ngồi nghe. Bạn ở trong pháp hội, sáng tối nghe giảng thì tựa như sáng tối được huân hương, chân lý huân tập vào tâm thức. Kết cuộc sẽ có ngày bạn sẽ khai trí huệ hiểu thấu mọi pháp.
Thế giới là do tâm người tạo thành. Tâm người háo sát thì tạo thành thế giới chiến tranh. Nếu tâm người háo sinh thì thế giới sẽ hòa bình. Tôi hy vọng trong tương lai người phương Ðông và phương Tây đều sửa đổi hiếu chiến thành tâm từ bi.
Làm thiện mà mong người ta biết thì không phải là chân thiện.
Làm ác mà sợ người ta hay mới là đại ác.
Bởi vì có lòng yêu đương nên cái khổ lớn nhất của con người là cái khổ sinh ly tử biệt (sống thì phải xa nhau, chết thì vĩnh viễn chia tay). Yêu đương, tình ái là cái nguồn cội tạo nghiệp. Nếu đoạn được lòng dục vọng, trừ sạch lòng yêu đương thì nghiệp sẽ nhẹ. Khi tình yêu sâu đậm, nghiệp cũng rất nặng. Nên có câu: Nghiệp hết, tình không là chân Phật. Nghiệp nặng, tình mê là phàm phu.
Tất cả mọi sự mọi vật trên đời đều thuyết pháp. Người thiện nói pháp lành. Người ác nói pháp xấu. Ngựa nói pháp làm ngựa. Bò nói pháp làm bò. Chúng khiến mình hiểu nhân duyên chúng làm ngựa làm bò.
Lòng người có thể thiện, có thể ác. Nó có thể bao trùm thái hư, rộng bằng vũ trụ. Nó cũng có thể làm ta đắp lông đội sừng, nó cũng có thể khiến ta thành Phật, làm Tổ.
Ðiều tôi nói với các bạn là những đạo lý rất thông thường. Hệt như nước trắng rau luộc, thật rất lạt lẽo vô vị. Tuy chẳng có mùi vị gì, nhưng các bạn ăn những thứ cơm lạt canh lạt ấy bạn có thể trừ khử được rất nhiều độc khí.
Bởi vì có lòng dâm dục nên mới phát sinh ra những chuyện ác trên đời. Nếu bạn có thể làm những việc lành, tự mình thanh tịnh, không có hành vi dâm loạn thì đó tức là chúng thiện phụng hành.
Phật là chính khí của thế giới. Ma là tà khí, làm không khí ô nhiễm. Chính khí là bầu trời trong sáng, ngàn dặm xanh thẳm, chẳng chút mây mờ. Bị ma trước thì bầu trời u ám liền. Có phiền não bầu trời cũng tối sầm lại. Khi không dính vào ma, không sinh phiền não thì bầu trời trong xanh. Mọi vật trên đời đều có ý nghĩa tượng trưng.
Phần lớn nền giáo dục bây giờ tuy dạy học trò, nhưng thật ra lại chú trọng đến việc bán sách (thâu học phí) kiếm lời. Họ dạy làm sao để kiếm được chức vị cho cao, kiếm thật nhiều tiền, thành bậc danh nhân hay bậc nhất trên thế giới. Ðó là họ đã chẳng dạy con em căn bản đạo đức làm người. Mà cứ dạy con em tranh danh đoạt lợi. Ðó chính là bỏ gốc theo ngọn, đi ngược lại với đạo. Làm việc ngược lại với đạo thì thật là sai lầm lớn lao vô cùng.
Làm việc gì thì cũng chỉ một tâm, một lòng. Làm xong rồi liền buông tay. Việc tới, thì ứng biến. Việc qua rồi, lòng lại yên tĩnh.
Không nên tham tiền tài vật chất. Hợp với đạo nghĩa thì mới lấy. Rằng: Tiền tài phải hợp với đạo thì người quân tử mới nhận.
Chú Lăng Nghiêm thì mầu nhiệm không thể tả. Ai niệm thì người đó có cảm ứng. Ai trì tụng thì người đó có Bồ Tát Kim Cang Tạng bảo vệ. Do đó tu hành chú này đòi hỏi bạn phải hiểu thấu đáo chân lý, thành khẩn, chính lòng tu thân. Vậy thì bạn mới có cảm ứng lớn lao.
Có vọng tưởng thì sẽ không tự tại.
Sống trên đời, bạn nên cẩn thận trong mỗi hành vi cử chỉ. Bạn hãy giữ quy củ. Một khi trồng nhân sai lầm, (sai nhân quả), bạn sẽ hối hận vô cùng.
Lúc tu, điều tối trọng yếu là đừng tranh. Nghĩa là không cùng người khác tranh chấp đúng hay sai, thật hay giả, phải hay trái.
Muốn tu cho có thiên thủ thiên nhãn thì không phải một ngày một đêm mà thành. Tu pháp này, bạn phải ngày ngày dụng công không gián đoạn. Ngày ngày y pháp tu hành thì mới có thể thành tựu diệu dụng bất khả tư nghì. Nếu hôm nay tu, ngày mai nghỉ thì chẳng có ích gì đâu.
Nếu người xuất gia không tinh tấn tu thiền, tập định, trì chú, tụng kinh, nghiêm thủ giới luật mà lại dựa vào Phật để kiếm ăn, bám vào Phật để có áo mặc thì chắc chắn sẽ đọa vào ba đường ác.
Bạn tới chỗ nào, phải xem chỗ đó là trường học. Không có chỗ nào chẳng phải là chỗ để học tập. Không có lúc nào chẳng phải là lúc tu học.
Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn. Môn nào cũng là số một. Pháp nào tương ưng với bạn thì pháp ấy là nhất. Pháp chẳng hợp với bạn thì nó không là đệ nhất. Phải thâm nhập vào một pháp môn thì mới đạt tới quả vị Phật.
Nếu người ta biết hiếu thảo với cha mẹ thì chính khí mới tồn tại. Không hiếu thảo thì tà khí tràn ngập thế gian. Hiếu thảo thì phải thành khẩn, lúc nào cũng chuyên tâm, cung kính. Con cái nên tôn kính cha mẹ hệt như tôn kính Phật sống trong nhà vậy. Do đó con cái biết cúng dường cha mẹ là một việc hết sức cát tường.
Người tin Phật hay không tin Phật đều sẽ thành Phật.
Còn tâm tham là còn khổ. Tới khi nào không còn gì mong cầu thì lúc đó sẽ hết âu lo.
Nhà có máy truyền hình (Ti Vi) cũng giống như nhà có yêu quái vô hình. Nó dạy con trẻ hư hỏng, hút mất hết tinh thần sinh lực của chúng. Vì vậy học trò không có bao nhiêu thời gian học hành. Không có ảnh hưởng gì hư hoại thâm sâu bằng ảnh hưởng của truyền hình.
Phàm sự không có gì là nhất định, sai biệt chỉ ở một niệm. Khởi một niệm thiện có thể chuyển việc xấu thành kiết tường. Lão Quân có câu rằng: Hồi tâm hướng thiện, thiện tuy chưa làm mà thiện thần đã tùy thân. Chuyển tâm hướng ác, việc ác chưa làm, mà ác thần đã theo sát.
Ðừng vì túi thịt thối này mà lo lắng! Mỗi một tâm niệm muốn ăn cắp đồ cho nó ăn. Mỗi một tâm niệm muốn làm đẹp túi thịt thối này. Mỗi một tâm niệm cứ muốn túi thịt thối này hưởng thụ, được chút khoái lạc. Thật là điên đảo.
Tu đạo không nên hưởng phước.
Phải dùng lòng chân thật để học Phật pháp. Mỗi một cử chỉ hành động, phải hướng về điều chân thật. Không nên như người đời: Nửa thật nửa giả; có lúc nói thật, có lúc nói láo. Người tu đạo thì lúc nào cũng phải nói thật, làm việc chân thật, không nói dối.
Mình không phải là khổ tu mà là lạc tu. Ai tu hành chịu khổ cũng là cam tâm tình nguyện, không phải miễn cưỡng. Mình hết sức mong muốn buông bỏ điều giả, chỉ lấy điều thật.
Một ngày không nóng giận là một ngày bạn đã tu hành. Mười ngày không nổi giận là mười ngày tu hành. Hễ bạn nóng giận tức là không có tu hành.
Học chú Lăng Nghiêm tức là có hóa thân của Phật. Không những là hóa thân, mà còn là hóa Phật trên đỉnh đầu của Phật, hóa thân trong hóa thân của Phật. Do đó đây là chỗ mầu nhiệm không thể nghĩ bàn của chú Lăng Nghiêm. Nếu có người có thể trì tụng chú Lăng Nghiêm thì trong phạm vi 40 dặm sẽ chẳng có tai nạn, nguy hiểm sẽ biến thành an ổn.
Sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỷ thuật sẽ đưa người ta tới tử vong ngày càng nhiều. Thậm chí toàn thể nhân loại có thể bị hủy diệt. Nếu nhân loại hủy diệt hết thì khoa học, triết học có ích gì?
Muốn tiêu trừ tất thảy mọi tai nạn, mình cần phải nghiên cứu chân lý của nhân sinh. Một khi hiểu rõ chân lý trong đời sống hàng ngày rồi thì mình mới có thể hiểu nguồn gốc của những tai nạn ấy.
Chí công vô tư thì mới là chánh pháp. Có lòng ích kỷ tự lợi thì là tà pháp.
Ðừng cần để ý tới cảnh giới là thật hay giả, chỉ có sự dụng công của bạn mới là thật. Nếu bạn chân chính thấu hiểu thì bạn chẳng chấp trước vào bất kỳ thứ gì, cảnh giới gì.
Từ kiếp vô thỉ tới nay, trong thức A Lại Gia hay thức thứ tám của mình, chủng tử gì cũng có. Khi tâm bạn yên tĩnh thì chúng hiện ra cho thấy. Ví như nước đục, bạn cứ quấy động nó hoài thì nó sẽ chẳng lắng trong. Nếu để yên một chỗ không xáo động, bụi bặm cặn bã từ từ lắng xuống, nước sẽ trong.
Trẻ thơ không phải sinh ra là hư xấu đâu. Chỉ bởi vì chúng không được dạy dỗ mà ra. Vì thế, làm cha mẹ, phải coi việc giáo dục con cái là cấp thiết quan trọng nhất. Cho dù kiếm thật nhiều tiền cũng không có giá trị bằng dạy con cho tốt.
Tham thiền tốt nhất là không có cảnh giới. Không có gì hết, chỉ là không. Các bạn lúc ấy chớ có sợ cũng chớ sinh vui mừng. Sợ hay vui đều làm bạn dính vào ma, như đã nói trong phần 50 ấm ma của Kinh Lăng Nghiêm. Do đó bạn cần nên hiểu để không bị cảnh giới làm động tâm. Cần nhất là bạn không được chấp trước.
Muốn phát tâm bồ đề thì bạn phải nghe giảng kinh cho nhiều. Một khi hiểu Phật pháp thì tự nhiên bạn sẽ biết cách phát tâm bồ đề.
Mình nên mở rộng tầm nhìn, khoáng đại tâm tư suy nghĩ. Ðừng nên chỉ biết có mình, hoặc chỉ biết có gia đình mình, đất nước mình. Phải để tâm lượng rộng mở trùm khắp hư không, biến hết pháp giới. Mình phải suy nghĩ lợi ích cho toàn nhân loại, không nên chỉ tính toán cho riêng cá nhân mình.
Nếu bạn chẳng có tâm đấu tranh thì sẽ đoạn tuyệt vãng lai với loài A Tu La. Nếu bạn không có tâm tham lam thì sẽ đoạn tuyệt qua lại với loài súc sinh thú vật.
Làm sao để có niềm vui? Nơi tự tánh phải thường cảm thấy đầy đủ. Rằng: Biết đủ thì thường vui, nhẫn nại thì an ổn.
Tiền là thứ dơ bẩn nhất. Nếu bạn gần gủi với nó quá nhiều thì bạn dính bụi trần. Nếu bạn chẳng cần tiền bạc thì thật trong sạch nhất; bạn có thể nhảy ra khỏi vòng bụi bặm.
Người công dân chào cờ, là bày tỏ lòng cung kính đối với đất nước, với tổ quốc. Tượng Phật thì đại biểu cho đức Phật. Do đó mình lễ lạy tượng Phật để tỏ bày lòng cung kính với Phật.
Ma mà sở dĩ thành ma là vì nó có tâm tranh hơn thua, háo thắng. Có thơ rằng: Tranh là tâm háo thắng, ngược lại với đường tu, nó sinh bốn tướng chấp, thì sao đắc tam muội? Khi ma không tranh được bậc nhất thì nó sinh lòng sân hận, tâm đố kỵ, tâm chướng ngại cản trở. Do đó ai có tư tưởng và hành vi như thế đều là ma. Vĩnh viễn không thể thành Phật.
Người tín đồ Phật giáo không nên đi du ngoạn quá nhiều! Dùng thời gian du ngoạn ấy để nghiên cứu Phật lý, bạn xem, không phải là tốt sao? Có thể dùng thời gian ấy tụng kinh, niệm chú, lạy Phật, càng tốt hơn.
Phá thai là việc rất nghiêm trọng. Phá thai là một trong những nhân tố tạo ra nhiều bịnh khó trị, tai nạn khủng khiếp thời nay. Bạn nghĩ xem: Một sinh mạng chưa ra đời đã biến thành oan hồn. Con quỷ nhỏ ấy tới đâu cũng đòi mạng, thì xã hội làm sao an ninh đặng. Những con quỷ nhỏ ấy chỉ có các vị đạo hạnh, không tham tiền tài mới có thể siêu độ chúng.
Ở đây mình niệm Phật thì điện thoại của đức A Di Ðà Phật sẽ reo.
Các em trẻ! Các em biết căn bản của việc làm người là ở đâu chăng? Là ở nơi tám đức hạnh:
- Hiếu (hiếu thảo, cung kính với cha mẹ)
- Ðể (tình anh em chân thành đùm bọc, nhường nhịn lẫn nhau)
- Trung (lòng trung thành với chân lý và lý tưởng)
- Tín (sự đáng tin cậy, đáng tín nhiệm trong lời nói và hành động)
- Lễ (xử thế một cách lễ phép, lịch sự và đứng đắn)
- Nghĩa (biết theo chân lý, quên mình vì chân lý, vì nghĩa vụ cao thượng)
- Liêm (không tham lam, ăn hối lội, làm việc tồi bại trái lương tâm để tự lợi)
- Sĩ (lòng hổ thẹn với lương tâm, với thánh hiền khi làm quấy)
Không nên chấp lầm rằng thân này thật là thân của ta. Bây giờ đã gặp Phật pháp, được thiện tri thức chỉ điểm cho pháp môn niệm Phật, mình phải dốc lòng hết dạ niệm Phật, tu hành để được giải thoát.
Tu thì lúc nào cũng phải chuyên tâm nhiếp niệm. Không thể buông lung, dù trong tích tắc.
Người ngu thì chẳng biết nhân quả lợi hại ra sao. Cứ tùy tiện làm bậy, cho đến không tin rằng có nhân quả, hủy báng nhân quả. Kẻ có trí huệ thì biết sự lợi hại của luật nhân quả cho nên sợ làm sai trái trong vòng nhân quả. Bất luận làm việc gì mình cũng nên suy nghĩ ba lần rồi hãy làm.
Người đời nay không biết được tiền nhân hậu quả của việc trước mắt. Hệt như người mù cởi ngựa đui đi trật đường, mà tự mình chẳng hay biết. Gia đình, quyến thuộc (là chỗ ràng buộc) nhưng họ cho rằng đó là chỗ ân ái thân thiết. Do đó họ không thể nhìn thủng, buông xả. Thật ra thế giới này thật là chỗ vô cùng thống khổ.
Do sát sinh nên oán khí kết tụ, tràn đầy vũ trụ, rồi dẫn tới đủ thứ tai nạn. Nếu người ta không sát sinh mà phóng sinh, không ăn thịt bất kỳ chúng sinh nào thì những tư tưởng bạo lực ác ôn sẽ tiêu trừ. Vì sao có những người hung tợn, bạo động, dữ dằn? Là bởi do họ ăn thịt. Ăn thịt làm tăng thêm dục vọng, tăng thêm tánh nóng nảy, không còn chút từ bi.
Giới luật là sinh mạng của người tu hành.
Mình tu thì phải dốc thân thực hành, dựa vào công phu chân thật. Ðừng nên tìm danh, kiếm lợi. Cũng chớ tự mình quảng cáo. Mình phải học tinh thần hộ trì đạo tràng, giáo hóa chúng sinh của bốn vị Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Ðịa Tạng.
Trong đạo Phật, thường nghe đến câu: Bần tăng! Bần tăng (thầy nghèo)! Chẳng hề có: Phú tăng! Phú tăng (thầy giàu)!
Tại sao có người ngủ gật lúc ngồi thiền? Tại tâm cầu pháp không chân thật. Nếu thật có chân tâm cầu đạo, thì tuyệt đối bạn không thể ngủ gật.
Nếu bạn có thể sửa đổi thói quen ăn, mặc, ngủ nghỉ, làm việc thì bạn mới là vô tâm đạo nhân.
Cả nhân loại trên thế giới ai cũng có đau khổ. Nhưng phải cần có một vị đại trí huệ tới thức tỉnh, nhắc nhở mỗi người sự đau khổ ấy. Từ đó mỗi người mới biết tìm cầu sự khoái lạc chân chính.
Người trên đời nhận lầm cái khổ làm niềm vui.
Ở nhà thì có một chiến tranh nho nhỏ. Trong nước thì chiến tranh lớn hơn. Trên thế giới thì là đại chiến. Mình phải dẹp tan tranh chấp nhỏ trước hết. Rồi sau, trừ đi cuộc chiến lớn hơn. Khi đó tự nhiên đại chiến sẽ chẳng phát sinh.
Tất cả chúng sinh là người trong cùng một gia đình với mình. Vũ trụ là thân thể. Hư không là trường đại học. Tên của ta thì vô hình tướng. Công năng của ta là lòng từ bi hỉ xả.
Phật giáo không hề có pháp làm phát tài.
Vì sao không khí bây giờ bị ô nhiễm? Vì đa số người ta không biết tu hành, không biết cách làm không khí trong sạch nên nó càng ngày càng ô trược.
Người tu có thể dùng phương pháp điện liệu để làm không khí hết độc, hết ô nhiễm. Phương pháp này là gì? Là tỉnh tọa. Từ trong tỉnh tọa bạn có thể phóng ra ánh sáng trí huệ. Ánh sáng trí huệ này chính là điện liệu. Nó có công năng tẩy trùng, làm cho không khí hỗn trược trở nên thanh khiết. Ðây gọi là điện liệu bịnh độc của thế giới.
Vì sao Phật muốn độ chúng sinh? Bởi vì ngài thấy: Tất cả người nam là cha của ta, tất cả người nữ là mẹ của ta. Bởi vì cha mẹ của ngài ở trong lục đạo luân hồi chịu khổ do đó bất luận thế nào ngài cũng phải độ họ, với hy vọng rằng họ sẽ được ly khổ đắc lạc.
Ða số người ta chỉ biết làm ăn nhỏ, chẳng biết làm ăn lớn. Vì sao? Bởi vì họ không có đủ hai thứ: Một, vốn liếng thiện căn không đủ; hai, kinh nghiệm trí huệ không đủ. Do đó họ không thể làm lớn, phát triển mạnh. Thế nào là chuyện làm ăn lớn? Tức là chuyện lớn xuất ly sinh tử luân hồi trong tam giới.
Vọng tưởng thì như biển cả, vốn xưa nay gió im sóng lặng. Nhưng một khi gió nổi thì sóng khởi. Sóng là do gió dấy lên. Nghĩa là khi gió nghiệp dừng thổi thì biển vọng tưởng sẽ im lặng. Làm sao để gió nghiệp dừng lặng? Ðừng tạo nghiệp ác. Rằng: Không làm những chuyện ác, làm toàn những việc thiện.
Nếu bạn còn thích đẹp đẻ, xinh xắn, mỹ quan thì hẳn thói quen (ham sắc) chưa trừ.
Nếu bạn còn thích ăn ngon, thích mùi vị thì thói quen (ham ăn) chưa trừ.
Nếu bạn còn thích trú ngụ chỗ sung sướng, ngủ chỗ êm ái, thì thói (thích hưởng thụ) chưa trừ.
Các bạn nên biết: Chùa chiền nào xây ra, trãi qua một thời gian, cũng sẽ hoại diệt. Tháp miếu trãi qua nạn lửa rồi cũng bị thiêu hủy. Chỉ có tỉnh tọa (ngồi yên lặng tu hành) – nghĩa là tu hành thành tựu Phật Pháp Tăng, Tam Bảo của tự tánh – tới mức đạt được công đức vô lậu, thì đó mới là thứ vĩnh viễn thường trụ. Lúc ấy bạn không sợ bị mưa gió, lửa đốt, bảo táp nữa. Do đó công đức vô tướng (do tu hành với định lực mà không chấp ngã) thì thù thắng hơn công đức hữu tướng (do làm phước với tâm tán loạn, và với sự chấp ngã).
Nổi nóng, bực dọc trong lòng mà không dám nói ra, đó là một biểu hiện của sự sân giận.
Người tu nên dùng đức hạnh để cảm hóa kẻ khác. Không nên dùng thế lực đàn áp người ta. Ðối với ai mình cũng nên nói lời nhã nhặn, đầy đạo lý khiến họ tâm phục, khẩu phục.
Khi quản lý việc ăn uống của đại chúng, người phụ trách phải biết điều hòa việc ăn uống thì mới tạo công đức. Nếu không biết điều hòa cho hợp lý, tùy tiện cẩu thả thì sẽ tạo tội nghiệp. Hợp với phép tắc thì có công; không hợp phép tắc thì có lỗi. Cẩn thận không phí phạm thực phẩm thì có công. Phung phí thực phẩm thì có lỗi.
Trung đạo thì không có vui, buồn, giận, sợ, yêu, ghét, dục vọng. Nếu trong bảy thứ tình cảm trên mà chẳng dậy sóng, thì bên trong lòng bạn sẽ chẳng có vọng tưởng, bên ngoài cũng chẳng tham cầu truy đuổi. Khi trong ngoài thân tâm đều thanh tịnh thì đó chính là cảnh giới của tánh định.
Bảy thứ tình cảm thì hệt như sóng cồn trên biển cả. Nếu sóng dậy ba đào thì thuyền bè ắt lật chìm. Nếu gió ngừng sóng lặng thì thuyền sẽ an bình cập bến. Bởi vậy người tu phải thấu rõ bảy thứ tình cảm ấy. Không phải hiểu ý nghĩa của nó là đủ, mà là phải có năng lực khống chế sự dẫn dụ của nó, điều phục không để chúng tác quái. Nếu không bị bảy thứ tình cảm ấy làm lòng rung động thì mới gọi là tánh định.
Khi việc tới thì mình ứng tiếp nó, nhưng không có chút tâm phan duyên mới được. (Tâm phan duyên là tâm leo trèo như khỉ, so đo, tính toán ích kỷ; luôn tìm kiếm lợi lộc, tìm kiếm móc nối, không ngừng suy nghĩ kế sách cho mình, vì mình). Khi việc xong rồi thì chẳng lưu dấu tích gì trong tâm, để lòng trong sạch. Mình nên thấu rõ rằng ba tâm thái về quá khứ, hiện tại và tương lai đều không thể giữ được. Sau khi thấu hiểu rồi mình hãy theo đó mà tu trì thì mới thật sự hiểu Phật pháp.
Ðiều tối kỵ trong lúc tu học là có đầu mà không có đuôi, đi nửa đường rồi bỏ dỡ. Như vậy thì công phu đã làm sẽ bỏ ngang, không thể tiến bước về phía trước. Rốt cuộc sẽ chẳng cách gì tới được kho tàng quý báu.
Bạn nên nhớ: Làm gì cũng phải có đầu có đuôi. Không nên bị ngoại cảnh làm động tâm khiến bạn thối thất chí nguyện. Bạn phải lập chí nguyện chắc như đá, vững như đồng, không để nghịch cảnh làm rung động, quên mất tâm bồ đề.
Người học Phật thì nên tin nhân quả vì nhân quả thì không sai một mảy may. Không nên lầm lẫn trong quá trình gieo nhân, gặt quả; cũng không nên hủy báng rằng chẳng có nhân quả. Mình nên hiểu: Nhân quả là định luật ngàn đời bất biến.
Những người cùng trú ngụ trong chùa Vạn Phật thì phải tôn kính lẫn nhau. Không nên thúc thủ bàng quan thờ ơ với mệnh hệ của kẻ khác. Mình nên học tinh thần của chư Bồ Tát: Khi các ngài thấy chúng sinh thọ khổ trong chốn lửa bỏng, nước dìm, các ngài cảm giác như chính các ngài thọ khổ vậy. Do đó các ngài mới tìm cách để chúng sinh ra khỏi biển khổ.
Mình biết một chút thì tu một chút. Cứ tích tiểu thành đại, tụ cát thành tháp, khi công phu đủ thì sẽ thành tựu.
Mình không nên bỏ lỡ thời gian cơ hội quý báu, không nên cô phụ lòng kỳ vọng của thầy bạn: Hãy dũng mãnh tinh tấn tu đạo vô thượng, sớm thành Phật đạo.
Lập công (làm việc có lợi có ích cho chúng sinh trong đường đạo), lập ngôn (viết lách, giáo dục, đóng góp vào sự hiểu biết và phát triển trí huệ của thế hệ mai sau) trong phật giáo thì mới chân chính là người con Phật.
Từ nơi cảnh mê mà biết trở về, đó là giác ngộ.
Người tu tuyệt đối không được nổi lửa giận trong tim gan. Phải nhẫn nhục; vì rằng: Lửa vô minh thiêu sạch rừng công đức. Các bạn xin hãy nhớ điểm này.
Chư Phật Bồ Tát có lòng: Thi ân không cầu đền đáp, bố thí không hề hối hận. Các ngài có lòng hiền từ đối với kẻ chẳng có duyên, lòng đại bi xem người như mình. Do sự tu hành như vậy nên các ngài mới hoạch được trí huệ siêu việt, thần thông khó lường.
Ai cũng biết sống trong Tam giới thì không bình an, giống như ở trong ngôi nhà lửa. Nhưng không ai chịu buông bỏ Tam Giới. Biết rõ rằng ngôi nhà lửa Tam Giới thì đau khổ vạn phần, nhưng vẫn cứ muốn lưu luyến ở mãi trong đó, chẳng chút kinh sợ, chẳng chút hốt hoảng. Lại còn nhởn nhơ cho rằng vui sướng lắm vậy.
Bất luận là ở nơi nào mình cũng nên cúng dường Tam Bảo. Chẳng nên tìm lỗi của Tam Bảo, với thái độ vạch lông tìm vết. Thái độ tìm kiếm lỗi lầm là thái độ cống cao ngã mạn, không phải là thái độ bảo vệ Tam Bảo.
Suốt ngày sáu căn cứ chạy theo sáu trần, không biết hồi quang chiếu vào bên trong, thì đó gọi là lậu.
Thế nào là của báu trong nhà? Báu này không phải là châu báu, vàng bạc của thế gian đâu. Tức là chân tâm thường trụ, hay Như Lai Tạng, tánh giác ngộ sáng chói mầu nhiệm.
Người đời thì cả ngày cạnh tranh phấn đấu không ngoài chuyện làm tiền, kiếm ăn, áo mặc, chỗ ở, tìm danh lợi. Ai cũng bị năm thứ ấy làm cho điên đảo; từ sáng tới tối chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Nếu có lúc không lên sở làm việc thì ở nhà lại coi TV, xem xi nê, chơi máy vi tính, đi du ngoạn. Ðủ thứ chuyện để người ta lúc nào cũng bận rộn hoài.
Các bạn nên biết Kinh Lăng Nghiêm là chân thân của Phật, cũng tức là Phật, Pháp, Tăng và giới luật, cũng chính là giới định huệ. Nếu bạn muốn cung kính Phật pháp tăng thì trước hết hãy cung kính Kinh Lăng Nghiêm.
Trên trần gian này, tam giáo cửu lưu, ngũ phương bát đức, tất cả những loài hình hài sắc tướng, có hạnh có nghiệp, ai ai cũng muốn mưu sinh không ai muốn mưu tử. Chẳng ai nghĩ tới tương lai mình sẽ chết làm sao. Sống thì giờ đây đang sống rồi, nhưng chết thì sẽ ra sao? Bởi vì không ai nghĩ tới vấn đề này nên mới nói rằng, chẳng có ai mưu tử.
Làm gì cũng có chừng mực, đừng bao giờ quá cực đoan.
Công phu khuya và công phu chiều là việc công, không ai ở trong đạo tràng được trốn tránh. Không tham gia các công khóa ấy là khinh thường đạo tràng, khinh khi chư Phật, phương trượng. Nếu khinh khi phương trượng thì bạn không thể trú ngụ trong chùa được.
Bí quyết của người tu hành: Ăn ít.
Tu mà không biết sửa đổi lỗi lầm thì cũng như chẳng tu.
Không thể tùy tiện lấy đồ của chùa đem cho người ngoài. Bạn cho rằng làm như vậy là có công đức, thật sự ra đó chính là ăn cắp đồ vật của tăng-già. Hành vi lấy đồ đạc công cộng, tự ý mình riêng tặng cho người khác vì muốn giao hảo tốt với họ, là hành vi phá hoại quy củ của đạo tràng.
Phàm lệ, tất cả mọi công đức tạo ra, mình phải nhất định hồi hướng cho chúng sinh trong pháp giới. Nếu không vậy thì mình sẽ trở thành ích kỷ.
Có Kinh Lăng Nghiêm là có Phật pháp. Vì muốn hộ trì Phật pháp, đầu tiên cả mình phải hoằng dương Kinh Lăng Nghiêm. Mình phải học thuộc kinh, biết giảng giải kinh; sau đó theo lý kinh mà tu hành.
Rớt mất chân tâm thì mình sẽ rơi vào biển khổ, thoát không ra.
Người xuất gia cần biết rằng: Khi đạo nghiệp chưa thành tựu, chớ nên để cho mắc nợ. Nếu bạn bị mắc nợ thì bạn sẽ bị trói cột, không thể giải thoát. Nhất là những thứ duyên không thanh tịnh, nó sẽ hại bạn khiến bạn rút chân không ra, chẳng thể tự tại được.
Là người, ai cũng phải trãi qua sinh lão bịnh tử, bốn cái khổ lớn. Bất kỳ người nào cũng phải chịu mấy cái khổ này. Trừ phi bạn tu đạo liễu sinh thoát tử mà thôi.
Các bạn thiện tri thức! Hãy nhớ tới cái khổ sinh tử, mà phát tâm bồ đề. Ðừng nên trôi nổi trong bể khổ nữa. Phàm, ai không muốn rời bể khổ đều là kẻ ngu muội.
Chuyện gì trên đời cũng đều có quan hệ liên đới. Giống như ba tôn giáo Phật, Lão, Nho thì quan hệ mật thiết với nhau. Nho giáo ví như bậc tiểu học. Ðạo giáo ví như bậc trung học. Phật giáo ví như bậc đại học.
Chúng sinh nghĩa là do chúng duyên hòa hợp mà sinh ra. Chúng sinh không phải chỉ có loài người mà còn bao gồm tất cả loài có sinh mệnh.
Trên đời sự việc thật là kỳ cục. Càng không có thì người ta càng tham. Càng có thì lại càng không thể buông bỏ.
Người có lòng nóng giận là người ngu muội.
Người giàu có là người không thích chiếm tiện nghi. Người chân chính phú quý thì không thích chiếm thượng phong, lấn át người khác. Kẻ nào thích chiếm thuợng phong thì kẻ ấy mới thật là nghèo nàn.
Làm người thì thật là nguy hiểm. Làm Phật mới thật bình an. Nếu bạn thích nguy hiểm thì cứ làm việc nguy hiểm. Nếu bạn muốn bình an khoái lạc thì hãy làm việc bình an khoái lạc.
Lúc bình thường thì mình phải biết niệm Phật, tu pháp môn tịnh độ. Tới khi lâm chung thì mình mới không sinh hoảng hốt, luống cuống, mà sẽ an lạc vãng sinh về cõi Cực Lạc.
Tới lúc chết thì bất luận là mình giàu tới đâu cũng chẳng thể mua được sự bất tử.
Khi người ta thọ ngũ giới, thì mỗi giới họ giữ có năm vị thần hộ pháp bảo vệ họ. Nếu bạn không giữ giới thì năm vị thần ấy sẽ chạy mất. Thay vào đó sẽ có năm vị ác thần tới.
Quay lại tìm đáp án nơi chính mình tức là chân thật chấp nhận rằng mình sai lầm, không bàn luận gì tới lỗi lầm của người khác.
Có những người tiền kiếp đã tạo ra rất nhiều sát nghiệp; ví dụ như săn bắn, lưới cá, giết gà, mổ trâu, thọc tiết heo, làm thịt chó. Vì những người ấy tạo sát nghiệp quá nhiều nên kiếp này họ mắc phải đủ thứ bịnh kỳ quái nan y, khó trị.
Phật pháp không tách rời tâm mỗi người, do đó Phật pháp chính là tâm pháp. Nếu tâm ta không có lòng ích kỷ, vọng tưởng, ngã mạn cuồng loạn, tham vọng dã tâm, thói hư tật xấu, thì đó chính là Phật pháp.
Tinh tấn: Không có nghĩa rằng khi bạn ăn uống nhiều hơn kẻ khác tức là bạn tinh tấn đâu. Tinh tấn cũng không phải rằng khi làm việc thì bạn làm ít hơn người khác. Ðến khi ngủ thì người khác chưa ngủ, bạn đã ngáy; người ta đã thức dậy, mà bạn còn chưa tỉnh. Cũng không phải rằng bạn tinh tấn cầu danh cầu lợi, mà là tinh tấn phát đại bồ đề tâm.
Con quỷ vô thường chẳng kể người già con nít gì cả: Hễ tới lúc phải dẫn mình đi gặp vua Diêm La thì nó sẽ chẳng khách sáo gì đâu. Có câu rằng: Dương gian chẳng già trẻ, âm gian thường gặp mặt. (Trên đời này, thần chết chẳng nể nang gì kẻ già người trẻ. Ở dưới âm phủ, ai ai cũng thường gặp nó.)
Nếu bạn thích nghe kinh: Hãy khuyến khích các người khác cùng tới nghe.
Ði ngược lại lý âm dương của trời đất thì sẽ sinh bịnh nan y bất trị.