PHÓ PHÁP TẠNG NHÂN DUYÊN TRUYỆN
Đời Nguyên Ngụy – Tam tạng Tây Vực là Kiết-già-dạ cùng Đàm Diệu dịch ra Hán Tạng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 5
Ngài Thương-na Hoà Tu lúc sắp nhập Niết-bàn, đem giáo pháp phó chúc cho ngài Ưu-ba Cúc-đa, và nói rằng: – Xưa Đức Bạt-già-phạm đem pháp vô thượng phó chúc cho Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, muốn cho chúng sinh nắm bắt được ngọn đèn lớn, xa lìa hết chướng khổ, thọ hưởng Niết-bàn an lạc. Ngài Ca-diếp lại phó chúc cho thầy ta là ngài A-nan, A-nan lại giao cho ta. Ta nay sắp diệt nên phó chúc lại cho ông. Sau này ông có nhập Niết-bàn thì ở nước Đột-la có một thiện nam tử, sắp sửa ra đời tên là Đề-đa-ca, nguyện hạnh tu tập biện tài đều vô tận. Ông nên độ cho xuất gia, rồi đem pháp Phật phó chúc lại.
Ngài Ưu-ba thưa: xin thọ giáo.
Cho đến khi Tôn giả hóa duyên xong rồi ý muốn nhập diệt, quán xét xem Đề-đa-ca ra đời chưa. Tư duy thì biết là chưa ra đời. Khi đó Tôn giả đem chúng Tỳ-kheo đến nhà kia, lần lần Ngài chỉ đến đó một mình. Vị trưởng giả hỏi:
Đại Thánh! Sao không dẫn quyến thuộc mà lại đi có một mình?
Ưu-ba Cúc-đa đáp: Trưởng giả! tôi là người xuất gia, không có người hầu cận. Nếu ông có thì cho đến theo.
Trưởng giả nói: tôi ham việc thế gia không thể theo Ngài được. Nếu sau này có con sẽ cho Ngài.
Ưu-ba nói: lành thay lời nói này, nên giữ tâm này xin chớ dời đổi. Mà trưởng giả trước nay sinh đã nhiều con, nhưng đã chết khi còn thơ dại, cuối cùng sinh ra đứa con đặt tên là Đề-đa-ca, dung nghi tuấn tú lại thông minh tuyệt học thông suốt hết các kinh luận. Trong đời quá khứ tu hành đã trồng sâu căn lành, ngài Ưu-ba tìm đến xin, trưởng giả vui lòng giao cho. Ngài đem về tăng phường độ cho xuất gia đến hai mươi tuổi độ cho thọ giới Cụ túc. Lúc sơ bạch đoạn hết kiến đế kết đắc quả Tuđà-hoàn. Đệ nhất yết-ma làm mỏng dâm nộ si ám đắc quả Tư-đà-hàm. Đệ nhị yết-ma thì dục giới kiết tận đắc quả A-na-hàm. Đệ tam yết-ma, thì đoạn trừ hết phiền não trong tam giới, kiến lập Phạm hạnh thành tựu
A-la-hán quả, tam minh chiếu sáng, lục thông đều đầy đủ. Ngài du hóa ẩn hiện tự tại vô ngại. Ưu-ba Cúc-đa bảo: – Mặt trời trí tuệ và lòng từ bi của Đức Thế Tôn chiếu sáng khắp nơi, vì muốn cứu đại khổ sinh tử của chúng sinh, đem giáo pháp tu tập từ vô lượng kiếp phó chúc lại cho ngài Ca-diếp, đem ngọn minh đăng soi sáng những nơi tăm tối, khiến cho tất cả đều được tu học, ra khỏi chốn bùn nhơ đoạn trừ lưới ái.
Ngài Ca-diếp phó chúc cho Tỳ-kheo A-nan. Ngài A-nan sau đó giao lại cho Tôn sư Thương-na Hoà Tu. Ngài Thươn-na Hòa Tu chúc phó lại cho ta. Pháp luân thường chuyển tương tục như thế, đem nước cam lồ diệt hết lửa phiền não. Ta nay việc hoằng hóa đã xong, cõi Niếtbàn không còn bao xa, ta đem pháp bảo giao lại cho ông. Ông phải khéo giữ gìn chớ để cho suy diệt.
Lại này Đề-la-ca! – Như Lai nhập Niết-bàn, chư Hiền Thánh cũng đã ẩn diệt, cho nên tất cả bảo tạng thâm kinh dần dần mai một. Thế gian hôn ám lưu chuyển trong sinh tử, vì sao? thầy ta sau khi đã diệt độ thì bảy vạn bảy ngàn kinh Bổn sinh đầy đủ. Một vạn tạng A-tỳ đàm gồm có tám vạn Tỳ-ni thanh tịnh. Các pháp này từ từ giảm bớt. Một vị Niết-bàn chúng pháp suy giảm, huống chi nhiều Hiền Thánh cùng diệt. Thắng pháp tịnh diệu vĩnh viễn không thay đổi. Vậy nay ta ân cần giao phó lại cho ông. Ông nên chí tâm kính thuận theo ý ta. Đối với tất cả chúng sinh nên khởi lòng bi mẫn, thọ trì lưu bố chớ để cho đoạn tuyệt.
Đề-đa-ca nói: Kính thọ lời Tôn giả, con sẽ giữ gìn chánh pháp.
Từ đó Ngài lần lượt tuyên nói pháp vị vô thượng, hóa độ rộng khắp chúng sinh. khi duyên hết nhập Niết-bàn hàng nhân thiên đều bi cảm. Đại chúng thâu xá-lợi xây tháp cúng dường. Đề-đa-ca khi sắp lâm chung phó chúc pháp tạng cho đại đệ tử là: Di-già-ca, vị này đa văn bát đạt có đại biện tài.
Ngài bảo: Phật đem chánh pháp trao cho ngài Ca-diếp lần lượt cho đến ta. Ta sắp Niết-bàn muốn giao lại cho ông. Sau này ông nên lưu bố thế nhãn. Di-già-ca đáp: lành thay, con xin nhận lãnh.
Từ đó ngài Di-già-ca tuyên lưu chánh pháp bảo tạng, khiến cho chúng sinh khai mở đạo Niết-bàn. Hóa duyên xong rồi Ngài nhập diệt. Đem giáo pháp trao cho ngài Phật-đà Nan-đề, khiến cho thắng vị cam lồ được lưu truyền mãi.
Ngài Nan-đề sau đó rộng tuyên phân biệt, chuyển đại pháp luân, hàng phục ma vương. Sau đó phó chúc lại cho Phật-đà Mật-đa, vị này đức lực sâu xa vô lượng, khéo dùng các phương tiện để hóa độ chúng sinh, khiến cho mọi người xa lìa hết ác kiến, hướng về đạo tối thắng.
Ngài đem trí tuệ để tự trang nghiêm, diễn pháp vị thanh tịnh, bẻ gãy mọi tà thuyết.
Các công đức như thế không thể cùng tận. Tôi nay tuỳ thuận chỉ nói ra ít phần. Có vị Đại quốc vương thống lãnh khắp cả thiên hạ là người cao tài dõng mãnh, đa văn bác đạt. Vua chỉ phụng sự tà thuyết, tín thọ tà kiến, đối với Tam bảo đã từng khinh huỷ hoại diệt.
Phật-đà Mật-đa liền nghĩ: thầy ta là Nan-đà đem giáo pháp phó chúc cho ta, ta phải làm sao cho chánh pháp được lưu truyền để cho tất cả chúng sinh được lợi ích an lạc. Nay vị quốc vương nước này tin theo tà kiến, ta phải đến đó để điều phục, việc này cũng như chặt cây, nếu gốc đã ngã thì cành lá không bao lâu cũng tàn úa. Nghĩ như thế rồi, Ngài đem xích phan đi trước chỗ vua, làm như thế suốt nhiều năm mà vua không hề hỏi tới. Rồi một hôm đột nhiên hỏi:
Người này là ai mà đi trước ta vậy? Tuỳ tùng ra hỏi ý Tôn giả, Ngài nói:
Đại vương! Ta là người trí có thể đàm luận cùng ngài, muốn đến trước vua cầu xin thử nghiệm.
Nhà vua liền cho vời hết chư vị Bà-la-môn, trưởng giả cư sĩ thông minh bác học khéo dùng ngôn từ, cùng vân tập lại nơi điện chánh thắng để cùng đối đáp luận nghị với Sa-môn.
Khi mọi người đã có mặt đầy đủ, vua cho trang hoàng chánh điện đầy đủ hương hoa tráng lệ minh tịnh. Ngài Phật-đà Mật-đa liền bay lên pháp toạ, cùng bọn ngoại đạo lập luận vô phương. Kẻ thiển trí một lời nói ra liền bị khuất phục. Người đa ngôn biện trí thì lời nói không tận. Vua thấy chúng nhân lý đều bị bẽ gãy nên tự mình cùng ngài Mật-đa luận nghị. Vừa nói lên cũng bị khuất phục – Ngài Phật-đà Mật-đa liền nghĩ:
Ta cùng vua luận nghị chớ nên hiển bày sự thắng lợi nên nói: Nghĩa này sâu cạn xin vua tự hiểu lấy.
Khi ấy vua biết là mình đã yếu lý mới hối cải tà tâm quay về chánh pháp. Xin làm đệ tử thọ tam quy, từ đó Ngài hoằng tuyên đạo hóa khắp quốc độ. Bấy giờ trong nước có một ni-càn, tà kiến rất mạnh, huỷ báng chánh pháp. Người này biện tuệ thông đạt, khéo môn toán số. Ngài Mật-đa ý muốn giáo hóa, mới đến xin làm đệ tử để học pháp thuật, không bao lâu Ngài thông đạt hết thảy. Ni-kiền tử, phát ra lời đại ác mắng nhiếc Phật, ngài Phật-đà nói:
Ni-kiền tử! chớ nói ra lời này, ông sẽ đắc tội, quả báo ắt sẽ đoạ vào địa ngục. Ni-kiền tử nói: ông há biết việc này sao?
Mật-đa đáp: – nếu không tin ông có thể dùng toán số sau đó mới đủ chứng tri. Ni-kiền tử tự mình suy đoán số thì thấy mình bị đoạ vào địa ngục. Thế rồi ông sinh lòng sợ hãi, cầu xin sám hối, cúi lạy ngài Mật-đa thưa rằng: nhân giả! tôi làm sao để tránh được tội này.
Ngài Phật-đà bảo: Ni-kiền tử! Như người té xuống đất thì phải từ đó mà đứng lên, ông quy y Phật thì diệt được tội này, lúc này Ni-kiền khởi tâm đại tín đem năm trăm bài kệ tán thán Như Lai, tự mình quở trách và sám hối tội trước.
Phật-đà Mật-đa liền bảo: – ông đem tâm này khéo tu nghiệp duyên, khi mạng chung ắt sẽ sinh về cõi trời.
Ni-kiền lại nói: vì sao Ngài biết tôi sẽ được sinh thiên. Mật-đa bảo: nếu không tin thì dùng toán số để biết sự thật. Ni-kiền tử liền tính toán, tự thấy mình tội diệt được sinh lên trời. Ông rất vui mừng xin ngài Mật-đa xuất gia.
Mật-đa nói: – nên nói cho môn đệ của ông, sau đó mới xuất gia.
Đệ tử Ni-kiền gồm có năm trăm người, khi tất cả mọi người đến đông đủ ông bảo: ta gặp được thắng lý thật là yêu thích, nên muốn xuất gia học đạo theo pháp Phật các ông có thể tuỳ theo ý thích của mình mà đi, nên tìm minh sư để bẩm thọ thắng pháp, lúc này chư đệ tử đều bạch với thầy: chúng con vốn tôn kính ngưỡng phục thầy như Đại vân cái. Thầy gặp thắng đạo, chúng con cũng muốn tuỳ theo, thế là Ni-kiền tử cùng năm trăm người đến chỗ Tôn giả cầu xin xuất gia.
Từ đó Tôn giả danh tiếng lan rộng cõi Phù-đề. Ngài giáo hóa vô lượng chúng sinh. Khi duyên hết nhập diệt thì chúng đệ tử đều cảm hoài bi thương, thâu thập xá-lợi tạo tháp cúng dường. Ngài Mật-đa khi sắp Niết-bàn, bảo với một đệ tử là Hiếp Tỳ-kheo rằng:
Ngày sau ông nên xiển dương Thánh giáo giáo hóa chúng sinh cùng được giải thoát.
Tỳ-kheo bạch: thưa Đại sư! xin y giáo phụng hành. Con sẽ dốc tâm giữ gìn chánh pháp. Hiếp Tỳ-kheo do vì túc nghiệp nên ở trong thai mẹ đến hơn sáu mươi năm. Khi ra đời thì tóc tai bạc trắng, nhàm chán cảnh ngũ dục nên không thích ở nhà. Ông đến ngài Mật-đa đảnh lễ cầu học đạo. Ngài liền độ cho xuất gia và nói pháp yếu, cũng như lụa trắng sạch sẽ dễ thọ nhiễm sắc, ở trên toà Ngài đắc A-la-hán. Tam minh chiếu tỏ lục thông vô ngại. Cần tu khổ hạnh, tinh tấn dũng mãnh, chưa từng đặt lưng xuống chiếu để nằm. Người đương thời gọi Ngài là Hiếp Tỳ-kheo. Ngài khéo thuyết pháp yếu hóa độ chư chúng sinh. Khi việc làm đã xong, ngài liền nhập Niết-bàn. Chúng thâu thập Xá-lợi khởi tháp cúng dường…
Hiếp Tôn giả khi sắp nhập diệt bảo một Tỳ-kheo tên là Phú-naxa:
Trưởng lão nên biết! Phật pháp vi diệu có công đức thật lớn lao. Thế nên chư Thánh đều phụng trì đảnh lễ. Ta thọ lời phó chúc giữ gìn pháp này. Nay sắp nhập Niết-bàn nên giao lại cho ông. Ông nên chí tâm gìn giữ thọ trì.
Phú-na-xa đáp: xin vâng lời Đại sư.
Từ đó Ngài xướng diễn diệu pháp thù thắng vi diệu, hóa độ vô lượng chúng sinh. Sau đó ngài vào rừng ngồi kiết-già tịch lặng tư duy, có một vị Đại sĩ tên là Mã Minh. Đại sĩ là người có trí huệ bác lãm uyên thâm, siêu quần tuyệt chúng, những kẻ nạn vấn thảy đều bị khuất phục. Cũng như gió mạnh thổi hết cây khô. Do đây mà khởi tâm kiêu mạn xem thường mọi người. Chấp thật có bản ngã nên tự cống cao. Ông nghe có Tôn giả tên là Phú-na-xa là người có tuệ trí sâu rộng, đa văn bác học, nói các pháp không vô ngã vô nhân, vì mạng lòng khinh mạn, cho nên liền tìm đến nói rằng: tất cả ngôn luận ở thế gian ta có thể bẻ gãy như loài cỏ dại. Lời nói này nếu không thành thật, thì sẽ cắt lưỡi này để tạ lỗi.
Phú-na-xa nói: trong pháp Phật có nhị đế. Nếu theo thế đế giả danh là ngã. Đệ nhất nghĩa đế đều là không tịch. Như vậy, suy ra thì ngã lấy gì mà chấp.
Lúc này Mã Minh tâm chưa được điều phục, chỉ dựa vào cơ tuệ mà cho là mình đã thắng.
Phú-na nói: – Ông suy nghĩ sâu xa chớ nói ra lời hư vọng. Ta và ông hôm nay xem nhất định rồi ai sẽ thắng.
Mã Minh nghĩ: thế đế giả danh định là phi thật. Đệ nhất nghĩa đế tánh lại là không tịch, nếu hai đế này đều không thể đắc. Đã không sở hữu thì lấy gì để hoại. Ta ắt không thể thắng nổi rồi.
Nghĩ rồi thì định cắt lưỡi mình. Phú-na nói: Phật pháp nhân từ không cắt lưỡi của ông. Vậy nên cắt tóc làm đệ tử của ta.
Sau đó Tôn giả độ cho Mã Minh xuất gia, tâm ông vẫn còn hối hận muốn xả bỏ thân mạng, lúc này Phú-na-xa đắc quả La-hán, Ngài nhập định quán xét biết rõ tâm niệm này. Tôn giả bảo Mã Minh vào ám thất lấy kinh.
Mã Minh thưa: Đại sư! ám thất này tối tăm làm sao đến đó.
Tôn giả nói: đến lấy ta sẽ cho ông xem.
Lúc này Tôn giả liền dùng thần lực, từ xa duỗi tay xuyên vào thất, năm ngón tay phóng ánh sáng soi sáng căn thất không chỗ nào mà không nhìn thấy.
Lúc này Mã Minh trong tâm nghi ngờ cho là huyễn, phàm các pháp huyễn biết thì liền diệt, mà ánh quang minh này lại trở nên rực rỡ, cần phải dùng phương thuật để diệt ánh sáng này. Nhưng nổ lực hết sức vẫn không có dị tướng, nên chịu khuất phục. Từ đó cần tu khổ hạnh không hề thối chuyển.
Như thế Tôn giả khéo dùng phương tiện để độ chúng sinh, việc làm đã xong Ngài liền nhập Niết-bàn. Tứ chúng xây tháp cúng dường xá-lơi. Xưa ngài Phú-na-xa khi nhập diệt giao phó pháp tạng cho Mã Minh và nói rằng: Ví như trong nhà tối đốt đèn đuốc sáng lên các vật đều rõ ràng. Ngọn minh đăng pháp tạng cũng thế, lưu bố khắp thế gian trừ hết sự tối tăm. Thế nên Như Lai diễn nói chánh pháp này là để chúng tu hành theo. Chư Hiền Thánh nhân cùng gia hộ phó chúc cho đến ta. Nay ta đem thắng nhãn giao phó lại cho ông. Từ nay ông nên chí tâm thọ trì, và đem lại lợi ích cho đời vị lai.
Thế là từ đó ngài Mã Minh lãnh tuyên pháp tạng thâm áo, kiến đại pháp tràng, tiêu diệt tà kiến. Ngài đến thành Hoa thị du hành, giáo hóa. Muốn độ dân chúng ở thành kia, mới làm khúc kỷ nhạc tên là: “Lại-sất-hoa-la”, âm thanh của khúc này thật là thanh nhã ai oán điều hoà. Về lời ý thì tuyên nói các pháp khổ không vô ngã, đó chính là: hữu vi như huyễn như hóa, tam giới là nơi trói buộc không có nơi nào là vui. Vương vị cao hiển thế lực được tự tại, một khi vô thường đến thì mấy ai được tự tại. Như mây trên hư không chẳng mấy chốc liền tan biến.
Thân này hư giả có khác nào như ba tiêu, lấy oán làm giặc không thể nào được gần gũi tự tại. Cho nên chư Phật vẫn thường chê trách thân này. Như thế rộng nói các nghĩa không, vô ngã, vô thường. Ngài đem âm nhạc để diễn bày. Bấy giờ người tấu nhạc không thể hiểu rõ, nên âm khúc điều phối đều sai lệch. Lúc này ngài Mã Minh mặc áo dạ trắng nhập vào trong đoàn kỷ nhạc, tự tay đánh chuông trống điều hoà các cây đàn cầm sắt. Âm tiết liền trở thành ai nhã, thành tựu khúc điều, diễn nói các pháp khổ không vô ngã. Bấy giờ trong thành có năm trăm vương tử, đồng thời được khai ngộ nên chán ghét cảnh ngũ dục nên xuất gia học đạo. Bấy giờ vua nước Hoa thị sợ dân chúng nghe âm nhạc này bỏ nhà xuất gia làm cho đất nước hoang vắng nên ra lệnh phế bỏ. Vua tạo đủ thứ tiện nghi để cho nhân dân chớ theo loại kỷ nhạc này nữa, dân trong thành Hoa thị gồm có chín ức người. Vua nước Nguyệt Chi uy đức rất mạnh. Vua tên là Chiên-đàn-kế-ni-sất, chí khí rất hùng dũng oai vệ, đem quân chinh phục các nơi đều khuất phục tất cả. Vua cử đại binh tiến đánh nước Hoa thị. Giao chiến không bao lâu rồi sau mới quy phục. Vua đòi chín ức kim tiền. Bấy giờ vua đem ngài Mã Minh, bát Phật cùng một con gà có từ tâm, mỗi thứ trị giá ba ức để hiến cho Vua Nguyệt Chi. Mã Minh Bồ-tát thì trí tuệ siêu xuất. Công đức bát Phật của Như Lai thọ trì, con gà có từ tâm không uống nước có sinh trùng trong đó, có thể tiêu diệt hết oán địch. Vua Nguyệt Chi rất hoan hỷ nạp thọ, liền đem quân trở về. Vua Kế ni Sất có công đức rất lớn. Vua lập chí nguyện rất kiên cố, từng đặt nê đoàn trên tháp Phật, nhân đó lập thệ rằng: Nếu con đời sau được thành chánh giác trong số một ngàn vị Phật, thì khiến cho khối nê đoàn (khối bùn) này thành Phật tượng. Nguyện xong liền được thành tựu, nghi tướng kỳ đặc hình trạng như hình vẽ. Tâm vua thật vui mừng vô lượng. Sau đó vua đi du hành thấy tháp của ngoại đạo bằng bảy báu trang nghiêm, thì hoan hỷ cho là tháp Như Lai, đến trước cúi đầu làm lễ, chí tâm cung kính, đốt hương tán hoa, nói kệ tán thán rằng:
Đầy đủ tất cả trí,
Đoạn trừ dục não chướng,
Chư tiên tối thắng tôn,
Danh xưng biến tam giới,
Giải thoát lìa ba cõi,
Thương xót loài quần sinh,
Chỗ nói thật chân đế,
Dẹp hết những tà luận,
Cho nên ta ngày nay,
Đảnh lễ và cúng dường.
Nói kệ xong thì bảo tháp liền nghiêng đổ xuống. Vua thấy thế kinh hãi nói:
Lẽ nào phước báo vương vị ta sắp hết chăng? Vì sao ta đảnh lễ thì bảo tháp nghiêng đổ.
Có người thưa: Tháp vua vừa lễ đó là của ngoại đạo. Vì uy đức kém nên không được phước lễ của người có đức cho nên sụp đổ.
Chúng nhân khen rằng: – lạ thay đức của Đại vương thật thâm hậu, lễ lạy tháp tà giáo đủ khiến cho kia phải sụp đổ huỷ hoại. Công đức của vua sánh ngang bằng với Phạm thiên.
Lại có một lần vua sai người cạo râu đến cạo râu cho mình. Thợ cạo đứng trước mặt vua nói rằng: Tôi có đứa con gái rất thông minh mẫn tuệ lại xinh đẹp mẫn tuệ, xin đại vương thâu nạp làm (cung phi) vợ.
Vua giận dữ nói: ngươi là dòng hạ tiện thấp kém, làm sao ta có thể lấy con gái ngươi. Rồi vua ra lệnh đuổi đi nơi khác. Người kia im lặng không dám nói gì nữa. Sau vua lại triệu đến thì cũng lại tâu như trước. Như thế đến ba lần. Vua liền suy nghĩ: – Nay dưới đất này ắt là có bảo tàng, nên người này mới dám nói vậy.
Vua sai người đào đất lên, quả thật kho báu rất nhiều. Vua là người có trí tuệ như thế.
Có lần vua hỏi quần thần: trong các nước có ai là người đầy đủ trí tuệ đáng kính không.
Đương thời có vị Tỳ-kheo tên là Đạt-ma Mật-đa trí tuệ rất thâm hậu, công đức lại đầy đủ, khéo thông đạt được tam-muội định tướng.
Ở Nam Thiên-trúc có hai Tỳ-kheo, tâm ý nhu hoà, chỉ ưa thích pháp thiện. Hai vị nghe Tôn giả Mật-đa là bậc toạ thiền đệ nhất, nên cùng nhau tìm đến. Nơi đó có ba hang sâu. Khi hai người xuống hang thấy có một Tỳ-kheo mặc y phục rách rưới, hình mạo xấu xí, đang ngồi đốt lửa trong bếp, hai vị hỏi:
Trưởng lão Đạt-ma ở chỗ nào?
Đáp: Ở trong hang tối thượng, các ông mau đến gặp.
Hai người liền đến hang thượng thì đã thấy vị Tỳ-kheo trước ở đó. Một vị Tỳ-kheo nói với bạn: Lão Tỳ-kheo này sao giống với vị mình đã thấy ở dưới.
Vị Tỳ-kheo là người thông minh chợt hiểu, liền nói: Tôn giả là người có thần lực như thế, tiếng tăm vang dội, há không thể đến ngồi đây sao?
Tỳ-kheo liền tiến đến trước cúi đầu đảnh lễ:
Uy danh của Đại đức thế gian thật ít có, lẽ nào tự hạ mình làm tăng đốt lửa. Đạt-ma Phật-đa bảo: – ông nên lắng nghe.
Ta nghĩ sinh tử là điều thọ khổ lâu dài. Nếu tay có thể nắm được lửa, ta nên vì tăng mà đốt hết lửa đó, huống gì phân thân khác để đốt lửa, đâu có gì khó. Ta nghĩ đời trước trong năm trăm đời thường làm thân chó, đói kém gầy yếu duy chỉ được một lần no. Là do một người say rượu, ói mửa ra đất, thế là ta được bữa no.
Lại xưa kia, có hai vợ chồng nấu cháo trong nồi rồi bỏ đi ra ngoài. Ta thấy không người nên vào nhà, chúi đầu vào nồi ăn hết cháo, nhưng muốn rút đầu ra không được. Thế rồi hai vợ chồng kia vào nhà, thấy ta ăn cháo thì giận dữ liền lấy dao chém vào đầu ta, năm trăm kiếp ta làm thân chó, duy chỉ có hai lần ăn no nhưng lại chịu mất thân. Vì vậy mà ta tư duy chuyện sinh tử dài lâu, đầy khắp trong ngũ đạo thật khổ vô lượng.
Do đó mà ta không sợ cần lao, vì chúng tăng đốt lửa.
Hai Tỳ-kheo nghe lời nói ấy rồi, càng quán việc sinh tử khổ hoạn vô lượng, liền khi ấy chứng đắc quả Tu-đà-hoàn. Danh tiếng của Mậtđa vang dội như thế. Quần thần nghe tiếng ngài liền tâu với Vua.
Đại vương nên biết, trong núi Kế-tân có vị Tỳ-kheo tên là Đạt-ma Mật-đa, là bậc tài tuệ siêu luân, phước đất sâu dày. Vua nên đến đó thăm hỏi cúng dường. Khi ấy Kế-ni-sất sửa soạn xe ngựa cùng với quần thần đi đến núi Kế-tân cách kinh thành hơn năm trăm lý.
Vua suy nghĩ: nếu Tỳ-kheo kia phước đức sâu xa, đáng cho ta lễ lạy cúng dường. Vậy thì người bạc phước không thể kham thọ.
Đạt-ma Mật-đa tánh tình thuần khiết mặc y phục rách rưới nhan sắc tiều tụy.
Đệ tử Tôn giả cùng nói: Vua Kế-ni-sất uy danh rất rộng lớn, xa giá đến đây để lễ lạy Đại sư. Xin Ngài nên trang nghiêm mặc y phục sạch sẽ để vua kia không xem thường.
Đạt-ma bảo: xưa đức Như Lai không có dạy hàng đệ tử khi gặp người hào quý thì phải trang nghiêm sạch sẽ. Vả lại người xuất gia y phục thô xấu là thường, đâu cần phải thay đổi.
Khi ấy vua bước vào cúi đầu lễ kính thăm hỏi Tôn giả, Đạt-ma biết tâm niệm của vua liền khạc đàm cho vua hứng. Vua chắp tay hứng lấy rồi bỏ. Hỏi rằng:
Ta nay có kham được vua cúng dường không?
Vua liền bội phục và càng sinh lòng kính tin. Tôn giả nói: – vua trước kia từng vì thắng đạo mà đến, nay có thể trở về đường cũ mà đi.
Vua nghe lời này thì thọ giáo trở về nước. Lúc này quần thần sinh phẫn nộ. Vì sao đại vương tới để thăm người, mà khi gặp lại không biện luận gì hết vậy.
Vua bảo: – Các ông há biết được việc này. Ta xưa kia tích tụ phước hạnh. Nay được làm vua tài tuệ xuất thế. Tôn giả bảo ta trở về tu đại nghiệp. Đã thọ huấn trở về lại còn thưa hỏi gì nữa.
Sau đó vua đến thành Ni-sất, thấy trướcđường có năm trăm khất sĩ đang kêu gào xin bố thí. Vua nghe bèn mở đại thí hội cho kẻ xin ăn, tất cả vàng, bạc, lưu-ly voi ngựa ruộng vườn, nhà cửa. Khi trở về lại mở hội thí cho người nghèo khổ, cô quả. Đem chánh pháp trị thế, lấy lòng nhân nuôi dưỡng thiên hạ.
Bấy giờ có một vị đại thần tên là Thiên Pháp, khởi niệm nghĩ: Vì sao vua gặp những kẻ ăn xin lại kiến lập ra nhiều công đức thù thắng như thế. Ông đem ý này hỏi vua, vua bảo:
Người ăn xin đối với ta rất có lợi ích. Vì bản thân cùng lời nói của họ đã giúp ta khai ngộ. Họ xưa kia làm vua mà không tạo nhân phước, cho nên ngày nay phải chịu nghèo hèn khốn khổ, thân thể tiều tuỵ khổ não.Vua nếu không lo bố thí làm phước, đời sau ắt cũng vậy. Người ăn xin bảo thế, ta ngộ được nên sẵn lòng tạo phước.
Thiên Pháp tâu: vua không chỉ ở ngôi vị thù thắng khắp thiên hạ, trí tuệ cũng thống triệt hơn cả vạn nước.
Bấy giờ vua nước An Tức bản tánh rất bạo ngược, định mang binh sang xâm chiếm nước Kế-ni-sất – Vua nước này cũng sửa soạn nghênh chiến. Vua nước Kế-ni-sất thắng lợi tàn sát người An Tức hơn chín ức.
Vua hỏi quần thần:
Tội này của ta có thể diệt được không?
Chư thần đáp: Đại vương giết đến chín ức người, tội đã sâu nặng làm sao diệt được. Thế là vua cho đem ra cái chảo lớn, đun nước sôi sùng sục trong bảy ngày. Vua đặt một chiếc vòng bằng vàng vào chảo nước đang sôi dữ dội rồi bảo quần thần: – Ai khéo dùng phương tiện lấy vong này ra.
Có vị quan vâng lệnh vua lấy nước lạnh đổ vào chảo nước để lấy vàng ra.
Vua bảo: tội của ta cũng như chảo nước nóng này, nếu sám hối có thể tiêu được cũng như dùng nước lạnh đổ vào. Ta giết người tuy đến chín ức, mà trọng tội duy chỉ có hai người rưỡi. Lúc ta giết có hai người hiền tín, sắp sửa bị hại họ liền niệm nam-mô Phật. Ta giết họ tội thật thâm trọng. Còn một người miệng tuy nói nam-mô Phật mà chưa biết Phật, đó là hạng Phú-lâu-na. Ta giết người này cũng là nửa người.
Khi đó có một Tỳ-kheo La-hán thấy vua Kế-ni-sất tạo ra nghiệp ác này, muốn vua lo sợ hối lỗi liền dùng thần lực, mở ra cảnh địa ngục có tên là trảm thích kiếm luân giải hình”. Trong ngục này đầy tiếng bi thương khó nhẫn. Vua thấy thì lòng sợ hãi vô cùng, trong tâm nghĩ: Ta quá sức ngu si nên tạo ra ác nghiệp này, đời sau ắt sẽ thọ lấy quả khổ. Nếu ta biết trước ác báo như thế này, ắt đã không tạo ra oan nghiệt với oán tặc, huống chi đối với người thiện mà sinh niệm ác.
Lúc ấy ngài Mã Minh liền nói với Vua:
Vua nên chí tâm nghe lời ta nói pháp, tuỳ thuận theo lời dạy của ta mà đảnh thọ, khiến tội của vua không rơi vào địa ngục.
Vua nói: lành thay! xin thọ giáo.
Ngài Mã Minh nói pháp thanh tịnh cho vua nghe, nhờ đó mà tội trọng dần dần vơi nhẹ.
Lại có một thầy thuốc tên là Già-lặc, là người đa văn thông tuệ khéo hiểu rõ các phương thuốc. Ông lại là người từ hoà nhân ái, lợi trí biện tài. Vua Kế-ni-sất nghe danh thường vời vào cung. Khi y sư đến vua nói: ta nay khéo điều hoà thân thể, nằm ngủ bên mặt tiết chế sự ăn uống. Như vậy sao lại còn dùng thuốc.
Già-lặc nói: Vua nếu làm được như thế, thì nên xuất gia. Phàm làm vua thì túng tình nhục dục, buông lung thân khẩu. Nay vua còn kiêm nhiếp phòng hộ thì sao còn tham ngôi vị mà ở lâu nơi đời.
Vua nghe lời này tự biết mình đuối lý. Y vương lại nói: Đại Vương nếu tin lời nói của tôi, làm theo như vậy thì thân sắc vua sẽ sung mãn, ăn uống tiêu hóa trọn không còn hoạn bịnh.
Vua nói: lành thay! xin vâng theo lời dạy.
Sau đó không lâu, một phu nhân của vua có thai, đủ tháng ngày sinh ra một nam nhi. Trước kia phu nhân từng sinh con rồi bị chết, người mẹ khổ thống, tánh mạng gần nguy ách. Từ đó về sau mấy lần chuyển sinh cũng vậy. Lúc này Già-lặc chỉ tay vào thai, thế là mẹ inh con được an ổn vẹn toàn.
Y vương nói: Đại vương! Từ nay chớ nên sủng ái người phụ nữ này, nếu gần gũi ắt sẽ như cũ.
Vua Kế-ni-sất dâm dục rất mạnh, không thể tiết lượng nên càng sủng hạnh phu nhân này. Sau sinh con cũng chịu khổ độc như thế. Lúc này Y vương mới biết căn bản của ngũ dục thật quá mạnh, ông nghĩ: Vua Kế-ni-sất không chịu nghe lời ta nên dẫn đến các sự khổ này.
Quả thật dục vọng chẳng có gì đámg vui cả, táng thân bại đức đều do đây cả. Nó làm bại hoại hết danh tiếng ô nhục người Phạm hạnh. Phàm phu mê hoặc không thể xa lìa. Người trí thì xem đó như oán tặc. Ta nay nên xa lìa pháp ác này, ẩn cư nơi chốn núi non nhàn tu niệm định.
Thế là ông từ vua xuất gia học đạo. Ông là bực xuất thế cao tài, uyên minh bác đạt, du hóa khắp thế gian tuyên giảng ký luận.
Lại có một vị đại thần tên là Ma-tao-la, là người có tuệ trí siêu luân tài nghệ ít ai bì, ông tâu vua rằng: – Đại vương nên tuỳ thuận theo lời của hạ thần. Điều này có thể khiến cho vua quy phục cả tứ hải, tất cả thần dân đều tôn ngưỡng bát biểu quy đức. Nên xét lời của hạ thần chớ để lộ ra. Vua nói: tốt lắm sẽ y như lời khanh nói.
Bấy giờ quan đại thần tập hợp binh tướng hùng mạnh, đi đến đâu thảy đều khuất phục, như mưa đá bạt hết cỏ cây. Nhân dân trong ba biển đều thần phục.
Vua cỡi ngựa du hành các nơi và nói:
Ta chinh chiến ba biển đều quy thuận, duy chỉ có Bắc hải là chưa hàng phục, vậy nên làm thế nào?
Quần thần nghe vua nói vậy đều cùng thương nghị: – Vua tham tàn vô đạo, mấy lần chinh chiến làm cho nhân dân đồ thán. Nay còn không biết đủ muốn thâu tóm cả bốn biển. Binh bị xa xôi làm cho thân thích phải phân ly, sự thống khổ này không bao giờ dứt. Vậy thì chúng ta nên đồng tâm trừ đi để đem lại an lành cho mọi người.
Do vua bị bịnh sốt rét lại bị trấn áp, ngồi trên toà cao trong khoảnh khắc thì mạng chung. Do vua nghe ngài Mã Minh thuyết pháp, nên sinh vào trong biển lớn làm con cá ngàn đầu. Cá bị bánh xe kiếm chém sạch. Tiếp tục sinh ra lại bị chém nữa. Như thế lần hồi đến vô lượng, không bao lâu cả đại hải đầy cả đầu cá. Khi đó có vị La-hán làm tăng Duy-na. Vua cá liền nói: – khi Ngài đánh kiền chuỳ, nghe tiếng bánh xe kiếm liền dừng lại, nên tôi cũng bớt thống khổ một chút, xin nguyện đại đức từ bi thương xót đánh kiền chuỳ cho thật dài lâu.
La-hán thương cảm đánh kiền chùy dài ra, qua bảy ngày thì mọi khổ não đều dứt. Chùa này nhân chuyện trên mà được tuyên truyền là nơi “Trường đả kiền chùy” cho đến nay vẫn như cũ.
Ngài Mã Minh đem nguyện đại hạnh diễn pháp vị cam lồ mà vua Kế-ni-sất có được lợi ích lớn, và lại độ thoát cho vô lượng ức người. Khi việc làm đã xong, Ngài xả mạng hạnh, đại chúng thâu thập xá-lợi xây tháp cúng dường.Khi sắp nhập diệt Mã Minh Bồ-tát có bảo với một vị Tỳ-kheo tên là Tỳ-la: Trưởng lão nên biết! Pháp Phật thuần tịnh có thể trừ hết phiền não cấu. Sau này ông nên cúng dường lưu bố.
Tỳ-la đáp: xin thọ giáo lời Đại sư.
Từ đó về sau Ngài rộng tuyên chánh pháp, đem công đức vi diệu mà tự trang nghiêm. Ngài trí huệ sâu rộng lại khéo dùng ngôn từ, làm cho bọn ngoại đạo tà kiến đều bị khuất phục. Ngài tạo ra luận Vô ngã đủ một trăm bài kệ. Luận này lý lẽ siêu việt như chất kim cương không gì làm băng hoại. Khi sắp lâm chung ngài Tỳ-la giáo hóa cho một vị Đại sĩ tên là Long Thọ. Ngài Long Thọ sau đó lưu truyền pháp nhãn, đem diệu dụng công đức để tự trang nghiêm. Ngài kiến lập pháp tràng hàng phục chúng dị đạo. Công đức như thế không thể tính được. nay nên tuỳ thuận nói rõ các nhân duyên: Ngài sinh ra tại nước Nam Thiên-trúc, dòng dõi Phạm Chí trong gia đình đại hào phú. Khi sinh ở dưới một gốc cây, do rộng mà thành đạo nhân đó mà gọi tên là Long Thọ. Tuổi nhỏ Ngài thông minh tài trí, sức học siêu thế. Khi Ngài còn ẵm bồng đã nghe được chư phạm chí tụng bốn bộ vệ-đà. Bộ sách này sâu xa uyên bác gồm bốn vạn bài kệ. Mỗi bài đủ ba mươi hai chữ, ngài đều thông đạt hết cú nghĩa. Tuổi trẻ tiếng tăm đã vang dội các nước, thiên văn, địa lý, chiêm tinh, đồ sấm và các học thuật Ngài đều thông hiểu. Ngài có ba người bạn thuộc loại thiên tư kỳ tú, cùng thương nghị rằng: – Lý nghĩa thiên hạ khai ngộ thần minh, khai thác yếu chỉ u huyền, làm tăng trưởng trí tuệ.
Nếu việc nào chúng ta cũng đều thông đạt, thì lấy gì để tự vui. Ngài lại nói: thế gian chỉ chạy theo sắc đẹp, túng tình nơi chỗ cực dục một đời ở trên chỗ khoái lạc. Nhưng đạo Phạm Chí không phải là pháp tự tại, nếu không dựa vào vinh lạc thì khó biện luận, cho nên đều cầu nơi pháp dược để ẩn thân. Sự nếu quả như vậy thì việc ắt sẽ thành tựu. Mọi người cùng nói: – lành thay! lời này thật là vui thích.
Ngài liền đến nhà thuật gia cầu học pháp ẩn thân. Phạm chí nghĩ: bốn vị Phạm Chí này tài trí cao sâu nên lòng rất kiêu mạn. Nay ta dùng pháp thuật ắt sẽ chịu khuất phục.
Nhưng bọn người này là bực nghiên cùng bác đạt, chỗ chưa biết chỉ là những pháp thấp kém. Nếu trao cho họ hết họ sẽ vĩnh viễn bỏ đi.
Nghĩ thế nên thuật sư trao cho mỗi người một viên thuốc màu xanh và bảo:
Các ngươi cầm lấy viên thuốc này dùng nước mài ra bôi vào mắt sẽ có hiệu nghiệm, hình sẽ tự ẩn.
Mỗi người nghe lời thầy đều mài viên thuốc ra. Long Thọ nghe mùi hương liền biết đó là gì, phân số nhiều ít, họ trở lại thưa với thầy các sự việc này. Thuốc này đầy đủ có bảy mươi loại, danh tự lượng số phương thuật như thế.
Thuật sư nghe nói thì kinh ngạc hỏi nguyên do. Long Thọ đáp:
– Đại sư nên biết, tất cả các loại thuốc đều có khí phần, do đó mà biết chẳng có gì lạ.
Thầy nghe xong thì khen ngợi, rồi suy nghĩ: Những người này nghe đến danh còn khó, huống chi ta gặp được, sao lại còn tiếc mà không dạy.
Thế là ông đem pháp thuật dạy lại bốn người dùng y phương hoà hợp thuốc này để ẩn thân. Từ đó du hành tự tại mới cùng nhau đi vào trong hậu cung, vua, các cung nhân đều bị xâm phạm, sau một trăm ngày thì hoài thai tất cả. Họ tìm đến trình bày cho vua hay. Vua nghe thì trong lòng rất buồn nghĩ: _ Điều bất lành gì ma quái lạ như vậy.
Bèn cho goi bọn trí thần đến bàn luận việc này. Có một vị tâu vua:
Phàm những việc xảy ra như vậy thì có hai điều: Một là, do yêu mị làm; hai là, do phương thuật. Có thể dùng tế thổ đặt ở các cửa, bảo người giữ thành ngăn hết mọi sự qua lại. Nếu dùng phương thuật thì dấu tích tự hiện ra, còn yêu mị thì không. Người thì dùng binh sĩ trừ, yêu mị thì dùng chú diệt.
Vua theo kế sách đó làm thì có dấu chân người từ cửa vào. Quan phòng vệ liền chạy vào tâu vua. Vua đem dũng sĩ cả trăm người, bọn dũng sĩ huơ gươm lên hư không chặt đầu cả ba người. Đứng gần vua cách bảy thước nên đao gươm không tới, Long Thọ ẩn thân đứng bên vua. Từ đó ngộ được dục vọng là căn bản của khổ đau, làm nguy thân bại đức, ô nhục phạm hạnh, nên phát thề rằng: Nếu ta thoát được tai ách này, sẽ xuất gia làm Sa-môn.
Khi thoát ra được liền tìm đến một tháp Phật trên một ngọn núi xa lìa ái dục xuất gia học đạo. Trong chín mươi ngày tụng thuộc làu các bộ kinh điển, Cầu học dị điển mà không có. Bèn lên núi Tuyết thì gặp một Tỳ-kheo đem ma-ha-diễn trao cho Long Thọ. Ngoài tụng tập rất thích thú bèn cung kính cúng dừơng, tuy rõ được thực nghĩa mà chưa chứng đạo. Ngài khéo ngôn luận, biện tài đều vô ngại. Hàng ngoại đạo dị học, Sa-môn nghĩa sĩ đều quy phục thỉnh Ngài làm bậc sư phạm. Thế là tự cho mình là bậc nhất thiết trí trong thiên hạ, tâm sinh kiêu mạn tự cao tự đại, lại muốn đi vào trong cửa Cù-đàm. Bây giờ môn thần bảo Long Thọ:- Trí của ông như muỗi mòng, so với phật thì chẳng khác nào như đom đóm sánh với nhật nguyệt, như đem Tu-di mà so với hạt cải, ta xem nhân giả chẳng phải là bậc nhất thiết trí, làm sao có thể vào được cửa này.
Long Thọ nghe nói có phần hỗ thẹn. Khi đó có người đệ tử bạch với Long Thọ:
– Thầy thường tự cho mình là bậc nhất thiết trí, nay lại chịu khuất nhục trước đệ tử Phật. Pháp của đệ tử là nương theo thầy. Nương thầy không đủ chẳng phải là nhứt thiết trí.
Long Thọ bị đuối lý trong tâm khởi nghĩ!_Pháp thế gian thì có vô lượng. Kinh Phật tuy diệu mà cú nghĩa chưa tận, ta nay nên diễn dịch thêm khai ngộ cho hậu học làm lợi ích cho chúng sinh.
Nghĩ thế rồi liền muốn lập sư giáo giới và tạo ra y phục, phụ vào Phật pháp mà ít có sự bất đồng. Muốn trừ hết chúng tình khai thị cho người không thọ học. Đại Long Bồ-tát thương xót người như thế liền dùng thần lực tiếp Ngài vào trong biển lớn. Khi đến cung điện, Rồng mở kho báu, đem các kinh Phương đẳng uyên thâm, cùng vô lượng diệu pháp trao cho Long Thọ. Trong chín mươi ngày Ngài thông giải rất nhiều, trong tâm thâm nhập thể đắc được thật lợi. Long cung biết tâm niệm này nên hỏi: Ngài xem kinh biết chưa?
Long Thọ đáp: Kinh ở đây vô lượng không thể xem tận. Chỗ ta tụng đầy khắp các cõi Diêm-phù-đề.
Long vương hỏi: Trên cõi trời Đao-lợi của Thích-đề-hoàn-nhân có kinh điển nhiều hơn ở đây gấp trăm ngàn lần.
Bấy giờ ngài Long Thọ thỉnh được các bộ kinh điển, hoát nhiên thông đạt khéo giải nhất tướng. Thâm nhập đầy đủ vô sinh pháp nhẫn. Long Thọ ngộ đạo bèn xuất cung. Khi ấy vua cõi Diêm-phù-đề tín theo tà kiến, thừa sự ngoại đạo, huỷ báng chánh pháp. Long Thọ Bồ-tát muốn giáo hóa vua, tự thân mang phan đỏ đi trước mặt vua, trải qua bảy năm vua mới lấy làm lạ hỏi: _Ông là ai mà đi trước mặt ta?
Đáp: _Ta là người nhất thiết trí. Vua nghe nói rất kinh ngạc, hỏi: Người nhất thiết trí thật là ít có. Ông nói như vậy lấy gì làm chứng.
Long Thọ đáp: Ngài muốn biết cứ hỏi. Đã nói pháp rồi sau mơi chứng tri. Vua nghe lời ấy thì nghĩ: Ta là bậc Trí chủ đại luận nghị sư, hỏi phát nếu khuất phục được cũng chưa làm lạ, còn như không bằng kia thì sự tổn hại rất nhiều. Im lặng không nói cũng lại phi lý. Vua suy nghĩ hồi lâu như thế mà trong lòng không vui. Việc đã cấp bách nên đành hỏi:
– Chư thiên lúc này đang làm gì?
– Đáp: Đại Vương!
– Chư thiên lúc này đang đánh nhau cùng Atula.
– Vua nghe nói vậy thì như người bị mắc nghẹn, nuốt vào cũng không được mà nhả ra cũng không xong, nhưng vẫn cho rằng lời nói suông chẳng có gì làm chứng. Long Thọ bảo:
– Đây chẳng phải hư luận, vua hãy đợi xem. Nói xong thì trên không trung đao kiếm rơi, rơi xuống tên dài kiếm ngắn lần lượt rớt xuống đất.
– Vua nói: cung tên đao kiếm tuy là binh khí, hà tất đó là của Thiên, Atula.
Long Thọ đáp: nếu cho là hư dối thì sẽ chứng nghiệm sự thật.
Thế là tai mắt mũi của tu-la từ hư không rơi xuống. Lúc này vua mới kinh hãi cuối đầu làm lễ cung kính, tôn trọng thọ lời đạo hoá. Lúc ấy trên điện có một vạn Bà-la-môn, thấy thần đức như vậy thì khen là chưa từng có. Tất cả cùng xin cạo đầu xuất gia. Hàng ngoại đạo nghe việc này vân tập lại cùng quyết chí tranh luận. Ngài Long Thọ dùng ngôn từ làm phương tiện đại trí tuệ để biện luận cùng ngoại đạo. Hạng ngu trí chỉ có một lời liền bị khuất phục. Ít có người trí nào luận nghị đến hai ngày. Bọn người kia liền chịu khuất phục xin cạo tóc xuất gia.
Như thế ngài Long Thọ độ cho vô lượng chúng tà đạo. Hàng vương gia thường đưa đến mười xe y bát, trong một tháng đều hết sạch. Lần lượt cho đến vô số, ngài khai diễn phân biệt các kinh ma-ha-diễn, tạo ra mười vạn bài kệ Ưu-ba Đề-xá để trang nghiêm Phật đạo. Các bộ luận này mỗi bộ có năm ngàn bài kệ, khiến cho kinh ma-ha-diễn rộng lưu bố ở đời. Tạo luận Vô úy đủ mười muôn bài kệ. Trung luận rút ra trong bộ vô uý gồm năm trăm bài kệ, nhưng chỗ diễn nghĩ thật sâu xa, hàng phục tất cả ngoại đạo. Bấy giờ ở Nam Thiên-trúc có Bà-la-môn, tính theo tà kiến rất mạnh lại khéo biết về chú thuật, nên muốn tranh tài cùng Long Thọ, đến tâu với vua rằng:
– Đại Vương! xin cho thần cùng Sa-môn tranh tài với nhau. Nếu thần thua thì xin quy phục. Nếu thần thắng thì Sa-môn sẽ thuộc hạ thần.
Vua nói: Đại đức, ông thật là ngu si. Vị Bồ-tát này, ánh sáng cũng như nhật nguyệt tài trí đồng với chư Hiền Thánh, ông không thể sánh được đâu. Muốn đem cọng sen để buộc núi Tu-di, nước nơi dấu chân trâu lại so với đại hải. Ta xem ông cũng giống như vậy.
Bà-la-môn nói: Vua là bậc trí dũng, gách vác mọi trọng trách của quốc gia, cũng như nhật nguyệt đâu đâu cũng được soi sáng. Tôi nói hư thật Ngài nên theo lí mà xét. Đại vương chớ để họ xem thường.
Khi ấy vua thấy rõ ý của Bà-la-môn nên cho xe giá đi rước Bồ-tát Long Thọ. Sáng sớm cùng vân tập trên chánh điện. Lúc này Bà-la-môn liền dùng thần lực hóa ra một cái ao lớn dài trong mát thanh tịnh. Trong ao có cả ngàn hoa sen, ông tự ngồi trên đó và bảo với Long Thọ: chỗ ông trên mặt đất cũng đồng như súc sinh. Ta ngự trên hoa nên trí tuệ thanh tịnh, sao dám cùng ta nghị luận.
Bồ-tát Long Thọ lại dùng chú lực hóa ra voi trắng. Voi có sáu ngà bằng kim, ngân, lưu-ly. Vua từ từ tiến đến bên người ngồi trên hoa dùng mũi đưa hoa và người lên cao rồi ném xuống đất. Bà-la-môn bị thương nơi lưng rất đau. Thế là thua cuộc phải quy thuận ngài Long Thọ, ông nói: Tôi ngoan cố phạm nghịch tội với Đại sư. Xin Ngài thương xót cho tôi sám hối.
– Ngài Long Thọ từ bi độ cho xuất gia. Khi đó có một vị Pháp sư Tiểu thừa. Thấy Ngài cao minh thì ôm lòng ganh ghét. Khi mọi việc xong rồi Ngài tìm đến nơi ấy, hỏi Pháp sư rằng: Ông có muốn ta trụ thế ở đời lâu không?
– Đáp: Nhân giả! Thật không muốn! Ngài liền nhập thất nhiều ngày không ra. Đệ tử phá cửa vào thì Ngài đã thiền hóa nhập tịch. Các nước Thiên-trúc đều lập tháp thờ, cung kính cúng dường như Phật.