PHÓ PHÁP TẠNG NHÂN DUYÊN TRUYỆN
Đời Nguyên Ngụy – Tam tạng Tây Vực là Kiết-già-dạ cùng Đàm Diệu dịch ra Hán Tạng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 4
Vua A-thứ-già lại có một người con tên là Pháp Tăng, sắc rất đoan chánh, con mắt rất kỳ diệu. Khi đó có một con chim tên là Câu-nala, mắt của thái tử rất đẹp như chim Câu-na-la. Do đó mà lấy tên chim đặt cho con. Lớn lên thái tử có vợ tên là Chân Kim Man. Vua cùng con đến chùa Kê-đầu-mạt. Thượng toạ Da-xá nhìn thấy người này sắp mất con mắt, liền bảo:
Con mắt đó là vật vô thường không thể giữ gìn lâu dài. Vậy thái tử nên chuyên tu tinh tấn cầu quả giải thoát rồi trở về cung. Thái tử quán sát mắt này là khổ không bại hoại. Vua có vị đại phu nhân tên là Đế-thất La-xoa, đối với Câu-na-la lại đem lòng yêu thương đắm trước, dục vọng bức bách muốn cùng tư thông. Vương tử tánh tình thuần lương trong sạch nên cương quyết không nghe theo_ Đế-thất-la-xoa ôm lòng thù hận.
Lúc này Câu-na-la đang cai trị trong thành Xoa-thi-la. Vị đại phu nhân kia thường dò xét theo dõi, gặp lúc vua bị bịnh nguy khốn, phu nhân cho tìm thầy thuốc chữa trị. Bà xin thay thế làm vua trong bảy ngày. Khi được toại ý bèn rắp tâm báo oán, ngầm đem thư đến móc mắt vương tử. Vương tử vì lòng hiếu thuận nên nhờ người ác móc mắt phải để trên tay để quán, lúc này vương nhớ lại lời dạy của ngài Da-xá, liền nói: quả như lời Tôn giả dạy, mắt này vô thường dụ như huyễn hóa. Ngày trước cho đây là kỳ đặc vi diệu, nay quán xét thấy thì chẳng có gì để yêu thích cả. Ta nên bỏ thứ nguy ách dơ bẩn này mà chuyên cầu con mắt huệ thanh tịnh thù thắng. Quán xong liền đắc quả Tu-đà-hoàn. Lại móc con mắt kia ra quán tưởng, nhàm chán không thôi, nên liền chứng quả Tư-đà-hàm. Người vợ là Kim Man nghe chồng bị móc mắt thì than khóc kêu gào tìm đến. Bấy giờ Câu-na-la nói kệ:
Xưa ta làm nghiệp ác,
Ngày nay phải hoàn trả,
Tất cả khổ thế gian,
Ân ái cũng ly biệt
Nàng nên quán xét kỹ,
Cớ sao lại buồn khóc.
Nhân dân trong thành đuổi hai vợ chồng ra ngoài thành. Câu-nala đánh đàn đi xin ăn lần hồi về đến thành Hoa Thị, tìm vào cung vua ở trong chuồng voi. Vương tử gãy đàn ca ngâm kể lại các điều cực khổ. Vua nghe rõ tiếng âm nhạc phảng phất, muốn biết sai người ra xem có phải là Câu-na-la rồi cho triệu vào. Vua thấy con thì đau đớn té xỉu khóc lóc rồi hỏi Câu-na-la: -Ai huỷ hoại đôi mắt con mau nói cho ta biết, ta sẽ trị tội kẻ đó.
Câu-na nói: – phụ vương không nghe sao? Xưa Phật còn thọ nghiệp báo. Thế lực của quả báo này rất lớn. Dù là bực hiền Thánh người tôn quý kẻ nghèo hèn không có ai tránh khỏi. Con trước gây ra nghiệp báo nên nay chịu lấy quả. Vua chẳng những buồn não mà tâm càng tiều tụy. Dù nghe lời con nói nhưng lòng vua nóng như lửa đốt nên lại hỏi: ai hại mắt con? Hỏi một hồi thì biết là do Đế-thất La-xoa làm, Vua liền triệu đến hỏi: – Vì sao mà quả đất này không chôn hãm ngươi đi, thật là kẻ oan gia mà giả làm người thân cận ta. Vì duyên cớ gì lại hại mù mắt Câu-na-la. Ta nay sẽ giết ngươi băm thân ra như cám. Câu-na-la nghe cha nói vậy thì sinh lòng đại bi, thưa rằng: phu nhân vì vô trí nên gây ra hoạ hoạn này, là người có trí lẽ nào lại cũng vậy. Nay muốn trả báo lại tất sẽ gieo oán hận nhiều đời cứ như vậy cùng kiếp sẽ không cùng tận. Đại vương nên biết, cũng như tiếng vang thì có âm hưởng. Thân này do đây mà có khổ. Lại thân này cũng là căn bản của muôn sự khổ. Vậy nên Phật khuyên chúng ta cần phải xa lìa. Nếu các pháp ở thế gian này nhất định là được an lạc thì tại sao những người có trí tuệ lại sinh tâm nhàm chán xa lìa. Do đây mà quán biết thân là nơi tích tụ của muôn sự xấu ác đau khổ.
Đại vương nên biết, thế gian chẳng khác nào như đứa con chưa từng biết nghĩa lý mắng nhiếc cha mẹ, không tỏ lòng cung kính. Cha mẹ kia lại đi sân giận nó sao? Tất cả chúng sinh cũng thế, thường bị phiền não che lấp vô si vô trí cũng như trẻ thơ, thì sao lại giận dữ với họ.
Vua dù nghe con nói nhưng tâm sân giận không nguôi, liền cho chất củi để thiêu sống phu nhân.
Lúc này đại chúng nghi ngờ mới hỏi ngài Ưu-ba Cúc-đa: Vì duyên cớ nào mà Câu-na-la được sinh vào nhà tôn quý mà lại bị người khoét mắt?
Tôn giả trả lời: – Xưa ở thành Ba-la-nại có một thợ săn đi lên núi Tuyết gặp lúc mưa bão dữ dội. Có năm trăm con nai cũng vào hang trú ẩn. Người thợ săn muốn giết hết bọn chúng, mới nghĩ rằng: – Nếu ta giết hết một lần thì thịt sẽ hôi thối, nên khoét mắt cho chúng không thể đi đâu, rồi giết dần chúng để ăn. Do nghiệp duyên đó mà thọ báo đến bây giờ. Lại vào thời Phật Ca-la-cưu-tôn, khi Phật đã diệt độ có vị Quốc vương tên là Đoan nghiêm, thâu thập xá-lợi của Phật xây bảy ngọn tháp cúng dường. Sau đó có một vị vua tâm lại không kính tin Tam bảo, phá hết các bảo tháp lấy hết vàng ngọc chỉ còn lại đất đá. Người trong nước thấy vậy đều than khóc bi thương. Có vị trưởng giả đi qua hỏi lý do, mọi người đáp: tháp Phật Ca-la-cưu bị huỷ hoại, nên chúng tôi than khóc.
Trưởng giả nghe nói vậy, liền bỏ vàng báu ra xây sửa lại như cũ. Do tạo Phật tượng nên sinh ra được tướng hảo thù diệu. Nhân đó phát nguyện rằng: – Khiến cho con đời sau được quả tối thắng, giải thoát như Thế Tôn. Do nghiệp duyên đó nên sinh vào nhà tôn quý đắc quả tịnh diệu.
Quyến thuộc của vua A-thứ-già nghe như thế đều xả bỏ hết sự tham trước mà chỉ cầu thoát ly sinh tử. Lòng tin của vua càng thêm sâu rộng. Vua thấy các vị Sa-môn dù lớn dù nhỏ đều cung kính hỏi thăm và đảnh lễ, bây giờ có vị đại thần tên là Dạ-xà, tâm tà kiến mạnh nên không kính tin Tam bảo, nên nói lời rằng: Vua A-thứ-già thật không có trí tuệ, tự hạ mình để đi lễ lạy kẻ đồng ấu. Vua nghe lời đó thì liền ra lệnh cho quần thần rằng: các ông tìm về cho ta trăm cái đầu con thú.
Vua riêng sai Dạ-xa tìm về đầu người, mọi người theo lệnh vua đổ xô đi tìm. Khi tìm được rồi thì dâng lên vua, vua bảo họ đem ra chợ bán, không bao lâu thì đầu thú đều bán sạch, riêng chỉ có đầu người của Dạ-xa thì không ai mua. Qua mấy ngày đầu đã hư thối. Dạ-xa mới vào bạch vua: – Đại Vương! đầu người không ai muốn nhìn huống chi là mua. Vua bảo Dạ-xa: – vật gì là tối quý.
Đáp: – Đại vương, người là vật tối thắng.
Vua nói: người cao quý nhất sao lại không bán được?
Dạ-xa đáp: người khi sống thì quý nhưng chết đi là vật ti tiện.
Vua nói: đầu ta thì rồi cũng vậy phải không?
Dạ-xa sợ hãi cúi đầu đáp: đầu vua rồi cũng vậy.
Vua bảo: đầu ta cũng là ti tiện. Vậy sao ông làm lạ khi ta lễ lạy người còn trẻ tuổi, ông thật là chân Thiện tri thức của ta vì đã khuyên ta đem cái đầu nguy ách đổi lấy đầu kiên cố. Như vậy tại sao không phải là điều thiện.
Lúc này quan đại thần Dạ-xa mới hối hận trách mình, hối cải tà tâm kính tin Tam bảo. Sau đó vua lại hỏi ngài Ưu-ba:
Xưa Phật còn tại thế ai cúng thí nhiều nhất?
Tôn giả đáp: trưởng giả Tu-đạt là người cúng dường nhiều nhất. Đem vàng bạc cả trăm ức cúng dường Như Lai.
Vua lại nghĩ: – Vị kia đã cúng thí các loại trân báu như thế, ta nay lý nào lại không bằng.
Thế rồi vua tính toán lại những gì đã cúng thí từ trước đến nay, gồm có chín mươi sáu ức lượng vàng. Sau đó vua bị bịnh nặng gần chết, liền khóc lóc thật là ảo não.
Có vị đại thần tên là La-đề-cúc, vốn thường ngày tuỳ hỷ theo đồng tử, do phước này nên được làm phụ tướng, ông có trí tuệ sâu xa lại khéo ăn nói. Thấy vua ảo não liền chắp tay tâu:
Cũng như mặt trời sáng rực thì mọi người đều chiêm ngưỡng. Thạnh đức của vua cũng thế, đều được dân chúng cung kính. Nay vua gặp bịnh như mặt trời xế tàn. Nhân dân cả nước không ai không bi cảm lo lắng. Đại vương nên nghe lời thần nói: tam giới là vô thường, dời đổi không an. Tuổi trẻ rồi cũng già yếu suy tàn, ví như núi đá bốn phương cùng đến, làm sao người có trí tránh thoát được. Chúng sinh ở thế gian này cũng thế. Thọ thân ngũ ấm cái chết lại đến bức bách. Giả sử có làm ra trăm ngàn phương tiện, đem các thứ chú thuật trốn tránh tàng ẩn, chưa thấy có nơi nào tránh được hoạn này. Nên biết thế gian này là vô thường, có hợp tất có tan. Nên thâm quán lý này, nên dứt bỏ cớ sao lại ảo não âu sầu.
Vua bảo: – ta không sợ chết hay lẫn tiếc tài bảo mà chính là muốn xả bỏ tất cả. Muốn cúng dường trăm ức vạn kim mà chưa đủ, vì nhân duyên đó cho nên ta đau buồn.
La-đề-cúc nói: kho báu của vua rất nhiều đem ra cúng thí ắt sẽ đủ.
Vua liền đem bảy báu cúng cho chùa Kê-đầu-mạt, lập con của Câu-na-la là Thức-ma-đề làm thái tử. Ac thần tà kiến nói với thái tử rằng: Vua sắp mạng chung nên đem tẩu tán hết kho báu, ngài nối ngôi vị sẽ không còn của cải để sử dụng, nay phải tìm cách ngăn cản, chớ theo ý ông ta.
Khi ấy, Thức-ma-đề tin theo tà thuyết, đem một mâm vàng đựng thức ăn cho vua. Vua đem cúng bát cho chùa Kê-đầu-mạt. Sau chỉ đem cho vua nửa bát sành đựng nửa trái am-ma-lặc cho vua ăn. Vua triệu quần thần đến nói: – cõi Diêm-phù-đề này ai là vua?
Chư thần đáp: duy chỉ có vua thống lãnh tất cả.
Vua nói: không phải, ta chỉ có nửa trái am-ma-lặc mà được tự tại.
Rồi vua lại than: thương thay phú quý chỉ là sự xấu xa tàn hại, ngôi vị như huyễn hóa không bao lâu rồi cũng hoại diệt, dù sống nơi tôn quý cuối cùng cũng đoạ lạc. Ta làm vua uy đức tột cùng, rốt cuộc lại nghèo thiếu, duy chỉ có nửa trái cây độ nhật. Thế đủ biết thế gian là hư ngụy. Kẻ ngu ham mê dục lạc, người trí thì lìa xa quở trách, vua bèn hướng về quần thần nói kệ:
Đúng thay! Lời Phật dạy,
Lời nói Phật không hư,
Rộng bày sinh tử hoạn,
Không có gì yêu thích.
Ta sinh nơi tôn quý,
Uy đức bao trùm cả,
Tiểu vương và nhân dân,
Người người đều chiêm ngưỡng,
Ngày nay phước đã tận,
Đói khát càng trói buộc,
Cũng như dòng nước mạnh,
Va núi không còn trôi,
Ta xưa giúp người nghèo,
Cứu tế sự khổ não,
Tại sao đến hôm nay,
Lại rơi vào nghèo khổ,
Mới biết sự tôn quý,
Mau diệt không chắc chắn,
Giải thoát tịch tĩnh vui,
Là điều tối an lạc.
Vua nói xong thì bảo với một vị đại thần: – ông đem quả này đến chùa Kê-đầu-mạt nói lại lời ta là vua A-thứ-già xin lễ lạy dưới chân chúng tăng, ta nay duy chỉ có nửa trái Am-ma-lặc mà được tự tại. Tất cả mọi thứ đều đã mất hết. Quả này tuy nhỏ nhưng là vật cúng dường cuối cùng, duy nguyện chúng tăng thương xót ta nghèo khổ mà thọ nạp cho.
Thượng toạ Da-xá bảo chúng tăng rằng:
Các ông nên biết, Vua A-thứ-già thọ phước hưởng khoái lạc, tổng nhiếp khắp thiên hạ, nay bị quần thần chế ngự cướp đoạt, duy chỉ có nửa trái Am-ma-lặc mà được tự tại. Nên biết sinh tử thật đáng nhàm chán. Ngũ dục phú quý không bao lâu rồi cũng tan hoại. Uy thế tự tại, không bao lâu cũng bị tàn diệt. Ôi, tam giới khó thể ở lâu.
Rồi Ngài bảo vị điển sự đem mài quả này ra nấu chung với cháo để cho chúng tăng cùng dùng.
Vua A-thứ-già khi ấy sắp lâm chung, mới hỏi La-đề-cúc rằng: Cõi Diêm-phù-đề này ai được tự tại?
La-đề-cúc nói: Duy chỉ có vua.
Vua nghe lời này, liền chắp tay quán khắp bốn phương và nói rằng: trừ các kho báu, thì tất cả đại địa bốn biển đều xin cúng dường hết cho chúng tăng, và các công đức từ xưa đến nay xin hồi hướng mau chứng đạo quả, mà không cầu sinh tử Chuyển luân, Đế-thích.
Vua ấn khả giao phó cho La-đề-cúc, sau đó thì mệnh chung.
Quần thần y vào pháp Chuyển luân vương mà làm lễ tống đáng.
Tôn giả Ưu-ba Cúc-đa khai mở tâm vua cho đến khi niềm tin lớn mạnh, dùng các phương tiện khéo léo giáo hóa chúng sinh. Sau đó ở trong thành Túc-la có một vị thương chủ tên là Thiên Hộ rất có lòng kính tin Tam bảo, muốn vào biển lớn tìm kiếm trân báo, khi trở về thì mở đại hội cúng dường cho chúng Tăng, có vị Tỳ-kheo-ni đắc quả A-lahán, quán xét trong chúng xem ai là người có phước điền.
Tỳ-kheo-ni lại suy nghĩ: Tăng đứng đầu là ai?
Thấy chư La-hán cùng các học nhân đoạn hết phiền não kham thọ sự cúng dường, lại quán thấy một vị Tỳ-kheo tên là A-sa-la chưa được giải thoát mà đứng đầu trong hàng Tăng chúng. Khi ấy Tỳ-kheo-ni đến bảo rằng:
Đại Đức! hôm nay Ngài nên tự trang nghiêm. Vị Tỳ-kheo không hiểu ý này, nên chỉ cạo tóc, tắm rửa, mặc y phục sạch sẽ. Một lần khác Tỳ-kheo-ni lại nói Sa-la nên trang sức tự thân lại. Sa-la nghe nói thì giận dữ: – ta vì lời nói của Sư cô mà tắm rửa trang nghiêm sạch sẽ. Ta còn chỗ nào chưa sạch hãy nói ra đi.
Tỳ-kheo-ni nói: Đại Đức nên biết! trang nghiêm theo thế tục chẳng phải là pháp Phật vậy. Trang nghiêm theo pháp Phật là chứng được tứ quả, là thay Đại đức quá là khinh liệt. Trưởng giả Thiên Hộ muốn thiết đại hội, ngài thọ cúng cao hơn các vị hiền Thánh. Ngài là Tăng đầu mà chưa tránh được sinh tử, đem tâm hữu lậu tối sơ thọ cúng. Thế nên tôi nay muốn ông giác ngộ.
A-sa-la nghe nói vậy thì bi thương rồi tự tư duy: – Lão hủ này làm sao có thể đạt lậu tận được.
Tỳ-kheo-ni nói: Phật pháp là vô thời, huống chi là già trẻ. Ngài nên đến tham học với Ưu-ba Cúc-đa.
Tỳ-kheo liền đến chỗ của ngài Ưu-ba Cúc-đa gặp lúc tăng tắm đồng hiện ra thần biến, A-sa-la hoan hỷ nói kệ:
Hoà hợp cùng một chỗ,
Kiết-già như long bàn,
Thảy đều nhập tịch định,
Tịch nhiên không biến động,
Cùng phóng ánh quang minh,
Dụ như trăm ngàn ngày,
Tuy đồng là hình người,
Công đức thật cao dày.
Ngài Ưu-ba Cúc-đa thấy Tỳ-kheo đã điều thuận, Ngài liền thuyết pháp, Tỳ-kheo nghe xong liền chứng quả La-hán, lúc này lại có một Ưu-bà-tắc, hướng về vị Bà-la-môn nói: vô ngã.
Bà-la-môn nói: ai nói lời này.
Đáp: – Ngài Cúc-đa thường nói vô ngã, chỉ mượn hoà hợp mà nói là ngã. Bấy giờ Bà-la-môn đi đến chỗ Tôn giả, ngài Ưu-ba biết được tâm của ông nghĩ nên nói tất cả đều là vô ngã. Ví như không sơn nổi lên những âm thanh vang vọng. Quán sát tư duy biết rõ là bất khả đắc, bởi do ngũ ấm hoà hợp mà thành, là người có trí, phải tính tới lẽ chân thật.
Bấy giờ vị Bà-la-môn được khai ngộ liền chứng quả Tu-đà-hoàn. Ngài độ cho xuất gia liền chứng quả La-hán. Có người trong dòng họ cao quý đến ngài Ưu-ba cầu xin xuất gia học đạo, vị này giải đãi làm biếng chỉ thích nằm ngủ, tuy có nghe thuyết pháp mà không chứng ngộ. Tôn giả bảo ra ngoài gốc cây ngồi thiền. Ra gốc cây vị này lại ngủ. Cúc-đa hóa ra một cái giếng sâu. Tỳ-kheo nhìn thấy thì sợ hãi, nhất tâm chuyên niệm ngài Ưu-ba Cúc-đa. Tôn giả liền hóa ra một con đường nhỏ, để cho vị Tỳ-kheo đó đi qua. Tỳ-kheo liền nghĩ: thầy cứu con khỏi nạn này. Ưu-ba Cúc-đa liền nói:
Đây là sự khủng bố ít không đáng nói. Sinh lão bệnh tử trong tam giới thường theo người chưa từng xa lìa. Cõi địa ngục thống khổ trăm ngàn vạn loại. Cái sợ đó còn quá hơn những hầm hố sâu này.
Tỳ-kheo lúc này không còn lo ngủ nghỉ nửa, mà tinh tấn tu hành đắc quả A-la-hán.
Ở nước phương Đông có một vị thuộc tộc tánh, tin vui theo pháp Phật rồi xuất gia học đạo khéo léo luôn thành tựu mọi việc sinh nhai. Trải qua thời gian lâu dài lại sinh lười biếng. Vị này đi đến chỗ của Ưuba Cúc-đa. Tôn giả quán xét biết vị Tỳ-kheo này phước đức chưa đầy đủ nên chưa đắc đạo. Do đây mà ngài bảo Tỳ-kheo đi du hành giáo hóa. Tỳ-kheo vâng lịnh đi vào thành, có một vị trưởng giả trông thấy liền hỏi, thì vị Tỳ-kheo đáp: Trưởng giả, Tôn giả Ưu-ba Cúc-đa dạy tôi đi giáo hóa. Nay ở trong thành ai là người có lòng tịnh tín sâu xa.
Trưởng giả lại nói: Ngài cẩn thận chớ đi nơi khác. Tất cả vật dụng cần thiết, tôi sẽ cung cấp đầy đủ. Tỳ-kheo được cúng quỳ dài trì bát ở trước thượng tọa, tất cả chúng tăng đều chú nguyện. Chú nguyện xong rồi liền chứng quả A-la-hán. Có vị Tỳ-kheo tánh rất ham ăn, do đó mà chưa đắc đạo, Ưu-ba Cúc-đa gọi vào phòng, đem cháo hương nhũ cho ăn, nhưng bảo hãy đợi nguội rồi hẳn ăn. Tỳ-kheo thổi cho cháo nguội bớt rồi nói: Thưa Tôn giả cháo đã nguội rồi. Tôn giả bảo: cháo này tuy nguội mà ông thì nóng nảy. Nên quán nước để diệt tâm nóng của ông, lại dùng bát không để thổ hết ra. Đã mửa ra rồi ăn trở lại.
Tỳ-kheo nói: đã mửa ra sao còn ăn được?
Tôn giả nói: tất cả loại ẩm thực cùng việc này không khác, ông không quán xét lại vọng sinh tham ăn. Vậy nay nên quán thức ăn là bất tịnh.
Tỳ-kheo nghe thuyết pháp xong liền đắc quả. Có vị Tỳ-kheo rất yêu tiếc thân mình. Vì ái lạc thân cho nên hoàn tục trở về nhà, từ biệt ngài Cúc-đa xong trên đường trở về nhà ban đêm ghé vào miếu nghỉ. Tôn giả liền hóa ra một quỷ Dạ-xoa mang một xác chết vào miếu. Lát sau thì có một con quỷ khác bước vào. Thế là hai con quỷ cùng tranh nhau xác chết, phân vân kiện tụng không thể quyết định được. Con quỷ đến trước nói: Ta có người làm chứng rồi cùng nhau hỏi người đến trong miếu.
Người kia hoảng hốt tự nghĩ: – Ta hôm nay nhất định là phải chết.
Vậy thì cứ nói thật dẫu chết cũng được. Nghĩ xong liền nói:
Thây chết này của quỷ đến trước.
Con quỷ sau sân giận lên bèn chặt hết tay chân của người đó. Con quỷ đến trước bèn lấy tay chân của thây chết đắp vào, thân thể người kia bình phục như cũ, lần lượt cả thân hình người bị quỷ ăn rồi con quỷ kia đem thân người chết đắp vào, lại lành lặn như trước. Do đây mà tâm ông dứt hết sự luyến ái tự thân. Trở về chỗ Tôn giả xin xuất gia lại và càng tinh tấn tu hành, không lâu sau đó thì đắc quả La-hán.
Ở Nam Thiên-trúc có một vị thuộc dòng họ tộc tánh xin xuất gia học đạo, vị này lại đắm trước tự thân, lo tắm rửa thoa hương ướp dầu, thích ăn ngon mặc đẹp, trang sức thân thể nên không thể đắc đạo. Vị này đi đến chỗ Tôn giả cầu thọ thắng pháp. Ưu-ba Cúc-đa quán sát người này vì đắm trước thân nên chưa dứt lậu hoặc nên nói: Này Tỳkheo! Nếu có thể thọ pháp của ta thì ta sẽ trao cho ông.
Rồi Tôn giả hóa ra một cây đại thọ bảo vị kia leo lên đó, bốn bên biến thành hố sâu cả ngàn nhận, rồi Ngài bảo ông buông cả hai tay hai chân. Người kia lúc này buông xả cả thân mạng, buông cả tay chân nhào xuống mặt đất, không thấy hố sâu và cả cây đại thọ. Sau đó nghe Tôn giả thuyết pháp và đắc quả A-la-hán.
Lại có một vị Tỳ-kheo tâm rất keo sẻn, vì thế nên không đắc đạo, ngài Ưu-ba dạy phải bố thí, vị kia nói: – Con nghèo lấy gì để thí?
Ngài Ưu-ba Cúc-đa bảo hai người đệ tử ngồi hai bên vị này, thân phóng ra ánh hào quang sáng rực. Tỳ-kheo hoan hỷ giảm bớt phần ăn ra để bố thí. Sau được thức ăn ngon càng sinh lòng hoan hỷ, liền nghĩ rằng:
Thí ít còn được phước báu nhiều, nếu cúng nhiều sẽ được phước vô lượng. Từ đó phá tâm keo sẻn. Được nghe pháp thâm diệu liền chứng quả A-la-hán.
Lại có người tộc tánh xuất gia học đạo. Ngài Ưu-ba Cúc-đa liền nói pháp yếu cho nghe, vị này liền thấy đạo đắc quả Tu-đà-hoàn, liền khởi niệm nghĩ: Ta đã đoạn tam kết đâu còn gì để cầu tiến.
Sau đó vị này du túng tự tại cho đến sinh trở lại bảy lần. Tôn giả bảo: pháp sinh tử thật xấu xa thấp kém, cũng như đồ xú uế dù nhiều ít cũng hôi thối.
Rồi ngài đi đến thôn chiên-đà-la, thấy một đứa bé thân hình đầy ghẻ lở, máu mủ trùng bọ đeo bám thật là tanh hôi khổ não Tôn giả bảo Tỳ-kheo: – có thấy đứa bé này không? Đứa bé này từng chứng quả Tuđà-hoàn – Xưa Phật còn tại thế có một vị La-hán, thân có một ít ghẻ lở, rên la ra tiếng. Vị Duy-na giận nói: mình ông có ghẻ lở phải không? Nên đến thôn Chiên-đà-la mà ở.
La-hán nói: – ông đắc tội khi nói ra lời này. Khi ấy vị Duy-na liền tức thời sám hối. Tinh tấn tu tập đắc quả Tu-đà-hoàn. Sau đó vì giải đãi không cầu thắng tiến tu tập cho nên mới sinh vào nhà này thọ quả báo này.
Lát sau đi trên đường, thấy một người bị lửa thiêu đốt, thân thể nát nhừ khổ thống thật khó nhẫn. Một lúc lại thấy có người phạm vào vương pháp vua, thân bị cột vào cây lớn bị thả nổi trên sông, phát tiếng kêu khóc thật là khổ não.
Lúc ấy Tôn giả hỏi Tỳ-kheo rằng:
– Ông có thấy hai người này không?
Tỳ-kheo đáp: – thưa thấy.
Tôn giả bảo: – người trước đã chứng quả Tư-đà-hàm, người sau thì chứng A-na-hàm. Sau đó vì giải đãi không chịu tu tiến, cho nên sinh trong loài người bị quả báo này. Vậy thì ông hãy tinh tấn tu tập sớm cầu giải thoát. Tỳ-kheo nghe xong ngày đêm nổ lực tu học, không bao lâu đắc quả A-la-hán. Tôn giả liền vì Chân-đà-la mà thuyết pháp. Sau đó vị kia chứng quả A-na-hàm, khi mạng chung sinh về cõi trời Tịnh cư. Nước Ma-đột-la có vị trưởng giả sinh một người con. Tuổi vừa lên một thì chết, như thế trải qua sáu lần sinh con mà lần nào cũng vừa một tuổi thì chết. Lần cuối cùng thì đứa bé ấy sinh vào nhà một trưởng giả, khi lên bảy tuổi thì lại bị giặc bắt đi. Ngài Ưu-ba Cúc-đa thấy đứa bé sẽ đắc đạo trong hiện đời, nên hóa ra tứ binh vây bắt giặc, tên giặc sợ hãi lễ lạy cầu xin, giặc nghe Ngài thuyết pháp liền chứng quả Tu-đà-hoàn. Sau đó thì giao đứa bé lại cho ngài Ưu-ba. Tôn giả độ cho đứa bé này xuất gia cùng tên giặc. Ngài thuyết pháp cho đồng tử khiến chứng quả La-hán. Ngài bảo tiểu nhi:
Nay con quán xét quyến thuộc để đến hóa độ họ.
Tiểu nhi quán thấy cha mẹ trong bảy đời đang âu sầu than khóc nhớ con, liền đi đến những nhà ấy và nói: – Trưởng giả – ta là con của người, chớ nên đau buồn nữa.
Rồi chú nói cho các vị nghe và đều đắc sơ quả. Lần lượt sáu nhà đồng như thế.
Lại có vị tộc tánh tin Phật đi xuất gia, khi toạ thiền đắc được tứ thiền của thế tục, tự cho mình rốt ráo sẽ đắc quả La-hán. Ngài Ưu-ba Cúc-đa khéo léo dùng phương tiện, khiến cho Tỳ-kheo kia đi vào tụ lạc. Ngài hóa ra một cổ khách ở giữa đường. Lại hiện ra một bọn giặc gồm năm trăm người cùng đồng đảng đến cướp điếm khách, sát hại chém người khắp nơi. Lúc này vị Tỳ-kheo rất sợ hãi, biết rõ là mình chưa chứng La-hán mà nghĩ rằng chỉ chứng A-na-hàm, sau đó cổ khách tan hoang, có một trưởng giả nữ nói với tỷ-kheo này: xin đại đức cùng đi với tôi.
Tỳ-kheo đáp: – Phật không cho đi với người nữ.
Trưởng giả nữ nói: tôi chỉ đi theo sau.
Tỳ-kheo thương xót bèn cho đi theo sau.
Tôn giả liền hóa ra một con sông lớn. Người nữ nói: – ngài có thể đưa tôi qua sông. Tỳ-kheo ở hạ lưu, cô gái ở thượng lưu. Cô gái này sau đó bị chìm xuống dòng nước mới gọi: Đại đức xin cứu tôi.
Tỳ-kheo liền kéo cô gái lên, khởi tâm ái dục vi tế, nên biết là
chưa chứng quả A-na-hàm. Lúc ấy lòng dục khởi lên muốn tư thông cùng cô thì mới nhận ra là ngài Cú-đa. Khi đó lòng rất xấu hổ cúi đầu đứng yên. Tôn giả bảo: ông xưa tự cho mình là A-la-hán. Vì sao lại muốn làm ác sự này, nên đến tăng phường sám hối.
Sau đó nghe Ngài thuyết pháp mà Tỳ-kheo chứng quả A-la-hán.
Có một Tỳ-kheo quán pháp bất tịnh, kiết tập tạm thời không khởi liền cho là chứng Thánh đạo. Ưu-ba Cúc-đa liền nói: – Tỳ-kheo ông nên đến nước Càn-đà-việt.
Tỳ-kheo liền vâng lịnh đi đến kia. Trong nước này có vị trưởng giả tên Ca-la-hoà sinh một cô con gái rất xinh đẹp, Tỳ-kheo đi đến nhà đó khất thực. Cô gái đưa thức ăn xong thì nhoẻn miệng cười. Tỳ-kheo trông thấy thì vọng sinh tham dục, do đây mà ông lại khởi quán bất tịnh, quán hàm răng của người nữ như xương trắng, do quán mà đắc quả Ala-hán, tự trách bản tâm mà nói kệ rằng:
Ngoài hiện nơi hiền thiện,
Trong còn nhiều đắm trước,
Thấy được thật tướng đó,
Tâm liền được giải thoát.
Nước Ma-độ-la có một trưởng giả, vừa cưới vợ về tâm liền suy nghĩ: ta muốn xuất gia. Thế là đi vào từ tạ cha mẹ.
Cha mẹ nói: ta chỉ có mình con không thể chia lìa, tại sao lại bỏ đi?
Con thưa: nếu không cho xuất gia, thì suốt đời con sẽ nhịn đói.
Rồi người con tuyệt thực trong suốt bảy ngày, cha mẹ sợ con chết đói mới nói: cha mẹ cho con được tròn nguyện, nhưng sau khi xuất gia xong nên về đây thăm cha mẹ.
Người con rất vui mừng liền từ biệt ra đi. Ông đến chỗ Ưu-ba Cúcđa cầu xin xuất gia học đạo, và tự nghĩ rằng: xưa ta có hứa với cha mẹ nay nên trở về nhà, khi về nhà gặp lại cha mẹ và vợ cũ. Người vợ nói: nếu chàng không trở về thì thiếp sẽ chết.
Tỳ-kheo trong tâm hối hận, ý muốn xả giới. Ông đi đến nói với thầy. Ngài Ưu Ba bảo:
Hãy đợi đến sáng mai.
Ông xin thầy ngủ lại trong chùa. Đêm đó Tôn giả hiện ra giấc mộng khiến cho Tỳ-kheo thấy hết mọi việc ở nhà. Người vợ khi ấy mạng chung. Cha mẹ thân tộc sửa soạn tống táng, khiêng thây chết đặt giữa, quan tài. Không bao lâu thì mùi hôi thối xông lên, trùng bọ lúc nhúc bò ra, xương cốt phân tán, cáo sói tới tranh ăn.
Khi ấy Tỳ-kheo tỉnh giấc mới đến thưa với thầy mọi chuyện. Ưuba bảo: Ông trở về xem có như trong mọng không.
Tôn giả dùng thần lực đưa Tỳ-kheo về nhà người vợ đã chết y như trong giấc mộng, ông quán sát tư duy càng sinh lòng nhàm chán, thế rồi tinh tấn tu tập chứng A-la-hán.
Ở núi Ưu-lâu-đà có một lão hổ sinh ra hai con, vì đói khát kiệt sức cho nên mạng chung, hai hổ con mất mẹ thật là quẫn bách, Ưu-ba Cúcđa đi đến trông thấy liền cho ăn và nói kệ:
Các hành vô thường,
Là pháp sinh diệt,
Sinh diệt diệt rồi,
Tịch diệt là vui.
Ngày ngày cho ăn và nói kệ này. Hai hổ con sau đó chết đi sinh vào nhà Bà-la-môn trong nước Đột-la. Ngài Ưu-ba Cúc-đa một mình đi đến nhà đó, Bà-la-môn nói:
Sao ngài đi một mình?
Đáp: Đàn-việt! Người xuất gia đơn độc không có nô bộc.
Bà-la-môn nói: Vợ tôi mang thai, nếu sinh con trai sẽ cho theo ngài.
Sau đó sinh được hai đứa bé trai, dung nghi thật là tuấn tú, Ưu-ba Cúc-đa tìm đến xin. Bà-la-môn nói: chúng còn quá nhỏ, đợi lớn lên sẽ cho theo ngài. Đến khi đứa trẻ tám tuổi ngài lại đến xin. Trưởng giả đem đứa lớn cho Tôn giả, đứa nhỏ bảo cho con đi theo.
Hai đứa bé cùng tranh nhau đi xuất gia, ngài Ưu-ba Cúc-đa nói: cả hai đều có khả năng đắc đạo. Vị Bà-la-môn đều cho theo Tôn giả hết. Tôn giả độ cho xuất gia, tu hành cho đến chứng quả A-la-hán.
Tôn giả sai hai vị lên hái hoa chiêm-bặc, cả hai đáp: – Đại sư! cây này cao lắm, con không thể leo lên.
Tôn giả bảo: các con là Thánh, há lại không có thần túc.
Lúc này hai Sa-di liền bay lên hư không hái hoa đem về dâng thầy.
Tôn giả cùng hàng đệ tử đứng đó, thấy rõ thần đức liền khen ngợi chưa từng có, Cúc-đa nói: hai Sa-di này đời trước là hai con hổ đói. Các ông trách ta cho chúng ăn, nay hãy xem thần biến này.
Hàng đệ tử nghe xong nghĩ là điều kỳ đặc.
Ở Nam Thiên-trúc có một nam tử tư thông với vợ của người. Người mẹ hết sức la rầy: con nên biết dâm dật sinh ra nhiều tội hoạn. Bởi do đây nên không có điều ác nào mà không làm, đời sau ắt sinh vào nơi khổ thống.
Người con giận dữ liền giết mẹ mình. Sau đó đến nhà kia muốn thoả mãn cùng cô gái kia mà không được. Tâm ông sinh hối hận nhàm chán, tìm đến Phật pháp xuất gia học đạo. Không bao lâu thông suốt cả tam tạng pháp điển, ông khéo ăn nói nên có nhiều quyến thuộc đồ đệ. Một hôm đem đồ chúng đến chỗ Tôn giả. Tôn giả quán xét người này vì tạo tội nghịch nên không đắc quả, nên Ngài im lặng mà không nói gì. Tỳ-kheo Tam tạng biết tội mình rất sâu dày, thấy Tôn giả không nói gì thì quay trở về.
Có một vị ngồi thiền tư duy đắc được thế tục định, lại tự cho là đã đắc tứ đạo. thời gian sau vị ấy ngồi thiền dưới gốc cây. Ưu-ba Cúc-đa hóa ra một vị Tỳ-kheo đến ở chỗ đó, cũng hỏi thăm qua lại. Hóa nhân nói: – ông theo ai xuất gia?
Đáp: thầy tôi là ngài Ưu-ba Cúc-đa.
Khen rằng: Đại đức lành thay, thầy ông không có tướng hảo như Phật.
Lại hỏi: Tỳ-kheo! – ông tụng kinh gì?
Đáp: tôi tụng Tam tạng kinh điển.
Hóa nhân hỏi: – ông chứng đạo gì?
Đáp: tôi đắc quả A-la-hán.
Lấy gì làm chứng?
Đáp: tục định.
Hỏi: nếu đem tục định để chứng đạo đó là hư vọng.
Tỳ-kheo nghe xong lòng rất hối hận, nhất tâm tu hành tinh tấn liền chứng quả La-hán.
Ở nước Kế-tân có vị Tỳ-kheo tên là Thiện Kiến, đắc được thế tục định, đầy đủ ngũ thông, khi trời không mưa Tỳ-kheo có thể làm cho nổi mưa. Do đây mà khởi tăng thượng mạn cho là đã chứng Thánh đạo, Tôn giả liền hóa ra trời hạn hán trong mười hai năm, nhân dân lo sợ cầu thỉnh tôn giả. Tôn giả bảo:
Ta không thể làm được. Ở nước Kế-tân có Tỳ-kheo Thiện Kiến, có thần thông tối thắng nên đến cầu thỉnh.
Chúng nhân đều đến đó cầu thỉnh. Lúc này Tỳ-kheo dùng thần lực hướng hư không bay đến, làm nước cam lồ không bao lâu thì mưa đổ xuống, nhân dân hoan hỷ thiết lễ cúng dường. Khi được cúng dường lòng lại sinh kiêu mạn, nhưng lại nghĩ: A-la-hán thì không có tâm kiêu mạn. Tỳ-kheo đến Tôn giả cầu xin sám hối. Ngài thuyết pháp yếu cho nghe. Vị này liền đắc quả La-hán.
Ở Nam Thiên-trúc có một Tỳ-kheo tu hành thiểu dục tri túc thích đắp y phục vải thô xấu, thân thể gầy yếu nên không đắc đạo. Ưu-ba Cúc-đa quán xét người này sẽ ứng hiện đắc đạo. Do vì thân suy nhược, nên Ngài đem đến cho y phục hương hoa đầy đủ. Người ấy khoẻ mạnh đắc quả A-la-hán.
Như thế Ngài hóa độ vô lượng chúng sinh đắc được quả vị La-hán. Mỗi người đắc đạo làm một thẻ tre. Thẻ dài bốn tấc đầy cả một hang đá. Thất cao sáu trượng ngang dọc cũng vậy, thế nên tiếng tăm của ngài vang khắp cõi phù đề, đời gọi Ngài là vô tướng hảo Phật. Hóa duyên xong rồi Ngài liền tư duy: – Ta nay đem pháp cúng dường Phật đã xong, đem lại sự lợi ích an lạc cho muôn loài muôn người, thiệu long chánh pháp không để cho đoạn tuyệt. Lúc sắp Niết-bàn, ngài bảo Đại chúng: sau bảy ngày nữa ta sẽ Niết-bàn.
Bấy giờ cùng tập họp mười phương La-hán và chúng học nhân lại, còn hạng tịnh trì giới thì không thể tính hết. Ưu-bà-tắc thì có vô lượng trăm ngàn. Tôn giả phi thân lên hư không hiện mười tám thần biến, khiến chư tứ chúng sinh đại tín tâm.
Diệt độ trong cõi vô dư Niết-bàn đem thẻ ở trong thất mà làm lễ trà tỳ, mười phương La-hán cũng nhập Niết-bàn. Hàng nhân thiên khóc lóc thương cảm không thôi, rồi xây tháp cúng dường xá-lợi.