PHÓ PHÁP TẠNG NHÂN DUYÊN TRUYỆN

Đời Nguyên Ngụy – Tam tạng Tây Vực là Kiết-già-dạ cùng Đàm Diệu dịch ra Hán Tạng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 3

Tôn giả A-nan đem các giáo pháp phó chúc cho ngài Thương-na Hoà Tu và nói:

Xưa Đức Thế Tôn du hóa qua nước Ma-đột-la, có dạy ta rằng: trong nước này về sau có vị trưởng giả tên là Cúc-đa. Ở trong thiền pháp là bực đệ nhất. Tuy không có tướng hảo hóa độ như ta. sau khi Ta diệt độ làm các điều lợi ích hóa độ vô thường chúng sinh, thảy đều giải thoát đắc qủa A-la-hán. Ông sau này nên độ cho xuất gia, khi Niết-bàn thì giao phó pháp tạng.

Thương-na Hoà Tu, lúc sắp nhập Niết-bàn, bảo Cúc-đa rằng: Phật đem vương pháp phó chúc cho ngài Ca-diếp, ngài Ca-diếp truyền cho Đại sư A-nan. Ngài A-nan giao phó lại cho ta. Ông nên chuyên cần giữ gìn pháp bảo.

Ưu-ba-cúc-đa thưa: Xin nguyện thọ giáo. Thế rồi Ngài diễn xướng vô thượng diệu pháp rộng nói chánh pháp hóa độ chư chúng sinh, phước đức sâu xa khó thể hạn lượng. Vào đời quá khứ lâu xa Ngài đã từng tu vô thượng thắng hạnh. Tuy có khi làm loài cầm thú nhưng vẫn hóa độ chúng sinh, hàng phục ngoại đạo, kiến đại pháp tràng, đem mây từ bi che chở cho tất cả. Các công đức như thế nay chỉ nói lược qua. Xưa đức Bạc-già-phạm, ở tại nước Xá-vệ, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Ưu-ba-cúcđa làm ni càn, tên là Tát-giá. Trí tuệ rất là sâu xa thâm diệu, luận nghị thật là tuyệt luân, lúc ấy sinh tâm cống cao, xem thường thiên hạ. Lá đồng cột đầy bụng, đầu đội một cục lửa dữ và nói lời rằng: trí huệ của ta đầy đủ, sợ sẽ lọt ra ngoài. Do việc này mà dùng lá đồng tự buộc vào thân. Thế gian hôn ám không trông thấy, nên muốn đem ánh quang minh soi sáng khắp nơi tăm tối. Khi nghe Đức Thế Tôn đang ở nước Xá-vệ, liền muốn tìm đến để tranh luận. Có người nói:

Ông nếu gặp Phật thì trí tuệ sẽ lu mờ mà ánh sáng cũng tự diệt. Khi đến chỗ Phật liền nói: Cù-đàm! Tôi muốn xuất gia, nếu trí huệ có thể ngang bằng ngài Xá-lợi-phất thì quả là tốt đẹp. Nếu như không bằng thì tôi sẽ hoàn tục. Đức Thế Tôn bảo: – giả sử ông đem trăm ngàn vạn thân, muốn bằng Xá-lợi-phất cũng không thể được.

Phạm Chí nghe xong liền từ tạ lui ra, sau đó Phật bảo hội chúng: – sau khi ta diệt độ một trăm năm, người này khi đó đắc quả A-la-hán, đầy đủ tam minh lục thông và bát giải thoát, trí tuệ soi sáng độ khắp chúng sinh, số người độ thoát không thể xưng hết. Chúng hội nghe xong đều sinh tâm hy hữu.

Lại nữa, Tôn giả này vào đời quá khứ vô số na-do-tha kiếp, ở Trà Sơn có vị Bích-chi Phật cùng đồng loại năm trăm người câu hội, chư tiên nhân cũng ở gần bên đó. Có năm trăm con di hầu cũng ở gần đó. Bấy giờ di hầu vương phát tâm đại tin, tu tập phát thiện. thường hái hoa quả đem cúng dường Bích-chi Phật. Lại có lúc thấy chứng Duyên giác ngồi ngay ngắn tư duy, thâm nhập pháp tam-muội. Di hầu cũng bắt chước học theo. Về sau các vị Bích-chi Phật đều nhập vào Niết-bàn. Di hầu đem hoa quả dâng cúng thì không thọ nhận, đưa tay níu kéo cũng không thấy động đậy. Biết Phật đã nhập diệt, di hầu buồn bã âu sầu, sau đó di hầu trông thấy các vị tiên chân ở bên một ngọn núi tu hành thật là khổ hạnh, ngủ nghĩ trên cỏ gai, kiểng chân đứng một bên ngọn lửa, ném thân từ trên cao xuống ngọn lửa. Di hầu thâu lấy các thứ tro đó bỏ hết phân đất, rồi ngồi kiết-già ở trên đó. Tiên nhân trông thấy liền bắt chước theo Di hầu ngồi đoan nghiêm buộc niệm, không thầy mà tự giác ngộ thành tựu quả Bích-chi Phật, lúc ấy Phật khởi niệm nghĩ: nay ta đắc đạo là do Di hầu, thế là Phật đem hương hoa đến cúng dường cho di hầu. Di hầu vương chính là Ưu-ba-cúc-đa bây giờ vậy. Lúc còn súc sinh mà còn có thể giác ngộ, có trí huệ biện tài.

Rồi khi ngài Thương-na muốn phó chúc pháp tạng, quán sát Cúcđa đã sinh ra đời chưa? Ngai nhập định tư duy biết là chưa ra đời, nên cùng chư Tỳ-kheo đi đến nhà cha Cúc-đa. Cho đến lần lần Ngài đến đó một mình. Cha Cúc-đa hỏi: sao Ngài đi một mình mà không có bằng hữu?

Đáp: Trưởng giả! Tôi vô phước không có một đệ tử xuất gia để cùng theo.

Cha Cúc-đa nói: tôi còn ham thế tục không thể xuất gia, nếu sau này sinh con ắt sẽ cho theo Ngài.

Thương-na nói: tốt thay!

Sau đó trưởng giả sinh một người con đặt tên là: A-thất-bà Cúcđa. Đứa bé dần dần khôn lớn, Ngài đến xin thì Cúc-đa đáp: – tôi chỉ có một đứa con, không thể cho theo Ngài được. Nếu sinh đứa khác tất sẽ cho theo Ngài.

Sau đó trưởng giả sinh thêm một đứa nữa đặt tên là: Nan-đà Cúcđa. Ngài Thương-na đến xin thì ông lại nói: – tôi nay chỉ có hai đứa con để nối nghiệp. Đứa nhỏ lo giữ gìn, đứa lớn lo kế tục gia nghiệp buôn bán, như vậy mới được đại phú. Vì thế nên không thể cho theo. Nếu sinh được đứa thứ ba ắt sẽ cho. Thương-na Hòa Tu biết hai đứa bé này không có duyên với đạo, nên cũng không ân cần cầu xin nữa. Sau trưởng giả sinh thêm một đứa con nữa dung mạo rất đoan chánh, đặt tên là Ưu-ba-cúc-đa. Tánh tình của Cúc Đa thích điều từ thiện lại nhu hoà ham tu, thông tuệ biện tài tâm chí rộng lớn. Năm mười hai tuổi đã khéo việc buôn bán ở chợ. Nếu có người đến mua, phần nhiều đều đem cho. Khi đó ngài Thương-na quán biết Cúc-đa ra đời đã lâu, Ngài tìm đến nơi hỏi: – ngươi nay vào trong chợ là đã tịnh tâm hay bất tịnh tâm? Cúc-đa đáp: sao gọi là tịnh tâm và bất tịnh tâm.

Đáp: – nếu tâm hợp với tham si gọi là tâm bất tịnh. Nếu không hợp với` đó thì gọi là tịnh.

Dần dần Ngài dùng phương tiện giáo hóa để cho Cúc-đa tỉnh ngộ buộc tâm lại. Ngài dạy nếu tâm ác khởi lên thì ném vào một hạt sỏi đen. Nếu sinh tâm thiện niệm thì ném vào hòn sỏi trắng. Cúc-đa theo lời dạy buộc niệm không cho tán loạn. Khi tâm thiện ác nổi lên liền ném vào hủ những viên sỏi trắng đen. Lúc đầu đen nhiều mà trắng ít. Dần dần tu tập trắng đen đều bằng nhau. Cho đến bảy ngày thì tâm chuyển thành thanh tịnh. Sỏi đen đã hết duy chỉ còn đá trắng.

Thương-na Hoà Tu liền suy nghĩ: Cúc-đa nay tâm thiện đã đầy đủ, xét căn cơ đã đến có thể thuyết pháp được. Thế rồi Ngài tuyên nói tứ Thánh đế, ứng thời Cúc-đa đắc quả Tu-đa-hoàn. Bấy giờ ở thành Mađột-la có một dâm nữ tên là: Bà-tu-đạt, làm nhiều điều tà mị yêu huyễn gian trá. Cô ta sai người đi chợ mua hoa. Người kia đi đến chỗ Ưu-bacúc-đa được hoa rất nhiều đem về cho Ba-tu-đạt. Cô gái lấy làm lạ hỏi người kia: hoa này ngươi không phải ăm trộm về chứ?

Đáp: tôi không ăn trộm, đây từ chợ mua về. Có người tên là Ưuba-cúc-đa, tánh tình rất nhân từ rộng rãi lại thích bình đẳng, do đó mà tôi mua được nhiều hoa. Lại người này hình dung tuấn tú xinh đẹp. Đại gia nhìn thấy có chết cũng không tiếc. Thế là Bà-tu-đạt, sai người ấy đi mời về. Ưu-ba-cúc-đa không hứa khả. Cô gái cứ ân cần cầu thỉnh mãi không thôi. Khi đó có một vị trưởng giả cùng dâm nữ ở chung. Gặp lúc có một thương khách từ xa đến, đem nhiều trân báu muốn tư thông cùng dâm nữ. Cô gái tham tiền nhận lời, nên giết trưởng giả đem chôn trong nhà. Sau đó gia đình trưởng giả đi đến tìm kiếm đào đất nền nhà lên bắt gặp thi thể mới đi thưa trình lên quan quân. Quan xử dâm nữ bị chém đứt tay chân, cắt hết tai mũi rồi đem thân thể quẳng xuống hồ! Ưu-ba-cúc-đa khi ấy khởi niệm: cô kia khi còn xinh đẹp có đến mời ta, vì nhân duyên đó nên ta không đi! Nay vì muốn cô ta giải thoát nên đến giáo hóa.

Thế rồi Ngài đi đến chỗ Bà-tu-đạt- cô gái nói: – khi dung nhan tôi còn xinh đẹp, có mời mà ông không đến. Nay bị tàn phá vì sao lại tìm đến.

Đáp: tôi nay quán thấy thật tướng của cô cho nên tìm đến, chứ không phải là vì lòng dục vọng. Cô lâu nay đem sắc đẹp ra để mê hoặc mọi người. Bọn phàm phu vô trí nên khởi tưởng điên đảo. Nay nên tự mình quán xét sắc thân này. Sự vô thường nguy ách cũng giống như bọt tụ. Lại đem các thứ trang sức tô điểm bên ngoài, bên trong đầy những máu mủ xương cốt bất tịnh. Cũng như bình hoa, đựng đầy các đồ nhơ uế, người ngu không biết sinh tâm đắm chấp. Người trí thì không đắm trước vào đó. Cũng như đem hương hoa giặt giũ y phục, ngoài hiện ra trang nghiêm mà trong thật là bất tịnh. Đại dương mênh mông còn có thể đo được, sự hoạn nạn của thân này thật không thể cùng tận. Thế nên chư Phật vẫn thường quở trách chưa từng một niệm sinh nguyện lạc tưởng.

Khi đó dâm nữ tâm dần dần khai ngộ, sinh lòng kính tin Tam bảo thật sâu xa, liền thưa rằng: Bạch nhân giả! Các pháp thật đế xin Ngài rộng nói cho tôi biết. Ưu-ba-cúc-đa liền ứng thuyết pháp. Tất cả chúng khổ hữu vi đều tích tụ lại như ung như nhọt như tên bắn vào tâm ta, sinh lão bệnh tử xoay chuyển không ngừng. Sự vô thường bại hoại không thể lâu dài! Chẳng khác nào như kẻ tử tù trong lao ngục không thể an vui được. Cũng như trên đường đi bị người ném đá, thân này gặp điều xấu sẽ quay về chỗ hoại diệt, các loài dã thú tranh nhau ăn thịt, gặp gió thổi phơi bày ra các thứ hôi thối, tóc răng lông nóng đều rơi rụng xuống đất. Thân thể thì có gì yêu thích, nên tìm phương tiện mà cầu giải thoát.

Dâm nữ nghe xong liền đắc được pháp nhãn, mạng chung được sinh về cung trời Đao-lợi, Ưu-ba-cúc-đa, do quán các pháp khổ vô thường liền chứng quả A-na-hàm. Ngài Thương-na Hoà Tu lại đến chỗ Cúc Đa và bảo rằng: – ông vốn có duyên với ta, nay đã trưởng thành thì nên theo ta. Ưu-ba-cúc-đa tánh hay ở nơi chợ búa, do đây mà người cha không muốn cho đi. Tôn giả mới nói: Phật đã thọ ký người này, trăm năm sau làm Phật sự lớm đem lại nhiều lợi ích cho chúng sinh. Ông nên khai tâm cho ta đứa con này.

Cha Ưu-ba-cúc-đa nghe xong liền cho đi xuất gia. Ngài Thươngna Hoà Tu đem Cúc-đa đến tăng phường độ xuất gia và thọ giới cụ túc. Khi yết-ma xong thì Cúc-đa liền chứng quả A-la-hán. Tam minh lục thông có đầy đủ tám giải thoát, khéo dùng từ ngữ diễn pháp vô tận, tâm tự nghĩ rằng: ta hôm nay đã thấy được pháp thân, nhưng chưa thấy tướng hảo của Như Lai.

Tư duy rồi thì tâm Ngài sinh bi luyến không thôi. Bấy giờ có một lão Tỳ-kheo-ni, tuổi đã một trăm hai mươi, đã từng thấy Phật. Ưu Ba Cúc Đa biết vị Tỳ-kheo-ni này đã gặp Phật, Ngài muốn đến Phật nên sai người đến hỏi vị Tỳ-kheo-ni rằng:

Tôn giả Cúc-đa muốn gặp Ni sư. Khi ấy lão Tỳ-kheo-ni đựng đầy một bát dầu đặt sau cánh cửa. Ưu-ba-cúc-đa đi đến chỗ đó thì dừng lại, khi muốn vào phòng thì bỏ làm tràn vài giọt dầu ra mgoài, ân cần hỏi thăm rồi mới mời ngồi.

Ngài hỏi: Thế Tôn đương thời cùng chúng Tỳ-kheo, uy nghi đi đứng các việc thế nào?

Tỳ-kheo-ni nói: xưa Phật tại thế có lục lục quần tỳ-kheo rất là thô bạo, tuy vào trong phòng chưa từng làm tràn ra ngoài một giọt nước. Đại đức nay là người có trí tụê cao thắng. Thế nhân cho là không có tướng hảo của Phật, nhưng vào phòng làm tràn vài giọt dầu. Xét việc này thì vào thời Phật, đệ tử Phật nhất định là kỳ diệu.

Ưu-ba-cúc-đa nghe xong thì tự hối trách lòng tự hổ thẹn.

Tỳ-kheo-ni nói: đại đức chớ nên sinh tâm hối trách như thế! Như Phật nói rằng: chúng sinh sau khi ta diệt độ ngày đầu tốt đẹp hơn ngày thứ hai, người ở vào ngày thứ ba lại càng xấu kém. Do đó mà phước đức suy tàn, ngu si ám độn làm mất hết thiện pháp, huống chi nay đại đức cách Phật đã trăm năm. Tuy làm những việc không đúng oai nghi, có như vậy đâu có gì là lạ.

Bấy giờ ngài Cúc-đa bèn hỏi: Đại tỷ đã gặp Như Lai, việc ấy như thế nào? Tỳ-kheo-ni nói: -xưa Phật còn tại thế, khi ấy tôi mới hai mươi tuổi vừa sắp xuất giá. Tôi làm mất một cái kim xoa, rơi trong đám cỏ rậm, tìm mà không được. Lại đem đèn đuốc đến soi sáng để tìm. Tìm cho đến khi mệt mỏi không còn tâm sức, chính lúc đó đức Như Lai đi ngang qua, sắc vàng chiếu ra ánh sáng như trăm ngàn mặt nhật.

Những nơi u ám đều sáng rực lên. Các vật vi tế đều hiển hiện. Do đây mà tôi tìm thấy được kim xoa của mình. Do nhân duyên này mà tôi được gặp Phật. Ưu-ba-cúc-đa nghe những lời như thế, lòng càng sinh kính tin luyến mộ, khen ngợi việc chưa từng có.

Thương-na Hoà Tu liền bảo: Phật thọ ký cho ông một trăm năm sau, là người tọa thiền bậc nhất trong việc đại hóa chúng sinh, nay chính là phải thời. Ông nên làm lợi ích đem cam lồ vị ban cho chúng sinh.

Ưu-ba-cúc-đa nói: xin nguyện thọ giáo. Thế rồi Ngài vân tập chúng hội tại nước Ma-đột-la, để nghe Ngài thuyết pháp. Ngài thuyết về các pháp thí luận, giới luận, sinh thiên luận. Dục là pháp bất tịnh, thoát ra được là điều tối thiện. Ma vương Ba-tuần sinh lòng sợ hãi mà nghĩ rằng: Ưu-ba-cúc-đa đại tập chúng hội, ắt sẽ dạy mọi người xa lánh cảnh giới của ta. Vậy ta nên đến đó phá hoại ý của chúng. Thế là khi ngài Ưu-ba thuyết pháp, ma hóa ra mưa chân kim bảo, hoặc mưa hoa anh quang màu sắc sáng tịnh. Hoặc hóa thành bạch tượng, bảy báu trang nghiêm, hiện ra hình sắc nữ nhân xinh đẹp diễm kiều. Khiến cho hội chúng nhìn thấy không thể để tâm nghe pháp. Trong ba ngày liền diễn nói pháp vị sâu xa, mà không có một người nào đắc đạo. Ma vương vui mừng, tự cho là may mắn. Ngài Ưu-ba-cúc-đa liền nhập tam muội, quán sát tư duy xem là do ai làm ra. Ma vương lại dùng chuỗi hoa ngọc chân châu đeo vào cổ Ngài. Tôn giả quán biết là do Ma vương làm, liền nghĩ rằng: Ma Vương đố kỵ muốn hoại loạn chánh pháp. Như Lai vì sao mà không hàng phục. Ngài liền quán Phật tâm, khiến cho ba chùm hoa kia thành ra ba thây chết của rắn, chó và người. Rồi hóa thành hoa man cảm vời Ma tìm đến và nói rằng: – ông cho ta hoa man, thật là hậu thí, nay ta trả lại cho ông để gọi là báo đáp.

Ma nghe nói rất mừng bèn đeo vào cổ. Nhưng khi đeo vào rồi thì thấy đó là ba thây chết hôi thối muốn cởi ra mà không thể được. Ma thấy như thế thì sinh nhàm chán ghê tởm, thưa cùng Ưu-ba-cúc-đa rằng: Ngài vì sao lại đem thây chết buộc vào cổ tôi?

Tôn Giả đáp: – Tỳ-kheo không nên đem hoa man trang nghiêm cho ông. Vì ông đem tà ác buộc vào ta, nay ta trả lại những thây chết hôi thối, chính là thích hợp. Người chớ sân giận. Ma dùng thần lực muốn tháo bỏ thây chết này mà những thây chết này như núi Tu-di không thể giao động.

Ma vương rất giận dữ bay lên hư không, đến cầu chư thiên chư vị cởi dùm thây chết ra.

Chư thiên đều nói: đây do bậc Đại thánh làm ra, chúng tôi thấp trí đâu thể cởi được. Ma lại đến Phạm vương cầu xin, Phạm vương nói: thần lực của hàng đệ tử Phật làm, chúng tôi là phàm lậu, há lại cởi ra được, ông nên quay về quy y với Đại Thánh, thì thây chết này dễ dàng cởi ra.

Ma Ba-tuần nghe theo lời Phạm vương, trừ hết tâm kiêu mạn, sinh lòng kính tín sâu sắc, đi đến chỗ Tôn giả cúi đầu đảnh lễ xuống đất, bạch rằng: Đại đức! Khi Phật mới thành đạo ngồi dưới gốc Thọ vương tôi đem quyến thuộc đến bức nhiễu, từ đó làm não loạn không thể tính kể, Phật chưa từng buông lờớac khinh nhục, lòng đại bi của Phật thật sâu rộng như núi Tu-di. Ngài là A-la-hán, ít có lực từ nhẫn, cho nên đối với chúng nhân thiên ngài đều khinh huỷ, Ưu-ba-cúc-đa đáp: Ba-tuần, ngươi thật đại ngu si không có trí huệ vì đem hàng Thanh văn so sánh với Đức Như Lai. Muốn đem hạt cải so bì với núi Tu-di. Như Lai lòng đại bi vô lượng còn hàng Nhị thừa thì không có. Vì nhân duyên đó, cho nên không thể gia báo. Ta nay yếu kém không đủ tâm bi nhẫn, do đó mới làm cho ngươi huỷ nhục. Lại đức Như Lai muốn khiến cho ta sau này hàng phục ngươi để cho tâm ngươi quay về kính tin Tam bảo,do thiện tâm này mà không đoạ vào tam ác, rửa sạch trần lao phá hết tội ngiệp.

Ma vương nghe được lời này thì rất vui mừng, toàn thân lông dựng đứng lên, sinh tâm hy hữu, bạch rằng:

Nhân giả! con do Ngài khai thị mà khởi lòng kính tín, Ngài vì con mà làm điều lợi ích lớn, vậy xin Ngài cởi ba thây chết này cho con.

Tôn giả đáp: ông đối với chánh pháp không còn sinh tâm nhiễu hại, thì sau đó ta mới giải thoát cho.

Ma nói: xin thọ giáo.

Tôn giả lại nói: Ta không được thấy sắc thân của Như Lai, ông xưa đã từng gặp Phật, vậy hãy hiện lại cho ta xem.

Ma vương nói: Nhân giả! Tôi hiện ra thân Phật xin Ngài chớ đảnh lễ.

Ngài Ưu-ba-cúc-đa: như lời ngươi nói, ta sẽ cởi bỏ ba thây chết này.

Ma liền đi vào trong rừng biến ra hình sắc như Phật, có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Dung mạo rất kỳ đặc như vàng tụ lại. Ánh sáng từ Phật chiếu rực rỡ, nghi tướng rất an lành. Hóa ra chúng Tỳkheo trước sau vây quanh, từ từ trong khu rừng tiến ra như Nga vương thật là dũng mãnh oai đức. Ưu-ba-cúc-đa trông thấy lòng rất hoan hỷ, nhất tâm quan sát và nói kệ rằng:

Than ôi vô thường,
Không tâm bi mẫn,
Năng hoại như thế,
Sắc thân thượng diệu.

Ngài Ưu-ba nhất tâm chiêm nghiệm mắt không rời, lòng hân hoan bèn nói kệ tán thán rằng:

Vui thay! Thanh tịnh nghiệp,
Hay thành tựu diệu quả,
Không sinh tự tại thiên,
Cũng chẳng vô nhân tác.
Mặt như sắc vàng tía,
Mắt tịnh như sen xanh,
Đoan chánh hơn nhật nguyệt,
Kỳ diệu hơn rừng hoa,
Trong suốt như đại dương.
Bất động như Tu-di,
An ổn như sư tử,
Ngước nhìn đồng ngưu vương,
Vô lượng trăm ngàn kiếp,
Tịnh tu thân khẩu ý,
Vì thế nên đạt được,
Như thân thù diệu này,
Oán thấy còn hoan hỷ,
Sao ta không vui mừng.

Ngài Ưu-ba-cúc-đa nói kệ xong rồi. Quán tâm Phật nên bất giác cúi đầu lễ lạy.

Ma Vương nói: Làm sao như thế?

Ngài đáp: Ba-tuần! ta biết Đức Thế Tôn diệt độ đã lâu. Nay thấy dung mạo này giống như thấy Phật vì tâm hoan hỷ cho nên làm lễ, ma lại hiện ra nguyên hình quay về cõi trời. Đến ngày thứ tư ma lại trở xuống dùng đại âm thanh phổ cáo tất cả,

Nhân giả! muốn đắc phước lạc sinh lên cõi nhân thiên, muốn cầu Niết-bàn đệ nhất an ổn, không thấy Như Lai đại bi thuyết pháp, nên đến ngài Ưu-ba-cúc-đa, nghe được diệu pháp nên chí tâm tu hành. Bấy giờ nam nữ lớn nhỏ trong thành Ma-đột-la, nghe Tôn giả hàng phục được ác ma, trăm ngàn vạn người đều vân tập đến. Ngài Ưu-ba ngồi trên toà Sư tử, tuỳ theo tâm ứng của chúng sinh mà thuyết pháp, trăm ngàn chúng sinh đều đắc quả Tu-đà-hoàn, một vạn tám ngàn người chứng A-la-hán. Từ đó về sau ngài hóa độ vô lượng, lại được vua A-thứ hưng khởi lợi ích lớn, công đức của vua thật thù thắng sâu xa, đối với Tam bảo tín tâm bất hoại. Vì thiện duyên cho nên đắc được quả này. Xưa Phật còn trụ thế ở tại rừng Già-lan-đà, vào một ngày Phật cùng chư Tỳ-kheo vào thành khất thực, ở bên đường thấy hai đồng tử, một tên là Đức Thắng, hai tên Vô Thắng. Cả hai đang dùng đất tạo ra nhà cửa thành trì kho đụn, và gọi đó là lúa gạo. Chúng đem lúa gạo bằng đất cất vào trong kho, khi thấy Phật ánh quang minh chiếu tỏ, cũng giống như kim sắc trong sáng thấu triệt. Đức Thắng hoan hỷ đem vật gọi là bánh dâng lên cúng cho Như Lai. Vì thân còn nhỏ nên không đưa lên cao được. Vô Thắng quỳ xuống để cho Đức Thắng đứng lên dâng cúng. Thế Tôn nhận lấy và mỉm cười.

Bấy giờ A-Nan mới bạch Phật rằng:

Như Lai vì duyên cớ gì lại cười?

Phật bảo A nan: – ông có thấy hai đứa bé này không?

Bạch Thế Tôn có thấy!

Hai đứa bé đó, một trăm năm sau khi ta diệt độ là một trong bốn Chuyển luân vương, ở trong thành Hoa Thị trị đời theo chánh pháp. Vua này phân bố Xá-lợi của ta thờ cúng khắp nơi, tạo ra tám vạn bốn ngàn bảo tháp.

Phật đem đất này trao cho A-nan, bảo đem về trét vách phòng của Phật.

Một trăm năm sau đứa bé tái sinh ra đời làm vua. Vua này rất bạo ngược vô đạo tạo nhiều sự sát hại. Vua tạo ra cảnh địa ngục, bề ngoài trông rất vui vẻ khoái lạc. Lại sai một kẻ ác là Kỳ-lợi, lập ra đại ngục thất với đầy đủ các thứ đao kiếm, thiết đồng sắt nóng, để trị tội những ai bước vào đó. Có một vị trưởng giả tử xuất gia, du hành khất thực đi vào ngục ái lạc rồi muốn trở ra, Kỳ-lợi bắt lại. Vị Sa-môn này kêu khóc rất thống thiết. Ngục tốt hỏi: sao lại như thế?

Tỳ-kheo đáp: ta không sợ chết mà là vì thiện lợi vậy. Ta mới xuất gia chưa chứng đạo quả, thân người tuy được mà pháp Phật khó gặp. Nay ta rơi vào đây mà phải chịu chết, vì nghĩ thế cho nên ta mới đau đớn khóc than.

Kỳ-lợi đáp nói: Vua đã ra pháp lệnh rồi, ai đã vào đây rồi thì nhất định không cho ra. Tỳ-kheo lại nói: Ta vào đây ắt là phải chết, vậy xin gia hạn cho bảy ngày rồi hãy giết.Ngục tốt nghe nói vậy thì bằng lòng.

Vua A-thứ-già ở trong cung thấy thể nữ cùng bọn nam tử đùa giỡn nhau. Vua rất giận dữ bắt họ giao cho ngục tốt trị tội, ngục tốt cầm chày sắt bằm họ ra như bụi, xương cốt phân tán ra như bọt tụ. Tỳ-kheo quán thấy như thế sinh lòng rất nhàm chán, liền than rằng: Tin thay! Bậc đại bi đã nói ra những lời chân thật. Phật nói sắc vô thường cũng như bọt lửa, không có gì là chắc chắn lâu dài. Thân họ trước đây xinh đẹp đáng yêu. Nay không còn chút gì trong hiện tại. Nhân mạng hư nguỵ không có gì đáng yêu. Sự tôn quý bần tiện, trí ngu đều không đồng. Sự sống tuy có khác biệt mà vẫn đưa đến cái chết. Cũng như trăm sông nguồn chảy thì có khác, mà chưa có nguồn nào không chảy về biển cả. Người cũng như thế, cũng tụ ở nơi cõi tử, vì nghiệp dài ngắn nên sự thọ sinh cũng có dài ngắn, chẳng bao lâu rồi cũng quy diệt. Thân này bất tịnh xứ uế thật đáng chán, nhờ có da thịt bao bọc sinh lòng ái tưởng mà không quán thấy bên trong đầy dẫy xú uế, lạ thay! Sinh tử khổ đau mà kẻ ngu si vẫn ưa thích. Nếu chẳng phải bậc Hiền Thánh du tâm trước vị, quán sát như từ đêm suốt ngày, nhờ vậy mà đoạn hết kiết phược đắc quả Tuđà-hoàn. Tỳ-kheo lại quán chuyển tinh cần đắc quả A-la-hán. Đủ bảy ngày Kỳ-lợi đến hỏi:

Ông kỳ hạn bảy ngày đã đến, nên thọ hình phạt.

Tỳ-kheo đáp: đêm đã qua, mặt trời đã mọc, việc làm đã xong tuỳ ngươi trị phạt. Kỳ-lợi giận dữ đặt một chảo dầu nóng đun nấu Tỳ-kheo. Lửa đang cháy mạnh lại trở thành mát mẻ. Ngục tối lấy làm lạ mới đến bên chảo nhìn xem, thấy trong chảo có cả ngàn hoa sen. Vị Tỳ-kheo đang ngồi kiết-già ở trên. Thấy vậy Kỳ-lợi liền vào bạch vua. Vua dẫn theo quyến thuộc đến xem, khi ấy Tỳ-kheo liền bay lên hư không, biến hóa ra thành mười tám loại thần biến. Vua thấy vậy khen là việc chưa từng có, và nói rằng:

Chúng con nay cùng bẩm thọ hình tướng của người, uy đức kỳ diệu có muôn thứ sai biệt như thế. Con nay chưa thông đạt, xin Ngài tuyên nói pháp. Bấy giờ Tỳ-kheo muốn hóa độ nhà vua, liền nói lời này:

Ta đoạn hết kiết phược, giải thoát ngoài tam hữu, lìa hết sự động loạn được tịch nhiên an lạc. Đại vương nên biết, Phật đã thọ ký cho Ngài, sau một trăm năm Vua ở tại thành Hoa Thị, phân bố xá-lợi, rộng kiến tạo ra bảo tháp. Ông cớ sao lại tạo ra các tội ác này, tàn hại sinh linh không hề thương xót. Vua nên thừa hành theo ý của Phật, đem lại sự lợi ích an lạc cho chúng sinh.

Vua nghe xong rất lấy làm hối hận tự trách, quy y Tam bảo, sinh tâm kính tín, thâu thập công đức xá-lợi của Như Lai lập ra tám vạn bốn ngàn bảo tháp. Khi xây tháp xong rồi thì vua đến chùa Kê-đầu-mạt, chắp tay hỏi Thượng tọa Da-xá rằng:

Cõi Diêm-phù-đề này, có ai được thọ ký như tôi không.

Da-xá đáp: Phật đã thọ ký cho Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa, một trăm năm sau làm việc ích lợi lớn lao.

Vua lại hỏi: người thanh tịnh đã có ra đời chưa?

Đáp: Đại vương! Vị đó ra đời nay đã đã đắc quả La-hán, đang ở tại núi Ưu-đà thuyết pháp cho hội chúng.

Vua liền sửa soạn xa giá muốn đến kia đảnh lễ, cho sứ giả đi trước đến bạch với Đại Thánh rằng:

Vua A-thứ-già muốn đến thăm ngài.

Tôn giả nghĩ: chỗ này hiểm trở thô lậu, không thể chứa được nhiều người. Ta nên tự mình đi đến chỗ Vua.

Rồi Ngài sửa soạn cùng đi đến thành Hoa Thị. Vua nghe nói rất vui lòng, cho quét dọn đường xá phố phường, đốt hương, tán hoa và các thứ kỷ nhạc. Vua cùng quần thần ra cung nghinh Tôn giả. Khi gặp Ngài, Vua liền làm lễ sát đất, rồi chí tâm chiêm ngưỡng mắt không tạm rời, rồi bạch rằng:

Thưa Đại Thánh! Con làm Vua được các thứ tự tại khoái lạc, cũng không bằng ngày nay được nhìn thấy Tôn giả. Tâm vua rất hoan hỷ nên liền nói kệ:

Phật tuy nhập tịch định,
Tôn giả bổ xứ sinh,
Nay ứng thấy giáo sắc,
Con liền tuỳ thuận học.

Thế rồi Tôn giả đưa tay rờ đầu Vua, dùng kệ đáp:

Cẩn thận sợ hãi chớ phóng dật,
Vương vị giàu sang khó bảo tồn,
Tất cả rồi đây đều quy diệt,
Thế gian không có gì thường trụ,
Tam bảo khó gặp ông đã gặp,
Hằng thường cúng dường chớ bỏ phế.

Vua thỉnh Tôn giả đi vào, trong nội cung sắp đặt bảo toà cho Ngài ngồi rồi thưa:

Bạch Đại Thánh! Những nơi Phật du phương hành trụ, con đều muốn lập tháp để cho mọi người khởi lòng kính tín.

Tôn giả khen: lành thay! Lành thay! Ta sẽ dẫn vua đi khắp các nơi có Phật tích. Rồi vua chuẩn bị xa mã cùng đi với Tôn giả. Mọi người hướng về vườn lâm-tỳ-ni nơi Phật đản sinh, cho đến Phật đến thành câu-thi-na sau khi đã hóa duyên xong rồi nhập Niết-bàn. Vua nghe xong sự tích của Phật thì buồn rầu khóc lóc đến ngất xỉu, giây lâu mới tỉnh dậy.

Sau đó vua cho xây tháp thờ xá-lợi của Phật khắp nơi, Cúng dường trăm ngàn lượng rồi mới trở về. Sau đó Tôn giả dẫn vua đi đảnh lễ tháp của ngài xá-lợi-phất và năm trăm vị La-hán. Các nơi vua đều đảnh lễ và cúng dường để xây sửa. Cuối cùng vua đến tháp Bạc-câu-la. Vua hỏi: tháp này có công đức gì?

Tôn giả đáp: Đại Vương! Phật thọ ký cho vị này không có các thứ bịnh suy. Cho đến trải qua chín mươi mốt kiếp sau khi Phật diệt độ tại thành Tỳ-bà-thi, bấy giờ Bạc-câu-la trụ trong một ngôi chùa, thấy các vị hào phú đến cúng dường chúng tăng. Tôn giả lúc ấy say rượu nằm nghỉ, tâm tự nghĩ: ta nghèo biết lấy gì cúng dường đây, ta nay có một viên Ha-lợi-lặc, chúng tăng ai có bịnh hoạn gì, có thể đến cúng dường sẽ chữa bịnh. Thế rồi Tôn giả nói cho mọi người biết sẽ cúng dường thuốc.

Khi ấy có một vị Tỳ-kheo bị bịnh rất thống khổ, có người mách bảo cho thuốc Ha-lợi-lặc. Tỳ-kheo đến xin thuốc về chữa trị, không bao lâu thì khỏi bịnh. Do nhân duyên đó mà trong chín mươi mốt kiếp thường được sinh về cõi trời người, chưa từng mắc bịnh. Cuối cùng sinh vào nhà Bà-la-môn. Mẹ mất sớm cha lấy vợ khác. Lúc còn bé, có lần Bạc-câu-la thấy mẹ kế làm bánh thì đi theo sau xin, người mẹ rất ghét bèn ném vào lò bánh. Người cha về tìm thì gặp con ở bên trong lò. Lần khác, người mẹ nấu thịt, đứa bé lại theo sau xin ăn. Mẹ giận ném vào trong chỏ, lửa nóng như đốt mà vẫn không sao. Người cha đi tìm con không gặp mới hỏi:

Con ta nay ở đâu?

Lúc này Bạt-câu-la trong chỏ lên tiếng. Cha liền đem ra mà không hề hấn gì. Người mẹ sau đó đi qua sông, Bạc-câu-la níu áo đòi theo.

Người mẹ giận dữ nói:

Ngươi là loài yêu mị gì mà bị lửa đốt bao lần vẫn không chết.

Thế rồi nắm đứa bé liệng xuống sông. Gặp phải con cá lớn nuốt chửng nhưng do phước duyên nên không chết. Có người câu được cá này đem ra chợ bán. Vì nói giá cao nên không ai mua. Từ sáng đến tối thịt đã muốn hôi. Cha Bạc-câu-la đi ngang qua chợ, thấy con cá lớn liền nghĩ: cá này thịt rất nhiều, nay đã muốn hư nên hỏi mua mang về. Thế rồi ông cho tiền người bán rồi đem cá về. Khi dùng dao định mổ bụng cá thì Bạc-câu-la ở bên trong liền lên tiếng:

Xin cha nhẹ tay chớ làm con bị thương.

Người cha mổ bụng cá đem con ra. Năm tháng dần trôi, Bạc-câula liền xin xuất gia, chứng quả La-hán có đầy đủ công đức. Đến tuổi một trăm sáu mươi mà vẫn chưa có bịnh, cho đến cũng không có nóng lạnh nhức đầu, sống đời thiểu dục tri túc thường lạc nhàn tịnh, cũng chưa từng dạy người một câu kệ bốn chữ.

Vua nghe nói vậy, sai người đặt một tiền vàng cúng dường cho tháp này. Quan phụ tướng thưa: – cũng đồng là La-hán, vì sao nơi này chỉ cúng một tiền.

Vua đáp: vì đây tự độ mà không hóa tha. Khi ấy tháp thần không nhận mà hoàn trả lại cho vua.

Phụ tướng thưa: Thật là thiểu dục, chỉ một đồng tiền mà không muốn nhận, huống chi là nhiều.

Như thế năm trăm vị La-hán, mỗi vị đều có bổn duyên riêng. Vua A-thứ-già cúng dường tháp Như Lai mà chúng Thanh văn xong, hoan hỷ chắp tay và nói kệ rằng:

Lập muôn bảo tự,
Mới được làm người,
Ta nay liền vì,
Bất không thọ sinh,
Gặp phước điền tốt,
Tạo đủ thắng nghiệp,
Đem của rộng lớn,
Mà tu pháp dày,
Nơi ta xây tháp,
Trang nghiêm cõi này,
Dụ như mây trắng,
Sáng đẹp hư không.

Nói kệ xong rồi vua đảnh lễ trở về. Khi đến cây Bồ-đề lại nói rằng: – ta nay muốn làm hai việc phước: một là dùng ngàn cái bình đựng đầy nước hương đem rưới cây Bồ-đề, hai là kiến lập “Bàn- giá-vu-cầm” (Đại hội cúng thí) thế là Vua tắm rửa sạch sẽ đắp mặc y phục mới. Ngài đứng trên lầu cao đảnh lễ khắp bốn phương, và nói lời rằng: nguyện chư Thánh xin nhận lời thỉnh của con.

Vua vừa nói xong thì mười phương các bậc La-hán bay lên hư không, đến hai mươi vạn thánh nhân từ ba cõi cũng đều vân tập, ở trên toà mà không dám ngồi. Vua hỏi chúng tăng:

Vì sao đến đây mà lại ngồi trên hư không?

Da-xá đáp: có vị đại La-hán tên là Tân-đâu-lô. Như Lai đã thọ ký cho vị này là sư tử hống uy đức rất cao thắng, nay sẽ đến đây.

Vua nghe xong thì lông trên lưng đều dựng đứng, như hoa Ưu-bátla vừa mới khai nở. Vua liền chắp tay chiêm ngưỡng chờ đợi.

Bấy giờ Tân-đầu-lô cùng chư vị La-hán, như nga vương bay lên

hư không đáp xuống. Tất cả chúng hội thảy đều cung kính. Vua thấy Tôn giả tóc trắng đẹp, thân hình tướng hảo như Bích-chi Phật, liền qùy mọp xuống làm lễ, thưa rằng:

Đại Thánh! – Ngài có gặp Như Lai không?

Đáp: – đã từng gặp, sắc Phật như vàng tụ, mặt như trăng đầy, đầy đủ ba mươi hai tướng trang nghiêm, tiếng Phạm âm thâm diệu, lòng đại bi thật là sâu rộng.

Vua lại hỏi: – Ngài gặp Phật ở đâu?

Tôn giả đáp: Tại thành Vương xá, vào mùa hạ an cư. Ta lúc ấy gặp các việc phước điền thù thắng. Thấy vua khi ấy đem nắm đất cúng dường cho Phật. Như Lai thọ ký cho ông ta cũng được nghe.

Sau đó vua đem tất cả quốc gia cho đến vợ con quyến thuộc vàng bạc châu báu cung điện, cho đến bản thân mình đem cúng dường cho Phật. Lại thỉnh chúng tăng cho mình lập ra hội “Bàn-giá-vu-cầm” (pháp hội bố thí pháp và tài không hạn lượng). Sau khi Vua rưới cây Bồ-đề, lại tự mình đi châm thêm thức ăn cho chúng tăng. Khi ấy ngài Tân-đầu-lô dùng sữa rưới vào cơm. Vua nói: Đại Thánh! sữa vốn là chất khó tiêu, Ngài ăn không sợ bịnh chăng? Tôn giả đáp: Không hề chi, vì sao? khi Phật còn tại thế thì nước cùng sữa đều như nhau.

Tôn giả ăn mà không có bịnh gì. Ngài muốn nghiệm lại việc này nên giơ tay xuống mặt đất đến hơn bốn vạn hai ngàn lý, rồi bốc một nắm đất nơi đó lên bảo vua.

Vua nên biết, chúng sinh bạc phước nên mùi vị ngon béo đều nhập vào đất. Cho nên phước thế gian chuyển thành suy diệt. Vua cúng dường xong rồi thì vui vẻ trở về. Vua có một người em tên là Túc-đàsất, người này theo tà kiến rất ghét Sa-môn. Vua liền lập phương tiện cho em từ bỏ tà kiến. Sau đó vị này xuất gia, tu chứng quả A-la-hán. Nhưng rồi bị kẻ xấu sát hại. Bấy giờ đại chúng nghi vấn mới hỏi ngài Ưu-ba-cúc-đa: vì nhân duyên gì mà Túc-đà-sất sinh vào nhà hào quý, tu chứng quả mà còn bị giặc giết.

Tôn giả đáp: trong đời quá khứ lâu xa vào thời Phật Ca-diếp, vị này thường cúng dường chúng tăng, do phước này nên sinh vào hào quý hưởng vinh hoa. Lại trong đời quá khứ từng làm một người thợ săn, giăng bẫy mà không bắt được con thú nào. Khi trông thấy vị Bích-chiPhật thì sinh tâm giận dữ, dùng kiếm bén chém vào đầu Phật. Do nghiệp đó mà đoạ vào địa ngục, sinh ra thường bị người giết hại, tuy đắc đạo mà vẫn còn dư báo.

Trang: 1 2 3 4 5 6