PHÓ PHÁP TẠNG NHÂN DUYÊN TRUYỆN

Đời Nguyên Ngụy – Tam tạng Tây Vực là Kiết-già-dạ cùng Đàm Diệu dịch ra Hán Tạng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 2

Đức Ma-ha Ca-diếp lúc sắp nhập Niết-bàn, đem giáo pháp tối thắng phó chúc cho ngài A-nan. Ngài nói rằng: Trưởng lão nên biết, xưa đức Bạt-già-phạm đem giáo pháp chúc phó lại cho ta. Ta nay tuổi đã già yếu việc nhập diệt sẽ đến. Thắng nhãn thế gian nay muốn giao phó lại cho ông. Ông nên tinh cần giữ gìn giáo pháp này.

A Nan thưa: xin vâng, xin nguyện thọ trí.

Thế là A-nan diễn xướng diệu pháp hóa độ chúng sinh. Nhưng do đời trước có đại công đức, trí huệ sâu xa đa văn túc trí. Phật từng khen ngợi là người tổng trì đệ nhất, có đủ khả năng nghe thọ pháp tạng của chư Phật, như biển lớn thâu nạp cả trăm sông, tiếng tăm bay xa, người người đều biết. Công đức như thế không thể cùng tận. Ta nên tuỳ thuận nói ra nhân duyên này: Vào đời quá khứ trải qua a-tăng-kỳ kiếp, vào thời Định Quang Như Lai, là một vị sa-môn có nuôi một Sa-di. Thường bảo Sa-di tụng tập ngày đêm, dạy bảo không hề mỏi mệt. Nếu vị này có chút lỗi lầm thì liền quở trách. Lúc này Sa-di vì thầy mà đi khất thực. Nhưng vì còn ít kinh chưa tụng đủ, nên lại bị thầy quở mắng. Sa-di vì đó nên rất khổ não. sau đó vì thầy khất thực thì vừa đi vừa tụng, có vị trưởng giả thấy vậy thì lấy làm lạ mới hỏi.

Sa-di đáp: thầy tôi nghiêm dạy, bảo tôi tụng tập. Đi khất thực tức không đủ số, do đó nên tôi vừa đi vừa tụng cho đủ.

Trưởng giả đáp: thầy chớ sinh ưu não. từ nay về sau tôi sẽ cúng dường đầy đủ. Thầy cứ lo chuyên cần tụng tập kinh điển. Thế là Sa Di không còn đi khất thực nữ, từ đó về sau tụng kinh đầy đủ. Sa-di đó chính là Đức Thế Tôn. Còn vị trưởng lão này là A-nan. Do phước duyên này mà A-nan có được trí tuệ thâm diệu, tổng trì sâu xa. Đa văn hiểu rộng, không thể nói cho cùng tận. Cho đến Phật-bà-già-bà thành tựu quả vô thượng chánh giác, tuyên dương diệu pháp, giáo hóa chúng sinh. Thế là A-nan tự mình tư duy: thế gian là lao ngục không thể nào yêu thích được. Các pháp ngũ dục như huyễn không có chắc thật. Quả là đáng sợ còn hơn rắn độc. Khi còn trẻ thì dung nhan còn xem là rất đẹp, nhưng rồi cũng bị già bịnh làm cho tàn hại. Vô thường tấn tốc mau như nước dốc, nuốt diệt tất cả mọi sự ân ái hội tụ. Các vị vương tử ngày xưa uy đức thật là tự tại, vì gió vô thường làm cho suy yếu, ưu bi khổ não liên tục không dứt, ái la-sát nữ thường khi dối chúng sinh, ta làm sao tránh được nạn này. Đức Thế Tôn thần trí thật là siêu diệt. Vốn từ dòng họ Thích đi xuất gia học đạo. Ta nay nên đến xin làm đệ tử. Nói rồi liền tìm đến chỗ Phật cầu xin xuất gia. Phật bảo: thiện lại. A-nan liền trở thành sa-môn, khi đó Như Lai liền vì ông mà thuyết pháp, đó là các pháp bố thí, trì giới tu tập sinh về cõi trời. Dục là bất tịnh, ra khỏi đó là pháp tối thiện. Ý ngay đó liền tỏ ngộ thành tựu quả Tu-đà-hoàn. Tâm niệm Phật muốn có người làm thị giả. Ngài Kiều-trần-như liền đi đến chỗ Phật cầu làm thị giả. Phật nói: Kiều-trần-như ông nay già yếu còn cần có người chăm sóc, làm sao làm thị giả cho ta được. Thế là năm trăm vị đại đệ tử đi đến chỗ Phật cầu làm thị giả. Phật đều không cho, tất cả đều lễ Phật lui ra. Bấy giờ ngài Mục-kiền-liên dùng tha tâm trí, quán tâm Như Lai ở nơi chỗ của A-nan, như mặt trời mới mọc, ánh sáng chiếu tỏ bức tường phía Tây. Ngài cùng chư Tỳ-kheo bảo A-nan: Phật Phật đang cần nhân giả làm thị giả cho ngài. Ông mau đến lễ cầu thắng giác.

A-nan nói: uy đức của Như Lai cũng như đại long, nay tôi uế nhược không dám nhận lãnh.

Chư Tỳ-kheo bảo: A-nan nên biết, Đức Thế Tôn chỉ chuyên tâm vào ông, nên mau đến phụng lễ chớ để Phật đợi lâu.

A-nan liền vâng lệnh nhưng cầu xin ba ước nguyện: Đó là không thọ y cũ của Như Lai. Nếu có đồ ăn dư của Phật xin đem cho người khác. Thời tiết tiến hiện đều theo tôi xét định. Ba nguyện nếu được toại ý thì tôi mới thọ giáo.

Bấy giờ chư Tỳ-kheo đến chỗ Đức Thế Tôn cúi đầu làm lễ thưa lạy đầy đủ mọi việc. Như Lai khen ngợi: lành thay! A-nan. Ông thật là người có trí tuệ, khéo biết thời nghi. Không chỉ bây giờ mà nhiều kiếp lâu xa trước cũng đã như thế.

Các ông nên lắng nghe, ta nay sẽ nói: từ thời quá khứ xa xưa, có các vị vua ngụ tại thành Bà-sí. Ở trong thành này có một vị Bà-la-môn tên là Câu-lâu-đà, là bậc thiên tài xuất thế thông minh bác đạt, hàng cư sĩ ở trong nước thảy đều tôn kính. Vị Bà-la-môn này giàu có của cải vô lượng, nhưng không có con để nối dõi nên ông rất buồn. Đã mười hai năm rồi ông thường thỉnh cầu chư thiên. Cuối cùng thì đại phu nhân biết mình có thai,đủ ngày tháng thì sinh ra một bé trai dung nhan xinh xắn, thân sắc tử kim. Có vị tướng Sư đoán rằng: đây là đứa con phước đức, thế là bèn đặt tên cho nó là Đại Thí. Khi cậu bé lớn khôn mới xin cha mẹ cho đi du ngoạn. Cha ra lệnh cho sửa sang lại đường xá, cho trổi các thứ kỷ nhạc, đốt hương tán hoa.

Đại Thí khi đi ra ngoài du ngoạn, trước đường thấy một người ăn xin, áo quần rách rưới, cất tiếng cầu khẩn bi ai. Đại Thí bèn hỏi: vì sao lại như thế! Người ăn xin đáp: tôi vì nghèo khổ cô độc lại bệnh hoạn bức bách, cho nên mới đi xin.

Đại Thí nghe qua lòng rất đau xót nói: nhân loại thật đáng thương xót, ngu si che mất tâm tánh nên bị đắm đuối trong ngũ dục, và bị lão bịnh tử naõ hại. Ở trong đó thản nhiên tìm khoái lạc, không tu thiện nghiệp nên thọ lấy ác quả. Lạ thay! Ở trong đường hiểm nạn thật đáng lo sợ.

Sau đó Đại Thí lại đi lên phía trước,thấy người thợ săn đang giăng lưới bắt chim,kẻ khai ruộng bắt cá,phần nhiều đều làm thương hại. Đại Thí hỏi: vì sao lại như thế?

Mọi người đáp: tổ phụ chúng tôi từ xưa đến nay đều làm việc này. Vì cuộc sống và đóng thuế cho nhà nước, chi dụng một lúc hết nên cứ nghèo khổ thiếu thốn.

Đại Thí nghe qua lòng càng thương cảm. Lòng đại bi hưng khởi và tự suy tư: thương thay cho chúng sinh không có trí tuệ, tội nghiệp tích tụ lâu xa nên chịu cảnh bần cùng khốn khổ. Ở nơi chỗ tối tăm thật đáng lo sợ. Vậy mà nay lại tạo ra ác nghiệp như thế. Giết hại mọi loài chúng sinh, ác nghiệp tăng trưởng ác nghiệp bất thiện đầy dẫy, luân hồi trong ngũ đạo làm sao mà khỏi. Ta nay lập phương tiện cứu hộ.ở nơi sinh tử nhiệt não phải làm cho mát mẽ.

Đại Thí nghĩ xong tìm cách đi vào biển lớn,đến cung Long vương để cầu ngọc châu Như ý, ông trông thấy một thành vàng toả sáng vàng chói rực rỡ. Có các loài rắn độc bao quanh không thể nào đến gần được, ông liền nhập vào từ định vượt lên trên mà vào. Long vương bước ra lễ lạy cung kính nghinh đón. Cùng nhau ân cần thăm hỏi rồi bước vào bên trong.

Long vương hỏi: nhân giả vì sao lại đến đây?

Đại Thí đáp: người trong cõi Diêm-phù-đề nghèo khổ, nên gây thật nhiềi việc giết hại, mạng chung ắt sẽ sinh vào ác đạo. Tôi vì thương xót họ, trải bao gian khổ để đến được nơi này, cầu được ngọc Như ý để đem về cứu nạn, làm lợi ích cho chúng sinh.

Long vương nói: tốt! Tôi sẽ làm theo ý nguyện của Ngài, chỉ xin lưu lại đây ít lâu thuyết pháp cho tôi nghe.

Đại Thí bằng lòng. Ở lại đó bốn tháng, diễn xướng các pháp danh tự đầu đuôi, lần lượt tuỳ thuận giải nghĩa câu cú. Long vương chí tâm lắng nghe suy nghĩ, đưa ra các câu hỏi rất đúng thời nghi, tuỳ theo thời tiết mà suy lường. Trải qua bốn tháng Đại Thí liền từ biệt trở về. Long vương cởi hạt châu nơi búi tóc đưa cho, nhân đó phát thệ rằng:

Đại sĩ từ bi thật là sâu xa, tất rồi sẽ thành tựu chánh đẳng chánh giác. Nguyện cho tôi được làm một vị đệ tử đa văn, thế là Đại Thí dùng châu Như ý làm ra mưa bảy báu, người trong Diêm-phù-đề thảy đều được an lạc, tu hành thập thiện, cuối cùng đều được sinh thiên.

Các Tỳ-kheo nên biết, Đại Thí lúc ấy chính là ta đây, Long vương là A-nan bây giờ. Làm thân Long vương mà còn biết thời nghi, huống gì bây giờ mà không thông đạt. Cho nên A-nan làm thị giả cho Như Lai thì rất tuỳ thuận. A-nan có thể nghe trì pháp tạng ban đầu không mất vô lậu. Cho đến khi Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn ở Ta La Song Thọ. Đức Thế Tôn hỏi Kiều-trần-như là bây giờ A-nan ở tại đâu.

Đáp: đang ở ngoài rừng Ta-la, bị các chúng quỷ nhiễu loạn, rơi vào lưới tà rất là khổ não, trừ Phật ra thì không ai cứu được.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

Đức Thế Tôn! Trong đại chúng có chư Bồ-tát, ở trong vô lượng kiếp phát tâm Bồ-đề, tu nguyện hạnh lâu xa không còn thối chuyển. Nếu so ra thì có thể thọ trì được pháp tạng của Như Lai, vì sao lại chỉ hỏi A-nan.

Phật bảo: Văn-thù! Tỳ-kheo A-nan theo hầu ta đã lâu, ban đầu không có lỗi gì, thành tựu các việc đầy đủ không thể nói biết. Khi nghe pháp thì khéo thọ trì, cũng như rót nước vào vật khác. Được mọi người khát ngưỡng, cho nên ta hỏi A-nan ở đâu. Nay ở ngoài đạo tràng cách đây mười hai do-tuần, bị chúng ma nhiễu loạn, ông đem chú của ta đến đó giải nạn cho A-nan. Văn-thù-sư-lợi đi đến chỗ ma nói chú Đà-la-ni, ma nghe thần chú liền buông thả A-nan ra.

A-nan cùng văn-thù cùng đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ lạy rồi đi sang một bên. Đức Thế Tôn sau nửa đêm đó thì nhập Niết-bàn, chúng thiên nhân đều thiết lễ cúng dường làm lễ trà tỳ. Khi sự việc đã xong ngài Ma-ha Ca-diếp cùng chư La-hán, muốn kiết tập kinh điển tại Vương xá thành. A-nan lúc này vẫn còn ở tại học địa, vì hữu lậu chưa dứt hết nên không thể dự vào Thánh chúng. Bấy giờ có Tỳ-kheo tên là Bà-xá-phất, liền nói bài kệ tụng để A-nan giác ngộ. Bậc đa văn thù thắng/ An tịnh trong núi rừng/ Nên quán tất cả pháp/ Giả dối không bền vững/ Sống chết nhiều hoạn nạn/ Niết-bàn thật trong mát/ Con Cù-đàm cần phải/ Siêng tu hạnh vô lậu/ Nhế thế không bao lâu/ Sẽ được lạc đề nhất.

A-nan nghe rồi, suốt đêm đó đi kinh hành. Tuy chuyên cần khổ tu mà vẫn không đắc quả A-la-hán, thân thể mệt mỏi liền muốn nằm ngủ, đầu chưa chạm gối thì liền đắc quả, tam minh vô ngại, lục thông thanh triệt. Ngài liền bay vào hang Tất-bát-la, đứng ngoài cửa mà nói kệ rằng:

Đa văn biện tài
Hầu cận chánh giác
Cù đàm A-nan
Nay ở ngoài cửa
 
Lúc này Ca-diếp nói kệ đáp:

Ông đã dứt các khổ
Bỏ hết những phiền não
Nên ứng hiện thần không
Cho chúng cùng chứng biết

Thế là Ngài A-nan bèn dùng thần thông xuyên vách đá mà vào, làm lễ chúng tăng rồi theo thứ tự mà ngồi, vâng lệnh Ca-diếp diễn tập lại thắng nhãn. Cho nên khi Ngài Ca-diếp nhập Niết-bàn, Ngài cùng vua A-xà-thế đi đến núi Kê túc đốt hương rải hoa tán thán cúng dường.

Vua nói: nhân giả! Như Lai và ngài Ca-diếp đã nhập Niết-bàn, tôi vì nghiệp chướng sâu dày nên không được thấy. Tôn giả nếu nhập Niết-bàn xin cho tôi biết.

A-nan chấp nhận.

Rồi Ngài đi các nơi tuyên dương diệu pháp, hóa độ cho tất cả chúng sinh. Cuối cùng Ngài đi đến nơi vườn trúc, nghe có Tỳ-kheo tụng một bài kệ:

Nếu người sống trăm tuổi
Không thấy con hạc già
Không bằng sống một ngày
Mà được nhìn thấy đó.

A-nan nghe xong thì buồn bã than thở. Pháp nhãn thế gian suy diệt sao mà mau thế. Các pháp ác vì sao liền khởi. Vì trái với Thánh giáo nên sinh ra vọng tưởng, không có trí huệ nên thường ở trong tăm tối. Vĩnh viễn luân chuyển trong biển sanh tử khổ não, bị lão bệnh tử bức bách

Ngài nói với vị Tỳ-kheo đó: đây chẳng phải là lời Phật nói. Không nên tu theo, ông nên biết rằng: hai người cùng huỷ báng Phật, một là, tuy đa văn mà sinh tà kiến. Hai là, không hiểu thâm nghĩa mà điên đảo vọng thuyết. Hai điều này tự làm thương hại không thể lìa được tam ác đạo. Ông nên lắng nghe ta nói lại bài kệ:

Nếu người sống trăm tuổi
Không hiểu pháp sinh diệt
Không bằng sống một ngày
Mà hiểu rõ Phật pháp

Bấy giờ Tỳ-kheo đến thưa lại lời A-nan với thầy mình. Vị Thầy bảo: Ngài A-nan già cả lẩm cẩm rồi, nên trí tuệ lu mờ, nói nhiều điều lầm lẫn không thể tin được.con nên y như trước mà tụng tập. A-nan sau đó lại nghe vị Tỳ-kheo vẫn đọc sai như trên bèn hỏi vì sao, tỳ-kheo nói lại lời thầy mình.

A-nan nghe qua suy nghĩ, vị kia xem thường lời nói ta, hoặc đã nghe ai dạy khác. Rồi Ngài nhập vào tam-muội, suy cầu thắng đức, không thấy có người nào dạy như thế, liền nói rằng: lạ thay vô thường! Thật là huỷ hoại mau chóng. Vô lượng Hiền Thánh như thế, khiến cho khắp thế gian đều trở thành trống vắng, các nơi đều trở thành tối tăm thật là đáng sợ. Tà kiến mạnh mẽ, các sự bất thiện tăng trưởng. Con người trở nên huỷ báng Như Lai, đoạn tuyệt hết chánh pháp,vĩnh viễn bị trầm luân trong sinh tử. Cửa ác thú mở ra cửa trời người đóng lại, ở trong vô lượng kiếp thọ các khổ não.

Thương thay! Thế gian thật là đáng thương xót, nay vị Tỳ-kheo này xem nhẹ lời nói của ai lại nói ra những tà ngôn. Ta biết nói với ai đây. Thế gian khổ não không có gì vui. Thân này đầy sự hủ bại nguy ách không có chắc thật. Cũng như bọt tụ trong khoảnh khắc rồi cũng biến diệt. Khi trẻ trung dung mạo còn đáng ưa thích, già yếu trang sức đã đến chỉ để che đậy bên ngoài, bên trong đầy dẫy máu mũ bất tịnh. Ví như điện giữa hư không,mây bay,gió mạnh bỗng chốc lại tan biến. Ngũ dục không chắc chắn cũng như thế. Cùng nhau ân ái an ổn khoái lạc, khi vô thường đã đến thì còn ai tồn tại. Các khổ thế gian khó ở lâu dài! Vậy nay ta nên nhập diệt.

Thầy ta và đồng Phạm sư và đồng phạm hạnh đều đã diệt độ,thân ta nay cũng không nên lâu dài.

Ngài lại nghĩ: Vua A-xà-thế đã giao ước với ta, ta nên đến nói cho Vua hay.

A-nan đến cung Vua nói với người gác cửa: -vào thưa với Vua là có A-nan ở ngoài, Ngài muốn nhập Niết-bàn nên đến từ giả. Người ấy thưa: Vua đang ngủ, nếu thức dậy ắt sẽ bắt tội con.

A-nan nói: nếu Vua thức dậy thì nói lại lời ta, vua A-xà-thế nằm mộng thấy cây bảo cái bị gãy thì giật mình kinh hãi thức dậy. Môn nhân vào thưa lại mọi chuyện. Vua nghe xong đau đớn té xuống đất ngất xỉu. Tuỳ tùng lấy nước dội cho vua tỉnh dậy. Vua lại khóc lóc thật là bi thương, rồi nói: – thương thay con mắt thế gian đã diệt. Ba cõi khổ não ấy ai cứu độ. Xưa Đức Thế Tôn khổ lòng từ bi sâu xa, vì chúng sinh làm bậc đại y chỉ. Rồi Ngài tự nhập vào Niết-bàn, làm cho thế gian trở nên trống vắng. Ngài Ca-diếp là bậc đại đệ tử có tiếng kế thừa Như Lai diễn nói pháp màu hóa độ chúng sinh, rồi lại diệt độ làm cho pháp luân tổn. Chiêm ngưỡng đức A-nan chẳng khác gì nhật nguyệt. Nay nhập vào Niết-bàn, chúng sinh biết lấy gì nương tựa. Nước pháp thanh tịnh rửa sạch hết mọi trần cấu. Nay còn ai thuyết pháp làm lợi ích cho chúng sinh. Chúng sinh luôn khát ngưỡng đạo mầu, nay còn ai gội nhuần pháp vũ. Bọn ma vương vui mừng vì được nhiều quyến thuộc. Thiện pháp dần mất đi nhường chỗ cho ác pháp.

Rồi Vua hỏi: Ngài A-nan đang ở đâu?

Viên thần nói: ở hướng Tỳ-xá-ly, Vua liền ra lệnh bốn lính cùng đến bờ sông Hằng. A-nan ngồi thuyền ở giữa dòng, vua tiến thẳng đến ầu lễ lạy thưa: – bậc minh đăng trong cúi đầu ba cõi đã bỏ tôi mà đi. Nay chỉ còn nương vào Ngài xin chớ nhập Niết-bàn

Ngài A-nan chỉ yên lặng không nhận lời. Thế là khắp cả địa đại đều chấn động. Lúc này trong Tuyết sơn có năm trăm vị tiên nhân,thấy hiện tượng như thế liền khởi tâm nghĩ: vì nhân duyên gì mà có dị tướng này. Họ liền quán thấy A-nan sắp nhập diệt. Thế rồi tất cả liền bay lên hư không đến chỗ Ngài cúi đầu làm lễ cầu xin xuất gia. Ngài A-nan hóa sông Hằng thành mặt đất vàng, vì chúng tiên nhân mà thuyết pháp cho họ nghe, tất cả đều chứng quả A-la-hán. Và đồng nhập vào Niết-bàn

A-nan nghĩ: Phật đã thọ ký ở nước Kế-tân có Tỳ-kheo tên là: Mađiền-đề, vị này sẽ kế thừa truyền trao pháp nhãn ở đó. Nghĩ rồi Ngài A-nan đi đến nước Kế-tân phó pháp cho Ma-điền-đề. Ngài bay lên hư không, biến hiện mười tám loại biến hóa. Nhập vào trong phấn tấn tam muội, phân thân làm bốn phần. Một phần bay lên cung trời Đao-lợi cho Thích-đề-hoàn-nhân. Một phần rơi xuống đại dương cho Sa-già Long vương. Một phần cho Tỳ-xá-ly tử. Một phần cho Vua A-xà-thế. Do vậy mà bốn phương đều có xây tháp thờ, các nơi đều đốt hương tán hoa cúng dường Xá-lợi. Lúc ngài Ma-ha Ca-diếp nhập Niết-bàn, bảo A-nan rằng: – nay ta đem pháp Phật giao phó cho ông. Trưởng lão sau đó nếu nhập Niết-bàn thì ở thành Vương Xá có vị trưởng giả tên là: Thương-na Hòa Tu, là bậc cao tài dõng mãnh có đại trí huệ, đã trồng thiện căn lâu đời, ý phát lên muốn đi vào biển tìm châu báu. Sau trở về lại làm đàn Ban-giá vu, làm nơi cho Như Lai đi kinh hành, lại lập ra lầu gác cao rộng, khi mọi việc xong xuôi rồi có thể độ cho xuất gia. Pháp tạng Như Lai có thể phó chúc cho người này. Thế nên khi A-nan sắp diệt độ có nói với Thương-na Hòa Tu: -Phật đem pháp tạng giao phó lại cho ngài Ca-diếp, ngài Ca-diếp giao lại cho ta. Nay ta nhập Niết-bàn nên giao lại cho ông. Ông nên chuyên cần giữ gìn,để lại cho chúng sinh hưởng được pháp vị cam lồ.

Thương-na Hòa-tu đáp: con xin vâng dạy. Con sẽ ủng hộ diệu pháp này, khai sáng cho tất cả chúng sinh.

Thế là Tôn giả lần lượt tuyên dương pháp lạc,độ chúng sinh dứt hết phiền não lậu hoặc. Ngài có đầy đủ đức hạnh cao xa, nguyện hạnh tu tập lâu dài. Đa văn tổng trì biện tài đều vô tận. Nay nên diễn bày công đức tụ của Ngài.

Vào đời quá khứ A-tăng-kỳ kiếp, Thương-na-hòa-tu là một thương chủ,cùng năm trăm thương khách tụ tập muốn vào biển lớn tìm châu báu. Khi ấy thấy một vị Bích-chi Phật ở bên đường, thân thể gầy gò bịnh tật gần sắp chết. Thương chủ cùng mọi người dừng lại, tìm thuốc men chạy chữa cho Bích-chi Phật, tận tâm chu cấp mọi việc đầy đủ. Khi lành bịnh, thể lực dồi dào mạnh mẽ, vị Bích-chi-phật đắp y Thương-na. Bấy giờ, thương chủ dùng nước thơm tắm cho Bích-chi Phật, dâng cúng các loại y phục tốt đẹp và thưa rằng: Đại thánh! Y Thương-na này đã cũ rách, xin Ngài nhận lấy y phục của chúng con.

Bích-chi-phật bảo: thương chủ nên biết, ta đắp y này từ lúc xuất gia cho đến khi thành đạo, sẽ cũng đắp y này cho đến khi nhập Niếtbàn.

Thương chủ nghe thế thì ôm lòng buồn não, bạch rằng: Đại Thánh! Xin chớ nhập diệt mà hãy cùng chúng tôi đi vào biển lớn, chúng tôi nguyện suốt đời cúng dường y phục đầy đủ và thuốc thang khi bịnh hoạn.

Bích-chi-phật đáp: ta không thể đi vào biển lớn được, ta nay muốn nhập Niết-bàn. Ông đối với phước điền nên sinh tâm rộng lớn, đời sau ắt sẽ được quả báo lớn.

Nói rồi Ngài liền bay lên hư không, biến ra thành mười tám thứ, trở lại chỗ cũ liền nhập vào Niết-bàn, thương chủ bi ai khóc lóc, rồi gom các loại cây hương lại để làm lễ trà tỳ cho Phật. Sau đó thâu nhập xá-lợi xây tháp cúng dường. Nhân đó phát nguyện rằng: nguyện con đời sau gặp được Thánh sư để cho con được các công đức tụ. Có đầy đủ pháp uy nghi và y phục như chư Thánh ngày nay không khác. Do nguyện lực dõng mãnh này mà ở trong thai mẹ đã được mặc y thương-na. Loại y phục này cùng rộng lớn ra theo thân. Cho đến khi xuất gia thọ giới đắc đạo nhập Niết-bàn, mà y thương-na này chưa lần nào lìa thân thể. Mọi người nhân đó mà gọi Ngài là: Thương-na Hoà-tu. Xưa đức Như Lai tu hóa tại nước Ma-đột-la, thấy cây cối xanh tươi xum xuê, liền bảo A-nan rằng: có thấy rừng cây này không?

A-nan đáp: dạ thấy!

Phật bảo: đây là núi Ưu-lưu-trà. Sau khi ta diệt độ thì có Tỳ-kheo tên Thương-na Hoà Tu, ở trong núi này xây dựng ngôi Tăng-già-lam, thuyết pháp giáo hóa được nhiều lợi ích. Thương-na Hoà Tu sau chuyến đi biển về thu hoạch được rất phiền loại trân báo, liền đi đến vườn Trúc làm lễ ngài A-nan, thưa rằng: – Đại Thánh! Con khi ra biển có nguyện nếu được an ổn trở về, sẽ thiết lập đại thí hội cúng dường Phật và Tăng. Nay Đức Thế Tôn ở đâu?

A-nan đáp: Đức Thế Tôn đã nhập Niết-bàn, Thương-na Hoà Tu nghe lời đó rồi thì đau buồn áo não té xuống đất bất tỉnh. Sau khi được lay tỉnh lại. Thương-na Hoà Tu phát lên khóc lóc kêu thương bi thảm, tự bức râu tóc, thân thể lắm đầy bùn đất, rồi lại kêu khóc như mưa, rồi nói rằng: sự vô thường đã làm tan hoại ngôi bảo tụ. Thế gian cô độc vĩnh viễn không có gì nương vào, là con bạc phước tội chướng sâu dày, mặt trời Phật soi sáng thanh tịnh mà không được thấy, vĩnh viễn phải chịu trầm luân trong tam đồ khổ hải.

Thương-na Hòa Tu lại hỏi: Ngài Ca-diếp, Mục-kiền-liên và xálợi-phất hiện ở đâu?

A-nan đáp: đều đã nhập diệt.

Nghe lời này Thương-na Hoà Tu lại càng đau đớn u buồn, thưa: Đại Thánh! Con vốn có phát nguyện vào biển nếu được an ổn trở về, sẽ thiết lập đại hội cúng dường Phật và tăng. Cho nên con muốn vì Thánh chúng cúng dường chút ít, duy nguyện Tôn giả thương xót hứa khả.

A-nan đáp: Lành thay! Trưởng giả nên biết là thế gian này nguy ách bất an đối với phước điền tối thắng nên khởi tâm kiên cố. Trưởng giả nên biết: các pháp vô thường không có ngã và ngã sở,cũng như vay mượn không có gì là lâu dài. Nếu ông muốn được lợi vô thượng thì ở nơi phước điền nên khởi tâm ân trọng. Vì quả báo này không bị trở ngại.

Thương-na Hoà Tu liền sửa soạn, mở đại hội cúng dường đầy đủ các thứ, lập ra nơi kinh hành và nhà cửa, phòng ốc. Khi mọi việc xong xuôi A-nan lại bảo: – ông tạo pháp tài thí thật là hy hữu. Nay nên làm pháp thí cúng dường. Đây là pháp thí sâu xa rộng lớn vô cùng, thù thắng hơn trăm ngàn lần tài thí, Thương Na Hoà Tu lại hỏi: – pháp thí là sao? A-nan đáp: – ở trong Phật pháp xuất gia học đạo, thuyết pháp giáo hóa làm lợi ích cho chúng sinh, đó gọi là pháp thí. Thương-na Hoà Tu đáp: thật là vừa với chí nguyện của con.

Thế là Ngài A-nan độ cho Thương-na Hoà Tu xuất gia và thọ giới cụ túc.

Thương-na Hoà Tu bạch với Đại Sư: con vốn khi sinh ra đã mặc y thương Na. Nay xin thọ trì y phục này đến suốt đời. Ngài nói xong thì đắc được lực tổng trì, các pháp nghe qua chưa từng quên, chứng quả Ala-hán, có được công đức lớn.

Sau đó khi ngài A-nan nhập Niết-bàn, tuyên giảng diệu pháp làm lợi ích cho chúng sinh. A-nan có được tám vạn bốn ngàn pháp tạng. Thương-na Hoà Tu đều ghi nhớ hết, ví như rót nước từ vật này sang vật khác. Thương-na Hoà Tu thọ trì cũng như thế. Đem pháp chân tịnh du hành giáo hóa, cuối cùng Ngài đi đến Ma-đột-la, ở trong núi Mạn-đà, thì muốn xây dựng trụ xứ. Khi ấy ở trong núi có hai con rồng phun ra nọc độc dữ dội không thể đến gần. Thương-na Hoà Tu, liền dùng thần lực làm chấn động núi này. Rồng rất giận dữ làm mưa gió dậy trời. Thương-na Hoà tu nhập vào từ tam-muội dùng định lực làm cho nọc độc của rồng tiêu mất. Rồng sợ hãi vô cùng bèn sinh tâm kính tin, hỏi rằng: thưa Tôn Giả, Ngài có pháp gì dạy bảo?

Thương-na Hòa Tu đáp: Phật đã thọ ký núi này có trụ xứ Tăng, cho nên ta muốn đến đây xây dựng Tăng đường.

Lonh tử bạch rằng: nếu Phật đã thọ ký, thì chúng con xin vâng lệnh. Thương-na Hoà Tu liền đến núi cho khởi công xây dựng trụ xứ, Thiền thất nơi kinh hành đều có đầy đủ. Trong ngoài đều yên tịnh vắng lặng không có ồn náo. Khi tạo trụ xứ xong xuôi Ngài liền khởi niệm suy nghĩ: Phật thọ ký ở nước Kế-tân là nơi an ổn yên vui. Đất nước nhàn tịnh không có hoạn nạn. Nơi đó trong lành ít bệnh có thể đi kinh hành. Ta nay nên đến đó như vậy.

Nghĩ xong Ngài liền bay lên hư không, đi đến nước Kế-tân, nhập định hoan hỷ mà thuyết kệ rằng:

Thường đắp y thương-na
Thành tựu thiền ngũ chi,
Nơi núi non hang vắng
Toạ thiền và niệm định
Gió lạnh vẫn chuyên tu
Tất cả đều nhẫn thọ
Tâm lành được giải thoát
Trí huệ tự trang nghiêm
Cũng như voi hoang dã
Tự tại chẳng ưu lo.

Lúc ấy, Ưu-ba-cúc-đa, có năm trăm đệ tử vẫn còn trong sinh tử chưa được giải thoát, tâm sinh kiêu mạn lại cống cao. Ưu-ba-cúc-đa liền nhập vào tam-muội, quán bọn người kia với mình không có duyên, duy có thầy ta mới hóa độ được. Ngài bèn chuyên tâm nghĩ đến Thương-na Hoà Tu, Thương-na Hoà Tu dùng thần lực, như Đại Nga vương (Thiên Nga) bay đến rồi dừnglại đó. Ưu-ba-cúc-đa đi đến chỗ khác để cho chúng đệ tử gặp ngài Thương-na. Ngài Thương-na Hoà Tu áo quần thì xấu xí tóc tai dài thượt đi vào phòng của Ưu-ba-cúc-đa ngồi xuống. Chúng đệ tử của Ưu-ba-cúc-đa trông thấy đều nổi giận nói vì sao con người rách rưới này lại vào phòng Thầy ta ngồi.

Mọi người cùng muốn xua đuổi Ngài ra ngoài, nhưng Ngài vẫn ngồi vững như núi Tu-di không hề lay động muốn nói lời ác thì miệng tự câm nín. Chúng đệ tử tìm ngài Ưu-ba-cúc-đa thưa lại mọi chuyện.

Bạch Thầy có lão Tỳ-kheo hình dung tiều tuỵ, đi vào phòng Thầy ngồi kiết-già. Cúc-đa nói: nếu không phải Thầy ta thì không thể ngồi đó.

Ngài đi vào phòng thì thấy Thương-na Hoà Tu,liền quỳ mọp xuống cúi đầu làm lễ. Chúng đệ tử nghĩ: Thầy tuy làm lễ, nhưng oai đức vẫn hơn người này. Thương-na Hoà Tu biết tâm kiêu mạn của chúng đệ tử chưa dứt, Ngài chỉ tay lên hư không liền tuôn ra một dòng hương nhũ, như ở đảnh núi cao, một dòng suối tuôn chảy ra. Đệ tử hỏi ngài Cúc-đa: – đây là định tướng gì?

Ngài Ưu-ba-cúc-đa liền nhập vào tam-muội, đem thân tâm quán sát mà vẫn không thể hiểu nổi,liền hỏi Đại sư.

Bạch Thầy đây là tam-muội gì?

– Ngài Hoà Tu đáp: đây gọi là Long Phấn Tấn Định

Lần lượt như thế trải qua đến năm trăm định tam-muội. Hỏi chúng đệ tử mà không ai biết, Ngài đều giải thích ra tất cả. Ưu-ba-cúc-đa bạch: con đều thọ học nơi Thầy, dạy chỉ có tam-muội này thì chưa học.

Cúc-đa nên biết! Tam-muội của Như Lai, Bích-chi Phật còn không biết tên, tam-muội của Duyên giác tất cả hàng Thanh văn đều không thể biết. Các ngài Mục-kiền-liên, Xá-lợi-phất nhập vào tam-muội thì chúng A-la-hán không thể lượng biết được, định tướng tam muội của thầy ta là A-nan, ta cũng không thể biết được, nay tam-muội của ta, ông cũng không thể biết, tam-muội này sau khi ta Niết-bàn cũng sẽ diệt mất theo ta. Bảy ngàn bảy vạn kinh bổn sinh đều có đầy đủ. Một vạn A-tỳđàm Tạng có tám vạn số thanh tịnh Tỳ-ni, pháp đây cũng tuỳ theo ta mà diệt. Thế nên Ưu-ba-cúc-đa, sau khi Như Lai diệt độ,các bậc Hiền Thánh ẩn mất. Pháp tạng như thế, dần dần bị suy tổn, đến cuối cùng thì tất cả đều diệt. Ông nay nên chuyên tu gìn giữ. Lúc này chúng đệ tử mới hối hận tự trách: bọn ta vô trí, đã khinh mạn một bực đại Thánh. Nay mới biết định Thầy ta cũng không thể bằng. Ngài Thương-na liền thuyết pháp cho mọi người nghe, năm trăm chúng đệ tử liền chứng quả A-la-hán.

Bấy giờ Tôn giả Thương-na Hoà Tu, ứng ra các pháp cho chúng sinh rồi, bay lên hư không hiện ra mười tám thứ thần biến rồi,quay trở lại pháp toà ngồi nhập diệt, Ưu-ba-cúc-đa cùng hàng quyến thuộc, đem các loại củi hương cùng làm lễ trà tỳ. Sau đó thâu Xá-lợi xây tháp cúng dường.

Trang: 1 2 3 4 5 6