PHẬT VÀ CHƯ THIÊN
T.T Thích Nhất Chân
Một trong mười danh hiệu của Phật là “Thiên Nhân Sư,” có nghĩa là bậc Thầy của loài trời và loài người. Theo Đại Trí Độ Luận giải thích, thì Phật là Thầy của tất cả mọi loài chúng sinh chứ không riêng gì của Trời và người mà thôi. Song thông thường thì phải có giáo hóa dạy dỗ mới gọi là Thầy, mà phương tiện giáo hóa theo thói thường thì vẫn là bằng cách thuyết giảng qua âm thanh ngôn từ chữ nghĩa. Trên phương diện thuyết giảng và giáo hóa này chỉ có loài trời và người mới có đủ điều kiện để thọ nhận mà theo đó tu tập tuân hành. Tại sao? Vì các loài địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh bị nghiệp chướng và báo chướng quá nặng nên không thể nào nghe Pháp được: dưới địa ngục và trong ngạ quỷ, các hữu tình bị hành hạ liên tục không có thời gian và không có chỗ nào gọi là đạo tràng để nghe Pháp hết, còn súc sinh thì không hiểu được tiếng thuyết Pháp của đức Phật. Thế nên trong các cảnh giới này chư Phật thường dùng “Thân giáo,” tức dùng thân tướng của Ngài với 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp, để nhiếp các hữu tình ấy quy hướng về các Ngài mà cứu độ họ. Hoặc dùng “Danh giáo,” tức dùng danh hiệu của các Ngài mà nhiếp độ họ, vì danh hiệu vốn rất đơn giản chỉ cần nghe lọt vào tai rồi khởi tâm quy hướng vào đó là được cứu độ, không cần phải có đạo tràng để tu tập, không cần phải có thời gian học hỏi suy nghĩ ghi nhớ v.v…
Do đó, chỉ có loài trời và người mới chính thức được nghe Pháp âm của Phật, nơi cõi trời người mới dễ thành lập các đạo tràng để học hỏi và tu tập, mới dễ có thời gian để lắng nghe Pháp, để tư duy quán sát về Pháp v.v… Nơi đây, ý nghĩa Thầy trò mới hiển hiện rõ rệt qua sự thuyết giảng của Thầy và qua sự lắng nghe, suy xét và quán sát của trò. Thế nên danh hiệu Thiên Nhân Sư của chư Phật chỉ nhắc đến loài trời và loài người thôi là vậy.
Song chúng ta cũng đừng nên quyết chắc rằng cứ hữu tình thuộc về trời người là có đủ điều kiện thuận lợi để nghe Pháp. Theo đạo Phật, loài người ở Bắc Câu Lô Châu và loài trời ở Trường Thọ Thiên vì không biết và không thấy được một chút khổ nào hết, chỉ mãi lo hưởng thọ phước đức thù thắng của mình, tâm họ không thấy cần thiết gì đến Đạo hay chân lý gì nữa, thế nên phước đức ấy trở thành một chướng ngại hoàn toàn cho họ không được nghe Pháp và không có được Đạo nữa. Ngay cả loài người ở Nam Thiệm Bộ Châu, tuy là có nhiều khổ đau để dễ thấy Đạo, song những kẻ có phước đức được đầu óc thông minh nhớ nhiều, kiến thức rộng, và lý luận gì cũng thông, vì đó mà thành cao ngạo, tự tin mình là toàn hảo, chẳng chịu lắng nghe ai và chẳng chịu tin tưởng gì hết. Những kẻ ấy cũng bị phước đức của họ chướng ngại hoàn toàn không cho họ vào Đạo nữa. Tất cả các trường hợp kể trên đều thuộc về “tám nạn” vậy.
Lại nữa, chúng ta cũng đừng quả quyết rằng hễ cứ ở trong ba ác đạo là không thể nghe Pháp được. Rồng và khẩn na la, tức kim xí điểu, đều thuộc loài súc sinh, song vì đây là các loài thú linh, có năng lực và công đức đặc biệt siêu việt lên trên mọi loài thú vật khác, hai loài này hiểu được Pháp âm của Phật và thường có nguyện hộ Pháp, thế nên luôn có mặt trong các hội thuyết Pháp của đức Phật. Các loài quỷ thần khác như dạ xoa, a tu la, càn thát bà, ca lâu la, ma hầu la già, cũng vậy. Cho đến các loài ngạ quỷ cũng đều luôn có dịp để nghe và hỏi Pháp với đức Phật hay với các thánh đệ tử của Ngài, như các ngạ quỷ và ngài Mục Kiền Liên luận và hỏi pháp cùng nhau, hay như ngạ quỷ Diện Nhiên mách cho ngài A Nan thọ học phương pháp Du Già Diễm Khẩu để tế độ ngạ quỷ và cứu độ chính ngài.
Như vậy, chúng ta đủ thấy trong danh hiệu Thiên Nhân Sư ấy, hai chữ “thiên” và “nhân” cũng bao gồm rất nhiều loài khác vào và loại bớt một số bị chướng ngại ra. Ngoài ra, chữ “Sư,” tức là Thầy, ở đây không đơn giản chỉ là người giáo hóa dạy dỗ, hay chỉ là “người chỉ đường,” mà chính yếu còn là người duy trì và bảo vệ cho các cõi nhân thiên được vững mạnh và trường tồn nữa. Theo đó vị Thầy ở đây chính là nguồn gốc và nền tảng của hai cõi này, tức chính là nơi “nuơng tựa” cho hai cõi này vậy. Danh hiệu Thiên Nhân Sư này không phải chỉ nói lên sự siêu việt của đức Phật hơn hẳn hai loài hữu tình này trên phương diện trí huệ, mà đồng thời còn nói rõ lên sự gắn bó mật thiết giữa đức Phật với hai loài ấy qua ý nghĩa Thầy trò. Đức Phật thuyết Pháp cho loài hữu tình nào đây? Loài nào có khả năng và thuận duyên để thọ nhận giáo pháp ấy, sẽ duy trì và thực hành giáo pháp ấy? Loài nào sẽ đạt được lợi ích từ giáo pháp ấy, và sẽ nối tiếp sự nghiệp thuyết Pháp lợi sinh ấy của đức Phật, không để cho đoạn tuyệt? Đó chính là những hữu tình ở trong hai cõi trời và người này.