PHẬT TỔ THỐNG KỶ

Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 35

XVII: VẬN PHÁP CÙNG THÔNG

PHẦN 2

I. NHÀ TÂY HÁN: (đóng đô ở Trường An)

Đời vua Hán Võ Đế (tự là Cao Tổ, làm vua đến nay là bốn đời).

Năm Quang Nguyên thứ hai, Tổ thứ mười ba là Long Thọ ở Nam Thiên Trúc, phó chúc pháp tạng cho ngài Ca-na-đề-bà, rồi nhập vào Nguyệt Luân Tam-muội thoát xác mà đi. Ngài thọ ba trăm tuổi.

Năm Nguyên Thú thứ nhất, Sơ Bác Vọng Hầu là Trương Khiên từ nước Nguyệt Thị trở về nói rằng: Thần ở đời Đại Hạ thấy có Vãi Thục in hình gậy trúc. Hỏi làm sao được thứ này? Người trong nước bảo: Tôi mua bán với người Thân Độc ở chợ (Thân Độc, đọc là Kiền đốc tức Thiên Trúc). Thân Độc phía Đông nam nước Đại Hạ khoảng mấy ngàn dặm. Nước này cách đất Thục không bao xa. Bèn sai Khiên từ Thục Kiện làm Phát Giản Sứ Vương dò la tin tức ở Thân Độc).

Hơn bốn năm đều đóng chặt Côn Minh không thông thương được.

Năm Nguyên Thú thứ tư, Phiêu Kỵ Tướng Quân là Hoắc Khứ Bệnh thảo phạt Hung Nô qua núi Yên Kỳ hơn ngàn dặm, được vua Hưu Chư cúng tượng người vàng. Hoắc Khứ Bệnh được tượng người vàng cao hơn trượng. Vua cho là đại thần, bày ở cung Cam Tuyền đốt hương kính lễ (Ngụy Thư Phật Lão Chí).

Đời vua Thành Đế (tên Kinh, con Nguyên Đế).

Năm Kiến Thủy thứ nhất, Tổ thứ mười bốn là Đề-bà đến nước Ca-tỳ-la phó chúc pháp tạng cho ngài La-hầu-đa-la.

Năm Hà Bình thứ ba, vua sai Yết Giả Trần Nông tìm kiếm các sách thất lạc khắp thiên hạ.

Năm Hồng Gia thứ hai, Quang Lộc Đại Phu là Lưu Hướng hiệu đính lại sách vở ở gác Thiên Lộc thường thường thấy có kinh Phật. Lưu Hướng viết Liệt Tiên truyện bảo rằng: “Ta sưu tầm khảo sát các tàng thư, xa tìm Thái sử soạn ra Liệt Tiên Đồ. Từ Huỳnh Đế trở đi cho đến ngày nay thì người được đạo Tiên hơn bảy trăm người. Kiểm định hư thực thì có một trăm bốn mươi sáu người, trong đó bảy mươi bốn người đã thấy kinh Phật.”

Bàn rằng: Hồng Hưng Tổ có nói: Lương Hiếu trong Tiêu Chú Tân Ngữ có dẫn lời tựa Liệt Tiên Truyện bảo rằng: “Bảy mươi bốn người đã thấy kinh Phật thì các sách hiện đang lưu hành trong các hàng sách đều bảo là “Bảy mươi bốn người đã thấy Kinh Tiên”, đây bởi các Đại sĩ tự ý sửa đổi mà thôi. Song ở gác Thiên Lộc thì có kinh Phật.” Lời nói này đáng tin.

Đời Ai Đế (tên Hân, cháu của Tuyên Đế).

Năm Thọ Nguyên thứ nhất, vua sai Cảnh Hiến đi Sứ nước Đại Nguyệt Thị, được vua nước ấy truyền khẩu cho Kinh Phù Đồ rồi trở về. Lúc đó ít có người đi mà mang theo Giới Luật (Ngụy Thư Phật Lão Chí. Phù Đồ là Phật-đà, Hán dịch là Giác Giả).

Bàn rằng: Tô Do đối với Chiêu Vương, Hổ Đa đối với Mục Vương, Khổng Tử đáp lời Thương Thái Tể đều nói là Thánh nhân ở phương Tây mà không nói rõ là Phật. Hoắc Khứ Bệnh được tượng người vàng, cũng không biết đó là Phật. Hóa Nhân khuyên Mục Vương tạo tượng Phật Ca-diếp. Do Dư đối với Tần Mục Công thì bảo là Thần Phật. Thất Lợi Phòng mang kinh Phật đến hóa độ Tần Thủy Hoàng, Lưu Hướng sửa sách ở Thiên Lộc thấy có kinh Phật, Cảnh Hiến đi sứ nước Nguyệt Thị được Kinh Phù Đồ. Lúc đó thì đã nói đến Phật nhưng chưa truyền giáo Pháp của ngài. Đều có trước lúc Hán Minh Đế cảm mộng mà cầu Phật. Thiên hạ đáp lời Nam Chung, Tô Do Hổ Đa và Phó Nghị đều là do Phật khiến. Đến như nói Lưu Hướng thấy có kinh Phật là ý Trương Khiên làm sứ nước Đại Hạ. Khứ Bệnh nhận được Tượng Vàng tất có kinh Phật cùng đến. Chỉ riêng là người lúc ấy không làm và quốc sử không ghi chép mà thôi. Không thế làm sao ở Thiên Lộc đã có sách Phật?

II. NHÀ ĐÔNG HÁN:

Đời Hán Minh Đế (tên Trang, con của Quang Vũ)

Năm Vĩnh Bình thứ nhất, Tổ thứ mười lăm là Đa la đến thành Thất-la-phạt phó chúc pháp tạng cho ngài Tăng Khư Nan-đề, vào lúc Phật diệt độ đã một ngàn năm.

Năm Vĩnh Bình thứ bảy, vua mộng thấy người vàng cao một trượng sáu, cổ có vòng nhật quang bay xuống cung điện vua. Sáng hôm sau vua đem việc hỏi quần thần nhưng không ai đáp được. Thái Sử Nghị thưa rằng: Thần nghe ở thời Chu Chiêu Vương thì phương Tây đã có Thánh nhân xuất hiện, tên gọi là Phật. Vua bèn sai Trung Lang Tướng Thái Âm, Tần Cảnh Bác Sĩ Vương Tuân…. mười tám người đi sứ đến Tây Vức hỏi tìm Phật đạo.

Năm Vĩnh Bình thứ mười, thì Thái Âm… ở nước Đại Nguyệt Thị tại Trung Thiên Trúc gặp hai ngài Ca-diếp Ma-đằng và Trúc-pháp-lan, được tượng Phật đứng và Bản Kinh Phạm sáu mươi vạn lời, dùng ngựa trắng chở về đến tận Lạc dương. Ngài Ma-đằng mặc pháp Phục Sa-môn yết kiến vua, rồi nghỉ ở chùa Hồng lô (Hồ Quảng giải thích: Hồng là Thinh, Lô là Truyền do vì Truyền Thinh Tán Đạo Cửu Tân, nhà Đường đổi là Ty Tân Tự).

Năm Vĩnh Bình thứ mười một, vua sắc lệnh xây chùa Bạch mã ở ngoài cửa Tây Ung tại Thành Lạc dương. Ngài Ma-đằng đầu tiên dịch kinh Tứ Thập Nhị Chương (theo Dịch Kinh Đồ Kỷ, kinh này nguyên rút từ Đại Bộ – Lấy Đại Pháp mới truyền tóm tắt các yếu nghĩa để dẫn dắt người thế tục thời ấy). Để Bản Chữ Phạm ở Lan Đài Thạch Thất, vẽ tượng Phật ở cửa Thành Tây Dương và ở trên đồi Hiển Tiết. Vua Minh Đế hỏi ngài Ma-đằng: Sau khi Phật ra đời vì sao không truyền đến nơi này? Ngài Ma-đằng thưa: Nước Ca-tỳ-la Vệ ở Thiên Trúc là trong số năm ức mặt trăng mặt trời của tam thiên Đại thế giới, cả ba đời chư Phật đều ở đó mà ra. Trời người rồng quỷ có nguyện lực thì đều đến sinh nơi ấy mà được giáo hóa ngộ Đạo. Các nơi khác Đức Phật tuy không đến nhưng ánh sáng vẫn soi chiếu đến nơi, một ngàn năm trăm năm sau vẫn có các Thánh nhân truyền Giáo pháp Phật mà đến giáo hóa. Vua rất vui mừng.

Vào ngày mười một tháng giêng năm Vĩnh Bình thứ mười bốn, Các Đạo sĩ và Thiện tín ở tám núi Ngũ Nhạc gồm sáu trăm chín mươi người dâng biểu lên vua xin thách đấu cùng đạo Phật ở Tây Vức xem ai cao thấp. Vua sắc lệnh cho Thượng Thư Lệnh là Tống Tường chọn ngày Rằm tập họp tất cả tại chùa Bạch mã. Vua đặt hành cung ở Cửa Nam của chùa và lập ba đàn tràng: Đàn phía Đông để các Đạo sĩ để Kinh và phù chú. Đàn phía Tây thì ngài Ma-đằng để Kinh tượng và xá-lợi Phật. Đàn giữa bày tiệc lễ cúng bách thần. Đạo sĩ đi quanh đàn rồi khóc rằng: Chúa Thượng tin theo tà phong làm mất giềng mối. Nay dám xin bày Kinh nghĩa trên đàn đốt làm chứng nghiệm. Liền nổi lửa đốt Kinh, tất cả đều cháy thành tro bụi. Đạo sĩ thấy thế quá thẹn, bèn dùng các chú thuật để đi vào lửa, đi trên nước… nhưng đều không thành. Đến khi đốt kinh Phật thì ánh sáng năm sắc xông thẳng lên trời cao, lửa dữ tắt ngúm, Kinh tượng nguyên vẹn. Ngài Ma-đằng bay vọt lên hư không hiện các thần biến, ngài Pháp lan dùng Phạm âm tuyên nói Phật pháp. Trời mưa hoa báu đại chúng vui mừng khen ngợi. Thái Phó Trương Diễn gọi Đạo sĩ bảo rằng: Các việc của Khanh đều không linh nghiệm, vậy nên theo Phật. Đạo sĩ Phí Thục Tài xấu hổ mà chết. Ty Không Lưu Tuấn… gồm hai trăm sáu mươi người, các sĩ thứ ở Kinh sư như Trương Tử Thượng… cả thảy ba trăm chín mươi người. Ấm phu nhân ở hậu cung như Vương Tiệp Dư và các cung nhân tất cả một trăm chín mươi người, các Đạo sĩ ở Ngũ Nhạc như Lữ Tuệ Thông… gồm sáu trăm hai mươi người đều cùng xin xuất gia. Vua chấp thuận. Rồi sắc lệnh xây dựng mười chùa ở Lạc dương, bảy chùa ở Ngoại thành để Tăng ở, ba chùa trong thành dành cho Ni và cung cấp đầy đủ mọi thứ cần dùng. Có lần vua đến chùa Bạch mã, ngài Ma-đằng thưa: Vì sao chùa Đông lại làm Quán. Vua bảo: Ngày xưa ở đó là đồi cao, các Rợ dựng nhà thì có ánh sáng lạ phóng ra, dân cho đó là gò mả Phật. Ngài Ma-đằng tâu: Xưa vua A-dục thờ xá-lợi Phật trong tám vạn bốn ngàn tháp, ở Chấn Đán có mười chín chỗ, đây là một tháp đó vậy (Chấn Đán còn gọi là Chân Đơn, Chi Na, Hán gọi là Đất Hán, là một nước văn vật ở Đông Phương). Vua cả kinh liền cùng đến lễ bái, thì viên quang từ đất vọt lên, trong ánh sáng thấy có ba Đức Phật – Đám thị vệ mừng rỡ hô to muôn năm! Vua nói lớn: Nếu không có hai Bồ-tát này thì đâu biết được ân huệ của Đại Thánh. Bèn ra chiếu lệnh xây tháp trên đó, tháp cao chín tầng hai trăm thước. Năm sau thấy có ánh sáng lạ, trên đỉnh tháp lại xuất hiện tay sắc vàng ròng, hương trời ngào ngạt. Vua hạ giá đến chiêm lễ, ánh sáng chiếu theo bước chân vua (Pháp Bản Nội Truyện – Tháp Bà, Hán gọi là Cao Hiển Xứ, lại gọi là mã vuông).

Phiên Dịch Danh Nghĩa nói: Đời Đường, có Đạo sĩ Duẫn Văn Thao bảo Pháp Bản Nội Truyện là của Đệ Tử ngài La-thập làm ra, ý muốn nói chuyện kể vua Hán Minh Đế nằm mộng thấy người vàng và việc Đạo gia đốt Kinh đều là giả dối. Nhưng không nghĩ rằng việc vua Minh Đế nằm mộng là xuất phát từ Hán thư. Hám Trạch đối với Ngô Chủ cũng nói Phật và Lão thách đấu đốt Kinh, Phí Thục Tài tự uất ức mà chết, thấy trong Ngô Chí. Lấy đây mà suy ra thì biết Nội Truyện chính thật là thời Nhà Hán không phải do người thời Tấn làm ra. Vậy lời man trá của Văn Thao là hỏng. Việc này cùng với Liệt Tiên Truyện them chữ hóa Hồ thì cũng cùng một loại dối trá.

Ngài Ma-đằng tịch rồi thì ngài Trúc-pháp-lan dịch kinh Phật Bản Hạnh… năm bộ (từ trước đều theo Cựu Truyện).

Bàn rằng: Có người nói Nội Truyện không có tác giả hoặc là còn nghi, nay xem truyện này thấy ghi đầy đủ việc Ma-đằng và Pháp Lan đấu Pháp, thì làm sao người đời sau biết được, tất là khi ngài Pháp Lan dịch kinh thì các đệ tử ghi vào.

Sở Vương Anh mang lụa nõn màu vàng và trắng đến Tướng Quốc nói rằng: “Nhân vì ở Phiền Phụ tội ác chất chồng xin dâng lụa này để chuộc tội.” Tướng Quốc nghe rồi nói rằng: “Sở Vương đã tụng vi ngôn của Huỳnh Lão lại thờ kính Phật-đà nhân từ thì còn gì hiềm nghi?” Nên hối tiếc của chuộc để dùng đãi đằng Y Bồ Tắc và Tang Môn (Tiếng Phạm Y Bồ Tắc tức là Ưu-bà-tắc, Hán dịch là Thanh Tín nam, nay thọ năm giới thì gọi là Tăng đồng. Còn Tang Môn tức Sa-môn, Hán dịch là Tức Tâm, nay thọ giới Cụ túc thì gọi là Tăng. Người đời chưa học truyền nhau chỉ cúng cơm cho Y Bồ là vì không hiểu nghĩa).

Thuở xưa vua nghe bên Tây Vức có thần gọi là Phật. Nhân đó sai sứ đến Thiên Trúc để cầu đạo và được Kinh sách cùng Sa-môn đem về. Sách đó đại để lấy hư vô làm tông, chuộng từ bi không giết hại, cho rằng tinh thần người chết không mất tùy việc mà thọ hình. Khi sống làm những điều thiện ác đều có báo ứng, cho nên họ rất quý trọng việc tu luyện tinh thần cho đến làm Phật. Thiện là lời nói to lớn rộng rãi nhất để khuyên dạy kẻ ngu người tục. Người chuyên tinh về Đạo ấy thì gọi là Sa-môn. Do đó ở Trung Quốc khi mới truyền đạo này thì vẽ hình tượng và kính trọng như bậc vua chúa tôn quý, riêng Sở Vương Anh là người đầu tiên rất mến mộ (Thông Giám dẫn Tây Vức truyện và Sở Vương Anh Truyện Chú).

Phạm Hoa trong Tây Vức Truyện luận rằng: Đạo Phật thần hóa khởi lên từ nước Thân độc, mà sách vở Tây Hán không nói đến. Trương Khiên chỉ nói việc nằm đất, nhiều nắng nóng ẩm thấp và cỡi voi đánh trận, còn Ban Siêu thì cho biết họ thờ Phù đồ và không đánh giết mà kinh văn cốt yếu về thiện pháp và cách tu hành không được truyền thuật. Phần sau của Tử Văn nói rằng: Nước ấy ở vùng Trung thổ là nơi giáng thần của linh thánh đuốc ngọc hòa khí, là chỗ Đản sinh của bậc Hiền Thiện, Thánh tích lạ lùng. Đó là lý thuyết tuyệt diệu nhất của người cảm nghiệm rõ ràng. Đó là việc ở nước ngoài mà Khiên và Siêu chưa hề nghe biết. Đâu chẳng phải đường xá không thông mấy lần được liên lạc ư?

Viên Hoằng trong Hán Kỷ nói rằng: Thiên Trúc ở Tây Vức có đạo Phật. Phật, Hán dịch là Giác, tức giác ngộ cho quần sinh vậy. Giáo lý lấy việc tu thiện và lòng Từ bi làm cốt yếu, chuyên về thanh tịnh. Người tu theo Đạo ấy gọi là Sa-môn. Hán dịch là Tức Tâm, tức dứt bỏ ý dục mà trở về với vô vi. Lại cho rằng người chết tinh thần không mất tùy việc thọ hình, khi sống làm những việc thiện ác đều có báo ứng. Cho nên họ quý trọng việc làm thiện, tu đạo để luyện tinh thần để làm Phật. Phật thân cao một trượng sáu, mình sắc vàng ròng, cổ có vòng ánh sáng, biến hóa khắp mọi nơi. Nên có thể hóa thông vạn vật, khắp độ quần sinh. Vua Minh Đế nằm mộng thấy bèn sai Sứ đến Thiên Trúc hỏi đạo rồi vẽ hình tượng đem về. Có mấy ngàn quyển kinh lấy hư vô làm tông chỉ, trùm khắp cả muôn vật lớn nhỏ. Thiện là thuyết lớn rộng cao xa. Chỉ tìm một thể bên trong mà thông đạt sự vật bên ngoài rất rõ ràng. Người thế tục có kẻ cho đó là hư dối, nhưng lại rất huyền vi sâu xa khó lường khó hiểu được. Cho nên cả vua quan người cao quý nhìn thấy việc sinh tử báo ứng không ai chẳng quy phục.

Bàn rằng: Trong Hán Kỷ, họ Viên nói rằng Thiên Trúc có đạo Phật. Phật mình cao trượng sáu, sắc vàng ròng có ánh sáng, thần thông, hóa thông muôn vật rộng khắp độ quần sinh. Vua Minh Đế cảm điềm mộng sai sứ đến hỏi đạo thỉnh được Kinh tượng. Đây là lúc Phật pháp truyền sang Đông độ, rất ăn khớp trong ngoài với Pháp Bản Nội Truyện. Tô Tử Chiêm làm lời bạt nói rằng: “Đó là lúc đầu tiên Trung Quốc mới biết Phật.” Lời nói này tuy sơ sài nhưng tóm tắt rất đầy đủ.

Đời An Đế (tên Hựu, cháu của Chương Đế).

Năm Vĩnh Sơ thứ nhất, Tổ thứ mười sáu là Nan-đề đến nước Mađề phú chúc pháp tạng cho ngài Tăng khư Gia-xá.

Đời Thuận Đế (tên Bảo, con của An Đế).

Năm Vĩnh Hòa thứ nhất, Tổ thứ mười bảy là Gia-xá đến nước Nguyệt Chi phú chúc pháp tạng cho ngài Cưu-ma-la-đà, Phật thọ ký là xuất hiện lúc Phật diệt độ được một ngàn năm.

Đời Hoàn Đế (tên Chí, cháu cố của Chương Đế).

Năm Kiến Hòa thứ nhất, Sa-môn nước Nguyệt Chi là Chi Sấm đến Lạc dương dịch Bát Chu Tam-muội, Kinh A Súc Phật… hai mươi mốt bộ. Năm Kiến Hòa thứ hai, Sa-môn nước An Tức là An Thế Cao đến Lạc dương dịch Ngũ Thập Giảo Kế… một trăm bảy mươi sáu bộ.

Năm Kiến Hòa thứ ba, Tổ thứ mười tám là La-đà đến Bắc Thiên Trúc phó chúc pháp tạng cho ngài Xà-dạ-đa. Năm Kiến Hòa thứ chín, Từ năm Vĩnh Bình trở đi thần dân tuy có quen với Phật pháp (Phù Đồ) nhưng Thiên tử chưa thích. Đến khi vua mới bắt đầu kính ưa thì ở cấm cung đúc tượng Phật vàng và tưởng Lão Tử. Vua đích thân ở cung Trạc Long, bày tòa có lộng hoa và dùng nhạc để tế trời.

Đời Linh Đế (tên Hoành, cháu cố của Chương Đế)

Năm Kiến Hòa thứ ba, Sa-môn nước An Tức là An Thế Cao có bạn đồng học chết làm thần Hồ Cung Đình (tức Hồ Bành Lễ ở Nam Khang) thần hay khiến thuyền đi qua theo gió thổi hai chiều. Thế Cao đến miếu, thần bảo rằng: “Nhà tôi ở cách đây ngàn dặm, vì thuở xưa bố thí nên nay có rất nhiều ngọc quý, vì nhiều giận dữ nên nay chịu làm thân rắn, mong hãy đem lụa và báu vật của tôi tạo cho một tháp để cầu sinh ở chỗ lành.” Thế Cao bèn dựng chùa xây tháp ở Dự Chương. Sau rắn mãng xà chết trong núi đầu đuôi dài mấy dặm (nay là chùa Đại Am).

Năm Gia Bình thứ nhất, Tổ thứ mười chín Xà-da- đa đến nước La Duyệt phó chúc pháp tạng cho ngài Bà-tu-bàn-đà.

Năm Quang Hòa thứ ba, Sa-môn Tây Thiên là Trúc Phật Sóc đến Lạc dương dịch kinh Đạo Hành Bát-nhã. Năm Trung Bình thứ năm, Thanh tín Sĩ Nghiêm Phật Điều dịch kinh Cổ Duy-ma… Năm Trung Bình thứ sáu, hoạn quan Trương Nhượng giả lệnh Thái hậu chiếu triệu Đại tướng quân Hà Tấn đem chém. Trung Quân Hiệu Úy Viên Thiệu dẫn binh rượt bắt các hoạn quan giết đi hai ngàn người. Trương Nhượng nhảy xuống sông mà chết.

Bàn rằng: Tai ách của Nho học thời thường lúc nào cũng có. Thoạt đầu thì Lý Tư đời Tần Thủy Hoàng đã chôn sống các học trò bảy trăm người. Đời Hán các hoạn quan đã cấm cố Trần Thật, Phạm Bàng… hai trăm người và giết hại các Nho Hiền trong thiên hạ. Trong triều đình thì có quan Tể Phụ Trần Phiền, Đậu Võ, Lý Ưng… đã giết hơn trăm người, đầy ải, cầm tù bảy trăm người và giả chiếu chém đại thần Hà Tấn mà sau này Viên Thiệu vịn cớ trả oán đã giết hại cả hai ngàn hoạn quan. Tuy khoái chí hả hê một lúc nhưng cả quân tử tiểu nhân đều chết, đá nát vàng tan, đâu có thể làm vinh hạnh cho Nho môn. Đại để trời có định mạng, vận số có cùng thông, khi gặp phải tai ương thật khó tránh. Đời Đường Chu Ôn giết hại hiền triều ba mươi người rồi ném thây xuống sông cũng là một ách nạn, nạn tai họ Thích ba đời vua Võ cũng cùng một loại cả.

Đời Hiến Đế (tên Hiệp, con Linh Đế).

Năm Sơ Bình thứ nhất, Tổ thứ hai mươi là Bàn-đà đến nước Na-đề phó chúc pháp tạng cho ngài Ma-noa-la.

Năm Sơ Bình thứ hai, Nho sinh ở Thương Ngô là Mâu Tử nhân đời loạn không làm quan chỉ dốc chí học Phật. Mà đời có lắm kẻ quấy, bèn viết ra Lý Hoặc Luận để khuyên răn, trong đó có lời rằng: Phật là người Giác cũng như Tam Hoàng là bậc Thần, Ngũ Đế là bậc Thánh vậy (Văn thấy ở Hoằng Minh Tập trong Đại Tạng).

Bàn rằng: Mâu Tử không được tiếng, đương thời lúc đạo Phật chưa thạnh hành mà còn viết Luận viện dẫn Sự Nghĩa ba nhà để so sánh hơn kém, để dẹp bỏ mê lầm cho đời, để chống bọn ngoại đạo xâm lược, thật đáng sánh với Bồ-tát thị hiện, sứ giả của Như Lai.

Năm Hưng Bình thứ hai, Tướng Hạ Phì là Trách Dung xây đền thờ Phật, dạy người tụng kinh, tắm Phật, thiết trai, lúc đó hội họp trên năm ngàn người.

Bàn rằng: Người thời Hán lập chùa thờ Phật bắt đầu là người họ Trách. Có lần cùng một Lão Nho xem văn này, ông ta cười bảo: Là Sĩ Phu mà để đời sau viết sách nói là học Phật đâu chẳng thẹn ư? Bàn tôi liền lên tiếng: Học Phật đâu chẳng là người lành ư? Là sĩ phu mà ra viết sử rồi gian nịnh tham lam tàn ác, thậm chí là bất trung bất hiếu thì mới đáng thẹn, chứ học Phật làm lành thì có gì là đáng thẹn? Lão Nho mỉm cười gật đầu.

Năm Kiến An thứ nhất, Tổ thứ hai mươi mốt là Ma-noa-la đến nước Nguyệt Thị phó chúc pháp tạng cho ngài Hạc-lặc-na.

Năm Kiến An thứ mười bốn, Tổ thứ hai mươi hai là Hạc-lặc-na ở nước Nguyệt Chi phó chúc pháp tạng cho Tôn giả Sư Tử. Trước đó đệ tử của Hạc-lặc-na là Trúc Đại Lực… đã đến Lạc dương, cùng Khang Mãnh đồng dịch Hưng Khởi Bản Hạnh Kinh, chợt thấy nơi quán sở có ánh sáng trắng, Đại Lực nghiêm sắc mặt một lúc rồi bảo: Đây là tướng Thầy ta nhập Diệt Tận Định. Các ngài Đại Lực, Khang Mãnh, Chi Diệu, Khang Cự… đều giỏi tiếng địa phương, cả thời Hán đã dịch kinh hơn ba trăm bộ.

III. NHÀ NGỤY (đóng đô ở Lạc dương – Thời ấy thiên hạ phân ra ba nước Ngụy – Ngô – Thục).

Đời Ngụy Văn Đế (tên Phi, con Thái Tổ được nhà Hán nhường ngôi).

Năm Huỳnh Sơ thứ nhất, Ngô chúa Tôn Quyền ở Võ Vương dựng chùa Xương Lạc.

Năm Huỳnh Sơ thứ năm, Ưu-bà-tắc nước Nguyệt Chi là Chi Khiêm đến Lạc dương. Chi Khiêm thọ nghiệp với Chi Lượng, Chi Lượng thọ nghiệp với Chi Sấm. Đời gọi kẻ rộng học không ai ngoài ba Chi. Chi Khiêm có thân hình nhỏ nhắn gầy guộc, mắt trắng, con ngươi vàng. Người thời ấy có câu: “Chàng Chi có mắt ngươi vàng, dáng hình gầy guộc rỡ ràng trí năng.” Về sau vì lánh nạn nên Chi Khiêm về với Nhà Ngô, được phong là Bác Sĩ – Có Sa-môn Tây Thiên là Duy Kỳ Nam cùng Trúc Luật Viêm đến Ngô dịch kinh được năm bộ.

Năm Huỳnh Sơ thứ sáu, Trần Tư Vương là Tào Thực (em Văn Đế, tự Tử Kiến) mỗi khi đọc kinh Phật thì liền luôn ngâm nga nghiền ngẫm, cho như thế mới đạt đến chỗ cùng tột của Đạo mầu. Có lần Vương dạo chơi đến Ngư Sơn nghe trên không trung có âm vang tiếng Phạm Thiên, bèn mô phỏng theo tiết tấu mà viết ra Phạm Bái (Văn khen ngợi), soạn văn chế tiếng gồm có sáu tiết, làm mô thức cho đời sau.

Đời Minh Đế (tên Duệ, con Văn Đế), năm Thái Hòa thứ ba, Ngô Phiên phu nhân ở Võ Xương xây chùa Tuệ Bảo.

Đời Tề Vương (tên Phương, con nuôi của Minh Đế)

Năm Chánh Thủy thứ hai, tức nhà Ngô năm Xích Ô thứ tư, Sa-môn nước Khang Cư là Khang Tăng Hội đến nước Ngô. Người nói thấy ngài lần đầu đều kinh sợ. Ngô chúa bảo: “Đây có phải là di phong thần Phật mà Hán Minh Đế đã mộng thấy chăng?” Bèn triệu vào hỏi. Hội thưa rằng: “Như Lai diệt độ đã hơn ngàn năm, nhưng lịnh cốt xá-lợi của ngài thần ứng vô cùng”. Chúa ngô nói: “Nếu có xá-lợi thì có thể lập tháp để thờ, nếu không linh nghiệm thì theo phép nước nghiêm trị.” Ngài Tăng Hội bảo học trò rằng: “Đại Pháp nên hư do một dịp này”. Bèn trai giới tinh nghiêm để khẩn cầu, bảy ngày không ứng nghiệm, bèn kéo dài đến hai mươi mốt ngày, mọi người đều lo sợ. Bỗng có tiếng leng keng, nhìn vào bình thấy có xá-lợi năm sắc. Chúa Ngô tự cầm bình rót xá-lợi vào mâm đồng, mâm liền bể. Đem lửa đốt, lấy chùy đập, xá-lợi vẫn nguyên vẹn. Nhân đó Chúa Ngô bèn xây tháp đặt là Kiến Sơ Tự, đặt nơi ấy là Phật Đà Lý (xóm Phật).

Năm Chánh Thủy thứ ba, Thượng Thư Lệnh nhà Ngô là Hám Trạch sửa nhà làm chùa Nhuận Đức (tại Huyện Từ Khê ở Tứ minh, nay gọi là Phổ Tế. Chữ Trạch là Đức Nhuận nên lấy đó đặt tên). Chúa Ngô hỏi: “Khổng Tử giáo hóa thế tục, Lão Trang thì phóng đãng chốn sơn lâm, còn Phật thì làm gì?” Trạch tâu: “Pháp của Khổng Lão là do trời đặt ra, khi dùng không dám trái trời. Còn các trời thì tuân hành Pháp Phật nên không dám trái Phật, thật ra không so sánh nhau được.” Chúa Ngô hỏi: “Phật giáo vào Trung Quốc vì sao không đến được Đông Ngô”. Trạch thưa: “Năm Vĩnh Minh thứ mười bốn, các Đạo sĩ và thanh tín Phí Thục Tài ở Ngũ Nhạc cùng các Tăng Tây Trúc đấu Pháp, Phí Thục Tài tự uất ức mà chết, đến nay đã một trăm bảy mươi năm, do ly loạn nhiều năm nên nay mới đến”.

Bàn rằng: Thời Tam Quốc ai nấy đều lo đánh nhau mà Đạo chưa được truyền bá đến đây. Vậy mà vua quan ở Ngô đã hiểu biết ít nhiều, nên đã lập chùa, dich Kinh, thờ xá-lợi, bàn luận Phật giáo rành rẽ như vừa thấy. Ở nước Ngụy thì chỉ có Trần Tư Vương là người biết về đạo Phật, còn nước Thục thì nghe rồi thôi. Bởi lòng ham đánh nhau khiến xa xôi cách trở không thể đến được mà thôi.

Năm Gia Bình thứ hai, Tam tạng Đàm-ma-ca-la ở Trung Thiên Trúc đến Lạc dương dịch Tăng-kỳ Giới, lập ra Đại Tăng Yết-ma Thọ Giới. Trước đó thì Tỳ-kheo xuất gia chỉ cạo tóc mà thôi, chưa có luật nghi. Phàm khi trai giới sám lễ thì chỉ giống như cúng tế ở đền miếu. Đến lúc ngài Ca la tới thì mới có Giới Bản và được dùng hằng ngày.

Năm Gia Bình thứ tư, Sa-môn Khang Tăng Khởi ở Trung Thiên Trúc đến Lạc dương dịch kinh Vô Lượng Thọ.

Đời Cao Quý Hương Công (tên Mao, cháu của Văn Đế) năm Chánh Nguyên thứ nhất.

Từ Hán Ngụy đến nay thì hai chúng chỉ thọ Tam Quy, Đại Tăng cùng Sa-di chưa hề phân biệt. Ngài Đàm-ma-ca-la liền dâng thư xin vua ban hành pháp thọ giới. Ngài cùng với Sa-môn Chu Sĩ Hành là người thọ giới trước nhất (Ca-la, Hán gọi là Pháp Thời. Đàm Vô Đức, Hán gọi là Chánh Pháp. Nay Tông Tư Trì Luật thì coi ngài Chánh Pháp là Tứ Phần Bộ Chủ, tôn làm Sơ Tổ. Còn ngài Pháp Thời đến cõi này truyền Tứ Phần và Pháp Thập Sư truyền giới, nên xem là Nhị Tổ. Đến ngài Nam Sơn rộng làm Sớ Sao, lưu hành ở đời nên xem là Cửu Tổ).

Năm Cam Lộ thứ nhất, Sa-môn Bạch Diên ở Thiên Trúc đến Lạc dương dịch Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh… sáu bộ. Ngài Tam tạng Vô Úy đến Giao Châu dịch kinh Pháp Hoa Tam-muội.

Chúa Ngô là Tôn Hạo không kính Phật pháp, phá hủy chùa chiền, cật vấn Khương Tăng Hội rằng: “Phật nói Thiện Ác báo ứng có thể được nghe chăng?” Tăng Hội thưa: Minh Chủ lấy hiếu đạo mà trị thiên hạ thì Xích Ô lượn bay, người già được thấy (Hán Thư – Sao Nam Cực Lão Nhân thấy được thì đất nước bình yên), lấy nhân nghĩa mà nuôi vật thì suối ngọt trào tuôn, lúa thóc tươi tốt. Thiện đã có báo ứng thì Ác cũng thế!” Một hôm quân túc vệ sửa vườn, đào được Tượng Vàng. Hạo sai đem để chỗ dơ rồi lấy nước bẩn dội lên. Bỗng ông bị bệnh thủng. Bói xem nói là xúc phạm đại thần. Hạo tỉnh ngộ bèn rước tượng về thờ cúng, thỉnh ngài Tăng Hội đến nói pháp rồi lễ bái sám hối tội lỗi và thọ năm giới thì liền hết bệnh, rồi thờ Hội làm thầy, lại xây cất chùa tháp…

Năm Cam Lộ thứ tư, Tổ thứ hai mươi ba là Sư Tử Tôn giả du hóa đến nước Kế Tân. Có ngoại đạo giả làm Tăng, dùng huyễn thuật vào cung cấm gian dâm với vợ vua. Vua nổi giận bảo: “Ta tin thờ Tam bảo, cớ sao Sa-môn lại làm nhục ta lắm thế!”, bèn phá chùa giết Tăng, tự mang kiếm đến chém Tôn giả Sư Tử. Một luồng sữa trắng phun vọt lên cao mấy thước. Bỗng cánh tay vua đứt lìa rơi xuống đất. Bảy ngày sau vua chết đột ngột (Từ Thủy Tổ Ca-diếp đến Tổ Sư Tử sự tích chép đầy đủ trong Bản Kỷ hai mươi bốn Tổ của Tây Trúc).

Năm Cam Lộ thứ năm, Sa-môn Dĩnh Xuyên Chu Sĩ Hành (lúc đó còn giữ họ tục) giảng kinh Đạo Hành Bát-nhã (giảng kinh đầu tiên) mỗi lần đều than là nghĩa lý dịch chưa sát. Bèn xuất phát từ Trường An đi đến nước Vu-điền (Sa-môn sang Tây Trúc đầu tiên) được Kinh Bát-nhã chữ Phạm nhưng trong nước cấm không cho truyền sang Đông độ. Sĩ Hành bèn xin vua cho mình chứng nghiệm. Bèn lấy lửa đốt thì Kinh vẫn nguyên vẹn. Vua tin kỳ lạ bèn cho truyền Kinh. Sĩ Hành liền gởi Kinh đem về Đông độ. Nhân đó gọi là Phóng Quang Bát-nhã.