PHẬT TỔ THỐNG KỶ

Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 33

XVI : PHÁP MÔN THỂ HIỆN

Phật pháp thật khó nghĩ bàn, vả lại đem “hai minh” đến bờ chân tục không khác. Đến như bày ra môn giáo hóa tất phải dựa nhờ Phật sự để giúp cho tướng Tam bảo thường trụ. Vì tức sự mà chân nên soạn ra phần Pháp Môn Quang Hiển Chí này.

Tượng khắc gỗ – Đế Thích thỉnh Phật lên trời Đao-lợi nói pháp cho mẹ nghe. Vua Ưu-điền (Vua nước Câu-diễm-di) nhớ thương Như Lai liền dùng gỗ Chiên-đàn tạc tượng Như Lai cao năm thước (theo Tăng Nhất A-hàm – Theo Tây Vức Ký thì vua Ưu-điền thỉnh ngài Mụcliên dùng thần lực đưa thợ lên trời đích thân nhìn diệu tướng của Như Lai, rồi dùng gỗ chiên-đàn tạc tượng cao năm thước).

Tượng đúc-Vua Ba-tư-nặc nghe vua Ưu-điền tạc tượng gỗ, liền dùng vàng tốt đúc tượng Phật cũng cao năm thước. Lúc đó ở Diêm-phùđề mới có hai tượng đầu tiên (Tăng Nhất A-hàm, kinh Quán Phật Tammuội nói: Vua Ưu-điền đúc tượng vàng).

Tượng vẽ-Vua Hán Minh Đế sai Tần Cảnh đến nước Nguyệt Thị, được bức hình vẽ thứ tư của thợ tạc tượng của vua Ưu-điền (đây là tượng vẽ đầu tiên ở Tây Trúc). Vua sai vẽ hình ở cửa thành Tây dương tại Lạc dương và cúng dường trên đồi Hiển Tiết (là tượng vẽ đầu tiên ở Đông độ).

Tháp Xá-lợi-Phật nhập diệt rồi, Đế Thích xây bốn tháp ở đại thành Thiện kiến. Tháp thờ tóc tại vườn Chiếu Minh ở phía Đông thành. Tháp thờ Y tại vườn Sơ Sáp ở phía Nam thành. Tháp thờ Bát tại vườn Hoan Hỷ ở phía Tây thành. Tháp thờ răng tại vườn Giá Ngự ở phía Bắc thành, gọi là bốn tháp Đao-lợi. Lại tháp nơi Phật sinh tại nước Ca-duy-vệ, tháp Thành đào tại Ma-kiệt-đề, tháp Chuyển pháp luân ở Lộc Uyển tại Bala-nại, tháp nhập Niết-bàn ở rừng Song Thọ thành Câu-thi-na, gọi đó là bốn tháp ở cõi người (kinh Tăng Nhất A-hàm) – Sau khi Phật diệt độ một trăm năm, vua A-dục lấy xá-lợi Phật, đêm sai quỷ thần nghiền nát bảy báu thành bột rồi xây tám vạn bốn ngàn tháp. Tôn giả Gia-xá chỉ ngón tay phóng ra tám vạn bốn ngàn luồng sáng, rồi sai quỷ có cánh bay theo ánh sáng đến nơi nào ánh sáng tắt thì xây một tháp. Trong một ngày khắp cõi Thiệm-bộ, ở nước Chấn Đán có mười chín tháp (theo Truyện A-dục Vương-mười chín tháp đó nên biết là có năm nơi: Tại Đông Thánh Trũng của chùa Bạch mã ở Lạc dương, tháp chùa Trường can tại Kiến khang, tháp A-dục vương tại Tứ Minh, ở Lâm Trũng và Thành Đô đều có tháp A-dục-vương Lưu-tát-ha nằm mộng nghe Đức Quan Âm nói thế).

Tắm Phật – Ngày tám tháng tư âm lịch là ngày Phật sinh, nhân dân nhớ Phật tắm rửa hình tượng Phật. Khi tắm tượng đọc kệ rằng:

Con nay tắm gội các Như Lai
Tịnh Trí Trang Nghiêm công đức lớn
Năm trược chúng sinh, khiến lìa bỏ
Nguyện chứng Như Lai tịnh Pháp thân.

(Theo kinh Dục Phật)

Tắm Tăng-Trời Thủ Đà Hội thỉnh Phật và Tăng đến cúng dường tắm gội, Phật bảo A-nan rằng: Trời này do phước hạnh, ở vị lai sẽ được thành Phật hiệu là Tịnh Thân (kinh Hiền Ngu – Thủ đà hội là tên Thiên tử. Phàm gọi trời mà không phải tên mười tám Phạm ở Lục Dục, đều gọi là Thiên tử cả. Như Kỳ-bà Tỳ Thủ Yết-ma… đều là Thiên tử cõi Đao-lợi cả) cho rằng thường thường tắm gội thì sinh vào cõi lành (Luật Tứ Phần).

Luân Tàng-Phó Đại sĩ đời Lương thương chúng sinh nhiều việc không rảnh để tụng kinh và vì những người không biết chữ, bèn lập ra Chuyển Luân Tàng tại Song lâm đạo tràng để thờ các quyển kinh và có thề rằng: Ai ba lần lên Tàng môn ta thì: Đời đời không mất thân người. Ai có tín tâm quay một vòng thì công đức người này bằng với người tụng kinh. Người nào quay nhiều vòng không kể số thì công đức bằng với người tụng một Đại Tạng Kinh. Trước Luân Tàng có đặt một tượng Đại sĩ có hình dạng mặc áo đội mão của ba nhà Nho, Phật, Lão (vì Đại sĩ thường ăn mặc thế này) và có bày Tám đại thần tướng, tức tám bộ Thiên thần. Bảo Cảnh Tướng quân là quan ở Nhật Ô Thương phát nguyện giữ gìn Luân Tàng (Huyện Nghĩa Ô xưa gọi là Ô Thương, có ghi đầy đủ trong Đại sĩ Truyện).

Xăm Bồ-tát- Ở Tây Vức có một trăm xăm, Việt Viên Thông thì có một trăm ba mươi xăm để đoán tốt xấu ứng nghiệm như tiếng vang. Tương truyền là do Bồ-tát hóa thân thuật lại (Thích Môn Chánh Thống).

Cúng đèn – Phật bảo ngài Xá-lợi-phất rằng: Có người đối với tháp miếu, hình tượng… cúng thí đèn sáng, cho đến chỉ dùng một ít đèn đuốc, thì phước của người này chỉ có Phật biết được thôi (kinh Thí Đăng).

Dùng thân làm đèn – Phật nói: Thuở xưa ta làm vua ở cõi Diêmphù-đề, tự khoét thân sâu như đồng tiền lớn, rồi đổ dầu tô vào đốt thành ngàn ngọn đèn, xin Bà-la-môn giảng nói kinh Pháp để cầu đạo Vô thượng (kinh Bồ-tát Bản Hạnh). Nhân duyên Bồ-tát vì pháp mà khoét thân mình làm đèn (kinh Niết-bàn).

Vô Tận Đăng – Sư Hiền Thủ Pháp Tạng vì bà Võ Tắc Thiên dùng mười tấm gương để tám góc, giữa để tượng Phật. Khi đốt đèn chiếu sáng thì các gương chiếu nhau hiện nhiều hình tượng để tiêu biểu cho ý Sát Hải trùng trùng vô tận (Chư Tông Lập Giáo Chí).

Phóng Đăng – Khi Phật giáo mới truyền đến thì thách đấu với Đạo sĩ, bèn đốt Kinh có ánh sáng mà quyển kinh vẫn còn nguyên vẹn. Lúc đó nhằm ngày Rằm tháng giêng. Vua Minh Đế ra lệnh cứ vào ngày này thì đốt đèn để tiêu biểu cho Phật pháp sáng rỡ. Từ đó trải các triều đại đến Thượng Ngươn tất có phóng đăng. Triều Tống ta năm Thái Bình Hưng Quốc , vua sắc lệnh Hạ Ngươn cũng phóng đăng ba đêm để cầu phước cho Quân Dân (Tăng Sử Lược).

Vô Tận Tài – Cúng dường nhiều hoa cho Phật thì được cho phép đem bán ra để mua hương dầu, nếu có nhiều nữa thì cũng bán đi sung vào Vô Tận Tài (Luật tăng-kỳ).

Giảng về Sám Nghi – Tăng truyện nói: Từ Thời Hán Ngụy đến nay thỉnh Tăng thiết cúng đồng với việc cúng tế, các oai nghi đứng ngồi đại lược đều không có quy củ. Đến Triều Tấn, ngài An Pháp sư mới bắt đầu căn cứ vào kinh luật mà soạn ra các nghi phó thỉnh, lễ tán… lập làm ba lệ: Một là đốt hương định tòa lên giảng, hai là sáu thời Lễ sám, ba là các pháp Bồ-tát… Sau đó ngài Viễn Pháp sư lại lập Pháp Xả Tiết Độ (có Văn trong Lô Sơn Tập). Đời Đường, ngài Tuyên Luật Sư lập ra Ngũ Chúng Vật Nghi, Chương Phục Nghi, Quy Kỉnh Nghi, Minh Chung Kiền Độ. Ngài Chiếu Luật Sư làm Lạc Phát Nghi đều phụ thời Bàng Giáo để làm phép tắc (theo Thích Môn Chánh Thống).

Phép tu theo các kinh – Ngài Trí Giả chế ra Pháp Hoa Tam-muội Nghi (chú trong Quốc Thanh Bách Lục). Ngài Kinh Khê thuật Bổ Trợ Nghi để giúp cho Quán Tưởng. Ngài Pháp Trí soạn ra Đại Bi Tâm Chú Hành Pháp, Kim Quang Minh Sám Pháp. Ngài Từ Vân soạn ra Kim Quang Minh Hộ Quốc Nghi. Căn cứ vào Bách Lục mà thuật Bổ Trợ và soạn ra Tịnh Độ Sám Nghi, Di-đà Sám Nghi, Thỉnh Quan Âm Sám Nghi, Xí Thạnh Quang Sám Nghi. Ngài Thần Chiếu soạn ra Nhân Vương Sám Nghi. Ngài Tịnh Giác soạn ra Lăng-nghiêm Sám Nghi, Như Ý Luân Khóa. Ngài Pháp Trí Dũng soạn ra Công Đức Thiên Sám Nghi… đều là các Tổ nương vào bốn thứ Tam-muội và pháp tự làm và dạy người làm.

Cúng Phật – Các Như Lai đều là Pháp thân, hoặc đang trụ thế hoặc đã diệt độ mà có người cúng dường thì phước không khác nhau (kinh Bảo Tích). Người cúng dường Phật thì được phước đức lớn mau chứng quả Bồ-đề (kinh Bất Tư Nghì Cảnh Giới). Nếu thí cho loài súc sinh thì được báo gấp trăm lần, nếu thí cho kẻ phá giới thì được báo gấp ngàn lần. Nếu thí cho người trì giới thì được báo gấp vạn lần. Cho đến cúng thí cho Phật thì được báo vô lượng. Ta nay phân biệt các phước điền nên nói như thế (kinh Ưu-bà-tắc Giới, đây nói Kính Điền là hơn hết). Nếu người cúng dường cho mười phương Phật các Bồ-tát Thanh văn thì không bằng người thí cho súc sinh một miếng ăn. Cho đến thí cho loài chó, kiến đói khát, vì Bi điền là hơn hết (kinh Tượng Pháp Quyết Nghi. Đây nói Bi điền là hơn). một phần thí cho Đức Như Lai nan thắng và một phần thí cho người ăn xin thấp hèn nhất thì phước điền cà hai đều không khác (kinh Duy-ma, đây nói Bi – Kính không hai).

Đời nói cúng ba ngàn Phật, thì đời quá khứ kiếp Trang nghiêm, có một ngàn Phật, bắt đầu từ Phật Hoa Quang, cuối cùng là Phật Tỳxá-phù. Đời hiện tại Hiền kiếp, có một ngàn Phật, bắt đầu là Phật Câulưu-tôn, cuối cùng là Phật Lâu-chí. Đời vị lai kiếp Tinh tú có một ngàn Phật, bắt đầu là Phật Nhật Quang, cuối cùng là Phật Tu-di Tướng (ba kiếp mỗi kiếp có một quyển kinh). Nói cúng một ngàn Phật, tức một ngàn Phật ở Hiền Kiếp hiện tại.

Cúng Tri Thức – Ngài Văn-thù đi về phía Nam đến phía Đông Thành Phước, nói pháp cho ngài Thiện Tài Đồng tử khiến cầu đạo Bồđề gần gũi các Thiện tri thức. Từ đây trải qua một trăm mười thành, ngài Thiện Tài tham học với năm mươi ba Thiện tri thức, rồi vào Phổ Hiền đạo tràng chứng được môn Tam-muội nhiều như số vi trần (Phẩm Nhập Pháp Giới Kinh Hoa Nghiêm).

Cúng La-hán – Khi Phật diệt độ có phó chúc cho mười sáu vị Ala-hán làm chân phước điền cho các thí chủ. Lúc đó các vị A-la-hán theo lời Phật dạy dùng sức thần thông kéo dài tuổi thọ của mình. Như thỉnh bốn phương Tăng thiết lễ Vô Già Thí tại nơi mình ở hoặc đem đến chùa. Các Tôn giả này và các quyến thuộc phân tán đi khắp nơi, tự che dấu Thánh nghi, kín đáo thọ nhận của cúng thí, khiến các thí chủ được quả báo thù thắng (Pháp Trụ Ký – Đầu tiên là Tân-độ-la cuối cùng là Bán-thác-ca, cả thảy mười sáu vị), trừ bốn Đại La-hán và mười sáu vị La-hán, còn các vị khác đều nhập diệt. Về bốn Đại La-hán, thì kinh Dilặc Hạ Sinh nói là: Ca-diếp, Tân-đầu-lô, La-vân và Quân Đồ Bát Thán. Mười sáu vị La-hán rút từ kinh Bảo Vân. Song hai ngài Tân-đầu-lô và La-vân đã ở trong số mười sáu vị. Nay có thuyết nói mười tám vị, tức là thêm Ca-diếp và Quân Đồ (Diệu Lạc – Tân-đầu-lô, Hán dịch là Bất Động tức Tân-độ-la. Thêm ngài Khánh Hữu, là từ khi Phật diệt độ một trăm năm đó là người viết Pháp Trụ Ký – Nói mười sáu vị La-hán nghe lời Phật phó chúc mà trụ thế, thì biết ngài Khánh Hữu không được nêu ở trong số người trụ thế đó. Nay muốn luận mười tám vị trụ thế thì lấy Diệu Lạc làm bằng. Ngài Tịnh Giác soạn ra Lễ Tán Văn cũng dựa vào Diệu Lạc).

Các ngày giỗ Phật và Tổ – Ngày giỗ Đức Như Lai nhập diệt là Rằm tháng hai năm Châu Mục Vương thứ năm mươi ba (Nhâm Thân). Ngày này tại các Già-lam đều thiết lễ cúng gọi là ngày giỗ Phật (Ngài Bắc Giản Giản Thiền sư có soạn Sớ Trai Kỵ – Ngài Tịnh Giác Pháp sư có soạn Văn Lễ Tán).

Giỗ ngài Nam Nhạc Thiền sư là ngày mười hai tháng hai năm Đại Kiến thứ chín đời Trần (Chí Bàn vì ngài Nam Hồ soạn Sớ Trai Kỵ).

Giỗ ngài Trí Giả Thiền sư là ngày hai mươi bốn tháng mười một năm Khai Hoàng thứ mười bảy đời Tùy (Ngài Cô Sơn soạn Sớ Trai Kỵ, ngài Bắc Giản Từ Vân soạn Lễ Tán Văn).

Giỗ ngài Chương An Thiền sư là ngày bảy tháng tám năm Chánh Quán thứ hai đời Đường. Giỗ ngài Pháp Hoa Thiền sư là ngày hai mươi tám tháng mười một năm Vĩnh Long thứ nhất đời Đường. Giỗ ngài Thiên Cung Thiền sư là đời Đường Cao Tông (Sư Chí Bàn có soạn Sớ Trai Kỵ mà không biết tháng năm viên tịch). Giỗ ngài Tả Khê Thiền sư là ngày mười chín tháng chín năm Thiên Bảo mười ba đời Đường (Sư Chí Bàn soạn sớ Trai Kỵ).

Giỗ ngài Kinh Khê Thiền sư là ngày năm tháng hai năm Kiến Trung ba đời Đường (Sư Chí Bàn có soạn sớ Trai Kỵ) – Giỗ ngài Loa Khê Pháp sư là ngày bốn tháng mười một năm Ung Hy thứ tư đời Tống (Sư Chí Bàn có soạn sớ Trai Kỵ) – Giỗ ngài Bảo Vân Pháp sư là ngày mười một tháng mười hai năm Đoan Củng thứ nhất đời Tống (Sư Chí Bàn có soạn sớ Trai Kỵ) – Giỗ ngài Pháp Trí Pháp sư là ngày năm tháng một năm Thiên Thánh thứ nhất đời Tống.

Giỗ ngài Từ Vân Pháp sư là ngày mười tháng mười năm Minh Đạo thứ nhất đời Tống.

Giỗ ngài Thần Chiếu Pháp sư là ngày mười tám tháng năm năm Hoàng Hựu thứ ba đời Tống.

Giỗ ngài Lô Sơn Pháp sư là ngày sáu tháng tám năm Nghĩa Hy thứ mười hai đời Tấn.

(Sư Chí Bàn đều soạn Sớ Trai Kỵ, Cát Thiên Dân soạn Lễ Tán Văn).

Giỗ ngài Đạt-ma Thiền sư là ngày năm tháng mười năm Đại Tống thứ nhất, đời Bắc Ngụy – Giỗ ngài Nam Sơn Luật Sư là ngày ba tháng mười năm Càn Phong thứ hai, đời Đường (Ngài Tịnh Giác soạn Lễ Tán Văn, Chiếu Luật Sư soạn Sớ Trai Kỵ) – Giỗ ngài Đại Trí Luật Sư là ngày một tháng chín năm Chánh Hòa thứ sáu, đời Tống (Ngài Tắc Luật Sư soạn Lễ Tán Văn, Nhan Thánh Đồ soạn Sớ Trai Kỵ).

Cúng Trai Tăng – Phật nói: Đem thức ăn thí cho Tăng có năm thứ phước đức là sắc, lực, mạng, an, biện. Thượng tọa thí thực nên đọc kệ rằng:

Kẻ cho người nhận đều được năm thường
Sắc, lực, mạng, an được vô ngại biện.

(Kinh Ngũ Phước Đức).

Phật nói thí thực có năm phước là thí mạng sống, thí sắc vóc, thí sức lực, thí an ổn, thí biện tài. Vì sao gọi là thí mạng sống? Vì người không ăn uống bảy ngày tất phải chết. Người trí cho ăn tức là cho mạng sống. Người cho mạng sống thì đời đời sống lâu, của tiền giàu có vô lượng. Vì sao gọi là thí sắc vóc? Vì người không ăn uống thì nhan sắc tiều tụy. Người trí cho ăn tức là cho sắc vóc. Người cho sắc vóc thì đời đời đẹp đẽ nhan sắc sáng rỡ. Vì sao gọi là thí sức lực? Vì người không ăn uống thì không làm việc được. Người trí cho ăn tức cho Sức lực. Người cho sức lực thì sinh vào cõi trời người, sức không ai bằng. Vì sao gọi là thí an ổn. Vì người không ăn uống thì tâm sầu thân yếu không được an ổn. Người trí cho ăn tức cho an ổn. Người cho an ổn thì đời đời an ổn không gặp các tai ương. Vì sao gọi là thí biện tài? Vì người không ăn uống thì thân gầy ý kém không thể nói năng. Người trí cho ăn tức cho biện tài. Người cho biện tài thì tuệ biện thấu suốt, người nghe vui mừng. Đó là năm phước đức (kinh Thí Thực Ngũ Phước).

Cho có ba cách: Một là đem thức ăn đến chùa là bậc cao, mời đến nhà cúng dường là bậc trung người đến nhà xin cúng thí phát tâm cúng 22 dường là bậc thấp (kinh Tăng Nhất A-hàm).

Nếu người đàn việt bày tiệc mời thỉnh chúng Tăng, lại sai người giữ cửa ngăn các Tỳ-kheo già bệnh và người nghèo đến xin ăn không cho vào hội,như vậy đã hao thức ăn rốt lại không được phần thiện (kinh Tượng Pháp Quyết Nghi).

Nếu bốn chúng đệ tử giữ gìn trai giới, tâm luôn nhớ thỉnh mười phương Tăng, không luận kẻ thiện ác, trì giới hay phá giới, hạnh cao hay thấp. Đến các chùa tháp, khi thỉnh Tăng, các Tăng theo thứ lớp vẫn cúng dường đầy đủ thì phước đó nhiều hơn hết (kinh Phổ Quảng).

Đàn-việt đến thỉnh chúng Tăng thì khách Tăng có phần lợi dưỡng chủ Tăng phường nên theo thứ lớp mà cử đi. Lại người đời thỉnh riêng năm trăm La-hán, Bồ-tát Tăng thì không bằng một vị phàm Tăng theo thứ lớp (kinh Phạm Võng). Đức Phật vào thành Xá-bà-đề khất thực. Có một Bà-la-môn thấy Đức Phật luôn đến nhà mình, nên ông nghĩ rằng: Vì sao ông Sa-môn này lại đến nhà hoài như mình thiếu nợ ông ta vậy?

Khi đó Đức Phật nói kệ rằng:

Khi thường thường mưa xuống
Ngũ cốc thường thường tốt
Thường thường tu phước nghiệp
Báo lành thường thọ hưởng.

Vị Bà-la-môn nghe xong thì xấu hổ, lấy bát đựng đầy thức ăn đem lên dâng cho Phật. Rồi sám hối, xin xuất gia và được quả A-la-hán (Luận Đại Trí Độ). Nếu người nào hằng ngày lập nguyện cúng thí Tăng ăn trước rồi sau mới ăn, như thế là bậc cao nhất trong việc bố thí (kinh Ưu-bà-tắc Giới – Nay trong các phố chợ cúng thí cơm vào bát là do việc này).

Cúng cháo – Tại nước Xá-vệ có ba mẹ Nan-đà chuyên nấu cơm, bà chắc lấy nước cơm bên trên mà uống thì biết dứt bệnh trúng phong và ăn uống tiêu hóa. Bà nghĩ rằng: Xà-lê là người một bữa, vậy nên ăn cháo. Bà bèn lấy ít gạo nhiều nước nấu khoảng hai giờ rồi cho hồ tiêu và lá lốt vào đem đến chỗ Phật thưa rằng: Xin phép Thế Tôn cho phép các thầy Tỳ-kheo ăn cháo. Phật chấp thuận và nói kệ rằng:

Người trì giới thanh tịnh
Được hầu hạ cung kính
Tùy thời đem cho cháo
Thì được mười lợi ích.
Sắc, lực, mạng, lạc, từ
Thanh Biện và Túc Thực
Trừ phong, tiêu đói khát
Chính đó gọi là thuốc.
Phật nói ai muốn được
Sống lâu vui trời, người
Đều nên thí cháo Tăng.

(Theo Tăng-kỳ Luật)

Khi cháo múc ra khỏi chỏ mà viết chữ không thấy thì không phải chánh thực (Tăng-kỳ Luật). Minh tướng xuất mới được ăn cháo, ăn vào lúc khác đều thuộc phi thời (Tứ Phần Luật). Mặt trời chiếu rọi cây Diêm-bộ, trời đã sáng tỏ, xòe bàn tay thấy rõ chỉ tay là minh tướng (Bà Sa Luận). Ăn cháo gọi là tiểu thực (Tăng Huy Ký).

Khất thực – Tiếng Phạm là Phân-vệ, Hán dịch là Khất thực (Luận Thiện Kiến). Phàm khất thực chia làm bốn phần: Một phần cho bạn đồng phạm hạnh, một phần cho người ăn xin, một phần cho quỷ thần, một phần mình ăn (kinh Bảo Viên). Đi khất thực là để phá tất cả kiêu mạn (kinh Pháp Tập).

Có ba cách ăn: Một là nhận lời mời mà ăn, hai là ăn với chúng Tăng, ba là thường đi khất thực mà ăn. Hai cách ăn trước là nguyên nhân của sự xấu xa. Như nếu được mời ăn thì liền bảo “Ta có đức”, nếu không được mời ăn thì liền ganh ghét người khác, nếu tự khinh chê là tham pháp thì chướng đạo. Nếu ăn với chúng Tăng thì phải theo pháp chúng, đoán sự, đuổi người, lo lắng việc Tăng tất tâm luôn tán loạn, bỏ bê việc hành đạo. Nếu có não loạn như thế thì nên theo pháp khất thực (kinh Thập Nhị Đầu-đà).

Trì trai – Phật nói: Ba đời chư Phật ăn vào giữa ngày (kinh Tỳ-la Tam-muội – Nay nói trung thực là đó). Khi ăn như vào giờ ngọ, nếu bóng mặt trời đi qua một sợi tóc, một nháy mắt thì liền phi thời (Tăngkỳ Luật). Nếy Tỳ-kheo ăn phi thời thì phạm Ba-dật-đề (Tứ Phần Giới Bản – Thập Tụng Luật – Ba-dật-đề dịch nghĩa là đọa, đọa vào địa ngục nấu đốt). Trai là quá giờ ngọ không ăn làm thể (Luận Tỳ-bà-sa). Phật nói: Một ngày trì trai có sáu mươi vạn năm lương thực. Lại có năm phước là: Ít bệnh, thân an, ít ngủ, ít dâm, được sinh lên trời và biết được kiếp trước (kinh Tạp Thí Dụ). Trai tức là tề, thân khẩu nghiệp tề chỉnh. Tề là chỉ cho Trung đạo (đường chính), sau đó thì không được ăn, biểu thị cho Trung đạo, ngoài pháp giới không có pháp khác (Thỉnh Quan Âm Sớ).

Cơm xuất sinh – Có hai lẽ:

1. Theo kinh Niết-bàn thì khiến thí cho quỷ khoáng dã, còn luật Tỳ-nại-da thì thí cho Quỷ tử mẫu. Bọn này trước kia ăn thịt người, Phật hóa độ và truyền cho giới bất sát, nên dặn dò đệ tử tùy chỗ mà thí cho ăn. Nay ở các trai đường đều có cơm xuất sinh là đó, việc này chỉ người xuất gia làm.

2. Theo kinh Diệm Khẩu mượn ngài A-nan làm duyên khiến thí thực loài ngạ quỷ. Nay ở trai đường để riêng một cái hộc nhỏ. Khi ăn cơm xong thì chúng làm phép thí thực. Hoặc mỗi trai đường đều có Tiểu sinh hộc, đêm đến đọc chú thí thực. Đây là chung cho người trong Đạo đều làm.

Ba thứ trường trai – Đức Phật bảo Trưởng giả Đề-vị rằng: Bốn mùa thay nhau là trọn năm, ba lần tra gạn, một tháng có sáu lần tâu. Các trời Đế thích, Thái tử, Sứ giả, Diêm-la, Quỷ thần đều dùng ngày mồng một các tháng giêng, tháng năm, tháng chín… để tra xét việc làm thiện ác của các vua, dân, rồng, quỷ, chim, thú… rồi tâu lên Tứ vương một tháng sáu lần để khỏi lầm lẫn oan uổng. Lại tra gạn tội phước chúng sinh nhiều ít. Người nào phước nhiều thì bảo Quan Tư Mạng chỉ thị xuống năm quan Diêm-la để trừ tội tăng lộc. Cho nên dạy ba tháng này phải giữ trường trai (kinh Đề-vị). Nếu Phật tử trong sáu ngày trai hoặc một năm trong ba tháng trường trai mà giết hại, trộm cắp, phá trai, phạm giới thì phạm khinh cấu tội (Phạm Võng Giới Kinh – Người đời lấy ba tháng này để giỗ Thượng Nhậm để tránh việc hành hình).

Lục trai – Vua Đế Thích ra lệnh Tứ Vương, mỗi vị cai trị một phương. Ngày mồng tám tháng có trăng sai sứ giả tra xét việc thiện ác của chúng sinh. Ngày mười bốn thì sai Thái tử, ngày rằm thì đích thân vua đi tra xét. Ba ngày của tháng tối trời cũng như thế. Nếu vua đích thân giáng trần thì các tinh tú quỷ thần cùng theo. Như gặp kẻ tu hành trai giới thì các trời vui mừng rót phước tăng tuổi thọ (kinh Tứ Thiên Vương). Như gặp quốc vương, đại thần nhân ngày Lục trai thì ra lệnh trong khắp đất nước đều không giết hại (Phổ Hiền Quán Kinh).

Thập trai – Mỗi tháng mười ngày trai, niệm danh hiệu Phật và Bồ-tát cầu phước diệt tội (kinh Nhất Trai – Với Lục Trai thêm bốn ngày trong tháng là mồng một, mười tám, hai mươi bốn, hai mươi tám. Nay theo quốc luật ở mười ngày trực nhật trong các châu không được hành hình, là căn cứ vào nghĩa này).

Thất Thất Trai – Người chềt rồi có Trung hữu thân nếu chưa có duyên thọ sinh, sống hết bảy ngày thì chết rồi sống lại. Như thế sống chết lần lượt đến bốn mươi chín ngày thì nhất định phải thọ sinh. Nếu có duyên sinh thì không nhất định. Nay tìm xem ý kinh thì người cực thiện và cực ác không có trung hữu thân (Luận Du-già – Trung hữu cũng gọi là Trung ấm – Cực thiện tức là sinh Tịnh độ, Thiện vừa thì sinh hàng trời người. Còn cực ác thì đọa địa ngục hoặc sinh ba đường dữ, ngay trong ngày chết không cần qua Trung ấm). Nay người chết thì mỗi bảy ngày thì cúng trai cầu phước, gọi đó là Trai thất, khiến cho chủng tử của thân Trung hữu không chuyển sinh vào ác thú (Thích Thị Yếu Lãm).

Bàn rằng: Khổng Tử nói: Đứa bé sinh ra ba năm khỏi phải cha mẹ bồng ẳm, cho nên phải để tang ba năm. Phật dạy rằng người chết sau bốn chín ngày mới khỏi thân Trung ấm, cho nên dự bị pháp thất trai. Cho đến người thời nay có lễ một trăm ngày, Lễ Tiểu Tường, Đại Tường đều cử hành Phật Sự, tuy nhân lời văn tang chế của nhà Nho mà tu Pháp Phật để cầu phước, há chẳng tin ư?

Dự Tu Trai – Ngài Phổ Quảng Bồ-tát bạch Phật rằng: Nếu có nam nữ lành khi chưa chết mà ngược tu Sinh thất như đốt đèn, treo tràng phan, thỉnh Tăng cúng dường (tức thỉnh Tăng theo thứ tự đến cúng dường), chuyển Kinh (tụng kinh – chỉ lược nêu bốn thứ) được phước nhiều chăng? Phật bảo: Phước đó vô lượng. Phổ Quảng lại thưa: Nếu cha mẹ thân tộc chềt rồi chịu khổ mà tu phước thì phước đó nhiều chăng? Phật bảo: Bảy phần chỉ được một, vì hồi sinh tiền các người đó không tin đạo đức. Nếu vì người chết mà đem đồ trang sức, phòng nhà vườn rừng để cúng thí Tam bảo thì có thể cứu được Khổ địa ngục (kinh Tùy Nguyện Vãng Sinh).

Bàn rằng: Xét theo ghi chép của Di Kiên Chí thì bà lão Ngạc Chữ Vương thường mua giấy tiền đốt làm Ký Khố, sai đầy tớ là Lý Đại thay mình ký tên. Bà Ngạc chết, Lý bỗng bị bệnh ngất đi, ba ngày sống lại bảo rằng: Bị Âm Phủ bắt, đến kho bảo ký tên nhận tiền. Lý nói: Đây là tôi thay bà chủ mà viết tên. Khi dẫn đến gặp Kim Tử Quan thì hỏi đáp vẫn như trước. Quan bảo: Nếu theo chứng cớ thì người này nên cho trở về. Khi sắp ra về thì bà Ngạc hiện đến vui vẻ bảo rằng: nhờ ngươi mà nay ta được lãnh tiền gởi kho, mới được trở về. Nay người ta ưa làm việc gởi tiền kho trước thì lấy kinh Vãng Sinh và Di Kiên Chí làm bằng. Thời Phật Tỳ-bà-thi, trong Di Pháp có các Tỳ-kheo ở ngã tư đường bày một tòa để bát trên đó rồi bảo rằng: Có người nào bỏ tiền vào kho chắc chắn này chăng? Để vào kho này thì vua quan giặc cướp và nước lửa không thể cướp đoạt được (kinh Tạp Bảo Tạng).

Cúng trời – Hoán Pháp sư đem việc ngôi vị trời mất thứ tự, thường kể chuyện các trời đã bảo rằng: Phạm Thích Tứ Vương đều có quyền quân chủ hiệu lệnh cả. Công Đức thì nha ở Bắc Thiên, Đại Biên thì nhờ ở Sơn Trạch, đây là có nghĩa về Chủ Khách. Công Đức và Đại Biện đều là nữ, còn trời Phạm Thích là Nam, đây là nghĩa Nam Nữ – Còn Mật Tích quyến thuôc đều là Đại Bồ-tát, đó là Bản, hiện vào tượng thần thì là Tích, đây là nghĩa về Bản Tích – Công Đức Đại Biện ở cung trời thị hiện thân nữ nhưng lại phô bày sự hoằng hóa của Phật, nên gọi là Sáng. Còn các thứ khác tuy có ảnh hưởng nhưng ngôn hạnh không bày ra nên gọi là Tối. Đây là nghĩa Sáng Tối. Biết được bốn đầu mối này thì có thể cùng nói chuyện trời vậy.

Bàn rằng: Sư Chí Bàn thường xét theo nghĩa của Hoán Sư đã soạn ra lễ văn cúng Thiên (Bản văn để ở tháp chùa Tôn Giáo tại Đông hồ) quy định là có mười sáu ngôi vị. Trước hết là Phạm Thích kế đó là Bắc Thiên. Ngài Pháp Trí bảo: Kinh ta trước nêu Bắc Phương, là vì ở Tây Độ coi Bắc Phương là trên hết, kế đến là các trời Đông, Nam, Tây. Sau đó đến Công đức, Đại biện như hai trời Ma-lợi-chi và Vi-đà. Đây là ngài Minh Trí lúc ở Nam Hồ đã thêm vào (việc thấy trong Bản Truyện. Kế đó là Mật tích, Tám chi, Thần cây, Thần đất, Quỷ mẫu, hai mươi tám bộ… cộng là mười sáu ngôi vị, lấy đây làm chuẩn định. Ha-lợi-đế, Hán dịch là Ác tặc, bởi mẹ con quỷ ấy lúc chưa thọ giới thì ăn thịt trai gái trong vương thành, bị người oán nên để vào mục này. Nay đã ủng hộ Phật pháp thì nên bỏ đi. Hoán Sư trong Thiên Truyện, Hiểu Thạch Chi, Quang Minh Trợ Giải đều nói rằng: Trong Kinh nêu hai tên nhưng chỉ là một người (Tịnh Vô Trụ lúc còn ở Nguyệt Ba mỗi đầu năm tu sám, tất ở vị trời mà sửa bỏ bớt một câu “Ha Lợi Đế Nam” không đọc, bảo rằng Tổ Sư chỉ theo Văn Kinh mà không bớt đi. Đúng thay!). Xưa lập ra mười hai ngôi là căn cứ vào Sám Nghi. Có mười bốn ngôi là người sau thêm và Thần cây và Thần đất. Có mười sáu ngôi là thêm Ma-lợi-chi và Vi-đà. Hoặc thêm Nhật Nguyệt Bà và Kiệt Hạ Long… Hoặc mười tám ngôi hay hai mươi ngôi… tuy căn cứ vào văn kinh nhưng thực ra là phiếm lạm. Đời có Đinh Sư Thiên Truyện, chính là rơi vào tệ này (thấy rõ trong các Văn Lễ trời).

Cúng Vu-lan-bồn, kinh nói: Là đệ tử Phật cần phải hiếu thuận là trong mỗi niệm luôn nhớ đến cha mẹ, cho đến cha mẹ bảy đời. Mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy thì dùng thức ăn trăm vị để trong Vu-lan-bồn cúng thí Phật và Tăng để báo đáp công ơn cha mẹ thương yêu nuôi lớn (kinh Vu-lan-bồn – Hán dịch là mở treo ngược. Nói dâng bồn cúng Tam bảo phước điền, dùng để cứu gấp nạn đói và treo ngược).

Lời bàn: Do ngài Mục-liên khẩn cầu cứu mẹ làm duyên mở đầu mà Đức Như Lai bày việc dựng bồn để làm lễ. Do đó mà dạy đạo làm người phải báo đáp trọng ân. Từ khi Phật pháp truyền sang Đông độ, xưa nay vua chúa dâng bồn cúng lễ rất nhiều (việc thấy trong hội Yếu Chí). Song nay ở chùa, nhà đến ngày này rất nhiều người thí thực, cúng xong xem như một tục lệ bình thường, tuy không có nghi lễ dâng bồn nhưng không mất đi ý nghĩa Vu-lan.

Thủy Lục Trai – Vua Lương Võ Đế mộng thấy Thần Tăng bảo rằng: Bốn loài ở sáu nẻo chịu khổ vô cùng sao nhà vua không làm Thủy lục Đại tế để cứu họ? Vua đem chuyện hỏi các Sa-môn thì không ai biết cả. Chỉ có Chí Công khuyên vua rộng tìm trong các kinh luận tất có nguyên do. Vua liền sai người rước Đại Tạng về cung, vua nhiều ngày mở xem rồi viết ra Nghi Văn mãi ba năm sau mới xong. Vua bèn lập đạo tràng, đêm đến vua đích thân bưng Nghi Văn, ra lệnh tất cả đều tắt hết đèn đuốc, rồi bạch Phật rằng: Nếu Nghi Văn này lý hợp Thánh phàm thì nguyện khi lạy xong thì đèn đuốc lại cháy sáng, còn nếu thể thức chưa rõ thì xin tối đen như cũ. Bạch xong lạy xuống một lạy thì đèn đuốc đều rực sáng, đến lạy thứ hai thì cả cung điện đều chấn động và lạy thứ ba thì hoa trời mưa xuống.

Vào ngày rằm tháng hai năm Thiên Giám thứ tư, vua đến chùa Kim sơn thiết lễ đúng theo Nghi Văn. Vua đến ngồi chiếu đất, mời Hựu Luật Sư đọc Nghi Văn. Lúc bấy giờ các điều linh nghiệm không chép hết được. Sang đời Chu – Tùy không làm Nghi này. Đến đời Đường trong năm Hàm Đình có Anh Thiền sư ở chùa Pháp Hải tại Tây Kinh nằm mộng thấy Phủ Quân ở Thái Sơn mời đến nói pháp. Sau, Sư ngồi một mình ở Phương Trượng bỗng thấy có một Dị Nhân đến trước bảo rằng: “Khi ngài đến Phủ Quân ở Thái Sơn được trộm thấy tôn dung. Nghe đời có Lục Thủy Đại Tế có thể làm lợi ích cho người ở chốn u minh. Văn đó do Lương Vũ Đế biên tập. Nay Ngô Tăng Nghĩa Tế ở chùa Đại Giác được bản văn ấy. Mong ngài hãy đến tìm, theo pháp thiết lễ mà tu.” Sư bèn tìm đến Đại Giác quả nhiên được bản văn ấy. Bèn ở Vọng Nguyệt mà tu trai. Khi xong xuôi lại gặp Dị Nhân hôm trước cùng mười người tùy tùng đến trước Sư tạ rằng: Đệ tử là Tần Trang Tương Vương (Trang Tương Vương là cha của Tần Thủy Hoàng – Đến năm Hàm Hưởng đời Đường là chín trăm bốn mươi năm) lại chỉ các học trò bảo rằng: Đây là Phạm Tuy, Nhương Hầu, Bạch Khởi, Vương Tiển, Trương Nghi, Trần Chẩn… đều là Đại thần nhà Tần đều do tội cũ bị cầm tù tại Âm Phủ. Xưa vua Lương Võ Đế ở Kim sơn đã thiết Lễ hội, các quan trước đời Trụ Vương đều được thoát tội. Lúc đó đệ tử cũng tạm dứt tội khổ. Nhưng vì ngục tình chưa xử đoán nên chưa thoát được. Nay nhờ Trai Sám mà đệ tử và đám thuộc hạ này, cùng các vua quan Liệt Quốc đều nhờ pháp lực mà được sinh lên cõi nhân gian. Nói xong liền biến mất. Từ đó Anh Công thường bày Trai Sám này lưu hành khắp thiên hạ (Đông Xuyên Dương Ngạc Thủy Lục Nghi. Trong nước Thục có Nghi Văn của Dương Suy Quan rất được lưu hành ở đời).

Bàn rằng: Xưa Chân Ẩn Sử Việt Vương, có lần đến Kim sơn ngưỡng mộ sự hưng thịnh của Thủy Lục Trai Pháp, bèn đem cúng thí một trăm mẫu ruộng ở núi Nguyệt ba chuyên kiến lập đàn Thủy Lục suốt bốn mùa để báo ân trời đất Quân Thân. Vương đích thân viết lời Sớ, khắc đá đặt trên vách điện, lại soạn ra tập Nghi Văn khắc bản in để ở chùa. Do đó Hiếu Miếu nghe biết được rất mừng rỡ ban cho Thủy Lục Vô Ngại đạo tràng, đặt Thần Hàn Phiến ở điện. Đến nay đã trăm năm luôn kính cẩn Tu Cúng. Cách làng Nguyệt Ba có một Phạm Uyển gọi là Tôn Giáo, thầy trò Tế Tế hướng dẫn Sa-môn, nghìn đời cả ba ngàn người, thí của, hiến ruộng đất, một mực tuân theo Nguyệt Ba tu pháp, bốn mùa phổ độ. Trước vì người trong Tôn Giáo đều bảo là lời ý của Sớ Việt Vương chuyên báo ân đám quan quân từ xưa hết lòng giữ an bờ cõi, để tỏ nghĩa cử vua tôi. Đẹp thì có đẹp nhưng ý tu cúng thì sang hèn giàu nghèo chưa thấy bình đẳng. Nên Sư Chí Bàn cố gắng viết tiếp ra Tân Nghi sáu quyển để đẩy mạnh việc cúng tu của Trai Pháp. Rồi đem khắc bản. Lại căn cứ vào tên và ngôi vị vẽ thêm hai mươi sáu bức tranh tượng. Kịp đến nay lập ra trai hội. Như thế Nghi Văn và Thanh Tượng đều được dùng. Bấy giờ người chủ trương sự việc thì có các Sa-môn ở chùa như Xử Khiêm Thanh Tiết, văn Học Sư Hồng. Người thí pháp là Nguyệt Ba Trụ Sơn Tông Tịnh. Người thí văn tự chính là Chí Bàn. Xin nguyện mười phương Già-lam xem đây vì Pháp làm rạng rỡ hưng thịnh đạo Phổ Độ.

Lục Đạo Hộc, kinh Tịnh Danh nói: “Dùng một bữa ăn thí cho tất cả (nói tất cả tức gồm cả Lục Đạo), cúng dường chư Phật và chúng Hiền Thánh, sau đó mới ăn.” Ngài Nam Nhạc theo Tự Ý Tam-muội nói rằng:

Nay sắc hương vị này
Trên cúng mười phương Phật
Kế cúng các Hiền thánh
Sau thí hàng lục đạo
Khắp thí không sai khác…

Về phép ăn của Thiên Thai Quán Tâm là sau khi đánh chuông thì chắp tay cúng dường Nhất thể Tam bảo, kế đến dùng cơm xuất sinh gọi là thí Lục đạo. Đây đều là khắp cúng mười cõi. Tức chứng cớ người thời nay thí Lục đạo tu cúng Thủy lục.

Lời bàn: Diệu Lạc nói: Người đời lập ra Lục đạo là do Lương Võ Đế thấy ở Giang Đông có nhiều Dâm từ (giết sinh mạng cúng tà quỷ) liền lấy thứ giống Phật pháp mà quyền biến thay vào. Đây bởi ngài Kinh Khê một mực lấy việc cúng tế sai trái đối với Phật pháp mà luận bàn, lấy đó để ngăn thiên hạ giết hại. Cho nên chưa luận về nghĩa “Khắp cúng mười cõi.” Kinh Diệm Khẩu nói: “Bảo cúng dường Tam bảo tức là cúng bốn Thánh, cúng dường Tiên Bà-la-môn tức là cúng Nhân Đạo, cúng Chúng Diệm Khẩu tức là cúng Quỷ đạo.” Còn bốn Đạo kia tuy không nêu ra, là do lúc đó phó cơ chưa khắp. Cho nên Văn Kinh kín đáo lược bỏ. Nếu người tu hạnh Đại thừa, Viên Quán Pháp Giới thì phải theo nghĩa Kinh Tịnh Danh. Còn việc ngài Từ Vân bảo: “Chỉ Quỷ đạo được ăn, năm đạo kia không được.” Đây cũng là theo ý luận Bà-sa đã nói: “Nếu nhân cúng tế chỉ có quỷ thần được hưởng còn các Đạo khác đều không được”, đây là việc căn cứ vào người đời cúng tế mà nói vậy thôi. Nếu căn cứ theo pháp xuất thế, dùng tâm bình đẳng mà tu cúng vô ngại, thì phải xem kỹ nguyên văn ở ba nơi Tịnh Danh, Nam nhạc, Thiên thai thì lý đều đủ cả. Nay có nơi để một Hộc nhỏ gọi là Tán sái. Hoặc dùng một hộc lớn hoặc đến bốn mươi chín hộc đều là để khắp cúng thí hàng Lục đạo cả, chẳng tin sao?

Cúng mười vua – Đời truyền rằng: Đời Đường có Minh Đạo Hòa thượng thần hồn dạo chơi Địa Phủ thấy có mười vua chia nhau trị vì người chết. Nhân đó truyền tên ở thế gian, bà con người chết phần nhiều đều thiết lễ cúng. Tên tuổi mười vua đều có ghi chép trong các truyện, ký. Có thể khảo được sáu tên: Viêm La, Ngũ Quan (là hai tên thấy trong Tam Trường Trai đã dẫn ở Kinh Đề-vị). Bình Đẳng (theo Hoa Nghiêm Cảm Ứng Truyện – Quách Thần Lượng bị sứ giả dắt đến chỗ Bình Đẳng Vương, Nhân đọc bốn câu kệ: Nhược nhân dục liễu tri… mà được thả về). Thái Sơn (Dịch Kinh Đồ Kỷ – Sa-môn Pháp Cự dịch Kim Cống Thái sơn Thục Tội Kinh, Hiếu Kinh viện dẫn Thần Khế là cháu của Thái Sơn Thiên đế, chủ về việc triệu hồn người chết). Sơ Giang (theo Di Kiên Chí thì Quách Sinh ở Trì Châu mộng thấy mình vào Minh Phủ, vua mời ngồi bảo rằng: Ta là Vương Lan ở Tấy Môn, Minh Ty xét ta trung hiếu chánh trực không hại vật, cho làm vua Sơ Giang mười hai năm). Tần Quảng (theo Di Kiên Chí thì Trần Sinh ở Nam Kiếm đã chết, con gái của em thấy hai quỷ dắt đến cung điện gọi là Tần Quảng Vương. Vua bảo cô gái muốn cứu khổ cho bác thì phải nhờ tám Sư chuyển Kinh. Khi tỉnh dậy cô gái nhờ người nhà tìm được Kinh, thỉnh Sư tụng một ngàn biến. Người em mộng thấy người anh đến tạ ơn rằng: Đã được sinh lên trời). Âu Dương Tu cũng nằm mộng thấy mười vua (thấy trong Thông Tắc Chí, năm Gia Hựu ).

Chuông Vô Thường – Ngài Trí Giả khi lâm chung bảo Duy na rằng: Khi người mạng chung được nghe tiếng chuông khánh thì tăng thêm chánh niệm, nên đánh càng dài càng lâu đến khi dứt thở mới thôi (thấy trong Bản Kỷ lời nói này có công dụng khi lâm chung). Nam Sơn Sự Sao nói rằng: Người bệnh khi sắp chết thì đánh khánh vô thường. Tăng Nhất Hàm nói: Như khi đánh chuông thì ở tất cả ác đạo các khổ đều dừng lại (Bản Kinh có nói pháp đánh chuông). Kinh Phó Pháp Tạng nói: Vua nước Kế Tân vì hiếu sát nên khi chết đã thành con cá ngàn đầu, xe kiếm quay khắp thân chặt rồi lại mọc ra. Có vị La-hán được bổ làm Duy na, theo giờ đánh chuông. Khi nghe tiếng chuông thì xe kiếm dừng lại trên không, Di Tín thưa rằng: xin đánh chuông kéo dài mãi. Qua bảy ngày chịu khổ liền dừng (đây là nói ứng nghiệm sau khi chết).

Tiên chủ nhà Nam Đường nhân giết lính quy hàng nên bị cầm tù dưới ngục Âm Phủ, chỉ khi nghe tiếng chuông thì các khổ tạm dừng. Khi vua vào âm phủ thấy thế liền báo mộng cho Hậu Chủ. Hậu Chủ bèn đúc một chuông để ở chùa Thanh Lương, có khắc trên chuông: Kính dâng Hiếu Cao Hoàng Đế thoát ách U Minh (Thông Tắt Chí, thời Tấn Thiếu Đế) đây là bằng chứng gần nhất.

Quải Phan (treo phướn) – Nếu bốn chúng đệ tử, trai gái khi mạng chung, vì họ tạo ra phướn vàng treo trên chùa thì lìa được tám khổ nạn, được sinh mười phương Tịnh Độ. Theo gió chuyển một lần thì chuyển thành ngôi vị Chuyển luân vương, cho đến gió thổi nhẹ thì chuyển thành Tiểu Vương, quả báo vô lượng cho đến thành quả Bồ-đề (Đại Quán Đảnh quyển mười một. Đời có ghi Dược Sư Như Lai có mười hai thệ nguyện. Đây là việc riêng, không phải Kinh Bản Sự).

Gửi tiền – Sư Tổ nói rằng: Đường Minh Hoàng sai Vương Dư làm từ tế Sứ. Từ đời Hán khi chôn người thì có tiền chôn. Người đời sau bỏ đi, dùng giấy giả làm tiền mà cúng quỷ thần. Đến Vương Dư bèn dùng giấy tiền để cầu qua tai nạn. Minh Báo Ký nói: Tiền mà quỷ dùng chỉ là tiền giấy. Nếu dùng tơ lụa thì cũng chỉ là giấy. Bạc thì dùng thiếc, phết vàng thì dùng đất vàng.

Bàn rằng: Từ đời Đường trở về trước không có giấy tiền để dùng, Từ Vương Dư, cách dùng này rất thạnh hành. Do đó kho âm phủ chứa nhiều hình vẽ đồng tiền vàng và bạc, dùng không khác mấy với thế gian, do tâm pháp biến tạo ra. Thiên Đường và Địa Phủ cũng do tâm người mà chuyển thành. Đời có dùng giấy tiền, tiền đồng làm kho gởi là do có quỷ thần dùng giấy tiền đó biến hình vào cõi nhân gian để mà mua đồ vật. Có người thấy Thái Sơn chất đống tiền sáp mà không dùng bảo rằng: Người nhân gian đã dùng dầu rót vào lửa để hóa tài nên làm ô uế. Đây là những linh nghiệm bất nhất, vì tâm sinh thì các pháp đều sinh, không phải chỉ riêng giấy tiền thôi đâu!

Phóng sinh: Kinh Quang Minh thuật chuyện dòng sông dài cứu được mười ngàn con cá được trời báo đức. Đó là chuyện khởi đầu. Ngài Trí Giả mua dứt Ấp Lương, dẹp bỏ việc lưới cá trên sông. Đó là lập pháp. Gặp các nạn trong ngục Kế hủ, báo ân trên nhà tu thiền, đó là chứng nghiệm rõ ràng (ba việc này đều có ghi trong bản kỷ của ngài Trí Giả). Vua Đường Túc Tông năm Càn Nguyên thứ hai, ra chiếu khiến thiên hạ lập ao phóng sinh, tất cả có tám mươi mốt sở (Nhan Chân Khanh có làm bia). Vua Tống Chân Tông năm Thiên Hy thứ nhất, ra chiếu khiến thiên hạ lập ao phóng sinh. Khắp các Châu, Huyện dọc sông Hoài trên dưới cách bờ nước năm dặm đều cấm săn bắt (hai việc này thấy rõ trong Thông Tắt Chí). Ngài Từ Vân tâu vua xin Tây hồ làm ao phóng sinh, vào ngày tám tháng tư hội người trong Quận thả chim cá. Ngài Pháp Trí ở Nam Hồ nhân ngày Phật đản thả cá chim cầu thọ cho vua. Xu Mật Lưu Quân vâng chiếu vua soạn bia. Đây đều là đại khái về việc phóng sinh.

Đổi cách cúng – Đức Phật vì các loài quỷ Khoáng Dã, Quỷ Thần, Quỷ tử mẫu… đổi bỏ các thức ăn huyết nhục mà nhận thức ăn do chúng Tăng xuất sinh. Đó là duyên khởi (hai việc này thấy rõ trong Hiểu Thạch Chi Thí Thực Thông Lãm dẫn đủ các Kinh Tạng). Lương Võ Đế và vua Ngụy viết lời Văn. Ra lệnh tế giao miếu không được dùng con vật tế sống, chỉ dâng rau và bún miến. Đây là người chủ việc lập pháp (hai việc đều thấy ở Thông Tắt Chí). Ngài Trí Giả truyền giới cho Quan Vân Trường, ngài Từ Vân truyền giới cho Bạch Hạc đều khiến cấm ăn máu thịt, chỉ chuyên việc ăn rau quả. Đây là Sa-môn lập Pháp (Ngài Từ Vân có văn đổi cách cúng cùng Quyết Nghi Thập Tụng để nói đủ các chứng nghiệm).

Cấm năm thứ cay nồng – Phật cấm năm thứ cay nồng, vì mùi hôi hám của nó sẽ ngăn Thánh đạo. Người ăn nó tất sẽ chiêu cảm nghiệp địa ngục mà thôi. Người thời nay không thể kiêng là không muốn thấy Thánh đạo mà cam phận làm bạn người tội ở vô gián, chẳng buồn lắm sao? Đây dùng các điều ghi chép đủ trong kinh luật để khuyến cáo người đời, năm chương rõ ràng, mong mọi người tuân giữ.

1. Danh Thể khác nhau: Phàm nói cay nồng có hai nghĩa; hăng nồng mà không cay như rau mùi, a ngùy. Còn cay mà không hăng nồng như củ cải trắng… Vừa cay vừa nồng là năm thứ cay nồng (hành tỏi…). Kinh Phạm Võng nói là đại toán (Tỏi – Thiên thai Sớ nói là Hồ Tuy), Cách thông (Kiệu), Từ thông (Hành), Lan thông (Tiểu toán), Hưng cừ (tức Thông tật, sống chín đều hôi, lá như loài man thanh, mùi hôi như tỏi tức a ngùy). Tạp A-hàm nói là: Cách thông, Từ thông (Hành), Mộc thông (hẹ), Tỏi, Hưng cừ (năm thứ này trích từ Phạm Võng). Kinh Niếtbàn nói là Hành, Hẹ, Kiệu (chỉ nói ba tên). Kinh Lăng Già nói là Hành, Hẹ, Kiệu, Tỏi (chỉ nói bốn tên, không nêu Hưng cừ, chỉ thêm Hẹ và chia Đại toán, Tiểu toán, thì vẫn đủ năm tên). Nước Trung Quốc nói Ngũ Tân (năm thứ cay nồng) tức hành, hẹ, kiệu, đại toán, tiểu toán như Lăng-già đã nêu.

2. Đại thừa cấm hẳn, kinh Lăng-già nói: Mùi xú uế bất tịnh hay ngăn che Thánh đạo, cũng ngăn che chỗ sạch sẽ của trời người ở nhân gian, huống là Tịnh độ của chư Phật. Kinh Phạm Võng nói: là Phật Tử không được ăn Ngũ tân (năm thứ hăng nồng), nếu cố ý ăn thì phạm khinh cấu tội (Thạch Bích chú thích: thể nó không nặng lắm nên gọi là khinh. Cấu là làm dơ bẩn Phạm hạnh). Kinh Lăng-nghiêm nói: Người ăn chín thì sinh dâm, ăn sống thì thêm sân, mười phương Thiên Tiên đều sợ mùi hôi hám mà lánh xa, còn các loài ngạ quỷ thì đến liếm môi mép, thường ở chung với quỷ, phước đức ngày càng tiêu mòn, mãi mãi không có lợi ích. Đại Lực Ma vương giả hiện thân Phật đến nói pháp cho nghe nếu không biểu hủy bỏ giới cấm thì khen dâm nộ si. Khi lâm chung sẽ làm quyến thuộc ma, đọa mãi trong địa ngục. kinh Niết-bàn nói: Người ăn ngũ tân sẽ sinh vào chỗ khổ sở nhơ uế. Kinh Kim Quan Kính Phước nói: Kẻ uống rượu ăn thịt và ngũ tân dù có tạo kinh tượng cực nhọc nhưng công đức vẫn ít ỏi, chủ thợ đều không lợi ích, các trời không phù trợ.

3. Tiểu thừa cho khai, kinh Báo Ứng nói: “Bảy chúng không được ăn thịt và các thứ cay nồng, nếu có bệnh thì được khai. Phải ở nhà Bạch Y ngoài Già-lam, được ăn trong bốn mươi chín ngày, sau đó phải dùng nước thơm tắm gội rồi mới đọc tụng kinh thì không phạm tội.” Kinh Tạp A-hàm nói: “Người ăn ngũ tân làm xú uế Tam bảo, khi chết đọa vào Thỉ Phấn địa ngục, khi ra khỏi lại làm các loài chồn, heo, chó ở đồng hoang. Nếu được thân người thì thân thể hôi tanh.” Tăng-kỳ Luật Khai cho thầy Tỳ-kheo bệnh được ăn tỏi trong bảy ngày, ở riêng một phòng nhỏ bên ngoài, không được nằm giường nệm chúng Tăng, giảng đường và nơi tiểu tiện không được đến. Không được ăn với chúng, không được đến lễ Phật, được ở dưới gió đứng xa mà lạy, bảy ngày xong thì phải tắm xông y phục, sau đó mới được nhập chúng.

4. Phương tiện cứu lỗi, kinh Lăng-nghiêm nói: Khi trì chú này thì các tội phá giới, tội địa ngục nặng nhẹ đều một lúc tiêu mất, dù cho uống rượu, ăn thịt cá và ngũ tân, Phật Bồ-tát và Thiên Tiên đều không chấp lỗi. Quán Thế Âm Đà-la-ni Kinh, Quán Đảnh Ấn Chú: Hai ngón cái co lại trong bàn tay giữ ngón vô danh, để lưng hai ngón vô danh sát nhau, hai đầu ngón út châu vào, hai ngón giữa để thẳng đầu chống vào nhau, hai đầu ngón co lại chống vào lưng hai ngón giữa và đọc chú rằng: “Án, Bộ tam mạt la tô ma lãm tá ha”, tụng hai mươi mốt biến rồi tự rưới lên đảnh đầu. Mỗi sáng nên bắt ấn và tụng chú trên chậu nước. Người trì chú này phạm dục và ngũ tân, sẽ giải… phép của chú này dùng cho việc phạm lầm. Nếu cậy chú này mà cứ phạm rồi giải nhiều lần thì mắc thêm tội Nhờn Pháp. Thần Vương Bộ Chú sẽ giận trách, dễ phạm tội địa ngục, chẳng cẩn thận ư?

5. Chứng cứ trong Tam Giáo – Sư Trúc Đàm đến hiến lễ ngài Thiên Thai, vừa đến Thạch Lương gặp vị Thánh Tăng gọi bảo rằng: Mẹ ông khi mang thai ông đi ngang qua vườn hành, thai khí bị phạm xú uế nên ông không thể ở chùa được (Tăng Cảnh Lục). Sa-môn Thiên Trúc là Giác Xứng nói rằng: Ở nước Thiên Trúc tôi, ăn thịt và ngũ tân bị đuổi ra ngoài thành, cho nên trong nước không bán thứ này.” Ngài Đạo Tạng nói: Tụng Kinh Huỳnh Đình kỵ ăn ngũ tân. Lại nói: Đạo sĩ thọ pháp kỵ ám uế ngũ tân (ngũ tân hôi hám). Tiên Truyện nói: Lạc Tử Trành cả nhà uống rượu tiên bay lên trời, riêng Tùng Tử rớt xuống đất. Thiên thần nói: “Người này ăn tỏi nên không được lên.” Tư Mã Công trong Nghi Cúng Tế có nói: “Phàm cúng tế tuy được uống rượu nhưng không được quá hạn ăn thịt và ăn cay nồng (ngũ tân – tức hành hẹ tỏi có mùi hôi).

Bàn rằng: “Vì vật tầm thường mà tự chiêu lấy báo địa ngục.” Người đời ăn ngũ tân là đó. Nay các Sư ta phần đông coi thường điều này, há chẳng đau buồn ư? Xưa, ngài Tra Am ăn cơm Tam bạch chính là tránh lỗi này mà thôi, không phải có ý làm kiêu với đời. Nhân soạn thuật văn này mà giận cho người biết pháp thời nay, bèn phát nguyện rằng: Nguyện mười phương chư Phật Bồ-tát Thiên Tiên, nghe con phát nguyện cùng đến gia hộ. Nguyện khiến cho các Trường Giáo Luật Thiền Lâm, các nơi diễn pháp của Tam Tông dù chủ hay bạn đều biết giữ gìn tịnh giới. Không ở nơi Già-lam thanh tịnh mà trồng các cỏ hôi hành hẹ, không ở nơi trai đường thanh tịnh mà cho vào mùi hành hẹ hôi tanh, không dùng thân thể thanh tịnh mà ăn nuốt chất dơ hành hẹ. Nên biết người này và cảnh ấy nếu không thanh tịnh thì dù có trai giới thiền tụng các việc, đâu cảm được Phật trời giáng thần kính hộ, đâu được tiêu hết tai ương mà được tốt lành, đâu được chấn động u minh mà thoát khỏi trầm luân. Xin nguyện khắp cả thiên hạ, phàm trong các trai trù ở Tăng lam, Đạo quán không dùng hành hẹ để điều vị các thức ăn và riêng mình nấu ăn. Phàm tới các Quan phủ, Đệ Trạch lập đàn chay cầu cúng trước đó mười ngày nghiêm cấm dứt khoát các việc phi pháp. Tăng Đạo được thỉnh thọ trai nơi nhà tục, phải luôn tự kiểm soát, không được ăn cố ý hay ăn nhầm các thứ uế nhiễm. Ngõ hầu vì tình người khuyên nhau chấn hưng Thánh đạo, khiến việc kính thờ Phật trời được thanh tịnh nghiêm cẩn, tự làm và khuyên dạy người làm, cả hai cùng lợi ích. Chớ quên bản lập nguyện này. Cúi mong Phật nhãn chiếu soi lòng trời chứng giám, quyết ý cấm ngăn để tránh khổ báo.

Việc để tang – Luận về việc tang chế của đạo Phật thì các Luật Niết-bàn đều không dạy. Ngài Trí Giả khi lâm chung khuyên răn: “Việc khóc lóc để tang ở thế gian đều không nên làm.” Nay theo Tang Nghi của Viễn Sư có nói: “Hòa thượng theo học xem đồng cha mẹ đều phải để tang ba năm, với y chỉ Sư thì cũng để tang như với Thầy.” Ứng Sư trong Ngũ Sam Tập có nói: Để tang thầy chỉ dùng vải hơi thô, nhuộm màu vàng sậm (căn cứ theo đây thì chưa hề cho dùng vải trắng).

Bàn rằng: Người thời nay không biết, phần nhiều dùng vải trắng làm áo dài và tọa cụ, trái với Tăng Nghi rất là phi pháp. Nay xin dùng vải đen may quần, còn vải trắng làm áo lót, quần ngắn để biểu hiện cho tang chế. Cả hai thầy và cha mẹ đều dùng cách để tang này, nếu cha mẹ nuôi cũng có thể y theo lệ này. Tùy phong tục có thể tạm dùng vải gai. Trên không trái với các Luật Niết-bàn vô văn, dưới không bỏ hai nghĩa khai của hai Sư Viễn, Ứng. Tùy nơi mà hộ pháp nên phải dùng Trung Đạo.

Thiêu Tăng chết không cho đắp y ca-sa – Luật nói ba y chỉ để truyền trao, chưa hề nghe Phật và Tổ đắp y vào thân chết mà đem thiêu. Đời mạt pháp nhiều người không biết phần đông đều làm việc phi pháp. Có kẻ biết còn cần phải biện minh: nếu tịch ngồi mà ngay ngắn thì nên xây tháp mà táng và có thể đắp y cho nhục thể. Nhưng nếu theo pháp trà-tỳ thiêu thân thì không nên đắp y, vì đốt y là có lỗi trái luật. Có người bảo Tăng chết mà không y thì nên theo pháp thí-y của Tăng Diệu trong Minh Tường Ký, nói rằng: Đời Nam Tống, chùa Long Hoa ở Giang lăng, Sư Tăng Diệu chết rồi. Một buổi tối hiện về phòng lên tiếng. Đệ tử là Khả Tông hỏi: Hòa thượng nay sinh về đâu? Diệu đáp: “Còn sơ sài, chỉ bị khiển trách nhẹ, hai năm mới khỏi, muốn kiện Quan Sở Ty mà không có y ca-sa. Nên gấp cắt áo thỉnh Tăng bày lễ cúng để thí y thì ta nhận được.” Khả Tông theo lời dạy cúng cơm chư Tăng và thí y. Việc xong, Tỳ-kheo Đạo Mãnh liền thấy Tăng Diệu mình đắp y vào giảng đường, theo Tăng ngồi nghe kinh. Khi xong thì không thấy Diệu đâu nữa.

Bàn rằng: Chí Bàn tôi tự nghe chính con cháu của người này, chính mắt trông thấy và có gặn hỏi, không may ông này chết sớm. Đến ngày đốt khám thì không đắp y ca-sa, chỉ dùng vải làm áo lót và quần ngắn mà thôi. Trước khi thiết lễ Trai Tăng thì lấy y bảy điều thường dùng hằng ngày làm phép khấn vái rồi cúng thí chư Tăng. Lại dặn dò người sau rằng: phải gắng sức làm khi tự thân mình hoại diệt. Dám xin trình bày cùng các tri thức nên trọng pháp này.