PHẬT TỔ THỐNG KỶ
Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 22
VIII : CHƯA RÕ NGƯỜI TRUYỀN PHÁP
- Đông dương, Thiện Tuệ Đại Sĩ (Khoảng đời Tề Lương).
- Cảnh Minh, Đạo Phòng Thiền sư (Theo Trù Sư Truyện).
- Bắc Tề, Tăng Trù Thiền Sư.
- Bắc Tề, Lý Tưởng Thị Lang (Trù Sư Truyện).
- Thiên thai, Trí Diễm Pháp sư (đời Đường).
- Kim Hoa, Phương Nham Pháp sư.
- Tây Kinh, Sở Kim Pháp sư.
- Thiên Phước, Phi Tích Pháp sư.
- Chung Nam, Pháp Thiện Pháp sư.
- Ngọc tuyền, Chân Công Pháp sư.
- Nam nhạc, Thừa Viễn Pháp sư.
- Nam nhạc, Pháp Chiếu Quốc Sư (ba vị trên thấy ở Tịnh Độ Chí).
- Vô Tánh, Pháp Kiếm Pháp sư.
- Trường sa, Hoài Viễn Pháp sư (hai vị trên ở Quang Giáo Chí).
- Ngũ Đài, Chí Viễn Pháp sư.
- Ngũ Đài, Nguyên Kham Pháp sư (Viễn Sư Truyện).
- Thiên thai, Đạo Tiêm Pháp sư.
- Quốc Thanh, Thanh Quán Pháp sư.
- Quốc Thanh, Văn Cử Pháp sư.
- Kiến nghiệp, Kỉnh Vân Pháp sư.
- Thái Sơn, Diệu Hạnh Pháp sư.
- Tứ Minh, Tử Lân Pháp sư (Đường Ngũ Đại).
- Thập Tổ, Huyền Chúc Pháp sư.
- Gia hòa, Hạo Đoan Pháp sư.
- Cối kê, Thập Pháp sư.
- Gia hòa, Tử Huyền Pháp sư.
- Thiên thai, Nguyên Dĩnh Pháp sư (đời Tống, ba vị trên ở Pháp Trí Ký).
- Quát Thương, Thông Pháp sư (theo Nam Bình Truyện).
- Vô Tướng Thiện Cần Pháp sư.
- Bảo Tạng, Lợi Vũ Pháp sư (ở Lặc Sư Truyện).
- Phổ Từ, Huy Pháp sư.
- Không Tướng, Dung Pháp sư (hai vị trên ở Trạm Giả Danh Truyện).
- Siêu Quả, Chiêu Pháp sư.
- Quảng Hóa, Minh Pháp sư (hai vị trên ở Mân Pháp Vân Truyện).
- Tông Nguyên, Lục Dĩnh Pháp sư.
- Bảo Vân, Oai Pháp sư (ở Chánh Văn Tuệ Truyện).
- Phương Quảng, Đàm Chiếu Pháp sư.
- Phổ Chiếu, Nhân Pháp sư.
- Phật Trí, Đạo Nhân Pháp sư (Như Thượng Trúc Truyện).
- Bảo Tích, Thật Pháp sư (Ngô Khắc Kỷ Truyện).
- Tịnh Tuệ, Oai Pháp sư (Thảo Am Lục).
- Tả Khê, Chí Chiêu Pháp sư.
- Vô Công Cư Sĩ Vương Điền.
****
Đạo Thiên thai mà người đời sau không nghe biết được thì chắc chắn là có nhiều người, không phải vì vết tích tối tăm mà vị kém, hay người mất mà tuyệt dòng đấy ư? Đến như từ xưa tuy có tuyền mà không có người nhận hay thấy người khác truyền mà không khảo xét. Phàm đối với một pháp môn phụ khen mà có ích dù chỉ một người há chẳng thích viết sao? Nên nay xin trình bày phần chưa rõ người truyền pháp sau đây:
1. ĐÔNG DƯƠNG ĐẠI SĨ TRUYỀN HẤP
Tự là Huyền Phong, người ở Nghĩa Ô, sinh ngày tám tháng năm năm Kiến Võ thứ tư nhà Tề. Thuở bé Sư cùng người làng bắt cá đầy đụt, thì Sư nhấn đụt xuống nước rồi khấn nhỏ “Con nào đi thì đi, con nào ở thì ở.” Người thấy bảo là ngu. Năm mười sáu tuổi Sư cưới nàng họ Lưu sinh hai con đặt tên là Phổ Kiến và Phổ Thành. Năm hai mươi bốn tuổi, Sư làm ngư dân ở bờ đê Kê Đình. Có Phạm Tăng Trung Đầu-đà gọi bảo rằng: Xưa ta với ông ở chỗ Phật Tỳ-bà-thi cùng phát nguyện độ chúng sinh, nay còn thấy y bát ở cõi Đâu-suất, sao lại trở về đây? Rồi bảo: “Hãy nhìn xuống nước”, Sư liền nhìn xuống thấy bóng mình có hào quang, bảo cái và vòng ngọc đeo thân. Sư bèn tỉnh ngộ bảo rằng: Bể lò rèn rất nhiều sắt vụn, cửa lương y có lắm bệnh nhân. Phải gấp độ sinh có rãnh đâu mà nghĩ đến Đâu-suất. Bèn cất am giữa hai hàng cây trong Tòng Sơn, tự xưng là Đương Lai Giải Thoát Thiện Tuệ Đại sĩ, trồng trọt rau trái, mặc người hái lấy, vì người thuê thợ sáng làm tối về. Cùng vợ là Diệu Quang diễn giảng Phật Pháp tu khổ hạnh bảy năm. Trong lúc ngồi im thì thấy Đức Thích-ca, Kim Túc, Định Quang, ba Đức Phật từ phía Đông đến, phóng quang sáng như mặt trời. Trên không trung có tiếng nói: “Ngày thành đạo, Đức Thích-ca đương thời ngồi ở đạo tràng tứ chúng tranh nhau đến đảnh lễ.” Quận Thú Vương Kiệt bảo đó là yêu vọng bèn bắt cầm tù, Sư suốt cả mấy tuần không ăn, Quận Thú thẹn thùng thả ra. Khi được trở về núi thì Sư càng tinh tấn hơn bảo rằng: Ta từ cung Đâu-suất đến đây nói đạo Vô thượng Bồ-đề. Xưa giấu kín việc này nay không giấu nữa. Năm Đại Thông thứ sáu, Sư sai đệ tử là Truyền Vãng dâng thơ lên vua. Vua là Quốc Chủ Cứu Thế Bồ-tát, ra chiếu đáp rằng: Thiện Tuệ muốn độ chúng sinh thì muốn đến đâu tùy ý. Vua ra lệnh khóa cửa để thấy điều lạ. Đại sĩ rút trong tay áo ra một quả chùy thế là các cửa đều mở. Gặp vua ở điện Thiện ngôn, Sư yết kiến vua bằng ba bài tán, không lạy. Rồi Sư đến giường ngồi đối đáp với vua rất khác thường. Dùng cơm xong Sư đến Chung Sơn ngồi tọa thiền dưới rừng Tòng. Huyện Quan trợ cấp. Năm Đại Đồng thứ nhất, thỉnh Sư giảng Tam Tuệ Bát-nhã ở Trùng Vân điện, các công khanh đều tập họp, khi vua đến thì toàn chúng đều nghinh đón. Đại sĩ vẫn ngồi yên. Quan Ngự Sử hỏi duyên cớ. Sư đáp: Pháp địa nếu động tất cả Pháp đều không an. Vua cho là phải. Sáng hôm sau mời riêng Sư ở điện Thọ Quang. Đêm đến vua về Cung. Cuối đời nhà Lương bị đói kém loạn lạc, mỗi ngày Sư cùng đồ chúng lượm hạt dẻ, cây mậu để nấu cháo nuôi sống dân làng, nhưng trộm cướp thì không phạm đến. Sư từng nói: “Ta là một trong ngàn Phật ở Hiền Kiếp.” Đệ tử Sư là Tuệ Vinh muốn lập Hội Long Hoa. Đại sĩ bảo: “Hội Long Hoa là việc của ta, ông nên lập Hội Thỉnh Phật Đình Quang, nếu làm theo lời ta thì nhất định sẽ thấy Hội Long Hoa”. Sư lại bảo: Ta ngộ Đạo đã bốn mươi kiếp, Thích-ca mới bắt đầu phát tâm. Do Thích-ca hay thí xã thân nên thành Phật trước ta. Đời Trần, năm Thiên Gia thứ hai, Sư ở trong núi hành đạo thường thấy bảy Đức Phật hiện ở trước, ngài Duy-ma theo sau. Sư gọi đệ tử bảo rằng: “Trong bảy Phật chỉ có Đức Thích-ca thường nói chuyện với ta”. Mùa Đông năm Quang Đại thứ hai, Đại sĩ bảo: “Tung Công đã trở về cõi Đâu-suất, ta không thể ở đây lâu”, bèn làm Hoàn Nguyên thi mười hai chương. Ngày hai mươi bốn tháng tư năm Đại Kiến thứ nhất, Sư viên tịch, suốt bảy ngày huyện lệnh Trần Chung Kỳ đến lễ kính. Khi truyền hương cho nhau thì Sư vẫn đưa tay nhận hương. Chúng đều kinh hãi thán phục. Táng Sư ở một góc Tòng Sơn. Vua sắc lệnh cho Bộc Xạ Từ Lăng soạn văn bia cho Sư.
Trong Chỉ Quán Nghĩa Lệ, ngài Kinh Khê nói rằng: Đông dương Đại sĩ ngôi vị ở bậc Đẳng Giác mà còn chuộng Tam Quán Tứ Vận làm Tâm Yếu nên riêng tự đặt thơ rằng: Độc Tự Tinh (Thảo đường Nguyên Pháp sư đã giải thích rằng: Gọi Tam Thiên Tuyệt Diệu, pháp giới độc lập, thể nó rất tinh diệu) kỳ thật đã lìa bỏ hết thanh và danh (Diệu Thể của Tam Thiên vốn lìa bỏ hết Thanh Giáo Danh Tự) Tam Quán một Tâm dung chứa vạn phẩm (Tam Quán là Tam Thiên. Tam Thiên tức Không – Giả – Trung, chỉ có một niệm là như biết rõ Tam thiên từ vạn phẩm. một tức tất cả, tất cả tức một, không phải một cũng không phải tất cả, mà là một mà là tất cả, tướng dung chứa như thế khá biết). Gai gốc Tòng Lâm chỗ nào sinh? (chín cõi, hoặc nhiễm sinh tử nhân quả là gai góc; cõi Phật, nhân quả muôn đức trang nghiêm là Tòng Lâm. Thiện ác uế tịnh cùng quy về một tướng, một tướng mà vô tướng nên gọi là chỗ nào sinh? Đây là chứng Chân Như Lý Quán vậy). Độc Tự Tác (khởi từ mười cõi bốn vận, tứ cú kiểm xét, nên nói là Tác) hỏi trong ta còn dính dấp gì (lời hỏi khởi đầu), kiểm xét bốn vận đều vô sinh (chính dùng Quán vậy) muôn phiền ngàn mối đâu thể trói buộc! (đây là Quán đã thành, mười cõi Thiện Ác, nhân quả đâu thể trói cột được. Đây là chứng Duy Thức Sự Quán vậy). Huống lại Tam Quán vốn Tông Anh lạc, Bổ Xứ Bồ-tát, thân thừa Kim khẩu. Cho nên biết một nhà giáo môn xa bẩm thọ kinh Phật lại cùng Đại sĩ khế hợp rõ ràng (Tiểu Anh Lạc Kinh có hai quyển. Quyển thượng nói về thứ lớp Tam Quán. Nghĩa là từ giả mà vào Không Quán, từ Không mà nhập vào Giả Quán, hai Quán làm phương tiện để được nhập vào Trung đạo Đệ nhất nghĩa Quán – Quyển hạ nói về Tam Quán tròn đầy. Nghĩa là Phật vì Bồ-tát Kỉnh Thủ mà nói Tam Quán Pháp giới, Tự Tánh của chư Phật thanh tịnh… – Tam Quán đã do Phật nói, Đại sĩ lại do Kim khẩu thân thừa. Nay nhà kiến lập xa căn cứ lời Phật nói, lại cùng Tam Quán của Đại sĩ nói ra rất phù hợp vậy).
Thuật rằng: Chư Phật ở quá khứ do Đạo Tam Quán mà an trụ và Bí Tạng. Đức Thích-ca ở hiện tại do đạo Tam Quán mà chứng quả, sau đó đã thị hiện quyền biến. Ấy mới biết các pháp mình làm, dạy người quyền thật, nhân giả, không thứ nào không phải là Đạo Tam Quán. Anh Lạc đã tuyên bày ở trước, Trí Luận giảng giải ở sau. Bắc Tề do Tâm ngộ mà lập làm Pháp, Đông Dương phụ khen mà viết thành thi, đều là nói về Đạo này cả. Ngài Đông Dương hiển hách ở Đời Lương và mất ở đời Trần, còn Bắc Tề, Nam nhạc, Trí Giả lấy Đạo này truyền nhau không sai sót. Xưa nương nhờ Phật khẩu mà tuyên nói, nay gặp các Sư mà truyền giao, do việc làm đó mà nói rằng: Lớn lao thay Đạo Tam Quán! Thực hành ở Chấn Đán là lúc này, bèn soạn ra hai bài thi khen ngợi phụ thêm. Nhưng người đời không xét là đồng thời, bèn nói Đông Dương là người trước, cho rằng ngài đã dự biết trước mà nói về Tam Quán cho nên Triều Cảnh Vu làm văn bia cho ngài Minh Trí cũng cho là ngài có trước Trí Giả, dẫn dắt Giáo môn ấy, nói rằng: “Phó Đại sĩ ở đời Lương”, lời nói này chưa đích xác. Nay xin đổi lại rằng: ngài đồng thời với Văn Thiền Sư. Người phụ khen Đạo ấy nói là Phó Đại sĩ. Nhưng vì Đại sĩ không có vết tích trao truyền nên nay chỉ phụ vào ở đầu truyện.
2. THIỀN SƯ TĂNG TRÙ
Sư họ Tôn, người ở Cự Lộc, theo học Chỉ Quán với ngài Đạo Phòng Thiền sư ở chùa Cảnh Minh, Sư nhiếp tâm suốt cả tuần nhật liền được nhập định. Sư lại tu Niết-bàn Thánh hạnh và pháp Tứ niệm xứ. An cư năm Hạ, ngày chỉ ăn một bữa. Có lần suốt chín ngày tu quán tưởng thây chết rồi đem chỗ đạt được thưa với Bạt-đà Tam tạng, ngài nói:
“Từ Thông Lãnh trở về Đông, người tu tập Thiền định ông là hơn hết”. Sư lại đến Vương Ốc Sơn tu tập Pháp trước (Chỉ Quán) giữa đường gặp hai con hổ đang cắn nhau, Sư đưa tích trượng ở giữa can ra, hổ liền bỏ chạy. Quan Huỳnh Môn Thị Lang Lý Tưởng đến cầu học Thiền yếu, Sư giảng cho hai quyển Chỉ Quán. Vua Bắc Tề Văn Tuyên mời Sư xuống núi thuyết pháp, Sư nói cho nghe về ba cõi vốn không, muôn pháp như huyễn, bã vinh hoa ở đời không nên coi trọng. Vua nghe nói rợn tóc gáy toát mồ hôi. Sư ở Nghiệp Thành, vua lập chùa Vân môn dâng cho Sư. Sư ngồi yên trong thất không hề tiếp khách. Đệ tử có người can, Sư nói: Ngài Tân Đầu Lô chỉ tiếp vua bảy bước mà khiến vua mất nước, ta tuy đức không bằng ngài song nghi tướng cũng đồng, không dám coi thường, chỉ mong để phước cho nhà vua thôi! Vua bị bọn tả hữu mê hoặc bảo là Sư bất kính bèn có ý đích thân đến để hại Sư. Sư ngầm biết trước, sáng sớm hôm ấy Sư ngồi xe trâu đến Cốc Khẩu cách hai mươi dặm, vòng tay đứng bên vệ đường. Vua làm lạ hỏi, Sư đáp: “Thân có máu không sạch sợ làm ô uế Già-lam.” Vua xấu hổ, bèn gọi Thị thần là Dương Tuân Ngạn bảo rằng: “Nếu người này là Chân Nhân đâu nên hủy báng.” Vua muốn đưa Sư trở về chùa. Sư cương quyết không chịu. Vua bảo: “Đệ tử cõng thầy đi khắp thiên hạ chưa đủ chuộc hết tội lỗi”. Rồi cùng ngồi xe về cung. Vua hỏi: Tiền thân của đệ tử là người gì? Sư đáp: “Từng làm vua La-sát, nay vẫn còn hiếu sát”. Bèn khấn vào thau nước bảo vua nhìn vào thì thấy hình La-sát. Vua lại muốn thấy sự linh dị của Phật pháp. Sư bèn ném y ca-sa xuống đất. Vua sai người nâng lên, nhưng thêm đến mấy mươi người vẫn không nhúc nhích. Sư bảo một Sa-di đến lấy thì nhẹ như một lông chim. Vua càng tin kính, xin thọ giới Bồ-tát và giữ Sư ở trong cung cấm cả bốn tuần nhật mới cho về. Tháng tư năm Càn Minh thứ nhất, Sư thị tịch. Vua ra sắc xây tháp để thờ xá-lợi Sư.
Thuật rằng: Xét việc hành đạo của Sư Tăng Trù là trong khoảng năm Thiên Bảo Bắc Tề, đồng thời với Tư Thiền sư xét nghịch lại thì biết Sư học Chỉ quán với Phòng Thiền sư vào đầu năm Thiên Bảo. Lại xét thêm thì trước năm Thiên Bảo vào đời Đông Ngụy Hiếu Tĩnh lúc đó Văn Thiền sư mới lấy Đạo Nhất Tâm Tam Trí đã ngộ của mình mà truyền cho Tư Thiền Sư thì biết Chỉ Quán của Phòng sư học được cũng là bẩm thọ của Văn Sư. Bởi Văn Sư ngộ là do Trung Luận, lúc đó một mình nổi tiếng ở Sông Hoài không ai sánh bằng. Đạo này các Thiền sư Tiểu thừa không biết được. Song Phòng Sư, trên nhận được của Văn Sư, dưới truyền cho Trù Sư. Trên dưới suy ra thì đáng tin vậy.
3. PHÁP SƯ TRÍ DIỄM
Bà mẹ mộng thấy lên ngồi ở Tướng Luân trên tháp Thông Huyền rồi sinh ra Sư. Năm mười hai tuổi Sư tụng thông Pháp Hoa, người thời ấy gọi là thần đồng. Sau khi xuống tóc Sư liền đến tham học ở Giảng tòa (Sư vì Chánh quán cả năm, thì biết lúc đó Sư tham học với sư Chương An vậy). Sư từng ở ẩn trên núi Hổ khâu, giảng sám trong các ngày rảnh rỗi, tụng Pháp Hoa đến ba ngàn bộ, lò không chưa đốt thì đã un khói thơm. Bình nước chiều vừa hết thì đã châm đầy, ấy là do Thiên đồng linh ứng hầu hạ. Sư hành Tam Tịnh Nghiệp và tu Thập Lục Quán. Sư dẫn năm trăm người tu Trai giảng kỳ hạn một tháng, suốt mười năm không bỏ. Sư giảng Pháp Hoa, Tịnh Danh đều ba mươi lượt, giảng Quan Âm Huyền ba mươi lần. Mùa Đông năm Trinh Quán thứ tám, Sư có bệnh, mộng thấy Phạm tăng tay bưng bình báu bảo rằng: “Ta là Vô Biên Quang, sau này ở Tịnh Độ gọi là Công Đức Bảo Vương tức là ta vậy.” Sư gọi môn nhân bảo rằng: Vô Biên Quang là Đức Đại Thế Chí, Công Đức Bảo Vương là hiệu khi ngài thành Phật. Do nhân nói quả lấy đó mà khuyên gắng ta, ta sắp về Tây phương đây.” Sư liền nhập định mà hóa.
4. KIM HOA PHƯƠNG NHAM HÒA THƯỢNG
Khi ngài Kinh Khê chưa làm Tăng đã từng theo học Chỉ Quán với ngài (đó là môn nhân của Tả Khê).
5. PHÁP SƯ SỞ KIM
Sư họ Trình, người ở Quảng Bình. Năm lên bảy tuổi đã xuất gia. Khi lễ tạng thám Kinh thì tay cầm quyển Pháp Hoa. Năm lên chín sư đến chùa Long Hưng Tự ở Tây Lương thọ giới Cụ túc, sau đó tập giáo với ngài Trí Giả. Có lần tụng kinh đến phẩm Bảo Tháp thì thân tâm lặng bặt, chợt bảo tháp hiện ra, Đức Thích-ca phân thân đầy khắp cõi hư không. Sư ngồi thiền sáu năm thề xây tháp ấy, chí thành cầu nguyện chỉ mới nói ra thì thí chủ tự kéo đến. Sư hành đạo ban đêm tại nền xây tháp ấy thì chúng nghe có tiếng nhạc trời và mùi hương lạ. Vua Huyền Tông mộng thấy ở giữa không trung hiện ra hai chữ Sở Kim, họp triều tra hỏi thì ai cũng bảo là tên Sư, vua đích thân viết biển đề “Đa Bảo Tháp” ban cho, lại ban cho nhiều lụa và giấy. Ngày làm tháp xong có mây năm sắc ngưng tụ trên tháp. Sư liền bảo bạn đồng học rằng: Đào giếng thấy bùn cách nước không xa, dùi gỗ đã nóng được lửa khá gần. Bọn chúng ta bảy người thành một chí, ngày đêm tụng kinh hương khói không dứt. Bèn Xuân Thu hai kỳ tập họp bốn mươi chín Tăng tu Pháp hoa Tam-muội, dâng chỉ lên vua xin làm thường lệ, trước sau chiêu cảm được bảy trăm hạt xá-lợi. Sư lấy máu viết Pháp Hoa, Bồ-tát Giới Kinh để cầu nguyện cho vua. Lại viết Pháp Hoa một ngàn bộ, chữ vàng ba mươi sáu bộ dùng để trấn giữ bảo tháp. Lại viết một ngàn bộ cho các người có tín tâm. Khi hóa duyên đã mãn Sư nằm nghiêng bên hông phải mà tịch. Củi hết, lửa tắt dung nhan sáng rỡ như hồi còn sống. Vua bảo xây tháp ở phía Tây Thành. Năm Trinh Nguyên mười ba, Tả Nhai Công Đức Sứ là Đậu Văn Trường tâu vua rằng: Trước đây Sư Sở Kim vào đầu năm Thiên Bảo đã vì nước xây tháp để trong đạo tràng Pháp Hoa, nay Tăng chúng làm lễ tụng niệm hơn sáu mươi năm tiếng Kinh vẫn không dứt, bèn xin vua ban cho cờ xí. Vua ra chiếu thụy phong cho Sư là Đại Viên Pháp sư.
6. PHÁP SƯ PHI TÍCH
Sư cùng Sư Sở Kim đều tinh nghiêm Tam Quán. Đầu năm Thiên Bảo, Sư đến Kinh sư, nghỉ ở Tử Các Thảo đường tại Chung Nam. Bỗng có chiếu vua mời Sư ở Thiên Phước Pháp Hoa đạo tràng. Ngài Bất Không phiên dịch kinh mới, Sư nhiều lần đảm trách việc bút thọ sửa văn. Năm đầu Vĩnh Thái, có chiếu vua mời Sư ở Cung Đại Minh cùng Lương Bí… tham dịch Nhân Vương Hộ Quốc và Mật Nghiêm Kinh. Sư cùng Tam tạng Bất Không, Học Sĩ Liễu Kháng nhiều lần xét định, sung chức Chứng nghĩa. Sư đã từng soạn Niệm Phật Tam-muội, Bảo Vương Luận ba quyển nói rõ về nghĩa Tịnh độ tam thế thông tu.
7. THIỀN SƯ PHÁP THIỆN
Sư tập học Giáo nghĩa Thiên thai. Khoảng năm Thiên Bảo đời Đường, Sư đến Kinh Sư, thường tụng Pháp Hoa. Nơi ở bình nước tự đầy. Khi Sư lâm chung, thấy có sen vàng từ không trung xuống đón rước. Thiên nhạc trổi vang rồi ẩn về hướng Tây.
8. PHÁP SƯ CHÍ VIỄN
Sư họ Tống, người ở Nhữ Nam. Lúc đầu Sư nương ngài Hà Trạch nghe một Tông Thiên thai và đều thông diệu lý. Sư cố gắng học nhiều năm, ở tại Ngũ Đài Hoa Nghiêm. Ăn không chịu thỉnh riêng, nằm không cởi áo. Bốn thứ Tam-muội được Sư dùng làm khóa tụng hàng ngày. Năm Hội Xương thứ tư, bỗng Sư nhịn ăn suốt mấy sáng và dạy bảo môn nhân rằng: Đạo Thiên thai mầu nhiệm nhất là Pháp Hoa Văn Cú, Bản Tích Nhị Môn, mở gần hiển xa, Huyền Văn năm nghĩa, Phán Tích Chỉ Quán, Cảnh Quán Song Tu, Hạnh Giải Viên Minh, Già Chiếu Bình Đẳng… Khi sắp lên bậc Thánh mà bị rơi xuống thì ít có. Lễ Sám Phương Đẳng tất phải nhờ tinh thành, được như thế mãi sẽ hợp ý ta. Lúc đó người học với Sư đông như rừng, chỉ có Sư Nguyên Kham là đạt được chỉ. Vua Võ Tông dẹp bỏ Phật pháp, Nguyên Kham nhớ lời di chúc đem các kinh sách giáo văn dấu kín trong vách. Khi Tuyên Tôn lên ngôi thì Phật pháp lại được sáng rỡ, Trạm sửa sang lại chùa chiền, đem các kinh sách đã giấu bày ra ở Ảnh Đường. Tiếng tụng kinh lễ sám trước đây im bặt nay lại tiếp tục vang rền.
9. PHÁP SƯ ĐẠO TIẾN
Sư người ở Thiên thai, khoảng năm Đại Lịch, Sư vào kinh đô truyền giáo, trước thuật khá nhiều. Sư thường du hành tới lui trên không trung. Người thời ấy bảo Sư chứng Thần túc.
10. PHÁP SƯ THANH QUÁN
Sư họ Khuất, người ở Lâm hải, từ lâu ở chùa Quốc Thanh rỗng suốt Tam Quán, thiền định có thần dị, giữ mình trong sạch không chứa y bát. Sư từng bảo: Hận là mình chưa thí xả được đầu mắt. Ở Khê Nam có người thỉnh Sư cúng dường. Đêm mưa to nước dâng đầy, người không đi được. Bỗng chốc Sư đến cả mình mẩy, y áo Sư đều không ướt. Người biết là Sư có thần túc.
11. PHÁP SƯ VĂN CỬ
Sư họ Trương, người ở Đông dương, vào Quốc Thanh học đạo Thiên thai đều thông suốt diệu chỉ. Hình thù Sư như núi, mặt đẹp như ngọc, đi nhẹ như mây bay, ngồi yên như nước đọng, mắt không ngó hai bên, miệng không đùa bỡn, đi đứng nằm ngồi đều đúng phép tắc, hai chúng Đơn Khâu đều ngưỡng mộ noi gương Sư. Trước ở chùa Quốc thanh vì Tùy Dạng Đế lập Quang Minh đạo tràng kỳ hạn một năm. Người đông gạo ít, Sư hết sức khai khẩn được khoảng mười hai mẫu ruộng, nhờ đó đủ nuôi Tăng chúng.
12. PHÁP SƯ KỈNH VÂN
Sư người Kiến Nghiệp, sớm học đạo Thiên thai. Năm Quang Hóa thứ hai, Sư ở chùa Vĩnh gia giảng kinh, căn cứ vào Câu Xá Luận mà soạn bộ Tiểu thừa Nhập Đạo Ngũ Vị, lại viết bộ Chiết Huyền Ký hai quyển.
13. PHÁP SƯ DIỆU HẠNH
Sư lúc đầu học giáo Thiên thai, sau vào ở trong núi Thái Sơn, kết cỏ làm áo, lượm trái mà ăn. Sư tu Pháp Hoa Tam-muội chiêu cảm được Đức Phổ Hiền hiện thân chứng minh. Sau Sư chuyên trì kinh Di-đà, vào một đêm Sư thấy đất lưu ly và Đức Phật cùng hai vị Bồ-tát hiện đứng trên không trung. Vua Hy Tông nghe tiếng Sư, ban cho hiệu là Thường Tinh Tấn Bồ-tát. Sau đó, có một hôm lại thấy đất báu. Sư gọi tả hữu bảo rằng: Ta không quán tưởng mà đất báu lại thấy hiện ra, tất là An Dưỡng đã đến lúc. Ngay trong ngày ấy Sư nằm yên nghiêng về hông phải mà hóa.
14. PHÁP SƯ TỬ LÂN
Sư là người Tứ minh. Năm Thanh Thái thứ hai, đời Đường Ngũ Đại, Sư đến các nước Cao Ly, Bách Tế, Nhật Bản để giúp thêm giáo của ngài Trí Giả. Cao Ly sai sứ là Lý Nhân Nhật đưa Sư về Trung Quốc. Ngô Việt Vương là Lưu lập viện ở Quận Thành để vỗ yên dân chúng (nay là Đông Thọ Xương).
15. PHÁP SƯ HUYỀN CHÚC
Sư thuộc hàng đặc biệt về Giới Đức Thiền Định, Tuệ Nghiệp Pháp Môn, Diễn Giảng Giáo Tông. Năm đầu Đại Thuận, Sư truyền pháp ở Đế Kinh, học trò có đến mấy trăm, mọi người đều vui giúp. Lúc đó đều bảo Sư là người kế thừa ngài Kinh Khê, tôn Sư là Tổ thứ mười.
16. PHÁP SƯ HẠO ĐOAN
Sư họ Trương, người ở Gia hòa. Khi nghe ngài Huyền Chúc được Tôn làm Tổ thứ mười bèn đến tham học, liền ngộ được ý chỉ về Nhất Tâm Tam Quán, Sư tâm nguyện ở trong núi hơn hai mươi năm, thân không có nhiều y, miệng không ăn vị lạ, ngồi chỉ một giường nhỏ, cửa không cần đóng. Năm đầu Kiến Long ở Triều Tống, Sư không bệnh tật mà hóa. Khi trà-tỳ xong thì xá-lợi rất nhiều. Người đắc pháp đến tám mươi người.
17. PHÁP SƯ THIỆN CẦN
Sư người Thiên thai. Ngài Vô Tướng được thỉnh làm chủ Giảng tòa ở Quận, lúc đó thấy Sư là bậc cao hạnh nên cử Sư. Kịp khi dời về Tịnh Danh thì cử ngài Lô Am kế vị ở tòa giảng. Khi Lô Am dời về Xích thành thì chúng cử ngài Lợi Vũ lên nối. Khi ngài Lợi Vũ đến Bảo Tạng thì Bộ sai sứ giả mời ngài Vô Tướng giúp Sư ,vì nơi ở chật hẹp không đủ chứa chúng nên dời đến một nơi đất tốt mà cất thêm nhà cửa. Người bấy giờ cho rằng Sư giúp chúng thanh tịnh yên ổn và diễn giảng Giáo Quán nhiệm mầu đáng bậc dẫn dắt trời người.
18. PHÁP SƯ NGUYÊN DĨNH
Sư người ở Ngô Hưng. Năm Chánh Hòa thứ hai, bắt đầu lập viện Trí gia ở quận Thành. Ngày Sư còn ở Từ Chú Các đã cầm bút viết sách từ Chánh Tượng Thống Kỷ đến Giáo Tạng Mục Lục gồm cả trăm quyển tên là Thiên thai Tông Nguyên Lục, sắp xếp thứ tự hạnh nghiệp các Sư xưa nay, để làm sách quý của Sơn gia. Sư lại soạn Pháp Hoa Linh Thụy Tập gồm mười Khoa, đầu tiên là Đức Phổ Hiền chứng minh, cuối cùng là hiện tướng hào quang và mùi hương lạ. Quận bổ Sư làm Đô Sư. Có người cậy quyền vu cáo đuổi Sư ra làm dân thường. Người nghe chuyện khóc lóc mà Sư vẫn dửng dưng không thù hận, khăn thô áo vải Sư ngao du chốn nhân gian, tùy lúc thăng trầm. Khi tuổi già Sư ở lều cỏ tại Diêm Kiều tụng kinh niệm Phật. Một tối Sư quỳ quay mặt về hướng Tây vui vẻ mà hóa. Khi đốt Khám sư thì xá-lợi đầy đất.
19. PHÁP SƯ ĐÀM CHIẾU
Sư người Tứ minh, thọ nghiệp ở Phương Quảng. Năm đầu Tuyên Hòa, Sư soạn bộ Thiên Thai Biệt Truyện Chú rất rõ ràng khúc chiết, người học đều quý trọng.
20. PHÁP SƯ CHÍ NHÂN
Vua ban hiệu là Phổ Chiếu. Lúc nhỏ học đạo Thiên thai, tu hạnh Tịnh Độ, suốt năm mươi năm Pháp phục chưa từng lìa thân. Có lần nhân giặc quấy nhiễu Sư vào núi lánh nạn chỉ mang theo bộ áo mỏng. Khi muốn lên nhà xí thì giặc đã đuổi đến gần kề, Sư cởi áo bỏ trên đá ung dung tắm rửa, nhưng giặc không dám xâm phạm. Người biết việc đều thán phục cho là người đi đứng không sợ sệt.
21. Pháp sư Chí Chiêu
Sư người Tả Khê, đã soạn Thích-ca Phổ. Tự khoe là được thúc phụ là Khải Am truyền cho yếu chỉ, Sư lại lập sơ đồ ghi về các Tổ nối nhau, người hậu học nhờ đó tìm hiểu.
22. Vương Điền
Sư là người Từ Khê Tứ Minh, tự hiệu là Vô Công Tẩu, gia thế thuộc hàng danh nho, thi lại Tiến sĩ không thỏa chí, bèn mặc áo vải ăn cơm rau khắp học hỏi các tòa giảng. Tuổi về già, Sư chỉ chuyên niệm Phật. Đem ý sở đắc mà soạn bộ Tịnh Độ Tự Tín Lục, trong bài tựa tóm tắt rằng: Chúng sinh bản tâm đủ cả bốn cõi Tịnh độ. Như về Đồng Cư Tịnh Độ thì ngay phàm phu đầy triền phược cũng nương nhờ được. Còn ba Độ kia thì đến Thánh nhân đoạn hoặc mới chứng nhập được. Vả lại một môn vãng sinh thì có hai Tịnh nghiệp, đó là Chánh quán, mặc chiếu bản tâm gọi là trợ hành tu đủ muôn thiện. Chánh quán và trợ hành cùng tiến thì liễu đạt được bốn thứ Tịnh độ. Chỉ cần có ước nguyện và làm thiện, thì gần là sinh vào cõi Phàm Thánh đồng cư, còn xa là làm nhân cho ba Độ trên. Theo đây mà luận thì Tịnh độ là cảnh giới chứng được của cứu lý Bồ-tát, mà gồm cả bao nhiêu chúng sinh hồi hướng tiệm tu. Lại nói Viên Cơ Thể Đạo là tịnh nghiệp cao tột nhất, nếu có thêm thệ nguyện để dẫn dắt thì dự vào phẩm cao, còn bọn ngu si chỉ xưng niệm danh hiệu Phật và phát nguyện thì đều được vãng sinh. Một môn Quán Tịnh độ thì biết Thánh nhân không bỏ mọi người. Người nào chỉ ôm giữ cái Si Không cho là không ngại không tu mà khởi tâm tự chướng muốn dẹp bỏ mọi học tập khác. Bèn lớn tiếng bảo rằng: Tịnh Độ là việc nhỏ nhặt đâu đủ để nói. Kẻ nói lời ấy thật đáng buồn thay! Buổi chiều ngày Đinh Mão tháng tư năm Thiệu Hưng thứ mười sáu, bỗng nghe có mùi hương lạ đầy nhà, bèn gọi em là Sa-môn Tư Tề bảo rằng: “Đây là ta tu tịnh nghiệp đã có cảm ứng.” Bèn tắm rửa thay áo ngồi kiết già quay mặt về hướng Tây mà hóa. Khi thiêu nhục thân ông thì được xá-lợi to bằng hạt đậu, một trăm lẻ tám hạt.
(Quyển này có bốn mươi ba vị, Bản Kỷ chỉ ghi có hai mươi hai vị, còn hai mươi mốt vị kia đều thấy ở Biệt Truyện, nên giải thích bằng chữ nhỏ).