PHẬT TỔ THỐNG KỶ
Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 21
VII : TẠP TRUYỆN CÁC SƯ
* Tịnh Giác, Nhân Nhạc Pháp sư.
- (Đời thứ hai): Ngô Hưng Tử Phưởng Pháp sư.
- Tiền Đường, Khả Cửu Pháp sư.
- Tiền Đường, Huệ Cần Pháp sư.
- Trát Xuyên, Từ Phạm Pháp sư.
- Trát Xuyên, Oánh Kha Pháp sư.
- Vĩnh Gia, Nãi Nhân Pháp sư.
- Siêu Quả, Linh Chiếu Pháp sư.
- Khu Mật Sứ Hô Túc.
* Thần Trí Tòng Nghĩa Pháp sư.
- (Đời thứ hai): Tuệ Nguyệt Liễu Duệ Pháp sư.
- Thảo Am, Đạo Nhân Pháp sư.
- (Đời thứ 2): Tân Am, Hữu Luân Pháp sư.
- Quảng Thọ, Pháp Nhân Pháp sư.
- Tứ Minh, Đạo Thời Pháp sư.
- Nho Sĩ, Thuật Am Tiết Trừng
****
Viết về Tạp Truyện là chép các việc chưa được thuần chính của Các Sư, cho nên Tịnh Giác thì có Bối Tông Lục, Thần trí thì có Phá Tổ Lục, Thảo Am thì có Thất Tư Lục. Có người bảo rằng: Đời ngài Pháp Trí trước sau đều do dị thuyết mà có, đâu phải tất cả đều là tạp truyện? Song Sư Chiêu và Sư Viên của Tứ Minh thì không có thế hệ thầy trò nối giữ nhau, người đời sau thường ghép chung với phái Sơn Ngoại cũng đủ để răn bảo rồi. Đến như con cháu của Pháp Trí lúc làm thuyết Nghịch Lộ chưa quá tệ như Tịnh Giác Thần Trí, chúng ta cầu mong họ không giống như thế. Ta chỉ nêu ở đây hai người làm đầu.
1. PHÁP SƯ NHÂN NHẠC
Sư họ Khương, người ở Trát Xuyên, tự hiệu là Tiềm Phu. Sư nghe ngài Pháp Trí hoằng hóa ở Nam Hồ, bèn đến nương học. Khi đi ngang cầu Thủy Nguyệt, Sư quăng chiếc mũ xuống nước thề rằng: Nếu học không thành, nhất quyết không bước qua cầu này nữa. Khi đến, Sư được ngài Pháp Trí quý trọng. Ở nhà phía Đông đến sáng trắng vẫn còn đốt đèn chuyên chú nghiền ngẫm nghĩa lý. Thư nhà gởi đến đều ném ở đầu giường không hề mở xem. Nhân khi ra ngoài khất thực, ngồi thuyền trên sông, Sư nằm yên duỗi chân tự được rỗng suốt, như cột buồm gẫy mà bay trên hư không. Mỗi khi thỉnh ích thì Sư dùng lời văn hàm súc để cởi bỏ thắc mắc, đánh tan nghi ngờ, chúng thấy phong cách ấy đều kính sợ. Lúc đó Sư Chiêu lược bỏ Quang Minh Huyền, không dùng Quán tâm, thì Sư theo giúp ngài Tứ Minh soạn ra Vấn Nghi Thư để trình bày. Ngài Tứ Minh đặt ra Diệu Tông và Tiêu Phục Tam Dụng, có Nhuận Sư làm quyển Chỉ Hà để vấn nạn, thì Sư viết quyển Chỉ Nghi Quyết Mô để sửa lại. Ngài Tứ Minh nói về Biệt Lý Tùy Duyên, có Tề Sư làm Chỉ Lạm cho là sai quấy, thì Sư soạn quyển Thập Nạn để phù trợ ngài Tứ Minh. Do khen ngài Tứ Minh có đạo lực nên sau này Sư đã cùng mười đồng chí tu Thỉnh Quán âm Tam-muội. Nhân có bệnh nên Sư về ẩn cư ngồi yên trong tịnh thất mơ màng như tỉnh mộng, tự bảo các điều học được đều không, bèn soạn Tam Thân Thọ Lượng Giải để vấn nạn về Diệu Tông, thấy không còn hợp đạo nữa. Sư bèn trở về Linh sơn ở Triết Dương xin ngài Từ Vân thu nhận vào hàng nối pháp. Ngài Tứ Minh soạn thêm Thập Tam Liệu Giản để bài bác. Sư bèn viết Thượng Thập Gián Tuyết Báng, hai bên đối đáp qua lại không thôi (thấy rõ trong Bản Kỷ ngài Tứ Minh). Gặp năm Chiêu Khánh, Quan Phủ có thỉnh ngài Từ Vân làm thi đưa tiễn, học trò bỏ theo đến phân nửa, ngài Từ Vân vẫn không ngăn cản. Khi đó Sư dời về Thạch Bích, rồi đến Linh Chi. Bấy giờ ngài Pháp Trí đã viên tịch. Sư ở giữa chúng khoe rằng: Chỉ có vấn nạn mà giết được Sư Tứ Minh, có ai dám hướng về Linh Chi mà khai khẩu chăng? Có người ở Nhân Hành mời Sư về ở Tịnh Xã tại Vĩnh gia. Sư ở đó suốt mười năm hoằng hóa rất hưng thịnh. Khi tuổi già Sư trở về quê. Quan thú Tạp Xuyên thỉnh Sư làm chủ Tường Phù. Quan Sát Sứ là Lưu Tòng Quảng tâu về Triều, vua sai Xu Mật Sứ là Hồ Túc ban hiệu cho Sư là Tịnh Giác. Buổi vãng niên Sư chuyên tu tịnh nghiệp, đốt ba ngón tay cúng Phật, giữ giới hạnh rất nghiêm. Không vì sự việc mà đổi tiết. Sư xây cất Ẩn Luân Đường Hưu Thất để ẩn cư. Mùa xuân năm Trị Bình thứ nhất, Sư gọi môn nhân bảo rằng: “Ngày mai đúng ngọ ta sẽ ra đi.” Quả nhiên Sư viết kệ để lại rồi ngồi yên mà hóa, lúc đó là ngày hai mươi lăm tháng ba. Tháp thờ toàn thân Sư ở góc Tây của Hà Sơn. Người nối pháp của Sư là nhóm Phạm Từ Nãi Nhân đều là bậc mô phạm một thời ở đời. Đối với Lăng-nghiêm, Sư dụng ý rất đạt, gom nhặt các thuyết viết bộ Hội Giải mười quyển, Huân Văn Ký năm quyển (giải thích việc tự viết Hội Giải), Lăng-nghiêm Văn Cú ba quyển. Để trình bày về năm lớp Huyền Nghĩa thì có Lăng-nghiêm Thuyết Đề. Nói về ý chỉ Tu chứng thì có Lăng-nghiêm Sám Nghi. Sư lại soạn quyển Phúng Diễn Chi Pháp để nói về cách đọc chú, các loại nhịp điệu chương khúc… Sư lại soạn: Kim Cang Bát-nhã Sớ hai quyển, Phát Chẩn Sao năm quyển (giải thích việc viết Kim Cang Sớ), Di-đà Kinh hai quyển, Chỉ Quy Ký hai quyển (giải thích việc viết Di-đà Kinh Sớ). Văn Tâm Giải hai quyển (giải thích Bất Nhị Môn), Tạp Lục Danh Nghĩa mười hai quyển, Nghĩa Học Tạp Biên sáu quyển. Như Ý Luân Khóa Pháp, Niếtbàn Lễ Tán Văn, La-hán Lễ Tán Văn, Nam Sơn Lễ Tán Văn, Thí Thực Tu Tri, Tỳ-đàm Thất Hiền Thất Thánh Đồ, Khởi Tín Lê Tà Sinh Pháp Đồ, mỗi thứ nhất quyển. Thiền Môn Xu Yếu, Tịnh Danh Tinh Anh, Đại Luận Xu Tiết, Đại Luận Văn, Thiều Khê Giảng Ngoại Tập, Song Án Ký, Chư Tử Tạp Ngôn Sử Tủy.
Lời ghi rằng: Núi nào làm nơi tu thiền mà đất tháp lại đổi làm vườn rau. Sau đó chúng trong chùa nằm mộng thấy Sư về báo rằng: “tháp ở nơi không tiện việc tắm rửa, xin dời tháp nơi khác.” Kịp khi mở khám thì thấy nhục thân Sư không hư rã và xá-lợi rất nhiều, bèn sắm đủ lễ mà dời thân chôn nơi khác. Đây so với việc dời tháp của ngài Thần Chiếu ở Đông Sơn rất giống nhau đều là lúc chôn để nguyên nhục thân và có cùng một điềm báo mộng linh ứng như nhau, dù cách hơn hai trăm năm, lạ thay!
Luận rằng: Tông Thiên thai cho rằng những ai học về Hoa Nghiêm Duy Thức là khác với Tông mình, bởi vì tôn chỉ của họ không nhận phép tắc của Giáo Quán lúc đó mà thôi. Sư Tịnh Giác lúc đầu đã theo học Phái Sơn Gia rất cố gắng và làm bài Chỉ Nghi Quyết Mô Thập Mô Chiết Nạn để cố sức bài bác ngài Tứ Minh rất mạnh. Một hôm thầy trò không hợp nhau nữa bèn gấp rút làm Dị Thuyết Thọ Lượng. Thậm chí còn làm Thập Gián Tuyết Báng kháng biện mãi không thôi. Trước đó giúp nhau sau lại phản nghịch, đó là lỗi lắm vậy, thế thì có khác gì với người học khác Tông? Cha làm thì con thuật. Đã gọi là phản Tông thì còn gì là nối pháp. Nên đặt ông vaò Tạp Truyện cũng đủ trừng phạt rồi. Song ở đây nói là Pháp Duệ cũng là giữ gìn Tông Cương mà thôi. Nếu dùng Phật Nhãn mà xét thì các Thánh hiền hoằng đạo cũng có ức chế hay phô bày xen nhau, đâu thể định là hơn kém. Như Điều-đạt và ma Ba-tuần đều dùng đại quyền mà thị hiện tà kiến, đâu nên lấy lục tình mà suy tính cái tà ấy. Thế nên khi luận về Tịnh Giác thì nên lấy ý này mà soi sáng.
2. PHÁP SƯ TỬ PHƯỞNG
Sư người Ngô Hưng, vua ban hiệu là Phổ Chiếu. Sớm nương ngài Tịnh Giác. Đề cao Giáo tông căn cứ vào Thiền Kinh mà viết Định Tổ Đồ bài bác sách Phó Pháp Tạng cho rằng nên đem đốt bỏ. Sư viết Tổ Thuyết để binh vực. Ba năm sau Tung biết Thiền Kinh có chỗ không thông, vội nói rằng: Việc truyền chép có chỗ nhằm lẫn. Sư lại viết quyển Chỉ Ngoa để bài bác, đại ý rằng: Theo Tung thì lập hai mươi tám Tổ, vọng căn cứ vào Thiền Kinh để mê hoặc thiên hạ, che bai Phó Pháp Tạng là sách nói xằng. Đây là do Trí Cự đời Đường viết Truyện Bảo Lâm. Nhân Thiền Kinh có chín Tổ, vị thứ tám tên là Đạt-ma-đa-la, vị thứ chín tên là Bát-nhã Mật-đa-la, Trí Cự thấy hai chữ Đạt-ma có âm giống nhau bèn đổi làm Đạt-ma mà thêm hai chữ Bồ-đề để sau Bát-nhã Đa-la. Lại lấy hai chữ Bà-xá-tư-đa và Bất Như Mật-đa ở chỗ khác, nối tiếp hai mươi bốn vị, gồm chung lại thành hai mươi tám Tổ. Trước Cự đã ghi sai, sau này Tung lại giúp thêm sự lầm lạc, cùng làm rối loạn Chánh giáo, gây lầm lỗi Thiền Tông, ta đã từng đối mặt bài bác nhưng Tung không biết thẹn. Lại căn cứ vào Tăng Hựu, Tam tạng Ký Truyện về Luật Tổ nối nhau năm mươi ba vị, người sau rốt tên là Đạt-ma-đala mà Trí Cự chép là Đạt-ma ở Triều Lương, không biết rằng ghi chép của Tăng Hựu là ghi người hoằng Luật của Tiểu thừa. Cự và Tung đã coi trọng Thiền là Đại thừa thì sao lại lấy Luật Sư Tiểu thừa làm Tổ?
Huống chi Thiền Kinh lại không có tên hai mươi tám Tổ, cùng với Tam tạng Ký nói là Thiền Thanh văn Tiểu thừa mà thôi. Cự và Tung đều không có giáo nhãn, vừa thấy chữ Thiền liền nhận là Tông mình. Ấy là đã lầm nhận lấy Đạt-ma ở Triều Lương là người chỉ truyền Thiền Pháp Tiểu thừa để vu cáo Tiên Thánh, thật tội không phải nhỏ vậy.
3. PHÁP SƯ KHẢ CỮU
Sư họ Tiền, người Tiền Đường. Đầu năm Thiên Thánh, Sư do lễ Đàm Ân mà được độ và học giáo quán với Sư Tịnh Giác, nhưng không có chí xuất thế, chỉ thích làm thơ cô luật. Thuở Tô Thức cai trị Quận, đã từng làm bạn thơ với Sư và Tuệ Cần Thanh Thuận ở tại Tường Phù Tây hồ. Sư ở đấy với một ngôi thất trống trải, an bần lạc đạo, không chút sầu não. Khi Tô Thức trấn thủ Tiền Đường, vào đêm Nguyên Tiêu nhân xem hội Hoa Đăng, bỏ người theo hầu, Thức một mình ghé vào thất Sư thì đèn đuốc tối om chỉ nghe hương thừa lãng đãng. Thức để thơ khen ngợi có câu rằng: Không cần lưu ly chiếu sáng Phật, mới biết vô tận vốn không đèn. Bồ Tông Mạnh tập họp các thi hữu cổ kim ở Tiền Đường, đến xin các nguyên tác của Sư. Sư bảo: Hứng làm thơ rồi bỏ có lưu giữ làm chi! Người nghe được đều quý trọng Sư. Khi vãng niên Sư ở ẩn, tiễn khách không ra khỏi cửa, lánh mình an tọa, quán tưởng huân tu. Như thế hơn mười năm. Ngoài song chỉ có chuối vài gốc, trúc xanh trăm cây, đạm bạc như thế. Một hôm Sư gọi người đến bảo: Ta chết rồi thì chuối và trúc cũng chết theo và Trạch Anh Công cũng không còn. Chưa bao lâu thì mọi việc đều đúng cả. Người đều cho là lạ.
4. PHÁP SƯ LINH CHIẾU
Sư họ Lô, người ở Lan Khê. Song thân mất từ bé, bèn xin phép anh đi xuất gia. Người anh để ba cuộn dây ra bảo rằng: “Hãy cột mấy sợi dây này vào mình và ông cùng dây đều tan nát rồi muốn gì tùy ý!” Sư vui vẻ vào rừng lấy dây mây cột thành bó để trước anh thưa rằng: “Nếu quả tình anh cho xuất gia thì lấy dây này trói em lại, dầu nát thân cũng không tiếc!” Người anh không ngăn nữa. Sư liền đến chùa Bảo tuệ, nguyện không ngủ, chỉ thắp hương lễ tụng. Tụng chưa tròn một năm thì đã thông suốt Pháp Hoa Quang Minh. Đến tuổi trưởng thành thì Sư thi Kinh, quan Hữu Ty mừng thưởng cho một bảng riêng. Khi thọ giới Cụ túc xong Sư liền đến Tiền Đường nương Hương Nghiêm Trạm Sư học giáo quán. Mấy năm sau bèn đến Ngô Hưng nương Sư Tịnh Giác, cửa nẻo một nhà thảy đều thông suốt. Lúc đầu Sư ra làm chủ Giải Không ở Ngô sơn, rồi dời về Cảnh Đức. Khoảng năm Hy Ninh lại dời về Siêu Quả ở Vân Gian. Từ năm Nguyên Phong về sau, vào mỗi đầu năm Sư thường kết hội Tịnh Độ tu suốt bảy ngày, người tham dự có đến hai vạn. Niệm Phật có nhiều điềm linh ứng không thể chép hết. Sư có lần mộng thấy ba Thánh hiện đến, Sư đảnh lễ và quỳ gối bạch rằng: Linh Chiếu một đời, tụng kinh Đại thừa, cầu sinh an dưỡng, được thỏa nguyện chăng? Đức Quan Âm bảo rằng: “Tịnh Độ không xa, có nguyện liền sinh.” Sư lại tụng kinh đến khuya chợt mộng thấy Đức Phổ Hiền hiện thân. Bèn phát tâm tạo tượng ngài và tụng kinh muôn bộ để trang nghiêm Tịnh báo. Mùa Đông năm Nguyên Phong thứ năm, Sư có bệnh, bèn gọi thị giả đến bảo rằng: Hẹn sinh An Dưỡng của ta đã đến. Sư bèn nằm quay đầu về hướng Bắc, mặt ngó hướng Tây, xếp chân mà hóa. Khi trà-tỳ thì mùi hương lạ xông lên, xá-lợi rất nhiều. Tháp Sư ở góc Đông nam của viện.
5. HỒ TÚC
Ông tự Võ Bình, người ở Tấn Lăng Thường Châu, học vấn văn chương người đương thời rất nể trọng. Năm Trị Bình thứ ba, do Xu Mật Phó Sứ ra trấn thủ Hàng Châu, thường đến yết kiến ngài Nam Nhạc học hỏi diệu đạo, giữ lễ thầy trò. Nhưng Sư vẫn ngồi yên không hề lẫn tránh.
6. PHÁP HOA TÙNG NGHĨA
Sư họ Diệp, người ở Bình Dương Ôn Chi. Năm mười bảy tuổi Sư học thông Pháp Hoa, được độ và học Phù Tông. Sư làm chủ Đại Vân và năm ngọn Bảo Tích. Thường sợ Tông khác chỉ tin ở lòng mình mà viết các Bổ Chú Tập Giải biện rõ các chỗ, như luận về Hiền Thủ vọng nhận về Hoa Nghiêm, bàn về Từ Ân chuyên dùng Duy Thức, nói về Tổ Thừa không có hai mươi tám Tổ, định rằng Đạo gia thuộc về Nho gia… Lời là Lý đều thiết thực giá trị, được đời tin cậy (thấy rõ trong Chư Tông Lập Giáo Chí). Lúc về già Sư ở Thọ Thánh tại Tú Chi mà phát huy Tông Giáo. Mùa Xuân năm Nguyên Hựu thứ sáu, Sư có bệnh liền đến giường nằm thế cát tường nghiêng hông bên phải mà hóa. Chôn xá-lợi tại Bảo Tạng ở Tiền Đường, Thụy phong Sư là Thần Trí. Hiến Sư Lưu Đảo ghi lại hạnh nghiệp của Sư nói: Sư ngay thẳng thanh bạch, không dối theo người, sáng suốt về Tam Quán, ham trước thuật. Quá Ngọ không ăn, không nói lời phi pháp, luôn nằm nghiêng hông phải, nước không lọc không uống, thường đi bộ, ngồi đứng vững vàng ngay thẳng. Không hề quy lụy hàng công khanh, Sư đáng gọi là bậc Hiền vậy.
Trước thuật của Sư gồm: Đại Bộ Bổ Chú mười bốn quyển, Thuận Chánh Ký ba quyển (giải thích Quang Minh Huyền), Tân Ký bảy quyển (giải thích Quang Minh Văn Cú), Vãng Sinh Ký bốn quyển (giải thích Quán Kinh Sớ), Viên Thông Ký ba quyển (giải thích Bất Nhị Môn), Toản Yếu sáu quyển (giải thích Nghĩa Lệ), Tập Giải ba quyển (giải thích Tứ Giáo Nghi), Ngụ Ngôn bốn quyển (giải thích Kim Ty), Tịnh Danh Lược Ký mười quyển, Sưu Huyền ba quyển (nói chung về Giáo Nghi).
Luận rằng: Thần Trí theo Phù Tông xem Tứ Minh là Tổ tiên mình, nhưng đối với chỗ lập nghĩa thì chỉ trích dữ dội. Cách ông này năm mươi năm thì lập thuyết đã định, nhưng đặc biệt về dị thuyết phá hoại Tổ Nghiệp thì thuộc hàng bất tiếu lớn, không thể so sánh với những kẻ đương thời như Cô Sơn, Tịnh Giác một bên dìm xuống, một bên đề cao. Thuộc hàng Phò Tông cũ nên nay truất bỏ đi mà đem vào Tạp Truyện để nêu rõ phép nhà hãy còn đó.
7. PHÁP SƯ LIỄU DUỆ
Sư người Gia Hưng, hiệu Tuệ Nguyệt, học giáo nổi tiếng, từ lâu nương ngài Thần Trí ở Thọ Thánh. Ở đất Tú có nhà học sĩ mời ngài Thần Trí đến cầu bệnh, Sư cùng theo đến. Khi trở về Thần Trí quở rằng: Ông là người thuần hậu nên ta dắt theo, cớ sao ở nhà người thế gian mà ông ở bên trái quắt mắt nhìn sang phía phải? Sư bèn tạ lỗi mãi không thôi. Ngài Thần Trí hỏi: Há ông chẳng thấy gì ư? Sư nói nhỏ: Có một con ma cái ở trên giường bệnh khi thấy Sư vào liền bỏ chạy người ta đã đóng cửa nên ma theo kẻ vách chui ra, con bất chợt quay đầu thấy thế. Ngài Thần Trí bảo: Ta cũng thấy thế. Rồi người kia hết bệnh. Khi ngài Thần Trí tịch rồi thì Sư nối tiếp ở Giảng tòa. Người họ Vương ở Tư Khê có người con gái chết, thỉnh Sư thí thực. Nhưng nước sông đóng băng nên thuyền không đi được, bèn sai người đến báo. Sư bảo lập tòa ở trước hộc, rồi đứng trên thuyền mà hướng về đó chú nguyện. Nửa đêm thấy một cô gái lên thuyền thưa rằng: “Xin tạ ân Sư truyền giới pháp nên đã được siêu thoát.” Bèn để lại đôi hài rồi biến mất. Hôm sau Vương Quân đến thuyền, kinh ngạc bảo: “Đây là đôi hài đã liệm chung với con gái tôi lúc chết.”
8. PHÁP SƯ ĐẠO NHÂN
Tự hiệu là Thảo Am, họ Tiết, người ở Tứ minh, xem Xáng Pháp sư dưới tòa ngài Pháp Trí là Thúc Tổ. Khi sắp đẻ Sư, bà mẹ mộng thấy Xáng Pháp sư vạch màng bước vào. Khi thức dậy thì sinh. Có người khám phá biết Sư là hậu thân của Xáng Pháp sư là vì trong bàn tay Sư có một dấu tròn như chiếc vòng đeo tay, dưới bàn chân có nét ngoằn ngoèo hình đôi cá rất rõ ràng. Năm mười bảy tuổi Sư thọ giới Cụ túc. Sư ngồi Hạ ở Nam Hồ, khi có người hỏi về Giáo nghĩa thì Sư từ từ giải thích khớp đúng với Văn, người hiểu biết cho là Sư có học từ kiếp trước. Khi ngài Minh Trí ở Bảo Vân thì Sư đến học. Rồi Sư đi tham vấn khắp các Giáo trường, các thiền thất. Nhân đọc Chỉ Yếu Sao, Sư có ngộ nhập sâu sắc. Lúc đầu Sư ra làm chủ Thiền Duyệt, nối thẳng ngài Tứ Minh (Thảo Am Lục Tự Pháp Văn nói rằng: Ba lần vào Thiền thất, năm phen lên giảng đường, trước sau gần gũi với tám Thiện tri thức, đầu là hàng sáng suốt cao quý, có Đức có danh ngôn. Nhưng duyên không ở đó, như ném đá vào nước. Một nén hương này kính thỉnh đời thứ nhất là Tôn giả Pháp Trí, để báo đáp pháp ân. Song còn thì noi theo người, mất thì noi theo sách. Còn như không chấp nhận thì cũng không tiếc công gõ nhịp). Sau đó Sư dời về Bảo Vân ở Vĩnh Minh, Trị Bình ở Quảng Thọ. Lúc tuổi già, Sư về làm chủ Diên Khánh, học trò đầy nhà. Ngày mười bảy tháng tư năm Càn Đạo thứ ba, Sư giả biệt đồ chúng bảo rằng: “Hoa Nghiêm thế giới rỗng rang sáng suốt rất hợp với mong ước của ta, nay ta sắp đi đây”. Rồi Sư đọc bài Di-đà Tán rằng:
Vô biên biển cõi, biển hàm không
Biển không toàn là Liên hoa cung
Liên cung đầy khắp cả biển không
Biển không hiện dáng Di-đà ông!
A-di-đà Phật không sinh diệt
Khó tìm khó lấy trăng trong nước
Dứt quấy lìa câu đó là thân
Như thế cảm thông nói như thế.
Ta cùng Di-đà vốn không hai
Vọng biết ngầm sinh bỗng có hai
Từ nay quét sạch không trần cấu
Cha con tự tại gặp nhau hoài!
Nguyện tu ba phước, chuyên sáu niệm
Thân, khẩu, ý nghiệp không tỳ vết.
Ta nay chuyên niệm hiệu Di-đà
Không thấy Di-đà vẫn không nản.
Khi nói lời tán xong, Sư theo chúng niệm danh hiệu Phật mấy trăm tiếng và tụng Quán Kinh đến chỗ: Thượng phẩm thượng sinh thì im tiếng mà hóa. Để hơn ba ngày mà đảnh đầu và chân vẫn còn ấm. Táng toàn nhục thân Sư ở Tổ Tháp. Sư có đạo mạo rất nghiêm nghị. Có người nói về tài biện thuyết của Sư như “Cá hóa rồng.” Sư từng viết: “Quan Chánh Luận” để sửa sai những lỗi lầm của người tu thiền. Sư đã ba lần đến hành cung của vua dâng lên Tể Tướng Tần Cối ba bức thư nhưng không thấy trả lời, Sư bèn qua sông trở về. Sau Tần Tướng xem thư thì cả kinh định đến gặp nhưng Sư đã đi rồi. Ngày Sư còn ở Nam Hồ đã soạn ra Bổ Chánh Giải để bài bác Luật Sư về lỗi đã hiểu lầm Quán Kinh. Sư có chí khí mạnh mẽ vì pháp như thế. Sư từng ở Thảo Am tại Thành Nam, nhân đó đặt tự hiệu là Thảo Am.
Luận rằng: Thảo Am lúc đầu theo học với ngài Minh Trí, nhân đọc chỉ yếu có tỉnh ngộ, nhưng lại tự bảo là hậu thân của Văn Xáng nên kính mộ thờ ngài Tứ Minh. Nhưng Tứ Minh là La-hầu-la, chưa từng nghe nói là người nối pháp của Phật. Nếu Sư Thảo Am kế thừa thì Sư là anh của Quảng Trí và cháu của Minh Trí. Đâu lại kính cẩn thờ cháu làm Thầy ư? Có hai mươi bốn Tổ ở Tây Trúc là từ Kim Khẩu Phật nói ra đều có trước sau. Nếu bảo ngài Bắc Tề nối xa Tổ Long Thọ thì đây là lúc đầu mới lập Quán không phải là Sư Thảo Am bắt chước người trước. Cho nên ngài Kính Am luận rằng: Một nhà Giáo Quán tất có truyền thụ cho nhau, đâu có thể rối loạn khiến mất đầu mối. Huống chi lúc đương thời đã có lời chê trách Tứ Minh có ý vươn cao xa nối chín Tổ. Bảng xếp Tổ hệ cũ đối với Tứ Minh không phải là bản ý của Thảo Am, mà bảng xếp Tổ hệ mới của Tứ Minh cũng không tránh được việc trái với công luận. Nên nay đặt Sư ở Tạp Truyện thì cũng đủ làm mất đầu mối.
9. PHÁP SƯ HỮU LUÂN
Sư họ Vương, người Tứ minh, thọ nghiệp ở Thọ Thánh Tiểu Khê, tự hiệu là Tân Am. Từ lâu theo học với ngài Thảo Am, sau phân tòa giảng đạo ở Hồ nam rất đúng ý chỉ. Tuổi về già, Sư làm chủ Nguyệt Ba, học trò đông đảo tin phục. Nhóm theo Bách Đình cũng đều kính cẩn thọ nghiệp. Ở chung một nhà nhưng không thấy Sư đi tiểu tiện, ai cũng lấy làm lạ. Có người hỏi duyên cớ thì Sư từ chối không đáp.
10. PHÁP SƯ PHÁP NHÂN
Sư tự hiệu là Khô Tâm, họ Cố, người ở Từ Khê Tứ Minh. Sư theo học với ngài Thảo Am mà thấu suốt ý chỉ. Vì có tâm giống thầy nên người thời đó gọi Sư là Tiểu Nhân, Sư làm chủ Quảng Thọ suốt ba mươi năm. Ngày đêm diễn giảng chưa từng nghỉ một ngày. Mỗi khi thí chủ đến thì Sư kính cẩn thẹn thùng than rằng: Phép của Tỳ-kheo là khất thực mà sống, ta là người gì đây mà ngồi không nhận lấy của người làm lụng khổ cực, bèn trả lại, bất đắc dĩ lắm mới nhận lấy chút ít. Chỗ ở hư nát có người muốn xây mới, Sư bảo: Thân này còn vô thường sao lại chuộng ngoại vật. Một hôm Sư bảo tập chúng nghe giảng, Thị giả thưa: Chúng đi dự trai Tăng chưa về. Sư bảo: “Chư Thiên trên không trung đang muốn nghe pháp vậy đâu cần phải tập chúng”, bèn tự đánh trống rồi lên tòa giảng kinh. Tháng tám năm Thiệu Hy thứ tư, Sư có bệnh, khi nhập định Sư thấy hai vị Bồ-tát ở Tịnh Độ, bèn gọi thị giả bảo rằng: “Ta thấy Pháp Hoa đạo tràng rất khác với chỗ thấy bình thời. Ta sắp đi rồi đây.” Sư liền tập chúng tụng Quán Kinh, niệm danh hiệu Phật, viết kệ để lại rồi ngồi thẳng kiết ấn mà hóa. Táng nguyên nhục thân Sư ở phía Đông chùa.
11. TIẾT TRỪNG
Ông tự là Thanh Khanh, tự hiệu Thuật Am, coi ngài Thảo Am là chú, từng theo ngài học về Đạo Đại Minh Cảnh Trí. Khi ngài Thảo Am mất Sư làm bài văn tế, tóm tắt rằng: Than ôi Phật ta làm sáng tâm thì Thiền phải nhờ giáo, giáo tất dùng Thiền. Như sông và hồ dòng chảy không giống nhau nhưng chung một nguồn. Như mặt trời, mặt trăng, thời gian có khác nhưng cùng chiếu sáng một cõi. Ví như dùng hai thứ thuốc và trị bệnh thì các bệnh đều lành. Cớ sao cuối đường thì cả hai Tông đều bị ma ám. Kẻ học bôi bẩn thiên vị, lập riêng vị hiệu, công kích lẫn nhau. Môn chuyên về giáo thì không để yên cho Thiền như kim nằm trong áo bông, còn Thiền thấy Giáo thì muốn cắt bỏ như bướu đeo ở cổ, không cần biết mối manh. Người theo Giáo bảo rằng: Ta nào biết Tiệm Viên chỉ muốn nghe. Còn kẻ theo Thiền thì nói: “Ta chỉ nói Biệt truyền”, hai Tông đều riêng lẽ. Lại xem Tông mình là sao sáng. Hoặc nói là gốc Tứ Minh, hoặc khoe là Tạp Xuyên, hoặc nói là xuất phát từ Bạch Liên, khoe ý chỉ rực rỡ của Thiên thai bằng những lời lẽ nổi trôi như con thuyền không bến. Hoặc cho là đã tham học ở Quy Ngưỡng, hoặc theo về Vân Môn hoặc nối pháp Tào Động, Tâm ấn Như Lai mà nhảy lên chuyền xuống như con khỉ đảo điên. Giữ Thắng tâm này đối địch với Thắng tâm kia, dùng Yên đánh Yên, Chỉ Tông là nhất. Nếu có thể ở hai Tông mà thấu suốt lý diệu huyền… Lại làm bài Sớ giỗ ngài Thảo Am rằng: Các Pháp vốn không, tức cái không thành thật, bậc chí nhân không chết, dầu chết vẫn như sống, Tôn giả An Trụ (Sư tự gọi là An Trụ Tử) ở trong chỗ khí linh thì nhân trước không mờ mịt, xét về giới thì tột cùng, múa Kiếm Tuệ nơi Long môn, sớm tham khảo rừng Nho, không sách nào không đọc. Lúc tuổi già ngồi bè ra Giáo Hải, có cơ cảm đều thông… Sư rất quý trọng Đạo nên coi thường việc ăn mặc, khi có điều còn nghi thì tự giam mình để tranh luận cho ra lẽ. Gặp tám bạn tri thức không nói đến nửa lời, chỉ đốt một nhúm hương thơm kính dâng ngài Tứ Minh.
(Quyển này có mười sáu vị, nhưng Bản Kỷ chỉ ghi có mười một vị, thiếu mất năm vị).