PHẬT TỔ THỐNG KỶ

Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 17

PHẦN 7

(Bốn mươi bốn vị sau Quảng Trí, Thần Chiếu).

* Nối pháp ngài Tinh Xã, Liêm Pháp sư (đời thứ sáu sau Quảng Trí).

  1. Hưu Am, Pháp Chu Pháp sư.
  2. Pháp Minh, Văn Tiết Pháp sư.
  3. Bảo Tịch, Pháp Vân Pháp sư.
  4. Diệu Quả, Pháp Giai Pháp sư.
  5. Thủy Lục, Văn Bỉnh Pháp sư.
  6. Thường Minh, Đạo Thâm Pháp sư.
  7. Phước Xương, Văn Dật Pháp sư.

* Nối pháp ngài Viên Biện, Sâm Pháp sư.

  1. Nguyệt Đường, Tuệ Tuân Pháp sư.
  2. Nhất Am, Xử Cung Pháp sư.
  3. Tuyết Đường, Giới Ứng Pháp sư.
  4. Chỉ Am, Pháp Liên Pháp sư.
  5. Chỉ Nam, Trọng Thiều Pháp sư.
  6. Từ Vân, Văn Thống Pháp sư.
  7. Dư Diêu, Thanh Trạm Pháp sư.

* Nối pháp ngài Giác Vân, Liên Pháp sư (đời thứ sáu sau Thần Chiếu).

  1. Nguyệt Ba, Tắc Ước Pháp sư.
  2. Lâm An, Thanh Triết Thủ Tọa

* Nối pháp ngài Chứng Ngộ, Trí Pháp sư.

– Tuệ Quang, Nhã Nạp Pháp sư.

* Nối pháp ngài Bắc Phong, Ấn Pháp sư.

  1. Cổ Vân, Nguyên Túy Pháp sư.
  2. Phật Quang, Pháp Chiếu Pháp sư.
  3. Mai Phong, Phạm Khuê Pháp sư.
  4. Thạch Cảnh, Tư Thọ Pháp sư.
  5. Thạch Kính, Thanh Cảo Pháp sư.
  6. Từ Cảm, Văn Khuê Pháp sư.
  7. Mông Tuyền, Liễu Nguyên Pháp sư.
  8. Độc Hải, Đạo Nguyên Pháp sư.
  9. Diệm Nguyên, Giác Tiên Pháp sư.
  10. Đồng Châu, Hoài Thản Pháp sư.
  11. Nam Phong, Tư Thành Pháp sư.
  12. Nhật Bản, Tuấn Nhưng Pháp sư.
  13. Vân Sào, Như Bảo Pháp sư.
  14. Nam Giản, Hành Quả Pháp sư.
  15. Nghiêm Lăng, Triệu Ngạn Túc.
  16. Khải Am, Ngô Khắc Kỷ.

* Nối pháp ngài Năng Nhân, Bảo Pháp sư

– Thảo đường, Như Bảo Pháp sư.

* Nối pháp ngài Xa Khê, Vinh Pháp sư

– Tử Kim, Pháp Thông Pháp sư.

* Nối pháp ngài Từ Thất Vân Pháp sư

  1. Ngộ Chân, Chánh Kiểu Pháp sư.
  2. Nam Hồ, Liễu Tuyên Hành Nhân.

* Nối pháp ngài Giác An, Ngôn Pháp sư

  1. Giám Đường, Từ Nghĩa Pháp sư.
  2. Tổng Am, Diệu Tâm Pháp sư.
  3. Thường Trai, Pháp Tinh Pháp sư.

* Nối pháp ngài Năng Nhân Sơn Pháp sư.

  1. Tất Am, Pháp Hy Pháp sư.
  2. Nam Nhan, Pháp Hùng Pháp sư.

* Nối pháp ngài Dương Tiêm, Uyên Pháp sư

  1. Sùng Tiên, Liểu Sinh Pháp sư.
  2. Dương Tiêm, Pháp Khâm Pháp sư.

****

A. NỐI PHÁP NGÀI VIÊN BIỆN, SÂM PHÁP SƯ: (bảy người nối pháp trước của Liêm Pháp sư, nguyên bản không ghi).

1. Pháp sư Tuệ Tuân.

Sư tự Mưu Đạo, hiệu Nguyệt Đường, họ Trần, người ở Vĩnh gia Kỳ tiên. Ngụ ở Câu Sơn Xương Quốc Tứ Minh. Bà mẹ mộng thấy một vị Tăng lạ đến cửa xin hóa độ mà thọ thai Sư. Năm lên tám tuổi Sư xuất gia ở Tổ Ấn Viện. Lúc đầu dạy cho Sư kinh Pháp Hoa vài lượt thì Sư liền đọc thuộc lòng. Có lần trở về thăm nội, nội khuyên: “Con đã bỏ nhà đi thì phải học với Trung Phật Tử trong châu ta.” Lúc đầu Sư đến tham yết ngài Trừng Chiếu ở Nam Hồ chỉ đứng mà thưa. Sư lại đến Đông dịch gặp Kiểu Pháp Chiếu, ngài lấy làm lạ. Có người ganh ghét ngài reo hò làm ồn. Sư bảo rằng: Đại nghĩa của Phật pháp nếu có nghi liền hỏi cần gì phải làm ầm ỉ thế? Sư bèn đi về phía Tây bên trái sông Triết khắp tham vấn các bậc danh tiếng rồi trở về phía Đông Nam Hồ nương ngài Viên Biện học chánh thức. Nghe ý chỉ về tánh ác tức cụ, cái diệu về danh thể không chuyển đổi, một nhà Viên Đốn… liền được ngộ nhập. Năm cuối Thiệu Hưng, Sư ra làm chủ Phước Xương rồi dời về Tịnh Danh Phổ Hòa. Sư thường đi khất thực gặp trộm cướp ở bờ biển, Sư nghiêm sắc mặt bảo rằng: Các anh chỉ thích tiền mà thôi, bèn lấy cho hết, nhân đó nói về nghiệp báo thiện ác, bọn trộm cảm động bèn trả lại tiền của và hối lỗi bỏ đi. Tịnh Danh không có học trò, Sư thường đối với núi và biển mà giảng kinh Duy-ma cho quỷ thần. Nhiều lần thần cảm ứng. Năm Càn Đạo thứ năm, Sư dời về làm chủ Nam Hồ. Các học trò đội tráp từ xa kéo đến không bao lâu không chỗ dung chứa. Thừa Tướng Ngụy Kỷ cùng Sư hành đạo rất khế hợp, có lần hỏi ý chỉ về Tướng thường trụ ở thế gian. Sư hỏi: Có phải nghi về bốn thời Đại tạ hay không? Đáp: Đúng thế. Sư nói: Cùng quá khứ tột vị lai tuy có Đại tạ mà lý này thường trụ. Ngụy Công nói: “Nhiều phen đem việc này hỏi người nhưng chưa hiểu được như hôm nay.” Năm Thuần Hy thứ sáu, mùa Đông vào ngày hai mươi bảy tháng mười, bỗng Sư có bệnh mà cáo biệt chúng. Người an ủy thăm hỏi đông đảo kéo đến, với hàng môn sinh thì Sư khuyên bảo nên gắng tu tiến đạo đức, với hàng quan chức thì Sư dặn dò việc hộ pháp. Người nghe lời khuyên bảo sợ sệt cảm kích. Rồi Sư từ biệt chúng, viết kệ, niệm Phật, kiết ấn, ngồi kiết già mà hóa. Lưu khám lại trọn tháng, môi má vẫn tươi hồng, mặt như mĩm cười. Sư di chúc nên phân hài cốt làm hai phần. Một phần đem chôn gần mộ tổ tiên thân thích, một phần chôn ở nơi Tháp Tổ. Đồ chúng vì chôn toàn thân trải nhiều đời nên chỉ cạo tóc để làm thỏa mãn ý Sư. Hơn tháng sau thì lại thấy tóc dài ra và xá-lợi có thể vốc thành nắm. Sư lúc còn sống hễ ngồi thì thẳng thắn, đi không nhìn ngó hai bên, ở trong nhà kín hoặc chỗ yên vắng Sư đều đắp ca-sa, Sư chỉ diễn giảng mà không có trước thuật. Người học phần đông đều nghe kỹ và ghi chép đầy đủ. Sư thường tụng kinh và ngồi thiền coi là thời khóa hàng ngày, Sư chưa hề vì sự việc mà bỏ qua. Sư đặt lệ nếu người học chưa đủ hai mươi hạ thì không cho ra hoằng hóa. Nếu ai nóng nảy đi trước thì bị gạt bỏ.

2. Pháp sư Xử Cung

Sư người Vĩnh gia, hiệu Nhất Am. Từ lâu theo học với ngài Viên Biện và được ý chỉ. Khi đã già Sư làm chủ ở Nam Hồ, Sư có biện tài được tiếng là nói giỏi, mở rộng, tóm tắt, đào sâu phân tích đều không bị tiết mục ngăn trệ. Có người cầu Sư chỉ bày thì Sư cầm bút viết liền, giải rõ ý Tổ, riêng nói các thuyết. Học giả xa gần đều tôn là Tông Sư. Sáng mồng một tết Sư kết kỳ hạn Quang Minh, Luật Cư ở Hồ Tâm cũng tu Sám lễ này. Người chủ đó chính là Trúc Khê vốn trọng Đạo đức Sư, nên mỗi đầu hôm thường dẫn chúng đến Nam Hồ nghe Sư diễn giảng Pháp yếu. Trúc Khê vào ngồi nghe khen rằng: Bọn ta may mắn mới được nghe Đại thừa, Luật Tứ phần nói về kiểm thúc thân là chính yếu. Như được minh tâm kiến tánh chánh là đây vậy. Cả chúng đều mừng khen.

3. Pháp sư Giới Ứng

Sư người Tứ minh, tự hiệu Tuyết Đường, thông minh tài giỏi, tình ý rỗng suốt. Từ lâu theo học với ngài Nam Hồ được người trọng vọng. Quận nhờ Nam Hồ thỉnh ngài Viên Biện thì Sư là người vâng lời đến Đông dịch dâng lễ rước về. Khi ngài Viên Biện đến nơi lên tòa thuyết giảng luận nói Diệu chỉ thì chỉ có Sư lãnh hội được. Một hôm Sư sụp lạy hỏi về các nghĩa của ý chỉ chưa hiểu, ngài Viên Biện bảo: Ông hãy học thuộc ta sẽ nói cho nghe. Mấy ngày sau Sư học thuộc đến thưa, ngài Viên Biện nói: Trong đó đã nói cho ông hiểu rồi. Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ. Từ đó Sư biện luận phấn phát không ai địch nổi. Sư ra làm chủ Bạch Liên, học trò đến như mây đùn. Năm Ninh Hải có Đại hội thỉnh Sư giảng kinh một tháng, đạo tục cả vạn người lắng nghe nghiêm túc, hồng âm một khi chấn động phát lên không ai không tỉnh ngộ. Một hôm không bệnh tật, Sư cáo biệt chúng quay về thất nằm nghiêng bên phải mà hóa. Tháp táng toàn thân Sư ở tại núi Linh Nguyên bên chùa.

4. Pháp sư Pháp Liên

Sư tự Thật Trung, tự hiệu Chỉ Am, người ở Tượng Sơn Tứ Minh. Thuở nhỏ Sư rất siêng học, trải khắp các giảng Tòa luôn tham học với các bậc nổi tiếng. Tuổi về già Sư đến Nam Hồ hầu ngài Viên Biện, sớm tối học hỏi, ngày nào cũng thế suốt sáu năm, những chỗ nghi ngờ mờ mịt ngày xưa nay đều thấu suốt. Lúc đầu Sư làm chủ Biện Lợi, sau dời về Quảng Nghiêm Vĩnh Minh, Ngộ Chân. Sư lấy khoan từ mà tiếp đãi với mọi người. Có người hỏi thì Sư giải đáp cả ngày quên mệt, nhưng hỏi về Phật pháp thì Sư làm thinh không đáp. Có người dò biết ý Sư đốt hương khoanh tay đứng nghiêm, khiêm tốn thưa hỏi thì Sư tùy cơ mà giải đáp tường tận thấu lý. Ấy là vì Sư trọng pháp, không làm mất thể diện của Pháp sư, nên làm thế.

Ngài Kính Am nói: Tiên Hiền có nói: ngài Tứ Minh trung hưng Đạo Thiên thai, còn ngài Viên Biện trung hưng Tông Tứ Minh. Bởi có người cho rằng sau ngài Tứ Minh có phái chỉ học tri giải gần giống với nhóm Sơn Ngoại. Nhưng nhóm của ngài Viên Biện đưa ra thì chỉ phát huy Tổ ý giúp phái Tứ Minh thịnh vượng. Có người bảo: Nguyệt Đường thì được Quán Hạnh, Chỉ Am thì được Tông Chỉ, còn Nhất Am Tuyết Đường thì có tài biện thuyết đều là một thể của Sư gia cả.

5. Pháp sư Trọng Vân

Sư người Tứ minh. Từ lâu theo học với ngài Viên Biện chỗ học hiểu trác việt. Trong năm Thiệu Hưng Sư làm chủ Bố Kim, vì Thần Trí ở Trát Xuyên giả danh chư sứ phá mạnh Tứ Minh, Sư bèn viết Tam Thiên Chánh Thuyết để công kích đặt tên là Chỉ Nam tập gồm ba quyển (trong đây thiếu mất bản kỷ của hai vị là Văn Thống và Thanh Trạm).

B. NỐI PHÁP NGÀI GIÁC VÂN, LIÊN PHÁP SƯ: (đờì thứ sáu sau Thần Chiếu).

Pháp sư Tắc Ước

Sư hiệu Nguyên Am, họ Diêu người ở Ngân Chi. Sư gần gũi hầu ngài Giác Vân ngày đêm học tập mà thông suốt Giáo Chỉ. Khi ngài Giác Vân đến Nam Hồ thì Sư cũng theo hầu một bên, Sư làm việc nói năng ôn hòa cẩn thận với cả mọi người. Khi ngài Giác Vân tịch rồi thì Sư đến nương ngài Tuệ Quang ở Thượng Trúc, được phân tòa giảng kinh, chúng đều thán phục sự biện luận của Sư. Mùa Xuân năm Càn Đạo thứ chín, Thái Sư Việt Vương đích thân viết sớ thỉnh Sư làm lãnh đạo ở Nguyệt Ba, chùa là một thắng tích ở Đông hồ, lại nhờ Sư diễn giảng mà nổi tiếng trên đời. Cho nên vì danh đức một thời của Sư mà ai cũng thích đến nương tựa. Việt Vương nhiều lần nghe giảng, chính tay viết thư khen rằng: “Sư là Rồng nghĩa của giáo môn nay làm gia sư cho ta. Lại làm chủ núi này nên xin dâng đất này làm nơi giảng lâu dài về giáo tông Thiên thai, tu lâu dài về Thủy Lục Phổ Độ, trên báo ân vua muôn đời không thay đổi.” Rồi tâu về triều vua ban cho Sư hiệu Trí Hải. Từ đó Sư làm Tổ núi này. Người kế thừa Sư là Tân Am Ẩn Đường, từ Bách Đình thẳng sang Nam hồ. Từ đó đất này càng lợi ích (ở đây không ghi Thanh Triết Thủ Tọa).

C. NỐI PHÁP NGÀI CHỨNG NGỘ, TRÍ PHÁP SƯ:

1. Pháp sư Nhã Nạp

Sư tự là Hy Ngôn, họ Tôn, ở Gia Hưng. Lúc đầu Sư nương ngài Trúc Am ở Đức Tạng quyết chí khổ học lâu ngày nên bị bệnh bướu tâm luôn khấn nguyện Bồ-tát, miệng tụng bí chú. Đêm đến mộng thấy Bồtát rảy nước linh, khi tỉnh dậy thì hết bệnh, bèn đến Xích thành tham kiến ngài Chứng Ngộ. Sư dời về Thượng Trúc vâng lời thầy lên làm Thủ Chúng. Khi Thầy mất thì vua ban chiếu mời Sư lên nối pháp ở đấy. Tháng hai mùa Xuân, năm Càn Đạo thứ ba, vua đến Thượng Trúc, kính Sư như Bồ-tát và hỏi về ý chỉ Quang Minh Sám Pháp. Sư đáp: “Phạm Thích Thiên đế Tứ Đại Thiên Vương hiện xuống các cõi nước để hộ nước hộ người, nên Phật nói cho nghe đạo Kim Quang Minh Tam-muội. Đời sau này các Tổ Sư lập làm Sám Pháp để mong cầu oai đức của Chư Thiên, cho nên hàng vua quan hay thường dân đều có thể tu trì.” Vua ban cho Sư chức Hữu Vệ Tăng Lục rồi ban chiếu cho ở torng núi lập ra Thập Lục Quán Đường và phỏng theo cách thức đó mà lập Quán Đường ở Đại nội. Mùa hạ năm Càn Đạo thứ tư, vua mời Sư vào nghỉ đêm ở Quán Đường để luận đạo. Ngày tám tháng tư vua mời Sư dẫn năm mươi đồ chúng vào Quán Đường ở Đại nội tu Kim Quang Minh Hộ Quốc Pháp. Vua hỏi: Phật pháp có chắc chắn được diệu an như kinh nói chăng? Sư đáp: Đúng như thế.

Vua bằng lòng bèn phong chức cho Sư là Tả Nhai Tăng Lục Tuệ Quang Pháp sư. Năm Càn Đạo thứ chín, vua mời vào Tuyển Đức điện hỏi về linh tích của Lịch đại Bồ-tát và ý chỉ kinh Pháp Hoa. Vua nói: Trước nhất được Sư khai sáng việc này bèn dùng viện Giác ngộ mà được Pháp môn. Ví như việc đánh cờ thắng thua đã rõ, không chỉ dẹp bỏ con cờ mà cả bàn cờ cũng dẹp luôn. Sư nói: Cả việc dẹp bỏ ấy cũng không thể được. Vua bảo: “Cái mà Sư nói thì chung cả Tông và Thuyết.” Có chiếu vua mời Sư giảng Viên Giác đến chỗ: “Tâm hư vọng này nếu không, thì sáu trần cũng không thể có”, Sư nói: “Tâm vốn không hình, nhân trần mà có tướng, hễ trần diệt thì tâm diệt, chân tâm sáng suốt.” Vua chính tay viết câu nói ấy ban cho Sư. Lại có lần vua hỏi về ý chỉ Kim cang. Sư đáp: Đây là một phần trong sáu trăm quyển Bát-nhã, nêu câu hỏi để đoạn dứt nghi ngờ đặc biệt dụ về Kim Cang. Nên ngài Vô Trước luận rằng: Kim cang Ba-la-mật này lấy tên như thế để chỉ rõ sức mạnh. Lạ lùng là Bát-nhã đều có sức mạnh ấy. Đây đã giải thích các nghi về Bát-nhã. Thế nên hai chữ Kim Cang, văn tuy nói rút ra từ đây nhưng thật ra đã ví dụ chung cho Bát-nhã. Cho nên nói trì tụng thì công sâu phước lớn (Văn cú – Quái Pháp Hoa tòa tịch là Ký Quái Dự vậy. Đời Tống, Bùi Nhân trong bài tựa Sử Ký nói rằng: Thu nhặt các điều Tiên Nho nói, nếu thấy có ích thì đều chép vào. Nên biết các lời dạy của ngài Kinh Khê cũng hợp với Bùi Nhân). Vua nói: Trẫm hàng ngày đọc tụng kinh này, nay lại khiến chúng cùng Trẫm tụng ba vạn quyển, bèn giáng tráp rằng: Bình thời từ xưa đến nay việc ăn thịt cá đã giết hại khá nhiều, nay nhờ Bát-nhã dẹp bỏ lỗi này, hầu giúp quần sinh đều được giải thoát. Lúc đó Nghi Vương còn bé, vua mời Sư vào cung cấm nói pháp và xoa đầu Vương, vì có lần Vương bị bệnh ở thóp đầu. Vua nói: Vả đã ban cho đất để xây nhà để vài năm nữa đó đây hưởng nhàn, ngồi trên đá bên sông cùng luận nói vô sinh. Đến năm Càn Đạo mười một, Sư lui về ở Hưng Phước, vua đặc cách trao cho Sư chức Lưỡng Nhai Đô Tăng Lục. Lúc đó Quang Tông là Đông cung viết biển đề hai chữ “Quy Ẩn” ban cho Sư và đặt bài tán để khen tụng đức Sư. Vua Hiếu Tông lui về an dưỡng tại Trùng Hoa Cung mời Sư chú thích kinh Kim Cang. Sư ngồi kiệu lên điện vua và nghỉ tạm ở bên điện chú thích xong dâng lên, vua xem thấy có chỗ phát minh. Buổi sáng tháng mười năm Thiệu Hy thứ hai, Sư bảo thị giả rằng: “Ta hoằng đạo Pháp Hoa của Tông ta đến đây đã xong”, bèn tập chúng tu Pháp Hoa Sám, dâng Đạo cụ lên hai cung (Quang Tông và Hiếu Tông) rồi ngồi yên mà tịch, thọ tám mươi hai tuổi. Tháp xây tại thất Sư ở. Năm Thiệu Hy thứ hai thụy phong cho sư là Tông Giáo Quảng Từ Pháp sư, tháp đặt là Phổ Chiếu.

2. Pháp sư Tuấn Nhưng

Sư là người Nhật Bản, trước đã học về Du Già Mật Giáo (khoảng năm Nguyên Hòa đời Đường, Sư Không Hải vào Trung Quốc học Mật Giáo với Tuệ Quả là đệ tử của Bất Không), sau này sư vượt biển đến Trung Quốc, lên Linh sơn tham yết ngài Bắc Phong mà học một Tông Thiên thai, rèn tập Kinh Giáo mà thông suốt hết ý chỉ ngài. Đầu năm Khai Hy, giặc phương Bắc xâm phạm biên giới, Tuấn Nhưng xin ngài Bắc Phong cho phép lập Đàn tụng chú như ngài Bất Không Giải An ở Tây Vi. Lúc đó người ta bàn cho là ủy mị nên không được làm. Ngài Bắc Phong bèn sai học trò trở về nước lấy năm bộ Pháp đã được truyền ở Trung Hoa trước đây nhưng học trò bị chết đuối ngoài biển (đây là nối pháp ngài Bắc Phong Ấn Pháp sư có mười sáu vị, trước thiếu mất mười một vị, sau thiếu ba vị chỉ còn hai vị là Pháp sư Tuấn Nhưng này và Triệu Ngạn Túc mà thôi).

3. Triệu Ngạn Túc

Tự là Tử Kỉnh, người ở Nghiêm Lăng. Ông thi đậu Tiến sĩ niên hiệu Khánh Nguyên. Ông đến tham yết ngài Bắc Phong luận về Đại Ý Phật Pháp. Có lần ông hỏi thầy rằng: Như Lai ra đời trước hết nói pháp gì? Thầy đáp: “Thị hiện cõi Đồng cư trước nói Khổ đế.” Lại hỏi: Các kinh Đại thừa phần lớn đều lạ lùng, lừa phỉnh làm sợ người, đến kinh Pháp Hoa thì sao bình dị thế? Thầy đáp: Khi các cơ chưa thuần thục thì trước phải khiến rung động, khi các cơ đã thuần thục rồi thì cần gì phải hù nhác làm chi? Từ đó ông hiểu sâu về đại chỉ của Thời Giáo. Ông thường dùng tiếng “Bồ-tát nhục thân ở Nam Sơn” để gọi thầy mình. Từ khi nhận san định Chỉ Quán ông khen rằng: “Quay cái thấy ngoài thiên hạ để nhìn vào thực tế là Kinh này vậy.” Lúc đầu Ngạn Túc ưa chê Đạo Phật. Có lần cùng vị Tăng tranh luận thì bị thua. Khi vị Tăng qua đời thì ông mặc đồ tang. Muôn nhân lấy làm lạ hỏi, ông đáp: Ân của pháp cũng như cha mẹ, bé con đâu hiểu gì?

4. Ngô Khắc Kỷ

Tự là Phục Chi, tự hiệu Khải Am, là hậu duệ của Kiến An Tiết Sứ. Cha từng du học bốn phương. Nhân đó về ở tại Phố Giang Vụ Chi. Thuở nhỏ ông rất thông minh dĩnh ngộ đã học thì không gì không thông. Có lần ông đọc Chu Quan, khẳng khái đem ruộng đất được phong cho mà trả lại. Trong năm Thuần Hy, ông đổ đầu bốn khoa chờ bổ nhiệm than rằng: Ánh mắt giữa mày, việc và thời trái nhau. Bèn bỏ đi ở ẩn tại Tả Khê. Bỗng ông bị bệnh mắt, có người khuyên gắng cầu đảo Viễn Thông, ông liền bảo: Gặp nguy mà không biến đổi mới thực là Đại trượng phu. Có người bảo nên đến Chu Thái Y trị bệnh, ông đáp: Đỗ Kỳ Công chưa đọc sách Phật sao biết không bằng Khổng Mạnh, bèn thử trì danh hiệu Bồ-tát thì bệnh mắt liền khỏi, do đó ông càng tin tưởng. Khi đọc kinh Lăng-nghiêm đến chỗ: “Khoảng không ở trong tâm như vẩn mây ở trên trời xanh” thì ông thông suốt như được mở tấm màng che. Có hai bộ Quán Sơn Cốc Thi và Tán Mỹ Tông Cảnh, có người theo cách Vĩnh Minh viết thành một trăm quyển. Từ đó ông bớt ăn chỉ lo Sám lễ. Nhân xem hai bộ sách trên ngài Bảo Tích bảo thật rằng: Sách này không có phép tắc không bằng xem Chỉ Quán, khiến ngộ được hai chữ Cảnh Quán thì có chỗ cậy nhờ. Ông nghe lời đọc kỹ quả nhiên được ngộ nhập. Nhân đó bảo rằng: Đạt thay tiếng phép tắc! Bảo rằng cái rất vuông để làm vuông thì không phải là cái vuông của thiên hạ, cái rất tròn để làm tròn thì không phải là cái tròn của thiên hạ. Kẻ hiểu biết lấy hai sách đó để nghiên cứu thì phép tắc có hay không liền thấy. Ông từng chú thích Diệu Kinh, tự nói thẹn cùng ngang hàng với loài Táo Bách cho rằng người ta truyền sách gồm thô, còn mình thì chú thích Kinh riêng diệu. Năm Gia Định thứ bảy, mùa Đông ông qua đời tại Bảo Sơn, di chúc bảo nên dùng lễ Tăng mà trà-tỳ, thọ bảy mươi lăm tuổi. Ông có soạn: Pháp Hoa Xu Kiện, Lăng-nghiêm tập Giải Khoa, Tứ Giáo Nghi Chỉ Quán Đại Khoa. Khi về già ông soạn Thích Môn Chánh Thống nhưng chưa xong thì qua đời. Lương Chữ và Tông Giám viết tiếp để hoàn thành. Lúc đầu người nhà mộng thấy ông mượn Giả Danh xin ở trọ. Kịp khi học giáo pháp nghị luận nhiều chỗ ngầm hợp, lại mừng cho là người xưa gọi đó là hậu thân (trong đây thiếu sót phần kỷ của hai vị Pháp sư Như Bảo và Pháp Thông).

D. NỐI PHÁP NGÀI TỪ THẤT, VÂN PHÁP SƯ:

1. Pháp sư Chánh Kiểu

Sư tự là Nguyên Trú, họ Chu, người ở Ngân Tung Giang, thọ nghiệp với ngài Đa Bảo. Lúc đầu theo học với ngài Biện Lợi Chỉ Am. Nhân có người đồng học thảo luận tóm tắt định đề Quang Minh, bèn có thể làm tốt đẹp việc đắc thất của các Sư chăng? Khi ngài Từ Thất ở Thanh Tu thì Sư theo về. Lâu ngày nên Sư thông suốt đạo của ngài Từ Thất. Khi ngài Từ Thất dời sang Nam Hồ thì ngài bảo Sư luôn ở bên tòa giảng. Sư có biện tài diễn giảng khoáng đạt chúng đều kính mộ. Sư ra làm chủ Quan Âm ở Từ Khê, sáu lần đổi tòa giảng, cuối cùng Sư ở Ngộ Chân tại Dịch Dương. Công Quý Lâu Công Thược, thường theo thầy hỏi về đại ý Phật pháp. Sư hiệu là Nguyệt Song. Nhớ ngày còn ở Quảng Thọ, Sư ở bên cửa sổ làm bài Bán nguyệt. Công Quý viết ký làm thơ rằng: Không cần làm trăng tròn, vừa tròn là khuyết ngay, chi bằng là nửa vành còn có lúc tròn lại. Bài thơ ấy luôn ở trên môi người, nên danh đức của Sư càng lớn.

2. Hành Nhân Liễu Tuyên

Sư họ Phan, người ở Phụng Hóa Tứ Minh. Lúc đầu học kinh với ngài Bảo Lâm. Khi ngài Từ Thất ở Thanh Tu thì Sư đến nương học. Thường bảo rằng: “Hễ hiểu được thì tất làm được, bèn vào thất ngài Quang Nghiêm ở Nam Hồ xem Tạng Kinh, tu Pháp Hoa Tam-muội trước sau hai mươi bảy kỳ. Sư quá ngọ không ăn, chưa từng phạm giờ giấc. Cùng bạn đồng tu là Thiện Vinh kết tâm giao. Mỗi khi xem kinh có điều nghi thì liền đến thất Vinh để biện biệt. Một hôm ngồi yên lặng rất lâu, Vinh hỏi: Hôm nay huynh sao vậy? Sư đáp: Ngày về đã gần kề, Đạo nghĩa khó quên nên mới như thế, xin anh chuyên tâm tiến tụ đạo nghiệp, hẹn lại gặp nhau ở Tịnh Độ. Thiện Vinh cười bảo: Chính muốn thấy anh sớm được. Từ đó Sư có bệnh. Khi sắp lâm chung Sư thỉnh chúng tụng kinh Di-đà, xưng niệm danh hiệu Phật. Rồi dậy ngồi thẳng, lấy bút viết kệ rằng: “Tánh tướng tình quên, một ba không gởi, dứt gió không làm, Ma-ha đều lợi”, rồi chắp tay nhắm mắt viên tịch. Lúc đó mùa nắng lưu khám suốt bảy ngày mà dung nhan Sư vẫn tươi thắm, khóe miệng có chút nước dãi, có kẻ lấy bông lau đi thì mùi hương lạ xông ra. Khi trà-tỳ thì xá-lợi nhặt được cả vốc tay, quả tim và hạt chuỗi không hư, lúc đó nhằm ngày mười tháng năm năm Gia Thái thứ năm. Sau đó ba năm, Thiện Vinh có bệnh, trước lâm chung một ngày Sư từ giã chúng, tắm gội thay áo, thỉnh chúng niệm Phật, Sư ngồi kiết già mà hóa. Người bảo là đến chỗ ước hẹn với Tuyên Sư. (Trong đây sót mất ba vị nối pháp ngài Giác Am Ngôn Pháp sư).

E. NỐI PHÁP NGÀI NĂNG NHÂN, SƠN PHÁP SƯ:

Pháp sư Pháp Hy

Sư hiệu là Tất Am, Sư Pháp Hùng hiệu là Nam Nham đều là người ở Thiên thai, cùng vào thất của Sơn Pháp sư, chuyên cần học đạo cùng nổi danh ở đời, lại nối nhau ở Bạch Liên đạo phong đều như một. Đủ chánh nhãn để định Tông, phát biện tài giảng thuyết, rộng rãi khoan dung đối với chúng, văn hay nghĩa đẹp để ứng cơ. Tông phong Bạch Liên được hưng thạnh là do hai Sư này khởi lên vậy (Trong đây thiếu một vị là Pháp Hùng Pháp sư).

F. NỐI PHÁP NGÀI DƯƠNG TIÊM, UYÊN PHÁP SƯ:

Pháp sư Liễu Sinh

Sư là người ở Chư Kị Việt Chi, mười hai tuổi xuất gia mà có tuệ giải như người lớn. Lúc đầu Sư đến tham yết ngài Đông Linh Khâm Pháp sư. Lúc đó đến học Thiền Lâm có đông đảo chư Tăng ở Tăng đường, nhân tối nguyên tiêu đều đi xem đèn. Khâm Sư đi tuần hương thấy Sư ngồi sừng sửng trên giường, liền hỏi: Sao ngươi không theo chúng đi? Sư thưa: Con được thầy dạy bảo chuyên tâm học tập đâu dám chơi đùa! Khâm Sư rất mừng vỗ lưng Sư bảo rằng: “Ba mươi năm sau, người chấn hưng Tông ta nếu không là ông thì còn ai?” Do đó Sư càng nghiên cứu kỹ về Giáo Quán. Lúc đó ai nấy đều kính phục. Sau Sư ra làm chủ Đảnh Sơn thì diễn giảng không bỏ phế một ngày. Sư nằm trên giường kỷ, để bộ Pháp Hoa trước tượng Vi-đà, thân đắp y năm điều nằm thế cát tường mà ngủ, Sư luôn giữ mình kỉnh pháp. Sư không vì nhà kín vắng mà đổi khí tiết (Trong đây thiếu một người nối pháp Khâm Pháp sư- Quyển này gồm bốn mươi bốn vị, nguyên bản thiếu mất ba mươi mốt vị, chỉ ghi chép có mười ba vị).