PHẬT TỔ THỐNG KỶ

Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 13

PHẦN 3

* Nối pháp ngài Quảng Trí Pháp sư (đời thứ hai gồm có:)
Thần Trí, Giám Văn Pháp sư.
Phù Tông, Kế Trung Pháp sư.
Siêu Quả Duy Trạm Pháp sư.
Tứ Minh, Như Cát Pháp sư.
Tịnh Xã, Toàn Giáo Pháp sư.
Quát Thương, Nghĩa Tuân Pháp sư.
Tứ Minh, Uẩn Cung Pháp sư.
Kim Văn, Xung Tiêu Pháp sư.
Pháp Xương, Bản Thành Pháp sư.
Nhật Bản, Thiệu Lương Pháp sư.

* Nối pháp ngài Thần Chiếu Pháp sư (đời thứ hai gồm có:)
Pháp Chân, Xử Hàm Pháp sư.
Thần Ngộ, Xử Khiêm Pháp sư.
Lư Am, Hữu Nghiêm Pháp sư.
Năng Nhân, Pháp Bảo Pháp sư.
Thiên thai, Bảo Tiêm Pháp sư.
Thừa Thiên. Hoài Nhã Pháp sư.
Thừa Thiên, Nguyên Thao Pháp sư.
Tiền Đường, Nghĩa Toàn Pháp sư.
Thiên thai, Tả Thân Cư Sĩ.

* Nối pháp ngài Nam Bình Pháp sư (Đời thứ hai gồm có:)
Từ Biện, Tung Gián Pháp sư.
Quần Phong, Thái Cơ Pháp sư.
Pháp Chiếu, Dụng Văn Pháp sư.
Siêu Quả, Hội Hiền Pháp sư.
Pháp Tuệ, Tông Chánh Pháp sư.
Đông An, Cảnh Sơ Pháp sư.
Đông Bình, Linh Ngoạn Pháp sư.
Đông Ngô, Văn Hủ Pháp sư.
Tiền Đường, Như Tuân Pháp sư.

* Nối pháp với ngài Tam Học Pháp sư.
Tam học, Nhược Thủy Pháp Sư.

* Nối pháp với ngài Phù Thạch Pháp sư.
Cảnh Vân, Ôn Kỳ Pháp sư.
Thiên Trụ, Thủ Tư Pháp sư.
Phù Thạch, Hoài Nguyệt Pháp sư.
Vụ Nữ, Nhật Đông Pháp sư

* Nối pháp ngài Quảng Từ Pháp sư.
Diệu Ngộ, Hy Tối Pháp sư.
Sám Chủ, Pháp Tông Pháp sư.
Diệu Quả, Tử Lương Pháp sư.
Dư Khánh, Ân Biện Pháp sư.
Phù Thạch, Duy Thanh Pháp sư.
Long Tuyền, Đàm Dị Pháp sư.
Lôi Phong, Giới Châu Pháp sư.

****

NỐI PHÁP NGÀI QUẢNG TRÍ PHÁ P SƯ

Đời thứ hai gồm có:

1. Pháp sư Giám Văn:

Sư người Tứ minh, được vua ban hiệu là Thần Trí, nương ngài Quảng Trí mà đắc pháp vào hàng Thượng thủ. Nối nghiệp ở Nam hồ, rộng truyền giáo pháp của Tổ phụ. Sư từng bảo rằng: Ta do Đức Phật Thích-ca mà được xuất gia nghe đạo; do Trí Giả Đại sư mà được nương thầy học giáo. Trong khóa tụng hằng ngày, Sư đọc tụng cả ngàn danh hiệu Phật Tổ, đêm lễ ngàn lạy cốt để báo ân, chưa hề vì bận việc mà bỏ qua.

2. Pháp sư Kế Trung:

Sư tự Pháp Thần, họ Khâu ở Vĩnh gia. Cha mẹ Sư cầu tự ở chùa Phật, cả song thân cùng mộng thấy một vị Tăng trao cho một đứa con trai kháu khỉnh bảo rằng: “Loa Khê Tôn giả gởi cho quý vị nuôi giúp.” Từ khi thọ thai, bà mẹ chán ăn cá thịt, khi còn nhỏ Sư thấy tượng Phật thì rất tôn kính. Đến tám tuổi Sư vào Khai Nguyên nhờ ân được độ, liền đến Nam hồ theo học với ngài Quảng Trí, vì lao khổ nhiều nên Sư bị bệnh. Sư bèn tu thỉnh Quan Âm Tam-muội được Đại sĩ phóng quang, dùng nước rửa đảnh nên bệnh liền dứt, do đó lại thấy suốt giáo quán không còn ngưng trệ. Ngài Quảng Trí cho là Pháp khí nên bảo thay ngài diễn giảng. Tuyết Đậu Hiển Thiền sư thấy thế khen rằng: “Đạo Tứ Minh đã có người kế thừa.” Hàng sĩ thứ ở Vĩnh gia cùng thỉnh Sư đến ở Đông các tại Khai nguyên. Sau dời về ở Tuệ An Diệu Quả, rồi lui về ẩn dật tại Triết giang, chú tâm nghiên cứu ròng về thiền quán. Sư ra làm chủ ở Pháp minh, Tây hồ người học kéo đến đông đảo. Có người muốn mở rộng chỗ ở cho chư Tăng. Sư bảo: Thí chủ sẽ nhận được phước đó, ta nào dám cản ngăn! Mỗi năm vào ngày mồng tám tháng giêng, ở trong quận đều truyền giới Bồ-tát và phóng sinh, hàng sĩ thứ có đến mấy vạn người. Sư thường ở giữa chúng nguyện rằng: Ai vào đạo tràng ta quy y Tam bảo, dẫu chưa được đạo thì nguyện đời đời kiếp kiếp không mất thân người, luôn có Chánh kiến xuất gia cầu đạo vô thượng. Luôn tu các Tam-muội Pháp Hoa, Quang Minh, Di-đà, Quan Âm không để ngày luống uổng. Sư lại tụng chú cứu bệnh linh nghiệm khó lường. Mỗi khi vào chợ thì Sư ngồi tránh chiếu, đi tránh đường, mọi người đều kính cẩn gọi là Giới Sư. Năm Nguyên Phong thứ năm, ngày tám tháng mười, Sư tắm gội thay áo, tập chúng nói pháp, kiết ấn ngồi kiết già mà tịch. Mọi người thấy có ánh sáng đỏ chiếu suốt lên không trung. Sư Tịnh Xã Toàn

Giáo đêm nằm mộng thấy thần Kim giáp báo rằng: Đêm nay bậc đắc 0 đạo nhập diệt. Khánh Ân Hy thấy mộng lành. Thần nhân bảo: Pháp sư Trung đã sinh về cõi Đâu-suất.” Sư từ lâu đã làm việc thí thực, tuy sau này có người thừa kế, nhưng bầy chim sẻ vẫn kêu hót bi thương suốt ba ngày chưa ngưng. An táng Sư ở núi Thụy Lộc. Người được truyền pháp có cả trăm vị. Sư đã soạn: Phù Tông Tập năm mươi quyển, Tập Thập Gián, Chỉ Mê, Quyết Mô, Thập Môn Tích Nạn và Thập Nghĩa Thư… dùng để làm sáng tỏ ý ngài Tứ Minh họp với tông chánh của Tổ đạo, đến như sách chép về Nhị Sư Khẩu Nghĩa thì người đời sau lại lạ lùng về sự lẫn lộn của nó.

3. Pháp sư Duy Trạm:

Sư họ Tống, người ở Nghĩa ô. Cha mẹ Sư gặp một vị Tăng lạ bảo rằng: Các vị sẽ sinh sáu người con, người thứ năm nên cho xuất gia. Sau Sư vào Đạo ở Song lâm, do Lễ Đàm Ân mà được độ. Trước hết Sư đến học với ngài Thần Chiếu, chưa bao lâu Sư lại theo học với ngài Quảng Trí. Sư từng thưa với ngài rằng: Việc Đại sư truyền trao con không nghi ngại, như ý chỉ Viên Đốn tuyệt dứt đối đãi phải do mình tự được. Về sau khi nghe ngài Quảng Trí giảng, Sư hoát nhiên tỉnh ngộ, cùng nghị luận với hàng thượng lưu ai cũng quy phục. Lúc đầu Sư diễn giảng ở Siêu Quả Vân Gian hoằng truyền đại đạo, một tông Thiên thai thạnh hành suốt ba triều ở đất Ngô là bắt đầu từ Sư vậy. Năm Hy Ninh thứ sáu, ngày tám tháng ba, Sư lập hội Quang minh, bảo chúng rằng: “Báo duyên ta đến đây đã mãn.” Liền nêu lời Di Giáo Niết-bàn, ân cần phó chúc, rồi Sư ngồi kiết già mà hóa. Ngọn lửa tắm mát thân Sư để lại nhiều xá-lợi lấp lánh. Tháp Sư ở núi Tây Dư. Các sư Hải Tuệ, Nhược Viên là những môn đệ thượng thủ.

4. Pháp sư Như Cát:

Sư người Tứ minh (ở bài tựa Nhị Sư Khẩu Nghĩa) theo học với ngài Quảng Trí mà được ý chỉ. Sư thấy các Biên Loại Tập của các tiền bối có thứ xưa chưa diễn nói, bèn tham khảo lấy văn ở ba bộ rồi phân chương tiết hoặc lược bỏ xếp thành loại để lưu hành ở đời. Sư từng chú giải Kim Ty, lời giản dị, nhưng nghĩa lý đúng đắn. Học trò nối Tông sư ở chùa Nhân quả tại Tiền Đường.

5. Pháp sư Xung Tiêu:

Sư theo học lâu ngày với ngài Quảng Trí. Sư xưng hiệu là Cụ Thể.

Sư ở vào năm Khai Bảo (đời vua Thái Tổ).

6. Pháp sư Toàn Hiểu:

Nhà ở núi Đại mai. Trung Ý Vương nước Ngô Việt rất ngưỡng mộ đạo đức của Sư, ban cho vàng để xây cất viện. Lại ban cho một tạng kinh, khi hoàn thành xong gọi là Kim Văn. Khi Sư Hiểu đã tịch, học trò là Chánh Hòa nối pháp. Hòa cũng nối ngài Xung Tiêu. Vì nơi ở chật hẹp nên Sư cùng học trò dời về cất nhà ở dưới ngọn Bá nham phong, rồi hoằng truyền rộng rãi đạo giáo ngài Quảng Trí. Năm Thủy Bình thứ tư tâu lên triều đình được vua ban cho biển đề Tuệ Chiếu (Quách Kỵ làm Ký, Quảng Trí tạo bia).

7. Pháp sư Bản Thành:

Sư là người Phụng Hóa ở Tứ minh. Sư theo học với ngài Quảng Trí ở Nam hồ. Sư thích nơi vắng vẻ u tịch bèn lui về ở Pháp xương chuyên thiền tụng rất tinh tấn, người đời khâm phục ẩn đức của Sư. Viện chủ xây cất nhà cửa đã lâu mà chưa xong. Sư bồi hồi thệ rằng: Xưa tổ Trí Giả đã tạo ba mươi sáu ngôi chùa, đúc vẽ tám mươi vạn tượng, nay chỉ có một chùa mà thầy trò ta lo không xong ư? Sư liền đốc thúc các bạn đồng chí vào xóm ấp hóa duyên được hai trăm vạn tiền cùng ra sức xây cất, không bao lâu viện, tượng đều hoàn thành. Có trước tác Lang Du Sung làm lời ký rằng: Sư đã được rốt ráo không mà lập ra nghĩa sáng rỡ.

NỐI PHÁP NGÀI THẦN CHIẾU PHÁP SƯ

Đời thứ hai dưới Thần Chiếu

1. Pháp sư Xử Hàm

Sư họ Vương, người ở Thiên thai. Mẹ mộng thấy có đám mây trắng từ trời Tây bay vào nhà rồi hóa thành ngựa trắng, nhân đó mà thọ thai. Sư bảy tuổi đã vào chùa Quốc thanh nương thầy. Năm mười bốn tuổi thọ giới Cụ túc, Sư tự than rằng: “Phật pháp rông lớn nếu không ra sức học tập thì làm sao thấy được đạo.” Bèn vào Thiên Phong xem Tạng Kinh suốt ba năm mới xong. Sư đến tham yết ngài Thần Trí và được thâm ngộ giáo chỉ. Sư cung kính yên lặng từ tốn, người khó đoán được. Ngài Thần Chiếu thường giả bệnh gọi Sư giảng thay. Chúng mới nghe lần đầu đã thân tâm đều phục. Lúc đầu Sư ở Sùng Thiện tại Xích Thành. Cô Tô Lý Đình Chương sắp trấn nhậm Thiên thai mộng thấy Thần bảo “Công Điển Thiên thai, dưới đài năm Tổ, có đầu Rồng chín mươi chín”, Hòa thượng hãy đến xem. Khi đến Quận đem chuyện hỏi thăm thì không ai biết. Có Mân sĩ Trần Bạch Ngộ bảo rằng: Năm Tổ Thiên thai xưa ở Xích Thành. Nay Hàm Sư đang ở đó. Sư sinh ngày chín tháng chín năm Bình Thìn, đó là đầu Rồng chín mươi chín đấy! Đình Chi rất kinh ngạc bèn đến ra mắt. Sư bèn giảng đạo xuất thế có khế hội sâu xa. Vì chùa chiền chật hẹp ở nơi quê mùa, Sư bàn việc dời đi. Đình Chi đứng đầu quyên góp vàng lụa, Sư bèn dời đến ở đất Đông nam. Ngày khởi công lại đào được khánh đồng trong đất. Thiểu Sư Lý Công rất tôn kính thỉnh Sư làm chủ Bạch Liên, tâu lên vua được ban hiệu là Pháp Chân. Sư ở trong núi ấy năm mươi năm. Người vào cửa học đạo có đến mấy vạn. Vào tháng giêng năm Nguyên Hựu thứ nhất, Pháp cổ đánh không kêu suốt bảy ngày. Đến tháng bảy, Sư bảo chúng rằng: “Ngày hai mươi ba ta sẽ ra đi.” Rồi kính cẩn dưng y và đãi cơm cho chúng để từ biệt. Dặn thị giả rằng: “Khi tiếng chuông sáng ngân lên thì đến gọi ta.” Đến giờ Sư dậy ngồi kiết già yên lặng mà hóa. Sư có soạn: Tam Tuệ Luận, Quang Minh Thập Nguyện Vương, nối tiếp ngài Thần Chiếu viết Hành Pháp Kinh Sớ để lưu hành ở đời.

2. Pháp sư Xử Khiêm

Sư họ Phan, người Vĩnh gia. Bà mẹ nằm mộng thấy đám mây lành chui vào bụng mà thọ thai, đến ba năm mới sinh ra Sư. Đến chín tuổi, Sư nương ngài Thường Ninh Khế Năng xuất gia. Lễ Đàm Ân mừng vua đang trị vì Sư được độ (năm đầu Tường Phủ đời Chân Tông, vua phong Thái Sơn chiếu Thiên Hạ Tự Quan, mỗi nơi độ một người). Sư liền đến học ở Thiên Trúc. Ngài Từ Vân làm lạ bảo rằng: Đây có thể là rường cột của Đạo ta. Lại đến học ngài Thần Chiếu mà thấu suốt ý Viên Đốn. Sư đốt ba ngón tay cúng Phật Tổ để cầu được diệu ngộ, chưa bao lâu thì được cất nhắc lên Đệ nhất tòa. Ngài Thiền Chiếu trao cho Sư một pho Chỉ Quán bảo rằng: “Ông sẽ dựng cờ Đại pháp, tiếc rằng ta không thấy được.” Do đó, Sư trở về quê để có thể nối nghiệp thầy. Sư dời đến ở Từ Vân Diệu Quả tại Xích Thành, giảng đạo càng thạnh hành. Thiếu Sư Lý Đoan Ý thỉnh Sư làm chủ Bạch Liên. Bắc Hải Quận Vương tâu vua xin cho Sư hiệu Thần Ngộ. Thừa tướng Vương An Thạch đã một thời cùng các hiền sĩ trong triều làm thi ca khen đức của Sư. Trong Quận có đại hạn mời Sư đến cầu mưa. Sư đến ao Rồng bảo: Ngươi đã nhận lời phó chúc của tổ Trí Giả gặp hạn phải làm mưa, sao lại chẳng nhớ? Chợt có gió to, mây đen từ ao bốc lên, rồi mưa ào xuống như trút nước. Trải suốt mười bảy năm, khi sắp về Vĩnh gia, cả quan quân sĩ thứ đều cố lưu Sư ở lại để diễn giảng kinh giáo. Sư bèn ở tinh xá Tuệ lâm núi Cân tử mà giảng Tiểu Bát-nhã. Sau đó Hàng Sư Tổ Vô Trạch mời Sư về Bảo các, Triệu Hiến mời Sư về Tịnh Trụ, Nội Hàn Dương Cối mời Sư về Nam Bình, Tử Vi Trần Xá Nhân mời Sư về Thiên Trúc. Sư ngồi khắp mười đạo tràng, trải bốn mươi năm diễn giảng không biết mỏi mệt. Số người vào cửa đến ba ngàn, số người được lãnh pháp ba mươi vị. Ngày Bính Dần tháng tư năm Hy Ninh Ất Mão, buổi sáng Sư tắm gội thay áo, họp chúng tụng Phổ Hiền Hành Pháp, A-di-đà Kinh, xong Sư bảo: “Ta được vô sinh dùng đã lâu ngày, nay lấy vô sinh mà sinh về Tịnh Độ.” Liền nhập định mà tịch. Tháp để toàn thân Sư ở phía phải chùa Nam Bình. Đệ tử là Lương Bậc thỉnh bài minh của Vô VI Dương Kiệt để ở tháp, nói rằng: Sư từng giải thích về Thập Bất Nhị Môn, đề rằng Hiển Diệu, thì đối với Sắc và Tâm không hai. Nếu phân chia Sắc Tâm thì không hai mà hai đó là cảnh vọng. Cái thể nó là một, hai tức không hai đó là môn diệu. Cho nên lấy chung riêng mà diệt bỏ mười môn của tướng hai mà không hai. Khiến cho Thô, Diệu rõ ràng, môn chỉ thông suốt. Đó là biết rõ cái môn Cảnh Diệu không hai. Ở ngay một niệm Sắc Tâm mà được môn này, liền ngồi xe báu mà đến đạo tràng.

3. Pháp sư Hữu Nghiêm

Sư họ Hồ, người ở Lâm hải, Thai Chi. Mẹ sắp sinh kêu đau nhào lăn. Người anh là Sa-môn Tông Bản nói rằng: Đây tất có điều lạ, nếu sinh con trai thì nên cho xuất gia, bà mẹ chắp tay ưng thuận, do đó hết đau. Quả nhiên sinh con trai. Được sáu tuổi thì Sư nương chùa Linh thứu theo thầy. Năm mười bốn tuổi Sư thọ giới Cụ túc. Sư xem Tâm Phú của Thọ Thiền sư như có ngộ liền đến Đông Sơn học đạo nhất tâm Tam Quán, hành Pháp Hoa Tam-muội với ngài Thần Chiếu đều được thần giải và đích thân thực hành. Lúc đó ngài Pháp Chân cùng ở trong hội bảo Sư rằng: Ông tuy xuất gia trễ nhưng sẽ thành Đại Pháp khí. Sư từng đọc Chỉ Quán đến đoạn “Bất Tư Nghì Cảnh” thì bảo rằng: “Muôn pháp chỉ do một tâm, ngoài tâm không một pháp, tâm pháp không thể nắm bắt được, nên gọi Diệu Tam Thiên!” Ngài Pháp Chân càng vui mừng khen ngợi. Người chủ đầu là Vô Tướng Tuệ Nhân Pháp Chân từ Xích thành dời về Đông dịch, liền cử Sư lên thay. Sư thường bảo: Cách Phật đã xa, người mê tự tánh, phàm khi diễn giảng cần chỉ nhất tâm, tất dễ lãnh hội. Người nghe đều có thể ngộ nhập. Trong năm Thiệu Thánh, quan quận thỉnh Sư làm chủ Đông dịch, Sư bảo: Tổ Trí Giả lúc chưa đầy năm mươi tuổi đã rời đồ chúng, ta nay đã già mà còn gánh việc này ư? Rốt lại không đi và Sư ẩn cư tại Đông phong ở Cố sơn. Sư cất lều cỏ ở bên cây Lô tra, nhân đó tự đặt hiệu là Tra Am (trong Văn Tập – Có bài Tra Am Ký với lời và lý cực hay). Sư chỉ dùng một bát không chứa các vật gì, tự nhặt củi, xách nước, chỉ ăn những thứ hợp pháp, giữ tịnh giới kỹ lưỡng suốt hai mươi năm, chuyên tu tịnh nghiệp lấy An Dưỡng là cố hương, soạn Hoài Tịnh Độ Thi tám chương, lời và tình ý rất tha thiết ai cũng thích tụng. Bình thường Sư tu Tam-muội có nhiều điềm lành. Sư cúng thí quỷ thần trừ bệnh tà mị. Sư xua rắn đuổi kiến, nước hạn thì cầu 12 mưa. Một khi xướng tụng thì như có tiếng vang trong hang đáp lại. Mẹ Sư bệnh mắt, Sư đối trước Tượng Đức Quan Âm quán tưởng tay cầm ngọc ma-ni Nhật tinh. Mẹ nằm mộng thấy Sư bưng mặt trời đến trước mặt. Khi tỉnh dậy thì mắt sáng. Năm Kiến Trung Tĩnh Quốc thứ nhất, tháng Mạnh Hạ, Sư nhập Định thấy Thiên thần mách bảo: “Sư Tịnh Nghiệp đã thành.” Sư lại mộng thấy có hoa sen lớn mọc trong ao, thiên nhạc bốn bề. Sư bèn làm Thi Tiễn Quy Tịnh Độ. Hơn bảy ngày sau Sư ngồi kiết già mà hóa. Đồ chúng dùng lu sành xây tháp ở phía Bắc Am. Có ánh sáng như mặt trăng ở tại Tháp Sư suốt ba hôm mới lặn. Sư ngầm thấu suốt Tạng Kinh, hiểu thông sử sách. Sư chú thích An Lạc Hạnh Phẩm Không và Pháp Ấn Kinh Sớ, Huyền Tiêm Bị Kiểm, Văn Cú Tiên Nạn, Chỉ Quán Trợ Lãm, A-di-đà Lễ Văn. Sư lại soạn Hoặc Đối Nhất Biên, Biện Luận Cổ Kim, bộ sau này rất quan trọng.

4. Tả Thân

Ông là người ở Lâm hải, được ngài Đông dịch Thần Chiếu truyền giới Bồ-tát và giảng nói cho nghe Đại thừa Pháp Yếu, hoát nhiên khai ngộ như đã được học từ xưa. Ngài Thần Chiếu ở giữa chúng xoa đảnh và thọ ký cho ông. Từ đó ông giữ nghiêm giới luật, gặp việc không hề đổi khí tiết, điêu khắc ba tượng Thánh Tây phương, sớm tối chí thành. Ông tụng ba ngàn bốn trăm bộ Pháp Hoa, Kim Cang Bát-nhã hai vạn lượt. Năm Thiệu Thánh thứ hai, mùa Thu ông ngọa bệnh, nhờ Tăng Tịnh Viên đọc đầu đề Pháp Hoa, thọ thêm Bồ-tát Giới. Ông liền mộng thấy ba người cao lớn đứng ở bờ sông mời ông lên thuyền rồi thoăn thoắt đi về hướng Tây. Thân biết là việc vãng sinh đã hẹn, bèn thỉnh chư Tăng đến tụng kinh A-di-đà, chưa xong liền nói: “Tôi đã thấy hào quang Phật.” Bèn tắm rửa thay áo, dặn tả hữu không được khóc lóc, không làm ồn.” Rồi ông niệm danh hiệu Phật kiết ấn mà hóa.

NỐI PHÁP NGÀI NAM BÌNH

Đời thứ hai dưới Nam Bình

1. Pháp sư Tùng Gián

Sư họ Mao, người ở Tòng Dương Xứ Chi. Hồi còn nhỏ Sư thấy kinh Phật liền có thể tự đọc tụng. Cha bảo: Đó là người tái lai. Năm mười chín tuổi Sư thi kinh Pháp Hoa mà được độ, liền đến tham yết ngài Thượng Trúc Biện Tài, sớm tối nghe kinh tập Thiền. Sau đó lại đến nương ngài Nam Bình ở Kim sơn, Sư luận hỏi như nước chảy. Ngài Nam Bình khen rằng: “Đạo ta do ông mà lưu hành.” Trong năm Hy Ninh, Sư giảng ở Minh khánh, đồ chúng ngày càng đông, bèn dời về ở Tịnh Trụ. Năm đầu Nguyên Phong, người Xứ Chi lập Thọ Thánh rước Sư đến ở. Hơn ba năm, ngài Biện Tài bảo Sư làm chủ Nam Bình, vì lớn tuổi Sư làm thủ chúng của thầy. Đến tuổi nối pháp, thầy cử Sư lên thay. Năm Nguyên Hựu thứ năm, Thượng Trúc thiếu người giảng kinh, ngài Biện Tài dặn dò quan Quận Thú là Bồ Tông Mạnh rằng: Thắng tích này rất linh cảm, nếu không phải Tùng Gián thì không đủ sức đảm đang.” Quan Quận làm theo lời dặn lại tâu vua xin ban hiệu cho Sư là Từ Biện. Nghĩa Thiên Tăng Thống từ nước Cao Ly đến cầu pháp. Quận nhờ Sư ứng thỉnh. Nghĩa Thiên vì mộ Pháp nên ở lại Trung Quốc. Triều đình cho là Quốc mẫu nghĩ nhớ nên bắt phải trở về. Sư bảo rằng: Cao Tăng Đạo Kỷ đội Kinh đi du học vì mẹ không thể bỏ, bèn gánh vác cả hai, cho là kinh và mẹ đều không thể bỏ nên cõng trên hai vai. Nay Tăng Thống hiền hơn Kỷ rất xa, há vì kinh mà bỏ mẹ khiến mẹ sầu nhớ ư? Do đó Nghĩa Thiên có ý muốn về nước, bèn xin lư hương, phất trần và truyền y rồi đem đến trước Tháp tổ Trí Giả mà thề rằng: “Đã được Pháp sư Từ Biện truyền giáo quán, nay xin trở về nước mà truyền bá, mong Tổ ban ân ngầm hộ trì.” Rồi trở về nước cất chùa tạo tượng tôn làm Thủy Tổ. Năm Đại Quán thứ hai, học trò của Từ Quy Thọ Thánh là Xa Hề Phổ Minh… mười người đến thăm viếng Sư, Sư bảo: Các vị từ xa đến, sau này gặp nhau không hẹn trước, nay lão Tăng không chi bằng thừa hứng mà ra đi, bèn tắm gội thay áo, lên tòa thuyết giảng, viết kệ rồi ngồi yên mà tịch. Đồ chúng an táng toàn thân Sư ở Thọ Nghiệp.

2. Pháp sư Hội Hiền

Sư sớm làm cao đệ của ngài Nam Bình. Lúc đầu Sư truyền giáo ở Hoa Đình Siêu Quả, người học đông như chợ. Khi Sư sắp đi hành hóa ở ngoài Ấp, muốn được người lão thành làm phó giảng. Bèn đánh trống tập chúng, có người ở giữa chúng đáp lời rằng: Con muốn thay giảng cho Lão Sư. Tất cả những điều Sư nói ra con đều phá được. Sư mừng rỡ bảo rằng: May mắn nhờ ông phá và lập mà Đạo Tổ được sáng.

Lời thuật rằng: Ngài Nam Bình gặp được Tổ Pháp Trí muộn nên nghĩa lập ra có lúc trái nhau. Nay các điều nói ra của Hội Hiền không vì cố chấp lấy kiến giải thì nghi vị này quyết lãnh hội lời của ngài Nam Bình nên bác phá những điều phó giảng có được phép bác phá. Song đời không nghe danh, có thể gọi là liệt sĩ. Sư bèn vui vẻ chấp nhận sự phá bác ấy mà không đố kỵ, thật là Hiền lắm vậy.

NỐI PHÁP NGÀI TAM HỌC PHÁP SƯ

Pháp sư Nhã Thủy

Sư người ở Tam Cù, nương học lâu ngày với ngài Tam Học, hiệu là Hữu Thành, muốn hầu ngài Quảng Tuân bèn đổi tên là Nhã Thủy. Sư bề ngoài hiện vẻ chưa học mà du lịch khắp nơi. Lúc đầu Sư ở Thiên Trụ Sùng Phước diễn giảng không biết mệt mỏi. Sư tu mật ngữ có thần công. Ngày giỗ Tổ đã đến gần Sư dặn người nấu bếp phải dự bị nhiều măng tre. Nhà bếp cho là không phải mùa. Chiều ấy có tiếng nước phun ở sau vườn rau, đêm lại nghe có tiếng nổ lách tách. Sáng ra thì thấy rất nhiều măng tre mọc đầy đất. Người dân có bệnh đến thưa, Sư đọc chú đưa nước cho uống, kẻ khỏi bệnh đông không đếm được.

NỐI PHÁP NGÀI PHÙ THẠCH PHÁP SƯ

Pháp sư Ôn Kỳ

Sư là người Kim Hoa, nương ngài Phù Thạch học pháp được thành tài. Năm đầu Trị Bình, ở khu nhà cổ Tập Cảnh Vân tại Bắc Thành, Sư mở tòa giảng kinh. Mùa hạ trời đại hạn, hàng ngày Sư giảng Quang Minh Kinh và chí thành cầu đảo chư thiên, do đó mưa lớn khắp nơi. Quận thú là Lư Cách tâu vua cho mảnh đất này vĩnh viễn làm nơi giảng giáo Thiên thai, vua lại ban hiệu Pháp Vân cho Sư. Sư đã từng tạo tượng chín Tổ cực kỳ khéo léo. Ở Đông dương giáo học thạnh hành là do sức của Sư. Đệ tử của Sư có hai mươi bảy vị, Phổ Nguyệt Đại sư Thiện Tung chủ chùa Từ giác hóa làm một cảnh, Sư Cư Thức làm chủ Cảnh Đức được khen là Hổ Tử.

NỐI PHÁP NGÀI QUẢNG TỪ PHÁP SƯ

1. Pháp sư Hy Tối

Sư họ Thi, người ở Hoắc Xuyên, vua ban hiệu là Diệu Ngộ. Năm Sư lên bốn tuổi xuất gia, Đến năm Thiên Hy Đàm Ân mà được độ. Năm mười lăm tuổi, Sư được ngài Quảng Từ Truyền Giáo Quán, bạn đồng môn vừa sợ vừa mến gọi Sư là Nghĩa Hổ. Trong năm Trị Bình, Sư bắt đầu diễn giảng ở Gia Hòa, năm kế Long Bình dời về Thắng Quả. Có một nhà vắng bị quỷ phá, Sư đọc chú vào đất rồi ném đi thì nhặt được tờ giấy có viết chữ rằng: “Nay bị pháp đuổi đi nếu pháp lực hết thì sẽ trở lại.” Mấy ngày sau có tiếng gõ đập hoặc phun lửa biến ra trăm thứ quái dị. Sư quở rằng: Không biết rằng quấy phá Pháp sư thì đầu bị vỡ thành bảy mảnh ư? Sư lại nói về Luân chuyển nhân duyên, tiếng đọc chú của chúng Tăng có thể phá chướng. Bỗng trên không trung ném xuống một bức thư đỏ đề rằng: Hán Triều Liệt Sĩ Thẩm Quang rất hối lỗi. Lại thưa: Nhờ sức nói pháp của Sư mà được sinh lên trời Tha Hóa. Từ đó biệt tích

luôn. Sư nhân vì Tịnh Giác phản Tông, bèn dâng lên Thập Gián Thư. Ngài Pháp Trí làm Giải Báng, Tịnh Giác đang làm Tuyết Báng. Lúc đó ngài Pháp Trí bệnh nên không đáp lại. Sư Tịnh Giác ở Linh Chi, giữa chúng khoe rằng: Chỉ có vấn nạn mà giết được Sư Tứ Minh, vậy ai dám hướng về Linh Chi mà mở miệng chăng? Sư lúc đó không cam lòng bèn soạn Bình Báng để biện luận, đại ý nói: “Gần đây thấy Tuyết Báng rất thạnh hành cho rằng Cứu Sinh Pháp hai thân, để rửa sạch hai thứ Báng tăng giảm đó vậy. Sách này xem rồi nói ra liền lỗi. Trong khi Giải Báng đã cháy rực rở nhưng Tuyết Báng vẫn cứ ôm chặt lấy băng. Nay căn cứ vào lời cách ngôn của Tổ ta mà bình chỗ hiểu sai nhầm của Xà-lê.” Sư Tịnh Giác đọc thấy bảo rằng: “Thuyết của Tứ Minh do người này lưu hành.” Mùa thu năm Nguyên Hựu Canh Ngọ, Sư tập chúng, viết kệ ngồi yên mà hóa. Khi trà-tỳ được vố số xá-lợi.

Lời thuật rằng: Sư Tịnh Giác đã nhiều lần bàn luận phá thầy mình. Kịp khi Tuyết Báng xuất hiện thì ngài Pháp Trí vì bệnh mà không đáp lại. Do đó Sư Tịnh Giác tự bảo là đã thắng không còn kiêng sợ ai nữa. Nếu không Sư Diệu Ngộ thì còn ai có thể bình. Người đưa Tông của Tứ Minh lên để làm tin cho hậu thế thì Sư Diệu Ngộ có công cao nhất.

2. Pháp sư Pháp Tông

Sư họ Nhan, người Tiền Đường. Sư mười tuổi đã nương ngài Quảng Từ, mười hai tuổi thọ giới Cụ túc, chuyên nghiên cứu về giáo quán, mười chín tuổi theo ngài Quảng Tuệ. Lúc đầu Sư chuyên cần phục dịch suốt mười năm. Khi ngài Quảng Từ ẩn cư thì Sư trở về hầu hạ hằng ngày nghe khuyên dạy, rồi nương Chỉ Quán tu Đại Bi Tam-muội, miệt mài suốt chín năm, được người tôn làm Sám Chủ. Phàm các việc cầu đảo cầu bệnh đều có linh ứng. Sư lập Tịnh độ đạo tràng, khắc ba tượng Tây phương, đốt năm ngón tay cúng Phật. Mỗi tháng Sư tập họp bốn mươi tám người đồng tu tịnh nghiệp, các danh khanh hiền sĩ đều đến dự hội đó. Mùa Xuân năm Chí Hòa Đinh Dậu, Sư có chút bệnh mộng thấy Đức Di-đà và Thánh chúng đưa tay tiếp dẫn. Sau đó ba ngày Sư tắm gội thay áo súc miệng, ngồi kiết già im lặng mà hóa. Sư thường nghe ở Thiên Trúc có Quang Minh Sám để kết thắng nhân, Sư bèn cùng tu. Được năm ngày thì trong lúc Thiền Quán Sư thấy Từ Vân Pháp sư có mấy mươi vị Tăng theo hầu, Sư đảnh lễ và thưa rằng: Xưa các người đồng tụ đều vãng sinh cả chăng? Ngài Từ Vân bảo: “Từ sau năm Nguyên Chiếu đã được vãng sinh, Trạch Anh còn muốn vào Tam đồ để hoằng Kinh (về sau Sư Trạch Anh quả nhiên có nguyện này). Ông phải nên siêng tu để 16 hoàn thành bản nguyện.” Nói xong liền biến mất.

3. Pháp sư Đàm Dị

Sư họ Đỗ, người ở Dư Diêu. Sư ở Long Tuyền Thanh Tự gặp năm Hoàng Hựu vì ân phổ độ mà được xuất gia. Sư tu tập Giáo Quán ở Thiên Trúc với ngài Minh Trí. Sau đó vào thất của ngài Lôi Phong Quảng Từ chăm chăm gõ nhịp suốt hai mươi năm không hề nản chí. Học xong Sư trở về quê diễn giảng ở Cố Sơn, chuyên cần tu nghiệp Tịnh độ, tụng Pháp Hoa đến năm ngàn bộ và kinh Phổ Hiền Di-đà mỗi thứ cả vạn quyển. Năm Sùng Ninh thứ nhất, mùa Thu Sư có bệnh bèn tập chúng bảo rằng: “Đã tới lúc ta sinh về Tịnh độ, ngồi Kim đài theo Phật về Tây phương.” Sư tắm gội ngồi ngay kiết ấn mà hóa. trà-tỳ xong còn lại cái lưỡi và xá-lợi như kết nhau lại (Quyển này bốn mươi vị nhưng Bản Kỷ chỉ ghi có mười vị. Hai mươi bảy vị kia không ghi).