Pháp ngữ khai thị tại Tịnh Nghiệp Xã
(Ký Trần ghi)
Hôm nay là ngày đầu tiên của Phật Thất, tôi đem lai lịch của Phật Thất để nói cho quý vị nghe. Hiện thời, mọi nơi mở Niệm Phật Thất rất nhiều, phương pháp tu tập và những lời lẽ khai thị phần lớn cũng giống nhau. Trước hết, nay tôi trình bày nhân duyên của Phật Thất lần này, rồi sẽ nói tới đại cương của pháp Niệm Phật. Như vậy, tông chỉ của pháp Niệm Phật sẽ được minh bạch. Nếu không, chẳng biết căn bản, chắc chắn sẽ không thể đặt nền tảng vững vàng được, chắc sẽ bị kinh giáo hoặc lời lẽ của thiện tri thức xoay chuyển đến nỗi bỏ pháp này để tu các pháp môn khác.
Pháp Niệm Phật như thuốc A Già Đà. Tiếng Phạn A Già Đà, tiếng Hán là Phổ Sanh, cũng dịch là Tổng Trị vì nó sanh khắp [mọi sự an lạc, công đức] và trị chung mọi căn bệnh vậy. Pháp môn này cũng giống như thế, trừ được tám vạn bốn ngàn phiền não. Do vậy, pháp môn Niệm Phật bao trùm khắp muôn hình tượng, hết thảy các pháp, không pháp nào chẳng lưu xuất từ pháp giới này. Hết thảy các pháp không pháp nào chẳng quy hoàn pháp giới này. Do nó nắm giữ hết thảy các pháp nên không pháp nào chẳng được trọn vẹn, không căn cơ nào chẳng gồm thâu! Đức Phật chỉ muốn làm cho chúng sanh siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, nhưng chúng sanh căn cơ không giống nhau, tâm nguyện mỗi người mỗi khác. Nếu có chúng sanh cầu phước, cầu thọ, cầu tài, cầu con v.v… chỉ cần thành tâm mong cầu, hễ có cầu ắt ứng. Tuy đấy là pháp thế gian, nhưng nhằm để tiếp dẫn kẻ hạ căn gieo thiện căn dần dần cho nên cũng làm cho họ được mãn nguyện. Nếu luận nơi bổn ý của đức Phật thì chỉ là muốn khiến cho chúng sanh nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, cậy vào Phật từ lực, lâm chung tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Hễ được vãng sanh sẽ liền thoát khỏi nỗi khổ luân hồi trong tam giới, từ đấy tiến tu dần dần cho đến khi thành Phật thì mới là thật nghĩa rốt ráo của Niệm Phật.
Nhân duyên thứ nhất: Nếu luận về nhân duyên dẫn đến [pháp hội Niệm Phật Thất này] thì sẽ phải nói rất dài. Từng nhớ năm Dân Quốc 11 (1922), Quang đến đất Thân (Thượng Hải), trụ tại chùa Thái Bình. Cư sĩ Giang Dịch Viên do chiếc tàu thủy Đại Thăng bị hỏa hoạn, muốn làm Phật sự [để cầu siêu cho các nạn nhân], Quang khuyên ông ta nên mở Niệm Phật Thất. Lại khuyên người chủ quản công ty ấy tham dự Niệm Phật Thất cho đến mãn thất. Ấy là vì niệm Phật có lợi ích thù thắng hơn công đức của những thứ Phật sự khác; vì muốn cho những người bị chết cháy, chết đuối được hưởng lợi ích chân thật cho nên khuyên chuyên nhất niệm Phật!
Năm trước, vợ ông Giang mất, muốn làm Phật sự, gởi một trăm đồng cậy Quang làm Phật sự. Do vậy, bèn mở một Niệm Phật Thất tại chùa Pháp Vũ núi Phổ Đà. Đêm viên mãn Phật Thất, khá có linh cảm. Đối với niệm Phật, ông Giang đã sẵn mang lòng hết sức thiết tha, cả nhà bị ông ta cảm hóa, niệm Phật cũng rất thiết tha, chân thật. Do vậy trong khi tang ma, cả nhà đều niệm Phật. Chẳng phải chỉ có như vậy, do ông Giang khá có tiếng tăm nơi quê hương, ông cũng thường luôn khuyên người làng niệm Phật. Người trong một vùng đều bị ông ta cảm hóa. Phàm người làng đến phúng điếu, toan tế vong, ông ta đều khước từ, bảo với họ: “Phàm ai đến điếu tang, hãy niệm Phật [trong thời gian cháy hết] một cây hương sẽ tốt hơn là tế lễ nhiều lắm”. Do vậy, dân làng chia ra mấy ban, mỗi ngày một ban đến niệm Phật, niệm tới mấy ngày mới hết.
Do có nguyên nhân này, con của ông Giang tên là Hữu Bằng vào đêm viên mãn Phật Thất tại chùa Pháp Vũ nằm mộng thấy nhận được nhiều lá thư, liền cầm một bức lên Phật đường trên lầu để xem. Ngọn đèn trong Phật đường sáng hơn ánh chớp, bóc bức thư ra thì chính là một bức vẽ về cảnh tượng trong thế giới Cực Lạc. Pháp Vũ mở Phật Thất có tất cả mười sáu vị Tăng nhân. Trước hôm mở Phật Thất một ngày, Quang đối trước Tăng chúng nói: “Quý vị niệm Phật phải thật thà, khẩn thiết thì mình lẫn người mới đều được lợi ích”. Do vậy, mỗi vị tăng sĩ đều nghiêm túc. Đấy cũng là một cái nhân tạo nên sự linh cảm. Tình hình đại lược về chuyện này đã được đăng tên tờ Lâm San của Cư Sĩ Lâm. Muốn biết những nét chánh yếu, có thể tìm đọc [trong báo ấy].
Năm ngoái, cha của cư sĩ Giang Dịch Viên mất, ông ta cũng gởi tiền cậy Quang mở Phật Thất. Năm nay, bạn ông ta là Ngô Trường Vinh có mẹ vừa mất, cũng gởi tiền cậy mở Phật Thất. Thư ấy gởi đến Phổ Đà thì hôm mồng Ba tháng đó Quang sang Thượng Hải. Mồng Bốn đến Nam Kinh, mồng Bảy trở về đất Hỗ, mới biết chuyện ấy, liền bàn bạc với hòa thượng Chân Đạt chùa Thái Bình, nhưng chùa Thái Bình đã nhận lời mở thất niệm Phật cho nhà ông Triệu Trúc Quân, chẳng thể cùng tiến hành được. Lại chuyển sang bàn bạc với cư sĩ Quan Biệt Tiều để lấy Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã làm đạo tràng. Quan cư sĩ chấp thuận; do vậy, hôm nay mở đạo tràng Phật Thất tại đây.
Cư sĩ Giang Dịch Viên bình sinh thích niệm Phật nhất, đề xướng pháp môn Niệm Phật chẳng tiếc sức thừa, khá có linh cảm. Năm ngoái, vùng Vụ Nguyên bị hạn hán, Dịch Viên khuyên mọi người nhất tâm niệm Phật, chẳng đầy mấy bữa trời mưa một trận lớn. Do vậy, lập ra Phật Quang Liên Xã, người tham dự liên xã đông lắm, cũng lôi kéo Quang làm hội trưởng danh dự. Niệm Phật có đủ mọi chuyện linh cảm khác nhau. Những chuyện như cầu mưa, cầu tạnh và lành bệnh v.v… đều khá rõ rệt, đủ biết niệm Phật lợi ích lớn nhất. Đấy chính là nhân duyên thứ nhất.
Ngoài ra, năm ngoái cư sĩ Lý Vân Thư do người em dâu bệnh nặng, đến chùa Thái Bình muốn làm Phật sự, tôi khuyên ông ta mở Niệm Phật Thất. Bệnh của người em dâu đã được rất nhiều y sĩ chữa chạy nhưng chẳng lành. Vị thầy thuốc cuối cùng thương cô ta bị đau khổ khó thể chịu đựng đã khuyên nên uống thuốc độc cho mau chết. Do vậy, Vân Thư lập cách cầu Phật gia bị nên đến đây bàn bạc với Quang, Quang bảo mở Niệm Phật Thất. Không lâu sau, Quang trở về núi, cũng chẳng biết cô ta được lợi ích ra sao! Đến mồng Bảy tháng Tư năm nay, Quang sang Cư Sĩ Lâm thăm pháp sư Đế Nhàn. Ông Lý Vân Thư cũng đến, cho biết năm ngoái vào hôm đầu tiên của Niệm Phật Thất, cô em dâu ông ta nằm mộng thấy cô ta đến Tam Thánh Đường cùng với tăng chúng niệm Phật, niệm Phật rất lâu, rất thanh thản, thoải mái, bệnh liền nhẹ dần. Vân Thư bảo cô ta: “Tôi đã niệm Phật cho mợ ở chùa Thái Bình chứ không phải là Tam Thánh Đường”. Cô em dâu cãi: “Không phải chùa Thái Bình, mà là Tam Thánh Đường”. Sau này, hỏi thăm mới biết chùa Thái Bình chính là hạ viện của Tam Thánh Đường núi Phổ Đà. Đủ thấy người bị bệnh nếu biết niệm Phật vẫn được Phật lực gia bị khiến cho bệnh được lành. Chuyện này là một chứng cớ rõ ràng vậy!
Trong tháng Bảy năm nay, chính ông Lý Vân Thư bị bệnh. Đang lúc bệnh nặng, thỉnh mấy vị cư sĩ niệm Phật; về sau, do hôn mê bất tỉnh nhân sự bèn thôi. Kế đó, nghĩ tới chuyện năm ngoái đã từng vì người em dâu mở Niệm Phật Thất, bèn sai người đến chùa Thái Bình hỏi tôi và hòa thượng Chân Đạt. Do hai người chúng tôi cùng trụ tại Phổ Đà, ông Lý liền gởi thư xin chúng tôi sang Thượng Hải mở Niệm Phật Thất. Do nhằm tháng Bảy, đã qua khỏi kỳ dâng hương tại Phổ Đà, gặp đúng dịp thanh nhàn, chúng tôi liền mở Phật Thất tại Tam Thánh Đường núi Phổ Đà, chọn ngày Mười Bốn tháng Bảy để khai đàn, ngày Hai Mươi viên mãn. Hôm Mười Ba, Quang liền gởi thư cho Vân Thư; hôm Mười Bảy, ông ta gởi thư trả lời cho biết bệnh đã khỏi được tám chín phần. Hiện thời, Lý Vân Thư đã hoàn toàn lành bệnh, chỉ có điều sức lực vẫn chưa được bình phục hoàn toàn. Lý Vân Thư bệnh nặng như thế mà nhờ Phật Thất gia bị liền được khỏi hẳn bệnh. Linh nghiệm như thế, đấy là một chứng cớ rõ rệt thứ hai vậy.
Phần thứ hai là cương lãnh. Con người hiện thời phần nhiều chuộng lạ, chuộng bày vẽ phô trương, như pháp hội Hộ Quốc Nhân Vương, pháp hội Kim Quang Minh, pháp hội trì chú Lăng Nghiêm, pháp hội Đại Vân Luân[1] v.v… Những thứ pháp hội ấy có công đức lợi ích chẳng thể nghĩ bàn, nhưng do người đời nay tài lực ít ỏi, thể lực kém cỏi, tuy nói là “cử hành”, nhưng khó thể đạt được lợi ích thù thắng, vì đấy không phải là chuyện ai cũng có thể thực hiện được. Nếu niệm Phật, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì không một ai chẳng thể làm được! Cho nên về mặt lợi ích, không có một pháp hội nào sánh bằng niệm Phật! Bởi lẽ, pháp môn Niệm Phật thích hợp khắp ba căn, phù hợp căn cơ nhất. Dẫu là đứa con nít bé tẹo vẫn có thể làm được, chứ nếu niệm kinh thì chỉ có một số ít người biết niệm, chẳng phải ai cũng đều biết niệm!
Bốn hay năm năm (5 năm) trước, từ Tứ Xuyên có gởi tới một thông cáo, cho biết vùng Xuyên Trung chiến sự không ngớt, muốn cầu cho chiến tranh ngưng dứt, khuyên hết thảy mọi người niệm chú Lăng Nghiêm. Cần phải biết rằng: Những người có thể tụng đọc chú Lăng Nghiêm thì trong ngàn người khó kiếm được một kẻ! Họ còn in ra rất nhiều bản [chú Lăng Nghiêm] cho người ta đeo và dán trên đầu cửa. Sự việc khá phiền phức, tốn kém lại nhiều, sao bằng niệm Phật hoặc niệm chú Đại Bi hoặc niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, so ra thẳng chóng, thích đáng hơn! Vì thế, tôi thấy những kẻ xướng suất, đề nghị tụng chú Lăng Nghiêm thật nực cười! Bởi lẽ, họ chỉ chú trọng phô trương, chứ không quan tâm đến thực chất. Đã là như thế thì lợi ích sẽ kém xa niệm Phật, bởi một câu A Di Đà Phật chính là vô thượng Bồ Đề giác đạo được chứng bởi chính đức Phật. Nếu chúng ta có thể dùng danh hiệu này để tự huân tập [cái tâm mình] thì lâu ngày chầy tháng khí phận sẽ tương đồng với Phật.
Huống chi câu Phật hiệu ấy không một ai chẳng thể niệm được. Dẫu lười nhác, biếng trễ chẳng chịu niệm, nhưng nghe âm thanh niệm Phật của mọi người cũng có lợi ích. So sánh đôi bên, cố nhiên niệm Phật vượt trỗi niệm kinh nhiều lắm! Do niệm Phật giản tiện tột bậc, ngay như kẻ chẳng niệm Phật nhưng nghe âm thanh niệm Phật lọt qua tai liền được gieo thiện căn. Do vậy, một câu Phật hiệu này rót vào trong tám thức điền, trong tương lai khi gặp duyên sẽ nẩy sanh. Ví dù bị oán quỷ, bệnh ngặt bức bách, niệm Phật sẽ đều trừ được. Do vậy, phàm những người có tín tâm niệm Phật hãy nên đem điều này khuyên khắp mọi người khác tu trì, chứ chẳng phải chỉ riêng với cha con, người trong nhà là nên khuyên chỉ, ngay cả với hết thảy những ai hữu duyên cũng đều nên khuyên chỉ như thế.
Hỏi: Một pháp Niệm Phật vì sao lại có thể coi là thích hợp khắp cả ba căn?
Đáp: Tội nhân Ngũ Nghịch Thập Ác cực nặng lúc sắp mạng chung, tướng địa ngục hiện, nghe thiện tri thức dạy niệm Phật bèn niệm mười tiếng hoặc niệm mấy tiếng liền được đức Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Do kẻ ấy bị khổ sở bức bách, phát tâm khẩn thiết, nên được thành tựu; chẳng thể nào đem so với kẻ niệm Phật hờ hững, hời hợt để rồi sanh lòng nghi. Đấy là hạ căn. Nếu luận về thượng căn thì từ bậc Sơ Phát Tâm Trụ cho đến Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ đều phải niệm Phật hồi hướng vãng sanh hòng viên mãn Phật Quả. Do vậy, nói: “Hết thảy pháp môn đều phải lấy niệm Phật làm chỗ quy túc”. Nếu chỉ ham cao chuộng xa, bàn nói điều huyền lẽ diệu thì sẽ như đếm vật báu của người khác, chính mình chẳng được nửa xu, rốt cuộc chính mình chẳng được hưởng dùng chi hết! Vì phải đạt tới mức “nghiệp tận, tình không” thì mới có thể liễu sanh tử; nếu chỉ nói xuông, có ích gì đâu?
Cần biết rằng: Kiến Hoặc và Tư Hoặc chính là căn bản sanh tử. Chưa đạt đến địa vị “nghiệp tận, tình không”, sẽ do đâu mà liễu sanh tử được? Niệm Phật cậy vào Phật từ lực nên lợi ích sâu rộng. Vì thế, Thanh Lương quốc sư nói: “Ngu phu, ngu phụ cắm cúi niệm Phật liền có thể ngầm thông Phật trí, thầm hợp đạo mầu”. Pháp môn Niệm Phật hợp với thời cơ đời Mạt Pháp nhất. Hòa Thượng Thiện Đạo nói: “Nếu luận về học Giải thì hết thảy pháp môn đều phải nên học. Nếu luận về tu trì, cần phải chọn lấy một môn khế lý, khế cơ thì mới có lợi ích thật sự”. Pháp môn Niệm Phật nhân trùm biển quả, quả tột nguồn nhân, là khế lý, khế cơ nhất, con người hiện thời đều nên tu trì. Nhưng pháp môn Niệm Phật cũng có rất nhiều lối, cầu lấy một đường lối thỏa đáng thì chỉ có Trì Danh. Ngay như cách tu Quán Tượng, Quán Tưởng cũng có khuyết điểm! Bởi lẽ, tâm địa chẳng sáng suốt, không hiểu rõ cách Quán, chắc là ma sự sẽ dấy lên. Nếu quán Thật Tướng thì ai có thể khế nhập thấu triệt được? Do vậy, người niệm Phật chớ nên chú trọng những gì cao xa, mà hãy nên chuyên chú nơi những gì thực tiễn.
Hễ tưởng nghĩ đến đời sau thì niệm Phật sẽ thật thiết tha, sẽ tự nhiên đạt được những cảnh giới khá tịnh diệu trong hiện tại. Quang khuyên [các hành nhân tu Tịnh Độ] chỉ nên mong đạt được nhất tâm, đừng mong tưởng cảnh giới. Nếu không, khó tránh khỏi bị ma dựa! Trong tháng Tư năm nay, có người gởi thư đến kể những cảnh giới cực kỳ hiểm ác, Quang viết thư cho ông ta, khuyên nên nhiếp tâm tịnh niệm. Tất cả cảnh giới đều là huyễn hóa; với cảnh giới tốt đẹp đừng nên hoan hỷ, với cảnh giới xấu ác đừng nên sợ hãi, chúng sẽ tự tiêu diệt. Cần biết rằng: “Ngàn sông bóng nước, ngàn trăng rọi; muôn dặm không mây, muôn dặm trời”. Nếu đạt tới lúc tâm và Phật tương ứng thì có cảnh giới hay không cảnh giới đều được cả! Chưa đạt đến lúc tâm tương ứng với Phật, cứ lầm lạc muốn thấy cảnh giới thù thắng, nhiệm mầu, thì chính là cái gốc để chuốc lấy ma sự đấy!
Cổ nhân nói: “Học đạo trong các môn khác như con kiến bò lên núi cao; niệm Phật vãng sanh như đã nương theo gió căng buồm lại còn thuận nước”. Kinh Hoa Nghiêm bao gồm trọn vẹn các pháp, xét đến chỗ quy túc thì chính là hồi hướng vãng sanh Tây Phương. Các kinh Đại Thừa không kinh nào chẳng tán dương Tịnh Độ, nhưng bốn kinh Tịnh Độ chuyên giảng đến tột cùng. Ở Tây Thiên thì các vị Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ v.v… tự hành, dạy người, đều cùng chỉ quy Tịnh Độ. Nơi Đông Độ, từ khi Viễn Công sáng lập Liên Xã ở Lô Sơn trở đi, Đàm Loan, Đạo Xước, Thiên Thai, Thiện Đạo v.v… đời nào cũng nghe nói có người, ấy là vì Phật đã sớm biết chúng sanh đời sau căn khí mỏng yếu nên đặc biệt mở ra pháp môn Niệm Phật. Vì thế, các vị Bồ Tát, tổ sư cực lực đề xướng để mong hết thảy chúng sanh đều cùng liễu sanh thoát tử ngay trong đời này. Tục ngữ có câu: “Thiểu thật thắng đa hư, đại xảo bất như chuyết” (Thật ít hơn dối nhiều, khéo quá chẳng bằng vụng). Pháp môn Niệm Phật phải tu bằng thật hạnh, nên lúc lâm chung Liên Trì đại sư dặn dò đại chúng rằng: “Xin mọi người hãy thật thà niệm Phật”. Nếu các vị thật thà niệm Phật sẽ chẳng phụ lòng đức Như Lai đại từ bi đã nói ra pháp môn đặc biệt này!
***
[1] Pháp hội Đại Vân Luân là pháp hội tụng kinh Đại Vân Luân Thỉnh Vũ nhằm cầu mưa trong khi pháp hội Nhân Vương Hộ Quốc và Kim Quang Minh tụng Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Kinh và Kim Quang Minh Kinh để cầu an, tiêu tai giải nạn. Đại Vân Luân Thỉnh Vũ Kinh (Mahā-megha-sūtra) do ngài Bất Không dịch vào đời Đường, bao gồm những bài đà-la-ni để cầu mưa. Trong quyển Thượng của kinh này đã kể ra mười thứ mây cúng dường to lớn như biển, lợi ích của mưa và năm mươi bốn danh hiệu Phật, quyển Hạ gồm các bài đại đà-la-ni. Kinh này do đức Phật giảng cho các vị đại tỳ-kheo, đại Bồ Tát, và tám trăm mấy chục vị long vương tại Đại Vân Đạo Tràng Bảo Lâu Các của Ô Ba Nan Đà long vương. Kinh này chính là bản dịch khác của phẩm Đại Vân Kinh Thỉnh Vũ trong kinh Đại Phương Đẳng (do ngài Xà Na Quật Đa dịch vào đời Tùy).