KINH A DI ĐÀ YẾU GIẢI
Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc Đại Sư Soạn
Việt dịch: Bồ Tát Giới Đệ Tử Tuệ Nhuận
C. PHẦN LƯU THÔNG(LƯU THÔNG PHẬN)
Một pháp môn Tín, Nguyện, Trì Danh này hoàn toàn thu được tất cả và vượt lên trên tất cả các pháp môn. Về bề dọc thì giống với hết thảy các pháp môn, về bề ngang thì khác hẳn với các pháp môn (Câu nói này rất là minh bạch. Trong các kinh luận, cũng có nghĩa về bề ngang là tùy người tu đoạn trừ được mê hoặc nhiều hay ít, tức là ở một cõi Đồng Cư mà thấy được 3 cõi trên. Như thế: Bề ngang có nghĩa là chứng được quả vị; bề dọc có nghĩa là đoạn trừ mê hoặc).
Kinh này đã là kinh “không ai hỏi mà tự Phật nói ra” thì chẳng ai có thể lưu thông, truyền bá được. Chỉ có Phật cùng Phật mới có tài năng thấu hết được Thực tướng của mọi pháp, vậy kinh này chỉ có ở cảnh giới Phật và chỉ có chư Phật mới có thể cùng nhau mà lưu thông cho nhau được mà thôi.
Đoạn văn kinh này chia làm 2 phần lớn:
1. PHỔ KHUYẾN (khuyên tất cả nên tu).
2. KẾT KHUYẾN (kết lại khuyên tu).
Trong phần Phổ Khuyến, có 3 đoạn:
1. Khuyến Tín Lưu Thông.
2. Khuyến Nguyện Lưu Thông.
3. Khuyến Hạnh Lưu Thông.
PHỔ KHUYẾN
1. KHUYẾN TÍN LƯU THÔNG
Trong đoạn Khuyến Tín Lưu Thông, trước là chư Phật nêu cái tên kinh lên, sau là Phật Thích Ca thích nghĩa tên kinh (Kinh này, theo bản dịch đời Đường thì có những 10 đoạn nói về 10 phương; nhưng bản dịch này rút bớt đi, chỉ có 6 đoạn về sáu phương thôi). Dưới đây là chư Phật trong sáu phương nêu cái tên bộ kinh này lên.
1. Phương Đông
Kinh văn
Hán: Xá Lợi Phất! Như ngã kim giả tán thán A Di Đà Phật bất khả tư nghị công đức chi lợi. Đông phương diệc hữu A Súc Bệ Phật, Tu Di Tướng Phật, Đại Tu Di Phật, Tu Di Quang Phật, Diệu Âm Phật, như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật, các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thực ngôn: “Nhữ đẳng chúng sinh đương tín thị Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm kinh”.
Việt: Xá Lợi Phất ơi! Như ta ngày nay khen sự lợi ích về công đức của Phật A Di Đà chẳng xiết nghĩ bàn thì bên Đông phương cũng có chư Phật: Phật A Súc Bệ, Phật Tu Di Tướng, Phật Đại Tu Di, Phật Tu Di Quang, Phật Diệu Âm, còn nhiều Phật khác như cát sông Hằng cũng như thế nữa, đều ở nước mình và đều hiện ra tướng lưỡi rộng dài che khắp ba nghìn đại thiên thế giới, nói lời thành thật rằng: Chúng sinh ngươi nên tin kinh này là một bản kinh “tán thán công đức chẳng xiết nghĩ bàn và được hết thảy chư Phật hộ niệm”.
Bốn chữ “bất khả tư nghị” là chẳng khá nghĩ bàn. Giải thích lược qua có 5 ý nghĩa:
1. Người niệm Phật có thể vượt tắt ra ngoài tam giới ngay, chẳng phải cứ đợi đến ngày đoạn trừ mê hoặc.
2. Cứ sinh sang Tây Phương rồi là được lên đủ cả 4 cõi Tịnh Độ, chẳng phải noi lên dàn dần từng cõi một (Ý nghĩa này là nói người niệm Phật sinh sang Tây Phương là được thành Bồ Tát bất thoái và Nhất Sinh Bổ Xứ ngay).
3. Cứ chuyên trì niệm danh hiệu Phật thôi, chẳng cần đến các phép phương tiện nào khác như là tu Thiền Định và quán tưởng (ý nghĩa này có công đức lớn lao trong phép tu Tịnh Độ).
4. Trong một tuần 7 ngày có thể thành công, chẳng cần đến nhiều kiếp, nhiều đời, nhiều năm, nhiều tháng.
5. Cứ trì niệm một danh hiệu Phật A Di Đà, tức là được chư Phật hộ niệm, chẳng khác gì người trì niệm danh hiệu của hết thảy chư Phật.
Năm ý nghĩa này đều nhờ ở Nguyện lớn và Hạnh lớn của thầy ta mới được thành tựu như thế. Cho nên Phật Thích Ca nói rằng: “Đây là sự lợi ích về công đức của Phật A Di Đà chẳng khá nghĩ bàn”.
Lại còn ý nghĩa nữa là: Người tu hành cứ việc Tín, Nguyện, Trì Danh sẽ thu nhiếp được hoàn toàn công đức của Phật A Di Đà làm thành công đức của mình cho nên cũng nói rằng: “Đây là sự lợi ích về công đức của Phật A Di Đà chẳng thể nghĩ bàn” (chỉ cậy sức mình giỏi mà tu thành được thì hiếm lắm!)
Lại ở bài dưới, Phật Thích Ca còn nói rằng: “Công đức chẳng xiết nghĩ bàn của chư Phật kia… và công đức của ta chẳng xiết nghĩ bàn…” Thế là chư Phật kia và Phật Thích Ca cũng đều lấy công đức của Phật A Di Đà làm của mình vậy.
Chữ A Súc Bệ là tiếng Ấn Độ, dịch ra chữ Hán là Vô Động, nghĩa là không chuyển động. Mỗi vị Phật đều có vô lượng công đức, cho nên tùy cơ mà lập ra vô lượng danh hiệu. Có khi lấy nghĩa về nhân, hoặc về quả, về tính, về tướng, về hạnh, về nguyện v.v… Tuy nói một quả, mà trong vẫn đủ 4 phần lợi ích Tất Đàn. Cứ tùy theo mỗi một danh hiệu là hiểu rõ ra một công đức, nhiều lắm nói đến cả kiếp cũng chẳng nói hết được.
Quãng hư không đi về phương Đông chẳng thể đi đến đâu là hết được thì những thế giới ở đấy nhiều lắm, cũng chẳng thể nói hết được. Những thế giới ở đấy đã chẳng thể nói hết được thì chư Phật ở những thế giới ấy nhiều lắm cũng chẳng thể kể ra hết được, mà phải tạm nói là “nhiều bằng số cát sông Hằng” đấy thôi.
Các vị Phật nhiều như thế, vị nào cũng hiện ra tướng lưỡi rộng dài khuyên nên tin kinh này mà tu hạnh niệm Phật, thế mà chúng sinh vẫn chẳng chịu tin thì ngoan cố, u minh lắm lắm.
Người thường giữ được giới Bất Vọng Ngữ trong 3 đời, khi sinh ra có lưỡi rộng dài, lè ra uốn lên đến mũi. Đức Phật của Tạng Giáo giữ giới Bất Vọng Ngữ trong 3 đại a tăng kỳ kiếp cho nên khi sanh ra lưỡi mỏng và rộng dài lè ra che kín cả mặt. Nay Ngài đã triệt để chứng được pháp môn mầu nhiệm Đại Thừa Tịnh Độ này cho nên lưỡi che khắp Đại Thiên Thế Giới là để nêu rõ chính lý pháp thân thực xứng hợp với chân thân là một sự thực có vậy.
Trong 6 đoạn văn nói về 6 phương, đoạn nào chư Phật cũng nêu ra cái tên kinh này ra, gọi là kinh: “Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức, Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm” chính là căn bản lưu thông truyền bá kinh này. Ngài pháp sư Cưu Ma La Thập thuận theo người ở đây ưa nói vắn tắt, mà dịch tên kinh này là kinh A Di Đà, tật là khéo dịch, hợp với hạnh tu Trì Danh (kinh niệm Phật A Di Đà). Ngài pháp sư Trần Huyền Trang lại dịch là kinh “Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thụ”. Lời văn tuy có tường tận hay sơ lược khác nhau, nhưng chính nghĩa vẫn không có thêm, bớt.
2. Phương Nam
Kinh văn
Hán: Xá Lợi Phất! Nam phương thế giới hữu Nhật Nguyệt Đăng Phật, Danh Văn Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, Tu Di Đăng Phật, Vô Lượng Tinh Tấn Phật, như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật, các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thực ngôn: “Nhữ đẳng chúng sinh đương tín thị Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm kinh”.
Việt: Xá Lợi Phất ơi! Thế giới Nam Phương cũng có chư Phật: Phật Nhật Nguyệt Đăng, Phật Danh Văn Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tu Di Đăng, Phật Vô Lượng Tinh Tấn, còn nhiều Phật khác như cát sông Hằng cũng như thế nữa, đều ở nước mình và đều hiện ra tướng lưỡi rộng dài che khắp ba nghìn đại thiên thế giới, nói lời thành thật rằng: Chúng sinh ngươi nên tin kinh này là một bản kinh “tán thán công đức chẳng xiết nghĩ bàn và được hết thảy chư Phật hộ niệm”.
3. Phương Tây
Kinh văn
Hán: Xá Lợi Phất! Tây phương thế giới hữu Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Tướng Phật, Vô Lượng Tràng Phật, Đại Quang Phật, Đại Minh Phật, Bảo Tướng Phật, Tịnh Quang Phật, như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật, các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thực ngôn: “Nhữ đẳng chúng sinh đương tín thị Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm kinh”.
Việt: Xá Lợi Phất ơi! Thế giới Tây Phương cũng có chư Phật: Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Tướng, Phật Vô Lượng Tràng, Phật Đại Quang, Phật Đại Minh, Phật Bảo Tướng, Phật Tịnh Quang, còn nhiều Phật khác như cát sông Hằng cũng như thế nữa, đều ở nước mình và đều hiện ra tướng lưỡi rộng dài che khắp ba nghìn đại thiên thế giới, nói lời thành thật rằng: Chúng sinh ngươi nên tin kinh này là một bản kinh “Tán thán công đức chẳng xiết nghĩ bàn và được hết thảy chư Phật hộ niệm”.
4. Phương Bắc
Kinh văn
Hán: Xá Lợi Phất! Bắc Phương thế giới hữu Diệm Kiên Phật, Tối Thắng Âm Phật, Nan Trở Phật, Nhật Sinh Phật, Võng Minh Phật, như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật, các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thực ngôn: “Nhữ đẳng chúng sinh đương tín thị Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm kinh”.
Việt: Xá Lợi Phất ơi! Thế giới Bắc Phương cũng có chư Phật: Phật A Diệm Kiên, Phật Tối Thắng Âm, Phật Nan Trở, Phật Nhật Sinh, Phật Võng Minh, còn nhiều Phật khác như cát sông Hằng cũng như thế nữa, đều ở nước mình và đều hiện ra tướng lưỡi rộng dài che khắp ba nghìn đại thiên thế giới, nói lời thành thật rằng: Chúng sinh ngươi nên tin kinh này là một bản kinh “tán thán công đức chẳng xiết nghĩ bàn và được hết thảy chư Phật hộ niệm”.
5. Hạ phương
Kinh văn
Hán: Xá Lợi Phất! Hạ phương thế giới hữu Sư Tử Phật, Danh Văn Phật, Danh Quang Phật, Đạt Ma Phật, Pháp Tràng Phật, Trì Pháp Phật, như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật, các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thực ngôn: “Nhữ đẳng chúng sinh đương tín thị Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm kinh”.
Việt: Xá Lợi Phất ơi! Thế giới Hạ phương cũng có chư Phật: Phật Sư Tử, Phật Danh Văn, Phật Danh Quang, Phật Đạt Ma, Phật Pháp Tràng, Phật Trì Pháp, còn nhiều Phật khác như cát sông Hằng cũng như thế nữa, đều ở nước mình và đều hiện ra tướng lưỡi rộng dài che khắp ba nghìn đại thiên thế giới, nói lời thành thật, rằng: Chúng sinh ngươi nên tin kinh này là một bản kinh “tán thán công đức chẳng xiết nghĩ bàn và được hết thảy chư Phật hộ niệm”.
Trong đoạn này có danh hiệu đức Phật Đạt Ma là tiếng Ấn Độ, dịch ra chữ Hán là Pháp.
(Trong 6 phương, Phật nói về 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc thì ta còn có thể hiểu được, đây là nói về Hạ phương và đoạn sau nói về Thượng Phương thì người không học Phật rất khó hiểu, khó tin).
Thế nào là Hạ phương? Là cái phương ở bên dưới quả đất của ta đây, nghĩa là ở dưới cái vòng phong luân, thủy luân, kim luân của quả đất này, lại có các tầng trời cao nhất, như là cõi trời Phi Phi Tưởng v.v… và xuống mãi, xuống mãi còn có trùng trùng điệp điệp vô cùng tận hằng hà sa số thế giới nữa (Thế là ở bên dưới quả đất của ta ở đây, lại có vô số các ông trời ở đấy. Bên dưới quả đất lại có các ông trời ở thật là một sự lạ. Chỉ kinh Phật nói thế, xưa nay chưa có đạo nào, kinh sách nào nói thế. Ý tưởng người không có Phật học tin làm sao được, thật là một sự rất khó tin trong muôn vàn sự khó tin).
6. Thượng Phương
Kinh văn
Hán: Xá Lợi Phất! Thượng phương thế giới hữu Phạm Âm Phật, Tú Vương Phật, Hương Thượng Phật, Hương Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân Phật, Ta La Thọ Vương Phật, Bảo Hoa Đức Phật, Kiến Nhất Thiết Nghĩa Phật, Như Tu Di Sơn Phật, như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật, các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thực ngôn: “Nhữ đẳng chúng sinh đương tín thị Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm kinh”.
Việt: Xá Lợi Phất ơi! Thế giới Thượng Phương cũng có chư Phật: Phật Phạm Âm, Phật Tú Vương, Phật Hương Thượng, Phật Hương Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân, Phật Ta La Thọ Vương, Phật Bảo Hoa Đức, Phật Kiến Nhất Thiết Nghĩa, Phật Như Tu Di Sơn, còn nhiều Phật khác như cát sông Hằng cũng như thế nữa, đều ở nước mình và đều hiện ra tướng lưỡi rộng dài che khắp ba nghìn đại thiên thế giới, nói lời thành thật, rằng: Chúng sinh ngươi nên tin kinh này là một bản kinh “tán thán công đức chẳng xiết nghĩ bàn và được hết thảy chư Phật hộ niệm”.
Thế nào là Thượng phương? Là cái phương ở trên quả đất của ta ở đây, đã có các cõi trời cao nhất như là cõi trời Phi Phi Tưởng v.v… thế mà ở trên các tầng trời ấy, lại có vô số quả đất khác cũng có đủ các vòng kim luân, thủy luân, phong luân và tam giới v.v… lên mãi, lên mãi còn có trùng trùng điệp điệp vô cùng tận hằng hà sa số thế giới nữa (Thế là ở trên chỗ các ông trời ở, lại có vô số trái đất và người ở, thế có lạ không? Người không có Phật học tin làm sao, hiểu làm sao được? Mắt Phật soi thấu triệt đến thế là tuyệt đối, chỉ vì Phật đã triệt để dùng được tâm Bồ Đề Vô Thượng của Phật).
Hoặc có người hỏi: Trong các phương, phương nào cũng có Tịnh Độ, cớ gì chỉ tán thán riêng Tịnh Độ ở Tây Phương?
Xin thưa: Ngài hỏi thế, chẳng phải là câu hỏi có ý nghĩa gì (thật khéo trả lời). Giả sử tôi tán thán Tịnh Độ của Phật A Súc Bệ thì ngài lại nghi mà hỏi: Cớ gì chỉ tán thán riêng Tịnh Độ ở Đông Phương? Câu hỏi của ngài thành ra lẩn quẩn, đùa chơi!
Lại có người hỏi: Thế sao không tưởng niệm cả 10 phương pháp giới? (nghiên cứu kỹ câu trả lời dưới đây, đủ biết câu hỏi này cũng là câu lẩn quẩn, đùa chơi!)
Xin thưa: Vì có 3 nghĩa: 1) Khiến người mới vào đạo nhận được tâm Bồ Đề của mình 2) Vì bản nguyện của Phật A Di Đà hơn hết thảy 3) Vì Phật A Di Đà với chúng sinh ở cõi này có duyên riêng.
Bởi vì Phật độ chúng sinh và chúng sinh chịu giáo hóa của Phật, giữa quãng ấy có khó, có dễ, có thiển, có thâm, tóm lại đều tại duyên cả. Tại duyên là phải có nhiều ân đức vừa sâu vừa rộng (tức là bản nguyện hơn hết thảy), và phải có nhiều lối mở dạy cho người ta (tức là nêu cái tâm Bồ Đề cho người ta thấy rõ). Có thế thì mới đủ 4 lợi ích bố thí cho người ta:
1) Khiến cho người ta vui mừng, tin sâu vào đạo (tức là lợi ích Hoan Hỷ).
2) Khiến cho người ta phải xúc động cái mầm thiện gieo từ kiếp trước (tức là lợi ích Sinh Thiện).
3) Khiến cho ma chướng không thể cản được người ta nữa (tức là lợi ích Phá Ác).
4) Khiến cho người ta mở rộng được thể tánh Bồ Đề của người ta (tức là lợi ích Nhập Lý).
Chư Phật vốn là từ trong Pháp Thân của các Ngài mà hiển hiện ra hình tích lưu lại cho đời, cốt để cố kết lấy cái mầm duyên với đời, cho cả người thế gian và người xuất thế gian, hết thảy đều thần diệu chẳng khá nghĩ bàn. Các Ngài tôn trọng giáo lý Đại Thừa, đem tuyên dương vào hải hội (tức là vì cả thế giới). Các Ngài lăn vào bể khổ (tức là vì nhân loại đối trị tính ác). Tâm nhân từ của các Ngài khế hợp với tâm Thường Tịch Quang (tức là Đệ Nhất Nghĩa), vì thế mà vạn đức phải kính vâng các Ngài, quần linh phải chầu cả về các Ngài.
Ta lại nên biết mầm thành Phật phải nhờ duyên mới khởi lên được, duyên ấy tức là cả Pháp Giới; vậy thì một niệm tức là hết thảy niệm, một chúng sinh tức là hết thảy chúng sinh, một hương, một hoa, một thanh, một sắc… cho đến một khi chịu sám hối, được thụ ký, được xoa đầu, được dắt tay v.v… khắp cả 10 phương, suốt cả ba đời, không một chỗ nào, không một giây phút nào mà không lan tràn, dung hòa khắp cả tâm một, cho nên cái nhân tăng thượng duyên này (cái duyên làm cho tăng thêm lên) được gọi là pháp giới duyên khởi.
Đó chính là cái nghĩa “biến duyên pháp giới”, tức là tưởng niệm và kết duyên với cả 10 phương pháp giới vậy. Như thế (thì vẫn chẳng ra ngoài pháp giới), người tu ở ngôi thấp kém vẫn có thể quyết chí chuyên cầu sinh sống ở Tây Phương được. Và người tu ở ngôi cao sâu (thì còn pháp giới nào nữa) mà phải bỏ Tây Phương để mong cầu riêng lấy một thế giới Hoa Tạng?
Nếu người nào còn bảo Tây Phương là Quyền Giáo, Hoa Tạng mới là Thực Giáo, Tây Phương là Tiểu Thừa, Hoa Tạng mới là Đại Thừa thì hoàn toàn là sa đọa vào hạng chúng sinh mang cái thức tính Biến Kế Chấp (là cái ý tưởng mơ hồ). Bởi vì người ấy chẳng hiểu thế nào là Quyền, là Thực, là Đại, là Tiểu, tất cả 4 giáo môn chỉ là đồng một thể, mà không có tự tính riêng biệt (câu này phá tan được cái tâm nghi hoặc từ hơn một nghìn năm nay)
Dưới đây, Phật Thích Ca thích nghĩa cái TÊN bộ kinh này:
Kinh văn
Hán: Xá Lợi Phất! Ư nhữ ý vân hà? Hà cố danh vi Nhất Thiết Chư Phật Chi Sở Hộ Niệm? Xá Lợi Phất! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân văn thị kinh, thọ trì giả, cập văn chư Phật danh giả, thị chư thiện nam tử, thiện nữ nhân giai vi nhất thiết chư Phật chi sở hộ niệm, giai đắc bất thoái chuyển ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Thị cố Xá Lợi Phất! Nhữ đẳng giai đương tín thụ ngã ngữ cập chư Phật sở thuyết.
Việt: Xá Lợi Phất ơi! Ý ông thế nào? Sao gọi kinh này là kinh “Nhất thiết chư Phật hộ niệm”? Xá Lợi Phất này! Nếu có thiện nam hay là thiện nữ nghe kinh này rồi, mà chịu nhớ lấy cả những danh hiệu chư Phật sáu phương, nghe rồi nhớ lấy thì thiện nam ấy hay thiện nữ ấy đều được hết thảy chư Phật hộ niệm và được tới cõi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề chẳng hề lui chuyển. Vì thế cho nên, ông Xá Lợi Phất cùng các ông đây đều nên tin chịu lời ta và lời chư Phật đã nói.
Bộ kinh này chuyên nói về tâm yếu vô thượng (tức là nói cái tâm trọng yếu hơn hết), những danh hiệu của chư Phật, hết thảy đều hiểu rõ muôn ngàn công đức đầy đủ rốt ráo trên hết, cho nên người nào được nghe kinh này và danh hiệu của chư Phật ở kinh này đều được chư Phật hộ niệm. Lại người nghe kinh và thụ trì kinh tức là người chấp trì danh hiệu (người niệm Phật). Bởi vì danh hiệu của Phật A Di Đà bao giờ cũng được chư Phật hộ niệm.
Hoặc có người hỏi: Chỉ nghe danh hiệu chư Phật mà chưa giữ được nghĩa kinh thì có được chư Phật hộ niệm 1 lên ngôi Bất Thoái không?
Thưa: Cái nghĩa “nghe” ở đây có phần Cuộc và phần Thông.
Về phần Cuộc thì như kinh Chiêm Sát có nói: “Kẻ nào mang cái tâm tạp loạn nhơ bẩn thì tuy có niệm danh hiệu của ta mà vẫn chẳng phải là đã được nghe danh hiệu của ta, vì tâm người ấy chưa quyết định tin và hiểu, thì chỉ được quả báo phúc thiện ở thế gian thôi, chẳng được lợi ích mầu nhiệm sâu xa rộng lớn. Nếu người niệm Phật đã được đến chỗ Nhất Hạnh Tam Muội 2 thì mới thành được cái tâm có đức hạnh mầu nhiệm rộng lớn và được gọi là đã lên ngôi Tương Tự Vô Sinh Pháp Nhẫn 3. Có thế mới thật là người đã được nghe danh hiệu chư Phật ở khắp mười phương.”
Vậy thời chữ “nghe” ở đoạn kinh này cũng phải có nghĩa sâu xa như ở trong kinh Chiêm Sát. Cho nên cần phải nghe rồi, phải niệm Phật đến chỗ Nhất Tâm Bất Loạn thì mới đáng là “người đã được nghe danh hiệu của chư Phật, được Phật hộ niệm”. Thế là “nghe” ở đây thuộc về nghĩa Cuộc.
Còn nghĩa chữ “nghe” thuộc về phần Thông là: tâm từ bi chư Phật chẳng khá nghĩ bàn, công đức danh hiệu của chư Phật chẳng khá nghĩ bàn, cho nên người nào một khi được nghe một danh hiệu Phật rồi thì bất luận người ấy là người hữu tâm hay vô tâm, tin hay chẳng tin đều đã thành ra cái mầm duyên tốt rồi. Huống chi Phật độ chúng sinh là bình đẳng, coi kẻ oán, kẻ thân như nhau, không hề mỏi mệt. Miễn là được nghe danh hiệu Phật tất là được Phật hộ niệm, còn nghi gì nữa?
Nhưng cứ theo như bộ Kim Cương Tam Luận nói thì một vị Bồ Tát có căn đã chín rồi mới được Phật hộ niệm, tức là được ở vào ngôi Địa Bồ Tát về Biệt Giáo, hay là ngôi Trụ Bồ Tát về Viên Giáo, bởi vì người nào cứ đúng sức mình tu (tự lực) mà tu, tất là phải tu vào bậc “Đồng Sinh Tính” 4 rồi mới được Phật hộ niệm.
Còn như tu Niệm Phật là lối tu nhờ vào sức người (tha lực) thì mau, cho nên lên ngôi “Tương Tự Vô Sinh Pháp Nhẫn” cũng đã được Phật hộ niệm rồi. Và cả đến những người còn ở dưới ngôi Tương Tự ấy cũng đều có cái nghĩa “được Phật hộ niệm” về phần Thông. Và xuống đến dưới nữa là hạng người chỉ một khi được nghe danh hiệu Phật thôi (nhất văn Phật danh), đối với Đồng Thể Pháp Tính 5 của người ấy đã có một sức mạnh phát ra rồi, thì cũng đã gây được cái nhân tốt về đời sau này, chẳng bao giờ lui mất.
Chữ “A Nậu Đa La” nguyên âm Ấn Độ đọc là Anuttara, dịch ra chữ Hán là Vô Thượng, nghĩa là “trên hết”. Chữ Tam Miệu Tam Bồ Đề nguyên âm Ấn Độ đọc là Samyak Sambodhi, dịch ra chữ Hán là Chính Đẳng Chính Giác, nghĩa là giác ngộ bình đẳng chân chính hoàn toàn. Vậy Anuttara Samyak Sambodhi là cái quả chính giác ngộ hoàn toàn của bậc Đại Thừa.
Chữ Bất Thoái ở đây là “viên tam bất thoái”, nghĩa là viên mãn đầy đủ ba ngôi Bất Thoái như trên đã giải thích. Viên Tam Bất Thoái là một danh từ khác nhưng cùng một nghĩa với danh từ “nhất sinh thành Phật” nghĩa là chỉ có một lần sinh chót ấy là thành Phật. Bởi thế, Phật Thích Ca cố khuyên bọn ông Thân Tử (tức Xá Lợi Phất) đều nên tin chịu lời kinh này vậy.
Công đức được nghe danh hiệu Phật mầu nhiệm như thế, Phật Thích Ca và chư Phật khắp mười phương đều tuyên truyền nói ra như thế, mà ta lại còn không tin ư?
Đoạn thứ nhất “Khuyến Tín Lưu Thông” đến đây là hết.
2. KHUYẾN NGUYỆN LƯU THÔNG
Kinh văn
Hán: Xá Lợi Phất! Nhược hữu nhân dĩ phát nguyện, kim phát nguyện, đương phát nguyện, dục sinh A Di Đà Phật quốc giả; thị chư nhân đẳng giai đắc bất thoái chuyển ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, ư bỉ quốc độ, nhược dĩ sinh, nhược kim sinh, nhược đương sinh. Thị cố, Xá Lợi Phất! Chư thiện nam tử, thiện nữ nhân nhược hữu tín giả, ưng đương phát nguyện sinh bỉ quốc độ.
Việt: Xá Lợi Phất ơi! Nếu có những người muốn sinh sang nước Phật A Di Đà mà đã phát nguyện, hoặc nay mới nguyện, hoặc mai mới nguyện thì những người ấy đều được tới cõi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề chẳng hề lui chuyển, và đều được sinh sang cõi nước kia; ai đã phát nguyện thì đã sinh rồi, ai nay mới nguyện thì nay được sinh; còn mai mới nguyện thì mai được sinh. Bởi thế, cho nên Xá Lợi Phất ơi! Các thiện nam ơi, các thiện nữ ơi, nếu có ai tin thì nên phát nguyện sinh sang nước kia.
Trong đoạn kinh này có mấy câu: Ai đã phát nguyện thì đã sinh rồi; ai nay mới nguyện thì nay được sinh; còn mai mới nguyện thì mai được sinh… Đó chính là lời Phật Thích Ca hiển rõ cho ta biết rằng: “Ai đã y cứ vào cái tâm Tịnh Tín của mình mà phát ra lời nguyện cầu sinh Tịnh Độ thì lời nguyện ấy quyết không là nguyện hư ảo vậy.”
Hễ không có Tín thì chẳng thể nào phát nguyện được, mà đã không có Nguyện, không có Tín, thì cũng chẳng thể nào được sinh. Cho nên Phật Thích Ca nói: “Nếu có ai TIN thì nên phát NGUYỆN…”
Lại còn Nguyện ấy là khoán ước của Tín và là then chốt của Hạnh, thì Nguyện phải là một việc thiết yếu lắm. Phật nói một chữ Nguyện thì phải hiểu chữ Tín và chữ Hạnh đều ở cả trong chữ Nguyện ấy rồi. Vì thế mà Phật phải ân cần đến ba lần khuyên phát nguyện.
Lại còn câu cuối đoạn kinh này là: “Nguyện sinh bỉ quốc độ” (nguyện sinh sang nước kia). Câu kinh này tức là 2 pháp môn Hân và Yểm (Hân là hân hoan vui thích, Yểm là yểm ly: chán bỏ).
A) Pháp môn Yểm là yểm ly Ta Bà (chán bỏ cõi Ta Bà vì tệ ác lắm!), phép này cùng với phép tu: Y vào Khổ Đế và Tập Đế mà phát ra 2 hoằng nguyện là: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ” và “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” cùng ứng hợp với nhau.
B) Pháp môn Hân là hân cầu Cực Lạc (vui cầu sang Cực Lạc, vì yên tĩnh lắm!), phép này cùng với phép tu: Y vào Đạo Đế và Diệt Đế mà phát ra 2 hoằng nguyện là: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” và “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.
Vì có Phật nguyện rộng lớn như thế, cho nên Phật mới bảo: “Thì những người ấy đều được tới cõi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề chẳng hề lui chuyển” tức là đắc đạo Bồ Đề, lên ngôi Bất Thoái.
(Đoạn văn này là cả một bí quyết của tông Tịnh Độ mà người đời phần đông mơ mộng không hiểu được rõ ràng đến nơi đến chốn, vì thế mà hiện nay tuy có rất nhiều người niệm Phật mà rất ít người được thành công).
Hoặc có người hỏi: Như ai nay phát nguyện thì chỉ nói là: rồi mai sẽ được sinh mới phải, cớ sao lại nói: “Ai nay phát nguyện thì nay được sinh” là nghĩa làm sao?
Thưa: Câu này cũng có 2 nghĩa:
1. Chữ “nay” ở trong câu này là rút vào một thời kỳ mà nói là “nay”. Như người nào giờ phút này phát nguyện niệm danh hiệu Phật thì đến giờ phút lâm chung (sắp chết) quyết định được sinh Tịnh Độ (Phải có cái nghĩa này mới khiến người niệm Phật chỉ tu trong một đời, một thời kỳ thiết yếu là nhất định thành công không thể sai lạc. Nay phát nguyện thì nay được sinh, chính là nghĩa thế. Chữ “nay” ở đây có nghĩa là: Chỉ trong một đời này).
Chữ “nay” ở trong câu này là rút vào “một niệm” (một giây phút, một sát na) mà nói là “nay”. Nghĩa là mỗi một niệm mà tâm mình ứng hợp với tâm Phật thế là ngay một niệm ấy mình đã được sinh rồi. Niệm nào, niệm nào cũng ứng hợp như thế thì niệm nào, niệm nào mình cũng đã được sinh ngay rồi (Phải có cái nghĩa này mới khiến người niệm Phật thâm nhập vào phép tu “Nhất Hạnh Tam Muội” hay là “Niệm Phật Tam Muội”, bởi thế mà nói: Nay phát nguyện thì nay được sinh).
Nhân mầu nhiệm và quả mầu nhiệm của người niệm Phật đều chẳng bao giờ lìa khỏi. Một tâm (một tâm tức là tâm mình và tâm Phật ứng hợp với nhau làm một), nhân và quả ấy giống như 2 đầu cán cân, hễ lên thì đồng thời lên ngay, xuống thì đồng thời cũng xuống ngay.Vậy thì, người niệm Phật cần gì phải đợi đến hết kiếp Ta Bà rồi mới được sinh vào ao thất bảo? Không, chỉ ngay giờ phút này ta có tín tâm, ta có phát nguyện, ta niệm danh hiệu Phật thì bóng đài sen vàng tươi sáng sủa của ta đã hiện ra ngay rồi. Ta không phải là người trong cõi Ta Bà nữa! (Câu này là một sự thực có đúng với chân lý, chứ không phải là chỉ lý luận suông đâu!) Thực là một phép tu: cực viên, cực đốn, nan nghị, nan tư (rất đầy đủ, rất mau chóng, rất khó bàn, rất khó nghĩ) chỉ có các bậc đại trí tuệ mới thâm tín, thâm hiểu được.
3. KHUYẾN HẠNH LƯU THÔNG
Trong đoạn Khuyến Hạnh Lưu Thông, trước là lời chư Phật khen ngợi đức Giáo Chủ Thích Ca, sau là lời đức Giáo Chủ kết lại mà than thở.
Kinh văn
Hán: Xá Lợi Phất! Như ngã kim giả, xưng tán chư Phật bất khả tư nghị công đức, bỉ chư Phật đẳng diệc xưng tán ngã bất khả tư nghị công đức, nhi tác thị ngôn: “Thích Ca Mâu Ni Phật năng vi thậm nan hy hữu chi sự, năng ư Ta Bà quốc độ ngũ trược ác thế: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược trung đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, vị chư chúng sinh, thuyết thị nhất thiết thế gian nan tín chi pháp.
Việt: Xá Lợi Phất ơi! Như ta ngày nay ngợi khen công đức chẳng xiết nghĩ bàn của chư Phật kia, thì chư Phật kia cũng lại ngợi khen công đức của ta chẳng xiết nghĩ bàn mà nói câu này: “Phật Thích Ca Mâu Ni làm được những việc rất khó hiếm có, ở ngay giữa cõi Ta Bà kham khổ, lại vào cái đời có năm ác trược: một là kiếp trược, hai là kiến trược, ba là phiền não trược, bốn là chúng sinh trược, năm là mạng trược, thế mà chứng được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề; lại vì chúng sinh nói ra phép ấy là phép hết thảy thế gian khó tin.
(Câu kinh cuối cùng này hệ trọng ở hai chữ “Trì Danh”, cho nên thuộc về Khuyến Hạnh Lưu Thông).
Trí tuệ và công đức của các đức Phật đều là bình đẳng như nhau cả, nhưng mà đem ra bố thí giáo hóa thì có chỗ dễ và có chỗ khó. Như ở cõi Tịnh Độ mà tu thành Bồ Đề thì dễ, mà ở cõi đời trược thế này thì khó lắm! Vì chúng sinh ở trược thế nói pháp Tiệm (hiểu dần dần) còn dễ, chứ nói pháp Đốn (hiểu ngay) thì khó nữa! Vì chúng sinh ở trược thế nói các pháp Đốn khác còn dễ, mà nói cái pháp Đốn vượt tắt ngang sang Tịnh Độ thì lại càng khó nữa!
Vì chúng sinh ở trược thế nói cái pháp diệu quán “đốn tu, đốn chứng để vượt tắt ngang sang Tịnh Độ” đã chẳng dễ gì, thế mà nay lại nói cái pháp “tu chứng” này chẳng cần cù khó nhọc gì, chỉ có trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà thôi mà được lên ngay ngôi Bồ Tát Bất Thoái thì thực là một phép phương tiện đệ nhất, đặc biệt lạ lùng, mầu nhiệm hơn hết, vượt hẳn ra ngoài sức tưởng tượng nghĩ bàn của loài người. Đó là một khó khăn trong các khó khăn. Bởi thế mà chư Phật ở khắp mười phương, không một vị nào là không suy tôn đức Phật Thích Ca của ta là một vị Phật dũng mãnh hơn hết.
Ngũ trược ác thế (đời có 5 vẩn đục độc ác):
1) Kiếp Trược là thời đại tụ hợp toàn những pháp vẩn đục cả. Không có cái hạnh tu Niệm Phật này là một hạnh tu mang cả ác nghiệp mà vượt tắt ra ngoài vòng Kiếp Trược thì không tài nào mà độ thoát được những chúng sinh ở trong ở trong vòng Kiếp Trược ấy (phép tu này giống như người bị quân cướp bao vây phải phá vòng vây mà ra).
2) Kiến Trược là thời đại có 5 tà kiến, nó sai khiến con người mau lẹ lắm, thịnh hành lắm (ngũ lợi sử tà kiến tăng thịnh).
Năm tà kiến ấy là:
1. Thân kiến là si mê lầm tưởng thấy thân ta và những vật của ta là thực có.
2. Biên kiến là khi đã cố chấp thân ta và vật của ta là thực có, tất phải thiên về một bên nào: hoặc theo chủ nghĩa thân ta chết là hết chuyện, là đoạn diệt, là Vô; hoặc theo chủ nghĩa thân ta chết mà vẫn còn, không mất, không thay đổi, thân ta là thường trụ, là Hữu.
3. Kiến thủ kiến là học theo những ý kiến chủ nghĩa tà ngụy, kém cỏi, hẹp hòi của các tà thuyết, tà đạo, cho là mầu nhiệm hay hơn hết.
4. Giới thủ kiến là học theo những giới luật nhảm nhí của bọn tà ma để cầu sinh lên trời v.v… cho thế là chân chính giữ được giới và đắc đạo.
5. Tà kiến là học theo tất cả những lý luận, những chủ nghĩa, những đạo giáo sai lầm cho là đời người không có nhân, có quả chi hết, cũng không có thiện báo, ác báo chi cả.
Chúng sinh và loài người ở vào thời đại có 5 tà kiến này nó làm cho tối tăm mù quáng, đắm chìm vẩn đục, cho nên gọi là đời Kiến Trược. Không có cái hạnh tu Niệm Phật này là một hạnh tu chẳng cần đến phép Phương Tiện nào khác mà cũng khai ngộ được tâm của mình thì độ thoát làm sao được những chúng sinh ở trong vòng Kiến Trược ấy? (Phép tu này là một quyết định chặt chẽ, không cho một ý kiến nào khác xen lẫn vào nữa).
3) Phiền Não Trược: Là thời đại có 5 phiền não, nó cứ ngấm ngầm sai khiến con người, nó nguy lắm và thịnh hành lắm (ngũ độn sử phiền hoặc tăng thịnh).
Năm phiền não ấy là:
A. Tham lam: yêu thích, ham muốn.
B. Sân hận: giận dữ, thù hằn.
C. Si mê: ngu dốt, mê muội.
D. Mạn: kiêu ngạo, khinh người, trịch thượng.
E. Nghi ngờ: không có tín tâm chân thật.
Năm cái Tâm Sở xấu xa này luôn luôn ngấm ngầm làm phiền não, rung động, rối loạn, vẩn đục cái tâm tính yên tĩnh trong sạch, sáng suốt của con người cho nên gọi là đời Phiền Não Trược. Không có cái hạnh tu Niệm Phật này là một hạnh tu nhận ngay cái tâm phàm là tâm Phật thì không có phép nào độ thoát được những chúng sinh ở trong vòng Phiền Não Trược ấy! (Phép tu này là bình đẳng, không lấy riêng ai, không bỏ riêng ai cả!)
4) Chúng Sinh Trược: là cái thân thể và cái thế giới của ta ở đây do 5 Kiến Trược và và 5 Phiền Não Trược cảm ứng mà hiện ra 5 phần (ngũ ấm) hòa hợp với nhau. Nó rất thô bỉ, tệ ác, nó giả tạm mà gọi là “thân thể chúng sinh”.
Thân Ngũ Ấm có một phần Sắc (tức là cái thân có 5 căn và cái thế giới có 6 trần) và 4 phần Tâm (tức là Thụ, Tưởng, Hành, Thức). Cả một phần Sắc và 4 phần Tâm đều hủ lậu, đê liệt, vẩn đục cho nên gọi là Chúng Sinh Trược. Không có cái hạnh tu Niệm Phật này, là một hạnh tu vui cầu Cực Lạc, chán ghét Ta Bà, thì lấy gì mà độ thoát được những người ở trong vòng Chúng Sinh Trược ấy? (Phép tu này là một phép tu rõ ràng lấy thiện, bỏ ác.)
5) Mạng Trược là phần nhân, phần quả đều kém cỏi, mạng sống ngắn ngủi quá, già lắm cũng chẳng đầy đủ một trăm năm cho nên gọi là đời Mạng Trược. Không có cái hạnh tu Niệm Phật này là một hạnh tu chẳng cần phí nhiều thời giờ, ngày, tháng, năm, đời, kiếp và cũng chẳng phải khó nhọc, cần khổ gì, thì không thể nào độ thoát ngay được những chúng sinh ở trong vòng Mạng Trược ấy? (Phép tu này vừa với sức lượng của từng người, ai tu cũng được thỏa mãn.)
Lại còn nữa, là chỉ cứ một tâm Tín Nguyện trang nghiêm như thế mà niệm Phật thì mỗi một tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật là:
– Chuyển ngay được Kiếp Trược thành ra Thanh Tịnh Hải Hội (một hội tu của các vị Bồ Tát rất trong lặng như bể khơi).
– Chuyển ngay được Kiến Trược thành ra Vô Lượng Quang (trí quang sáng suốt vô lượng).
– Chuyển ngay được Phiền Não Trược thành ra Thường Tịch Quang (tâm thường trụ, vắng lặng, sáng suốt).
– Chuyển ngay được Chúng Sinh Trược thành ra thân Liên Hoa Hóa Sinh (thân ở trong hoa sen hóa sinh ra).
– Chuyển ngay được Mạng Trược thành ra Vô Lượng Thọ (mạng sống lâu vô lượng).
Thế cho nên mỗi một tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật là một phép tu tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề mà đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã chứng được ở ngay giữa đời ngũ trược ác thế này (nghĩa lý câu này thực hiếm có, đó là bí quyết của tông Tịnh Độ từ nghìn xưa, nhất đán mở tung ra cho mọi người thấy rõ). Nay Ngài đem toàn thể quả Phật ấy, Ngài trao cho các chúng sinh ở đời Ngũ Trược ác thế này, theo đấy mà tu. Đó là cảnh giới hành vi của chư Phật; vậy chỉ có Phật Thích Ca cùng với chư Phật khắp 10 phương mới thấu suốt hết được. Ngoài giới Phật còn 9 giới khác (là Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, thiên, nhân, A Tu La, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) thì tự lực mình chẳng thể nào mà tự hiểu, tự tin được.
Trong đoạn này, chữ “chư chúng sinh” là chỉ riêng cho hạng chúng sinh ở đời ngũ trược ác thế.
Chữ “nhất thiết thế gian” là chỉ suốt các khí thế gian trong 4 cõi và các tình thế gian trong 9 pháp giới (khí thế gian là trái đất, tình thế gian là những thân chúng sinh ở trên trái đất).
Trong đoạn văn Khuyến Hạnh Lưu Thông, lời chư Phật ở khắp mười phương khen ngợi đức Giáo Chủ Thích Ca đến đây là hết.
Dưới đây là lời đức Giáo Chủ Thích Ca tự kết lại mà than thở với tôn giả Xá Lợi Phất và giao phó cho tôn giả.
Kinh văn:
Xá Lợi Phất! Đương tri ngã ư ngũ trược ác thế hành thử nan sự, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, thuyết thử nan tín chi pháp, thị vi thậm nan!
Việt: Xá Lợi Phất ơi! Ông nên biết rằng: Ở giữa cõi đời có năm trược ác mà Ta đã làm việc rất khó kia: là đã chứng được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề và Ta đã nói phép khó tin ấy, để cho hết thảy các thế gian nghe, như thế thực là những việc rất khó.
Chỉ có một hạnh tu “Tín, Nguyện, Trì Danh” chẳng xen lẫn vào một việc nào khác nữa, mà chuyển được cả năm trược ác, đó là một cảnh giới tu hành chẳng thể nào nghĩ bàn được. Giả sử không có đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni giáng sinh vào đời ác thế, không có Ngài thị hiện tu đắc đạo tâm Bồ Đề, không có Ngài dùng trí tuệ lớn lao và tâm thương cứu rộng lớn để thấy rõ hạnh tu này, để thực hành hạnh tu này, để nói ra hạnh tu này thì bọn chúng sinh ta nhờ vào đâu mà bẩm thụ được hạnh tu này?
Nhưng loài người chúng ta:
A) Hiện đang ở trong Kiếp Trược quyết định là bị cái thời đại vẩn đục này nó vây bọc ta, nó làm khổ não, áp bức ta.
B) Hiện đang ở trong Kiến Trược, quyết định là ta bị cái trí xảo trá của bọn tà sư nó trói buộc.
C) Hiện đang ở trong Phiền NãoTrược, quyết định là ta bị cái tâm tham dục nó hãm hại và cái nghiệp độc ác nó kích thích.
D) Hiện đang ở trong Chúng Sinh Trược, quyết định là ta đành chịu ở yên trong cái thân bẩn thỉu này mà chẳng biết rõ là bẩn thỉu, cam chịu cái thân hèn kém, yếu ớt này mà chẳng thể nào bay cao lên được.
E) Hiện đang ở trong Mạng Trược, quyết định là ta bị cái ma lực vô thường nó nuốt mất đời sống nhanh như tia lửa chớp nhoáng, trở bàn tay không kịp (năm đoạn này nên hợp với 5 đoạn trên nói: Nếu không có phép Niệm Phật này thì quyết không độ thoát được ra ngoài 5 vòng trược ác).
Nếu chúng ta không biết đích xác phép tu Tín, Nguyện, Trì Danh này là một việc rất khó khăn, thì có lẽ ta cứ mơ tưởng có một phép tu nào khác có thể cứu ta ra khỏi được vòng ngũ trược! (Ta nên biết cái tôn chỉ thậm nan này, từ xưa đến nay, chưa ai nói rõ ra được đích xác như thế!)
Kiếp người chúng ta ví như ở vào trong cái nhà lửa cháy bốn bên rồi, mà vẫn cứ nô đùa, bàn cãi suông chơi với nhau hoài. Chỉ có ai biết đích thực là một việc rất khó khăn thì mới giết cho chết hẳn cái tâm tham dục, tà ngụy đi, và mới biết quý báu phép tu Nhất Hạnh này (tức là phép Niệm Phật chánh định: Nhất Hạnh Tam Muội hay là Niệm Phật Tam Muội. Bảo cho người biết quý báu phép tu niệm Phật là công đức đến muôn đời về sau).
Chỉ vì thế mà đức Phật Bổn Sư phải hết lời nói đi, nói lại: “Khó lắm! Khó lắm!”Đó là thâm tâm Ngài muốn phó chúc, bọn ta cần phải biết.
Phần Phổ Khuyến đến đây là hết.
KẾT KHUYẾN
Kinh văn
Hán: Phật thuyết thử kinh dĩ, Xá Lợi Phất cập chư tỳ khưu, nhất thiết thế gian, thiên, nhân, a tu la đẳng, văn Phật sở thuyết, hoan hỷ tín thụ, tác lễ nhi khứ.
Việt: Phật nói kinh này, khi đã xong rồi, ngài Xá Lợi Phất và các tỳ khưu, hết thảy thế gian, cõi trời, cõi người, cõi A Tu La và các cõi khác, nghe lời Phật nói, vui mừng tin chịu, làm lễ rồi đi.
Pháp môn Niệm Phật này thực chẳng khá nghĩ bàn, rất khó tin, khó hiểu, trong đệ tự Phật, không có một người nào biết đến mà hỏi Phật.
Trí tuệ Phật soi thấy cơ duyên chúng sinh thành Phật đã chín rồi. Mặc dầu không ai hỏi, mà tự Phật nói ra phép Niệm Phật này khiến chúng sinh được 4 lợi ích (đây là thích nghĩa 8 chữ: hoan hỷ, tín thụ, tác lễ, nhi khứ).
Phật nói phép tu Niệm Phật này, giống như một trận mưa hợp thời làm cho nhân vật, cỏ cây mát mẻ, thấm nhuần, nảy nở, lớn lên, thế gọi là “hoan hỷ” (vui mừng). Đó là phần lợi ích do pháp Phật bố thí cho toàn thể thế giới.
Trong tâm không còn nghi hoặc một tơ hào nữa, thì gọi là Tín (tin). Lãnh nạp lấy nghĩa Phật vào tâm chẳng giờ phút nào quên, thế gọi là Thụ (chịu). Đó là hai phần lợi ích vì tin lời Phật mà làm thiện, vì chịu lời Phật mà bỏ ác.
Đem thân mạng quay về với Phật, ứng hợp với toàn thể pháp giới trùng trùng duyên khởi, thế gọi là “tác lễ” (làm lễ). Đó là phần lợi ích được hiểu suốt vào Đệ Nhất Nghĩa của Phật.
Nhưng trong mỗi một lợi ích, thực ra lợi ích nào cũng có đủ cả 4 lợi ích (được một lợi ích tức là được cả 4 lợi ích). Đấy chỉ là muốn cho dễ hiểu mà tạm phân biệt ra làm 4 đấy thôi. Người nghe kinh tự mình đã thực hành, đã được 4 phần lợi lợi ích rồi, cứ một chiều tiến mãi không lui, đem kinh này đi mà lưu thông truyền bá khắp nơi để báo đền ân Phật, thế gọi là “nhi khứ” (rồi đi). Đi mãi suốt đời vị lai, giáo hóa cho mọi người được 4 phần lợi ích ấy nó vô cùng tận.
Kinh Phật có nói: “Đến đời Mạt Pháp, ức vạn người tu hành, ít khi có một người đắc đạo, chỉ còn nhờ vào phép tu Niệm Phật này mà được độ thoát thôi!” Than ôi! Đời bây giờ chính là đời Mạt Pháp rồi (thổ lộ hết tâm can), nếu chúng ta bỏ pháp môn Niệm Phật này là một pháp bất khả tư nghị, thì còn có pháp môn nào để cho ta tu học được nữa?
Húc tôi đây, khi mới xuất gia, tự phụ là một nhà Thiền Tông, khinh thường các giáo điển, dám nói bậy rằng phép tu “Trì niệm danh hiệu Phật” chỉ là một phương tiện bày ra riêng cho bọn người trung căn và hạ căn (hiện thân thuyết pháp). Về sau, nhân vì tôi đau nặng, mới chịu phát tâm cầu sinh về Tây Phương, rồi tôi lại chịu nghiên cứu 2 bộ sách Diệu Tông và Viên Trung, cả bộ Di Đà Sớ Sao của ngài Vân Thê và nhiều sách khác nữa, tôi mới biết phép Niệm Phật Tam Muội thực là một viên ngọc châu quý giá vô ngần, tôi mới chịu hết lòng chấp trì danh hiệu Phật với một sức mạnh bằng vạn con trâu cũng không kìm lại được.
Ông Khứ Bệnh, bạn thân của tôi, ông theo nghiệp tu Tịnh Độ đã lâu năm, ông muốn cho tôn chỉ rất lớn của bộ kinh Phật Thuyết A Di Đà này được thật rõ rệt mà lời nói đừng có phiền phức, ông thỉnh cầu tôi làm ra Yếu Giải, và ý tôi cũng muốn cùng với tất cả hữu tình trong pháp giới này cùng sinh sống ở cõi Cực Lạc, lý ưng tôi không thể từ chối được (lời nói bất đắc dĩ). Tôi cầm bút viết vào ngày 27 tháng 9 năm Đinh Hợi đến mồng 5 tháng 10 vừa xong, tất cả có 9 ngày, hoàn thành bộ A Di Đà Kinh Yếu Giải. Tôi cầu nguyện mỗi một câu, một chữ trong bộ sách này sẽ là một món tư lương để người ăn đường về Cực Lạc (quả nhiên mỗi chữ là một món ăn thực sự). Và mỗi một người được thấy hay một người được nghe, sẽ đều được lên ngôi Bất Thoái cả. Cả người tin và người nghi cũng gieo được mầm đạo, người tán thán và người phỉ báng cũng đều được giải thoát về Tịnh Độ.
Tôi ngưỡng mong chỉ có chư Phật, chư Bồ Tát nhiếp thọ chứng minh cho. Và các bạn đồng học tùy hỷ gia hộ cho.
Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải đến đây là hết.
Tây Hữu đạo nhân, Ngẫu Ích Trí Húc gác bút viết lời bạt này năm 49 tuổi.
PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH TU TỊNH ĐỘ
Phép niệm Phật A Di Đà cầu sinh Tịnh Độ là một Đốn pháp, khiến người tu thấy rõ ngay tâm tính Bồ Đề của mình sống lâu vô lượng và sáng suốt vô lượng, cũng như tâm tính Bồ Đề của Phật Thích Ca, Phật A Di Đà và chư Phật, chư Bồ Tát các loài chúng sinh ở khắp mười phương pháp giới, hết thảy ai ai cũng có tâm tính Bồ Đề (tâm tính Phật) bình đẳng như nhau, không hơn, không kém.
Ai muốn thực hành đạo Bồ Tát để chứng nhận được tâm Bồ Đề của mình, hãy nên thọ giới Tam Quy, mỗi tháng ăn chay 6 ngày, mỗi ngày niệm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật trong nửa giờ để ổn định tinh thần, dụng công niệm được càng nhiều, càng lâu, càng chóng thấy rõ tâm Bồ Đề của mình, của Phật và của chúng sinh hiện ra. Bởi vì tâm Bồ Đề của mình thể tính của nó vốn yên tịnh, mình dùng sức động đến nó thì nó mới hiện ra, mà nó chỉ hiện ra trong một giây lát thôi (tức là một niệm, một sát na thôi). Nếu mình không niệm Phật luôn để giữ lấy nó thì nó liền bị lu mờ bởi những niệm khác lấn át nó đi, nó không hiện ra được nữa.
Tiến lên một bậc nữa, là phát nguyện giữ 5 giới, hoặc 1,2 3, 4 giới cũng được, mỗi tháng ăn chay 10 ngày, hoặc ăn chay mỗi năm 3 tháng hoặc ăn trường kỳ.
Niệm danh hiệu Phật A Di Đà mỗi ngày từ 10 tràng cho đến 50 tràng hoặc 100 tràng (mỗi tràng là 108 quả, mỗi quả là một tiếng niệm, cho cẩn thận).
Ăn chay mỗi tháng 6 ngày là: mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30 (tháng thiếu ăn sụt lại ngày 28 và 29). Ăn chay mỗi tháng 10 ngày là mồng 1, 8, 14, 15, 23, 24, 28, 29 30 (tháng thiếu ăn sụt lại ngày 27, 28, 29). Ăn chay thì không được ăn hành, hẹ, kiệu, tỏi, thịt, cá, chỉ ăn rau, đậu, trái quả, nấm mộc nhĩ, các loại thảo mộc thôi.
Thọ giới Tam Quy là Quy Phật, Quy Pháp, Quy Tăng rồi thì không được theo các đạo thần, thánh, chúa, tiên nào khác nữa.
Thọ năm giới:
1. Không được sát hại chúng sinh, động vật.
2. Không được trộm cắp, lừa đảo, làm giặc, ăn cướp.
3. Không được tà dâm, gian dâm, ngoại tình.
4. Không được nói dối, chửi rủa, nói đòn xóc hai đầu, nói thêu dệt, khiêu dâm.
5. Không được uống rượu và ăn các thứ có chất say mê.
Hơn nũa, là mỗi ngày tụng thần chú này, gọi là thần chú:
Bạt Nhất Thiết Khinh Trọng Nghiệp Chướng, Đắc Sinh Tịnh Độ Đà Ra Ni
(đây là dịch âm Ấn Độ sang chữ Hán) Nại ma lạt đáp nạp, đặc ra gia giã. Nại ma a rị giã, a mi đả bạt giã, đát đạt cả đát giã. A ra hát đế, tam mê tam bất đạt dã.
Đạt đích giã thát: Úm, a mi rị đế, a mi rị đả, ôn ba vĩ. A mi rị đả, tam ba vĩ. A mi rị đả, cát rị tỷ. A mi rị đả, tiết đế. A mi rị đả, đế tế. A mi rị đả, vi kiết lan đế. A mi rị đả, vi kiết lan đế. Quả mi nễ. A mi rị đả, quả quả nại, kiết rị đế cát rị. A mi rị đả, đốn độ tỷ. Tô oa rị, tát rị oa, a tặc thát, tát đát nễ. Tát rị oa. Quả rị ma. Cát rị xá. Cát rị giả. Cát rị sa hát (142 chữ).
(Đây là dịch âm Ấn Độ bằng chữ La Mã thì đúng hơn).
Nam mô ra tờ na, tờ ra gia gia. Nam mô a rị gia, a mi ta bà gia, ta ta ga ta gia, a ra ha tê, sam mia sam bồ đà gia.
Ta đi gia tha: aum, a mi ri tê. A mi ri ta, ôn ba vi. A mi ri ta, sam ba vi. A mi ri ta, ca ri pi. A mi ri ta, pi tê. A mi ri ta, tê chê. A mi ri ta, vi ga lan tê. A mi ri ta, vi ga lan tê. Ga mi nê. A mi ri ta, ga ga nai. Ga ri tê ca ri. A mi ri ta, tôn tô tô pi. Sô oa ri. Sa ri oa. A lắt thát, sa ta nê. Sa ri oa. Ga ri ma. Ca ri xa. Ca ri gia. Ca so ha (142 chữ).
Thần chú này lại còn có tên gọi là:
Vô Lượng Thọ Quang Như Lai căn bản chân ngôn.
Thần chú này do ngài Tam Tạng Pháp Sư Sa Ra Ba mới dịch rất tường tận, hiện có chép trong sách Niệm Phật Trực Chỉ ta nên tụng trì.
Người tụng chú này sẽ được đại tinh tấn, mau chóng sinh Tịnh Độ. Tụng được một biến, tức thì diệt được ở trong thân hết thảy mọi tội ngũ nghịch, thập ác. Tụng được 10 vạn biến, tức thì nhận được tâm Bồ Đề nhớ mãi chẳng quên. Tụng được 20 vạn biến tức thì cảm thấy mầm Bồ Đề đã sinh. Tụng được 30 vạn biến, Phật A Di Đà thường ở đỉnh đầu, quyết định sinh Tịnh Độ.
Ăn chay niệm Phật trì chú lâu ngày, tự nhiên tâm mình yên lặng, dẹp hết tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, hào quang tuệ giác hiện ra, thế là thấy Phật A Di Đà, được sinh Tịnh Độ hiện lúc đang sống ở đời này, chứ không phải chỉ chờ đến lúc chết rồi mới được sinh.
LỜI NGUYÊN BẠT
Kinh Phật nói: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” 6. Cổ nhân nói: “Niệm tự tính Di Đà, sinh duy tâm Tịnh Độ” 7. Hợp hai câu này lại mà soi xét thì cái nghĩa câu “Thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật; tâm ngoại vô Phật, Phật ngoại vô tâm” 8 rất rõ vậy.
Người đời sau chẳng hiểu được cái nghĩa ấy liền bỏ cõi Cực Lạc Tây Phương mà nói cõi Tịnh Độ Duy Tâm nào khác kia. Và bỏ danh hiệu Phật A Di Đà mà nói cõi Phật A Di Đà tự tính nào khác kia. Có lẽ họ cho rằng ngoài cái tâm họ, có ông Phật nào chăng? Hay là ngoài Phật A Di Đà, còn có cái tâm nào khác chăng?
Ngài Linh Phong Đại Sư 9 đã hiểu suốt được toàn thể cái tâm tính của con người, nói vốn không có chỗ nào là ngoài cả 10. Đặc biệt đem bộ kinh này ra, Ngài rút lấy những yếu giải; mỗi khi mở ra đọc, người có tín, nguyện, trì danh tự mình có thể cầm lấy những nghĩa ấy làm khoán ước cho mình được.
Chẳng những lời nói giản dị mà ý nghĩa chu đáo, lại còn khiến cho cái tông chỉ rất khó, hiếm có này, vang lên như tiếng mõ, tiếng trống. Mở hết tạng kinh ra, không còn giấu diếm gì, thực là xưa nay chưa từng có vậy.
Đặt tên là sách Yếu Giải chính vì là tâm yếu vô thượng vậy.
Cổ Ngô đệ tử Tịnh nghiệp Khứ Bệnh Chính Tri cẩn chí.
Sách Yếu Giải của ngài Ngẫu Ích đại sư phát minh được tôn chỉ chân chính về phép tu Niệm Phật ở trong kinh Di Đà này, chỉ điểm cho quy vào cái tâm Tín và Nguyện, cứu độ được cả ba hạng người: thượng căn, trung căn và hạ căn, tóm thâu được cả muôn hạnh tu hành vào trong đó.
Lại còn lời nói rất giản dị mà ý nghĩa rốt ráo phần sự, phần lý dung hòa cai quát được cả, đặt tên sách là Yếu Giải thì thực là thiết yếu lắm vậy.
Tôi biên tập bộ sách Tịnh Độ Hội Nguyên, tôi cũng lược bỏ phần Quán Hạnh chỉ chuyên chú phần Trì Danh để hợp với sách Yếu Giải này thành một bộ, khiến người tu Tịnh nghiệp biết rõ các thuyết tu Tịnh Độ đều phù hợp với Phật thuyết, ngõ hầu người ta mới chịu chuyên một hạnh tu niệm Phật mà không còn nghi ngờ gì nữa.
Tháng Mạnh Hạ, năm Canh Tý
Hậu học Ngô Chiếu chí
Dịch xong ngày 25 tháng 5 chánh, năm Nhâm Thìn (17-6-1952)
Tuệ Nhuận
Kiểm lại ngày 18 tháng 5 dư, năm Nhâm Thìn (9-7-1952)
Hết
* * *