THÀNH DUY THỨC LUẬN
SỐ 1585
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
Mùa An cư PL: 2539 – 199
XVI. GIẢI THÍCH VẤN NẠN
Tuy có nội thức mà không có ngoại duyên, thì do đâu loài hữu tình bị sanh tử tương tục?
Tụng nói:
Do tập khí các nghiệp
Cùng tập khí hai thú
Thân Dị thục trước hết
Lại sanh Dị thục khác.
Luận rằng: (Ý thứ nhất) – Các nghiệp là nghiệp phước, phi phước, và bất động; tức là tư nghiệp (do tư duy thẩm xét, tư duy quyết định, tư duy phát động mới thành nghiệp, cho nên gọi là tư nghiệp, tức ba nghiệp lấy tư làm thể nên gọi là tư nghiệp) hữu lậu thiện và bất thiện. Quyến thuộc của nghiệp cũng gọi là nghiệp, vì đồng chiêu cảm hai quả Dị thục Dẫn và Mãn (Dẫn nghiệp, Mãn nghiệp).
Nghiệp này tuy khởi liền diệt, không có lẽ gì chiêu cảm được quả Dị thục trong tương lai, nhưng vì nó huân tập vào bản thức, thành chủng tử công năng của chính mình, và chính công năng ấy được gọi là tập khí, là khí phần của nghiệp, do huân tập thành, giản biệt với nghiệp đã qua và nghiệp hiện tại, cho nên gọi là tập khí. Tập khí như thế triển chuyển tiếp nối, cho đến khi thành thục, chiêu cảm quả Dị thục, tập khí các nghiệp đối với quả báo Dị thục đương lai là một thứ Tăng thượng duyên rất mạnh.
Hoặc thủ Tướng và Kiến, thủ danh và sắc, thủ Tâm và Tâm sở, thủ gốc và ngọn, bốn thứ năng thủ sở thủ này đều nhiếp vào hai thủ hiện hành. Bốn thứ thủ hiện hành đó huân thành công năng ở trên bản thức để thân sanh ra nó, đó gọi là tập khí hai thủ. Ðây là chỉ rõ các chủng tử nhân duyên của tâm Dị thục quả và Tâm sở tương ưng với nó trong đời sau. Trong bài tụng nói chữ “Cùng” tức là chủng tử nghiệp và chủng tử hai thủ cùng nhau, làm duyên xa và duyên gần giúp cho nhau, nhưng tập khí nghiệp tuy là sơ duyên mà sự chiêu cảm sanh ra thân Dị thục rõ rệt hơn, cho nên trong bài tụng nêu lên trước tập khí hai thủ (đối với chiêu cảm, nghiệp là Tăng thượng duyên nên xa, hai thủ là nhân duyên nên gần).
Dị thục trước là quả Dị thục do nghiệp ở các đời trước chiêu cảm.
Dị thục khác là quả Dị thục do nghiệp chiêu cảm ở các đời sau.
Tuy tập khí hai thủ thọ quả báo vô cùng mà tập khí nghiệp thì thọ quả báo có tận. Do quả Dị thục tánh vô ký khác với nghiệp nhân tánh có thiện ác nên khó chiêu cảm, còn nhân quả đẳng lưu và tăng thượng tánh đồng nhau, nên dễ chiêu cảm. Do chủng tử các nghiệp chiêu cảm sanh đến đời khác đã thành thục mà quả Dị thục thân đời trước, đã hết thọ dụng, thì lại sanh ra quả Dị thục thân khác vào đời sau, do đó mà có sanh tử luân hồi vô cùng, chứ cần gì phải mượn duyên bên ngoài nói sanh tử tương tục.
Bài tụng này ý nói do tập khí nghiệp và hai thủ mà sự sanh tử luân hồi đều không lìa
thức, vì Tâm và Tâm sở là bản tánh của các nghiệp và hai thủ đó.
(Ý thứ hai) – Lại nữa, sanh tử tương tục do các tập khí, nhưng các tập khí tổng cộng có ba thứ:
1. Danh ngôn tập khí: Ðó là các pháp hữu vi đều có mỗi chủng tử thân sanh riêng. Danh ngôn có hai:
a. Biểu nghĩa danh ngôn, tức là những âm thanh sai biệt có khả năng diễn tả sự nghĩa.
b. Hiển cảnh danh ngôn, tức là Tâm và Tâm sở có khả năng hiểu biết các cảnh. Tùy theo hai thứ danh ngôn này huân thành chủng tử để làm mỗi nhân duyên cho mỗi pháp hữu vi sanh khởi.
2. Ngã chấp tập khí: Ðó là chủng tử hư vọng chấp ngã và ngã sở. Chấp ngã có hai:
a. Câu sanh chấp ngã, tức thứ chấp ngã và ngã sở phải do tu đạo mới đoạn được (có ở thức thứ sáu, thứ bảy).
b. Phân biệt chấp ngã, tức thứ chấp ngã và ngã sở chỉ do thấy đạo là đoạn được (chỉ có ở ý thức).
Tùy theo hai thứ ngã chấp đó huân thành chủng tử mới khiến các hữu tình có sự phân biệt mình và người khác nhau.
3. Hữu chi tập khí (chi Hành và Hữu trong mười hai hữu chi nhân duyên). Ðó là chủng tử nghiệp Dị thục chiêu cảm sanh ra trong ba cõi. Hữu chi có hai:
a .Hữu lậu thiện, tức nghiệp chiêu cảm quả báo đáng ưa.
b. Các bất thiện nghiệp, tức nghiệp chiêu cảm quả báo không đáng ưa.
Tùy theo hai chi thiện ác đó huân tập thành chủng tử khiến cho quả Dị thục ở hai đường thiện ác khác nhau.
Nên biết ngã chấp tập khí và hữu chi tập khí chỉ là Tăng thượng duyên đối với quả Dị thục sai biệt.
bài tụng nói “nghiệp tập khí”, nên biết đó chính là hữu chi tập khí. Bài tụng nói: “Tập khí hai thủ” nên biết đó chính là hai thứ tập khí ngã chấp và danh ngôn. Do chấp thủ ngã, ngã sở và chấp thủ danh ngôn mà huân tập thành, đều nói là thủ. Còn trong tụng văn nói chữ “câu” v.v… thì đã giải thích ỏ trước.
(Ý thứ ba) – Lại nữa, sanh tử tương tục là do Hoặc, Nghiệp và Khổ. Những phiền não phát nghiệp (tức vô minh chi) và nhuận sanh (tức ái thủ) gọi là Hoặc. Các nghiệp có khả năng chiêu cảm đời sau, gọi là Nghiệp. Từ nghiệp sanh các khổ, gọi là Khổ. Chủng tử của Hoặc, của Nghiệp, của Khổ đều gọi là tập khí. Hai tập khí hoặc và nghiệp làm tăng thượng duyên cho quả báo khổ sanh tử, vì nó giúp sanh ra khổ báo. Còn tập khí khổ là nhân duyên cho khổ sanh tử, vì nó trực tiếp sanh khổ. Trong bài nói về ba tập khí, như đây nên biết. Hoặc và Khổ gọi là hai thủ, Hoặc là năng thủ; Khổ là sở thủ. Thủ có nghĩa là đắm trước; còn nghiệp thì không được gọi là thủ. Các văn khác trong bài tụng nghĩa lý như trước đã có giải.
Nên biết Hoặc, Nghiệp, Khổ này là tổng nhiếp 12 hữu chi từ vô minh đến chi lão tử. Như Luận có giải rộng.
Nhưng mười hai chi lược nhiếp lại trong bốn chi:
a. Năng dẫn chi – Ðó là vô minh và hành, có khả năng dẫn đến chủng tử của năm quả là thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ. Trong đây vô minh chỉ thủ vai phát khởi ra nghiệp thiện ác được phát khởi đó mới gọi là hành. Do đó, hết thảy nghiệp thuận hiện thọ và mãn nghiệp trợ giúo cho biệt báo tương lai, đều không phải là “hành chi).
b. Sở dẫn chi – Tức năm thứ chủng tử thức, danh v.v… ở trong bản thức, nó thân sanh ra thức, danh sắc v.v… thuộc Dị thục quả đương lai, do hai chi đầu là vô minh và hành dẫn phát ra, nên gọi là sở dẫn. Chủng tử thức trong năm chi này là thân nhân của bản thức trong đương lai. Chủng tử trong thức, chỉ trừ ba nhân là lục nhập, xúc, thọ, còn các nhân kia đều thuộc chủng tử của danh sắc. Ba nhân sau như thứ lớp của tên gọi, là chủng tử của lục nhập, xúc, thọ. Hoặc chủng tử danh sắc thì tổng nhiếp cả năm nhân của trong bản thức. Trong năm nhân đó tùy sự trỗi hơn mà lập bốn thứ kia. Lục nhập với thức, chung riêng cũng thế. (Như nhiếp vào “danh” trỗi hơn thì lập bốn thứ thức, xúc, thọ và ý nhập. Nếu nhiếp vào “sắc” trỗi hơn thì lập nhãn nhập cho đến thân nhập. Lục nhập với thức chung riêng cũng thế, như trong chủng tử thì lục nhập tổng nhiếp năm nhân, trong đó nhân nào trỗi hơn thì lập bốn thứ kia).
Luận nói “thức chi” cũng là năng dẫn. Vì nghiệp chủng tử ở trong thức, gọi là thức chi; còn chủng tử Dị thục thức thì nhiếp thuộc chủng tử danh sắc chi. Kinh Duyên Khởi nói: “Thức chi thông cả năng dẫn sở dẫn”, đó là lấy cả nghiệp chủng và thức chủng đều gọi là thức chi. Thức là chỗ danh sắc nương, không phải nhiếp thuộc danh sắc.
Năm thứ thức, danh sắc v.v… do nghiệp huân tập phát sanh, tuy thật đồng khởi mà chủ, bạn, tổng, biệt, thắng, liệt, nhân, quả khác nhau. Cho nên trong các Thánh giáo giả nói năm chi đó có trước sau; hoặc nói thức trước danh sắc sau, hoặc nói danh sắc trước thức sau; hoặc dựa vào quả đương lai khởi lên có thứ lớp mà nói có trước sau. Do nghĩa đó cũng nói năm chi thức v.v… là hiện hành. Nếu ở trong nhân thì không có nghĩa hiện hành. Hoặc do quả đương lai hiện khởi mà nói sở sanh sở dẫn đồng thời. Khi nghiệp chủng đã có ái nhuận và khi chưa có ái nhuận, chắc không đồng thời (vô minh phát nghiệp huân một lần cả năm chi là thức danh sắc, lục, nhập, xúc, thọ. Sao lại lập năm chi đó có trưóc sau? Vì thức là chủ, bốn chi kia là bạn; trong bạn đó danh sắc là tổng; lục, nhập, xúc, thọ, là biệt, trong biệt đó lục nhập là hơn; xúc, thọ là liệt; trong liệt đó xúc là nhân; thọ là quả, có khác nhau. Hoặc khi thành thục, trước khởi thức, rồi mới khởi danh sắc v.v… )
c. Năng sanh chi – Ðó là ba chi ái, thủ, hữu; gần nhất là sanh ra “sanh” và “lão tử” trong tương lai. Nghĩa là trước do cái ngu mê quả Dị thục bên trong (mê thân) phát sanh các nghiệp chính thức chiêu cảm đời sau làm duyên, dẩn phát chủng tử thân sanh năm quả là thức, danh sắc, thuộc sanh và lão tử trong tương lai rồi; lại dựa cái ngu mê quả Tăng thượng bên ngoài và duyên cảnh giới thọ mà phát khởi tham, ái; lại duyên Ái mà sanh ra bốn thủ là dục thủ v.v… ái và thủ hợp lại thấm nhuần chủng tử nghiệp năng dẫn, và thấm nhuần năm chi sở dẫn nhân. Chính năm chi chủng tử đó đổi lại gọi là “hữu chi”, vì cùng khởi lên quả hậu hữu gần nhất.
Có chỗ chỉ nói nghiệp chủng tử gọi là “hữu”, vì nó có thể chính thức chiêu cảm quả Dị thục.
Lại có chỗ chỉ nói năm thứ chủng tử của thức, danh sắc v.v… gọi là “hữu”, vì nó thân sanh ra chủng tử thức, danh sắc v.v… trong tương lai.
d. Sở sanh chi – Ðó là sanh và lão tử, vì là thứ được sanh gần nhất bởi ái, thủ, và hữu. Nghĩa là ở giữa giai đoạn từ “trung hữu” đến “bản hữu” (khi đã sanh ra) chưa bị suy biến, thì đều nhiếp về “sanh hữu”. Giai đoạn suy biến gọi là “lão”, thân hoại mạng chung mới gọi là “tử”. Lão không nhất định có (có người chết non) nên ghép với tử thành một chi lão tử (tử hữu).
Bệnh, tại sao không lập làm một chi? Vì bệnh thì không biến khắp và không nhất định có (có người không bệnh mà chết), nên không lập. Lão tuy không nhất định nhưng biến khắp nên lập thành một chi với tử. Vì ở trong ba cõi, sáu đường, bốn sanh, trừ kẻ chết yểu, còn những kẻ sắp mệnh chung đều có hành tướng suy vi hủ bại (lão).
Hỏi: – “Danh sắc”không biến khắp, tại sao lại lập làm một chi?
Ðáp: – Vì nó nhất định có nên lập chi; vì loài thai sanh, noãn sanh, thấp sanh, khi sáu căn chưa đầy đủ vẫn có danh sắc. Lại chi sanh sắc cũng là thứ khắp có. Như loài hóa sanh có sắc, trong bước đầu thọ sanh tuy đủ năm căn mà chưa có tác dụng, bấy giờ chưa thể gọi là “lục nhập chi” được. Lại khi mới sanh cõi Vô sắc, tuy nhất định có ý căn nhưng không minh liễu, chưa thể gọi là ý xứ được.
Do đó Luận nói: “Mười hai hữu chi, trong hết thảy các chi, một phần sanh sắc ở hai cõi trên vẫn có”.
Hỏi: – Nếu vậy “ái” không phải khắp có ở các cõi, sao lại riêng lập làm một chi? Vì kẻ sanh ở cõi ác, không ưa nơi đó?
Ðáp: – Vì “ái” nhất định có, nên riêng lập làm một chi. Như người ở cõi ác không cầu gì thì không có ái, nếu có cầu sanh cõi lành, thì nhất định là có ái. Hàng Thánh giả Bất hoàn khi nhuận sanh tuy không khởi ái, nhưng cũng như “thủ chi” đối với thân kia, nhất định có chủng tử “ái”. Lại ái cũng biến khắp các cõi, như kẻ sanh cõi ác cũng ưa thân và cảnh hiện tại của nó. Dựa vào không có cái ái hy cầu làm thân nơi cõi ác mà kinh nói ở đó không có ái, chứ không phải ở đó hoàn toàn không ái.
Hỏi: – Tại sao ở “sở sanh chi” thì chỉ lập sanh và lão tử, mà ở “sở dẫn chi” lại lập riêng thành năm chi là thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ?
Ðáp: – Vì ngay khi ở nhân vị khó biết tướng sai biệt của nó, nên dựa vào quả đương lai mà lập năm chi. Nghĩa là trong khi tục sanh, tướng thức nhân rõ rệt, nên lập thức chi; tiếp đó khi sáu căn chưa đầy đủ thì tướng danh sắc nổi bật, nên lập danh sắc chi; tiếp đó khi sáu căn đầy đủ tướng lục nhập thịnh vượng, nên lập lục nhập chi, rồi y nơi đó phát ra xúc, nhân xúc khởi lên thọ. Bấy giờ mới gọi là rốt ráo thọ quả. Y nơi quả vị đó mà lập nhân làm năm.
Ở quả vị có tướng sai biệt dẽ rõ nên tổng lập ra hai chi là sanh và lão tử, vừa đủ hiển rõ ba khổ (sanh là hành khổ,lão là hoại khổ, tử là khổ khổ).
Nhưng quả được sanh, nếu ở vị lai, là vì muốn khiến loài hữu tình sanh tâm nhàm chán, nên nói hai chi sanh và lão tử. Nếu khi đã đi đến hiện tại, thì vì muốn khiến loài hữu tình, rõ biết phận vị tương lai của nó, nên nói năm chi thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ.
Hỏi: – Tại sao về phát nghiệp thì tổng lập một chi vô minh, còn về nhuận sanh thì lập riêng hai chi ái và thủ?
Ðáp: – Tuy các phiền não đều có thể phát nghiệp và nhuận sanh, nhưng ở địa vị phát nghiệp thì “vô minh” có sức mạnh hơn, vi có đủ mười một điều nổi bật, đó là sở duyên hành tướng v.v… nói rộng như trong kinh. Còn ở địa vị nhuận sanh thì “ái” có sức mạnh hơn, vì ái như nước có thể thấm nhuần. Phải tưới tẩm luôn mới sanh ra mầm “hữu” và dựa vào ái lúc đầu, ái lúc sau mà phân ra ái và thủ. Còn phát nghiệp không thể là phát sanh trùng lặp, cho nên chỉ có một chi “vô minh”. Tuy trong chi “thủ” đã gồm hết các phiền não, nhưng “ái” thấm nhuần mạnh hơn, cho nên nói ái nổi bật.
– Các chi duyên khởi đều y nơi tự địa. Nhưng cũng có sự phát sanh ra “hành” y nơi vô minh ở tha địa, như vô minh ở hạ địa phát sanh chi “hành” ở cõi trên. Không như vậy, thì kẻ lúc mới dẹp được ô nhiễm ở hạ địa khởi ra định ở thượng địa, không phải là khởi “hành” đó sao? Vì vô minh ở thượng địa kia khi đó còn chưa khởi.
– Người từ thượng địa sanh hạ địa, hay từ hạ địa sanh thượng địa, họ duyên theo thọ nào mà khởi ái? Ái kia cũng duyên với thọ ở nơi sắp sanh hoặc duyên với thọ hiện hành hay thọ chủng tử, đều không trái lý.
– Mười hai chia ấy, trong đó mười chi nhân đầu và hai quả chót, nhất định không đồng thời. Trong mười chi nhân, bảy chi đầu và ái, thủ, hữu thì hoặc đồng thời hoặc không đồng thời. Nếu riêng hai chi sanh và lão tử, nhất định đồng thời, ba chi ái, thủ, hữu, nhất định đồng thời, hay bảy chi từ vô minh đến thọ, nhất định đồng thời với nhau.
– Mười hai chi như vậy, tạo thành một lớp nhân quả, đủ nói rõ tánh cách luân hồi, và xa lìa hai chấp đọan và thường. Giả sử lập thành hai lớp nhân quả thì thật là vô dụng. Hoặc lập nhiều lớp hơn đây thì bị lỗi vô cùng.
Mười hai chi này còn phân biệt theo các nghĩa môn sau đây:
1. Môn giả thật – Trong mười hai chi, chín chi dầu là thật, và ba chi cuối là hữu, sanh, và lão tử là giả. Vì sáu chi hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, do được ái và thủ thấm nhuần mà hợp lại gọi là “hữu” nên hữu là giả. Và chính vì năm chi là thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ mà có ba tướng sanh, lão tử, khác nhau, nên sanh lão tử là giả.
2. Môn nhất sự phi nhất sự – Ðó là vô minh, thức, xúc, thọ, ái, năm chi đều cùng một sự thể; còn các chi kia không phải cùng một sự thể.
3. Môn nhiễm không nhiễm – Ba chi là vô minh, ái, thủ chỉ là nhiễm, vì là tánh phiền não; còn bảy chi kia chỉ là bất nhiễm, vì là quả Dị thục. Nhưng chính trong phận vị bảy chi kia có thể khởi sanh ô nhiễm, nên giả nói bảy chi kia thông cả nhiễm và bất nhiễm.
4. Môn độc tướng tập tướng phân biệt – Ba chi vô minh, ái, thủ là tướng riêng, vì không xen tạp với các chi kia, còn các chi kia chỉ là tướng xen tạp.
5. Môn sắc phi sắc – Sáu chi vô minh, thức, xúc, thọ, ái, thủ chỉ là phi sắc; còn các chi kia thông cả sắc và phi sắc.
6-7. Môn hữu lậu hữu vi, vô lậu vô vi – Cả mười hai chi đầu là hữu lậu và chỉ là hữu vi; còn vô lậu vô vi thì không phải là mưòi hai hữu chi.
8. Môn ba tánh – Vô minh, ái, thủ chỉ thông về tánh bất thiện và hữu phú vô ký; “hành” chỉ có tánh thiện, ác; còn “hữu” thông cả thiện, ác, và vô phú vô ký. Bảy chi kia chỉ là vô phú vô ký, nhưng ở trong phận vị bảy chi đó cũng khởi lên thiện và nhiễm.
9. Môn ba cõi –Tuy cả mười hai chi thông cả ba cõi, nhưng Dục giới thì toàn đủ mười hai chi; Vô sắc giới chỉ có một phần.
10. Môn năng sở tri – “Hành chi” của thượng địa có thể dẹp được phiền não của hạ địa, chính vì chán ba hành tướng là khổ, thô, chướng, và ưa ba hành tướng là tịnh, diệu, ly, mà khởi tâm cầu sanh cõi trên nên khởi lên hành chi đó.
11. Môn học vô học – Cả mười hai chi đều không phải học, vô học, vì Thánh giả lấy minh trí làm duyên mà khởi lên thiện nghiệp hữu lậu, điều đó trái với hữu chi, không nhiếp về hữu chi. Do đó nên biết bậc Thánh không còn tạo các nghiệp chiêu cảm thân đời sau, vì không mê cầu khổ quả đời sau. Nhưng xen tu thêm tịnh lự để giúp cho nghiệp cũ ở cõi dưới mà được sanh lên trời Ngũ Tịnh Cư, điều đó không trái lý.
12. Môn tam đoạn –Có ý kiến cho rằng vô minh chỉ thuộc kiến sở đoạn, vì phải có mê đế lý mới phát sanh hành động. Bậc Thánh hẳn không còn còn tạo nghiệp đời sau. Còn ái và thủ hai chi chỉ thuộc tu sở đoạn, vì do tham cầu đời sau mà có “nhuận sanh hoặc”. Vì chín thứ tâm khởi lên trong khi mệnh chung, đều cùng khởi với “câu sanh ái” (chín thứ tâm khi mệnh chung là, khi ở Dục giới mệnh chung, hoặc khởi tâm Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Khi ở Sắc, Vô sắc giới mệnh chung cũng vậy). Trừ vô minh, ái, thủ, còn chín chi kia đều thông cả kiến và tu sở đoạn.
Có ý kiến cho rằng cả mười hai chi đều thông cả kiến và tu sở đoạn; vì luận nói: “Quả Dự lưu đã đoạn hết thảy một phần hữu chi”, chứ không ai đoạn sạch hết được. Nếu vô minh chi chỉ thuộc kiến sở đoạn thì tại sao nói Dự lưu không toàn đoạn hết? Nếu ái, thủ, chỉ thuộc tu sở đoạn thì tại sao nói Dự lưu đã đọan một phần hết thảy các chi? Lại nói hết thảy phiền não của toàn một cõi đều có thể kiết sanh (tức nhuận sanh hoặc). Lại nói các hành động đưa đến cõi ác, chỉ do phiền não phân biệt khởi phát sanh, chứ không nói nhuận sanh phiền não chỉ do tu sở đoạn, cũng không nói các hành động chiêu cảm đời sau đều do kiến sở đoạn hoặc phát sanh. Do đó nên biết vô minh, ái, thủ, ba chi cũng thông cả kiến và tu sở đoạn. Nhưng chi “vô minh” chánh thức phát sanh chi “hành” đưa đến ác thú thì chỉ thuộc kiến sở đoạn, nếu nó giúp phát sanh hành nghiệp các thú khác thì bất định. Hai chi “ái” và “thủ” nếu là chính nhuận sanh thì chỉ là tu sở đoạn, còn giúp cho nhuận sanh thì bất định.
– Lại pháp mà tự tánh nhiễm ô là nên đoạn trừ, vì khi có đạo đối trị khởi lên thì nó bị đoạn hẳn; còn tự tánh của pháp hữu lậu không nhiễm ô thì không phải là thứ nên đoạn, vì nó không trái đạo phẩm. Nhưng có hai nghĩa mà nói là đoạn:
a. Vì ly phược – Ðó là đoạn các phiền não duyên theo pháp hữu lậu và xen lộn với pháp hữu lậu.
b. Vì bất sanh – Ðó là đoạn chỗ nương (chỉ phiền não phân biệt) của pháp hữu lậu khiến nó không khởi được.
Dựa vào nghĩa ly phược trên mà nói một phần hành hữu chi thiện hữu lậu và bảy chi thức là danh sắc v.v…; vô phú vô ký chỉ là tu sở đoạn. Dựa vào bất sanh đoạn trên mà nói một phần trong hành hữu chi chiêu cảm ác thú và vô tưởng định, chỉ là kiến sở đoạn.
Nên nói mười hai chi thông cả kiến và tu sở đọan, nên biết như đã nói ở trước về các cách đoạn.
13. Môn tương ưng ba thọ – Trong mười hai, mười chi đều tương ưng với lạc và xả thọ, vì chi “thọ” không tương ưng với thọ; chi lão tử phần nhiều không có lạc, xả thọ. Chi mười một là chi “sanh” tương ưng với khổ, trừ thọ không tương ưng thọ. Một phần của chi mười một nhiếp về hoại khổ.
14. Môn ba khổ – Cả mười hai chi, một phần ít nhiếp về khổ, vì trong hết thảy chi đều có khổ thọ. Toàn phần mười hai chi đều nhiếp về hành khổ, vì các pháp hữu lậu đều là hành khổ. Chi mười một có một phần ước theo xả thọ thì một phần của chi mười một thuộc hành khổ; chi lão tử nhiếp về hoại khổ. Thật nghĩa là như vậy, nhưng trong các Thánh giáo tùy theo tướng nó tăng thịnh mà nói, nên không nhất định.
15. Môn Tứ đế – Cả mười hai chi đều thuộc Khổ đế, vì nó là tánh thủ uẩn. Năm chi vô minh, hành, ái, thủ, hữu cũng nhiếp về Tập đế vì nó là tánh phiền não.
16. Môn bốn duyên – Các chi đối với nhau nhất định có duyên tăng thượng; còn ba duyên kia, hoặc có hoặc không không nhất định. Khế kinh y theo nghĩa nhất định nói chỉ có duyên là duyên tăng thượng. “Ái” đối với “thủ”; “hữu” đối với “sanh”, có nghĩa làm nhân duyên cho nhau. Nếu “thức chi” là nghiệp chủng, thì “hành chi” đối với thức chi cũng có nghĩa làm duyên cho nhau. Các chi khác đối với nhau không có nghĩa nhân duyên. Nhưng trong tập Luận nói: “Vô minh đối với hành có nghĩa nhân duyên”, là ước theo trong lúc vô minh có nghiệp tập khí mà nói, vì nghiệp ấy tương ưng với vô minh mà giả nói là vô minh, chứ kỳ thật là hành chủng tử.
– Luận Du già nói: “Các chi đối với nhau chỉ có ba duyên kia” chứ không có nghĩa làm nhân duyên; còn đây ước theo ái thủ hiện hành mà nói có nhân duyên cho nhau. Chỉ nghiệp chủng mới có nhân duyên. Vô minh đối với hành, ái đối với thủ, sanh đối với lão tử có hai duyên là Ðẳng vô gián và Sở duyên duyên. “Hữu” đối với “sanh” chỉ có Sở duyên duyên. Các chi khác đối với nhau không có hai duyên Tăng thượng và Ðẳng vô gián.
– Trong đây là y theo sự kế cận thứ lớp không tạp loạn mà nói nghĩa duyên khởi thật. Khác với điều này, các chi đối với nhau mà có làm duyên cho nhau là không nhất định. Những người thông tuệ nên suy nghĩ đúng như lý.
17. Môn hoặc nghiệp khổ – Ba thứ hoặc, nghiệp, khổ, nhiếp trọn mười hai chi. Vô minh, ái, thủ, nhiếp về hoặc; hành toàn phần và hữu một phần thuộc nghiệp; bảy chi thức, danh sắc lục nhập, xúc, thọ, sanh, lão tử và hữu một phần thuộc khổ.
Có chỗ nói nghiệp toàn nhiếp về hữu, nên biết đó y theo nghiệp hữu mà nói.
Có chỗ nói thức nhiếp về nghiệp, đó là lấy nghiệp chủng làm thức chi mà nói.
Kết quả do hoặc và nghiệp chiêu cảm, chỉ gọi là khổ, vì nhiếp về Khổ đế, đáng nhàm chán vậy. Do hoặc nghiệp, khổ, tức chính là mưòi hai chi, nó có thể làm cho có sự sanh tử tương tục.
(Ý thứ tư) – Lại nữa, sanh tử tương tục là do nhân duyên bên trong chứ không phải do nhân duyên bên ngoài, cho nên nói duy có thức.
Nhân là hai nghiệp hữu lậu vô lậu chính thức chiêu cảm sanh tử. Duyên là hai chướng phiền não và sở tri, trợ giúp sự chiêu cảm ra sanh tử đó.
Vì sao? Vì sanh tử có hai thứ:
1. Phân đoạn sanh tử – Ðó là các nghiệp hữu lậu thiện và bất thiện, do thế lực của phiền não chướng làm duyên trợ giúp mà chiêu cảm ra quả Dị thục thô phù trong ba cõi với thân mạng sống lâu hoặc chết yểu, do sức nhân duyên mà có sự hạn định đó, cho nên gọi là phân đoạn sanh tử.
2. Bất tư nghì biến dịch sanh tử – Ðó là các nghiệp vô lậu có phân biệt, do thế lực của sở tri chướng làm duyên trợ giúp chiêu cảm ra quả Dị thục với thân mạng thù thắng vi tế, do sức bi nguyện mà thân mạng này chuyển dịch không hạn định, cho nên gọi là biến dịch. Ðây chính do định vô lậu làm duyên trợ giúp chiêu cảm, diệu dụng khó lường, cho nên gọi là bất tư nghì.
Thân biến dịch sanh tử cũng gọi là ý sanh thân. Nghĩa là tùy ý nguyện mà sanh thành.
Như Khế kinh nói: “Do lấy “thủ” làm duyên, nghiệp hữu lậu làm nhân mà có tiếp tục đời sau, cho nên sanh ra trong ba cõi. Cũng như vậy, do vô minh trụ địa làm duyên và nghiệp vô lậu làm nhân mà có ba hạng ý sanh thân là A la hán, Ðộc giác, Tự tại Bồ tát; cũng gọi là biến hóa thân, do định lực vô lậu chuyển biến khác với gốc cũ, cũng như sự biến hóa”.
Hỏi: – Như có Luận nói: “Hàng Thanh văn vô học đã dứt hẳn thân hậu hữu”, thì làm sao có thể chứng thành Vô thượng Bồ đề?
Ðáp: – Nương thân biến hóa mà chứng Vô thượng Bồ đề, chứ không phải nương thân nghiệp báo, nên không trái lý.
Hỏi: – Nếu sở tri chướng làm duyên trợ gìúp cho nghiệp vô lậu có thể chiêu cảm sanh tử thì hàng Nhị thừa định tánh không thể vĩnh viện nhập Vô dư Niết bàn? (vì Nhị thừa còn sở tri chướng).
Ðáp: – Ðây cũng như hàng Dị sanh (phàm phu) bị buộc ràng theo phiền não (không thể vào Niết bàn).
– Thế nào mà Ðạo đế lại thật sự có thể chiêu cảm quả khổ?
– Ai nói thật sự chiêu cảm?
– Không như vậy thì thế nào?
– Do định vô lậu làm duyên trợ giúp cho nghiệp hữu lậu khiến cho quả đắc được tương tục lâu dài, triển chuyển thắng hơn mà giả gọi là chiêu cảm đó thôi. Như vậy khi chiêu cảm là do sở chi trướng làm duyên để trợ lực, chứ không phải riêng sở tri chướng mà có thể chiêu cảm.
Hỏi: – Nhưng sở tri chướng không làm chướng giải thoát, vì nó không có tác dụng làm phát nghiệp nhuận sanh, cần gì nó trợ giúp để chiêu cảm khổ báo sanh tử làm gì?
Ðáp: – Vì để tự chứng được Bồ đề và lợi lạc quần sanh cho nên trợ giúp để chiêu cảm. Nghĩa là hàng Thanh văn, Ðộc giác bất định tánh và hàng Ðại nguyện Bồ tát đắc đại nguyện tự tại, đã vĩnh viễn đoạn dẹp phiền não, không thể còn thọ thân phân đoạn sanh tử đời sau, nhưng vì sợ phế bỏ hạnh tu Bồ tát dài ngày, bèn dùng nguyện lực thắng định vô lậu, đúng như cách kéo dài tuổi thọ mà tư trợ cái nghiệp nhân của thân hiện tại, khiến nghiệp nhân đó kéo dài làm cho quả báo thân hiện tại sống lâu không dứt. Cứ nhiều lần như vậy, do định và nghiệp tư trợ để tu hành cho đến khi chứng được Vô thượng Bồ đề.
Hỏi: – Như vậy các vị kia cần gì phải nhờ sở tri chướng tư trợ?
Ðáp: – Vì đã chưa viên mãn chứng được vô tướng đại bi, nếu không có sở tri chướng chấp Bồ đề và hữu tình là thật có, thì không do đâu phát khởi tâm bi nguyện mãnh lợi. Lại sở tri chướng, làm chướng ngại đại Bồ đề, vì muốn vĩnh viễn đoạn trừ nên nó lưu thân lại lâu dài. Lại sở tri chướng là chỗ nương của pháp hữu lậu, chướng này nếu không có thì pháp hữu lậu kia nhất định không có. Cho nên sở tri chướng có trợ lực lớn đối thân sống lâu.
Nếu thân lưu lại lâu dài mà do định và nguyện hữu lậu tư trợ thì thân ấy nhiếp vào phân đoạn sanh tử, vì đó là cảnh giới của hàng Nhị thừa và Dị sanh. Nếu do định và nguyện vô lậu tư trợ thì thân này nhiếp vào biến dịch sanh tử, vì không phải là cảnh giới của Nhị thừa và Dị sanh.
Do đó nên biết biến dịch sanh tử tánh là hữu lậu thì nhiếp vào Dị thục quả, đối với vô lậu nghiệp thì đó là Tăng thượng quả. Có chỗ trong Thánh giáo nói do vô lậu mà ra ba cõi, đó là tùy theo nghiệp vô lậu làm trợ nhân mà nói.
– Trong bài Tụng nói: ” tập khí các nghiệp” chính là chủng tử hai nghiệp hữu lậu, vô lậu vừa được nói. Còn “tập khí hai thủ” chính là chủng tử hai chướng phiền não, sở tri vừa được nói. Vì đều là chấp trước (cho nên nói là hai thủ). Chữ “câu” v.v… và các văn khác trong bài tụng thì có giải nghĩa như trước.
– Biến dịch sanh tử tuy không phân từng đoạn Dị thục trước sau, chết khác sanh khác, nhưng do định lực tư trợ làm cho biến cải trước sau, nên cũng có nghĩa Dị thục trước chấm dứt lại sanh ra Dị thục sau. Tuy cũng do hiện hành nghiệp và hai thủ khiến cho sanh tử tương tục, nhưng chủng tử của nó thì nhất định phải có, nên Tụng chỉ nói đến tập khí, tức nói đến chủng tử (vì nó có luôn chứ không như hiện hành khi hiện, khi ẩn).
Hoặc để hiển thị nhân quả chơn Dị thục, đều không lìa bản thức, cho nên không nói hiện hành.
Dị thục nhân hiện hành của sáu thức không tức thời cho quả (phải huân tập thành chủng tử sau mới cho quả), còn các chuyển thức thì gián đoạn (chỉ là Dị thục sanh) không phải là chơn Dị thục (nên câu “Dị thục trước đã dứt lại sanh Dị thục sau” trong bài Tụng cốt chỉ cho chơn Dị thục đệ bát thức mà nói).
Sanh tử luân hồi trải qua ba thời tiền tế, trung tế, hậu tế, không cần chờ có duyên bên ngoài, mà đã chỉ do nội thức như vậy thì Tịnh pháp tương tục nơi các bậc Thánh, nên biết cũng vậy. Nghĩa là từ vô thỉ lại, chủng tử vô lậu vốn có gá dựa nơi bản thức và do chuyển thức thường thường huân tập phát sanh, dần dần tăng hơn cho đến khi rốt ráo đắc thành Phật, thì chuyển bỏ chủng tử thức tạp nhiễm xưa nay và chuyển được bắt đầu khởi chủng tử thức thanh tịnh, nhậm vận duy trì hết thảy chủng tử công đức. Do sức bản nguyện khởi lên các diệu dụng, cùng tột đời vị lai tương tục vô cùng.
– Do đó nên biết Duy có nội thức mà có sanh tử tương tục.
XVII. BA TỰ TÁNH
– Nếu chỉ có thức tại sao trong các kinh đức Thế Tôn nói có ba tánh?
Nên biết ba tánh cũng không lìa thức, vì sao?
Tụng nói:
Do Biến kế nọ kia,
Biến kế chủng chủng vật,
Biến kế sở chấp này,
Tự tánh toàn không có,
Tự tánh Y tha khởi,
Do duyên phân biệt sanh;
Viên thành thật nơi đó,
Thường xa lìa biến kế.
Nên nó cũng Y tha,
Chẳng khác chẳng không khác,
Như tánh vô thường thảy,
Thấy đây, mới thấy kia.
Luận rằng: So đo chấp trước cùng không mọi thứ, nên gọi là Biến kế. Phẩm loại Biến kế rất nhiều, cho nên nói là nọ kia (kia kia). Ðó tức là tính hư vọng phân biệt Năng biến kế. Chính tính hư vọng phân biệt năng Biến kế nọ kia mà chấp trước cùng khắp mọi vật bị biến kế; đó là vọng chấp năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới v.v… là thật có ngã hoặc pháp với tự tánh và nghĩa sai biệt của nó (như ngã pháp thường, vô thường). Tự tánh và nghĩa sai biệt ngã pháp được vọng chấp này, chung gọi là Biến kế sở chấp tự tánh. Chính tự tánh Biến kế chấp đó hoàn toàn không có, vì đem giáo lý suy xét thấy nó không thể có được.
– Hoặc câu tụng đầu “Do Biến kế nọ kia” Là nói về thức năng biến kế. Câu thứ hai “Biến kế chủng chủng vật” là nói về cảnh sở biến kế. Nữa phần bài tụng sau mới nói đến Biến kế sở chấp hoặc ngã hoặc pháp, tự tánh không phải có, vì đã rộng nói rõ ràng nó là bất sở đắc (không có được).
– Ðầu hết, tự tướng của Năng biến kế như thế nào?
– Có ý kiến cho rằng tám thức và các Tâm sở hữu lậu đều là Năng biến kế, vì tự tánh nó là hư vọng phân biệt hiện ra tương tợ như kiến phần năng thủ và tướng phần sở thủ. Lại nói A lại da thức lấy chủng tử vọng chấp về tự tánh Biến kế sở chấp làm sở duyên.
– Có ý kiến cho rằng tâm phẩm thức thứ sáu, thức thứ bảy chấp ngã và pháp đó mới là Năng biến kế. Nhưng trong kinh chỉ nói ý thức là Năng biến kế, vì ý và thức chung lại gọi là ý thức; kế đạt và phân biệt là Năng biến kế. Vì chấp ngã và pháp tất là Tuệ tâm sở, do chấp ngã và pháp tất cùng khởi với Vô minh tâm sở, nên không nơi nào nói vô minh có thiện tánh; vì một bên si và một bên vô si không tương ưng nhau; vì không thấy người có chấp thủ mà dẫn đến “không trí” được; vì chấp có và chấp không, không cùng khởi được; vì chưa từng có sự chấp nào mà không phải năng huân. Vi tâm hữu lậu không chứng thật lý được, nên tất cả đều gọi là hư vọng phân biệt (chứ không phải là Năng biến kế).
Vì tuy hiện ra tợ như tướng sở thủ, năng thủ nhưng không phải hết thảy đều là Năng biến kế. Chớ bảo rằng tâm vô lậu cũng có chấp (nếu tâm vô lậu cũng có chấp) thì trí hậu đắc vô lậu của Như Lai cũng có chấp (biến kế) sao?
Khế kinh nói: “Trí hậu đắc của Phật hiện ra các tượng thân, và tợ như tấm gương”, nếu không có tác dụng năng duyên, sở duyên thì không phải là trí.Tuy Thánh giáo nói: “Tạng thức duyên chủng tử của Biến kế, nhưng không nói “Duy: chỉ” duyên Biến kế”, cho nên không phải là lời chứng minh đúng.
Do lý lẽ đó mà chỉ tâm phẩm thứ sáu và thứ bảy là có tánh Năng biến kế.
Thức phẩm tuy có hai là thức thứ sáu, thức thứ bảy, nhưng Biến kế đối với hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười đến hai mươi pháp (như danh,, nghĩa, thường, vô thường, thiện, bất thiện v.v…) khác nhau, cho nên trong bài tụng nói “nọ kia (kia kia)”.
Thứ đến tự tánh của Sở biến kế như thế nào?
– Luận Nhiếp Ðại thừa nói: “Ðó là Y tha khởi, nó là sở duyên duyên của tâm Biến kế”.
Hỏi: – Tánh Viên thành thật sao không phải là cảnh sở duyên của biến kế?
Ðáp: – Vì chơn tánh không phải là cảnh sở duyên của vọng chấp. Nếu ước theo nghĩa triển chuyển mà nói thì nó cũng là Sở biến kế. Nhưng bởi Biến kế sở chấp ngã pháp tuy là cảnh của tâm Năng biến kế, song không phải là Sở duyên duyên (vì ngã pháp không thật, nó chỉ làm sở duyên, giống như mặt trăng thứ hai), cho nên Viên thành thật tánh không phải là Sở biến kế.
– Tướng của Biến kế sở chấp như thế nào? Nó với Y tha khởi có gì khác?
– Có ý kiến cho rằng Tâm và Tâm sở hữu lậu trong ba cõi, do sự huân tập hư vọng, sanh ra tợ như hai, là kiến phần và tướng phần, tức năng thủ, sở thủ. Hai phần này về tình thì có, về lý thì không. Tướng hai thứ đó gọi là Biến kế sở chấp. Còn thức thể tự chứng phần làm chỗ nương cho kiến tướng, thức thể thật nương duyên sanh, tánh nó chẳng phải không, nên gọi là Y tha khởi, vì do duyên hư vọng phân biệt mà sanh ra. Làm sao biết như thế? Vì trong các Thánh giáo nói: “Hư vọng phân biệt là Y tha khởi”; còn hai thủ thì gọi là Biến kế sở chấp (ý đoạn này lấy tự chứng phần làm Y tha khởi, kiến tướng phần làm Biến kế sở chấp – không chính).
– Có ý kiến cho rằng hết thảy Tâm và Tâm sở do sức huân tập mà biến ra hai phần kiến và tướng, hai phần này là do duyên sanh, cũng là Y tha khởi. Biến kế y vào đó vọng chấp cho là nhất định có thật ngã pháp, có, không, một, khác, khác, câu, bất câu v.v… đó mới gọi là Biến kế sở chấp. Vì trong các Thánh giáo nói chỉ có duy lượng (thức), duy hai (kiến tướng), duy các thứ đó đều được gọi là Y tha khởi (ý đoạn này chính đáng).
Lại bốn pháp là tướng, kiến, tự chứng, chứng tự chứng, và 11 thức (thân thức tức năm thức thân, giả thức tức nhiễm ô ý, thọ giả thức tức ý giới v.v… ) trong luận nói đều là Y tha khởi. Nếu kiến và tướng mà không phải Y tha khởi, thì hai phần kiến và tướng của hậu đắc trí vô lậu được gọi là Biến kế sở chấp. Nếu chấp nhận đó là Biến kế, thời Thánh trí không phải duyên hai phần kiến và tướng sanh, hoặc Thánh trí duyên hai phần đó không phải thuộc Ðạo đế. Nếu không chấp nhận kiến và tướng của trí hậu đắc là Biến kế sở chấp, thì hai phần kiến tướng của tâm hữu lậu cũng vậy.
Lại nếu hai phần kiến và tướng là Biến kế sở chấp, thì có thể nói như sừng thỏ, không phải là Sở duyên duyên. Vì thể của Biến kế sở chấp là không thật có.
Lại hai phần kiến và tướng đã không thật, thì không huân thành chủng tử, như vậy thức sau sanh ra không có hai phần.
Lại các tập khí là tướng phần của thức thứ tám, vả lại là pháp không thật có, mà có thể làm nhân duyên sanh ra tám thức hiện hành sao?
Lại nếu hai phần kiến và tướng trong nội thức do duyên sanh mà không phải là Y tha khởi, thì thức thể (tự chứng phần) làm chỗ nương cho kiến và tướng đó cũng thế, vì nguyên nhân hai bên không khác nhau.
Do lý lẽ đó, mà hết thảy tự thể Tâm, Tâm sở và tướng kiến phần do duyên sanh, dù hữu lậu, vô lậu đều là Y tha khởi, tức là y nơi duyên khác mà được sanh khởi.
Bài Tụng nói: “Do duyên phân biệt sanh” để chỉ về phần nhiễm Y tha, còn phần tịnh Y tha thì cũng có thể nói là Viên thành thật; hoặc các Tâm và Tâm sở nhiễm, tịnh, đều gọi là phân biệt, vì có khả năng duyên lự thì hết thảy nhiễm tịnh Y tha, đều nhiếp vào trong tánh Y tha khởi này.
– Thật tánh viên mãn thành tựu cũa các pháp do hai không hiển lộ, gọi là Viên thành thật, biểu thị thể tánh nó biến khắp, thường hằng, và không phải hư vọng sai lầm, giản biệt với tự tướng (không biến khắp), cộng tướng (không thường trụ), hư không vô ngã (hư vọng) v.v…
Hoặc pháp hữu vi vô lậu rốt ráo lìa điên đảo, có tác dụng thù thắng châu biến, cũng được gọi là tánh Viên thành thật. Nhưng nay trong bài Tụng cốt nói nghĩa trước, chứ không phải nói nghĩa sau. Nghĩa trước là tánh Viên thành thật đó chính là tánh Chơn như được hiển lộ bởi hai không, do từ trên Y tha khởi kia thường xa lìa tính Biến kế sở chấp trước đó. – Tụng nói chữ “nơi đó” là biểu thị tánh Viên thành thật với tánh Y tha khởi chẳng tức chẳng ly.- Tụng nói chữ “thường xa lìa” là biểu thị tánh hư vọng chấp trước năng thủ, sở thủ không phải thường có. – Tụng nói chữ “trước” là có nghĩa biểu thị không có Biến kế, chứ chẳng phải là không có Y tha. – Tụng nói chữ “tánh” là có nghĩa biểu thị “hai không”, chứ chẳng phải là Viên thành thật; vì Chơn như (Viên thành thật) xa lìa cả tánh hữu và vô.
Do lý lẽ trên, Viên thành thật này với Y tha khởi kia chẳng phải khác, chẳng phải không khác. Khác thì hóa ra Chơn như không phải là thật tánh của Y tha, còn không khác thì thật tánh Chơn như này hóa ra là vô thường như Y tha. Y tha kia, Chơn như này nếu đều là cảnh tịnh cả hoặc phi tịnh cả, thời trí căn bản và trí hậu đắc không có công dụng khác nhau (như vì Chơn như thì thuần tịnh, còn Y tha thì thông cả tịnh và phi tịnh, nên hai trí duyên hai cảnh có khác nhau. Căn bản trí duyên Chơn như, hậu đắc trí duyên Y tha).
– Thế nào là tánh Viên thành và tánh Y tha chẳng phải khác chẳng phải một?
Như trong các pháp vô thường, vô ngã tánh vô thường với các pháp nếu là khác, thì các pháp kia chẳng phải vô thường; nếu là không khác thì vô thường này không phải là cộng tướng của các pháp kia.
Do ví dụ đó, hiển thị Viên thành thật này với Y tha khởi kia chẳng phải một, chẳng phải khác. Pháp và pháp tánh, lý phải như thế. Thắng nghĩa và thế tục đối đãi với nhau mới có được.
Chảng phải không chứng thấy tánh Viên thành mà lại có thấy tánh Y tha khởi, vì nếu chưa đạt đến tánh Biến kế sở chấp là không, thì không thể như thật biết được tánh Y tha khởi là có.
Trí vô phân biệt chứng Chơn như xong, trong hậu đắc trí mới có thể liễu đạt tánh Y tha khởi như là huyễn sự.
Tuy từ vô thỉ lại, Tâm và Tâm sở pháp đã có thể duyên tướng phần, kiến phần của chính mình, nhưng vì ngã pháp chấp thường tương ưng với nó, cho nên nó không như thật biết đó là các duyên dắt dẫn Tâm, Tâm sở hư vọng phân biệt biến ra giống như các huyễn sự, rán nắng, cảnh mộng, bóng trong gương, bóng sáng, tiếng vang, trăng dưới nước do biến hóa mà thành, chẳng phải có mà như là có. Theo các nghĩa như thế, nên có Tụng rằng:
Phi chẳng thấy chơn như,
Mà rõ được các hành,
Ðều như các sự huyễn,
Tuy có mà chẳng thật.
Trong bài Tụng này ý nói ba thứ tự tánh đều không lìa Tâm và Tâm sở pháp. Nghĩa là Tâm và Tâm sở pháp và các sự được biến hiện đều do duyên sanh, giống như các sự huyễn, chẳng phải có mà như có, dối gạt kẻ ngu. Tất cả thứ đó đều gọi là Y tha khởi tánh. Kẻ ngu đối với các thứ Y tha khởi đó vọng chấp ngã và pháp, chấp có, không, một, khác, câu và bất câu, như hoa đốm giũa không, tánh lẫn tướng đều không. Tất cả thứ chấp đó đều gọi là Biến kế sở chấp.
Các ngã và pháp vọng chấp dựa trên Y tha khởi đó, đều là không, chơn tánh của thức được hiển lộ từ cái không đó, gọi là Viên thành thật. Thế nên ba tánh này đều không lìa tâm.
Hỏi: – Hư không vô vi, Trạch diệt vô vi, Phi trạch diệt vô vi, nhiếp về tánh nào trong ba tánh trên?
Ðáp: – Cả ba đều dung nhiếp. Tâm và Tâm sở biến ra tợ như tướng hư không v.v…, đó là tùy tâm sanh, nên nhiếp về tánh Y tha khởi. Kẻ ngu đối với tướng đó vọng chấp cho là thật có, đó chính là tánh Biến kế sở chấp. Nếu từ Chơn như giả thi thiết ra có Hư không, Trạch diệt, Phi trạch diệt vô vi, thì nhiếp về tánh Viên thành thật.
Vô vi theo tâm hữu lậu duyên, nhất định thuộc Y tha khởi; còn vô vi theo tâm vô lậu duyên, có thể nhiếp vào hai tánh. Vì do duyên sanh, nó thuộc Y tha; do tâm không điên đảo, nó thuộc Viên thành thật tánh.
– Ba tánh đó cùng với bảy Chơn như, nhiếp vào nhau như thế nào?
– Bảy Chơn như là:
- Lưu chuyển chơn như – Thật tánh của pháp hữu vi.
- Thật tướng chơn như – Thật tánh được hiển lộ bởi hai vô ngã.
- Duy thức chơn như – Thật tánh của pháp nhiễm và tịnh chính là Duy thức.
- An lập chơn như – Thật tánh của Khổ đế.
- Tà hạnh chơn như – Thật tánh của Tập đế.
- Thanh tịnh chơn như – Thật tánh của Diệt đế.
- Chánh hạnh chơn như – Thật tánh của Ðạo đế.
Bảy thật tánh đó nhiếp về Viên thành thật, vì là cảnh giới của hai trí căn bản và trí hậu đắc. Tùy sự nhiếp thuộc nhau, mà ba thứ là Lưu chuyển, Khổ, Tập chơn như nhiếp vào hai tánh là Biến kế và Y tha, vì là vọng chấp tạp nhiễm. Bốn thứ còn lại, là nhiếp vào Viên thành thật tánh.
– Ba tánh và sáu pháp nhiếp thuộc nhau như thế nào?
– Trong sáu pháp kia đều đủ ba tánh sắc, thọ, tưởng, hành, thức và vô vi, cả sáu pháp đó đều có vọng chấp (Biến kế), duyên sanh (Y tha), và thật lý (Viên thành).
– Ba tánh và năm sự nhiếp thuộc nhau như thế nào?
– Trong các Thánh giáo nói: “Nhiếp thuộc nhau không nhất định”. Nghĩa là hoặc có chỗ nói Y tha khởi nhiếp bốn sự là tướng, danh, phân biệt, chánh trí; Viên thành thật thì nhiếp về chơn như; Biến kế sở chấp không nhiếp năm sự.
Tâm và Tâm sở pháp hữu lậu biến ra tợ như là tướng sở thuyên, đó gọi là tướng. Biến ra tợ như tướng năng thuyên để thi thiết gọi đó là danh. Tâm năng biến thì lập làm phân biệt. Tâm vô lậu xa lìa hý luận nên chỉ gọi chung là chánh trí, chứ không gọi là năng thuyên, sở thuyên, Cả bốn sự đều từ duyên sanh nên nhiếp về Y tha khởi.
Hoặc có chỗ nói Y tha khởi nhiếp về Tướng và phân biệt; Biến kế chấp thì nhiếp về danh; chánh trí và chơn như thì nhiếp về Viên thành thật. Lại nói tướng phần của Tâm và Tâm sở hữu lậu gọi là tướng, ngoài ra gọi là phân biệt; Biến kế sở chấp hoàn toàn không có thật thể, vì hiển thị nó chẳng phải có, nên giả nói là danh; hai thứ chánh trí và chơn như, vì không điên đảo nên nhiếp vào Viên thành thật.
Hoặc có chỗ nói Y tha khởi tánh chỉ nhiếp về phân biệt; Biến kế sở chấp nhiếp về tướng và danh; còn chánh trí và chơn như thì nhiếp về viên thành thật. Ðó là nói về tướng phần, kiến phần của Tâm và Tâm sở hữu lậu, tổng gọi là phân biệt, vì tự tánh nó là hư vọng phân biệt. Biến kế sở chấp năng thuyên, sở thuyên theo vọng tình mà lập làm hai sự là danh và tướng.
Lại có chỗ nói danh chỉ thuộc về tánh Y tha khởi, nghĩa (tướng) thuộc về tánh Biến kế sở chấp. Ðây là nói tướng phần, kiến phần của Tâm và Tâm sở hữu lậu do thế lực của danh mà thành ra sở Biến kế, cho nên nói là danh. Biến kế sở chấp là tùy theo danh mà chấp bậy, chứ không có thật thể, nên giả lập gọi là nghĩa (tức tướng).
Trong các Thánh giáo, nhiều chỗ nói về năm sự, văn tuy có khác nhau mà nghĩa không trái nhau. Nhưng trong các thuyết nêu trên, thuyết đầu không tạp loạn, như trong luận Du già nói rộng, nên biết.
– Lại trong Thánh giáo nói: “Năm tướng (là tướng năng thuyên, tướng sở thuyên, tướng tương thuộc của năng thuyên sở thuyên, tướng chấp trước, tướng không chấp trước), năm tướng đó vói ba tánh nhiếp thuộc nhau như thế nào?”
– Tướng sở thuyên, tướng năng thuyên đều đủ ba tánh, nghĩa là vọng kế chấp sở thuyên, năm thuyên thì nhiếp thuộc Biến kế tánh. Tướng, danh, và phân biệt thì tùy sự thích ứng (tướng danh là sở thuyên, phân biệt là năng thuyên) mà nhiếp về Y tha khởi. Chơn như và chánh trí tùy sự thích hợp năng thuyên, sở thuyên mà nhiếp về Viên thành thật tánh. Vì do trí hậu đắc biến ra tợ như tướng năng thuyên. Tướng “tương thuộc” của hai thứ sở thuyên, năng thuyên chỉ nhiếp về Biến kế chấp, vì vọng chấp nghĩa và danh nhất định nó hệ thuộc nhau. Tướng chấp trước thứ bốn chỉ là Y tha khởi, vì lấylấy sự hư vọng phân biệt là tự tánh. Tướng không chấp trước thứ năm thì chỉ là Viên thành thật, vì lấy trí vô lậu làm tự tánh.
– Lại trong Thánh giáo nói: “Bốn chơn thật (thế gian chơn thật, đạo lý chơn thật, phiền não chướng tịnh chơn thật, sở tri chướng tịnh chơn thật) nó với ba tánh nhiếp thuộc nhau như thế nào?”
– Hai chơn thật thế gian và đạo lý nhiếp thuộc về Y tha khởi và nhiếp về ba sự là danh, tướng, phân biệt.
– Hai chơn thật được nhận biết do trí thanh tịnh ngoài hai chướng phiền não và sở tri, thì nhiếp thuộc về Viên thành thật và nhiếp vào hai sự là chánh trí và chơn như.
– Luận Biện Trung Biên nói: “Thứ chơn thật theo thế gian chỉ nhiếp thuộc về tánh Biến kế sở chấp”, vì đó là những điều của thế gian cùng chấp nhập. Thứ đạo lý chơn thật thứ hai thì nhiếp thuộc cả ba tánh, vì đạo lý thông cả có chấp, không chấp, tạp nhiễm, thanh tịnh. Hai thứ chơn thật sau cùng chỉ nhiếp thuộc về tánh Viên thành thật.
– Ba tánh và Bốn đế nhiếp thuộc nhau như thế nào?
– Trong mỗi đế đều đủ ba tánh.
Như trong “Khổ đế”, tánh vô thường, vô ngã v.v… mỗi mỗi có đủ ba tánh. Vô thường có ba:
- Vô tánh vô thường, vì là tánh thường vô.
- Khởi tận vô thường, vì có sanh, có diệt.
- Cấu tịnh vô thường, vì địa vị chuyển biến khi cấu, khi tịnh.
“Khổ” có ba:
- Sở thủ khổ, chỗ nương tựa, chấp thủ, của hai chấp ngã và pháp.
- Sự tướng khổ, là tướng ba khổ.
- Hòa hợp khổ, khổ hợp với khổ.
“Không” có ba:
- Vô tánh không, vì tánh chẳng phải có.
- Dị tánh không, vì “không” với “vọng chấp” hai tánh khác nhau.
- Tự tánh không, lấy chỗ hiển lộ của hai không làm tự tánh.
“Vô ngã” có ba:
- Vô tướng vô ngã, là ngã tướng không có.
- Dị tướng vô ngã, vô ngã với tướng ngã chấp hư vọng khác nhau.
- Tự tướng vô ngã, là tự tướng do vô ngã hiển lộ.
“Tập đế” có ba:
- Tập khí tập, tức là chấp tập khí của Biến kế sở chấp tự tánh. Chấp vào tập khí đó, giả lập là tập khí tập.
- Ðẳng khởi tập, tức là nghiệp và phiền não.
- Chưa ly hệ tập, tức chơn như chưa lìa chướng.
“Diệt đế” có ba:
- Tự tánh diệt, tức là tự tánh bất sanh.
- Nhị thủ diệt, tức là trạch diệt, hai thủ không còn sanh.
- Bản tánh diệt, tức là chơn như.
“Ðạo đế” có ba:
- Biến tri đạo, là có thể biết tánh Biến kế sở chấp.
- Vĩnh đoạn đạo, là có thể đoạn nhiễm phần Y tha khởi.
- Tác chứng đạo, là có thể chứng Viên thành thật. Nhưng biến tri đạo cũng thông cả vĩnh đoạn đạo và tác chứng đạo.
Khổ đế có bốn lần ba, Tập đế có một lần ba, Diệt đế có một lần ba, Ðạo đế có một lần ba, Bốn đế cọng có bảy lần ba như thế, theo thứ lớp mà phối hợp với ba tánh. Nay ở trong đây, ba tánh đưọc phối hợp với Bốn đế giả hoặc thật, theo lý nên biết.
– Cảnh giới của ba giải thoát môn (là không, vô nguyện, vô tướng) với ba tánh này nhiếp thuộc nhau như thế nào?
– Lý thật thì ba môn đều thông cả ba tánh; còn theo tướng thì mỗi môn thông mỗi tánh. Như thứ lớp nên biết, do tánh Biến kế sở chấp mà lập “không môn”, do tánh Y tha khởi mà lập “vô nguyện môn”; do tánh Viên thành thật mà lập “vô tướng môn”. Duyên theo đây lại sanh ba vô sanh nhẫn: a. Bản tánh vô sanh nhẫn. b. Tự nhiên vô sanh nhẫn. c. Hoặc khổ vô sanh nhẫn. Như thứ lớp ba tánh này đối cảnh của ba nhẫn kia.
– Ba tánh này làm sao nhiếp đưọc hai đế?
– Nên biết thế tục đế đủ cả ba tánh này. Thắng nghĩa đế chỉ nhiếp tánh Viên thành thật.
Thế tục đế có ba là giả thế tục, hành thế tục, hiển liễu thế tục. Như thứ lớp nên biết tưong ứng với ba tánh Biến kế chấp, Y tha, Viên thành thật.
Thắng nghĩa đế có ba:
- Nghĩa thắng nghĩa, tưc là chơn như, nghĩa của thắng.
- Ðắc thắng nghĩa, tức Niết bàn, thắng tức nghĩa.
- Hành thắng nghĩa, tức Thánh đạo, thắng là nghĩa.
Thắng nghĩa là không biến đổi, không điên đảo, theo sự thích hợp đều nhiếp vào Viên thành thật tánh.
– Ba tánh như thế, trí nào nhận biết?
– Biến kế sở chấp hoàn toàn không phải cảnh duyên của trí. Vì nó không tự thể, không phải là Sở duyên duyên. nhưng đối Biến kế chấp, kẻ ngu chấp là có; bậc Thánh đạt là không, nên cũng được nói nó là cảnh giới của trí kẻ ngu và bậc Thánh, thuộc về tánh Y tha khởi, vì là cảnh đối tượng của hai trí ngu và Thánh. Viên thành thật chỉ là cảnh giới của Thánh trí.
– Trong ba tánh đó, mấy giả mấy thật?
– Biến kế sở chấp, an lập hư vọng nên nói là “giả”; lại vì không có thể tướng thật, nên có thể nói chẳng phải giả, chẳng phải thật. Tánh Y tha khởi có thật có giả. Nếu là tụ tập (khí giới, căn thân) tương tục (tướng chuyển dịch của Tâm, Tâm sở) phận vị (24 Bất tương ưng) nói là giả có, song Tâm, Tâm sở và Ðắc thì tùy duyên sanh nên nói là thật có. Nếu không có giả pháp thì thật pháp cũng không. Giả y nhân nơi thật mà bày đặt ra. Tánh Viên thành thật, chỉ là thật có, không nương tha duyên mà bày đặt ra.
– Ba tánh đó là khác hay không khác nhau?
– Nên nói không phải cả hai, vì không có tự thể riêng nên chẳng khác, nhưng vọng chấp (Biến kế), duyên khởi (Y tha), và chân nghĩa (Viên thành) khác nhau, nên chẳng không khác.
Ba tánh như vậy, có rất nhiều nghĩa, sợ rườm ra nên chỉ lược nói cương yếu.
(Hết cuốn VIII của bản Hán)
XVIII. BA VÔ TÁNH
Nếu có ba tánh, tại sao đức Thế Tôn nói: Hết thảy pháp đều không tự tánh?”
Tụng rằng:
Chính nương ba tánh này,
Lập ba không tánh kia.
Nên Phật “mật ý” nói:
“Hết thảy pháp không tánh”
Trước là tướng không tánh,
Kế, không tự nhiên tánh.
Sau, do lìa tánh trước,
Là tánh chấp ngã pháp.
Ðây thắng nghĩa các pháp,
Cũng tức là chơn như.
Vì thường như tánh nó,
Tức thực tánh Duy thức.
Luận rằng: Chính nương nơi ba tánh trước đây mà lập ra ba không tánh sau này, đó là Tướng không tánh, Sanh không tánh, Thắng nghĩa không tánh. Cho nên Phật “mật ý” nói “hết thảy pháp đều không có tự tánh”, chứ chẳng phải nói “tánh” hoàn toàn không có.
Trong bài Tụng nói “mật ý” là biểu thị lời nói ấy chẳng phải với nghĩa rốt ráo. Nghĩa là hai tánh Y tha và Viên thành sau tuy có thể chẳng phải không, nhưng có kẻ ngu đối với hai tánh đó vọng chấp thêm trên nó tánh ngã và tánh pháp thật có. Chính sự vọng chấp ấy gọi là Biến kế sở chấp.
Vì để trừ cái vọng chấp ấy mà đức Thế Tôn đối với cái “có” của Y tha và Viên thành, và cái “không” của Biến kế, Ngài nói chung là “không tánh”.
– Thế nào là nương ba tánh này mà lập ra ba không tánh kia?
– Ðó là nương tánh Biến kế sở chấp đầu mà lập ra “Tướng không tánh”; vì do thể tướng của nó hoàn toàn chẳng có, giống như hoa đốm giữa hư không.
Nương tánh Y tha thứ hai mà lập ra “Sanh không tánh”. Vì Y tha khởi là nương các duyên mà sanh ra, giống như sự huyễn, không phải như vọng tình chấp có tánh tự nhiên, nên giả sanh nói “Sanh không tánh”, chứ chẳng phải nói tánh Y tha hoàn toàn không.
Nương nơi tánh Viên thành sau hết mà lập ra “Thắng nghĩa không tánh”. Nghĩa là chính thắng nghĩa đó vì do xa lìa tánh Biến kế sở chấp về ngã pháp trước đó mà giả nói là “Thắng nghĩa không tánh”, chứ không phải “tánh thắng nghĩa” hoàn toàn không. Ví như thái hư không, tuy biến khắp các sắc, nhưng lại được hiển bày bởi các sắc không tánh.
Tuy Y tha khởi chẳng phải là thắng nghĩa, cũng được gọi là Thắng nghĩa không tánh, song vì sợ lạm đồng với tánh Y tha thứ hai cho nên ở đây không nói (không nói Y tha là thắng nghĩa không tánh mà chỉ nói nương Y tha lập “Sanh không tánh”).
Tánh Viên thành thật này chính là nghĩa thù thắng của các pháp, là thắng nghĩa đế của hết thảy pháp.
Nhưng thắng nghĩa đế lược có bốn thứ:
- Thế gian thắng nghĩa, đó là năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới v.v…
- Ðạo lý thắng nghĩa, đó là bốn Diệu đế.
- Chứng đắc thắng nghĩa, đó là chơn như được hiển lộ hai không.
- Thắng nghĩa thắng nghĩa, đó là pháp giới nhất chơn.
Chữ “Thắng” nghĩa được nói ở trong bài tụng là chỉ cho Thắng nghĩa thứ tư, vì đây là nghĩa lý của đạo phẩm tối thắng tu chứng, và để giản biệt khác với ba Thắng nghĩa đầu nên tụng nói lời đó.
Thắng nghĩa này của các pháp cũng chính là chơn như. Chơn là chơn thật, biểu thị chẳng phải hư dối; như là như thường, biểu thị không biến dịch. Nghĩa là tánh chơn thật nơi tất cả ngôi vị đều thường như tánh nó (tùy duyên bất biến) cho nên gọi là chơn như. Chính là nghĩa lặng không hư vọng.
Trong bài tụng nói chữ “cũng”, là để hiển thị thắng nghĩa, còn có nhiều tên như Pháp giới, Thật tế v.v… như trong các bộ luận tùy theo nghĩa giải rộng.
Thắng nghĩa này chính là thực tánh Duy thức. Tánh Duy thức lược có hai thứ:
– Một là tánh hư vọng, tức tánh Biến kế sở chấp.
– Hai là tánh chơn thật, tức là tánh Viên thành thật. Vì để giản biệt khác với hư vọng cho nên nói Thật tánh.
Lại có hai tánh:
- Thế tục, tức là Y tha khởi.
- Thắng nghĩa, tức Viên thành thật. Vì để giản biệt khác vói thế tục, cho nên nói Thật tánh.
Ba bài tụng trên chung lại hiển thị rằng, trong các Khế kinh nói chữ “vô tánh” chẳng phải là nói với nghĩa thật rốt ráo. Những người có trí không nên dựa theo đó bác luôn rằng hết thảy pháp đều không tự tánh.
XIX. NĂM HẠNH VỊ TU CHỨNG
– Ðối với Duy thức tướng, Duy thức tánh đã được thành lập như vậy. Ai? Qua bao nhiêu vị thứ? Như thế nào được ngộ nhập?
– Ai có đủ hai chứng tánh Ðại thừa, trải qua năm vị thứ lần lần ngộ nhập.
Những gì là hai thứ chủng tánh Ðại thừa? Ðó là:
- Chủng tánh vốn tánh có sẵn, tức là pháp nhân vô lậu, pháp nhĩ sẵn có, từ vô thủy lại, y phụ nơi bản thức.
- Chủng tánh do huân tập thành, tức do nghe Chánh pháp từ pháp giới bình đẳng lưu xuất, nghe rồi suy nghĩ, suy nghĩ rồi tụ tập, huân tập thành chủng tánh.
Phải có đủ hai chủng tánh Ðại thừa đó mới có thể dần dần trải qua năm vị thứ ngộ nhập Duy thức.
– Sao gọi là năm vị thứ ngộ nhập Duy thức?
- Tư lương vị – Tu tập thuện theo giải thoát phần (Niết bàn) của Ðại thừa.
- Gia hạnh vị – Tu tập thuận theo quyết trạch phần (kiến đạo) của Ðại thừa.
- Thông đạt vị – Là các Bồ tát trụ địa vị thấy đạo.
- Tu tập vị – Là các Bồ tát trụ ở địa vị tu đạo.
- Cứu kính vị – Là trụ địa vị Vô thượng chắnh đẳng Bồ đề.
– Thế nào là dần dần ngộ nhập Duy thức?
Ðó là các Bồ tát đối với lý Duy thức tướng, tánh; ở trong Tư lương vị, tin hiểu sâu xa; ở trong Gia hạnh vị, dần dần khắc phục diệt trừ sở thủ, năng thủ, nhờ đó dần phát sanh trí chơn kiến đạo; ở trong Thông đạt vị, thông đạt đúng như thật lý Duy thức tướng, tánh; ở trong Tu tập vị, thì đúng như lý đã thông đạt, nhiều lần tu tập khắc phục dứt trừ các chướng; đến Cứu kính vị,
thì ra khỏi mọi chướng, được tròn sáng, tận đời vị lai giáo hóa hữu tình, khiến học cũng ngộ nhập được Duy thức tướng, tánh.
XX. TƯ LƯƠNG VỊ
– Thứ nhất, Tư lương vị, tướng nó như thế nào?
Tụng rằng:
Cho đến chưa khởi thức,
Cấu trụ tánh Duy thức,
Ðối hai thủ tùy miên,
Còn chưa thể phục diệt.
Luận rằng: Từ khi phát tâm đại Bồ đề thâm sâu vững chắc, cho đến khi chưa khởi lên thức thuận theo phần quyết trạch của Gia hạnh vị, một mặt chuyên cầu trụ tánh chơn thắng nghĩa của Duy thức, ngang trong giai đoạn ấy, đều thuộc vào Tư lương vị. Vì tâm hướng tới Vô thượng chánh đẳng Bồ đề, mà tu tập các thứ Tư lương thù thắng và vì chúng hữu tình mà siêng năng cầu giải thoát, do đó cũng gọi là thuận theo phần giải thoát.
Bồ tát ở địa vị này còn dựa vào bốn lực thù thắng là nội nhân, thiện hữu, tác ý và tư lương, nên đối với nghĩa lý Duy thức tuy có tin hiểu sâu sắc, nhưng chưa có thể hiểu rõ cả năng thủ, sở thủ đều không. Vì phần nhiều còn trụ ở cửa ngoài (sự tướng) mà tu hạnh Bồ đề, cho nên đối với tùy miên của hai thủ còn chưa có công sức khắc phục, trừ diệt khiến cho nó không khởi lên hai thủ hiện hành.
Trong bài Tụng nói “hai thủ” chính là nói hai thứ chấp thủ về hai thủ, tức chấp thủ Kiến phần năng thủ và chấp thủ Tướng phần sở thủ. Tập khí của hai thủ tức gọi là Tùy miên của hai thủ. Nó theo đuổi loài hữu tình và ẩn ngủ trong Tạng thức, hoặc theo chúng hữu tình làm tăng thêm mê lầm tội lỗi, nên gọi là Tùy miên. Ðó cũng chính là chủng tử của sở tri chướng và phiền não chướng.
Phiền não chướng là chấp thật ngã Tát ca gia kiến (thân ngã kiến) theo Biến kế sở chấp. Kiến này đứng đầu của 128 Căn bản phiền não và các Tùy phiền não từ nó tương tợ lưu xuất ra. Chúng đều làm rối loạn bức não thân tâm loài hữu tình và làm chướng ngại Niết bàn, cho nên gọi là Phiền não chướng.
Sở tri chướng là chấp thật pháp Tát ca gia kiến (pháp ngã kiến). Kiến này đứng đầu của kiến, nghi, vô minh, ái, nhuế, mạn v.v… chúng che lấp cảnh sở tri tánh không điên đảo, và làm chướng ngại Bồ đề, cho nên gọi là Sở tri chướng. Sở tri chướng này quyết định không tương ưng với thức Dị thục thứ tám, vì thức này quá vi tế liệt nhược; vì thức này không tương ưng với vô minh và tuệ (mà sở tri chướng thì là vô minh là liệt tuệ); và vì thức này cũng khởi với trí phẩm pháp không.
Trong 7 chuyển thức, thì tùy sự thích hợp mà có sở tri chướng này hoặc ít hoặc nhiều, giống như Phiền não chướng.
Năm thức nhãn, nhĩ, v.v… vì không có tánh phân biệt, nên không tương ưng với kiến, nghi v.v… của pháp chấp. Ngoài kiến, nghi, còn các phiền não khác, do ý lực dẫn khởi, nơi năm thức đều có.
Sở tri chướng này chỉ tương ưng với tâm bất thiện và vô ký. Luận nói: “Vô minh (Sở tri chướng) chỉ có tánh bất thiện và vô ký”, vì si (bất thiện) và vô si (thiện) không tương ưng nhau.
Trong Phiền não chướng chắc chắn có sở tri chướng, vì phiền não chướng nhất định dùng Sở tri chướng làm chỗ nương.
Hai chướng thể không khác nhau mà dụng thì có khác. Cho nên hai thứ tùy miên này tùy theo năng lực của Thánh đạo hơn hoặc kém mà dứt trừ nó có trước, có sau.
Trong 4 thứ vô phú vô ký (là oai nghi, công xảo, biến hóa, Dị thục), sở tri chướng này thuộc Dị thục sanh. Còn các thứ oai nghi vô ký kia thể dụng bạc nhược không thể chấp lấp cảnh sở tri, làm chướng ngại Bồ đề. Ðây gọi là Sở tri chướng là vô phú, là đối với Nhị thừa mà nói, nếu đối với Bồ tát thì Sở tri chướng cũng là hữu phú.
– Nếu trong Sở tri chướng gồm có kiến, nghi v.v… thế tại sao trong Khế kinh nói chủng tử Sở tri chướng là vô minh trụ địa?
– Vì trong Sở tri chướng thì vô minh tăng thạnh hơn, nên gọi chung là vô minh, chứ không phải không có kiến, nghi, như trong loại chủng tử Phiền não chướng nếu thuộc ác kiến thì lập làm kiến ái trụ địa, nếu thuộc về Dục, Sắc, Vô sắc giới thì lập làm dục ái trụ địa, sắc ái trụ địa, hữu ái trụ địa, chứ đâu phải trong các trụ địa đó không có mạn, vô minh v.v…
Hai chướng như vậy, nếu là phân biệt khởi, thì nhiếp về kiến đạo đoạn; nếu là nhậm vận (câu sanh) khởi thì nhiếp về tu đạo đoạn.
Nhị thừa chỉ đoạn được phiền não chướng, Bồ tát mới đoạn được cả hai chướng. Nhưng vĩnh viễn đoạn được chủng tử hai chướng, thì chỉ có Thánh đạo ở mười địa mới làm được. Còn khắc phục hiện hành hai chướng, thì cả hữu lậu đạo trước khi đăng địa cũng làm được.
Bồ tát trụ trong Tư lương vị này, tuy khắc phục được hai chướng hiện hành phần thô, nhưng đối với hai chướng hiện hành phần tế và hai tùy miên của hai chướng đó, thì vì sức chỉ quán còn yếu kém nên chưa thể dẹp dứt được.
Ở Tư lương vị này tuy chưa chứng được tánh chơn như Duy thức, nhưng nương vào sức hiểu biết thù thắng, tu các thắng hạnh (Lục độ), nên nó cũng được nhiếp vào địa vị giải hạnh.
– Thắng hạnh tu ở đây, tướng nó như thế nào?
–Lược có hai thứ là phước và trí. Trong các thắng hạnh nều do tuệ làm tánh thì gọi là trí, ngoài ra thì gọi là phước. Như sáu Ba la mật đa, tướng chung thì đều gồm cả phước và trí; theo tướng riêng thì năm Ba la mật đầu là phước đức; Ba la mật thứ sáu là trí tuệ. Hoặc Ba la mật đầu chỉ là phước đức; một Ba la mật chót là trí tuệ; hai Ba la mật tinh tấn, thiền định thì thông cả phước và trí.
– Lại có hai thứ, là tư lợi và lợi tha. Khi tu tập thắng hạnh, tùy theo sức ý lạc mà hết thảy thắng hạnh thông cả tư lợi, lợi tha.
Nói theo tướng sai biệt, thì sáu Ba la mật và các pháp Bồ đề phần đều nhiếp về hạnh tự lợi; còn bốn nhiếp sự, bốn vô lượng tâm v.v… đều nhiếp về hạnh lợi tha. Những hạnh tu như thế nhiều vô biên, đều là thắng hạnh được tu tập ở Tư lương vị này.
Ở Tư lương vị này tuy chưa dẹp trừ được hai chướng, khi tu thắng hạnh, dầu có ba sự thối thất, nhưng có thể lấy ba sự để tôi luyện tâm mình, khiến được dõng mãnh không bị thối thất việc tu chứng. Ba sự đó là:
1. Nghe nói Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề rộng lớn sâu xa, tâm liền thối khuất, bèn dẫn việc của người khác đã tu, đã chứng đại Bồ đề, để tôi luyện tâm mình được dõng mãnh không còn thối thất.
2. Nghe nói bố thí Ba la mật v.v… rất khó thực hành, tâm liền thối thất, bền thức tỉnh ý ưa thích của mình có thể tu hạnh bố thí v.v… để tôi luyện tâm mình, khiến dõng mãnh không còn thối thất.
3. Nghe nói quả chuyển y viên mãn của các đức Phật rất khó chứng đạt, tâm liền thối khuất, bèn dẫn điều thiện thô thiển của người đem so với nhân tu thù diện của mình để tôi luyện tâm mình, khiến dõng mãnh không thối khuất.
Do ba sự đó mà tôi luyện được tâm mình trong việc tu các thắng hạnh.