PHẦN BỐN: TỔNG KẾT
21- Tiến trình phổ quát
Bốn mươi năm sau khi Trung Quốc chiếm cứ Tây Tạng, thế giới vẫn còn không biết gì về những chuyện xảy ra, không biết gì về tầm mức kinh hoàng, phá hoại, và sự diệt chủng có hệ thống mà dân tộc Tây Tạng đã và đang chịu đựng. Trên một triệu người trong số 6 triệu dân Tây Tạng đã chết dưới bàn tay Trung Quốc ; những khu rừng rộng lớn của xứ Tây Tạng, cũng cần thiết như rừng Amazon đối với sinh thái quả địa cầu, đã bị đốn trụi, đời sống thiên nhiên hầu như đã bị tàn phá hoàn toàn, bình nguyên và sông ngòi đã bị ô nhiễm vì phế thải hạt nhân, đại đa số tu viện trong số sáu ngàn rưỡi ngôi tu viện đã bị phá hủy, dân tộc Tây Tạng đang đối diện họa diệt vong, và vẻ huy hoàng của nền văn hóa Tây Tạng trên đất mẹ hầu như hoàn toàn bị xóa sạch.
Ngay từ đầu, lúc Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng vào thập niên 1950, nhiều sự tàn bạo dã man đã xảy ra. Những bậc thầy tâm linh, tăng ni, là những mục tiêu trước hết, vì Trung Cọng muốn trước tiên là làm cho dân mất tinh thần bằng cách xóa sạch mọi dấu vết đời sống tôn giáo. Nhiều, thật nhiều câu chuyện đã đến nơi tôi trải qua bao năm nay, về những cái chết phi thường, cảm động, trong những hoàn cảnh tệ hại nhất. Những cái chết này đã làm chứng cho vẻ sáng chói của sự thật mà người Trung Quốc lấy làm tức tối đã không phá nổi.
Ở phần đất tỉnh Kham của Tây Tạng, nơi tôi xuất thân, có một vị khenpo (trú trì) già, đã trải nhiều năm nhập thất trong núi. Người Trung Quốc tuyên bố họ sắp “trừng phạt” ngài – mà ai cũng hiểu có nghĩa là tra tấn và giết chết – và gửi đến nơi ẩn cư một tiểu đội để bắt. Vị trú trì quá yếu, không thể đi bộ, nên người Trung Quốc tìm cho ngài một con ngựa già gầy để đi cuộc hành trình cuối của ngài. Họ trói ngài ngồi trên lưng ngựa và dắt ngựa đi xuống con đường để đến trại quân. Ngài khởi sự hát. Người Trung Quốc không hiểu được lời ca, nhưng những tu sĩ cùng bị bắt với ngài về sau đã kể ngài hát “bài ca chứng đạo”, những bài ca tuyệt đẹp tuôn phát tự nhiên từ những chiều sâu và niềm hỷ lạc của sự đắc đạo. Từ từ đoàn người đi theo con đường ngoằn ngoèo xuống núi, những người lính lầm lũi đi trong sự im lặng như đá, nhiều tu sĩ khóc, nhưng vị trú trì vẫn hát suốt quảng đường.
Chẳng bao lâu trước khi đoàn người đến trại binh, ngài ngưng hát và nhắm mắt. Toán người lại tiếp tục đi trong im lặng. Khi đi qua cổng để vào trại, họ mới biết ngài đã viên tịch. Ngài đã lặng lẽ từ giã nhục thân.
Ngài đã biết cái gì để làm cho ngài bình an đến thế, khi đối diện cái chết ? Cái gì đã đem lại cho ngài niềm vui và vô úy để ca hát vào những giây phút cuối cùng ? Có lẽ ngài đã hát một bài kiểu như những câu thơ từ “Tia sáng Vô nhiễm”, di bút của Longchenpa, bậc thầy Dzogchen vào thế kỷ 14 :
Trong bầu trời đêm không mây, mảnh trăng đầy
“Vua của các vì sao” sắp sửa lên…
Gương mặt đấng từ bi của con, Liên Hoa Sanh
Dẫn con đi, tỏa ra niềm đón chào đôn hậu
Niềm hỷ lạc của tôi trước cái chết
Còn vô vàn lớn hơn thương gia được của
Hơn các vị vua trời khi thắng trận
Hơn các bậc hiền nhân được hỷ lạc trong thiền
Nhu du khách khởi hành khi đến thời
Tôi sẽ không ở lại trong trần gian
Mà sẽ an trú trong thành trì đại lạc bất tử
Cuộc đời tôi đã xong, nghiệp tôi đã tận
Những lợi ích do cầu nguyện đem lại cũng không còn
Mọi việc thế gian đã chấm dứt, màn kịch cuộc đời đã buông
Trong nháy mắt, tôi sẽ nhận ra tinh hoa của đời tôi
Trong không gian thuần tịnh bao la của trung giới
Bây giờ tôi sắp an vị trong nền tảng sự Toàn vẹn tối sơ
Nội tài trong tôi đã làm cho tâm người hạnh phúc
Tôi đã dùng ân phước đời này để thực hiện tất cả lợi lạc của giải thoát
Hỡi các đệ tử cao quý, qua bao năm chung sống
Niềm vui san sẻ chân lý đã làm thầy mãn nguyện
Giờ đây nhân duyên với đời đang chấm dứt
Thầy như kẻ ăn xin hài lòng với cái chết
Đừng buồn cho thầy, mà hãy tiếp tục nguyện cầu
Đây là những lời tâm huyết để giúp các con
Như hoa sen nở, và các con trong niềm sùng tín như ong sà vào hút mật ngọt của niềm hỷ lạc siêu trần
Nguyện nhờ công đức những lời này
Khiến cho hữu tình các cõi sinh tử
Đạt Niết-bàn trong nền tảng sự toàn vẹn tối sơ.
Đây chắc hẳn là lời của một người đã thành tựu sự chứng ngộ cao nhất, cùng với những gì mà sự chứng ngộ ấy mang lại : niềm vui, giải thoát và trí tuệ – mục tiêu của giáo lý này và của đời người. Tôi nghĩ đến những bậc thầy như Longchenpa, và các bậc thầy tôi Jamjang Khientse, Dilgo Khientse, Dudjom Rinpoche, và tôi tưởng tượng những người đã tu chứng giống như những cánh đại bàng bay lượn vươn lên khỏi sinh tử, nhìn thấy sinh tử đúng như bản chất, nghĩa là trong một hỗ tương duyên sinh chằng chịt nhiệm mầu.
Nhìn bằng con mắt của chim đại bàng, con mắt của thực chứng, là nhìn từ trên cao xuống một phong cảnh trong đó những ranh giới do ta tưởng tượng giữa sống và chết bây giờ hòa lẫn vào nhau và tan biến. Nhà vật lý David Bohm đã mô tả thực tại như là “sự toàn vẹn không gián đoạn trong dòng biến dịch”. Những gì được các bậc thầy thấy bằng trực giác toàn vẹn chính là dòng biến dịch ấy, cái toàn vẹn không gián đoạn ấy. Những gì mà trong vô minh chúng ta gọi là “sống”, và trong vô minh ta gọi là “chết”, chỉ là những phương diện khác nhau của cái toàn vẹn ấy. Đây là cái thấy rộng lớn có năng lực chuyển hóa, mà giáo lý Trung Ấm đã mở ra cho chúng ta, và được thể hiện bởi các bậc thầy tối thượng.
Những mặc khải của các Trung Ấm
Như vậy, nhìn sự chết qua con mắt thực chứng, chính là nhìn nó trong bối cảnh của sự toàn vẹn này, như một phần nhỏ của dòng biến dịch vô thủy vô chung. Tính độc nhất vô nhị, năng lực của giáo lý Trung Ấm nằm ở chỗ – qua sự chỉ rõ tiến trình cái chết – nó còn gợi cho ta cả tiến trình sự sống.
Bây giờ ta hãy nhìn vào những gì xảy đến cho một người chết, vào từng mỗi giai đoạn trong 3 giai đoạn cao điểm của cái chết :
1- Ở cao điểm của tiến trình chết, khi mà tứ đại, cảm giác và tư tưởng đã chấm dứt hoạt động, thì bản chất tối hậu của tâm – Ánh sáng Căn bản – được hiển lộ trong giây lát.
2- Rồi, chỉ một thoáng, tia sáng của bản tâm ấy được trình diễn, chiếu ra dưới dạng âm thanh, màu sắc và ánh sáng.
3- Kế tiếp, tâm thức người chết tỉnh dậy và đi vào Trung Ấm tái sinh ; tâm phàm tình của y trở về, khoác một hình dạng gọi là “thân ý sanh” chịu sự sai khiến của nghiệp và thói quen quá khứ. Những nghiệp này lèo lái tâm phàm tình, bám lấy những kinh nghiệm huyễn hóa trong cõi Trung Ấm, xem như cái gì rất thực và chắc chắn.
Vậy, theo giáo lý Trung Ấm chỉ cho chúng ta, chết nghĩa là gì ? Không gì khác ngoài 3 giai đoạn của tiến trình tuần tự thể hiện của tâm thức : từ tự tính thuần tịnh của bản tâm, qua ánh sáng và năng lượng (tia tự chiếu của bản tâm), rồi đi vào sự kết tinh càng vững chắc thêm của một hình dạng tâm thức (thân ý sanh). Những gì mở ra một cách rõ rệt trong Trung Ấm chết, Trung Ấm pháp tánh, và Trung Ấm tái sanh là một tiến trình gồm 3 giai đoạn :
– Đầu tiên, sự chấm dứt hoàn toàn hoạt động tâm vật lý đưa đến sự phô bày tinh chất tâm
– Thứ hai, tia chiếu tự nhiên của nó.
Và : – Thứ ba là kết tinh của thân ý sanh.
Giáo lý còn cho ta biết thêm rằng : 3 giai đoạn ấy không chỉ diễn ra trong tiến trình chết, mà còn diễn ra ngay trong tâm ta vào lúc này, vào mọi lúc – trong những tư tưởng và cảm xúc của ta, và ở mọi tầng lớp kinh nghiệm tâm lý. Theo tôi, đấy là một tri kiến thực cách mạng, thay đổi cái thấy của ta về mọi sự, nếu ta hiểu được.
Một cách khác nữa để hiểu tiến trình này là nhìn vào những gì được hiển bày vào mỗi giai đoạn của sự chết. Giáo lý nói đến 3 mức độ của hiện hữu, từ đó có ra Phạn ngữ kaya (thân). Kaya ở đây nghĩa là chiều hướng, phạm vi hay căn bản.
Ta hãy nhìn vào tiến trình 3 giai đoạn đó :
1- Bản chất tuyệt đối, hiển bày dưới dạng Ánh sáng Căn bản hay Điểm linh quang vào lúc chết, và được gọi là Pháp thân (Dharmakaya), chiều “chân không”, chân lý vô điều kiện, trong đó ảo tưởng, vô minh hay bất cứ loại khái niệm nào, đều chưa từng xâm nhập được.
2- Tia năng lực và ánh sáng nội tại được trưng bày một cách tự nhiên trong Bardo pháp tánh, gọi là Báo thân (Sambhogakaya), chiều phúc lạc toàn vẹn, phạm vi của “pháp hỷ sung mãn” vượt ngoài mọi giới hạn nhị nguyên, ngoài thời – không.
3- Phạm vi ngưng đọng thành hình dáng được hiển thị trong Bardo tái sanh, gọi là Ứng thân (Nirmanakaya), chiều biến hóa không ngừng.
Hãy nhớ bây giờ rằng khi ta nhìn vào bản chất của tâm, ta cũng thấy nó có 3 phương diện ấy : thể của nó là chân không, như bầu trời ; tướng hay bản chất của nó là tỏa sáng ; và dụng hay năng lực của nó là đại bi vô ngại ; cả 3 đều hiện diện đồng thời và hòa nhập làm một trong tính giác Rigpa. Đức Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) mô tả nó như sau :
Trong tính giác này, 3 thân không rời nhau và hiện diện viên mãn như một :
– Vì Nó trống rỗng, vô sanh nên là Pháp thân.
– Sự sáng suốt của Nó biểu trưng tia chiếu tự nội của chân không ấy, nên là Báo thân.
– Nó khởi lên không bị chướng ngại, không gián đoạn, nên là Ứng hóa thân.
Ba thân đầy đủ và hoàn toàn hiện diện này, chính là tinh chất của Nó.
Như vậy, ba thân ám chỉ ba khía cạnh nội tại của tâm giác ngộ, và dĩ nhiên chúng cũng ám chỉ những khả năng khác nhau của nhận thức chúng ta. Phần đông chúng ta đều bị giới hạn trong cái thấy của mình, và chỉ nhận thức theo chiều Ứng hóa thân gồm những hình sắc và biểu hiện. Đấy là lý do tại sao đối với phần đông chúng ta, giây phút chết là một khoảng trống, một trạng thái quên lãng, vì chúng ta chưa bao giờ gặp, cũng chưa bao giờ phát triển một phương pháp để nhận ra thực tại Pháp thân, khi nó khởi lên dưới dạng Ánh sáng Căn bản hay Điểm linh quang. Chúng ta cũng không hy vọng gì nhận ra lĩnh vực Báo thân khi chúng xuất hiện trong Bardo pháp tánh. Bởi vì toàn thể cuộc đời ta đã được sống trong phạm vi nhận thức bất tịnh của những biểu hiện Ứng hóa thân, nên vào lúc chết ta được chuyển thẳng về lại trong chiều không gian ấy ; chúng ta thức dậy, kinh hãi và tán loạn, trong Trung Ấm tái sanh, trong một thân ý sanh, xem những kinh nghiệm huyễn hóa là chắc thực, cũng như trải nhiều đời trước ta đã xem chúng là thực. Bị thúc đẩy bởi nghiệp cũ một cách đáng thương, chúng ta loạng choạng tiến về phía tái sanh.
Tuy nhiên, những vị tu chứng thì đã khởi lên một nhận thức hoàn toàn khác với chúng ta, một nhận thức trong suốt, tiến hóa, thanh tịnh đến nỗi dù họ vẫn còn mang một thân xác con người, họ đã thấy được thực tại dưới hình thức hoàn toàn thanh tịnh, trong suốt, ở trong một chiều không gian vô biên. Và đối với họ, như ta đã thấy, kinh nghiệm về cái chết không đem lại sợ hãi hay bất ngờ ; trái lại còn được tóm lấy như một cơ hội để giải thoát rốt ráo.
Tiến trình trong giấc ngủ
Ba giai đoạn của tiến trình mà chúng ta thấy mở ra trong các trạng thái Trung Ấm cũng có thể thấy được trong các mức độ tâm thức trong đời sống. Hãy xét chúng dưới sánh sáng những gì xảy đến trong giấc ngủ :
1- Khi ta ngủ, các giác quan và tầng thô của tâm thức tan rã, và dần dần bản chất tuyệt đối của tâm, có thể nói là Ánh sáng Căn bản, lộ ra trong chốc lát.
2- Kế tiếp có một chiều tâm thức, có thể so sánh với Bardo pháp tánh, vi tế đến nỗi ta thường hoàn toàn không ý thức ngay cả hiện hữu của nó. Có bao nhiêu người trong chúng ta khi ngủ, ý thức được cái lúc trước khi nằm mộng ?
3- Đối với phần đông chúng ta, tất cả những gì ta biết được chỉ là giai đoạn kế tiếp, khi tâm trở nên hoạt động trở lại, và ta thấy mình trong một thế giới chiêm bao tương tự Trung Ấm tái sanh. Ở đây ta có một thân mộng và kinh quá những cảnh mộng mà phần lớn chịu ảnh hưởng thói quen và hoạt động của ta lúc thức, tất cả ta đều tin là chắc thực, không hề nhận ra mình đang chiêm bao.
Tiến trình trong tư tưởng và cảm xúc
Cũng chính tiến trình ấy có thể nhận thấy trong sự vận hành của tư tưởng và cảm xúc, và cái cách chúng khởi lên :
1- Ánh sáng Căn bản, bản chất tuyệt đối của tâm, là trạng thái tối sơ của Tính giác Rigpa, hiện hữu trước khi bất cứ ý nghĩ hay cảm xúc nào khởi lên.
2- Trong không gian vô điều kiện của nó, một năng lực căn để dấy động, tia chiếu tự nhiên của Tính giác bắt đầu khởi lên như nền tảng, khả năng và nhiên liệu cho cảm xúc sống sít.
3- Năng lực này lúc ấy có thể khoác lấy hình dạng của ý nghĩ và cảm xúc, mà cuối cùng đẩy chúng ta vào hành động để tích lũy nghiệp.
Chỉ khi hành thiền thật quen thộc, ta mới có thể thấy rõ tiến trình này :
1- Khi ý tưởng và cảm xúc tuần tự im bặt, tan vào tự tánh tâm, ta có thể thoáng thấy Tính giác trong phút chốc : đó là trạng thái tối sơ.
2- Rồi ta để ý rằng, từ sự vắng lặng yên tĩnh của tự tánh tâm, mở ra một chuyển động (Chuyển tướng, nói trong kinh Lăng Già – DG) và một năng lực sống sít đơn thuần : đó là tia tự chiếu của tính giác.
3- Nếu có một chấp thủ kèm theo sự sinh khởi của năng lực ấy, thì năng lực ấy đương nhiên kết tinh thành ý tưởng, ý tưởng này lại đưa chúng ta trở về hoạt động tâm thức và khái niệm.
Tiến trình trong đời sống hàng ngày
Ta đã thấy cái cách tiến trình này xảy ra trong ngủ và mộng, và trong sự hình thành ý tưởng cảm xúc. Bây giờ ta hãy nhìn nó xảy ra trong kinh nghiệm đời sống hàng ngày.
Điều này dễ thấy nhất khi ta nhìn kỹ một động tác mừng hay giận. Hãy xem xét nó, bạn sẽ thấy luôn luôn có một khe hở trước khi một cảm xúc khởi sinh. Cái giây phút dạt dào trước khi năng lực của cảm xúc có cơ hội khởi lên, là một giây phút của tỉnh thức thuần túy, trong đó ta có thể thoáng thấy Tính giác chân thực. Trong một thoáng chốc, bùa lực của vô minh bị đánh tan, chúng ta hoàn toàn tự do thoát khỏi nhu cầu hay khả năng chấp thủ, và cả đến khái niệm “bám víu” cũng trởi thành dư thừa ở đây. Tuy nhiên, thay vì ôm lấy “tánh không” của khe hở ấy, trong đó ta có thể tìm thấy phúc lạc của sự giải thoát, không vướng bận một ý tưởng, khái niệm nào, chúng ta lại tóm lấy sự bảo đảm khả nghi của cái màn kịch cảm xúc quen thuộc dễ chịu của chúng ta, được điều khiển bởi những khuynh hướng tập quán của ta. Đấy là cái cách mà một năng lực nội tại – vô điều kiện, khởi lên từ tự tánh – đã được kết tinh thành một cảm xúc, cái cách mà sự thanh tịnh nguyên thủy bỗng bị nhuốm màu và vặn vẹo bởi cái thấy theo kiểu luân hồi sinh tử của chúng ta, để đem lại một nguồn tương tục cho những vọng tưởng tán loạn hàng ngày.
Khi xét mọi khía cạnh của đời sống, ta sẽ thấy rằng chúng ta liên tục trải qua – trong ngủ và mộng, trong ý tưởng và cảm xúc – cũng một tiến trình ấy như trong các cõi Trung Ấm. Và giáo lý Trung Ấm cho ta thấy chính điều này mang lại cho ta vô vàn cơ hội để giải thoát, bây giờ cũng như khi chết. Giáo lý chỉ cho ta thấy chính tính chất, hình dạng và sự độc đáo của tiến trình này đã đem lại hoặc cơ hội giải thoát, hoặc khả năng tiếp tục mê lầm. Vì mỗi khía cạnh của toàn thể tiến trình đều đồng thời trao cho ta cơ hội giải thoát, hoặc cơ hội trầm luân.
Giáo lý Trung Ấm mở ra cho ta một cánh cửa, chỉ cho chúng ta làm thế nào ta có thể bước ra khỏi chu kỳ chết và tái sinh bất tận ngoài tầm kiểm soát. Giáo lý ấy nói với ta rằng, suốt quá trình các Trung Ấm của cuộc đời và của sự chết, mỗi khi ta có thể nhận ra và duy trì một ý thức bền bỉ về Tính giác Rigpa hay tự tánh tâm, hoặc khi ta có thể kiểm soát tâm ý được phần nào, thì ta có thể đi qua cái cửa đó để tiến đến giải thoát. Tùy theo giai đoạn của Trung Ấm, tùy theo mức độ quen thuộc của bạn đối với cái Thấy về tự tánh tâm, và tùy theo chiều sâu của sự hiểu biết về tâm, ý nghĩ và cảm xúc bạn, mà sự nhận ra này sẽ sai khác.
Điều mà giáo lý Trung Ấm cũng dạy cho ta là những gì xảy ra trong tâm ta bây giờ trong đời cũng giống hệt như cái gì sẽ xảy đến trong các Trung Ấm sau khi chết vì cốt tủy vốn không có khác nhau ; sống và chết là một, ở trong cái “toàn thể không gián đoạn” và “dòng biến dịch”. Chính vì vậy mà một bậc thầy Tây Tạng vào thể kỷ 17, Tsele Natsok Rangdrol giải thích những tu tập căn để cho mỗi giai đoạn Trung Ấm – đời này, chết, pháp tánh và tái sanh – theo kiểu tình trạng hiểu biết hiện tại của ta về bản chất của ý nghĩ và cảm xúc, về tâm và nhận thức của nó :
Hãy nhận chân hết thảy tướng xuất hiện đều như mộng
Chỉ do tâm ngươi chiếu ra, như huyễn, không thật
Không bám víu gì, an trú Tính giác vượt ngoài mọi khái niệm
Đây là tinh yếu của tu tập trong Bardo đời này
Ngươi rồi sẽ chết, không gì thực sự hữu ích lúc đó
Những gì ngươi kinh quá lúc chết chỉ do tâm thức biến ra.
Không tạo ý tưởng, để chúng tan biến trong Tính giác bao la
Đây là trọng tâm của tu tập trong Bardo cái chết.
Bất cứ chấp thủ gì vào sinh hay diệt, thiện hay ác, đều là tâm ngươi
Và tâm này là tia tự chiếu của Pháp thân, dù bất cứ gì sinh khởi
Không bám vào các sinh khởi ấy, hay lập khái niệm về chúng, chấp nhận hoặc chối bỏ :
Đây là cốt tủy sự tu tập cho Bardo pháp tánh
Sinh tử cũng tâm ngươi, niết-bàn cũng tâm ngươi
Mọi lạc khổ, vọng tưởng không ở đâu ngoài tâm
Vậy hãy đạt đến sự tự chế tâm ngươi
Đây là trọng tâm của Bardo tái sinh.
Bây giờ ta có thể nhìn vào một Bardo đặc biệt để thấy sự tu tập thiền định của ta, sự hiểu thấu cảm xúc ý tưởng ta, và những kinh nghiệm của ta trong Bardo ấy tương quan mật thiết với nhau như thế nào, và thế nào những kinh nghiệm của ta trong Bardo ấy phản chiếu trở lại trong cuộc đời thường của ta. Có lẽ Bardo hữu ích nhất để khảo sát là Bardo pháp tánh, nơi mà năng lực thuần túy – sẽ trở thành cảm xúc – bắt đầu sanh khởi tự nhiên như tia tự chiếu của Tính giác Rigpa ; và cảm xúc là mối bận tâm ám ảnh con người trong thế giới hiện tại. Thực sự hiểu được bản chất cảm xúc là đã tiến rất xa trên đường đến giải thoát.
Mục đích sâu xa nhất của thiền là có thể an trú không tán loạn vào trạng thái Rigpa, tự tính giác, và an trú cái Thấy (kiến) để nhận ra rằng bất cứ gì khởi lên trong tâm chỉ là sự hiển bày của tính giác ấy, cũng như mặt trời và muôn ngàn tia sáng nó chiếu ra chỉ là một, bất khả phân. Như Tsele Natsok Rangdrol nói trong câu thơ của ông về pháp tánh : “Bất cứ cái gì chấp thủ vào sinh hay diệt, tốt hay xấu, đều là tâm ngươi. Và chính cái tâm ấy là tia chiếu của Pháp thân…”
Như vậy, khi bạn ở trong tự tánh giác, và khi cảm xúc tư tưởng khởi lên, bạn nhận ra ngay chúng là gì, từ đâu chúng tuôn phát : khi ấy bất cứ gì khởi lên đều trở thành tia tự chiếu của tuệ giác ấy. Nhưng nếu bạn mất dấu sự hiện diện của ý thức trong suốt thuần tịnh ấy về Tính giác, thì bạn không nhận ra được bất cứ gì khởi lên, và khi ấy nó trở nên tách biệt với bạn. Nó tiếp tục để hình thành cái mà ta gọi là một “ý tưởng”, hay một cảm xúc, và đấy là sự tạo tác của nhị nguyên. Để tránh điều này và những hậu quả của nó, Tsele Natsok Rangdrol nói : “Đừng bám vào những sự sanh khởi, lập thành khái niệm về chúng, chấp nhận hoặc chối bỏ chúng : đây là trọng tâm của tu tập cho Trung Ấm cuộc đời” .
Sự phân cách giữa bạn và những sanh khởi trong tâm bạn, – và tính nhị nguyên mà nó gây ra – được phóng đại một cách ghê gớm sau khi chết. Điều này giải thích làm thế nào – nếu bạn không có sự trực nhận cốt yếu này về thực chất những gì sinh khởi trong tâm – trong Bardo pháp tánh, những âm thanh, ánh sáng và quang sắc xuất hiện có thể khoác một thực tại khách quan, như thể là thực có những hiện tượng ngoại giới kinh hoàng đang xảy đến với bạn. Trong một tình huống như vậy, bạn chỉ còn nước là chạy trốn tia sáng chói lọi của chư thần an lạc và phẫn nộ ấy, để hướng đến những ánh sáng mờ quen thuộc quyến rũ của lục đạo. Vậy, sự trực nhận cốt yếu trong Bardo pháp tánh là, “đây là năng lực trí giác của tâm ta đang xuất hiện” : Chư Phật và ánh sáng trí tuệ cũng không ngoài tâm bạn, mà chính là năng lực tính giác của bạn. Nhận ra điều ấy là một kinh nghiệm bất nhị, và thể nhập vào đó là giải thoát.
Những gì xảy ra trong Bardo pháp tánh vào lúc chết, và bất cứ khi nào một cảm xúc bắt đầu sanh khởi trong tâm ta lúc sống, đều đi theo cùng một tiến trình tự nhiên ấy. Vấn đề là chúng ta có nhận ra được thực chất sự sinh khởi ấy hay không. Nếu ta có thể nhận ra sự sinh khởi một cảm xúc đúng như thực chất của nó – nghĩa là năng lực tự nhiên của bản tâm – thì ta có thể tự giải thoát khỏi những hậu quả tiêu cực, những nguy hiểm có thể có của cảm xúc ấy, và để cho nó tan trở lại vào trong tính sáng suốt thuần tịnh của Tính giác vô biên.
Sự nhận ra này, và sự giải thoát mà nó đem lại, chỉ có thể là kết quả của nhiều, rất nhiều năm tu tập thiền quán nghiêm chỉnh nhất, vì nó đòi hỏi một sự quen thuộc lâu dài và an trú vững chãi trong tự tánh tâm. Ngoài sự tu tập ấy ra, không gì có thể đem lại cho ta niềm an tịnh và giải thoát khỏi những khuynh hướng tập quán, những cảm xúc mâu thuẫn trong ta, một sự giải thoát mà tất cả chúng ta đều khát khao có được. Mặc dù theo giáo lý, sự giải thoát ấy rất khó, nhưng sự biết rằng có thể giải thoát, cũng đủ là một nguồn cảm hứng và hy vọng lớn lao cho chúng ta. Có một cách để hiểu ý tưởng và cảm xúc, tâm và bản chất nó, sống và chết, một cách trọn vẹn, cách đó là đạt đến thực chứng. Các bậc đã giác ngộ nhìn sống chết như nhìn vào lòng bàn tay, vì họ biết như Tsele Natsok Rangdrol viết : “Sinh tử là tâm ngươi, niết bàn cũng là tâm ngươi ; tất cả lạc và khổ, tất cả vọng tưởng không hiện hữu tách biệt với tâm ngươi” . Và tri kiến sáng suốt này, được an trú vững vàng qua tu luyện dài lâu, được thể nhập trong từng cử động, ý nghĩ và cảm xúc – để thấy được chúng chỉ có thực một cách tương đối, chính tri kiến ấy đã giải tỏa được chúng. Dudjom Rinpoche nói : “Khi đã tịnh hóa ảo tưởng lớn, bóng tối của tâm, thì ánh sáng rực rỡ của mặt trời không bị ngăn che khởi lên liên tục”.
Năng lực hỷ lạc
Tôi thường nghĩ đến câu Dudjom Rinpoche viết : “Bản tính của tâm là bản tính của mọi sự”. Tôi tự hỏi cái tiến trình ba giai đoạn của các Trung Ấm (Bardo) có phải chăng không những đúng cho mọi mức độ tâm lý, mọi kinh nghiệm của tâm ở trong đời cũng như lúc chết, mà có lẽ còn là bản chất thực sự của chính vũ trụ.
Càng tư duy về ba thân và tiến trình ba giai đoạn của các Trung Ấm, tôi càng tìm thấy những tương ứng lạ lùng phong phú với tri kiến sâu xa của các truyền thống tâm linh khác, và với nhiều lĩnh vực có vẻ rất khác nhau của nỗ lực con người. Tôi nghĩ tới tri kiến Ki-tô giáo về bản chất và mọi hoạt động của Thượng đế như Chúa ba ngôi, về Ki-tô hiện thân từ nền tảng của đức chúa Cha qua trung gian vi mật của Thánh thần. Phải chăng ít nhất nó cũng soi sáng cho ta vài điều, nếu ta xem Ki-tô cũng tương tự như Ứng hóa thân, đấng Thánh linh cũng như Báo thân, và nền tảng của cả hai như là Pháp thân ? Trong Phật giáo Tây Tạng, danh từ tulku, nhập thể, thực sự có nghĩa là Ứng hóa thân, sự nhập thể liên tục tái xuất hiện, hoạt động của năng lực đại bi và giác ngộ. Phải chăng cách hiểu này rất giống quan niệm ba thân của Ki-tô giáo ?
Tôi cũng nghĩ về tri kiến Thượng đế gồm ba đức của Ấn giáo, Phạn ngữ là satcitananda, dịch là “hiện thể, tâm và phúc lạc”. Với người Ấn giáo, Thượng đế là sự bùng vỡ xuất thần của tất cả những năng lực ấy cùng một lúc. Ở đây ta có thể thấy những tương đồng kỳ lạ với ba thân : Báo thân như ananda – năng lực phúc lạc của Thượng đế ; Ứng hóa thân như biểu hiện của Thượng đế ; và Pháp thân như tâm của Thượng đế. Bất cứ ai đã thấy pho tượng Shiva lớn trong động Voi ở Ấn, với ba mặt biểu trưng ba mặt của tuyệt đối, sẽ có được vài ý niệm về tính vĩ đại của tri kiến về thiêng liêng.
Cả hai tri kiến huyền học này về tinh túy, bản chất và hoạt động (thể, tướng, dụng) của yếu tố thiêng liêng làm cho người Phật tử hiểu rõ một trong những tầng mức khác của thực tại, tuy khác nhau mà tương nhập vào nhau. Có phải ít nhất, điều đáng chú ý là một tiến trình gồm ba khía cạnh ấy cũng được thấy ở cốt lõi của mỗi truyền thống, mặc dù họ có nhìn thực tại theo quan điểm riêng của họ ?
Khi nghĩ về bản chất của sự biểu hiện có thể như thế nào, và những cách thế khác nhau nhưng có liên quan nhau để hiểu những biểu hiện ấy, tôi tự nhiên nghĩ tới tính sáng tạo của con người khi biểu hiện ra hình thể cái thế giới nội tâm của nhân loại. Tôi vẫn thường tự hỏi hàng bao năm nay, làm thế nào sự trình bày ba thân và Trung Ấm có thể rọi ánh sáng vào toàn thể tiến trình diễn đạt nghệ thuật, và ám chỉ đến bản chất thực và mục tiêu ẩn khuất của nó. Mỗi hành vi cá nhân, mỗi biểu hiện của óc sáng tạo, dù trong địa hạt âm nhạc, nghệ thuật, thi ca, hay trong những giai đoạn của phát minh khoa học, như nhiều nhà khoa học đã nói, đều tuôn phát từ một nền tảng huyền bí của một nguồn cảm hứng ốp vào hình dạng nhờ một năng lực trung gian để phiên dịch, truyền thông. Có phải chúng ta đang gặp ở đây một tác động khác của cái tiến trình hỗ tương ba thứ mà ta đã thấy hoạt động trong các cõi Trung Ấm ? Phải chăng đấy là lý do khiến cho một vài công trình âm nhạc và thi ca, và một vài phát minh khoa học, dường như có một ý nghĩa hầu như vô tận ? Và có phải điều này giải thích cái năng lực của chúng để hướng dẫn chúng ta đi vào một trạng thái quán tưởng và phúc lạc, ở đấy một bí ẩn cốt yếu của bản chất ta và bản chất thực tại được hiển lộ ? Từ đâu những dòng thơ của Blake đến ? :
Nhìn thấy vũ trụ trong một hạt cát
Thấy thiên đường trong một đóa hoa
Nắm Vô biên trong lòng bàn tay
Và vĩnh cửu rút lại trong một giờ.
Trong Phật giáo Tây Tạng, Ứng hóa thân được thấy như biểu hiện của giác ngộ, trong vô số hình dạng và cách thức, ở trong thế giới vật lý. Theo truyền thống, nó được định nghĩa theo ba cách : Một là Ứng thân của một vị Phật toàn giác, như Thích Ca Tất Đạt Đa, người được sinh ra trong thế giới này và giảng dạy trong đó. Loại Ứng thân thứ hai là một người có vẻ bình thường nhưng được cái phước có khả năng đặc biệt làm lợi lạc cho kẻ khác : một hóa thân hay tulku. Và thứ ba là một người qua đó một mức giác ngộ được thể hiện để làm lợi lạc và cảm hứng cho người khác qua những nghệ thuật khoa học công việc khác nhau. Trường hợp những người sau này bản năng giác ngộ “tự nhiên như ánh sáng mặt trời phải ra lệnh hay có ý thực nào về việc ấy, có mặt trời thì tự nhiên có ánh sáng” . Kalu Rinpoche nói. Vậy phải chăng ta có thể nói rằng, năng lực và bản chất của thiên tài nghệ thuật cũng có nguồn cảm hứng tối hậu của nó từ trọng tâm này của chân lý ?”.
Điều này không có nghĩa là những nghệ sĩ vĩ đại có thể nói là đã giác ngộ, từ cuộc sống của họ rõ ràng là họ chưa giác ngộ. Nhưng một điều cũng rõ nữa là trong vài giai đoạn cao điểm và tình huống đặc biệt, họ có thể là những khí cụ, những “kênh” của năng lực giác ngộ. Ai khi đã lắng nghe những tuyệt tác của Beethoven hay Mozart, có thể chối cãi rằng không có một cõi nào khác đã thể hiện trong tác phẩm họ ? Và có ai ngắm nhìn những ngôi giáo đường của Âu châu thời Trung cổ như Chartres hay Isfahan của Hồi giáo, hay Đế thiên Đế thích, hay Ellora của Ấn giáo, mà không thấy rằng những nghệ sĩ tạo ra chúng đã được cảm hứng trực tiếp bởi một năng lực tuôn phát từ nền tảng, suối nguồn của mọi sự ?
Tôi nghĩ một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại cũng như một vầng trăng chiếu trong bầu trời đêm, nó chiếu sáng thế gian, nhưng ánh sáng ấy không là của riêng nó, mà mượn từ mặt trời, cái “tuyệt đối” đang bị ẩn khuất. Nghệ thuật đã giúp cho nhiều người thoáng nhìn thấy bản chất của tâm linh. Phải chăng một trong những lý do nghệ thuật tân tiến bị hạn cuộc là vì nó đã mất đi cái tri kiến về nguồn gốc vô hình thiêng liêng của nghệ thuật, và mục đích cao cả của nó : đem lại cho người thưởng thức một tri kiến về bản chất thực của họ, địa vị của họ trong vũ trụ, làm cho họ thấy được giá trị, ý nghĩa và những khả tính vô biên của đời sống. Vậy phải chăng ý nghĩa đích thực của kiệt tác nghệ thuật là nó cũng tương tự như Báo thân, cái năng lực bất tận đầy phúc lạc mà Rilke gọi là “năng lực chắp cánh của niềm vui”, tia sáng truyền đạt, truyền thông tính thuần tịnh, ý nghĩa vô biên của cái tuyệt đối cho thế giới hữu hạn và tương đối, – nói cách khác là từ Pháp thân đến Ứng hóa thân ?
Mở ra cái thấy toàn diện
Một trong nhiều phương diện mà tấm gương của đức Dalai Lama đã gây cho tôi nguồn cảm hứng là, ngài rất quan tâm và có thái độ phóng khoáng đối với các khám phá mới của khoa học tân tiến. Chung quy, Phật giáo được xem là “một khoa học về tâm thức”, và khi tôi quán xét giáo lý Trung Ấm, thì tính minh bạch và sự soi sáng rộng lớn của giáo lý này càng ngày càng gây cho tôi niềm tri ân và úy phục. Nếu Phật giáo là khoa học về tâm linh thì theo tôi, Dzogchen và giáo lý Bardo chính là trọng tâm của nền khoa học ấy, hạt giống thực tiễn và thấu thị nhất, từ đó một cây lớn – những thực chứng tương quan lẫn nhau – đã phát triển và sẽ tiếp tục phát triển theo nhiều cách mà nay ta chưa thể tưởng tượng nổi, vì nhân loại hãy còn đang trên đà tiến hóa.
Trải nhiềug năm gặp gỡ với những khoa học gia đủ mọi ngành, càng ngày tôi càng kinh ngạc trước tính phong phú của những tương đồng giữa lời dạy của đức Phật với những khám phá mới của vật lý học hiện nay. Nhiều nhà tiên phong về triết học và khoa học Tây phương may thay cũng đã ý thức đến sự tương đồng ấy, và đang hăng say thám hiểm với một ý thức tế nhị ; để từ cuộc đối thoại giữa huyền học – khoa học về tâm thức – với các ngành khoa học vật chất, có thể phát khởi một tri kiến mới về vũ trụ và trách nhiệm con người trước vũ trụ. Càng lúc tôi càng có niềm xác tín rằng chính giáo lý Trung Ấm với tiến trình mở ra ba giai đoạn ấy, sẽ là một đóng góp độc đáo cho cuộc đối thoại này. Tôi muốn chú ý đến một trong những tri kiến khoa học đã đặc biệt khiến tôi nghiền ngẫm, là tri kiến của nhà vật lý David Bohm đã nghĩ đến một phưong thức mới để tiếp cận thực tại mà, mặc dù còn đang gây nhiều tranh chấp, đã được phản ứng đầy thiện cảm của nhiều nhà nghiên cứu thuộc đủ mọi ngành : vật lý, y học, sinh vật học, toán học, thần kinh học, tâm bệnh học, và một số nghệ sĩ, triết gia. David Bohm đã nghĩ đến một cách nghiên cứu thực tại mới, căn cứ trên một sự thấu hiểu toàn diện và tính nhất thể của hiện hữu kể như một Toàn thể không gián đoạn, không chấp nối – và đây chính là lối nhìn của giáo lý Trung Ấm.
Cái trật tự năng động, nhiều chiều mà Bohm thấy đang vận hành trong vũ trụ, cốt yếu gồm ba phương diện. Phương diện rõ rệt nhất là thế giới vật thể thời – không của chúng ta với không gian ba chiều, mà ông gọi là cái trật tự rõ rệt hay mở. Từ đâu mà ông tin cái trật tự này mở ra ? Chính từ một lĩnh vực phổ quát, không gián đoạn, “một nền tảng ngoài thời gian”, cái trật tự hàm ẩn hay kín, như ông gọi, vốn là nền tảng bao quát tất cả kinh nghiệm chúng ta. Ông thấy tương quan giữa hai trật tự này như là một tiến trình liên tục, trong đó cái gì mở ra trong trật tự rõ rệt lại được khép vào lại trong trật tự hàm ẩn. Cái nguồn gốc tổ chức nên tiến trình này thành ra những cơ cấu khác nhau thiên hình vạn trạng, thì ông đề nghị đặt tên là cái trật tự “siêu ẩn”, một chiều không gian tinh vi hơn nhiều, và có tiềm năng vô hạn.
Có thể chăng có một tương đồng giữa ba trật tự này với ba thân và tiến trình Trung Ấm ? Như David Bohm nói : “Toàn thể khái niệm về trật tự hàm ẩn là một cách thể để bàn về nguồn gốc của hình sắc xuất phát từ vô sắc, qua trung gian tiến trình mở ra”. (Renée Weber, ed. Đối thoại giữa các khoa học gia và hiền giả : Đi tìm Nhất thể, London, 1986)
Tôi cũng được cảm hứng từ việc David Bohm đã khai triển lối hiểu vật chất – theo đó, vật chất khởi lên từ vật lý học lượng tử – để hiểu chính tâm thức. Đó là một bước nhảy mà theo tôi sẽ được xem càng ngày càng cần thiết, khi khoa học mở rộng tầm nhìn, và tiến hóa. Bohm nói : “Tâm thức có thể có một cơ cấu giống như vũ trụ, và trong sự vận chuyển ở nền tảng, mà ta gọi là chân không ấy kỳ thực có một năng lực ghê gớm, một sự biến dịch. Những hình ảnh đặc biệt xuất hiện trong tâm có thể giống như những phân tử, và sự đạt đến nền tảng của tâm có thể được cảm thấy như là ánh sáng” . (Sđd, 48)
Cùng với khái niệm về trật tự hàm ẩn và trật tự rõ rệt ấy, David Bohm đã tưởng tượng ra một lối nhìn mối tương quan giữa tâm lý vật lý, giữa tâm và vật chất, gọi là ý nghĩa tâm-vật-lý. Ông viết : “Quan niệm về ý nghĩa tâm vật lý có nghĩa rằng vật lý và ý nghĩa của nó, tức tâm lý, không phải là hai thực thể biệt lập, đúng hơn đó là hai phương diện của một thực tại duy nhất bao trùm cả hai”. (Sđd, 73)
David Bohm cho rằng vũ trụ biểu hiện ba phương diện liên kết với nhau : vật chất, năng lượng và ý nghĩa.
Từ quan điểm trật tự hàm ẩn, thì năng lượng và vật chất thấm nhuần một loại ý nghĩa nào đó, đem lại hình dạng cho hoạt động bao quát của nó và cho vật chất sinh khởi trong hoạt động ấy. Năng lực của tâm và của vật chất trong não bộ cũng thấm nhuần một loại ý nghĩa đem lại hình dạng cho hoạt động bao quát của nó. Như vậy, một điều khá thông thường là năng lượng bao gồm vật chất và ý nghĩa, trong khi vật chất thì bao gồm năng lượng và ý nghĩa… Nhưng ý nghĩa cũng bao gồm vật chất và năng lượng… Vậy, mỗi một khái niệm trong ba khái niệm căn bản ấy bao hàm hai cái kia. (Bohm, Unfolding Meaning, 90)
Giản dị hóa một tri kiến vô cùng tinh vi, tế nhị, bạn có thể bảo rằng đối với David Bohm “ý nghĩa” có tầm quan trọng đặc biệt rộng rãi. Ông nói : “Điều này bao hàm – trái với quan điểm thông thường – rằng ý nghĩa là một phần cốt yếu nội tại trong hoạt động tổng quát của chúng ta, chứ không phải chỉ là một tính chất thuần túy trừu tượng chỉ hiện hữu trong tâm mà thôi. Hay nói cách khác, trong đời người, thông thường, ý nghĩa là sống…” . Chính trong hành vi giải thích vũ trụ, ta đang sáng tạo vũ trụ : Có thể nói rằng chúng ta là tổng thể của những ý nghĩa chúng ta”. (Bohm, 93)
Phải chăng sẽ có ích nếu ta khởi sự tưởng đến những tương đồng giữa ba phương diện của vũ trụ mà Bohm nói, với ba thân ? Một khai thác sâu hơn ý của Bohm có lẽ sẽ cho thấy rằng ý nghĩa, năng lượng và vật chất có tương quan lẫn nhau như ba thân. Phải chăng điều này có thể gợi ý rằng vai trò của ý nghĩa, như Bohm giải thích, có phần nào tương tự với Pháp thân, cái tổng thể vô điều kiện, luôn luôn sáng tạo, từ đó mọi sự sinh khởi ? Công việc của năng lượng, qua đó ý nghĩa và vật chất tác động lẫn nhau, có phần nào giống với Báo thân. Sự tuôn phát tự nhiên, liên tục của năng lượng từ cái nền tảng chân không, và sự tạo ra vật chất, theo tri kiến của Bohm, có phần giống như Ứng hóa thân, sự kết tinh liên tục của năng lượng ấy thành ra hình dạng và biểu hiện.
Khi nghĩ về David Bohm và cách giải thích đặc biệt của ông về thực tại, tôi có khuynh hướng tự hỏi, một nhà vật lý học vĩ đại sẽ khám phá được những gì, nếu đồng thời họ cũng là một hành giả đã được một bậc đại sư hướng dẫn và thực sự tu chứng ? Cái gì một nhà khoa học và một hiền nhân, như Longchenpa và Einstein hợp chung lại, sẽ nói với ta về bản chất thực tại nhỉ ? Có thể một trong những hoa trái tương lai của cây giáo lý Trung Ấm này sẽ là một cuộc đối thoại giữa khoa học và huyền học chăng ? Và điều ấy sẽ có ý nghĩa gì cho nhân loại ?
Sự tương đồng sâu xa nhất giữa ý tưởng của David Bohm và giáo lý Trung Ấm là cả hai đều tuôn phát từ một tri kiến về một nhất thể toàn vẹn. Tri kiến này, nếu nó có thể thêm sức cho cá nhân để chuyển hóa tâm thức họ, và nhờ vậy ảnh hưởng đến xã hội, thì sẽ phục hồi cho thế giới chúng ta một ý thức cấp thiết về tương quan sinh tồn và ý nghĩa đời sống.
Điều tôi đề nghị ở đây là đường lối con người suy nghĩ về cái toàn thể, hay thế giới quan của họ, là điều quan yếu nhất cho trật tự của chính nhân tâm. Nếu con người nghĩ về cái toàn thể như là sự ráp nối những mảnh vụn biệt lập, thì tâm thức họ cũng có khuynh hướng vận hành theo kiểu ấy. Nhưng nếu họ có thể bao gồm mọi sự liên kết hòa hợp nhau trong một toàn thể bất khả phân, không gián đoạn, không biên giới (vì mỗi biên giới là một phân chia, một gián đoạn) thì khi ấy tâm họ sẽ có khuynh hướng di chuyển theo cách ấy, và từ đó sẽ có một hành động có trật tự nằm trong cái toàn thể. (David Bohm, Tòan vẹn và trật tự hàm ẩn, 1988, xi.)
Tất cả các bậc thầy vĩ đại sẽ hoàn toàn đồng ý với Bohm khi ông viết :
Một sự thay đổi ý nghĩa là cần thiết để thay đổi thế giới này về chính trị, kinh tế và xã hội. Nhưng sự thay đổi này phải khởi sự với từng cá nhân, nó phải thay đổi cho cá nhân… Nếu ý nghĩa là một phần then chốt của thực tại thì một thay đổi căn để đã xảy ra khi xã hội, cá nhân và những tương quan được thấy là có ý nghĩa gì khác. (Unfolding Meaning, 107)
Cuối cùng tri kiến của giáo lý Trung Ấm và sự thấu hiểu sâu xa về nghệ thuật và khoa học đều hội tụ ở một sự kiện : đó là trách nhiệm chúng ta đối với chính mình và cho chính mình ; và sự cần thiết phải xử dụng trách nhiệm ấy một cách cấp bách để tự chuyển hóa chúng ta, ý nghĩa cuộc đời ta và thế giới xung quanh ta.
Như đức Phật dạy : “Ta chỉ cho ngươi con đường giải thoát, nhưng chính ngươi phải bước đi” .
22- Sứ giả hòa bình
Một trong những học viện lâu nhất đã theo dõi sự hình thành quyển sách này trong bao nhiêu năm, mới đây đã hỏi tôi : “Thầy thực sự mong muốn điều gì sâu xa nhất qua quyển sách này, khi nó được xuất bản ?” . Khi đó trong tâm tôi hiện lên hình ảnh Lama Tseten, mà lúc còn bé tôi đã chứng kiến cái chết của ngài trong tư thái hài hòa an tịnh. Tôi buộc miệng nói : “Tôi muốn mọi người đừng sợ chết, hay cũng đừng sợ sống. Tôi muốn mọi người chết trong thanh thản, được vây quanh bởi sự chăm sóc thông minh sáng suốt nhất, nhẹ nhàng nhất, và tìm được niềm hạnh phúc tối hậu nhờ thấu hiểu thực chất, tự tánh của tâm và của thực tại”.
Thomas Merton viết : “Chúng ta có được cái gì, dù có thể lên đến cung trăng, nếu ta không vượt qua được hố thẳm ngăn cách giữa chúng ta ? Đây mới là cuộc du hành quan trọng nhất trong các cuộc du hành để khám phá, mà nếu không có nó, thì tất cả mọi chuyện khác không những vô ích, mà còn tai hại”. (Minh triết của Sa mạc, 90).
Chúng ta dùng hàng triệu Mỹ kim mỗi phút vào việc huấn luyện con người giết nhau và phá hoại, vào bom đạn và phi cơ chiến đấu. Nhưng trong khi ấy chúng ta gần như không tốn đồng nào vào việc giáo dục con người về bản chất cuộc đời và cái chết, vào việc giúp đỡ họ đối mặt và hiểu thấu những gì xảy ra khi họ chết. Tình huống này thực đáng buồn, đáng kinh hãi xiết bao, và nó thực đã cho ta thấy chúng ta vô minh đến mức nào, ta thiếu tình thương chân thật đối với chính mình và người khác đến mức nào. Hơn bất cứ gì khác, tôi cầu nguyện rằng sánh này có thể góp một phần nhỏ vào sự thay đổi tình trạng này trên thế giới, có thể thức tỉnh càng nhiều người càng tốt, làm cho họ chú ý tính cấp thiết của nhu cầu chuyển hóa tâm linh, tính cấp thiết của trách nhiệm đối với tự thân và tha nhân. Tất cả chúng ta đều có tiềm năng thành Phật, và đều mong muốn sống an ổn và chết an ổn. Khi nào thì nhân loại mới thực sự thấu hiểu điều này, thực sự kiến tạo một xã hội phản ảnh được trí tuệ đơn giản mà thiêng liêng ấy trong tất cả lĩnh vực hoạt động của nó ? Nếu không có điều ấy, thì cuộc đời có giá trị gì ? Nếu không có điều ấy, làm sao ta chết thoải mái được ?
Điều tối quan trọng bây giờ là một tri kiến sáng suốt về sự chết cần được đưa vào trong thế giới ở mọi tầng lớp giáo dục. Trẻ con không nên được “che chở” cho khỏi thấy chết chóc, mà phải được khai thị, lúc chúng còn nhỏ, cho thấy bản chất thực của cái chết và những gì họ có thể học được từ cái chết. Tại sao ta không khải thị tri kiến này trong những hình thức đơn giản nhất của nó, cho tất cả mọi nhóm tuổi ? Tri kiến về cái chết, về sự làm thế nào để giúp đỡ người sắp chết, về bản chất tâm linh của sự chết, cần được truyền thông cho tất cả tầng lớp xã hội ; tri kiến ấy cần được dạy tại các trường và phân khoa đại học đủ loại ; và quan trọng nhất, tại các bệnh viện có huấn luyện cho bác sĩ và y tá điều dưỡng bệnh nhân sắp chết, những người có trách nhiệm đối với bệnh nhân.
Làm sao bạn có thể là một bác sĩ giỏi thực sự, khi bạn không có ít nhất vài tri kiến về sự thật của cái chết ? Làm sao bạn có thể thực sự giúp đỡ tâm linh người bệnh sắp chết của bạn ? Làm sao bạn có thể là một y tá giỏi, nếu bạn không khởi sự đối diện với chính nỗi sợ chết của mình, và do đó không có gì để nói với những người hấp hối khi họ hỏi bạn, nhờ bạn chỉ dẫn ? Tôi biết có nhiều bác sĩ, y tá có thiện ý, những người có tính phóng khoáng chân thành mở lòng ra mà đón nhận những tư tưởng mới, cách làm mới. Tôi cầu nguyện cách này sẽ đem lại cho họ can đảm và sức mạnh mà họ cần có để giúp các cơ sở của họ thẩm thấu những bài học của giáo lý Trung Ấm này, và áp dụng. Phải chăng đã đến lúc nghề nghiệp y khoa nên hiểu rằng sự tìm tòi chân lý về sống chết, và việc chữa bệnh vốn là hai chuyện không thể tách rời ? Điều tôi hy vọng từ quyển sách này là nó sẽ giúp mọi người khắp nơi, thảo luận về những gì có thể làm được cho người sắp chết, và những điều kiện tốt nhất để làm việc ấy. Một cuộc cách mạng tâm linh và thực tiễn trong việc huấn luyện bác sĩ và y tá, để chăm sóc bệnh nhân và đối xử với cái chết của họ, là điều quan yếu cấp thiết. Tôi hy vọng sách này sẽ là một đóng góp nhỏ mọn cho công việc ấy.
Tôi đã nhiều lần ca tụng công trình tiên phong đang được thực hiện trong phong trào Tiếp dẫn đường. Ít nhất tại đấy chúng ta thấy người chết được đối xử với sự kính trọng mà họ đáng được. Tôi muốn nói lên ở đây một lời thỉnh cầu tha thiết đến tất cả các nền cai trị trên thế giới, rằng họ nên khuyến khích sự tạo lập những Tiếp dẫn đường, tài trợ cho công trình này càng nhiều càng tốt.
Tôi có ý định cống hiến quyển sách này làm nền tảng cho nhiều loại chương trình huấn luyện khác nhau, những người thuộc đủ loại ngành nghề, mà nhất là những người quan hệ mật thiết đến việc săn sóc người chết : gia đình, bác sĩ, y tá, tu sĩ thuộc mọi giáo phái, cố vấn tinh thần, các nhà chữa bệnh tâm lý và những nhà tâm lý học.
Có cả một kho tàng tuệ giác y khoa trong Phật giáo Tây Tạng cũng như những tiên tri của Padmasambhava liên hệ chi tiết đến những chứng bệnh của thời đại này. Tôi cực lực kêu gọi nên đổ tiền bạc vào công trình nghiên cứu nghiêm túc về những lời dạy đáng ngạc nhiên ấy. Biết đâu người ta không tìm ra được từ đấy những phương pháp chữa những bệnh ngặt nghèo, như Sida và ung thư, và những chứng chưa xuất hiện, và làm giảm thiểu tính chất kinh khủng của nó ?
Tôi hy vọng gì từ quyển sách này ? Hy vọng gợi cảm hứng cho một cuộc cách mạng êm thấm trong toàn thể lối nhìn của ta về sự chết và săn sóc người sắp chết, cũng như lối nhìn của chúng ta về sự sống và săn sóc người sống.
*
Trong khi quyển sách này đang được viết ra, thì bậc thầy vĩ đại của tôi, Dilgo Khientse Rinpoche từ giã thân xác vào thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 1991, ở Thimphu, Bhutan. Ngài đã 82 tuổi, và đã dành suốt đời giúp đỡ tất cả mọi người. Ai đã từng trông thấy ngài mà quên ngài được ? Ngài như núi tuyết sáng chói, sự hùng vĩ của ngài đã lan tràn nếu không có niềm an tịnh sâu xa luôn tỏa ra từ nơi ngài, cùng với tính hài hước tự nhiên và tâm hỷ lạc, những dấu hiệu của thực chứng. Với tôi và nhiều người khác, ngài là bậc thầy có tầm cỡ của Milarepa, của Longchenpa, của Padmasambhava, và ngay cả của đức Phật. Khi ngài qua đời, thì như mặt trời lặn mất, để lại đêm tối đen dày, và cả một thời đại huy hoàng của nền học tâm linh Tây Tạng đã cáo chung. Dù tương lai có đem gì lại cho chúng ta, tôi chắc chắn không ai trong chúng ta sẽ còn gặp được người nào như ngài. Chỉ cần nhìn thấy ngài một lần dù trong giây lát, là cũng đã gieo trong bạn một hạt giống giải thoát mà không có gì sẽ phá hủy được, và sẽ có ngày hạt giống ấy đi đến kết nhụy đơm bông.
Có nhiều dấu hiệu kỳ lạ trước và sau khi Dilgo Khientse Rinpoche chết, chứng tỏ tầm mức vĩ đại của ngài, nhưng cái điềm làm cho tôi kinh hãi nhất thì xảy ra cách xa bốn ngàn dặm Anh, ở miền Nam nước Pháp, tại một nơi gọi là Lerab Ling, gần Montpellier, nơi này sẽ được hiến cúng để thành lập một trung tâm nhập thất dưới ân đức của ngài. Xin để cho một trong những học trò tôi đang sống và làm việc tại trung tâm kể cho bạn nghe những gì đã xảy đến :
“Sáng hôm ấy bầu trời tối lâu hơn thường lệ, và dấu hiệu đầu tiên của bình minh là một đường dài màu đỏ thật sâu ở chân trời xa. Chúng tôi sắp xuống phố, và khi đến gần chót đỉnh con đường của chúng tôi, cái lều vải dựng tạm làm chỗ thờ, nơi sẽ xây chánh điện, hiện ra trên đỉnh đồi bên phải chúng tôi. Thình lình một chùm tia sáng mặt trời thật sắc, xoáy vào ánh sáng mờ ban mai và chiếu ngay vào cái lều trắng, làm nó sáng lên rực rỡ. Chúng tôi vẫn tiếp tục đi, và khi tới gần khúc quanh để xuống phố, một cái gì thúc đẩy chúng tôi nhìn lại ngôi lều. Bây giờ trời đã sáng. Chúng tôi kinh ngạc. Một ráng cầu vồng trải dài khắp thung lũng, màu sắc nó sáng chói, sống động, đến nỗi ta như có thể với tay ra mà sờ được. Nó vươn lên từ chân trời phía trái chúng tôi, làm thành một vòng cung bắc ngang bầu trời. Điều mầu nhiệm là không có dấu hiệu gì là sắp mưa cả, chỉ có cái ráng cầu vồng xuất hiện linh động, rực rỡ nổi bật trên nền trời trống trải mênh mông. Chỉ đến chiều hôm sau đó chúng tôi mới biết tin đấy chính là ngày mà Dilgo Khientse Rinpoche từ trần ở Bhutan. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy chắc chắn rằng cầu vồng ấy là dấu hiệu ngài đã ban phước xuống cho tất cả, và cho vùng đất Lerab Ling”.
Khi đức Phật nằm niết bàn trong một khu rừng ở Kushinagara (Câu thi na) xung quanh có 500 đệ tử, Ngài đã dạy những lời cuối cùng : “Tất cả pháp hữu vi đã sinh thành đều sẽ phải hoại diệt, tan rã. Các con hãy nỗ lực tinh tiến đạt đến sự toàn thiện” . Những lời dạy ấy vẫn thường trở lại với tôi từ khi thầy Dilgo tôi từ trần. Có lời dạy nào sâu sắc về vô thường hơn cái chết của một bậc đạo sư tối thượng, đã từng như là cột trụ của thế gian ? Cái chết ấy làm cho chúng tôi, những người biết ngài, những đệ tử của ngài, cảm thấy bơ vơ, bị ném trở lại chính mình. Bây giờ chúng ta phải tự mình tiếp tục tiến lên và cố hết sức mình để thể hiện truyền thống giáo lý mà ngài đã đại diện một cách cao cả. Chúng ta phải tự mình làm những gì mà đệ tử Phật đã làm, khi bị bỏ lại trên thế gian này, không còn được ánh sáng trí tuệ của ngài dìu dắt : đó là “hãy nỗ lực tinh tiến để đạt đến toàn thiện” .
Cái cầu vồng bắc qua bầu trời nước Pháp, ở thung lũng Lerab Ling là một điềm triệu Dilgo Khientse Rinpoche đang ban phước và sẽ tiếp tục ban phước cho toàn thế giới. Khi đã thoát khỏi thân xác, ngài sống trong thế giới huy hoàng vượt ngoài thời – không của Pháp thân, có năng lực như những bậc đã giác ngộ, là có thể giúp đỡ chúng sanh không hạn cuộc. Hãy tin tưởng ở sự chứng đắc của ngài, và kêu cầu ngài với tất cả lòng thành, thì bạn sẽ thấy ngài ở bên bạn tức khắc. Làm sao ngài, người yêu thương tất cả chúng sanh với tình yêu toàn hảo như vậy, có thể bỏ rơi chúng ta được ? Và ngài sẽ đi đâu, con người đã nhập làm một với tất cả ấy ?
Thật may mắn cho chúng ta, rằng một bậc thầy như ngài, nhập thể của truyền thống Tây Tạng, đã ở với chúng ta 30 năm nay sau khi xứ sở Tây Tạng bị diệt vong. Ngài đã giảng dạy trong vùng Hy Mã Lạp Sơn, Ấn Độ, Âu châu, Á châu và Hoa Kỳ. Chúng ta thực may mắn làm sao đã có được hàng trăm giờ thu băng giọng nói và lời dạy của ngài, nhiều băng hình ghi lại vài nét hùng vĩ của sự hiện diện ngài, một vài phần của dòng thác từ tâm giác ngộ của ngài, đã được dịch ra Anh ngữ và nhiều ngôn ngữ khác. Tôi đặc biệt nghĩ tới những giáo lý ngài dạy ở miền Nam nước Pháp, gần Grenoble vào năm cuối của đời ngài. Lúc đó, nhìn ra thung lũng và đồi núi, một khung cảnh gần như có cái hùng vĩ của Tây Tạng, ngài đã ban ân sủng là truyền giáo lý Dzogchen, một giáo lý quan trọng nhất, cho một ngàn rưỡi học viên, nhiều người trong đó là học trò tôi từ khắp thế giới, một điều làm cho tôi sung sướng vô cùng. Những bậc thầy hiện diện có cảm tưởng rằng qua hành vi cuối của đời ngài, Dilgo Khientse Rinpoche đang ban ấn tín cho việc giảng dạy những giáo lý này ở Tây phương, và đã ban phước cho sự đón nhận của họ bằng năng lực của nhiều đời thiền định nơi ngài. Về phần tôi, tôi cũng đang ban phước cho tất cả những gì tôi đã cố thực hiện cho nền giáo lý ấy từ bao năm ở Tây phương.
Nghĩ về Dilgo Khientse Rinpoche và những gì ngài đã làm cho nhân loại là nghĩ về tính vĩ đại của món quà tặng mà Tây Tạng hiến cho thế giới, được tập trung và được hiển lộ nơi một con người duy nhất.
Tôi luôn nghĩ rằng, không phải là chuyện tình cờ khi xứ sở Tây Tạng cuối cùng đã mất, đúng vào lúc Tây phương sắp mở tâm mở trí để đón nhận những truyền thông của trí tuệ phương Đông. Vậy, ngay vào lúc Tây phương trở nên sẵn sàng đón nhận, thì một vài giáo lý sâu xa của truyền thống ấy, vốn từ lâu được bảo trì trong niềm cô tịch của núi Tuyết Tây Tạng, bây giờ có thể ban bố cho nhân loại. Điều thiết yếu hiện nay của chúng ta là cố gắng duy trì bằng mọi giá, truyền thống tuệ giác sống động ấy, mà người dân Tây Tạng đã chịu vô lượng khổ đau để làm cho chúng ta có được. Hãy nhớ đến họ luôn luôn trong tim chúng ta, và chúng ta hãy làm việc để thấy có ngày xứ sở Tây Tạng và những truyền thống của xứ sở ấy được phục hồi. Những giáo lý vĩ đại mà tôi đã san sẻ với bạn hiện giờ không được phép tu tập công khai trên đất Tây Tạng bởi chính những người đã có công bảo trì chúng. Mong sao sẽ có ngày các Tăng viện và Ni viện của Tây Tạng sẽ vươn lên từ đống tro tàn đổ nát, và những khoảng trống bao la của xứ Tây Tạng sẽ được hiến cho nền hòa bình thế giới và sự theo đuổi giác ngộ của tất cả mọi người.
Một phần lớn của tương lai nhân loại có thể tùy thuộc vào sự tái lập một xứ Tây Tạng tự do, một xứ Tây Tạng sẽ đóng vai trò của một Thánh địa cho những người tìm chân lý thuộc mọi truyền thống tín ngưỡng, vai trò trái tim tuệ giác của một nhân loại tiến hóa, vai trò phòng thí nghiệm để thử nghiệm những tuệ giác cao nhất, những kỹ thuật thiêng liêng nhất, để nó sẽ thành một nguồn cảm hứng giúp toàn nhân loại trong giờ phút lâm nguy. Thật khó tìm được khung cảnh toàn hảo cho việc tu tập tuệ giác ấy trong một thế giới như thế giới Tây phương chúng ta. Một xứ Tây Tạng được hồi phục, được tịnh hóa bởi bi kịch đau thương sẽ là khung cảnh lý tưởng, và điều này thực cấp thiết cho sự tiến hóa của loài người.
Tôi muốn hiến tặng sách này cho hàng trăm ngàn người chết trong sự khủng bố ở Tây Tạng, chết với đức tin của họ và với tri kiến kỳ tuyệt của giáo lý Phật. Tôi cũng muốn hiến tặng cho những người đã chết ở thế kỷ này trong những tình huống tương tự : người Do Thái, người Cao Mên, người Nga ; cho những nạn nhân hai cuộc thế chiến, cho tất cả những người chết bị bỏ rơi, bị quên lãng, và cho tất cả những người đang tiếp tục bị tước hết cơ hội tu tập con đường tâm linh của họ.
Nhiều bậc thầy tin rằng giáo lý Tây Tạng đang bước vào một thời đại mới. Có những lời tiên tri của Padmasambhava và nhiều bậc thầy thấu thị khác đã nói trước về việc giáo lý truyền đến Tây phương. Bây giờ thời gian ấy đã đến, và tôi biết rằng giáo lý sẽ khoác một đời sống mới. Đời sống mới này cần thay đổi, nhưng tôi tin rằng bất cứ một mô phỏng nào cũng phải tuôn phát từ một tri kiến sâu xa, để tránh phản bội sự thuần tịnh trong sáng của truyền thống hay năng lực của nó, hay tính “phi thời gian” của chân lý. Nếu có sự hiểu biết sâu xa về truyền thống phối hợp với ý thức thực tế về những vấn đề và thử thách của thời đại, thì sự mô phỏng có thể tăng cường, mở rộng, làm phong phú thêm truyền thống, làm hiển lộ những tầng lớp sâu xa của giáo lý, và giúp cho việc ứng dụng giáo lý được hiệu quả hơn, trong việc đối phó với những khó khăn ngày nay.
Nhiều bậc thầy vĩ đại của Tây Tạng đã viếng thăm Tây phương trong 30 năm sau này, bây giờ đã viên tịch, và tôi tin chắc họ đã cầu nguyện cho giáo lý này sẽ lợi lạc không những cho người Tây Tạng, cho Phật tử mà thôi, mà còn cho cả toàn thế giới. Tôi nghĩ người Tây phương biết rõ tầm giá trị của giáo lý này khi họ đâm ra sẵn sàng đón nhận. Tôi nghĩ đến Dudjom Rinpoche và Karpama, những bậc thầy vĩ đại đã chọn để chết ngay trên đất Tây phương, như thể cốt ban phúc cho Tây phương bằng năng lực giác ngộ của các ngài. Mong sao những lời cầu nguyện của các ngài – cho thế giới được chuyển hóa, cho tâm trí nhân loại được soi sáng – được ứng nghiệm ! Mong sao cho chúng ta, những người hấp thụ giáo lý các ngài sẽ ý thức trách nhiệm đối với giáo lý ấy, và nỗ lực thể hiện giáo lý.
Thử thách lớn nhất mà một truyền thống tâm linh như Phật giáo phải đương đầu trong giai đoạn chuyển tiếp này từ khung trời cũ đến Tây phương là, làm thế nào trong một thế giới quay cuồng lăng xăng siêu tốc này, những người học giáo lý có thể tìm phương thức để thực hành giáo lý với một tâm linh bình thản và tính kiên trì mà họ cần, để có thể chứng ngộ sự thật của giáo lý. Sự huấn luyện tâm linh chung quy là hình thái giáo dục cao thượng nhất, đòi hỏi nhiều điều kiện nhất, và phải được theo đuổi với sự dấn thân, chuyên cần có hệ thống như bất cứ sự huấn luyện nghiêm túc nào khác. Làm sao có thể chấp nhận rằng, muốn thành một bác sĩ phải trải nhiều năm học và thực tập, thế mà với con đường tâm linh để sống ở đời, chúng ta lại chỉ cần một sự ban phép tình cờ, những lễ quán đảnh điểm đạo qua loa, và lâu lâu mới gặp vài bậc thầy chỉ để chào hỏi ? Trong quá khứ, người ta ở lại luôn một nơi để theo thầy suốt cả đời. Hãy nghĩ đến Milarepa, đã phụng sự Marpa hàng nhiều năm trước khi đủ trưởng thành tâm linh để rời thầy mà tự tu tập. Sự huấn luyện tâm linh cần một sự truyền trao liên tục, làm việc và học với thầy, theo thầy với niềm hăng say và sự thiện xảo tinh tế. Vấn đề chính của việc giảng dạy tương lai ở trong thế giới tân tiến là làm sao để giúp cho những người theo giáo lý tìm được môi trường nội tâm và ngoại cảnh thích hợp để thực hành giáo lý, chứng ngộ và thể nhập tinh yếu của nó.
Giáo lý của mọi con đường huyền học trên thế giới cho thấy rõ rằng trong ta có một bình chứa năng lực khổng lồ, năng lực từ bi và trí giác, năng lực mà Ki-tô giáo gọi là Cung điện nhà trời, hay Nước chúa. Nếu ta biết cách sử dụng – và đây là mục đích con đường đi tìm tuệ giác – thì năng lực ấy không những có thể chuyển hóa bản thân ta, mà cả thế giới quanh ta. Có thời nào cấp thiết hơn bây giờ, để có được sự xử dụng sáng suốt năng lực thiêng liêng ấy ? Có thời nào cấp thiết hơn bây giờ để hiểu thấu bản chất của năng lực thuần túy ấy, hiểu cách điều hướng nó để lợi lạc cho thế giới ? Tôi cầu nguyện tất cả những ai đọc sách này sẽ có thể hiểu thấu và tin tưởng năng lực của giác ngộ, và trực nhận bản chất của tâm ; vì nhận ra bản chất tâm bạn cũng có nghĩa là làm phát sinh một tri kiến sẽ thay đổi toàn bộ thế giới quan của bạn, giúp bạn tự nhiên khám phá và phát triển một ước muốn đầy bi mẫn, mong giúp đỡ tất cả mọi hữu tình, đồng thời cũng phát triển được một cái biết về cách giúp đỡ tốt nhất, trong bất cứ tình huống nào. Tôi cầu nguyện cho các bạn sẽ thấm được vào tâm khảm chân lý sống động trong lời này của Nyoshul Khenpo :
Một lòng bi mẫn tự nhiên có thể phát sinh đối với những người chưa nhận ra chân tánh của mình. Lòng bi mẫn ấy rào rạt bao la đến độ nếu nước mắt có thể bộc lộ được thì bạn sẽ khóc không bao giờ ngưng. Không những tâm đại bi, mà còn phương tiện thiện xảo cũng sẽ phát sinh khi bạn đã trực ngộ bản tâm. Hơn nữa, bạn còn tự nhiên giải thoát khỏi mọi khổ đau sợ hãi, như sợ sự sanh ra, sợ cái chết và giai đoạn Trung Ấm. Khi ấy, nếu bạn phải nói lên niềm vui và phúc lạc do sự chứng ngộ mang lại, thì dù bạn có đem tất cả vinh quang, hưởng thụ, khoái lạc, và hạnh phúc trên đời gom lại, cũng không thể diễn tả được một nhần nhỏ xíu của niềm phúc lạc mà bạn có được khi trực ngộ bản tâm.
Phụng sự thế giới bằng năng lực trí tuệ và từ bi có nghĩa là tham dự một phần tích cực vào việc bảo trì hành tinh này. Những bậc thầy thuộc các truyền thống tôn giáo bây giờ đã hiểu rằng tu tập là điều thiết yếu không những chỉ dành cho Tăng Ni, mà cho tất cả mọi người, thuộc mọi tôn giáo, mọi lối sống. Những gì tôi cố chứng minh trong sách này là tính vô cùng thiết thực, năng động và hiệu nghiệm của sự phát triển tâm linh. Một lời dạy nổi tiếng của Tây Tạng là : “Khi thế giới đầy những sự ác, thì mọi tai ương cần phải được chuyển hóa thành con đường giác ngộ”. Mối nguy mà tất cả chúng ta đang vướng phải đã khiến cho việc tu tập trở nên cấp thiết, đến nỗi ta không còn xem sự phát triển tâm linh như là một xa xí phẩm, mà như một điều kiện cần thiết để sống còn.
Ta hãy tưởng tượng rằng thế giới sẽ như thế nào nếu trong đó có một số lượng đáng kể những người tóm lấy cơ hội mà giáo lý đã chỉ, để dành một phần của đời họ cho việc tu hành nghiêm chỉnh, để trực nhận bản tâm, và do vậy xử dụng cơ hội cái chết của mình để tiến gần hơn tới Phật quả, và tái sanh với một mục đích duy nhất là phụng sự và làm lợi lạc mọi người.
Quyển sách này đang đem lại cho bạn một kỹ thuật thiêng liêng, nhờ đó không những bạn có thể chuyển hóa cuộc đời hiện tại của bạn, chuyển hóa sự hấp hối và cái chết của bạn, mà còn chuyển hóa cả những đời sau của bạn, và do đó chuyển hóa cả tương lai nhân loại. Những gì mà những bậc thầy tôi và tôi hy vọng khơi nguồn nơi đây, là một bước nhảy tiến tới sự thăng tiến có ý thức của con người. Học cách thế nào để chết cũng là học cách sống ; học cách sống cũng là học làm thế nào để hành động không những trong đời này mà cả trong những đời sắp đến. Thực sự chuyển hóa bản thân và học làm sao để tái sinh như một ứng hóa thân để giúp người khác, chính là giúp đỡ nhân loại bằng cách hữu hiệu nhất.
Tuệ giác đầy bi mẫn của truyền thống chúng tôi và sự đóng góp cao quý nhất của nó cho trí tuệ tâm linh của nhân loại là sự hiểu và hành lý tưởng Bồ-tát, con người nhận lãnh hết đau khổ cho mọi hữu tình, người khởi hành lên đường giải thoát không những cho một mình mình, mà còn để giúp đỡ người khác, người mà cuối cùng, sau khi đạt giải thoát tối hậu, không tan biến vào trong bầu trời tuyệt đối hay trốn khỏi nỗi thống khổ của sinh tử, mà tự nguyện trở lại nhiều lần để hiến mình phụng sự toàn thế giới bằng năng lực từ bi và trí tuệ. Điều mà thế giới cần hơn bất cứ gì, đó là những sứ giả tích cực của hòa bình như vậy, những sứ giả “mặc áo giáp nhẫn nhục”, những người sống cho lý tưởng Bồ-tát và sống để gieo rắc trí tuệ vào mọi lĩnh vực kinh nghiệm chúng ta. Chúng ta cần những Bồ-tát luật sư, Bồ-tát nghệ sĩ, Bồ-tát chính trị gia, Bồ-tát bác sĩ, Bồ-tát kỹ sư và chuyên viên, những Bồ-tát ở khắp nơi đang làm việc một cách tận tâm như những kênh truyền của trí tuệ và đại bi ở mọi tầng lớp và hoàn cảnh xã hội, đang hoạt động để chuyển hóa bản thân và người khác, làm việc không mệt mỏi vì biết chắc có sự nâng đỡ của chư Phật và những bậc giác ngộ, để giữ gìn thế giới và tiến đến một tương lai khá hơn. Teillard de Chardin nói : “Một ngày kia, sau khi chúng ta đã làm chủ được những cơn gió, những ngọn sóng, thủy triều và lực hấp dẫn… chúng ta sẽ khởi động năng lực của tình yêu. Khi ấy, lần thứ hai trong lịch sử loài người, con người sẽ tìm ra ngọn lửa” .
Một trong những hy vọng sâu xa nhất của tôi khi viết sách này là nó sẽ làm một người bạn trung thành cho bất cứ ai chon con đường trở thành một Bồ-tát, một nguồn dìu dắt và cảm hứng cho những người thực sự đối mặt với những thử thách của thời đại, và vì lòng bi mẫn mà khởi hành lên đường tuệ giác. Mong sao họ không bao giờ mệt mỏi hay thất vọng, vỡ mộng ; mong cho họ đừng bao giờ hết hy vọng dù có gặp bao nhiêu gian khó, chướng ngại, hãi hùng. Mong sao những chướng ngại ấy chỉ làm tăng thêm quyết tâm nơi họ. Mong sao họ vững lòng tin ở tình yêu và năng lực của các đấng giác ngộ đã và đang gia trì cho trái đất bằng hiện diện của các ngài ; mong sao họ noi gương những bậc thầy vĩ đại đã y theo lời di giáo của Phật mà suốt đời nỗ lực tinh tiến để đạt đến toàn thiện. Mong sao cái thế giới mà nhiều bậc thầy huyền học thuộc mọi truyền thống đã tiên đoán, nhờ nỗ lực của tất cả chúng ta mà sẽ thành hiện thực : một thế giới tương lai không còn bạo hành, khủng bố, ở đấy nhân loại có thể sống trong hạnh phúc vì đã trực nhận bản tâm. Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện cho được thế giới tốt đẹp ấy, cùng với Shantideva và thánh Francis :
“Hư không còn tồn tại,
hữu tình còn tồn tại,
thì nguyện của tôi vẫn còn.
Đó là cái ước nguyện xóa tan thống khổ của cuộc đời”.
“Xin Cha hãy biến con thành khí cụ hòa bình của ngài.
Nơi nào có thù hận, cho con gieo rắc tình yêu.
Nơi nào có tổn thương, mang lại tha thứ.
Nơi nào có hoài nghi, mang lại niềm tin.
Nơi nào tuyệt vọng, mang lại hy vọng.
Nơi nào có bóng tối, mang lại ánh sáng.
Nơi nào có buồn khổ, mang lại niềm vui.
Lạy Cha,
Xin cho con an ủi người khác hơn là được an ủi;
Cho con cảm thông người khác hơn là được cảm thông;
Cho con yêu thương người khác hơn là được yêu thương;
Vì chính trong khi cho, là ta được nhận;
Khi tha thứ, là ta được tha thứ;
Và chính khi chết, là ta sinh vào đời sống vĩnh cửu”.
Xin dâng hiến sách này lên những bậc thầy tôi : với những bậc thầy đã quá vãng, mong ước nguyện các ngài được thành tựu ; với những bậc thầy còn sinh tiền, mong các ngài trường thọ, công trình thiêng liêng vĩ đại của các ngài sẽ gặp thành công sáng chói, mong sự giảng dạy của các ngài sẽ gợi cảm hứng cho tất cả hữu tình. Tôi thiết tha thành khẩn cầu nguyện cho Dudjom Rinpoche và Dilgo Khientse Rinpoche sẽ chóng tái sanh trong một nhập thể đầy năng lực giác ngộ để cứu giúp chúng ta qua những hiểm nguy của thời đại này.
Xin hiến tặng sách này cho tất cả những người đã chết có nhắc tới trong sách : Lama Tseten, Lama Chokden, Samten, Ani Pelu, Ani Rilu và A-pé Dorje. Xin bạn nhớ tới họ mỗi khi cầu nguyện, và nhớ cả những học trò của tôi đã chết và đang chết, những người mà lòng sùng tín và can đảm đã gây cho tôi nhiều cảm khái.
Xin hiến tặng quyển sách này cho tất cả hữu tình đang sống, đang chết hay đã chết. Đối với những người vào giờ này đang kinh quá tiến trình chết, mong rằng họ chết được an ổn, không đau đớn hãi sợ. Mong rằng tất cả những người đang sinh ra trong lúc này, và những người đang vật lộn với sự sống, hãy được nuôi dưỡng bằng ân phước chư Phật, mong họ gặp được giáo lý và đi theo con đường trí tuệ. Mong đời họ được hạnh phúc hữu hiệu, thoát khỏi mọi lo buồn. Mong bất cứ ai đọc sách này sẽ rút được nhiều lợi lạc bất tận từ đấy, và mong cho giáo lý trong này chuyển hóa tâm trí họ. Đây là lời cầu nguyện của tôi.
Mong sao mỗi một chúng sanh trong sáu cõi luân hồi cùng đạt đến nền tảng của sự toàn hảo tối sơ!