SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 26

Phẩm 85: BẢY VÍ DỤ

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu các pháp tánh không thật có, chẳng do Phật làm ra cho đến chẳng phải do Bồ-tát làm ra, thì sao lại phân biệt có các pháp khác nhau như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, trời, những là do nghiệp làm nhân duyên mà biết có kẻ đọa địa ngục, có kẻ đọa ngạ quỷ, có kẻ đọa súc sinh, do nghiệp làm nhân duyên mà biết có kẻ sinh lên làm người, sinh lên các cõi trời, cho đến trời Phi tưởng Phi phi tưởng, do nghiệp làm nhân duyên mà biết có người được Tuđà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, do nghiệp làm nhân duyên mà biết các Đại Bồ-tát, do nghiệp làm nhân duyên mà biết Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác.

Bạch Đức Thế Tôn! Trong pháp vô tánh không có nghiệp dụng, sao lại có vì gây nghiệp làm nhân duyên mà đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, hoặc sinh lên cõi trời, hoặc được quả Tu-đà-hoàn cho đến Bích-chi-phật, Đại Bồ-tát hành đạo Bồtát sẽ được Nhất thiết chủng trí, vì được Nhất thiết chủng trí nên có thể cứu độ chúng sinh ra khỏi sinh tử?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng thế, đúng thế! Trong pháp vô tánh không có nghiệp, không có quả báo.

Này Tu-bồ-đề! Phàm phu chẳng nhập Thánh pháp, chẳng biết các pháp không có tánh tướng. Vì điên đảo ngu si nên họ khởi các nghiệp làm nhân duyên.

Các chúng sinh ấy, theo nghiệp mà có thân, hoặc thân địa ngục, thân ngạ quỷ, thân súc sinh, thân người, thân trời.

Pháp vô tánh ấy không có nghiệp, không có quả báo. Thường của vô tánh là vô tánh.

Như Tu-bồ-đề nói, nếu tất cả pháp vô tánh, sao lại có Tu-đàhoàn cho đến các Phật được Nhất thiết chủng trí.

Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Đạo có phải là vô tánh chăng?

Quả Tu-đà-hoàn cho đến các Phật, Nhất thiết chủng trí có phải là vô tánh chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn! Đạo vô tánh, quả Tu-đà-hoàn cũng vô tánh, cho đến các Phật, Nhất thiết chủng trí cũng vô tánh.

–Này Tu-bồ-đề! Pháp vô tánh có được pháp vô tánh chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn! Pháp vô tánh không thể được pháp vô tánh.

–Này Tu-bồ-đề! Pháp hữu tánh có được pháp hữu tánh chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn! Pháp hữu tánh không thể được pháp hữu tánh.

–Này Tu-bồ-đề! Pháp vô tánh và đạo, tất cả pháp ấy đều chẳng hợp, chẳng tan, không sắc, không hình, không đối, là nhất tướng, đó là vô tướng.

–Bạch Đức Thế Tôn! Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật, Đại Bồ-tát dùng năng lực phương tiện thấy chúng sinh vì điên đảo chấp đắm năm ấm, trong vô thường thấy là thường, trong khổ thấy là lạc, trong bất tịnh thấy là tịnh, trong vô ngã thấy là ngã. Chấp đắm chỗ không thật có.

Bồ-tát ấy vì dùng năng lực phương tiện, ở trong không thật có cứu thoát chúng sinh.

–Bạch Đức Thế Tôn! Chỗ chấp đắm của phàm phu có thật chăng? Có khác nhau chăng? Vì chấp đắm nên khởi nghiệp, vì nghiệp nhân duyên nên ở trong năm đường sinh tử chẳng ra khỏi được.

–Này Tu-bồ-đề! Chỗ chấp trước khởi nghiệp của phàm phu không có một sự thật như đầu sợi lông. Chỉ vì điên đảo thôi.

Này Tu-bồ-đề! Nay sẽ vì ông mà nói ví dụ. Người hiểu biết do ví dụ mà được hiểu.

Này Tu-bồ-đề! Như những điều thấy trong chiêm bao, người thọ hưởng năm dục có thật việc ấy chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn! Chiêm bao còn là luống dối không thật có, huống chi là người ở trong chiêm bao thọ hưởng năm dục mà có thật hay sao?

–Này Tu-bồ-đề! Các pháp, hoặc hữu lậu vô lậu, hoặc hữu vi vô vi, và có pháp gì chẳng như chiêm bao chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp, hoặc hữu lậu vô lậu, hoặc hữu vi vô vi, không có pháp gì chẳng như chiêm bao.

–Này Tu-bồ-đề! Trong chiêm bao có sinh tử luân hồi năm đường chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không!

–Này Tu-bồ-đề! Trong chiêm bao có tu đạo, do sự tu đạo này hoặc cấu nhiễm, hoặc thanh tịnh chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Vì sao? Vì chiêm bao không có sự thật, chẳng thể nói là nhơ, là sạch được.

–Này Tu-bồ-đề! Hình tượng trong gương có sự thật chăng? Có thể tạo nghiệp, rồi do nghiệp ấy làm nhân duyên mà đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, hoặc sinh trong loài người, trên cõi trời chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Hình tượng ấy không có sự thật, chỉ có gạt được trẻ con thôi. Hình tượng ấy làm sao có gây nghiệp làm nhân duyên, rồi do nghiệp ấy làm nhân duyên sẽ đọa địa ngục cho đến sinh trong loài người, trên cõi trời!

–Này Tu-bồ-đề! Hình tượng trong gương ấy có tu đạo, do sự tu ấy mà bị cấu hay tịnh chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Vì sao? Vì hình tượng ấy rỗng không chẳng có sự thật, nên không thể nói là nhơ, là sạch.

–Này Tu-bồ-đề! Như trong khe sâu có tiếng vang. Tiếng vang ấy gây nghiệp, rồi do nghiệp ấy làm nhân duyên hoặc đọa địa ngục cho đến sinh trong loài người, trên cõi trời hay chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Tiếng vang ấy rỗng không, chẳng có âm thanh thật thì làm sao có nghiệp rồi do nghiệp ấy làm nhân duyên mà đọa địa ngục cho đến sinh trong loài người, trên cõi trời.

–Này Tu-bồ-đề! Tiếng vang ấy có tu đạo, do tu đạo ấy mà có nhiễm, có tịnh chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Vì sao? Vì tiếng vang ấy không có sự thật nên chẳng thể nói là nhơ, là sạch.

–Này Tu-bồ-đề! Như sóng nắng chẳng phải nước mà như dáng

nước, chẳng phải sông mà như dáng sông. Sóng nắng ấy có gây nghiệp, rồi do nghiệp ấy làm nhân duyên mà đọa địa ngục, cho đến do có tu đạo mà có nhơ, có sạch chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Trong sóng nắng chẳng bao giờ có nước, chỉ gạt được mắt kẻ vô trí thôi. Sóng nắng ấy không có sự thật, làm sao có được nghiệp, cho đến chẳng thể nói là nhơ, là sạch.

–Này Tu-bồ-đề! Như thành Càn-thát-bà, lúc mặt trời mọc thấy thành Càn-thát-bà. Không có thành mà kẻ vô trí tưởng có thành. Thành Càn-thát-bà ấy có gây nghiệp, rồi do nghiệp ấy làm nhân duyên hoặc đọa địa ngục, cho đến do sự tu đạo mà có nhơ, có sạch chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Thành Càn-thát-bà ấy hoàn toàn không có, chỉ gạt được mắt kẻ vô trí thôi, thì làm sao có được nghiệp cho đến có thể nói được là nhơ, là sạch.

–Này Tu-bồ-đề! Nhà ảo thuật, hóa ra các vật, như là voi, ngựa, bò, dê, nam, nữ. Huyễn ảo ấy có nghiệp, rồi do nghiệp ấy làm nhân duyên mà đọa địa ngục, cho đến do có tu đạo mà có nhơ, có sạch chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn! Vật huyễn ảo ấy rỗng không, chẳng có sự thật thì làm sao có được nghiệp, cho đến có thể nói là nhơ, là sạch.

–Này Tu-bồ-đề! Như hóa nhân do Đức Phật biến hóa ra. Hóa nhân ấy có nghiệp, do nghiệp ấy làm nhân duyên mà đọa địa ngục, cho đến có nhơ, có sạch chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Hóa nhân ấy không có sự thật thì làm sao có nghiệp ấy làm nhân duyên mà đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, hoặc sinh trong loài người, trên cõi trời, làm sao có được sự tu đạo ấy mà có nhơ, có sạch.

–Này Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Ở trong tướng rỗng không ấy có kẻ nhơ, có kẻ sạch chăng?

–Bạch Đức Thế Tôn, không! Trong ấy không thật có, không có kẻ bị nhơ, không có kẻ được sạch.

–Này Tu-bồ-đề! Như không có kẻ bị nhơ, không có kẻ được sạch thì cũng không có nhơ, sạch. Vì sao? Vì chúng sinh ở trong ngã và ngã sở nên có nhơ, có sạch.

Người thấy thật thì chẳng nhơ, chẳng sạch. Như người thấy thật chẳng nhơ, chẳng sạch nên cũng không có nhơ, sạch.