SỐ 158
KINH ĐẠI THỪA ĐẠI BI PHÂN-ĐÀ-LỢI
Hán dịch: Mất tên người dịch – Phụ vào dịch phẩm đời Tần
Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN BẢY

Phẩm 22: TRANG NGHIÊM

 Này thiện nam tử, bấy giờ Đại Bồ-tát Đại Bi gieo năm vóc làm lễ nơi chân Đức Bảo Tạng Như Lai xong, ở trước Phật thưa:

-Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài nói về pháp môn Quyết định tam-muội của Bồ-tát đạo, làm pháp môn Thanh tịnh trợ Bồ-đề phần. Làm thế nào để có đầy đủ được các pháp môn Tam-muội ấy? Kính bạch Đức Thế Tôn, những thiện nam, thiện nữ làm sao để đạt đủ được các pháp môn Tam-muội như thế, an trụ một cách vững chắc, dùng môn quyết định Tam-muội nào để tự trang nghiêm?”.

Thiện nam tử, Đức Bảo Tạng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri lúc ấy đã khen ngợi Bồ-tát Đại Bi:

-Hay thay! Hay thay! Đại Bi, điều ông hỏi thật hết sức đặc biệt, có ý nghĩa lớn, là châu báu để có thể đem lại lợi ích cho vô lượng a- tăng-kỳ Bồ-tát. Vì sao? Này Đại Bi, vì ông đã có thể nêu hỏi Phật về những sự việc lớn lao như thế. Vậy ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông mà phân biệt thuyết giảng rõ.

Này Đại Bi, hàng thiện nam, thiện nữ nào cầu pháp Đại thừa, có tam-muội tên là Thủ-lăng-nghiêm, Bồ-tát trụ nơi pháp Tam-muội ấy thì có thể nhập vào tất cả các pháp Tam-muội khác.

Có tam-muội tên Bảo ấn, nhập Tam-muội này thì có thể ấn chứng các Tam-muội.

Có tam-muội tên Sư tử du hý, nhập Tam-muội này thì thể hiện diệu dụng nơi các Tam-muội.

Có tam-muội Diệu nguyệt, nhập Tam-muội này thì có thể chiếu soi các pháp Tam-muội.

Có tam-muội Như tịnh nguyệt tràng thắng, nhập Tam-muội này thì hay giữ gìn các thứ cờ Tam-muội.

Có tam-muội Chư pháp dũng xuất, nhập Tam-muội này thì có thể dấy khởi tất cả các Tam-muội.

Có tam-muội Quán đảnh, nhập Tam-muội này thì có thể quan sát các đảnh Tam-muội.

Có tam-muội Tất pháp tánh, nhập Tam-muội này thì có thể quyết định rốt ráo các pháp tánh.

Có pháp tam-muội Tràng thắng, nhập Tam-muội này thì có thể giữ gìn các Tam-muội.

Có tam-muội Tràng kim cang, nhập Tam-muội này thì có thể phá trừ các pháp Tam-muội khác.

Có tam-muội Pháp ấn, nhập Tam-muội này thì có thể ấn chứng các pháp Tam-muội.

Có tam-muội Vương thiện trụ, nhập Tam-muội này thì có thể đối với các pháp Tam-muội như vua an trụ.

Có tam-muội Phóng quang, nhập Tam-muội này thì có thể phóng ra ánh sáng soi chiếu các Tam-muội.

Có tam-muội Lực tấn, nhập Tam-muội này thì có thể đối với các Tam-muội tăng tiến tự tại.

Có tam-muội Dũng xuất, nhập Tam-muội này thì có thể phóng ra các Tam-muội.

Có tam-muội Tất nhập ngôn từ, nhập Tam-muội này thì có thể biện thuyết về các pháp Tam-muội.

Có tam-muội Thích danh tự, nhập Tam-muội này thì có thể biện giải về danh hiệu của các Tam-muội.

Có tam-muội Quán phương, nhập Tam-muội này thì có thể quan sát phương nơi các Tam-muội.

Có tam-muội Phá chư pháp, nhập Tam-muội này thì có thể phá trừ tất cả các pháp.

Có tam-muội Trì ấn, nhập Tam-muội này thì có thể giữ gìn các ấn Tam-muội.

Có tam-muội Nhàn tịnh, nhập Tam-muội này thì có thể khiến tất cả các Tam-muội trở nên tịch tĩnh.

Có tam-muội Bất vong thất, nhập Tam-muội này thì không quên mất các Tam-muội.

Có tam-muội Bất động, nhập Tam-muội này thì có thể khiến cho tất cả các Tam-muội không loạn động.

Có tam-muội Hải ấn, nhập Tam-muội này thì có thể thâu tóm các Tam-muội như nước trong biển cả.

Có tam-muội Bất khinh chư pháp, nhập Tam-muội này thì có thể đạt đến các pháp Tam-muội không kinh, không diệt che phủ khắp các Tam-muội như hư không.

Có tam-muội Chư pháp vô đoạn, nhập Tam-muội này thì có thể giữ gìn các Tam-muội không để dứt mất.

Có tam-muội Kim cang luân, nhập Tam-muội này thì có thể duy trì các Tam-muội luân.

Có tam-muội Chư pháp nhất vị, nhập pháp Tam-muội này thì có thể giữ được tính chất một vị của các Tam-muội.

Có tam-muội xả bảo, nhập Tam-muội này thì có thể xả bỏ phiền não cấu uế nơi các Tam-muội.

Có tam-muội Chư pháp vô sinh, nhập Tam-muội này thì có thể hiện bày các pháp không sinh diệt.

Có tam-muội Hiển minh, nhập Tam-muội này thì có thể dùng ánh sáng chiếu soi các pháp Tam-muội.

Có tam-muội Chư pháp vô diệt, nhập Tam-muội này thì có thể phá bỏ các Tam-muội.

Có tam-muội Vô thị phi, nhập Tam-muội này thì trọn chẳng có nhận định thị phi đối với các Tam-muội.

Có tam-muội Vô trụ tướng, nhập Tam-muội này thì có thể nhận thấy tính chất không trụ nơi tướng của các Tam-muội.

Có tam-muội Hư không tướng, nhập Tam-muội này thì có thể thấy rõ các Tam-muội như hư không.

Có tam-muội Vô tâm, nhập vào Tam-muội này thì có thể xả bỏ tâm, tâm sổ pháp trong tất cả các Tam-muội.

Có tam-muội Sắc vô biên, nhập Tam-muội này thì có thể chiếu rọi màu sắc trong các Tam-muội.

Có tam-muội Vô cấu đăng, nhập Tam-muội này thì có thể làm đèn sáng trong các Tam-muội.

Có tam-muội Chư pháp vô biên, nhập nơi Tam-muội này thì có thể hiện bày tính chất vô biên trong các Tam-muội.

Có tam-muội Trí vô biên minh, nhập Tam-muội này thì có thể hiện rõ trí sáng vô biên trong các Tam-muội.

Có tam-muội Tác chư quang, nhập nơi Tam-muội này thì có thể hiện bày ánh sáng nơi các môn Tam-muội.

Có tam-muội Tánh vô biên, nhập Tam-muội này thì có thể hiện bày tính chất thông hợp vô biên của các Tam-muội.

Có tam-mưội Tịnh kiên, nhập Tam-muội này thì có thể đạt được định không đối với các Tam-muội.

Có tam-muội Khư di-lâu tạp, hội nhập Tam-muội này thì có thể hiện bày các pháp đều không.

Có tam-muội Vô cấu quang, nhập Tam-muội này thì có thể diệt trừ mọi cấu uế trong các Tam-muội.

Có tam-muội Chư pháp vô úy, nhập nơi Tam-muội này thì có thể đối với các Tam-muội không hề tham vướng.

Có tam-muội Tác lạc, nhập Tam-muội này thì đạt được niềm vui nơi pháp thật trong các Tam-muội.

Có tam-muội Du hý, nhập Tam-muội này thì có thể hiện bày màu sắc trong các Tam-muội.

Có tam-muội Tán minh, nhập Tam-muội này thì có thể hiện bày các pháp khó đạt nơi các Tam-muội.

Có tam-muội Vô cấu trước, nhập nơi Tam-muội này thì có thể hiện rõ trí tuệ không cấu uế nơi các Tam-muội.

Có tam-muội Tận tướng, nhập Tam-muội này thì có thể hiện bày các pháp vô tận, bất tận nơi các Tam-muội.

Có tam-muội Bất khả tư nghị thanh tịnh, nhập Tam-muội này thì có thể hiện các pháp như bóng hình.

Có tam-muội Hỏa tướng, nhập Tam-muội này thì có thể khiến trí tuệ tỏa sáng nơi các Tam-muội.

Có tam-muội Vô tận tướng, nhập Tam-muội này thì có thể hiện rõ tướng không cùng tận trong các Tam-muội.

Có tam-muội Vô tưởng, nhập Tam-muội này thì đối với các pháp dứt hẳn mọi tưởng, thọ, dao động.

Có tam-muội Tăng trưởng, nhập nơi Tam-muội này thì có thể thấy các Tam-muội luôn tăng trưởng lợi ích.

Có tam-muội Nhật đăng, nhập Tam-muội này thì ở nơi các Tam-muội luôn phóng ra ánh sáng.

Có tam-muội Nguyệt vô cấu, nhập Tam-muội này thì đối với các Tam-muội hay tạo ra sự sáng tỏ.

Có tam-muội Tịnh ảnh, nhập Tam-muội này thì đối với các Tam-muội luôn đạt được bốn Biện tài.

Có tam-muội Tác bất tác, nhập Tam-muội này thì đối với các pháp thấy được tướng trí tuệ tạo tác, chẳng tạo tác.

Có tam-muội Như kim cang, nhập Tam-muội này thì đối với các pháp khiến nhàm chán nhưng chẳng thấy nhàm chán.

Có tam-muội Tâm trụ, nhập Tam-muội này thì đối với các pháp tâm không động, không nhận biết, không soi chiếu, không phiền não, không sinh khởi.

Có tam-muội Phổ minh, nhập Tam-muội này thì có thể thấy ánh sáng khắp nơi các Tam-muội.

Có tam-muội An trụ, nhập Tam-muội này thì có thể an trụ bất động nơi các Tam-muội.

Có tam-muội Bảo tụ, nhập Tam-muội này thì có thể thấy các Tam-muội như sự tích tụ các vật báu.

Có tam-muội Diệu pháp ấn, nhập Tam-muội này thì có thể in đậm dấu ấn trong các Tam-muội.

Có tam-muội Đẳng, nhập Tam-muội này thì có thể thấy các pháp không lìa sự bình đẳng.

Có tam-muội xả hỷ lạc, nhập Tam-muội này thì có thể xả bỏ mọi hỷ lạc nơi các pháp.

Có tam-muội Pháp cự, nhập Tam-muội này thì có thể dứt trừ được tối tăm nơi các pháp.

Có tam-muội Tán tướng, nhập Tam-muội này thì có thể tỏa rộng các pháp, phá bỏ mọi chấp trước đối với các pháp.

Có tam-muội Tự tướng, nhập Tam-muội này thì có thể đạt được tướng chữ nơi các pháp.

Có tam-muội Vô tự tướng, nhập vào Tam-muội này thì đối với các pháp lìa hết mọi ngôn từ văn tự.

Có tam-muội Đoạn tác, nhập Tam-muội này thì có thể đoạn trừ mọi tạo tác trong các pháp.

Có tam-muội Vô tác, nhập Tam-muội này thì có thể đạt được sự vô tác nơi các pháp.

Có tam-muội Tánh định, nhập Tam-muội này thì có thể ở trong các pháp dứt mọi tư duy.

Có tam-muội Vô tướng hành, nhập Tam-muội này thì ở trong các pháp dứt hết mọi tướng hành.

Có tam-muội Vô mông muội, nhập Tam-muội này thì có thể thấy được các Tam-muội luôn bình đẳng.

Có tam-muội Trừ tập chư công đức, nhập nơi Tam-muội này thì có thể xả bỏ sự tích tập trong các pháp.

Có tam-muội Vô tâm, nhập Tam-muội này thì đối với các pháp không còn thấy có Tâm, Tâm sở.

Có tam-muội Giác phận, nhập Tam-muội này thì có thể biết rõ tất cả các pháp.

Có tam-muội Vô lượng biện, nhập Tam-muội này thì có thể đạt được a-tăng-kỳ biện tài nơi các pháp.

Có tam-muội Trí tịnh tướng, nhập Tam-muội thì đối với các pháp đạt được sự bình đẳng hay không bình đẳng.

Có tam-muội Trí thắng, nhập Tam-muội này thì có thể vượt qua ba cõi.

Có tam-muội Đoạn trí, nhập Tam-muội này thì có thể thấy các pháp được chấm dứt.

Có tam-muội Phân biệt chư pháp, nhập Tam-muội này thì có thể tạo lập sự phân biệt các pháp.

Có tam-muội Vô trụ, nhập Tam-muội này thì có thể thấy các pháp không có đối tượng được nương tựa.

Có tam-muội Nhất trang nghiêm, nhập Tam-muội này thì có thể thấy các pháp là không hai.

Có tam-muội Tác tướng, nhập Tam-muội này thì không còn thấy tướng tạo tác trong các Tam-muội.

Có tam-muội Nhất thiết tác nhất thiết xứ tán, hội nhập Tam-muội này thì có thể thông suốt tất cả các pháp, thấy rõ Tướng trí.

Có tam-muội Đẳng tướng từ nhập, thực hành pháp Tam-muội này thì có thể thấu tỏ âm thanh ngôn từ trong các tướng.

Có tam-muội Tự giải thoát, nhập Tam-muội này thì có thể thấy chữ trong các pháp đều là giải thoát.

Có tam-muội Trí cự tướng, nhập nơi Tam-muội này thì có thể dùng ánh sáng soi rọi các pháp Tam-muội.

Có tam-muội Diệu trí tướng phấn tấn, nhập Tam-muội này thì có thể hiện bày các tướng thanh tịnh nơi các pháp.

Có tam-muội Phá tướng, nhập Tam-muội này thì có thể thấy rõ sự phá trừ chân tướng nơi các pháp.

Có tam-muội Chư tác diệu tướng, nhập nơi Tam-muội này thì có thể đạt được các hình tướng vi diệu sinh khởi trong các pháp Tam- muội.

Có tam-muội Xả chư khổ lạc, nhập Tam-muội này thì có thể nhận thấy tính chất không chốn nương tựa nơi các pháp.

Có tam-muội Vô tận tướng, nhập Tam-muội này thì có thể nhận thấy các pháp là không cùng tận.

Có tam-muội Đà-la-ni cú, nhập nơi Tam-muội này thì có thể giữ gìn các pháp Tam-muội, đối với các pháp không thấy có tà chánh.

Có tam-muội Trừ nghịch thuận, hội nhập Tam-muội này thì ở trong các pháp không còn thấy nghịch thuận.

Có tam-muội Vô cấu quang, nhập Tam-muội này thì ở trong các Tam-muội không còn thấy sự cấu uế của các pháp Hữu vi.

Có tam-muội Tất kiên, nhập nơi Tam-muội này thì ở trong các pháp luôn có được sự bền vững.

Có tam-muội Mãn nguyệt tịnh, nhập vào Tam-muội thì có thể làm viên mãn công đức nơi các Tam-muội.

Có tam-muội Đại trang nghiêm, nhập Tam-muội này thì đối với các Tam-muội đều thành tựu vô lượng trang nghiêm.

Có tam-muội Nhất thiết thế quang, nhập Tam-muội này thì có thể dùng trí soi chiếu các pháp Tam-muội.

Có tam-muội Đẳng minh, nhập Tam-muội này thì có thể đạt được thanh tịnh bậc nhất trong các Tam-muội.

Có tam-muội Vô trang, nhập vào Tam-muội này thì có thể đối với các pháp dứt hết mọi sự không tranh cãi.

Có tam-muội Vô trụ xứ lạc, nhập nơi Tam-muội này thì có thể ở trong các pháp không còn thấy có trú xứ.

Có tam-muội Như trụ vô tâm, nhập Tam-muội này thì có thể ở trong các pháp luôn an trụ, không thoái chuyển.

Có tam-muội Trừ thân uế, nhập Tam-muội này thì có thể ở trong các pháp không còn chấp về. Bồ-tát đạt được pháp tam-muội Trừ ngữ uế hư không tướng thì có thể ở trong các pháp không còn bị chướng ngại nơi ngữ nghiệp. Bồ-tát trụ nơi tam-muội Hư không vô nhiễm trước thì có thể thành tựu được vô số các pháp như hư không đó gọi là Tam-muội quyết định của Bồ-tát cầu pháp Đại thừa.

Thế nào là pháp môn Tư dụng của Đại Bồ-tát? Này thiện nam tử, Đại Bồ-tát có Thí tư dụng thì đạt được sự khuyến hóa tăng tiến. Bồ-tát có Giới tư dụng thì viên mãn được các nguyện. Bồ-tát có Nhẫn tư dụng thì tâm luôn được điều phục. Bồ-tát có Tuệ tư dụng thì biết rõ được các thứ kết sử. Bồ-tát có được Văn tư dụng thì được vô số biện tài. Bồ-tát có Phước tư dụng thì có thể đem lại ích lợi cho chúng sinh. Bồ-tát có Trí tư dụng thì đạt được a-tăng-kỳ trí tuệ. Bồ-tát có Chỉ tư dụng thì đạt được tâm dứt mọi tạo tác. Bồ-tát có Quán tư dụng thì đạt được sự dứt hẳn thị phi. Bồ-tát có Từ tư dụng thì đạt được tâm không chướng ngại. Bồ-tát có Bi tư dụng thì hóa độ chúng sinh không hề chán nản. Bồ-tát có Hỷ tư dụng thì luôn ưa vui với đạo pháp. Bồ-tát có xả tư dụng thì xả bỏ được mọi sự yêu ghét. Bồ-tát có Thính pháp tư dụng thì xả bỏ được mọi nẻo che lấp ngăn trở. Bồ-tát có Xuất gia tư dụng thì có thể xả lìa mọi pháp hữu vi. Bồ-tát có Nhàn cư tư dụng thì không mất nghiệp lành đã tạo tác. Bồ-tát có Niệm tư dụng thì được các pháp Đà-la-ni. Bồ-tát có Ý tư dụng thì đạt được tâm ý cởi mở, phân biệt thấu đáo. Bồ-tát có Chí tư dụng thì đạt được sự thấu tỏ tận cùng về nghị luận. Bồ-tát có Niệm xứ tư dụng thì rõ được thân bất tịnh, thọ là khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã. Bồ-tát có Chánh xả tư dụng thì bỏ được các pháp bất thiện, tu các pháp thiện. Bồ-tát có Thần túc tư dụng thì thân tâm luôn khinh an, tự tại. Bồ-tát có Căn tư dụng đạt đầy đủ căn của tất cả chúng sinh. Bồ-tát có Lực tư dụng thì điều phục được tất cả các thứ kết sử. Bồ-tát có Giác phần tư dụng thì biết rõ được các pháp bảo. Bồ-tát có Chánh giải tư dụng thì giải thích được mọi nghi ngờ của chúng sinh. Bồ-tát có Vô y tư dụng thì đạt được trí tuệ tự nhiên (Trí căn bản). Bồ-tát có Thiện tri thức tư dụng thì đạt được tất cả các môn công đức. Bồ-tát có Chí tư dụng thì không hề xa lìa tất cả cảnh giới thế gian. Bồ-tát có Tác tư dụng thì biện giải được mọi sự tạo tác hành hóa. Bồ-tát có Chí tư dụng thì luôn đạt đến mọi sự thù thắng. Bồ-tát có Tư duy tư dụng thì có thể tu tập đầy đủ các pháp như đã được lãnh hội. Bồ-tát có Nhiếp vật tư dụng thì có thể khuyên tấn được chúng sinh luôn tăng tiến. Bồ-tát có Nhiếp chánh pháp tư dụng thì có thể khiến cho hạt giống Tam bảo không hề bị dứt tuyệt. Bồ-tát có Giải phương tiện hồi hướng tư dụng thì có thể làm nghiêm tịnh cõi Phật. Bồ-tát có phương tiện tư dụng thì có thể thành tựu viên mãn Nhất thiết trí. Này thiện nam tử, đó gọi là tên các pháp môn tư dụng thanh tịnh của Đại Bồ-tát.

Lại nữa này thiện nam tử, bấy giờ Đức Bảo Tạng Như Lai quan sát khắp đại chúng Bồ-tát, rồi nói với Bồ-tát Đại Bi:

-Này Đại Bi, ở trong các pháp môn kể trên, nên dùng pháp Vô úy nào để trang nghiêm? Đại Bồ-tát được trang nghiêm đầy đủ các pháp nhẫn, thì luôn quán chiếu về đệ nhất nghĩa. Đại Bồ-tát đạt được tâm tự tại vô ngại, thì tạo tác các pháp vô vi nơi tất cả ba cõi. Đối với tâm của các chúng sinh cũng vô vi. Đó là pháp tam-muội Vô úy của Sa-môn như đưa tay giữa hư không chẳng bị vướng mắc, lại thấy rõ các pháp không có tướng trạng. Này Đại Bi, đó gọi là Đại Bồ-tát trang nghiêm bằng ngọc báu Vô úy. Lại nữa, thế nào gọi là Đại Bồ-tát đầy đủ pháp nhẫn. Khi Bồ-tát trụ vào pháp này thấy được tướng trạng của các pháp như vi trần và quan sát các pháp theo hướng thuận nghịch, hiểu rõ không có quả báo. Tu tập về Từ không có ngã. Tu tập về Bi không có chúng sinh. Tu tập về Hỷ không có thọ mạng. Tu tập về xả không còn chấp có người. Bố thí là tâm điều phục. Trì giới là tâm tịch tĩnh.         Nhẫn nhục là tâm hành thiện. Tinh tấn là tâm siêng năng. Thiền định là tâm tịch diệt. Trí tuệ là tâm vô hành. Niệm xứ là tâm không nhớ tưởng nghĩ ngợi. Chánh xả là tâm không sinh diệt. Thần túc là tâm vô lường. Tín là tâm vô số. Niệm là tâm tự nhiên. Tam-muội là tâm nơi Tam-muội. Tuệ căn là tâm không có gốc. Lực là tâm không khuất phục. Giác phần là tâm phá bỏ vọng ý. Đạo là tâm không tu. Chỉ là tâm vắng lặng. Quán là tâm không mất. Tu Thánh đế là tâm vĩnh viễn đoạn trừ mọi chấp về sự tu trì. Nhớ nghĩ Phật là tâm vô lượng tướng. Nhớ nghĩ Pháp là tâm của pháp tánh bình đẳng. Nhớ nghĩ Tăng là tâm vô trụ. Hóa độ chúng sinh là tâm tịnh thế giới bậc. Nhiếp chánh pháp là tâm không phá bỏ pháp tánh. Nghiêm tịnh cõi Phật là tâm ngang bằng với hư không. Mãn tướng là tâm vô tướng. Đắc nhẫn là tâm vô đắc. Vô thoái chuyển địa là tâm không thoái, không lui. Trang nghiêm là tâm đạt đến chốn đạo tràng. Tam giới là tâm mở rộng mênh mông. Đối với tất cả chúng sinh là tâm hàng phục các thứ ma chướng. Nhiếp độ là tâm giáo hóa tất cả chúng sinh. Bồ-đề là tâm bình đẳng đối với tất cả các pháp không còn phân biệt. Chuyển pháp luân là tâm đối với tất cả các pháp không còn thấy lưu chuyển. Hiện Đại Bát-niết-bàn là tâm thật sự bình đẳng nơi sinh tử Bồ-tát như vậy được gọi là đầy đủ pháp nhẫn.

Khi thuyết giảng pháp này, có sáu mươi bốn ức Đại Bồ-tát từ khắp mười phương đến núi Kỳ-xà-quật, chỗ Đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai để được nghe kinh Bản Sư Tam-muội Thanh Tịnh Trợ Bồ-đề Pháp này. Nghe xong, tất cả đều đạt được pháp nhẫn Vô sinh. Lúc này, Đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai bảo đại chung:

-Này các thiện nam tử, trong đời quá khứ, khi Đức Bảo Tạng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, thuyết giảng pháp này, có bốn mươi tám hằng hà sa số Đại Bồ-tát chứng đắc pháp nhẫn Vô sinh, các vị Đại Bồ-tát nhiều như vi trần trong bốn châu thiên hạ đạt được quả vị Bất thoái chuyển, hằng hà sa số Đại Bồ-tát có được đầy đủ pháp môn Tư dụng thanh tịnh, Quyết định Tam-muội môn, Trí tuệ viên mãn.

Này thiện nam tử, Bồ-tát Đại Bi nghe pháp này xong, tâm vô cùng hoan hỷ, nên thân tướng liền thay đổi trẻ lại như đồng tử hai mươi tuổi, theo bên sau Đức Bảo Tạng Như Lai như hình với bóng.

Này thiện nam tử, khi ấy vua Vô Lượng Tịnh cùng với một ngàn người con, tám mươi bốn ngàn các tiểu vương và chín mươi hai ức chúng sinh đều xuất gia tu hành, phụng trì giới cấm, học hỏi tu thiền.

Thiện nam tử, bấy giờ Đại Bồ-tát Đại Bi ở nơi chỗ Đức Bảo Tạng Như Lai, dần dần đọc tụng tám mươi bốn ngàn pháp tụ của Thanh văn thừa, đọc tụng chín vạn pháp tụ của Bích-chi-phật thừa, trăm ngàn pháp tụ về Đại thừa vô thượng, gồm một trăm ngàn pháp tụ trong Thân niệm xứ, một trăm ngàn pháp tụ trong Thọ niệm xứ, một trăm ngàn pháp tụ trong Tâm niệm xứ, một trăm ngàn pháp tụ trong Pháp niệm xứ, một trăm ngàn pháp tụ trong mười tám giới, một trăm ngàn pháp tụ trong mười hai nhập, một trăm ngàn pháp tụ đoạn trừ tham dục, một trăm ngàn pháp tụ đoạn trừ sân hận, một trăm ngàn pháp tự đoạn trừ ngu si thấy rõ nhân duyên sinh, một trăm ngàn pháp tụ Tam-muội giải thoát, một trăm ngàn pháp tụ về lực Vô úy pháp Phật bất cộng. Tất cả các pháp như thế, Bồ-tát Đại Bi đều đọc tụng thông suốt.

Thiện nam tử, sau khi Đức Bảo Tạng Như Lai nhập Niết-bàn, bấy giờ Đại Bồ-tát Đại Bi dùng vô lượng vô số các thứ hoa, tràng hoa, hương bột, cờ phướn, lọng báu, châu ngọc, âm nhạc để cúng dường, chất vô số loại củi thơm làm giàn hỏa táng, trà-tỳ nhục thân Đức Như Lai, thu xá-lợi, dựng tháp bảy báu cao năm do-tuần, chiều ngang dọc đều bằng nữa do-tuần, trong bảy ngày, đem vô lượng vô số hương hoa, âm nhạc, cờ phướn, lọng báu cung kính cúng dường khiến cho vô lượng vô biên chúng sinh an trụ nơi pháp của Ba thừa. Qua hết bảy ngày, Bồ-tát Đại Bi cùng với tám mươi bốn ngàn người đồng xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, kiên trì theo đúng chánh pháp. Từ đó trở đi Bồ-tát Đại Bi dốc tâm hộ trì Chánh pháp, làm cho đạo pháp được hưng hiển trong suốt mười ngàn năm, lại khuyến hóa được vô lượng vô số chúng sinh tu tập theo pháp của Ba thừa, thọ Ba quy y, thọ Năm giới, Tám trai giới, Mười giới Sa-di, tuần tự cho đến đầy đủ Pháp giới và Phạm hạnh của hàng Tỳ-kheo. Lại còn khiến cho hàng ức na-do-tha trăm ngàn chúng sinh tu tập bốn Hạnh vô lượng thần thông diệu dụng, quán sát năm ấm như giải thù, quán các nhập như xóm làng hoang vắng, quán các pháp hữu vi do nhân duyên sinh, giúp chúng sinh đạt được trí kiến, xem tất cả các pháp hiện có là vô ngã, như bóng phản chiếu trong gương, như dợn nắng, như trăng trong nước, là không sinh, không diệt, Niết-bàn là pháp vi diệu tịch tĩnh đệ nhất. Cũng khiến cho vô số chúng sinh an trụ nơi tám Thánh đạo. Sau khi hoàn thành các Phật sự tạo được lợi ích lớn như vậy xong, Sa-môn Đại Bi viên tịch. Bấy giờ, có vô lượng vô biên chúng sinh đem vô số vật cúng dường để cúng dường xá-lợi của Tỳ-kheo Đại bi, như pháp cúng dường xá-lợi của bậc Chuyển luân thánh vương. Trong ngày Tỳ-kheo Đại Bi mạng chung, cũng là ngày chánh pháp của Đức Bảo Tạng Như Lai bị diệt hết. Các Đại Bồ-tát khác đều theo sở nguyện của mình nên sinh đến các cảnh giới khác, như cảnh giới Phật, cõi trời Đâu-suất, sinh trong loài người, loài Rồng, Dạ-xoa, A-tu-la, hoặc sinh vào các loài súc sinh.