SỐ 222
KINH QUANG TÁN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8

Phẩm 20: VÔ KHỨ LAI

Bấy giờ Hiền giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Cái gọi là Đại thừa đó là ý nghĩa hướng đến của Đại thừa. Ở trên cõi trời, trong cõi người thế gian nó là tôn quý hơn hết, không ai là không quy ngưỡng thừa và không bình đẳng. Thí như hư không dung chứa, che chở vô lượng, vô số người, không ai là không được che chở.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Đại thừa cũng giống như vậy, Đại Bồ-tát che chở vô số người chẳng thể tính đếm, đều nhờ đó mà được độ. Đại thừa là khi đến chẳng thấy, lúc đi chẳng hay, chẳng thấy ở đâu.

Bạch Đức Thiên Trung Thiên! Như thế Đại thừa là chẳng thấy ở quá khứ, vị lai, hiện tại, cũng không thấy ở trung gian, cũng không sở đắc. Tên của nó ngang bằng ba cõi, cho nên gọi là thừa và vì vậy cho nên là Đại thừa.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy! Cái gọi là Đại thừa đó là sáu pháp Ba-la-mật: Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tinh tấn bala-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật của Đại Bồ-tát.

Này Tu-bồ-đề! Đó là Đại thừa của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại thừa của Đại Bồ-tát đó là tất cả các môn Đà-la-ni, các môn Tam-muội, Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm, Tam-muội không đẳng, Tam-muội Giải thoát, Tam-muội Vô trước, Tam-muội Tịch tĩnh. Đó là Đại thừa của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại thừa của Đại Bồ-tát là hiểu rõ bảy không, ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật. Đó là Đại thừa của Đại Bồ-tát.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Nói là Đại thừa là vì trên cõi trời và dưới chốn nhân gian, nó là tối thượng không ai là không quy ngưỡng.

Này Tu-bồ-đề! Ví như cõi Dục vốn không nhưng không vốn không, nó là pháp bình đẳng không có khác, chẳng thể phân biệt, không có điên đảo, thành thật tự nhiên, lâu dài vững chắc, không có phân ly, không hợp, không tan, chưa từng có mặt. Đó là Đại thừa, trên cõi trời, dưới nhân gian không ai là không quy ngưỡng.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử khi tiếp tận thiêu đốt, Bồ-tát sẽ thị hiện giáo hóa tất cả, khiến biết vô thường, không có dài lâu, không vững chắc, đều không sở hữu. Vì vậy, Đại thừa, ở trên cõi trời, dưới chốn nhân gian, là tôn quý không ai là không quy ngưỡng.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Cõi Dục cũng như thế, như nhau không có khác, là pháp không có điên đảo, thành thật tự nhiên, lâu dài vững chắc, không có biệt ly, không có nhân duyên, không sở hữu, không bao giờ sở hữu. Đó là Đại thừa, trên cõi trời, dưới nhân gian, là tôn quý hơn hết.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử, cõi Dục có tưởng thì là vô thường, điên đảo, hiện bị phá hoại, tất cả đều là pháp vô thường, không có lâu dài, chẳng thể vững chắc, biệt ly, không sở hữu.

Này Tu-bồ-đề! Vì vậy, Đại thừa ở cõi trời, chốn nhân gian đối với cõi Vô sắc cũng giống như thế.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử các sắc vốn không, đều không sở hữu, cũng giống như thế, như nhau không sai khác là pháp không có điên đảo, thành thật tự nhiên, lâu dài vững chắc, không biệt ly. Nó không có, chẳng thể làm cho có. Đó là Đại thừa, trên cõi trời, dưới nhân gian, nó là tôn quý hơn hết.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử đối với sắc có niệm tưởng nên đáng lẽ thanh tịnh thì lại bị điên đảo, khiến cho đầy dẫy, đều là pháp vô thường, không có dài lâu, chẳng được vững chắc, biệt ly, không sở hữu. Vì vậy, đối với Đại thừa, sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng giống như thế. Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý như nhau không có khác. Nhãn sắc thức, nhĩ thanh thức, tỷ hương thức, thiệt vị thức, thân xúc thức, ý pháp thức như nhau không khác, đều không sở hữu, có thể phân biệt, chí thành, chân thật. Nếu chấp có thường, lâu dài bền vững thì chẳng phải là Đại thừa vì tập theo sáu việc, tâm có tưởng niệm, nhân duyên tạo tác, mê hoặc cầu nhiều, để tự no đủ. Tất cả pháp ấy đều vô thường, không có tồn tại lâu dài, chẳng thể vững chắc. Vì vậy, trên cõi trời, dưới nhân gian, Đại thừa là tôn quý hơn hết.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử sở hữu của pháp giới đều không sở hữu thì đó là Đại thừa, trên cõi trời, dưới nhân gian, nó là tôn quý hơn hết, vững chắc không có chỗ sinh.

Này Tu-bồ-đề! Như sở hữu của pháp giới đều không sở hữu, hành không sở hữu. Vì vậy, trên cõi trời, dưới nhân gian, Đại thừa là tôn quý hơn hết.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử sở hữu hiện có của Như Lai đều không sở hữu, cái sở hữu của cảnh giới chân bản tế chẳng thể nghĩ bàn ấy đều không sở hữu, thì đó là Đại thừa. Trên cõi trời, dưới nhân gian, nó là tôn quý hơn hết.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử cái sở hữu của các cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn đều không sở hữu thì đó là Đại thừa. Trên cõi trời, dưới nhân gian, nó là tôn quý hơn hết.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử sở hữu của sáu pháp Ba-la-mật đều không sở hữu, cũng lại không không, thì đó là Đại thừa.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử pháp nội không chẳng có, chẳng không, tự nhiên, rỗng không, chẳng có, chẳng không, thì đó là Đại thừa.

Này Tu-bồ-đề! Vì vậy, pháp nội không ấy tự nhiên không có, có rồi không, chẳng có, chẳng không, cho nên gọi là Đại thừa.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử ba mươi bảy phẩm, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật chẳng có, chẳng không, cũng chẳng không không, thì đó là Đại thừa.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử pháp chủng tánh ấy chẳng có chẳng không, vì pháp chủng tánh chẳng có chẳng không, cũng chẳng không không, thì đó là Đại thừa.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử pháp Bát đẳng ấy chẳng có chẳng không, pháp Tu-đà-hoàn, pháp Tư-đà-hàm, pháp A-na-hàm, pháp A-la-hán, pháp Bích-chi-phật, pháp chư Phật chẳng có, chẳng không, vì chẳng có chẳng không, cũng chẳng không không, thì đó là Đại thừa.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử pháp Bát đẳng ấy và chư Phật chẳng có, chẳng không, cũng chẳng không không, thì đó là Đại thừa.

Này Tu-bồ-đề! Vì các chủng tánh chẳng có chẳng không, cũng chẳng không không, vì các Bát đẳng chẳng có chẳng không, cũng chẳng không không. Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, cho đến Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng có chẳng không, cũng chẳng không không, cho nên đó là Đại thừa.

Này Tu-bồ-đề! Vì muốn biết các Bát đẳng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng có chẳng không, cũng chẳng không không cho nên gọi là Đại thừa.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử chư Thiên, loài người, A-tu-luân trong thế gian chẳng có chẳng không, cũng chẳng không không, vì chư Thiên, loài người, A-tu-luân trong thế gian chẳng có, chẳng không, cũng chẳng không không cho nên là Đại thừa.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử Đại Bồ-tát từ khi mới phát ý cho đến khi ngồi gốc Bồ-đề tại đạo tràng, trong khoảng trung gian phát tâm chẳng có, chẳng không, cũng chẳng không không thì, này Tu-bồ-đề, đó là Đại thừa.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử Đại Bồ-tát trí tuệ giống như kim cương chẳng có, chẳng không, cũng chẳng không không, thì đó là Đại Bồtát hiểu rõ, thấy rõ tất cả các chướng ngại và các trần lao, đắc trí Nhất thiết.

Này Tu-bồ-đề! Vì Đại Bồ-tát rõ các chướng ngại, tất cả trần lao đều không có sở hữu nên đắc trí Nhất thiết, cho nên gọi là Đại thừa.

Này Tu-bồ-đề! Giả sử Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, ba mươi hai tướng đại nhân của Ngài chẳng có, chẳng không không, cũng chẳng không không, vì vậy cho nên Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, ở trên cõi trời, dưới chốn nhân gian, là bậc Tôn quý hơn hết, oai thần thánh đức, ánh sáng vi diệu, không đâu là không chiếu đến, không có gì sánh bằng. Vì vậy Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác oai thần rạng rỡ, Thánh đức quang minh chiếu hằng hà sa thế giới chư Phật ở mười phương và chư Thiên trên cõi trời, loài người chốn nhân gian, các A-tu-luân, ánh sáng đều soi khắp, vì chẳng có, chẳng không, cũng chẳng không không, cho nên Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ánh sáng chiếu hằng hà sa thế giới mười phương.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có tám bộ âm thanh chẳng có, chẳng không, cũng chẳng không không, vì vậy cho nên âm thanh của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác truyền khắp vô số vô lượng thế giới trong mười phương. Tám bộ âm thanh của Như Lai chẳng có, chẳng không, cũng chẳng không không, cho nên có tám loại âm thanh truyền khắp vô lượng thế giới chẳng thể tính đếm được trong mười phương.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Sự chuyển pháp luân của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng có, chẳng không, cũng chẳng không không, đó là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chuyển pháp luân. Samôn, Bà la môn, các chúng Phạm thiên, trên cõi trời, dưới chốn nhân gian không ai có thể làm được, đều khiến đúng như pháp, đều đúng căn cơ. Vì vậy, Như Lai chuyển pháp luân, Sa-môn, Bà-lamôn trên cõi trời, con người dưới chốn nhân gian không ai có thể làm được.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Tất cả chúng sinh chẳng có, chẳng không, cũng chẳng không không, vì vậy Như Lai thường chuyển pháp luân, khiến cho các chúng sinh chẳng đạt đến cảnh giới Niết-bàn vô dư.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Các chúng sinh này chẳng có, chẳng không, cũng chẳng không không. Rõ như thế rồi, Như Lai chuyển pháp luân, vì vậy chúng sinh đạt đến cảnh giới vô dư, ở cảnh giới Niết-bàn mà nhập Niết-bàn.