SỐ 222
KINH QUANG TÁN
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 7
Phẩm 18: THẬP TRỤ
Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Như ông đã hỏi, sao gọi Đại Bồ-tát là Đại thừa không thoái chuyển? Này Tu-bồ-đề! Như thế, Đại Bồ-tát hành sáu pháp Ba-lamật nhập đạo địa. Thế nào là Bồ-tát nhập đạo địa? Nhập vào tất cả các pháp không từ đâu đến cũng chẳng đi đâu, không đi, cũng không hoại, tất cả các pháp, chẳng thể biết nơi chốn, cũng không tưởng niệm. Hành mười đạo địa mà chẳng thấy đạo địa.
Sao gọi là Bồ-tát hành mười đạo địa? Đại Bồ-tát ấy hành trụ thứ nhất nên hành mười việc. Những gì là mười? Tu sửa tâm tánh chẳng bị điên đảo; tu sửa lòng thương trừ bỏ các tưởng; tâm bình đẳng đối với chúng sinh chẳng thủ đắc chúng sinh; hành việc bố thí, người nhận không khác; kính Thiện tri thức không có khinh mạn; cầu pháp là sự nghiệp nhưng không thủ đắc; ân cần xuất gia tu học mà không luyến mộ; cầu thân Phật không tưởng tướng hảo; mở mang pháp sự cho chúng sinh mà không mong cầu; dứt bỏ cao ngạo đối với các pháp không chấp trước, lời nói chí thành của miệng là nghiệp.
Này Tu-bồ-đề! Đó là mười việc của Đại Bồ-tát hành đạo địa thứ nhất.
Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ hai nên hành tám pháp. Những gì là tám? Giới thanh tịnh, luôn luôn tri ân và báo ân, an trụ nhẫn nhục, thường lành hoan hỷ, chẳng bỏ chúng sinh, siêng hành đại Từ bi, nghe theo lời dạy bảo của người trên, xem người xuất gia như là Thế Tôn, hành ba-la-mật tìm cầu phương tiện thiện xảo. Đó là tám việc.
Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ ba nên hành năm pháp. Những gì là năm? Học hỏi nhiều không chán, chẳng chấp trước văn tự, khai mở pháp thí, không tưởng y phục, làm thanh tịnh cõi Phật, khuyên làm các công đức, cũng không mong cầu. Đó là năm việc.
Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ tư nên hành mười pháp, không bao giờ bỏ. Những gì là mười? Chẳng bỏ chỗ thanh vắng, tâm ít tham cầu, biết đủ, chẳng rời thiền tọa, chẳng hủy cấm giới, nhàm chán chẳng thọ dục, chẳng diệt độ, tất cả sở hữu, bố thí không tiếc, chẳng khiếp nhược, không ham muốn các sở hữu. Đó là mười.
Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ năm nên bỏ tám việc. Những gì là tám? Vứt bỏ nhà cửa, xả Tỳ-kheo-ni, xả bỏ dòng họ, chẳng tham công đức, bỏ ngủ nghỉ, lìa tranh cãi sân si, chẳng tự khen mình, chẳng chê bai người. Đó là tám việc.
Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ sáu nên đủ sáu pháp. Những gì là sáu? Đó là sáu pháp Ba-la-mật, chẳng làm sáu pháp: chẳng cầu Thanh văn, không tưởng Duyên giác, chẳng nghĩ việc nhỏ, thấy người nghèo xin, tâm diện hòa vui, có cho vật gì thì không lo rầu tâm không hối tiếc. Đó là sáu pháp.
Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ bảy nên lìa hai mươi pháp. Những gì là hai mươi? Không thọ nhận, không tôi ta, chẳng chấp nhận, chẳng có mạng, chẳng nghĩ tuổi thọ, chẳng nghĩ thường, chẳng chấp đoạn diệt, không có các tưởng chấp trước, lìa kiến chấp nhân duyên, chẳng dựa vào các ấm, chẳng mộ các chủng, xả bỏ các chủng, không tưởng ba cõi, chẳng chấp trước Phật, chẳng chấp trước pháp, chẳng chấp trước Thánh chúng, hộ cấm giới, bỏ kiến chấp, chẳng dựa vào niệm không, bỏ các tà kiến, không có nhiễm ô. Đó là hai mươi pháp. Lại nên đầy đủ hai mươi pháp sự. Những gì là hai mươi? Hiểu rõ không, chẳng chứng vô tướng, biết không sở nguyện, thanh tịnh ba nghiệp, thương xót chúng sinh, chẳng thấy chúng sinh, không có khinh mạn, bình đẳng quán các pháp, hiểu thấu pháp nghĩa, không có phân biệt, hiểu rõ chân chánh, cũng không chấp trước, đạt vô sinh nhẫn, giảng thuyết nhất phẩm, diệt trừ các tưởng, vứt bỏ trần lao, vắng lặng lìa tà, tâm ý điều hòa định tĩnh, không rời trí tuệ, không có vội vã. Đó là hai mươi.
Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ tám nên đầy đủ bốn pháp. Những gì là bốn? Nhập vào tâm chúng sinh, dùng thần thông tự vui; hiện ở các cõi Phật, tùy theo chỗ mà quán sát; thành tựu đầy đủ cõi nước của mình; đảnh lễ chư Phật, dùng chân đế quán thân chư Phật. Đó là bốn pháp.
Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ chín nên đầy đủ bốn pháp. Những gì là bốn? Hiểu rõ các căn, thành tựu cõi Phật, ân cần tu theo Tam-muội huyễn, tùy thuận hóa độ chúng sinh, khiến cho việc tạo gốc đức của họ đạt đến thuần thục, vì chúng sinh thị hiện đủ loại thân để nói đạo nghĩa. Đó là bốn.
Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát hành trụ thứ mười nên đầy đủ mười hai việc. Những gì là mười hai? Vì vô lượng nơi chốn mà thiết lập sự ủng hộ, theo ý nguyện của số đông, đều làm cho thỏa mãn, những điều đã nói ra, chư Thiên, Long thần, Kiền-đạp-hòa, A-tuluân, Ca-lầu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc nghe âm thanh ấy đều hiểu rõ biện tài như thế, thì các việc bào thai, dòng họ tôn quý, chỗ sinh ra, quyến thuộc, cõi nước, bỏ nước, bỏ nhà, đi đến cây Bồ-đề thanh tịnh hoàn toàn, tất cả danh đức đều đầy đủ. Đó là mười hai.
Lại nữa, Tu-bồ-đề! Trụ thứ mười của Đại Bồ-tát tức là Phật.
NgàiTu-bồ-đề bạch Phật:
–Sao gọi là Đại Bồ-tát tu theo chí tánh?
Đức Phật dạy:
–Đối với việc gầy dựng gốc đức, tâm đều khuyến trợ trí Nhất thiết.
Sao gọi là tâm bình đẳng của Bồ-tát? Với tâm trí Nhất thiết, thật hành bốn Đẳng tâm Từ, Bi, Hỷ, Hộ (xả).
Sao gọi Bồ-tát là sự nghiệp bố thí? Vì bố thí cho tất cả mà không tưởng nghĩ. Sao gọi Bồ-tát kết Thiện tri thức? Vì khuyến hóa tất cả, khiến lập chánh đạo, lễ phép thăm hỏi, tin tưởng, cung kính bậc Tôn trưởng.
Sao gọi là Bồ-tát cầu pháp đầy đủ? Vì đối với các việc cầu
pháp, tâm thường đặt ở trí Nhất thiết, không rơi vào địa Thanh văn, Bích-chi-phật.
Sao gọi là Bồ-tát ân cần xuất gia? Vì đối với nơi chốn sinh ra, đời đời bỏ nghiệp, không bị hủy hoại, theo lời dạy của Như Lai, vị ấy xuất gia tu hạnh vô thượng.
Sao gọi là Bồ-tát theo yêu cầu thân Phật? Vì nếu thấy thân Phật tâm vị ấy chưa từng rời Phật, khi ấy mới đạt đến trí Nhất thiết.
Sao gọi là Bồ-tát khai mở các pháp? Giả sử hiện tại thấy Phật nhập Niết-bàn, Bồ-tát vì chúng sinh giảng nói kinh pháp, lời đầu cũng thiện, lời giữa cũng thiện và lời cuối cũng thiện, ý nghĩa hoàn bị vi diệu, đầy đủ hạnh thanh tịnh, đủ cả mười hai bộ loại: Kinh Văn, kinh Đức, kinh Thính, kinh Phân biệt, kinh Thị hiện, kinh Thí dụ, kinh Sở thuyết, kinh Sở sinh, kinh Phương đẳng, kinh Vị tằng hữu, kinh Chương cú, kinh Sở hành, đó là mười hai bộ loại kinh điển khai mở các pháp của Bồ-tát.
Sao gọi là Bồ-tát dứt bỏ tâm kiêu mạn? Chưa từng ôm lòng tự đại, không bao giờ sinh vào nhà dòng họ thấp kém.
Sao gọi là lời nói của Bồ-tát chí thành? Nếu đã nói ra thì lời nói và hành động tương xứng. Đức Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Đó là Đại Bồ-tát hành địa thứ nhất mà phụng hành mười việc.
Ngài Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Sao gọi là Bồ-tát giới phẩm thanh tịnh?
Đức Phật dạy:
–Tâm chẳng nghĩ cầu thừa Thanh văn, Bích-chi-phật, cũng chẳng chê bai các Bồ-tát. Nếu có người phạm giới thì khuyến dụ khiến không đọa lạc.
Sao gọi Bồ-tát là người luôn luôn biết tri ân và báo ân? Giả sử khi Bồ-tát hành đạo Bồ-tát đối với người bố thí ít còn chẳng quên, huống gì đối với người bố thí nhiều.
Sao gọi là Bồ-tát trụ Nhẫn lực? Đối với chúng sinh thường không có tâm loạn động, không ôm lòng làm hại.
Sao gọi là Bồ-tát tâm sắc hòa vui? Nghĩ việc giáo hóa chúng sinh không trái chánh hạnh.
Sao gọi là Bồ-tát không bỏ chúng sinh? Luôn luôn cứu giúp, hộ trì tất cả mọi người.
Sao gọi là Bồ-tát gần đại Bi? Giả sử khi Bồ-tát hành đạo, tâm tự nghĩ, vì thấy tất cả mọi người trong hằng hà sa số kiếp ở tại địa ngục, bị tra khảo, thiêu nấu, nên không bao giờ ta giải đãi, nên khiến cho họ thành tựu Phật thừa để được diệt độ. Đối với tất cả các loài chúng sinh cũng như thế, tâm Bồ-tát cũng tự khuyến khích vi diệu như thế.
Sao gọi là Bồ-tát tiếp nhận sự dạy bảo của bậc Tôn trưởng? Thầy người xuất gia hoặc thầy mình thì xem họ như là Phật.
Sao gọi là Bồ-tát cầu Ba-la-mật? Đó là Bồ-tát không nghĩ việc khác, không nghĩ pháp khác, không khinh mạn, chỉ cầu giải thoát.
Sao gọi là Bồ-tát nghe rộng không chán? Những lời mà chư Phật Thiên Trung Thiên đã giảng nói và những điều mà từ miệng chư Phật mười phương đã diễn nói, Bồ-tát đều tuân phụng thọ trì.
Sao gọi là Bồ-tát nói pháp thí không tưởng áo cơm? Vì đối với pháp thí này mà tâm niệm như thế thì chẳng nghĩ đến Phật đạo.
Sao gọi là Bồ-tát làm thanh tịnh cõi Phật? Vì Bồ-tát trồng cội phúc đức đều dùng để khuyến khích trợ giúp làm nghiêm tịnh cõi Phật.
Sao gọi là Bồ-tát chẳng ngán sinh tử? Vì luôn muốn đầy đủ tất cả công đức, thành tựu gốc lành, khai hóa chúng sinh, làm tịnh cõi Phật, chưa từng mệt mỏi, cho đến khi làm cho đầy đủ trí Nhất thiết.
Sao gọi là Bồ-tát biết xấu hổ? Vì luôn không có tâm Thanh văn, Bích-chi-phật.
Sao gọi là Bồ-tát chẳng bỏ nơi thanh vắng? Vì không nhập vào địa Thanh văn, Bích-chi-phật.
Sao gọi là Bồ-tát chí ít tham cầu? Vì hành đạo Bồ-tát không tham cầu gì, chí tại Phật đạo.
Sao gọi là Bồ-tát biết đủ? Vì để thành tựu trí Nhất thiết.
Sao gọi là Bồ-tát chẳng bỏ tiết hạn? Vì luôn phân biệt hiểu pháp sâu sắc.
Sao gọi là Bồ-tát không bỏ học giới? Vì việc trì cấm giới chẳng buông thả.
Sao gọi là Bồ-tát nhàm chán chẳng thọ dục? Vì tâm Bồ-tát chưa từng khởi tham dục.
Sao gọi là Bồ-tát tâm chẳng diệt độ? Vì đối với tất cả pháp tâm không chuyển động.
Sao gọi là Bồ-tát sở hữu tất cả? Vì luôn dùng bố thí giúp đỡ tất cả, không tham các pháp trong, ngoài.
Sao gọi là Bồ-tát chí không khiếp nhược? Vì chưa từng phát tâm Nhị thừa.
Sao gọi là Bồ-tát quán các sở hữu mà không tham? Vì đối với vạn vật không tưởng nghĩ.
Sao gọi là Bồ-tát bỏ nước bỏ nhà? Vì từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, sinh ra ở chỗ nào cũng cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, hiện làm Sa-môn.
Sao gọi là Bồ-tát lánh xa Tỳ-kheo-ni? Dù trong khoảnh khắc cũng chẳng cùng họ làm việc. Đối với họ nếu có duyên sự, tâm không móng khởi.
Sao gọi là Bồ-tát từ bỏ dòng họ? Vì Bồ-tát thường nghĩ làm cho chúng sinh ở chỗ an ổn để tự nhiên an, nếu có ai thấy cũng không khởi tâm ganh ghét.
Sao gọi là Bồ-tát vứt bỏ các tham và sự ngủ nghỉ? Giả sử Bồtát ở trong hội chúng mà có người khởi tâm Thanh văn, Bích-chiphật thì chẳng nên làm việc với họ.
Sao gọi là Bồ-tát lìa sân hận? Vì chẳng theo tâm sân hận nguy hại, không có ý đấu tranh, không có kiện tụng.
Sao gọi là Bồ-tát chẳng tự khen mình? Vì chẳng thấy nội pháp có đối tượng quán chiếu.
Sao gọi là Bồ-tát không chê bai người khác? Vì đối với tất cả ngoại pháp, không thấy có.
Sao gọi là Bồ-tát vứt bỏ mười ác? Vì làm theo đạo Hiền thánh, là hạnh cao thượng làm thanh tịnh thân, khẩu, ý.
Sao gọi là Bồ-tát vứt bỏ khinh mạn? Vì việc làm như thế chẳng thấy các pháp có kiêu mạn.
Sao gọi là Bồ-tát vứt bỏ tự đại? Vì việc làm chẳng thấy hình mạo và sở hữu.
Sao gọi là Bồ-tát lìa điên đảo? Vì quán sát các sở hữu chẳng thể nắm bắt được.
Sao gọi là Bồ-tát bỏ dâm, nộ, si? Vì vĩnh viễn chẳng nhìn thấy sự tồn tại của dâm, nộ, si, cấu uế.
Sao gọi là Bồ-tát đầy đủ sáu pháp? Vì địa thứ sáu thì phải đầy đủ sáu pháp.
Sao gọi là sáu? Đó là sáu pháp Ba-la-mật nên đầy đủ.
Sao gọi là đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật? Vì trụ sáu pháp Ba-lamật thì có thể siêu việt Thanh văn, Bích-chi-phật.
Sao gọi là Bồ-tát không khởi tâm Thanh văn, Bích-chi-phật? Vì những hạnh này chẳng xứng là đạo, người hành Tiểu thừa chẳng thuận Phật đạo, nếu họ thấy người cầu xin thì lòng khiếp nhược. Người hành Bồ-tát nên có tâm xả ly, không lo lắng. Vì sao? Vì những hạnh này là chẳng ăn nhập với đạo. Từ khi mới phát tâm thường hành bố thí, tâm chẳng quên xả. Vì sao? Vì Bồ-tát chẳng tự tham thân, vì vậy suy tìm gốc ngọn không có tôi ta, xét về nhân, thọ mạng cũng lại như thế. Vì sao? Vì tâm quán sát kỹ không có sở hữu.
Sao gọi là Bồ-tát chẳng rơi vào kiến chấp diệt tận? Sở dĩ như vậy vì tất cả pháp cũng không có chỗ sinh khởi.
Sao gọi là Bồ-tát chẳng chấp có thường? Sở dĩ như vậy vì tất cả pháp đều không có chỗ sinh khởi nên không có thường.
Sao gọi là Bồ-tát không có tưởng chấp trước? Sở dĩ như vậy vì nếu xét như thế thì không có trần lao, không có kiến chấp nhân duyên. Sở dĩ như thế vì kiến chấp ấy chẳng thấy các kiến chấp.
Sao gọi là Bồ-tát chẳng dựa vào danh sắc? Sở dĩ như thế vì tất cả các việc làm đều không sở hữu.
Sao gọi là Bồ-tát chẳng chấp trước các ấm, chẳng dựa vào các chủng, chẳng mộ các nhập? Sở dĩ như thế vì hành giả làm như thế thì đều là tự oán, không có sở hữu. Vì vậy cho nên chẳng nên dựa vào ấm, chủng, các nhập.
Sao gọi là Bồ-tát chẳng dựa vào ba cõi? Ba cõi ấy tự nhiên vô hình, tuy ở trong ba cõi nhưng không chỗ nương dựa.
Sao gọi là Bồ-tát chẳng trụ sở hữu? Vì nó chẳng có hạn kỳ mà là hư không, tất cả sở hữu đều là vô sở hữu.
Sao gọi là Bồ-tát thấy Phật mà chẳng chấp trước? Vì chẳng dựa vào cái thấy cho là thấy Phật.
Sao gọi là Bồ-tát chẳng tranh với không? Vì tất cả các pháp đều là không, chẳng không, chẳng loạn, rỗng không, không có chỗ tranh.
Sao gọi là Bồ-tát đầy đủ không? Thân tướng hư không tức là Bồ-tát đầy đủ không.
Sao gọi là Bồ-tát chẳng chứng vô tướng? Đối với tất cả tướng không nghĩ đến.
Sao gọi là Bồ-tát nhớ tuệ vô nguyện? Vì đối với ba cõi không sở hành.
Sao gọi là Bồ-tát làm thanh tịnh ba nghiệp? Vì luôn luôn đầy đủ mười đức lành.
Sao gọi là Bồ-tát thương yêu tất cả các loài chúng sinh? Vì luôn luôn hành đức đại Từ bi vô cực.
Sao gọi là Bồ-tát chẳng khinh thường chúng sinh? Vì muốn viên mãn cõi Phật.
Sao gọi là Bồ-tát bình đẳng quán các pháp? Vì quán sát các pháp không cao không thấp.
Sao gọi là Bồ-tát quán kỹ các địa? Vì đối với tất cả các pháp không gây nhân, không dao động.
Sao gọi là Bồ-tát đạt pháp nhẫn Vô tùng sinh? Vì tất cả các pháp đều không chỗ sinh khởi, cũng không chỗ diệt, nhẫn không sở hữu.
Sao gọi là Bồ-tát tuệ không chỗ sinh? Vì đối với danh sắc, Bồtát ấy không phát khởi tuệ.
Sao gọi là Bồ-tát nói một phẩm? Vì chẳng hành hai việc.
Sao gọi là Bồ-tát chẳng nhập các niệm? Vì đối với tất cả pháp không có đối tượng nhớ nghĩ.
Sao gọi là Bồ-tát vứt bỏ các kiến chấp? Vì luôn xả ly địa Thanh văn, Bích-chi-phật.
Sao gọi là Bồ-tát diệt trừ trần lao? Vì nguyên nhân của tất cả các lậu ngừng lại, dục ô uế dứt hết.
Sao gọi là Bồ-tát tịch tĩnh xa lìa cái thấy biết? Vì có khả năng thành tựu trí Nhất thiết.
Sao gọi là Bồ-tát có tâm điều hòa? Vì đối với ba cõi không còn hoạn nạn.
Sao gọi là tâm tịch tĩnh? Vì có khả năng chế ngự sáu căn.
Sao gọi là Bồ-tát chẳng bỏ trí tuệ? Vì có khả năng đạt được minh nhãn.
Sao gọi là Bồ-tát không có sự vội vàng? Vì quán sáu nhập không nhiễm trước.
Sao gọi là Bồ-tát tâm có chỗ vào? Vì tất cả tâm thấy hết các ý nghĩ của chúng sinh.
Sao gọi là Bồ-tát dùng thần thông tự vui? Vì từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, những nơi đi đến, không tưởng nghĩ cõi Phật.
Sao gọi là Bồ-tát thấy các cõi Phật? Vì trụ ở cõi Phật này thì thấy vô lượng cõi Phật ở mười phương, đối với các cõi Phật cũng không vướng mắc.
Sao gọi là Bồ-tát quán sát đúng như thật? Vì thấy các cõi Phật viên mãn nghiêm tịnh, đến bất cứ đâu trong ba ngàn thế giới đều làm Chuyển luân vương.
Sao gọi là Bồ-tát lễ kính chư Phật cúng dường phụng sự quy mạng? Vì phân biệt ý nghĩa của tất cả kinh pháp.
Sao gọi là Bồ-tát thường quán sát kỹ thân chư Phật? Vì nhìn một cách chân chánh chư Phật chính là Pháp thân.
Sao gọi là Bồ-tát hiểu rõ các căn? Nếu có thể trụ mười Lực của Như Lai thì có thể hiểu rõ cội gốc các căn của tất cả chúng sinh.
Sao gọi là cõi Phật thanh tịnh của Bồ-tát? Chúng sinh thanh tịnh tức là cõi Phật thanh tịnh.
Sao gọi là Tam-muội như huyễn của Bồ-tát? Vì trụ Tam-muội này thì Bồ-tát có thể biến hiện khắp tất cả không chỗ nào là không vào, tâm không trụ một chỗ nào.
Sao gọi là Bồ-tát ngang bằng Tam-muội? Vì Bồ-tát đối với Tam-muội không mong cầu.
Sao gọi là Bồ-tát có thể giáo hóa chúng sinh? Tùy theo gốc đức đã tạo và việc làm của họ mà khai hóa. Đại Bồ-tát dùng sự chí thành để hộ trì thân mình, tùy theo chúng sinh mà khai hóa, cứu độ họ.
Sao gọi là Bồ-tát chí thành? Tự nhiên có sự khuyến phát muốn độ thoát tất cả chúng sinh.
Sao gọi là Bồ-tát chắc chắn có thể đạt được chí nguyện? Vì Bồ-tát thường đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật.
Sao gọi là âm thanh mà Bồ-tát phát ra, chư Thiên, Long thần và Kiền-đạp-hòa nghe âm thanh ấy đều hiểu được mà làm theo sự giáo hóa? Vì có đại Từ bi nhuận khắp trong âm thanh đó.
Sao gọi là Bồ-tát nhập vào bào thai? Đại Bồ-tát đời đời sinh ra mà không chỗ sinh.
Sao gọi là Bồ-tát ở vị tôn quý? Bồ-tát sinh ra ở chủng tánh nào thì có thể giáo hóa chủng tánh ấy.
Sao gọi là Bồ-tát chỗ sinh ra đầy đủ? Giả sử Bồ-tát ở dòng Quân tử, ở dòng Phạm chí, ở dòng Cư sĩ thì có thể khuyến hóa dòng đó.
Sao gọi là Bồ-tát ở dòng tôn quý? Vì ngang bằng dòng của chúng Bồ-tát quá khứ, không sai khác.
Sao gọi là Bồ-tát đầy đủ quyến thuộc? Vì các quyến thuộc theo làm thị giả Bồ-tát không thiếu.
Sao gọi là cõi nước của Bồ-tát nghiêm tịnh? Vì khi mới sinh ánh sáng chiếu sáng vô số thế giới. Ai nhờ ánh sáng đó đều được an ổn.
Sao gọi là Bồ-tát bỏ nước, bỏ nhà? Khi Đại Bồ-tát bỏ nhà học đạo, giáo hóa vô số ức trăm ngàn người đi theo, có thể khiến cho họ an lập ở ba thừa.
Sao gọi là Bồ-tát đến cây Bồ-đề? Cây ấy, gốc, thân, cành, lá, hoa, quả đều là bảy báu, màu vàng tía, chiếu vô số cõi Phật trong mười phương đều chói sáng. Đó là Bồ-tát đi đến cây Bồ-đề nghiêm tịnh.
Sao gọi là Bồ-tát đầy đủ tất cả danh đức? Giả sử Bồ-tát thanh tịnh thì cõi Phật cũng thanh tịnh. Đó là Bồ-tát đầy đủ danh đức.
Sao gọi là Bồ-tát trụ mười địa thành Như Lai? Đại Bồ-tát đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, chứng đắc trí Nhất thiết, dứt trừ trần lao, không có chướng ngại thì đó là Bồ-tát trụ mười địa thành Như Lai.
Này Tu-bồ-đề! Như thế là Đại Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo hành sáu pháp Ba-la-mật, Ý chỉ, Ý đoạn, Thần túc, Căn, Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười Lực, bốn Vô sở úy, bốn Phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của chư Phật, tịch nhiên lìa kiến, hiện nhập chủng tánh địa Bát đẳng, nếu có nơi chốn thì lìa địa Dục, địa Sở tác biện, lìa địa Thanh văn, Bích-chi-phật, địa Bồ-tát. Đó là Đại Bồ-tát vào trụ thứ chín ở Phật địa. Đó là Đại Bồ-tát hành trụ thứ mười. Đó là Đại Bồ-tát không thoái chuyển.