KINH CHÁNH PHÁP HOA
(KINH HOA CHÁNH PHÁP)
Dịch Phạn ra Hán: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Thị
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 8
Phẩm 18: KHEN PHÁP SƯ
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Đại sĩ Thường Ứng Thời:
– Thiện nam, thiện nữ nào thọ trì, đọc tụng, sao chép kinh điển này thì sẽ được mười công đức về nhãn căn, tám trăm danh xưng, một ngàn hai trăm về nhĩ căn, một ngàn hai trăm về tỹ căn, một ngàn hai trăm về thiệt căn, một ngàn hai trăm về thân hành, một ngàn hai trăm về ý tịnh; đó là vô số trăm ngàn công đức, có thể nghiêm tịnh công đức sáu căn.
Người ấy nếu được nhãn căn thanh tịnh thì dùng nhục nhãn thấy vật hiện có khắp cả tam thiên đại thiên thế giới; các vị ngọt trong trong cây rừng, dưới đến đại địa ngục Vô khả, trên đến cõi trời Ba mươi ba; thấy khắp tất cả và có thể nhiếp thủ hết nên gọi là nhục nhãn. Tất cả chúng sinh hiện có trong đó, đều thấy hết và biết rõ tội phước, chỗ hướng đến của họ.
Khi ấy Thế Tôn dùng kệ khen:
Người thọ trì kinh này
Dũng mãnh ở trong chúng
Tuyên thuyết chẳng khiếp sợ
Chỉ nghe danh đức này
Tám trăm các danh xưng
Mắt thanh tịnh trong sáng
Nêu đã lìa các cấu
Mắt ấy thấy biết khắp
Người kia dùng nhục nhãn
Do từ cha mẹ sinh
Thấy thế giới chư Phật
Thấy khắp vượt Thần tiên
Các núi, núi Tu-di
Lại thấy cả Thiết vi
Và các gò đống khác
Lại xem thấy biển lớn
Yên lặng ngồi một chỗ
Chỗ nào cũng thấy hết
Dưới đến ngục Vô khả
Nhục nhãn được như thế.
Nếu chưa được Thiên nhãn
Cũng chẳng thấy biết rõ
Cảnh giới của nhục nhãn
Căn và thức nhẹ nhàng
Phật lại bảo Bồ-tát Thường Ứng Thời:
– Thiện nam, thiện nữ nào nói kinh điển này, hoặc nói cho hàng Thanh văn thừa và chủng loại khác thì đạt được một ngàn hai trăm danh xưng về tai, nghe khắp tam thiên đại thiên thế giới, dưới đến đại địa ngục Vô khả, trên đến trời ba mươi ba, vượt hơn Thần tiên, đó là nghe tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng trâu, tiếng kỹ nhạc, tiếng xe, tiếng kêu khóc, tiếng sầu than, tiếng trống, tiếng chuông, tiếng ca, tiếng múa, tiếng cười giỡn, tiếng nam, tiếng nữ, tiếng đồng nam, tiếng đồng nữ, tiếng gió, tiếng kỳ diệu, tiếng chánh pháp, tiếng phi pháp, tiếng vui, tiếng khổ, tiếng sức lực, tiếng tánh tình, tiếng nhu, tiếng thô, tiếng Trời, tiếng Rồng, và các thử tiếng Quỷ thần, Kiền-thát-bà, A-tu-la, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc, tiếng lửa, tiếng nước, tiếng trong đất, tiếng Tỳ-kheo, tiếng Thanh văn, tiếng Bồ-tát, tiếng Như Lai; các loại âm thanh có trong tam thiên đại thiên thế giới, trong ngoài thông suốt, tất cả thanh tịnh; dùng nhục nhĩ căn nghe hết tiếng nói của chúng sinh; chưa đắc Thiên nhĩ mà nghe hết, hiểu rõ ngọn ngành các tiếng, cũng chẳng tư duy quán sát gốc gác của chúng sinh mà lại nghe hết, cũng chẳng tìm cầu tất cả âm thanh mà lại nghe rõ ràng êm xuôi như thế. Bồ-tát Đại sĩ Thường Ứng Thời chưa đắc Thiên nhĩ mà tai thường nghe được như vậy.
Phật nói như vậy xong, muốn giải thích lại ý nghĩa trên nên nói tụng:
Nhĩ căn thanh tịnh
Trong sạch gồm thâu
Biết bao nhiêu loại
Có ngàn hai trăm
Ở trong thế giới
Thảy đều nghe biết
Nghe âm thanh ấy
Không sót tiếng nào
Tiếng của sáu loài
Cũng đều nghe được
Tiếng của các thừa
Xe, trâu, voi, ngựa
Vỗ tay đánh trống.
Âm nhạc buồn vui
Gõ nhịp chiêng bạt
Cũng lại như thế
Kỹ nhạc êm dịu
Âm thanh tuyệt vời
Tuy ở bên chúng
Nhưng không nhiễm trước
Nghe vô số điều
Những người giảng thuyết
Người ấy so sánh.
Ưa thích phân biệt
Nghe tiếng chư Thiên
Thường nghe được tiếng
Thiên nhĩ nghe được
Tiếng nam tiếng nữ
Êm ái ngọt ngào
Các tiếng kêu khóc
Việc làm của các
Đồng nam đồng nữ
Tiếng chim loan buồn
Tiêng quạ, chim thư
Giao tinh, uyên ương
Cùng chim anh vũ
Nếu cất tiếng kêu
Người ở sơn lâm
Đều được nghe hết
Loại âm thanh này
Đớn đau khổ sở
Kêu gào thảm thiết
Tàn khốc đắng cay
Ở trong địa ngục
Mong muốn uống ăn
Van xin cầu khẩn
Bộc khởi mạnh mẽ
Phát ra thành tiếng
Các A-tu-la
Sống ở tại biển
Âm thanh thông suốt
Mỗi tiếng khác nhau
Khi ấy Pháp sư
Trụ tại một chỗ
Bất cứ tiếng nào
Thảy đều nghe biết
Tiếng kêu đói khát
Của loài ngạ quỷ
Mỗi tiếng phát ra
Hoặc kêu hoặc rống
Khi ấy Pháp sư
Đứng im tại chỗ
Cũng nghe biết được
Bao nhiêu thứ tiếng
Tiếng của chư Thiên
Trên cõi trời Phạm
Trên trời Quang âm
Trời Thiện cứu cánh
Và các âm thanh
Kỳ đặc lạ khác
Pháp sư đều nghe
Biết hết tất cả
Có người ở đời
Bỏ tục xuất gia
Làm chúng Tỳ-kheo
Hành trì phúng tụng
Phân biệt giảng thuyết
Tâm trí người ấy
Pháp sư nghe biết
Kinh đã thuyết này
Các chúng Bồ-tát
Ở cảnh giới mình
Có thể phúng tụng
Vì người tuyên thuyết
Kết tập ý nghĩa
Để thành kinh điển
Thảy đều nghe hết
Bao nhiêu âm thanh
Của Phật Thế Tôn
Vì người thuyết pháp
Vì các chúng sinh
Thuyết kinh vô số
Một mình dưới cây
Đều nghe được hết
Do Bồ-tát ấy
Thường trì kinh này
Vô số chúng sinh
Trong quốc độ Phật
Ở tam thiên giới
Âm thanh vang vọng
Hoặc ở trong nhà
Hoặc ở bên ngoài
Lời nói thô tế
Thảy đều thâu nhận
Nghe hết tất cả
Các loại âm thanh
Của loài chúng sinh
Cũng không chấp trước
Mọi nơi mọi người
Biểu lộ, sâu kín
Với tai thanh tịnh
Đều thấu rõ hết
Người này còn chưa
Đắc Thiên nhĩ thông
Vừa gặp nhân duyên
Liền nghe được ngay
Công đức Pháp sư
Khi ấy như thế
Do học kinh này
Nên được như vậy.
Phật lại bảo Bồ-tát Thường Ứng Thời:
– Nếu thiện nam, thiện nữ thọ trì phân biệt, diễn nói, đọc tụng, hoặc sao chép kinh này trên tre lụa thì được tám trăm công đức, các căn kiên cố, tỹ căn thanh tịnh. Vì vậy, các mùi hương trong tam thiên đại thiên thế giới, tỹ căn đều nghe được hết, như mùi hương êm dịu, hương tu mạn, hương sinh, hương truyền sức tu, hương hoa tư di, các loại hương hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen vàng, hoa sen trắng và bao nhiêu loại hương của cây cỏ hoa trái tỏa xông, như là hương tô hiệp, hương hoa, hương chiên-đàn, hương cây mật, hương cây mộc xanh, đủ các loại hương, trăm ngàn thứ hương đặc biệt có ở mọi nơi, hương các cây chất phác hương nam, nữ đồng nam, đồng nữ đều tự nghe; hương xoa nơi thân, hương của voi, ngựa, lục súc, chim bay, thú chạy, hương các thứ cây cỏ, hương của các loại hàm huyết ở trong rừng cây, hương của các yêu mị, hương chí thàn, hương thiên thượng, hương tỷ đà mỹ, hương cây trú đạt, hương ý, hương đại ý, hương nhu nhuyễn, hương chư Thiên, hương Thiên cung, biết mùi hương thân Đế Thích phát ra từ đâu, ở nơi giảng đường khí đánh trống đờn ca, hay ở chỗ tu chỉnh thiết lập các pháp tắc quan trọng, hoặc khi thuyết pháp cho chư Thiên Đao-lợi, các mùi hương tự nhiên từ đất phát ra, mùi hương của ngọc nữ trời Lợi-nghị ca hát nô đùa, mùi hương của đồng nam, đồng nữ. Do nhân duyên ấy, giả sử mùi hương sinh ra từ thân của các Thiên tử cõi Phạm thiên, chư đại Thiên tử cõi Đại phạm, mùi hương ấy có tên khác nhau, mùi hương của Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát Đại sĩ, Như Lai ở nơi du cư khai hóa, vị Pháp sư ấy ở tại một nơi cách đó rất xa, chẳng đến ngay đó, cũng chẳng gần bên, chẳng đi đến ngửi mà vẫn nghe được hết các mùi hương ấy, nhưng chẳng thích, chẳng cầu, cũng chẳng nhớ nghĩ, cũng chẳng xông hương, nhưng ngửi biết mùi, trụ tâm chuyê n nhất, ở tại chúng hội mà phân biệt nói các mùi hương như vậy, tâm cũng chẳng đắm trước, không ưa thích mong cầu.
Khi ấy Thế Tôn nói tụng khen ngợi:
Tỹ căn người ấy
Thanh tịnh như vậy
Biết bao loại hương
Nghe được rất nhiều
Khi ấy thế giới
Tất cả nơi chốn
Chỗ có thể sinh
Loại hương rất tốt
Lại có các hình
Như hương hoa trồng
Chiên-đàn các hương
Đủ loại khác nhau
Các hương báu ấy
Phẩm loại đều khác
Xông hương ngào ngạt
Các hương nhựa cây
Nam tử, nữ nhân
Đồng tử, đồng nữ
Người ấy tại chỗ
Biết loại khác nhau
Các hương hơn kém
Sinh ở nhân gian
Trồng tại nơi nào
Xanh nhạt lẫn lộn
Lại biết trong nước
Chuyển luân thánh vương
Mềm mỏng nhân từ
Dũng lực ra sao
Và tên lụa là
Ở trong nước ấy
Các hương khác nhau
Đều phân biệt được
Của cải châu báu
Nhiều đến bao nhiêu
Tàng trữ cất giấu
Ở nơi chốn nào
Có ngọc nữ báu
Và trân bảo khác.
Khi ấy Bồ-tát
Biết rõ mùi hương
Anh lạc hiện có
Đeo ở nơi thân
Vòng ngọc trang sức
Y phục đẹp đẽ
Hoặc ngồi tại tòa.
Hoặc nằm trên giường
Dùng hương xoa thân
Bồ-tát đều biết
Ca giỡn vui chơi
Tất cả thần túc
Kẻ trí sáng suốt
Mũi đều nghe được
Hoặc có phụng trì
Lời kinh này dạy
Dùng loại hương thơm
Và hương dầu mè
Bao nhiêu chủng loại
Hương hoa báu khác
An trú tại chỗ
Đều nghe biết được
Xuất xứ nơi nào
Có loại hương này
Có thể phân biệt
Cùng các loại hương
Hiện có ở tại
Trong chốn núi rừng
Vô số chủng loại
Hương hoa chiên-đàn
Và các loại hương
Ở trong dân chúng
Ở tại một nơi
Biết được tất cả
Hoặ c loại ưa thích
Của Chuyển luân vương
Hoặc giấu chỗ kín
Ở trong biển cả
Hoặc giấu trong đất
Chỗ sinh kiến trùng
Người trí đều rành
Các loại hương ấy
Biết A-tu-la
Trai gái, vợ con
Và các thần dân
Đều phân biệt biết
Vua A-tu-la
Ca múa vui chơi
Mũi đều nghe được
Quả báo như thế
Hoặc ớ đồng trống
Hoặc ngã tư đường
Có nhiều sư tử
Cọp, sói, rồng, voi
Trâu và quyến thuộc
Đủ các chủng loại
Trâu đực trâu cái
Đều có thể biết
Hoặc có nữ nhân
Tùy sự ưa thích
Hoặc ưa con trai
Hoặc thích con gái
Khi đã mang thai
Thân thể mệt mỏi
Do hương biết được
Nam, nữ trong bụng
Lại tự biết rõ
Thân từ đâu đến
Và cũng hiểu rõ
Ý nghĩa nhân duyên
Gặp gỡ người này
An ổn, khổ, vui
Sức khỏe đồng nam
Phước sẽ có được
Ước muốn nam, nữ
Thảy đều biết hết
Lại nghe riêng biệt
Từng loại hương nguyện
Tùy theo ý thích
Như vậy vô tận
Lại nghe riêng biệt
Hương thân vắng lặng
Ở tại nơi nào
Kho tàng trong đất
Của cải châu báu.
Đủ loại kim ngân
San hô nhu nhuyến
Hình như vàng tía
Ở yên một chỗ
Nghe đều biết hết
Các chuỗi anh lạc
Châu báu minh nguyệt
Thế gian hiện có
Người thường chẳng biết
Dùng mũi nghe mùi
Biết được tốt xấu
Tới lui tiến dừng
Biết rõ thiện ác
Chư Thiên trên trời
Hoa ý các hoa
Hoa âm nhu nhuyễn
Có các loại hoa
Nhóm tụ nhiều thứ
Ở trong hư không
Dùng sức của mũi
Ở đây nghe hết
Các Thiên nhân ấy
Có các cung điện
Các cung bậc thượng,
Bậc hạ, bậc trung
Đủ các phẩm loại.
Đúng như hình dáng
Đứng ở nơi đây
Dùng mũi nghe biết
Cũng phân biệt được
Cảnh vườn dạo chơi
Pháp của chư Thiên
Trong sáng vắng lặng
Cũng lại thấu hiểu
Cung điện tôn nghiêm
Của các Thiên tử
Kiến lập ở nơi
Vui chơi du hý
Đều nghe mùi hương
Do hương phân biệt
Các nhóm Thiên tử
Trụ ở pháp nào
Làm những việc gì
Ngay tại chỗ ở
Nghe hương đều biết.
Ngọc nữ chư Thiên
Chứa các hoa quả
Các anh lạc báu
Chung quanh để chơi.
Khi ấy Bồ-tát
Biết hết mùi hương
Trời Ba mươi ba
Đến trời đệ nhất
Các trời Đại phạm
Cung điện của họ
Dùng mũi nghe mùi
Đều có thể biết.
Trụ rồi hoại diệt
Có thể biết rõ
Các chỗ xa gần
Cũng đều thông suốt,
Chết rồi sinh lại
Cuộc sống đời trước
Dùng mũi nghe mùi
Biết rõ gốc ngọn.
Nếu có Bồ-tát
Trì kinh điển này
Hoặc có Tỳ-kheo
Thuận theo thỉnh giáo
Thường tu tinh tấn
Chỗ vắng kinh hành
Hoặc đã chí thành
Phúng tụng giảng thuyết
Thì Bồ-tát ấy
Thảy đều biết hết.
Cũng biết Thanh văn
Những người tối thắng
Thường ở dưới cây
Đơn độc một mình
Bậc sáng suốt ấy
Nương mùi biết được,
Có Tỳ-kheo nào
Ở bất cứ đâu
Có thể phân biệt
Biết ngay chỗ ấy.
Có Bồ-tát nào
Vững tâm thiền định
Thường tự ưa thích
Phúng tụng giảng thuyết
Lại vì người khác
Diễn giải giáo pháp.
Khi ấy Bồ-tát
Nghe hương biết được
Đại nhân an trú
Ở nơi chốn nào,
Thương xót hành từ
Phân biệt thuyết pháp
Ngay tai chỗ ngồi
Đệ tử vây quanh.
Nghe hương biết rõ
Chỗ của Pháp vương
Giả sử chúng sinh
Được nghe kinh pháp,
Đã được thọ trì
Tâm ý phấn khởi.
Khi ấy Bồ-tát
Ở đây cũng thấy
Thế lực Bồ-tát
An trú chúng hội,
Ở tất cả nơi
Hiện tượng như thế
Còn chưa đạt được
Mũi của trời người,
Tự nhiên được vậy
Điều này ứng với
Mũi của chư Thiên
Không có các lậu.
Phật dạy:
– Này thiện nam! Nếu có người thọ trì, đọc tụng, sao chép kinh điển này thì sẽ đạt được một ngàn hai trăm công đức kỳ lạ về thiệt căn, thiệt căn phân biệt đầy đủ các mùi vị. Nếu có món ăn ngon, thì biến thành món ăn tự nhiên ở cõi trời. Nếu ăn món thô nhám mặn đắng thì sẽ hóa thành cỗ tiệc cõi trời, mùi vị tuyệt diệu. Nếu vào chúng hội giảng truyền pháp yếu thì mọi người hân hoan, kính ngưỡng kinh pháp. Nếu vào chỗ tranh chấp giận dữ, dùng ngôn ngữ đạo đức mềm mỏng, biện luận phân giải rõ ràng mọi khúc mắc; với lòng thương yêu thông cảm, thì mọi người sẽ hoan hỷ hòa thuận, cảm hóa những âm thanh khác.
Người ấy đã nghe kinh mà ngôn luận mỹ diệu, trời, người đi đến; Thích, Phạm, Tứ vương và trời Thanh tịnh, ngọc nữ chư Thiên mong được diện kiến; Thiên tử, Rồng, Thần và phu nhân của Rồng, Thần, A-tu-la và phu nhân của A-tu-la, Ca-lưu-la và phu nhân của Ca-lưu-la, Chân-đa-la và phu nhân của Chân-đa-la, Ma-hưu-lặc và phu nhân của Ma-hưu-lặc, Kíền-đạp-hòa và phu nhân của Kiền-đạp-hòa, nữ quỷ thần Duyệt-xoa, nữ quỷ thần Tỷ-da Phản Túc đều muốn đến chiêm ngưỡng, đảnh lễ, thăm hỏi, thọ trì kinh giới và quy y; Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, thiện nam, thiện nữ, quốc vương, thái tử, đại thần, quan chức, người quyền quý giàu sang, Chuyển luân thánh đế uy phong lẫm liệt, bảy báu sung mãn; thái tử, quyến thuộc, vương phi, thể nữ và các Phạm chí, hiền nhân, cư sĩ ở châu thành, quận huyện, xóm làng, dinh thự đều muốn đi đến chiêm ngưỡng, mong trọn đời lễ bái quy y, cúng dường hầu cận, nghe thọ kinh pháp; lời dạy trong sáng hiền hòa như Thế Tôn Như Lai đã khen ngợi, đã tiếp xúc tư duy quan sát và đạt được cốt lõi sâu xa của trí tuệ Phật, tự nhiên nghe và được thấu đạt như thế; lại biết Đức Thế Tôn khi thuyết pháp xoay mặt về đâu.
Khi ấy Thế Tôn nói tụng khen ngợi:
Thiệt căn người ấy
Thật là mềm mại
Phân biệt các vị
Chọn lựa ngon dở
Ngon lành tự nhiên
Như món ăn trời
Bao nhiêu mùi vị,
Lần lượt phát sinh
Âm thanh thù diệu
Ngôn ngữ hòa nhã
Nghe thật kỳ lạ
Hoan hỷ vui mừng
Ở trong chúng hội
Ai cũng khâm kính
Lại sẽ diễn nói
Âm thanh thâm áo
Có người nghe được
Kinh điển đã nói
Nhận thấy báo ứng
Vô cùng thanh tịnh
Liền sinh hoan hỷ
Hiểu rõ tôn kính
Cúng dường kinh điển
Chẳng thể kể xiết
Các trời, rồng, thần
Thần A-tu-la
Luôn luôn kính phục
Muốn được nhìn thấy
Lễ bái cung kính
Thưa hỏi kinh điển
Danh đức người ấy
Đạt đến như thế
Ở thế giới này
Trong khoảnh phát ý
Đều dùng âm thanh
Loan báo khắp cả
Tiếng ấy nhu nhuyến
Vi diệu thù đặc
Thâm thúy nho nhã
Lại có âm tiết
Các bậc hào quý
Chuyển luân thánh vương
Hoàng hậu vương nữ
Muốn được đến nơi
Để mà cúng dường
Thảy đều chắp tay
Từ đầu đến cuối
Lắng nghe kinh điển
Thiên thần các nơi
Hoàn toàn tôn trọng.
Các Kiền-đạp-hòa
Và các tùy tùng
Nữ quỷ Phản Túc
Cùng các nam nữ
Thảy đều cung kính
Đều đến hầu hạ.
Vua trời Phạm thiên
Tự tại tôn quý
Trời đại thần diệu
Và các Thiên tử
Đế Thích, Phạm thiên
Tập thể Thiên tử
Vô số ngọc nữ
Đến chỗ vị ấy.
Thế gian có Phật
Đạo sư sáng suốt
Đệ tử Thanh văn
Nghe tiếng êm dịu
Hiện đến tại chỗ
Mặc nhiên hộ trì
Xét pháp đã giảng
Thảy đều vui mừng.
Phật dạy:
– Này thiện nam! Bồ-tát Đại sĩ nếu nghe kinh này rồi thọ trì, đọc tụng, sao chép thì đạt được tám trăm công đức về thân: Màu da tươi sáng, âm giọng hùng dũng, giống như lưu ly trong sáng không bẩn, phàm làm việc gì, mọi người đều khâm phục bắt chước, dung mạo và cử chỉ đáng kính, hành xử tinh tế, không phân biệt ta người, chúng sinh trong thế giới tam thiên đại thiên đều cúi đầu đảnh lễ. Quần sinh tốt xấu, sắc tươi sắc héo, cõi tốt cõi xấu, Thiết vi, Đại thiết vi, núi nhỏ, núi lớn, chỗ có người ở, dưới đến trong đại địa ngục Vô khả, cho đến trời Ba mươi ba ở khắp cõi nước của Phật, tự dung oai đức thấy khắp tất cả.
Tại thế giới này, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát Như Lai giảng thuyết kinh pháp ở bất cứ đâu đùng oai quang của mình, thảy đều thấy rõ. Vì sao? Vì thân thanh tịnh nên đạt đến như vậy.
Khi ấy Thế Tôn nói kệ khen:
Thân của người ấy
Đã thanh tịnh rồi
Ví như lưu ly
Không có tỳ vết,
Được tất cả người
Nhìn thấy kính mến
Người ấy đã trì
Kinh vi diệu ấy.
Giống như gương sáng
Soi thấy mặt mình
Thấy cả vạn vật
Cũng giống như thế,
Tự thấy gốc ngọn
Và thấy người khác
Thân ấy thanh tịnh
Như núi Tu-di.
Ở thế giới này
Có bao chúng sinh
Chư Thiên, nhân dân
Thần A-tu-la
Địa ngục, ngạ quỷ
Và các súc sinh
Đều thấy thân hình
Cùng với dung nhan
Cung điện phòng quán
Của hàng chư Thiên
Núi đất, núi đá
Và các Thiết vi
Tuyết sơn, Tu-di
Cùng các núi lớn
Thảy đều thấy hết.
Chúng ở nơi nào
Dùng đại oai thần
Xem thấy chư Phật
Tất cả Thanh văn
Và các đệ tử
Hoặc có Bồ-tát
Ở chỗ vắng lặng
Tuyên thuyết kinh pháp
Có thể biết hết.
Thân thanh tịnh ấy
Cũng lại như vậy
Thảy đều thấy hết
Tất cả thế gian.
Dùng thân thế tục
Biết rõ như thế
Người này còn chưa
Đạt thành Thánh đạo.
Phật dạy:
– Này thiện nam! Sau khi Như Lai diệt độ, nếu Bồ-tát Đại sĩ thọ trì, đọc tụng, giải nói kinh này thì sẽ được một ngàn hai trăm công đức thanh tịnh về ý căn.
Người ấy dùng ý căn thanh tịnh thấu suốt tất cả, chỉ nghe một bài tụng mà thấu suốt ý nghĩa rốt ráo sâu rộng, rồi dùng sự hiểu biết sâu rộng đó, có thể giảng kinh pháp một tháng, bốn tháng, cho đến trải qua một năm, sự tích lũy, ghi nhớ chẳng quên. Các âm thanh trao đổi giá cả trong việc mua bán của phàm tục, nhờ pháp đều thấy, phân biệt thứ lớp, chẳng mất đầu mối; biết tâm niệm thiện ác là đúng hay chẳng đúng của sáu loại chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới, trong đó Sa-môn là Thánh hay chẳng phải là Thánh đều thấy hết, tâm ý thanh tịnh, chẳng cần tư duy, tự nhiên phân biệt giảng thuyết ý nghĩa của pháp, lời lẽ chí thành; có giảng nói cũng đều nương vào lời nói trong kinh điển tối thắng mà xưa kia Đức Như Lai đã dạy, đã phân tích rõ cả.
Khi ấy Đức Thế Tôn nói tụng khen:
Ý căn người ấy
Thanh tịnh trong sạch
Chiếu suốt tươi sáng
Thấy rõ tâm niệm.
Vì lý do đó
Hiếu biết bao thứ
Tỳ vết, ti tiện
Tốt xấu trung bình,
Nếu nghe một tụng
Thường hay phụng trì
Hiểu được vô số
Nghĩa lý sâu xa,
Nói một, bốn tháng
Hoặc đến một năm
Việc thiện và ác
Hết sức chí thành.
Ở thế giới này
Khắp cả trong đó
Nếu có chúng sinh
Đủ các hạng loại
Chư Thiên nhân dân
Và A-tu-la
Các loại thần khác
Cùng các súc sinh
Ở trong sáu đường
Có các chúng sinh
Bọn họ tư tưởng
Biết bao tâm niệm
Người trì kinh này
Trong khoảng giây lát
Đều thấy biết hết.
Tâm ý khác nhau
Chư Phật Đại Thánh
Tướng trăm công đức
Tất cả đều vì
Thế gian thuyết pháp
Khi đến chỗ giảng
Tất cả đều nghe
Lời giảng thanh tịnh,
Tức thời thọ tụng
Đời trước đã từng
Học kinh điển này
Từ lâu giảng giải,
Tháo tung gút mắc
Luôn luôn diễn giải
Cốt lõi kinh điển
Ở trong hội chúng
Không hề sợ hãi.
Người trì kinh này
Các căn tươi sáng
Hoàn toàn chẳng gặp
Các họa tâm thần,
Bạn bè giao du
Đều là hiền lành
Ý căn thông đạt
Cũng giống như thế
Bồ-tát chưa từng
Trụ ở chỗ nào
Vì khắp chúng sinh
Phân biệt thuyết kinh.
Người thường thọ trì
An trú chánh pháp
Tùy nghi phương tiện
Biết chỗ thích ứng.