KINH TƯ ÍCH PHẠM THIÊN SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Dao tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Phẩm 16: KIẾN LẬP PHÁP

Bấy giờ, Phạm thiên Tư ích nói với Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi:

-Đại sĩ nên cung thỉnh Đức Như Lai hộ niệm kinh này khiến cho đến năm trăm năm về sau vẫn được lưu truyền rộng khắp.

Bồ-tát  Văn-thù-sư-lợi nói:

-Ý ông nghĩ sao? Đức Phật đối với kinh này có giảng thuyết, có chỉ dạy và có thể hộ niệm được chăng?

Phạm thiên Tư ích đáp:

-Thưa không!

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:

-Thưa Nhân giả! Vì vậy nên biết, tất cả các pháp là không thuyết giảng, không chỉ bày, không có hộ niệm. Pháp đó hoàn toàn là không thể hủy diệt, nên không thể hộ niệm. Nếu muốn giữ gìn pháp này là nhằm hộ niệm nơi hư không.

Thưa Nhân giả! Nếu Bồ-tát muốn có pháp để thọ nhận, tức là chẳng có pháp. Vì sao? Vì pháp luôn vượt khỏi tất cả các nẻo ngôn luận, đó gọi là Bồ-tát không ưa tranh chấp.

Thưa Nhân giả! Nếu có Bồ-tát ở trong chúng hội này suy nghĩ: “Hôm nay thuyết pháp này” thì nên biết người đó chẳng phải là nghe pháp. Vì sao? Vì không nghe pháp mới gọi là nghe pháp.

Phạm thiên thưa:

-Vì sao nói không nghe pháp gọi là nghe pháp?

Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều thanh tịnh, gọi là nghe pháp. Vì sao? Vì nếu người nơi sáu căn bên trong hội nhập với sáu trần bên ngoài, không bị vướng mắc nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì mới gọi là nghe pháp.

Bấy giờ, trong chúng hội có ba vạn hai ngàn Thiên tử, năm trăm Tỳ-kheo, ba trăm Tỳ-kheo-ni, tám trăm Ưu-bà-tắc, tám trăm Ưu-bà-di, đã nghe Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thuyết pháp đều chứng được pháp Nhẫn vô sinh, liền nói:

-Đúng vậy, đúng vậy! Thưa Tôn giả Văn-thù-sư-lợi! Như lời của Đại sĩ đã nói không chấp vào chỗ nghe pháp mới gọi là nghe pháp.

Lúc ấy, Phạm thiên Tư ích hỏi các Bồ-tát đã chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh:

-Các vị đã chẳng nghe kinh này đó sao?

Đáp:

-Vâng, chúng tôi đã nghe, dùng không nghe để nghe.

Hỏi:

-Các vị làm thế nào để nhận biết Pháp đó?

Đáp:

-Dùng chẳng biết để nhận biết.

Hỏi:

-Các vị đạt được cái gì gọi là chứng đắc?

Đáp:

-Vì tất cả pháp là không thể chứng đắc, nên chúng tôi gọi là đạt được pháp nhẫn.

Hỏi:

-Thế nào là thuận theo pháp để thực hành?

Đáp:

-Do chẳng thuận theo để hành nên gọi là tùy hành.

Hỏi:

-Các vị ở trong pháp này có thông đạt sáng tỏ chăng?

Đáp:

-Tất cả các pháp đều thông đạt, thấu tỏ, không có ta, tôi.

Bấy giờ, trong chúng hội có Thiên tử tên là Tịnh Tướng nói với Phạm thiên Tư ích:

-Nếu có người chỉ nghe kinh này mà không được Phật thọ ký, thì ta sẽ thọ ký người ấy chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì kinh này không phá bỏ nhân quả, có khả năng sinh các pháp thiện, có thể dứt trừ ma oán, lìa xa mọi thương ghét, có thể khiến cho tâm của chúng sinh được thanh tịnh, có thể làm cho người tin hiểu đều được vui mừng trừ hết mọi sân giận.

Kinh ấy là chỗ tu tập của tất cả các bậc Thiện nhân.

Kinh ấy được tất cả chư Phật hộ niệm.

Kinh ấy được tất cả hàng Trời, Người, A-tu-la trong thế gian cùng nhau giữ gìn.

Kinh ấy quyết định chứng đạt quả vị không thoái chuyển.

Kinh ấy chẳng hư dối, vì dẫn đến đạo tràng.

Kinh ấy chân thật vì có thể khiến cho chúng sinh đạt được pháp của chư Phật.

Kinh ấy có thể chuyển pháp luân.

Kinh ấy có thể diệt trừ mọi thứ nghi ngờ, do dự.

Kinh ấy có thể khai mở đạo của bậc Thánh.

Kinh ấy đối với người mong cầu sự giải thoát, rất nên lãnh hội.

Kinh ấy đối với người muốn đạt các pháp Đà-la-ni thì phải nên dốc sức giữ gìn.

Kinh ấy đối với người siêng cầu phước đức thì rất nên giảng thuyết.

Kinh ấy đối với người ưa thích giáo pháp, thì nên luôn nhớ nghĩ.

Kinh ấy có thể đem lại mọi an vui dẫn đến Niết-bàn.

Kinh ấy nếu các hàng ma, ngoại đạo đạt được thì không thể diệt trừ chúng.

Kinh ấy đối với người được thọ nhận sự cúng dường có thể thuận theo nghĩa lý.

Kinh ấy có thể khiến cho hàng lợi căn thêm hoan hỷ.

Kinh ấy có thể khiến cho người có trí tuệ càng vui thích.

Kinh ấy có thể giúp cho người trí tuệ xa lìa các kiến chấp.

Kinh ấy có thể đem lại cho kẻ trí tuệ phá trừ ngu tối.

Kinh ấy văn tự theo đúng thứ lớp vì khéo giảng nói.

Kinh ấy rốt ráo vì khéo tùy thuận theo nghĩa lý mà giảng dạy.

Kinh ấy tạo nhiều lợi ích vì đã giảng nói về đệ nhất nghĩa.

Kinh ấy đối với người ưa thích pháp là chốn tâm dốc cầu đạt.

Kinh ấy đối với người có trí tuệ là chốn không thể xa lìa.

Kinh ấy đốìivới người bố thí là kho tàng lớn.

Kinh ấy đối với người bị phiền não thiêu đốt là ao nước trong lành mát mẻ.

Kinh ấy có thể khiến cho người có tâm Từ đạt được tâm bình đẳng.

Kinh này có thể làm cho người biếng nhác trở thành siêng năng.

Kinh này có thể làm cho người vọng niệm được tâm định tĩnh.

Kinh ấy có thể khiến cho người ngu si có thể được trí tuệ sáng suốt.

Thưa Nhân giả! Kinh này là chỗ tôn quý của tất cả chư Phật. Khi Thiên tử Tịnh Tướng giảng thuyết về pháp này thì tam thiên đại thiên thế giới hiện đủ các thứ chấn động. Đức Phật liền khen ngợi:

-Lành thay, lành thay! Này Thiên tử! Đúng như lời ông nói!

Bấy giờ, Phạm thiên Tư ích bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Vị Thiên tử này từng ở trú xứ của chư Phật đời quá khứ đã được nghe kinh ấy rồi chăng?

Đức Phật dạy:

-Vị Thiên tử này từng ở nơi sáu mươi bốn ức trú xứ của chư Phật đã được nghe kinh này, trải qua bốn vạn hai ngàn kiếp sẽ được thành Phật hiệu là Bảo Trang Nghiêm, cõi nước tên Đa bảo. Trong khoảng thời gian ấy, có chư Phật xuất hiện ở đời vị đó cũng đều cúng dường và cũng được nghe kinh này.

Này Phạm thiên! Các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tám bộ chúng hộ pháp: Trời, rồng, quỷ thần… trong chúng hội này đã chứng đắc pháp nhẫn đều được sinh vào cõi nước Đa bảo kia.

Thiên tử Tịnh Tướng bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Con không mong cầu Bồ-đề, không phát nguyện Bồ-đề, không tham đắm Bồ-đề, không ưa thích Bồ-đề, không nhớ nghĩ về Bồ-đề, không phân biệt về Bồ-đề. Vì sao lại được Như Lai thọ ký?

Đức Phật bảo Thiên tử:

-Như đem cỏ, cây, thân, cành lá ném vào trong lửa mà nói: “Đừng cháy, đừng cháy! ” Nếu cho lời nói này có thể khiến các thứ ấy không cháy thì không hề có.

Này Thiên tử! Bồ-tát cũng như vậy, tuy không ưa thích, tham đắm nơi Bồ-đề, nhưng nên biết vị ấy đã được tất cả chư Phật thọ ký. Vì sao? Vì nếu Bồ-tát không vui mừng, không ưa thích, không tham chấp, không đắm nhiễm, không thủ đắc về Bồ-đề thì nhât định được chư Phật thọ ký quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lúc này, trong chúng hội có năm trăm Bồ-tát cùng bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Hôm nay chúng con không mong cầu Bồ-đề, không nguyện Bồ-đề, không ưa thích Bồ-đề, không tham đắm Bồ-đề, không nhớ nghĩ về Bồ-đề, không phân biệt về Bồ-đề. Chư vị cùng nói những lời ấy rồi, nhờ thần lực của Phật, liền được tám vạn bốn ngàn chư Phật ở phương trên thọ ký cho chư vị thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Năm trăm vị Bồ-tát lại bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Thật là điều chưa từng có, sự thuyết pháp của Như Lai thật là nhiệm mầu. Đó là Bồ-tát chẳng mong cầu, chẳng phát nguyện, chẳng tham vướng, chẳng vui mừng, chẳng thủ đắc về quả vị Bồ-đề mà lại được chư Phật thọ ký.

Bạch Thế Tôn! Chúng con hôm nay được tám vạn bốn ngàn chư Phật ở phương trến đều thọ ký cho chúng con thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.