KINH TƯ ÍCH PHẠM THIÊN SỞ VẤN

Hán dịch: Đời Dao tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 11: HÀNH ĐẠO

Bấy giờ, Pháp vương tử Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

-Bạch Thế Tôn! Như chỗ con hiểu về nghĩa lý mà Đức Phật đã giảng thuyết, nếu có người phát nguyện Bồ-đề, thì đó là tà nguyện. Vì sao? Vì mọi pháp có chỗ thủ đắc thảy đều là tà vạy. Nếu người nào cho là đạt được Bồ-đề mà phát nguyện thì mọi nơi thực hành của người ấy đều xem là tà vạy. Vì sao? Vì Bồ-đề không ở trong cõi Dục, không trụ ở cõi sắc, cũng không an trú ỡ cõi Vô sắc. Do Bồ-đề không có trú xứ nên không phát nguyện.

Bạch Thế Tôn! Ví như có người nguyện được hư không thì có đạt được hư không chăng?

Đức Phật bảo:

-Không được.

-Bạch Thế Tôn! Bồ-tát cũng vậy, phát nguyện về Bồ-đề thì tướng đồng như hư không, tức là phát nguyện như hư không. Bồ-đề vượt khỏi ba cõi, chẳng phải là tướng thọ nhận nên không thể phát nguyện. Nếu Bồ-tát dấy khởi hai tướng mà phát tâm Bồ-đề và cho rằng sinh tử khác với Bồ-đề, tà kiến khác với Bồ-đề, Niết-bàn khác với Bồ-đề, đó là chẳng thực hành đạo Bồ-đề.

Bấy giờ, Phạm thiên Tư ích nói với Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

-Bồ-tát thực hành như thế nào mới gọi là hành Bồ-đề?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Nếu Bồ-tát thực hành tất cả pháp mà đối với các pháp không có chỗ thực hành thì gọi là thực hành hạnh Bồ-đề. Vì sao? Vì ra khỏi tất cả nẻo hành thì gọi là thực hành Bồ-đề.

Phạm thiên lại hỏi:

-Thế nào là ra khỏi tất cả nẻo hành là hành Bồ-đề?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Xa rời các tướng của duyên nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thì gọi là ra khỏi tất cả nẻo hành.

Lại hỏi:

-Ra khỏi có nghĩa thế nào?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Không ra khỏi bình đẳng. Vì sao? Vì tất cả pháp bình đẳng tức là Bồ đề.

Phạm thiên hỏi:

-Thế nào là phát nguyện Bồ-đề?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Phải như Bồ-đề.

Lại hỏi:

-Thế nào là Bồ-đề?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Bồ-đề chẳng phải là quá khứ, chẳng phải là vị lai, chẳng phải là hiện tại. Vì vậy, Bồ-tát nên dùng tâm thanh tịnh nơi ba đời để phát nguyện Bồ-đề.

Này Phạm thiên! Như pháp quá khứ, hiện tại, vị lai, từ xưa đến nay thường chẳng sinh, do không sinh nên không thể nêu bày. Phát nguyện như vậy mà không có đối tượng được phát nguyện là phát tất cả nguyện. Vì sao? Vì thực hành đạo như vậy nên chứng đắc Nhất thiết chủng trí.

Phạm thiên hỏi:

-Thế nào gọi là Nhất thiết chủng trí?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Vì biết tất cả trí tuệ chân thật nên gọi là Nhất thiết chủng trí.

Lại hỏi:

-Những gì là trí tuệ chân thật?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:

-Tướng không biến đổi như tướng không biến đổi của chúng sinh, trí tuệ chân thật cũng không có tướng biến đổi.

Phạm thiên hỏi:

-Thế nào là tướng của chúng sinh?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp:

-Xa lìa hoàn toàn văn tự giả danh là tướng của chúng sinh. Tướng như vậy tức là không biến đổi. Nếu cho chúng sinh khác với Bồ-đề thì đó là biến đổi. Như tướng của Bồ-đề, tướng của chúng sinh cũng vậy, cho nên không biến đổi. Bồ-đề không thể dùng đạo khác mà chứng đắc, chỉ do sự bình đẳng của ngã nên Bồ-đề bình đẳng, tánh chúng sinh bình đẳng vô ngã, như vậy nên có thể chứng đắc Bồ-đề. Vì thế, Bồ-đề không biến đổi. Vì sao? Vì như hư không chẳng có tướng biến đổi nên tướng của tất cả các pháp cũng không biến đổi.

Bấy giờ, Phạm thiên Tư ích nói với Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

-Lời nói chân thật của Như Lai có thể giảng thuyết về pháp như vậy chăng?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:

-Như Lai đối với các pháp không có đối tượng được giảng thuyết. Vì sao? Vì Như Lai hãy còn không thủ đắc các pháp huống gì là thuyết pháp.

Phạm thiên Tư ích hỏi:

-Như Lai đã chẳng giảng nói các pháp là thế gian, là xuất thế gian, là hữu vi, là vô vi sao?

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Ý ông thế nào? Hư không ấy có thể nêu bày, có thể phân biệt được chăng?

Phạm thiên Tư ích đáp:

-Chẳng được.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi:

-Nay nói về danh tự của hư không, do nói về nó nên có sinh, có diệt sao?

Phạm thiên Tư ích đáp:

-Chẳng phải vậy.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói:

-Như Lai thuyết pháp cũng thế, chẳng do sự thuyết giảng mà các pháp có sinh, có diệt. Thuyết pháp như thế là không thể thuyết giảng về tướng, cũng do pháp này có chỗ chỉ dạy, là không có đối tượng được chỉ dạy. Vì sao? Vì như thuyết giảng về pháp tánh, không thuyết giảng về pháp tánh cũng lại như vậy. Cho nên giảng thuyết tất cả pháp an trú nơi “Như” mà “Như” đó cũng không chỗ trú.