KINH TRUNG BỔN KHỞI
(Còn một tên là Tứ Bộ Tăng – Rút ra từ bộ Trường A Hàm)
Hán dịch: Ðời Hậu Hán, Tây Vức sa môn Ðàm Quả và Khương Mạnh Tường
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN HẠ
14.- PHẨM NI KIỀN VẤN NGHI
Ðức Phật từ nước Duy Da Ly cùng với 1250 vị Tỳ kheo tăng và 1000 vị Ưu bà tắc đồng đến vườn Ba Hòa Ly, nước Na Nan Ðà. Bấy giờ nước ấy đang phụng thờ Lục sư, mê theo tà hạnh. Trong thành có một vị trưởng giả giàu có tên là A Di Bạt Ðề Phất, phụng sự Ni Kiền rất mực. Ông ta nghe đức Phật đến xứ này nhưng vẫn đến chổ Ni Kiền lễ bái như thường. Lúc ấy Ni Kiền hỏi:
– Ngươi có nghe Cù Ðàm đến đây chăng?
Thưa rằng:
– Có nghe .
Ni Kiền bảo rằng:
– Ngươi hãy đến vấn nạn Sa môn Cù đàm một việc, khiến cho ông ta sẽ nghẹn họng.
Bạt Ðề Phất hỏi:
– Một việc ấy là gì mà khiến cho ông ta phải không thể trả lời?
Ðáp rằng:
– Ngươi vấn nạn Cù Ðàm rằng: “Tôi nghe Sa môn chú nguyện cho tất cả đều được no đủ, nay lại đê tiện dẫn đại chúng đến một đất nước nghèo đói, làm phí tổn đồ ăn của mọi người. Ðiều này rất vô ích!”.
Bạt Kỳ vâng lệnh, lui ra, liền đến chỗ đức Phật, ông xem thấy thần đức, oai tướng của đức Phật vòi vọi, đệ tử của Ngài thì có pháp nghi, siêng năng, lễ độ, nên ông sanh tâm cung kính, vòng tay tiến lên vái chào rồi ngồi xuống bạch Phật:
– Con muốn hỏi một việc, mong Ngài giải thích.
Ðức Phật bảo:
– Nói đi ta nghe đây.
Bạt Ðề Phất thưa:
– Con trộm nghe Cù đàm làm lợi ích cho tất cả muôn loài, khiến cho chúng được an lạc. Nay Ngài lại dẫn đại chúng đi đến một nước nghèo đói, làm tổn giảm lương thực củ nhân dân, hao phí mà vô ích nữa.
Ðức Phật bảo Di Bạt Ðề Phạát rằng ;
– Từ 91 kiếp trở lại đây, ta chưa hề nghe nói làm phước bị tổn giảm mà vô ích cả. Nhưng ta nghe rằng: những người tôn quý giàu có là do đời trước họ là kẻ bố thí rộng lớn. Chưa từng có ai bị tổn phí lớn mà không có quả báo cả. Con người làm việc nhân nghĩa, hiện tại được xưng dương truyền tụng, đời sau được sanh lên cõi trời, khuyên làm thiện, vui thay họ có phước báo theo thân.
Ðức Phật lại bảo trưởng giả:
– Tài sản con người có tám điều nguy hại, tổn giảm mà vô ích:
1/ Bị quan thu lấy
2/ Bị kẻ đạo tặc cướp giật
3/ Bị lửa cháy mà không biết
4/ Bị nước trôi
5/ Bị oan gia trái chủ cướp giật một cách ngang ngược.
6/ Có ruộng vườn mà không khai khẩn
7/ Buôn bán mà không có lợi
8/ Bị con bất hiếu lén lấy tiêu xài một cách phung phí, vô đạo.
Tám việc như vậy rất nguy hại, khó bảo tồn. Khi tám điều tai họa này ập đến thì không có sức mạnh nào có thể ngăn cản được. Cho nên đức Như Lai vì lý do đó khuyên người bố thí, an trí nơi phước điền, hết sức kiên cố, khó di động, nước lửa hay giặc cướp không thể làm hại được. Lúc mạng chung được sanh lên cõi trời, y thực tự nhiên.
Ðức Phật bảo trưởng giả:
– Lời chơn thật chí yếu, giáo hóa sự ngu hoặc của người đời. Nếu ai không tin là tự hủy diệt căn bản của con người, phải đọa lạc vào ba đường (ác). Nếu ai có thể biết được, thay điều nghe, đổi hành động, hóa thân vô vi, chỗ hướng đến rõ ràng.
Khi ấy A Di Bạt Ðề Phất nghe đức Phật thuyết pháp trong tâm vui mừng, định tỉnh, từ tòa ngồi đứng dậy tự trình bày rằng:
– Con vì sự ngu si nên chồng chất mê hoặc, không biết bậc chánh chơn nên mới chất vấn điều phi pháp. Thật ra đó chẳng phải là ý thô lậu của con, mà là do Ni Kiền sai khiến, con phải vâng lời mà không thể từ chối. Mong đức Phật dũ lòng thương, tha thứ tội lỗi của con.
Ðức Phật bảo:
– Ngươi đã tự giác, phước ấy vô lượng.
Trưởng giả vui mừng lại bạch đức Phật:
– Tâm con mê ám khó ngộ, mong được hỏi chổ nghi ngờ.
Ðức Phật bảo:
– Muốn hỏi gì tùy ý. Nay ta sẽ vì ngươi mà phân biệt mọi việc.
Trưởng giả hỏi:
– Con thầm nghe đức Như Lai với lòng từ bình đẳng tế độ tất cả, không rõ vì sao trong giáo pháp ấy, thiên lệch không đồng. Có người thì đắc đạo, có người thì không đắc đạo. Con ôm mối nghi này đã lâu ngày. Cúi mong đức Thế tôn khai mở cho con.
Ðức Phật dạy:
– Lành thay! Câu hỏi ấy, hãy lắng nghe và nhớ thọ trì. Thí như người nông phu làm hai thửa ruộng: một thửa ruộng trên cao thì khô ráo, đất phì nhiêu, hai là thửa ruộng ở dưới ẩm thấp, đất xấu.
Vào mùa xuân, ông ta vẫn ra sức cày bừa như nhau, gieo hạt đúng thời tiết, cuốc xới, nhổ cỏ. Ðến mùa thu thì gặt hái mà cân đấu của hai thửa ruộng khác nhau.
Ðức Phật bảo trưởng giả:
– Con người lúc dụng công như nhau mà kết quả lại không đồng, chỉ vì đất dày hay mỏng mà thôi. Con người nghe pháp của ta, tín thọ phụng hành, như ý chứng đắc, thí như ruộng lúa phì nhiêu nên thâu hoạch vô số. Nay Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di đó tùy ý mà thâm nhập thần thông vô ngại. Còn người nghe lời đạo mà chống lại không tin, giống như ruộng dưới thấp, hạt giống bị ngập nước, yếu ớt không sanh, nay chính là bọn Lục sư Ni Kiền…. đó vậy.
Ðức Thế tôn lại bảo:
– Thí như có người đem hai bình đi lấy nước, một bình thì nguyên vẹn, còn một bình thì bị thủng. Ðến lúc đựng nước thì bình nguyên vẹn luôn luôn đầy, còn bình thủng thì bị chảy hết. Người nghe đạo giáo mà siêng tu tinh tấn, thờ giới không phạm, giữ gìn thân, miệng, giống như cái bình chứa nguyên vẹn, chứa nước rất tốt. Còn người nghe đạo pháp, không thọ trì, không tin, lại còn hủy báng, quên mất cội gốc con người, lại trở vào ác đạo, giống như cái bình lủng chảy, không thể chứa đầy.
Ðức Phật bảo trưởng giả:
– Nhờ thiện hạnh đời trước, nay mới được gặp Phật. Tuy được giàu có, tôn quý mà không tin đạo, giống như hoa nở loạn xạ sẽ rơi rụng mà không thành trái được.
Lúc ấy trưởng giả A Bạt Ðề Phất, tâm vui mừng, khen là hay, lời chơn cảm thần, đã nói lời chí thành, liền phát đạo ý Vô thượng chánh chơn, thọ giới rồi thối lui.
Tất cả mọi người trong nước đều phát tâm đạo. Tà thuật của Lục sư thảy đều hủy bỏ. Trời, người, rồng, quỷ được tuyên dương, rực sáng tiếng chánh pháp.