KINH TƯ ÍCH PHẠM THIÊN SỞ VẤN
Hán dịch: Đời Dao tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Quy Tư
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 4
Phẩm 14: ĐẲNG HÀNH
Bấy giờ, trong chúng hội có vị Thiên tử tên là Bất Thoái Chuyển, thưa Phật:
-Bạch Thế Tôn! Ngài đã thuyết giảng về Tùy pháp hành. Vậy thì ý nghĩa của Tùy pháp hành là thế nào?
Đức Phật bảo Thiên tử:
-Tùy pháp hành là không hành nơi tất cả các pháp. Vì sao? Nếu không hành nơi tất cả các pháp thì không phân biệt là chính hay tà. Hành như vậy thì không hành pháp thiện, không hành pháp bất thiện, không hành pháp hữu lậu, không hành pháp vô lậu, không hành pháp thế gian, không hành pháp xuất thế gian, không hành pháp hữu vi, không hành pháp vô vi, không hành pháp sinh tử, không hành pháp Niết-bàn. Đó gọi là Tùy pháp hành. Nếu dấy khởi tưởng nơi các pháp thì không gọi là Tùy pháp hành. Nếu nghĩ rằng ta thực hành pháp này thì đó là hý luận, chẳng phải là Tùy pháp hành. Nếu không lãnh thọ nơi tất cả pháp tức là Tùy pháp hành. Đối với hết thảy các pháp không nhớ nghĩ, không phân biệt, không có đối tượng để hành, đó gọi là Tùy pháp hành.
Thiên tử Bất Thoái Chuyển thưa Phật:
-Bạch Thế Tôn! Nếu người có thể hành theo Tùy pháp hành như thế thì người đó hoàn toàn không rơi vào hành tà vạy. Vì sao? Vì người hành chân chánh gọi là hoàn toàn, rốt ráo. Người trú ở tà đạo thì không theo Tùy pháp hành. Người an trú vào chánh đạo thì hành theo Tùy pháp hành.
Bạch Thế Tôn! Người hành chánh hạnh thì không có pháp tà. Vì sao? Vì các pháp đều bình đẳng, khổng có sai khác.
Lúc này, Phạm thiên Tư ích nói với Thiên tử Bất Thoái Chuyển:
-Nhân giả đang hành theo pháp Tùy pháp hành ấy chăng?
Thiên tử Bất Thoái Chuyển đáp:
-Nếu trong pháp của Thế Tôn giảng nói có hai tướng thì tôi sẽ hành theo Tùy pháp hành. Nay do không có hai tướng tức là Tùy pháp hành, nên trong ấy người hành và pháp được thực hành đều không thể thủ đắc.
Thưa Phạm thiên! Tôi dùng pháp bất nhị để hành theo Tùy pháp hành, xa lìa các phân biệt, nên đúng như các pháp mà hành. Đó gọi là Tùy pháp hành.
Phạm thiên Tư ích hỏi:
-Nhân giả chưa từng thấy cõi Phật này sao?
Thiên tử đáp:
-Cõi Phật này cũng chưa từng thấy tôi.
Phạm thiên Tư ích nói:
-Cõi Phật này không thể tư duy, phân biệt về thấy và chẳng thấy.
Thiên tử nói:
-Tôi cũng chẳng tự tư duy, phân biệt là đã từng ở trong cõi Phật để thấy và chẳng thấy.
Phạm thiên Tư ích hỏi:
-Người nào chưa từng thấy mà có thể thấy?
Thiên tử đáp:
-Tất cả phàm phu chưa từng thấy Pháp vị của bậc Thánh. Nếu người nào có thể hội nhập vào đó thì trước kia chưa từng thấy, nay sẽ thấy được. Nhưng tướng của Pháp vị đó chẳng phải là mắt có thể thấy, chẳng phải là tai, mũi, lưỡi, thân, ý có thể biết được. Chúng chỉ ứng hợp với tướng như của nhận thức. Tướng như của nhãn thức cho đến tướng như của ý thức, tướng như của pháp vị cũng như vậy. Nếu người có thể nhận thấy như thế thì gọi là Chánh kiến.