KINH KHỞI THẾ NHÂN BỔN
Hán dịch: Sa-môn Đạt-ma-cấp-đa, người Thiên Trúc, đời Tùy
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

PHẨM 11: TRỤ THẾ

Chư Tỳ-kheo, trong thế gian, có bốn cái vô lượng chẳng thể lường được, chẳng thể cân được, chẳng thể nghĩ bàn được. Hoặc trời, hoặc người, những vị toán số trong đời, muốn nắm được số lượng ấy là bao nhiêu năm, bao nhiêu trăm năm, bao nhiêu ngàn năm, bao nhiêu trăm ngàn năm, bao nhiêu ức năm, bao nhiêu trăm ức năm, bao nhiêu ngàn ức năm, bao nhiêu trăm ngàn ức năm, cũng không bao giờ được. Bốn điều ấy là gì

Chư Tỳ-kheo, đó là sự tồn tại của thế giới. Điều này chẳng thể tính toán mà biết được là bao nhiêu năm, bao nhiêu trăm năm, bao nhiêu ngàn năm, bao nhiêu trăm ngàn năm, bao nhiêu ức năm, bao nhiêu trăm ức năm, bao nhiêu ngàn ức năm, bao nhiêu trăm ngàn ức năm.

Chư Tỳ-kheo, sự hoại diệt của thế giới sau khi tồn tại cũng chẳng thể tính đếm mà biết được là bao nhiêu năm, bao nhiêu trăm năm, bao nhiêu ngàn năm, bao nhiêu trăm ngàn năm, bao nhiêu ức năm, bao nhiêu trăm ức năm, bao nhiêu ngàn ức năm, bao nhiêu trăm ngàn ức năm.

Chư Tỳ-kheo, sự hình thành của thế giới sau khi hoại diệt, điều này cũng chẳng thể tính toán mà biết được là bao nhiêu năm, bao nhiêu trăm năm, bao nhiêu ngàn năm, bao nhiêu trăm ngàn năm, bao nhiêu ức năm, bao nhiêu trăm ức năm, bao nhiêu ngàn ức năm, bao nhiêu trăm ngàn ức năm.

Chư Tỳ-kheo, thế giới tồn tại sau khi hình thành, điều này cũng chẳng thể tính đếm mà biết được là bao nhiêu năm, bao nhiêu trăm năm, bao nhiêu trăm ngàn năm, bao nhiêu ức năm, bao nhiêu trăm ức năm, bao nhiêu ngàn ức năm, bao nhiêu trăm ngàn ức năm.

Chư Tỳ-kheo, đây gọi là bốn thứ vô lượng, chẳng thể lường được, chẳng thể cân được, chẳng thể nghĩ bàn được, chẳng thể tính đếm được, hoặc trời hoặc người, không có ai tính đếm mà có thể biết được là bao nhiêu trăm ngàn vạn năm, bao nhiêu trăm ngàn vạn ức năm.

Chư Tỳ-kheo, ở phương Đông cõi này, có các thế giới chuyển biến trụ và hoại, không có thời gian ngừng nghỉ; hoặc có thế giới chuyển thành, chuyển trụ, chuyển hoại.

Chư Tỳ-kheo, phương Nam, Tây Bắc, việc chuyển thành, chuyển trụ, chuyển hoại, cũng lại như vậy.

Chư Tỳ-kheo, thí như bánh xe có năm bộ phận, trừ trục ra, xoay chuyển không ngừng, không có thời gian tạm nghỉ, nói lược như trên. Lại như cơn mưa mùa hạ, hạt mưa to, nối nhau rơi xuống không có gián đoạn. Cũng như phương Đông, sự chuyển thành, trụ, hoại của các phương Nam, Tây, Bắc không có lúc dừng nghỉ, cũng lại như thế.

Chư Tỳ-kheo, ở trong khoảng thời gian ấy, lại có ba tai họa. Ba họa ấy là gì? Một là tai họa về lửa, hai là tai họa về nước, ba là tai họa về gió. Trong thời gian bị tai họa về lửa, chư Thiên Quang âm khỏi bị tai họa ấy; thời kỳ tai họa về nước, chư Thiên Biến tịnh khỏi bị tai họa ấy. Thời kỳ tai họa về gió, chư Thiên Quảng quả khỏi bị tai họa ấy. Thế nào là tai họa về lửa? Chư Tỳ-kheo, thời kỳ tai họa về lửa, các chúng sanh có làm việc lành, nói năng như pháp, thành tựu chánh kiến không có điên đảo, thực hiện đầy đủ mười nghiệp thiện, đắc tầng thiền thứ hai Vô giác quán mà không dụng công tu, tự nhiên chứng đắc. Bấy giờ bọn chúng sanh ấy dùng sức thần thông, trụ trên hư không, trụ các cõi tiên, trụ các cõi trời, trụ cõi phạm hạnh. Trụ như vậy rồi, họ hưởng thọ cái vui Vô giác quán của tầng thiền thứ hai, chứng biết như vậy, thành tựu đầy đủ, thân hoại liền sanh cõi trời Quang âm. Chúng sanh cõi Địa ngục, chúng sanh cõi Súc sanh, cõi Diêm-ma-la, cõi A-tu-la, cõi Tứ thiên vương, trời Tam thập tam, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại và trời Ma thân cho đến Phạm thế, các chúng sanh sanh vào Nhân gian đều thành tựu Vô giác vô quán, chứng biết an lạc. Khi thân hoại, liền sanh cõi trời Quang âm. Tất cả sáu đường đều chấm dứt. Đó gọi là thế gian chuyển tận.

Chư Tỳ-kheo, thế nào gọi là thế gian trụ rồi chuyển hoại?

Chư Tỳ-kheo, vào thuở đó, thời gian lâu xa vô lượng, thiên hạ hạn hán, không mưa. Tất cả cỏ cây đều khô cháy chẳng mọc lại. Thí như cỏ lau cắt khi còn non, không có nước mưa, khô cháy mục nát, không thể mọc lại. Cũng như vậy, chư Tỳ-kheo, trời lâu không mưa, tất cả cỏ cây đều khô cháy.

Chư Tỳ-kheo, tất cả các hành cũng vậy, vô thường, chẳng tồn tại lâu dài, không bền chắc, không tự tại, là pháp phá hoại, nên chán bỏ, nên cầu giải thoát.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, vào thời ấy, có gió lớn Ca-lê-ca thổi tám vạn bốn ngàn do-tuần nước biển lớn giạt ra, rồi ở dưới liền xuất hiện cung điện mặt trời, thổi mặt trời lên khỏi biển đặt ở lưng chừng núi chúa Tu-di-lưu, cách bốn vạn hai ngàn do-tuần, trong quỹ đạo mặt trời.

Chư Tỳ-kheo, đây gọi là mặt trời thứ hai xuất hiện ở thế gian. Các ao, hồ, sông, ngòi nhỏ, tất cả đều khô cạn, không còn cái nào.

Chư Tỳ-kheo, tất cả các hành đều vô thường… nói lược như trên… cầu thoát khỏi.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo,… nói lược như trên… gió lớn thổi nước biển, xuất hiện cung điện mặt trời, đặt ở quỹ đạo mặt trời. Đó là mặt trời thứ ba xuất hiện ở thế gian. Tất cả các ao lớn, hồ lớn, sông lớn và vô số tất cả sông lớn đề khô cạn, không còn cái nào. Các hành cũng vậy… Và như thế, mặt trời thứ tư xuất hiện ở thế gian, các sông và ao hồ lớn như ao lớn Thiện hiện, ao lớn A-na-bà-đạt-đa, ao lớn Mạn- đà-kỳ-ni, ao lớn Xà mãn thảy đều khô cạn, không còn cái nào. Các hành cũng thế… Và  cũng như thế, mặt trời thứ năm xuất hiện ở thế gian, nước biển lớn dần dần khô cạn, lúc đầu độ vơi bằng mắt cá, rồi vơi dần cho đến độ vơi bằng tới đầu gối, rồi vơi nữa cho đến nửa thân, rồi một thân, rồi hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy thân… rồi vơi đến khô cạn.

Chư Tỳ-kheo, lúc năm mặt trời xuất hiện, nước biển lớn vơi dần… từ nửa cây Đa-la, cho đến một cây Đa-la, hoặc hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy cây Đa-la,… vơi đến nửa câu-lô-xá, hoặc một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy câu-lô-xá, cho đến vơi nửa do-tuần, hoặc hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy do-tuần, cho đến một trăm do-tuần, hoặc hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy trăm do-tuần…

Chư Tỳ-kheo, lúc mặt trời xuất hiện, nước biển lớn vơi một ngàn do-tuần, cho đến hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngàn do-tuần…

Chư Tỳ-kheo, lúc mặt trời xuất hiện ở thế gian, nước biển lớn vơi cho đến lúc còn lại bảy ngàn do-tuần, hoặc xuống còn sáu, năm, bốn, ba, hai, một ngàn do-tuần. Cứ như vậy cho đến lúc mực nước còn lại bảy trăm do-tuần, hoặc xuống còn sáu, năm, bốn, ba, hai, một trăm do-tuần, hoặc mực nước còn bảy do-tuần, hoặc còn lại sáu, năm, bốn, ba, hai, một do-tuần. Rồi mặt nước vơi dần, còn lại bảy câu-lô-xá, cho đến mực nước còn lại cho đến sáu, năm, bốn, ba, hai, một câu-lô-xá.

Chư Tỳ-kheo, trong thời kỳ năm mặt trời xuất hiện ở thế gian, nước biển lớn kia, sâu còn bảy cây Đa-la, hoặc còn lại sáu, năm, bốn, ba, hai, một cây Đa-la; hoặc mức nước còn lại độ sâu bằng bảy người, hoặc mức nước còn lại sáu, năm, bốn, ba, hai, một người, hoặc nửa người, hoặc đến đầu gối, cho đến mắt cá. Lại trong thời kỳ năm mặt trời, nước trong biển lớn còn sót lại chút ít như chút ít nước trong dấu chân trâu khi mưa thu không khác. Thời kỳ năm mặt trời, nước trong biển lớn kia cũng lại như thế.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, trong thời kỳ năm mặt trời, trong biển lớn kia, ở tất cả nơi, cho đến nước bùn cũng không còn.

Chư Tỳ-kheo, tất cả các hành cũng lại như thế, vô thường không dài lâu, tạm thời thoáng chốc…nói lược cho đến, đáng nhàm chán, đáng xa lìa, nên cầu ra khỏi.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo,…nói lược như trên, cho đến khi sáu mặt trời xuất hiện ở thế gian, bốn châu lớn và tám vạn bốn ngàn châu nhỏ, các núi lớn, núi chúa Tu-di-lưu, thảy đều bốc khói, bốc mãi bốc mãi, giống như người thợ gốm khi muốn nung đồ đất; trên đồ đất, ngọn lửa cùng lúc phát khởi, lửa đó rất mạnh, phủ kín khắp cả. Bốn châu lớn và các núi bốc khói mãnh liệt, cũng lại như thế,… nói lược cho đến các hành vô thường, nên cầu ra khỏi.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, lược nói như trên, khi bảy mặt trời xuất hiện, bốn châu lớn và tám vạn bốn ngàn châu nhỏ, các núi lớn khác và núi chúa Tu-di-lưu thảy đều cháy trụi, nước mạch dưới đất cũng đều khô cạn; địa đại đã hết thì phong đại cũng hết. Khi hỏa đại bốc cháy như thế, phần trên núi chúa Tu-di-lưu bảy trăm do-tuần, ngọn núi ngã đổ; ngọn lửa ấy bốc cháy, gió thổi thiêu cháy cung điện Phạm thiên, cho đến trời Quang âm. Trong đó có các Thiên tử sanh sau ở dưới cung điện Quang âm chẳng biết kiếp thế gian chuyển hoại, chuyển thành và chuyển trụ nên sanh sợ hãi, kinh khiếp run rẩy, nói với nhau: “Chẳng lâu nữa ngọn lửa sẽ thiêu đốt các cung điện Quang âm”. Khi ấy các Thiên tử ở tại cõi trời Quang âm từ trước biết rõ sự hoại, thành, trụ của kiếp thế gian, trấn an các Thiên tử hậu sanh: “Quý vị đừng sợ, đừng sợ! Vì sao? Này quý vị, khi xưa có ngọn lửa đỏ cũng đến nơi ấy”. Khi đó các Thiên tử nghe lời ấy rồi, liền nhớ lại ánh sáng thuở xưa, nhớ nghĩ rằng ánh sáng kia chẳng lìa tâm, cho nên có tên là Quang thiên. Lửa kia như thế, bùng cháy rất lớn, rực đỏ mãnh liệt, thiêu đốt thành tro bụi, chẳng còn lại gì; nên biết phân biệt như thế.

Chư Tỳ-kheo, các hành cũng thế, nói lược… cho đến nên cầu thoát khỏi.

Chư Tỳ-kheo, thế gian hoại rồi lại thành như thế nào?

Chư Tỳ-kheo, vào thuở ấy, lâu xa vô cùng, thời gian chẳng thể tính đếm, mây ùn ùn nổi lên cho đến che khắp cả thế giới Phạm thiên. Che như thế rồi, mưa lớn trút xuống, hạt mưa rất to, giống như trục bánh xe, hoặc như cái chày, trải qua nhiều năm, trăm ngàn vạn năm, khối nước mưa kia dần dần tăng lên cho đến thế giới Phạm thiên thì dừng lại, nước ấy đầy khắp. Khối nước ấy có bốn luồng gió giữ lại. Những gì là bốn? Một là trụ, hai là an trụ, ba là bất đọa, bốn là lao chủ. Sau khi cơn mưa chấm dứt, bấy giờ khối nước ấy tự hạ xuống vô lượng trăm ngàn do-tuần. Vào lúc ấy, bốn phương cùng lúc, có bốn ngọn gió lớn thổi lên. Gió ấy tên là A-na-tỳ-la, thổi khối nước kia làm ba đào nổi dậy cuồn cuộn không dừng; ở giữa tự nhiên sanh ra khối bọt, nhưng bọt ấy bị ngọn gió lớn A-na-tỳ-la thổi ném lên trên không, tạo ra các cung điện đẹp đẽ khả ái bằng bảy báu xen lẫn, đó là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, hồng ngọc, xa cừ, mã não…

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên ấy, chư Thiên Phạm thân có cung điện với các tường vách xuất sanh ở thế gian.

Chư Tỳ-kheo, tạo như thế rồi, khi ấy, khối nước kia liền hạ xuống vô lượng trăm ngàn vạn do-tuần… nói lược như trên, gió bốn phương nổi dậy, tên là gió lớn A-na-tỳ-la, thổi ném khối bọt thành cung điện tên là Ma thiên thân; tường vách chỗ ở như trời Phạm thân, không khác, chỉ có màu sắc, báu vật, tinh diệu sai khác chút ít. Cứ như thế, tạo tác cung điện tường vách chư Thiên Tha hóa tự tại, chư Thiên Hóa lạc. Kế đến, tạo tác cung điện chư Thiên Đâu-suất-đà, tiếp là cung điện chư Thiên Dạ-ma. Cứ như vậy, theo thứ tự xuất hiện đầy đủ đều giống như chư Thiên Phạm thân.

Chư Tỳ-kheo, khi ấy khối nước kia dần dần hạ xuống vô lượng trăm ngàn vạn do-tuần, nhỏ lại dần, rồi dừng lại. Từ khối nước ấy, quanh bốn phía, tự nhiên nổi bọt, dừng trên mặt nước, dày sáu mươi tám trăm ngàn do-tuần, rộng vô cùng. Giống như trong ao suối và đầm hồ, khắp bốn phía, có bọt nổi lên phủ trên mặt nước, đứng yên.

Cũng như thế, chư Tỳ-kheo, trong khối nước kia, khắp bốn phía, bọt nước nổi lên, đứng yên, dày sáu mươi tám trăm ngàn do-tuần, rộng vô lượng, cũng lại như thế.

Chư Tỳ-kheo, khi ấy, gió lớn A-na-tỳ-la kia thổi bọt nước ấy liền tạo thành hình dáng núi chúa Tu-di-lưu, kế đến tạo thành quách, nhiều màu đẹp đẽ, do bốn báu tạo thành, đó là các loại báu vi diệu vàng, bạc, lưu ly, pha lê …

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên ấy, thế gian này mới có núi chúa Tu-di-lưu xuất hiện như vậy.

Chư Tỳ-kheo, lại vào lúc ấy, gió lớn Tỳ-la thổi bọt nước kia lên phần trên núi chúa Tu-di-lưu, bốn phía tạo thành tất cả ngọn núi, mỗi ngọn cao bảy trăm do-tuần, nhiều màu đẹp đẽ, bảy báu tạo thành, đó là các loại báu xa cừ, mã não… do nhân duyên ấy, thế gian xuất hiện các ngọn núi cao. Cứ như thế, ngọn gió kia, tiếp đến thổi bọt nước, tạo tác cung điện cho chúng chư Thiên tam thập tam. Kế đến, phía Đông, Tây, Nam, Bắc ở lưng chừng núi chúa Tu-di-lưu, cách bốn vạn hai ngàn do-tuần, tạo tác các cung điện cho bốn Đại thiên vương, dựng thành, tường vách nhiều màu bằng bảy báu, đẹp đẽ khả ái. Tạo dựng như vậy xong rồi, bấy giờ ngọn núi kia lại thổi bọt nước tới nửa sườn núi chúa Tu-di-lưu, cách bốn vạn bốn ngàn dotuần, tạo thành cung điện lớn cho Nguyệt thiên tử, nhiều màu bằng  bảy báu, hoàn hảo trang nghiêm. Tạo tác như thế rồi, gió kia lại thổi bọt bảy ngày tạo cung điện thành quách, lầu gác cho Nhật thiên tử, nhiều màu bằng bảy báu, vạn phần đẹp đẽ. Do nhân duyên ấy, thế gian mới có bảy cung điện mặt trời hiện diện.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, ngọn gió kia thổi khối nước ấy lên núi chúa Tu-di-lưu, tạo ba thành quách đẹp đẽ, nhiều màu bằng bảy báu, cho đến… đó là xa cừ, mã não… do đó có thành quách xuất hiện ở thế gian.

Chư Tỳ-kheo, khi ấy, ngọn gió lớn A-na-tỳ-la, kế đến thổi bọt nước đến trên mặt biển cao một vạn do-tuần, tạo cung điện thành quách pha lê cho các Dạ-xoa hư không.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên ấy, thế gian mới có cung điện thành quách Dạ-xoa hư không xuất hiện như thế.

Chư Tỳ-kheo, khi đó ngọn gió lớn A-na-tỳ-la, tiếp theo, thổi bọt nước đến phía Đông, Tây, Nam, Bắc núi chúa Tu-di-lưu, mỗi bên cách núi một ngàn do-tuần, ở dưới biển lớn, tạo ra thành quách A-tu-la ở bốn phía, nhiều màu bằng bảy báu, đẹp đẽ khả ái. Do đó thế gian mới có thành quách A-tu-la ở bốn phía xuất hiện như thế.

Lại nữa, gió lớn A-na-tỳ-la thổi khối bọt nước kia đặt một nơi bên ngoài núi chúa Tu-di-lưu, tạo một núi khác tên là Khư-đề-la-ca. Núi ấy cao rộng mỗi mặt đều bốn vạn hai ngàn do-tuần, nhiều màu bằng bảy báu, hoàn hảo trang nghiêm, đẹp đẽ khả quan.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên ấy, thế gian mới có núi Khư-đề-la-ca xuất hiện như thế.

Lại nữa, ngọn gió lớn A-na-tỳ-la thổi bọt nước ấy ra ngoài núi Khư-đề-la-ca, đặt ở một chỗ, tạo một núi tên là Y-sa-đà-la. Núi ấy cao, rộng mỗi chiều hai vạn một ngàn do-tuần, nhiều màu khả ái, do bảy báu là xa cừ mã não… tạo thành.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên đó nên thế gian mới có núi Y-sa-đà-la xuất hiện như thế.

Lại nữa, ngọn gió lớn A-na-tỳ-la thổi bọt nước kia ném ở ngoài núi Y-sa-đà-la, ngay nơi ấy tạo một núi tên là Do-càn-đà-la. Núi ấy cao, rộng mỗi chiều một vạn hai ngàn do-tuần, nhiều màu khả ái. Cho đến được tạo thành bằng bảy báu như xa cừ, mã não…

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên ấy, thế gian mới có tên núi chúa Do-càn-đà-la xuất hiện. Cứ như thế, tiếp đến tạo núi Thiện hiện, cao rộng bằng nhau sáu ngàn do-tuần; tiếp theo, tạo núi Mã phiến đầu, cao rộng bằng nhau ba ngàn do-tuần. Lại tạo núi Vi-dân-đà-la, cao rộng một ngàn hai trăm do-tuần. Tiếp đến, tạo núi Tỳ-na-da-ca, cao rộng bằng nhau sáu trăm do-tuần. Kế đến, tạo núi Luân viên, cao rộng bằng nhau ba trăm do-tuần, nhiều màu khả ái, đó là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, hồng ngọc, xa cừ, mã não… là bảy báu tạo thành, nói đủ như trên, như sự tạo tác núi Khư-đề-la-ca không khác.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên ấy, thế gian mới có núi Luân viên xuất hiện.

Lại nữa, ngọn gió lớn A-na-tỳ-la thổi bọt nước ấy tan ra, đặt ngoài bốn phía núi Luân viên, làm thành bốn châu lớn và tám vạn châu nhỏ; các núi lớn…theo thứ tự xuất hiện.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên ấy, thế gian mới có bốn châu lớn và tám vạn châu nhỏ, và núi lớn, theo thứ tự xuất hiện.

Lại nữa, ngọn gió lớn A-na-tỳ-la thổi bọt nước kia đặt ngoài bốn châu lớn, và tám vạn châu nhỏ, núi chúa Tu-di-lưu và các núi lớn khác, đứng yên một chỗ, gọi là núi Đại luân viên, cao rộng bằng nhau, sáu trăm tám mươi vạn do-tuần, thật vững chắc, do kim cương tạo thành, khó hư hoại.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên ấy, núi Đại luân viên xuất hiện ở thế gian.

Lại nữa, ngọn gió lớn A-na-tỳ-la thổi xoáy đại địa, dần dần sâu xuống, ngay tại chỗ ấy, khối nước lớn, bỗng nhiên dồn lại.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên đó, trong thế gian mới có biển lớn như thế xuất hiện. Lại vì nhân duyên gì nước biển lớn mặn không dùng trong ăn uống được?

Chư Tỳ-kheo, điều này có ba duyên. Những gì là ba? Một là từ sau trận hỏa tai, trong thời gian lâu xa vô lượng, có đám mây lớn dày đặc nổi lên, đứng yên che kín cho đến Phạm thiên. Rồi sau đó mưa xuống, hạt mưa to, nói đủ như trên. Nước mưa lớn ấy tẩy rửa các cung điện của trời Phạm thân, rồi kế đến rửa cung điện của chư Thiên Ma thân, cung điện chư Thiên Tha hóa tự tại, cung điện Dạ- ma, rửa đi rửa lại, rửa mãi như thế. Khi rửa những cung điện ấy, các vị mặn, cay, đắng đều chảy xuống hết. Kế đến rửa thân núi chúa Tudi-lưu và bốn châu lớn, tám vạn châu nhỏ, các núi lớn khác và núi Luân viên… Khi tẩy rửa như thế, nước chảy rửa thấm những vị mặn, đắng, cay có ở trong đó nhất thời đều chảy xuống, rơi vào trong biển.

Chư Tỳ-kheo, đây là nhân duyên thứ nhất, khiến nước biển lớn mặn không uống được.

Lại nữa, nước biển lớn là chỗ cư trú của các đại thần, chúng sanh có thân to lớn. Những chúng sanh nào có thân to lớn? Đó là cá, ba ba, ểnh ương, cá rái, rồng có sừng, cung-tỳ-la-đê-ma-da-đê-mị-dila-đê, mị-đâu-la-đâu-la-kỳ-la… Trong số đó có loài thân một trăm do-tuần, hoặc có loài hai trăm, ba, bốn, năm, sáu, bảy trăm do-tuần; thân lớn như thế, ở tại trong biển; các loại phân tiểu của chúng lưu xuất đều ở trong biển. Do nhân duyên ấy, nước biển mặn đắng, không uống được.

Chư Tỳ-kheo, đây là nhân duyên thứ hai làm cho nước biển mặn đắng.

Lại nữa, nước biển lớn, thuở xưa bị các tiên nhơn chú nguyện. Tiên nhơn chú nguyện rằng: “Nguyện cho ngươi thành vị mặn, chẳng thể uống được!”

Chư Tỳ-kheo, đây là nhân duyên thứ ba khiến nước biển lớn mặn không uống được.

Lại nữa, do nhân duyên gì mà sự nóng bức thiêu đốt thế gian xuất hiện?

Chư Tỳ-kheo, nếu thế giới này, khi kiếp sơ chuyển biến, thì vào thời kỳ ấy, ngọn gió lớn A-na-tỳ-la dồn lại thổi sáu thành quách cung điện mặt trời đặt vào dưới nước biển lớn; chỗ đặt mặt trời ấy, khối nước lớn ngay chỗ ấy đều tiêu hết, chẳng chảy đâu được.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên ấy thế gian mới có sức nóng thiêu đốt xuất hiện. Đó gọi là thế gian chuyển hoại rồi trụ.

Lại nữa, thế nào gọi là thế gian chuyển hoại rồi thành trụ?

Chư Tỳ-kheo, thí như hiện nay thế gian thành rồi, trụ lập như vậy, có hỏa tai, ở trong đó, tại sao lại có thủy tai?

Chư Tỳ-kheo, trong thời kỳ kiếp thủy tai, loài người hành như pháp, nói lời như pháp, thành tựu chánh kiến, không có điên đảo, giữ mười hạnh lành. Các người ấy thường đắc tầng thiền thứ ba là Vô hỷ mà chẳng nhọc công sức, không có mệt mỏi, tự nhiên chứng đắc. Khi ấy các chúng sanh kia được trụ trong đạo phạm hạnh của chư Thiên, chư Tiên trên hư không; được trụ trong ấy rồi, đắc “ly hỷ khoái lạc”, liền tự nói: “Chư vị, thật vui sướng! Tầng thiền thứ ba này vui sướng như thế”. Bấy giờ các chúng sanh ở nơi ấy đồng hỏi chúng sanh đắc thiền kia. Bọn họ đáp: “Lành thay, chư vị, đây là tầng thiền thứ ba là Vô hỷ, nên biết như thế”. Các chúng sanh ấy biết đã thành tựu tầng thiền thứ ba là Vô hỷ như vậy; thành tựu rồi chứng, chứng rồi tư duy; tư duy rồi an trú; khi thân hoại mạng chung, sanh lên cõi trời Biến tịnh. Như vậy, chúng sanh từ dưới địa ngục, trong cõi Diêm-la, trong cõi A-tu-la, trời Tứ thiên vương lên đến trời Phạm thế, và các chúng sanh từ trời Quang âm trở xuống, ở tất cả nơi, tất cả cõi đều dứt hết.

Chư Tỳ-kheo, như vậy gọi là thế chuyển.

Lại nữa, thế nào gọi là thế gian chuyển rồi hoại?

Chư Tỳ-kheo, có một thuở, thời gian lâu xa vô lượng, mây giăng cùng khắp cho đến chư Thiên Quang âm, rồi mưa nước tro nóng xuống, trải vô lượng năm… nói lược… cho đến trăm ngàn ức năm.

Chư Tỳ-kheo, nước tro nóng ấy, lúc mưa xuống, các cung điện trên trời Quang âm đều tiêu rụi hết, không còn hình bóng vi trần có thể biết được. Thí như lấy váng sữa, kem sữa… bỏ vào trong lửa, cháy tiêu hết, không còn hình dạng để có thể nghiệm biết được, cũng như thế. Loại nước tro nóng kia khi mưa xuống làm tiêu cáccung điện của chư Thiên Quang âm, cũng lại như thế, không còn hình dáng có thể biết.

Chư Tỳ-kheo, các hành vô thường, phá hoại ly tán, lưu chuyển tiêu diệt, chỉ trong khoảnh khắc, cũng lại như vậy, đáng chán, đáng sợ, nên cầu thoát khỏi.

Chư Tỳ-kheo, cũng vậy, các cung điện của chư Thiên Phạm thân, Ma thân, Hóa lạc, Tha hóa tự tại, Đâu-suất, Dạ-ma đều bị mưa tro nóng tiêu diệt, nói lược như trên, giống như váng sữa bỏ vào lửa cháy tiêu mất dạng, không còn hình tướng, cũng lại như vậy… cho đến tất cả các hành vô thường, nên cầu thoát ly.

Chư Tỳ-kheo, nước tro nóng ấy khi mưa xuống bốn châu lớn, tám vạn châu nhỏ, các núi khác, núi Tu-di-lưu, đều tiêu hủy hết, không còn hình tướng để có thể ghi nhận được, nói đủ như trên, phải nên nhàm chán. Sự biến đổi như thế chỉ có người chứng kiến mới tinthôi. Đó gọi là thế gian chuyển trụ rồi chuyển hoại. Lại nữa, thế nào gọi là chuyển hoại rồi thành?

Chư Tỳ-kheo, vào thuở ấy, mây nổi lên, mưa lớn xuống, trải qua nhiều năm, nổi gió thổi bọt nước lên tạo cung điện chư Thiên, nói đủ như sự việc của hỏa tai… cho đến như vậy là thủy tai. Lại nữa, thế nào là phong tai?

Chư Tỳ-kheo, trong thời kỳ phong tai, các chúng sanh tu hành như pháp, thành tựu chánh niệm, sanh vào tầng thiền thứ tư, trời Quảng quả. Chúng sanh ở địa ngục bỏ thân, trở lại nhân gian, tu hạnh thanh tịnh, thành tựu Tứ thiền. Cũng giống như thế, loài Súc sanh, cõi Diêm-ma, cõi A-tu-la, trời Tứ thiên vương, trời Tam thập tam, Dạ-ma, Đâu-suất, Hóa lạc, Tha hóa và Ma thân, Phạm thế, Quang âm, Biến tịnh, Thiểu quang… thành tựu Tứ thiền, nói đủ như trước.

Chư Tỳ-kheo, đó gọi là thế gian chuyển thành. Thế nào là chuyển hoại?

Chư Tỳ-kheo, vào thuở nọ, thời gian lâu xa vô lượng, có gió lớn nổi lên; gió lớn ấy gọi là Tăng-già-đa (dịch là Hòa hiệp).

Chư Tỳ-kheo, gió Hòa hiệp ấy thổi cung điện chư Thiên Biến tịnh, làm cho chúng va chạm nhau mà hoại diệt, không còn hình dạng có thể nhận biết. Thí như tráng sĩ nắm hai dụng cụ bằng đồng ở trong hai tay cọ xát nhau phá hủy hoại diệt, không còn hình dạng có thể biết được, gió hòa hiệp kia thổi cung điện trời Biến tịnh ma xát, hoại diệt, cũng giống như vậy.

Chư Tỳ-kheo, tất cả các hành đều vô thường, hoại diệt, giây lát, không dài lâu… cho đến đáng chán, nên cầu thoát khỏi. Lần lượt như thế, thổi cung điện chư Thiên Quang âm, thổi cung điện trời Phạm thân, cung điện chư Thiên Ma thân, Tha hóa tự tại, Hóa lạc, Dạ-ma, đụng nhau, va nhau, cọ nhau, diệt nhau, không còn hình, không còn tướng, không còn bóng, không còn mảy bụi, để có thể thấy dạng.

Chư Tỳ-kheo, tất cả các hành, cũng giống như thế, hư hoại không bền, không có chân thật, phải nên nhàm chán xa lìa, sớm cầu thoát khỏi.

Chư Tỳ-kheo, gió lớn Tăng-già-đa kia thổi bốn châu lớn, tám vạn châu nhỏ và các núi lớn, núi chúa Tu-di-lưu, nhấc bổng lên một câu-lô-xá, rồi phân tán, hoại diệt; hoặc cao hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy câu-lô-xá, rồi phân tán hoại diệt; hoặc thổi nhấc cao một do-tuần, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy do-tuần, hoặc thổi nhấc cao trăm do-tuần, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy trăm do-tuần, rồi phân tán hoại diệt; hoặc thổi nhấc cao một ngàn do-tuần, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngàn do-tuần; hoặc lại nhấc cao trăm ngàn do-tuần rồi phân tán phá hoại. Như thế, gió ấy thổi phá hủy tan hoại không còn hình, không còn dáng, không còn lại hạt vi trần nào để có thể biết được. Thí như có một người đàn ông khoẻ mạnh, tay nắm một cục bột bóp nát, ném vào hư không, bay tứ tán, không còn hình, không còn ảnh cũng như thế. Gió kia thổi phá các châu, các núi cũng lại như thế. Chỉ có người thấy mới có thể tin. Đây gọi là thế gian chuyển trụ rồi hoại.

Lại nữa, thế gian hoại rồi chuyển thành như thế nào?

Chư Tỳ-kheo, vào thuở nọ, trải qua nhiều năm lâu xa vô lượng, mây đen nổi lên, che khắp thế gian, cho đến chỗ ở của chư Thiên Biến tịnh. Che phủ như thế rồi, mưa lớn liền đổ xuống. Giọt mưa to lớn giống như trục xe, hoặc như cái chày, liên tục đổ xuống. Trải qua nhiều trăm ngàn vạn năm như thế, lượng nước mưa kia sâu rộng to lớn, cho đến trời Biến tịnh. Lượng nươc đầy ắp đó, có bốn thứ gió giữ lại… như trên đã nói… cho đến thổi bọt nước tạo cung điện Biến tịnh, nhiều màu, bằng bảy báu hiện ra rõ ràng; tất cả đều như hỏa tai, thủy tai, thứ lớp như đã nói.

Chư Tỳ-kheo, đó gọi là thế gian hoại rồi chuyển thành. Thế nào là thế gian chuyển thành rồi trụ?

Chư Tỳ-kheo, thí như ngày nay, thế gian trời người chuyển thành rồi trụ. Chư Tỳ-kheo, tuần tự như thế, có gió thổi… Đây gọi là tam tai của thế gian.