SỐ 272
KINH ĐẠI TÁT-GIÀ NI-KIỀN TỬ SỞ THUYẾT
Dịch Phạn ra Hán: Đầu đời Ngụy, Tam tạng Bồ-đề-lưu-chi,
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 10: THUYẾT PHÁP
(Cuối quyển 9 – đầu quyển 10)
Bấy giờ, Tuệ mạng Xá-lợi-phất thấy Tát-già Ni-kiền Tử ngồi trước Đức Phật chí thành chắp tay trụ im lặng, quán Đức Phật không rời mắt, tự nghĩ rằng: “Tát-già Ni-kiền Tử này vì chuyện gì mà đến chỗ Đức Phật?” Nghĩ như vậy rồi, Xá-lợi-phất liền hỏi Tát-già Nikiền Tử:
–Ông đến chỗ Phật vì chuyện gì? Vì để gặp Đức Phật, hay vì nghe pháp chăng?
Khi ấy, Tát-già Ni-kiền Tử nói với Tuệ mạng Xá-lợi-phất:
–Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Hôm nay tôi đến chỗ Đức Thế
Tôn không phải vì được diện kiến Phật, cũng không vì nghe pháp. Đại đức Xá-lợi-phất! Hôm nay tôi không phải vì tất cả pháp mà đến chỗ Đức Phật. Vì sao? Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Không thấy sắc, nên mới gọi là thấy Như Lai; không thấy thọ, tưởng, hành, thức nên mới gọi là thấy Như Lai; không thấy tánh đất, nên mới gọi là thấy Như Lai; không thấy tánh nước, gió, lửa nên mới gọi là thấy Như Lai; không thấy ngã, nên mới gọi là thấy Như Lai; không thấy chúng sinh, nên mới gọi là thấy Như Lai; không thấy thọ mạng, nên mới gọi là thấy Như Lai; không thấy người, nên mới gọi là thấy Như Lai; không thấy chủ thể, nên mới gọi là thấy Như Lai; không thấy ngã sở, nên mới gọi là thấy Như Lai; không thấy cái việc thấy, nên mới gọi là thấy Như Lai; không thấy tướng, nên mới gọi là thấy Như Lai; không thấy vô tướng, nên mới gọi là thấy Như Lai. Vì sao?
Thưa ngài Xá-lợi-phất! Không thấy tất cả tướng, mới gọi là thấy Như Lai; không chấp trước cái thấy mới gọi là thấy Như Lai; không thấy vật mới gọi là thấy Như Lai. Thấy đúng như thật tế, nên mới gọi là thấy Như Lai; thấy thật tế chẳng phải thật tế, nên mới gọi là thấy Như Lai; chán ghét mắt, chán ghét sắc, nên mới gọi là thấy Như Lai; không thấy tai, không nghe âm thanh, nên mới gọi là thấy Như Lai; không thấy mũi, không ngửi được hương, nên mới gọi là thấy Như Lai; không thấy lưỡi, không nếm mùi vị, nên mới gọi la thấy Như Lai; không thấy thân, không thấy xúc, nên mới gọi là thấy Như Lai; không thấy ý pháp, không thấy phân biệt ý pháp, nên mới gọi là thấy Như Lai.
Xá-lợi-phất nói:
–Thưa Đại đức Tát-già! Nếu thấy như thế gọi là thấy Như Lai. Vậy thì, làm sao gọi là thấy Phật Thế Tôn?
Tát-già Ni-kiền Tử đáp:
–Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Không thấy nhà nên gọi là thấy Như Lai; chẳng thấy họ nên gọi là thấy Như Lai; không tướng nên gọi là thấy Như Lai; không phi tướng nên gọi là thấy Như Lai; phi pháp nên gọi là thấy Như Lai; không phi pháp nên gọi là thấy Như Lai; không thật nên gọi là thấy Như Lai; không phải không chân thật nên gọi là thấy Như Lai; không quán nên gọi là thấy Như Lai; không phải không quán nên gọi là thấy Như Lai; không niệm nên gọi là thấy Như Lai; không phải không niệm nên gọi là thấy Như Lai; chẳng phân biệt nên gọi là thấy Như Lai; không phải không phân biệt nên gọi là thấy Như Lai; không hữu vi nên gọi là thấy Như Lai; chẳng phải vô vi nên gọi là thấy Như Lai; chẳng phải có vật nên gọi là thấy Như Lai; chẳng phải không vật nên gọi là thấy Như Lai; không hòa hợp nên gọi là thấy Như Lai; không biệt ly nên gọi là thấy Như Lai; không phải sắc nên gọi là thấy Như Lai; không phải thọ, tưởng, hành và thức nên gọi là thấy Như Lai; không phải thủ nên gọi là thấy Như Lai; không phải không thủ nên gọi là thấy Như Lai; không phải sinh nên gọi là thấy Như Lai; không phải không sinh nên gọi là thấy Như Lai.
Bấy giờ, Tuệ mạng Xá-lợi-phất nói với Đại Tát-già Ni-kiền Tử:
–Thưa Đại đức Tát-già! Nếu người thấy như thế gọi là thấy Như Lai. Vậy thì thế nào là thấy Phật Thế Tôn?
Tát-già Ni-kiền Tử đáp:
–Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Ta chẳng phải thấy sắc là thấy Như Lai, cũng không phải lìa sắc thấy Như Lai.
Ta không hủy diệt sắc gọi là thấy Như Lai. Như vậy, không phải thấy thọ, tưởng, hành và thức gọi là thấy Như Lai; không lìa thọ, tưởng, hành và thức gọi là thấy Như Lai.
Ta không hoại diệt thọ, tưởng, hành, thức gọi là thấy Như Lai. Ta không thấy Như Lai thuộc về thế gian, cũng không thấy Như Lai thuộc về xuất thế gian.
Ta không thấy Như Lai thuộc về ấm, cũng không thấy Như Lai thuộc về giới, không thấy Như Lai thuộc về nhập.
Ta không thấy Như Lai lìa tất cả âm thanh, ngôn ngữ. Nay, đối với Như Lai ta thấy như vậy, không thấy va chẳng không thấy như vậy; không biết, không phân biệt, không khởi, không thị hiện, không sinh, không tăng trưởng, không giữ, không bỏ, không lý luận, không tạo ra tướng, không làm cũng chẳng không làm, không tạo ra vật cũng chẳng không tạo ra vật, không thọ nhận, không giữ gìn, không khởi tâm thấy, không tự nhiên thấy, không quán thấy, không phải không quán thấy, không thể nói thấy, không thể không nói thấy.
Lìa bỏ tất cả ngôn ngư, danh tự, âm thanh, chương cú mới gọi là thấy Như Lai. Vì sao? Vì không thể dùng tướng như thế để thấy Như Lai.
Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Các Đại Bồ-tát thấy Phật như thế. Ta đối với Như Lai cũng thấy như vậy.
Xá-lợi-phất nói:
–Thưa Đại đức Tát-già! Người có thể thấy Như Lai như thế. Vậy thì, Như Lai thuyết pháp làm sao để nghe được?
Đáp:
–Đại đức Xá-lợi-phất! Nếu ta khởi lên ý nghĩ pháp tướng chẳng phải pháp tướng mới đúng là nghe pháp Như Lai thuyết. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát đối với những âm thanh của tất cả danh tự, chương cú, ngôn ngữ để nghe âm thanh của Như Lai thuyết pháp không tạo tác tâm pháp tướng, chẳng phải pháp tướng. Vì sao? Vì xa lìa tất cả pháp tướng.
Xá-lợi-phất nói:
–Thưa Đại đức Tát-già! Người đến chỗ Đức Phật chẳng phải vì pháp chăng?
Đáp:
–Đại đức Xá-lợi-phất! Ta đến chỗ Đức Phật không vì pháp cũng không không phải không vì pháp. Vì sao? Đại đức Xá-lợi-phất! Phàm người vì pháp thì không vì tất cả pháp mới gọi là vì pháp. Nếu có người nói rằng, vì pháp mà đến thì người ấy không nên chấp trước pháp này mới gọi là vì Phật, không thấy pháp này mới gọi là vì Pháp, không chấp trước sinh tử mới gọi là vì Tăng.
Phàm người vì pháp, không vì biết khổ, không vì dứt tập, không vì tu đạo, không vì chứng diệt, không vì ra khỏi Dục giới, không vì vượt ra khỏi Sắc giới, không vì ra khỏi Vô sắc giới, không vì đạt được Niết-bàn.
Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Dựa trên những pháp này thì cũng đủ biết rằng, nay ta không phải vì pháp mà đến chỗ Đức Phật.
Bấy giờ, Đại đức Xá-lợi-phất bảo Đại Tát-già Ni-kiền Tử:
–Đại đức Tát-già! Nay Đại đức dựa vào pháp gì mà nói như thế?
Đáp:
–Đại đức Xá-lợi-phất! Nay ta hoàn toàn không dựa vào một pháp nào để nói như thế. Vì sao? Vì trong pháp giới không nương dựa, trong pháp giới nương dựa không thể được. Trong pháp giới không nương dựa thì cũng không thể được. Vì sao? Vì không thấy có hai vậy.
Xá-lợi-phất nói:
–Đại đức Tát-già! Hôm nay, Đại đức nương dựa vào sáu đường đến đi chăng?
Đáp:
–Thưa Đại đức! Nếu ta thấy có tướng sáu đường ấy thì phải có đến đi. Nếu ta thấy có sinh cũng phải thọ sinh, thấy có thoái lui thì phải có thoái lui, có đi thì phải đi. Đại đức Xá-lợi-phất! Tất cả pháp không động, không chuyển, không tới, không lui và không sinh.
Xá-lợi-phất nói:
–Tát-già Ni-kiền Tử! Nếu quả như vậy, tại sao Đức Như Lai nói: “Này các Tỳ-kheo! Sinh, lão, bệnh, tử cũng có sinh cũng có diệt?”
Đáp:
–Đại đức Xá-lợi-phất! Như Lai căn cứ vào chúng sinh trong sáu đường mà nói như thế. Vì muốn phá bỏ sự le thuộc vào sáu đường của chúng sinh, cho nên Như Lai nói như thế.
Đại đức Xá-lợi-phất! Ở trong Phật pháp không có đến, không đi, không sinh, không diệt.
Xá-lợi-phất nói:
–Lành thay, lành thay! Đại đức Tát-già! Như điều Đại đức nói thì người thực hành Đại thừa phải biết nghĩa, biết chữ.
Tát-già Ni-kiền Tử nói:
–Đại đức Xá-lợi-phất! Đại đức có biết thế nào là nghĩa, thế nào là chữ không?
Xá-lợi-phất nói:
–Đại đức Tát-già! Tôi không muốn nói. Tôi muốn nghe Đại đức nói. Đại đức nên nói thế nào là nghĩa và thế nào là chữ?
Bấy giờ, Tát-già Ni-kiền Tử bảo Xá-lợi-phất:
–Đại đức Xá-lợi-phất! Nói về nghĩa là không thể nói, nhưng nói rằng không thể nói thì tên của nó là văn tự. Nếu nói nghĩa là tên không phải ngôn ngữ, nói ngôn ngữ ấy thì tên của nó là văn tự. Nói nghĩa là tên không phải tên, thì nói tên ấy của nó là văn tự. Nói nghĩa, là không thể chuyển động, không thể biết, không thể hý luận, không thể phân biệt, không thể sinh, không thể tụ hội, chẳng phải vật, chẳng phải thật, vô ngã, không khởi, không giữ, không nương tựa, xa lìa tất cả những bám víu vào ngôn ngữ danh tự.
Nói văn tự suy nghĩ, luôn cân nhắc quán sát, làm cho người khác hiểu gọi là chữ. Nói về nghĩa là vì nghĩa vô ngại. Nói về văn tự là tên pháp vô ngại, từ ngữ vô ngại, nói giỏi vô ngại.
Đại đức Xa-lợi-phất! Đó gọi là nói sơ lược về nghĩa, nói sơ lược về văn tự.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tát-già Ni-kiền Tử:
–Hay thay, hay thay! Này Tát-già! Ông nói rất hay. Nếu có thiện nam tử nào muốn nói pháp thì nên nói như vậy, như ông đã nói pháp môn này.
Khi ấy, trong đại chúng có ba ngàn Thiên tử nghe Đại Tát-già Ni-kiền Tử nói năng tài giỏi rất hay liền đạt được Vô sinh pháp nhẫn. Hai mươi ngàn chúng sinh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
*********
Bấy giờ, Tuệ mạng Đại Mục-kiền-liên bạch Đức Phật:
–Thưa Thế Tôn! Nay Tát-già Ni-kiền Tử thị hiện tướng ngoại đạo này giáo hóa được bao nhiêu chúng sinh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?
Đức Phật bảo Mục-kiền-liên:
–Mục-liên! Nay ông hỏi ta việc này, trời người nghe nói thảy đều hoang mang, chỉ trừ chúng Đại Bồ-tát.
Mục-liên! Nay ta chỉ nói về phần nhỏ ấy khiến chúng sinh dễ hiểu. Thiện nam tử Tát-già dùng những loại hình tướng, những loại sắc, các thứ oai nghi để giáo hóa chúng sinh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Mục-liên! Số chúng sinh nhiều như vi trần của núi Tu-di ở trong pháp ngoại đạo, thiện nam tử Tát-già thực hành pháp ngoại đạo, giáo hóa khiến cho họ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Số chúng sinh nhiều như vi trần trong bốn thiên hạ ở trong pháp ngoại đạo Già-la-già, thiện nam tử Tát-già thực hành pháp Già-la-già giáo hóa khiến cho họ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tám vạn bốn ngàn hằng hà sa số những chúng sinh sống ở trong pháp ngoại đạo Ba-lợi-bà-xà.
Thiện nam tử Tát-già thực hành pháp ngoại đạo Ba-lợi-bà-xà giáo hóa, khiến họ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Mười hằng hà sa những chúng sinh thích hạnh Thanh văn, thiện nam tử Tát-già thị hiện hạnh Thanh văn giáo hóa, khiến họ trụ trong Bồđề Thanh văn rồi, sau đó phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vượt hơn vô số những thân Thanh văn ấy, thị hiện hạnh hình tướng Bích-chi-phật giáo hóa, khiến họ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Người nào cầu thị hiện thân Đế Thích để giáo hóa, thì liền hiện thân Đế Thích giáo hóa chúng sinh.
Cần phải thị hiện thân Phạm vương để giáo hóa, liền thị hiện thân Phạm vương giáo hóa chúng sinh.
Cần phải thị hiện thân vua Chuyển luân để giáo hóa thì liền hiện thân vua Chuyển luân giáo hóa chúng sinh.
Cần phải thị hiện thân vua bốn cõi trời để giáo hóa thì liền hiện thân vua bốn cõi trời giáo hóa chúng sinh.
Cần phải thị hiện thân Khẩn-na-la để để giáo hóa thì liền hiện thân Khẩn-na-la giáo hóa chúng sinh.
Cần phải thị hiện thân A-tu-la để giáo hóa, liền hiện thân A-tula để giáo hóa chúng sinh.
Cần phải thị hiện thân Ca-lâu-la để giáo hóa, liền hiện thân Ca-lâu-la giáo hóa chúng sinh.
Cần phải thị hiện thân Ma-hầu-la-già để giáo hóa, liền hiện thân Ma-hầu-la-già giáo hóa chúng sinh.
Cần phải thị hiện thân người để giáo hóa, liền hiện thân người giáo hóa chúng sinh.
Cần phải thị hiện thân người nữ để giáo hóa, liền hiện thân người nữ giáo hóa chúng sinh.
Cần phải thị hiện thân đồng nam, đồng nữ để giáo hóa, liền hiện thân đồng nam, đồng nữ giáo hóa chúng sinh.
Cần phải thị hiện thân trời đất để giáo hóa, liền hiện thân trời đất để giáo hóa chúng sinh.
Cần phải thị hiện thân cùng sinh ở cõi trời, liền hiện thân cùng sinh ở cõi trời giáo hóa chúng sinh.
Cần phải thị hiện thân Thánh nhân để giáo hóa, liền thị hiện thân Thánh nhân giáo hóa chúng sinh.
Cần phải thị hiện thân Ma-na-bà để giáo hóa, liền hiện thân Ma-na-bà giáo hóa chúng sinh.
Cần phải thị hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni để giáo hóa, liền hiện thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni để giáo hóa chúng sinh.
Cần phải thị hiện thân Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di để giáo hóa, liền hiện thân Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di giáo hóa chúng sinh.
Mục-liên! Thiện nam tử Tát-già đã thị hiện vô số những loại thân tướng như thể, giáo hóa vô số chúng sinh như thế phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Mục-liên bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thiện nam tử Tát-già cúng dường bao nhiêu chư Phật?
Đức Phật bảo Mục-liên:
–Này Mục-liên! Cõi đất, cõi gió và cõi hư không… đều có thể tính được. Còn thiện nam tử Tát-già dùng các loại thân cúng dường chư Phật thì không thể nào tính được số lượng.