KINH KHỞI THẾ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 10. KIẾP TRỤ

Chư Tỳ-kheo, thế gian đặc biệt có ba loại trung kiếp. Một là đao binh, hai là đói khát, ba là dịch bệnh. Thế nào gọi là trung kiếp đao binh? Chư Tỳ-kheo, kiếp đao binh là loài người lúc bấy giờ không có chánh hạnh, chẳng nói như pháp, tà kiến, điên đảo, cùng làm đầy đủ mười nghiệp bất thiện. Chúng sanh khi ấy chỉ thọ mười tuổi. Chư Tỳ-kheo, khi con người thọ mười tuổi như vậy, con gái sanh ra mới năm tháng là đã có chồng, giống như ngày nay mười lăm, mười sáu tuổi gả về nhà chồng. Bấy giờ, chất đất sanh tô du, sanh tô, đường tảng, đường cát thơm, đến khi ấy, tất cả đều biến mất chẳng hiện ra nữa. Lại nữa, dân chúng kia khi thọ mười tuổi, toàn dùng thứ lông thô của loài dê đen làm áo, giống như áo Ca-thi-cakiều-xa-da, áo Sô-ma-tăng, áo Độ-cứu-la, áo Câu-lộ-ma-ta, áo Kiếp bối, áo Cam-bà-la-bảo, ngày nay xem là rất tốt đẹp, áo thô bằng lông kia cũng được cho là như vậy. Thời bấy giờ, con người chỉ ăn hạt cỏ giống như người ngày nay ăn gạo thơm… cho là thức ăn ngon. Lại được cha mẹ thương yêu, cầu được mười tuổi, cho là thượng thọ, cũng như ngày nay cầu sống trăm tuổi.

Chư Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi, có những chúng sanh bất hiếu với cha mẹ, chẳng kính Sa-môn, Bà-la-môn, chẳng kính bậc cao niên, nhưng những vị này cũng được người khác cúng dường, phụng sự, khen ngợi, tôn trọng giống như người tu hành giáo pháp ngày nay, danh dự không khác. Vì sao? Vì nghiệp của họ là như vậy.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, lúc con người thọ mười tuổi không có tiếng lành, cũng chẳng ai tu tập mười nẻo nghiệp thiện, phần nhiều tất cả đều tạo nghiệp bất thiện. Chúng sanh thấy nhau đều sanh tâm độc hại, chém giết, không còn ý niệm thương yêu nhường nhịn. Như ngày nay, đám thợ săn ở những chỗ núi, đầm trống vắng trông thấy các loại cầm thú, chỉ khởi tâm độc ác, giết hại.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, vào thời ấy, dụng cụ trang sức của tất cả dân chúng đều là dao, gậy. Cũng như người đời nay dùng tràng hoa, bông tai, vòng cổ, xuyến, nhẫn, trâm để trang sức, người thời ấy dùng dao, gậy cũng lại như vậy.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, vào lúc trung kiếp sắp hết, trong vòng bảy ngày, tất cả dân chúng, tay chạm vào vật gì như là cỏ, cây đất cục, ngói đá, đều biến thành dao, gậy, mũi rất nhọn hơn người chế tạo. Ai nấy giành nhau giật lấy, giết hại lẫn nhau. Trong vòng bảy ngày, giết nhau chết hết, nhân đó mạng chung đều đọa vào đường ác, thọ khổ nơi địa ngục. Vì sao? Vì họ đối với nhau sanh tâm sát hại, tâm ô uế, tâm ác, tâm không lợi ích, tâm không từ bi, tâm không thanh tịnh.

Chư Tỳ-kheo, đó gọi là trung kiếp đao binh.

Chư Tỳ-kheo, thế nào gọi là trung kiếp đói khát? Chư Tỳ-kheo, vào thời kỳ kiếp đói khát, tất cả dân chúng không có người thực hành chánh pháp, chỉ theo tà kiến điên đảo, đều làm đủ mười nghiệp bất thiện. Do nhân duyên ấy, trời không mưa. Do không mưa nên bị đói khổ. Lại không có hạt giống, nhặt xương người làm nghề nghiệp, dùng các loại vỏ nuôi mạng. Thế nào gọi là nhặt xương người làm nghề nghiệp? Chư Tỳ-kheo, trong thời kỳ đói khát, dân chúng khi ấy đều đi khắp nơi, hoặc ngã tư đường, hoặc đường hẻm, thành quách, đại lộ, thâu nhặt xương người hầm lấy nước uống để sống, vì vậy gọi là nhặt xương người làm nghề nghiệp.

Thế nào gọi là dùng các loại vỏ nuôi mạng? Chư Tỳ-kheo, thời kỳ kiếp đói khát, dân chúng khi ấy vì quá đói nên lột các vỏ cây nấu nước uống để tự nuôi sống, vì vậy nên gọi là dùng các loại vỏ cây nuôi mạng.

Chư Tỳ-kheo, chúng sanh khi ấy, sau khi chết đói sẽ đều sanh vào các đường ác, đó là đọa vào cõi Diêm-ma-la, làm thân ngạ quỷ. Vì các chúng sanh kia tham lam ganh ghét, sợ ăn hết thức ăn nên giành nhau cất giấu.

Chư Tỳ-kheo, đó gọi là trung kiếp đói khát.

Chư Tỳ-kheo, thế nào gọi là trung kiếp dịch bệnh? Chư Tỳkheo, dân chúng khi ấy muốn thực hành chánh pháp, muốn nói như pháp, cũng muốn thực hiện sự hiểu biết không điên đảo, cũng muốn thực hành đầy đủ mười nẻo nghiệp thiện. Nhưng vào thời ấy, những người làm đúng như pháp, do vì mười nghiệp bất thiện ở quá khứ của họ vượt hơn quả báo hiện thời nên liền khiến loài phi nhân phóng xả khí tai ương, dịch bệnh hoành hành, đến nỗi nhiều người bị bệnh chết.

Chư Tỳ-kheo, lại nữa, trong thời kỳ dịch bệnh như vậy, lại có vô lượng loài phi nhân ở thế giới khác đến gây các dịch bệnh cho dân chúng ở cõi này. Vì sao? Vì họ phóng dật, làm việc phi pháp, nên các loài phi nhân kia đoạt mất hồn họ, cho họ xúc chạm với điều xấu ác, khiến tâm họ hôn mê, rối loạn; trong đó có nhiều người phước mỏng nên mạng chung. Thí như nhà vua hoặc đại thần của vua, để bảo vệ cho dân ở địa đầu biên giới nên bố trí quân lính canh giữ. Có lúc bỗng nhiên đạo tặc ở phương khác đến, vì lính phòng vệ kia không canh phòng cẩn mật, do có sự chểnh mảng nên bị lũ giặc nhất thời chém giết, hoặc phá nhà cửa, hoặc phá thôn xóm, hoặc hủy làng mạc, dân chúng, thành quách… Vì do phóng dật nên phi nhân ở phương khác đến gây nên dịch bệnh, sinh mạng chết hết. Cũng như vậy, hoặc vào thời gian nọ, loài phi nhân ở phương khác đến gây dịch bệnh. Khi ấy các chúng sanh không làm chuyện phóng dật, nhưng loài quỷ kia quá mạnh đã cưỡng bức, đoạt linh hồn họ, cho họ xúc chạm với điều xấu ác, khiến tâm họ mê man bất loạn; trong đó có nhiều người bị bệnh chết. Thí như nhà vua và các đại thần của vua, vì để bảo vệ các làng mạc nên bố trí quân binh trấn giữ. Hoặc giả sau đó, giặc cướp phương khác đến quấy nhiễu, xâm phạm. Tuy là sự trấn giữ kia không có lơ là, chểnh mảng, vẫn siêng năng cẩn mật canh giữ, nhưng bọn giặc quá mạnh, cưỡng bức gây hại, cũng có thể cùng lúc giết hại nhiều người, hoặc phá nhà cửa của họ, hủy thôn xóm, làng mạc… như trước… Chư Tỳ-kheo, ở trong kiếp dịch bệnh, dân chúng bị bệnh, quá đau đớn, mạng chung cũng như vậy. Sau khi mạng chung, họ đều được sanh lên các cõi trời. Vì sao? Vì chúng sanh ấy không có tâm hại nhau, không có tâm não loạn, lại có tâm lợi ích, tâm từ bi, tâm thanh tịnh, cho đến khi sắp mạng chung lại hỏi thăm nhau: “Bệnh của ngươi có thể chịu đựng chăng, ít bị tổn hại chăng? Có ai thoát chăng, có ai khỏi chăng? Có ai có bệnh gì khác chăng?” Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên ấy nên họ được sanh lên cõi trời. Đây gọi là trung kiếp dịch bệnh.

Chư Tỳ-kheo, như thế gọi là ba loại trung kiếp của thế gian.