KINH KHỞI THẾ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 4: ĐỊA NGỤC

Chư Tỳ-kheo, ở bốn đại châu, tám vạn tiểu châu, ngoài các núi lớn khác và núi chúa Tu-di, riêng có một núi tên là Chước-cala, cao sáu trăm tám mươi vạn do-tuần, rộng dài cũng sáu trăm tám mươi vạn do-tuần, dày đặc kiên cố, do kim cương tạo thành, khó có thể phá hoại.

Chư Tỳ-kheo, ngoài núi Thiết vi ấy, lại có thêm một núi Đại thiết vi, cao rộng bằng phẳng, số do-tuần như trước. Khoảng giữa hai núi, rất tối tăm, không có ánh sáng. Mặt trời, mặt trăng có đại oai thần, đại lực, đại đức như vậy mà không thể chiếu đến đó để có ánh sáng.

Chư Tỳ-kheo, ở khoảng giữa hai núi có tám đại địa ngục. Những gì là tám? Đó là Hoạt đại địa ngục, Hắc đại địa ngục, Hiệp đại địa ngục, Khiếu hoán đại địa ngục, Đại khiếu hoán đại địa ngục, Nhiệt não đại địa ngục, Đại nhiệt não đại địa ngục, A-tỳ-chí đại địa ngục.

Chư Tỳ-kheo, tám đại địa ngục ấy, mỗi cái lại có mười sáu tiểu địa ngục quan hệ trực thuộc bao bọc chung quanh. Mười sáu ngục ấy tất cả đều rộng dài năm trăm do-tuần. Những gì là mười sáu? Đó là địa ngục Hắc vân sa, địa ngục Phẩn niệu nê, địa ngục Ngũ xoa, địa ngục Cơ ngạ, địa ngục Tiêu khát, địa ngục Nùng huyết, địa ngục Nhất đồng phủ, địa ngục Đa đồng phủ, địa ngục Thiết ngại, địa ngục Hàm lượng, địa ngục Kê, địa ngục Khôi hà, địa ngục Chước tiệt, địa ngục Kiếm diệp, địa ngục Cô lang, địa ngục Hàn băng.

Chư Tỳ-kheo, vì nhân duyên gì gọi là đại địa ngục Hoạt?

Chư Tỳ-kheo, chúng sanh trong đại địa ngục Hoạt này, có kẻ sanh ra, có kẻ có mặt, có kẻ ra khỏi, có kẻ đang ngụ, ngón tay tự nhiên đều mọc móng sắt dài nhỏ bén, như mũi nhọn. Các chúng sanh ấy, đã thấy nhau rồi, tâm ý dục loạn; vì tâm dục loạn, nên mỗi người dùng móng tay sắt, tự đâm vào thân, khiến cho da rách nát hết; hoặc tự rạch thân; rạch rồi lại rạch, cho đến rạch lớn ra, xẻo rồi lại xẻo, cho đến xẻo thật lớn; cắt rồi lại cắt, cho đến cắt thật lớn.

Chư Tỳ-kheo, các chúng sanh ấy tự mình cắt xẻo rồi, mới biết thế này: “Ta nay bị thương, ta nay đã chết”. Vì nghiệp báo, nên ngay khi ấy, lại có gió lạnh thổi đến trên thân, khoảnh khắc sống lại, cơ thể da thịt, gân, xương, máu, tủy, sanh ra và hoạt động trở lại; đã được hoạt động lại rồi, vì nhân duyên nghiệp lực, lại khởi lên đủ thứ, bèn gọi nhau bảo: “Chúng sanh các ngươi, ý muốn được sống, đã được sống rồi, thật là quý!”

Chư Tỳ-kheo, nên biết, vì trong đây, chỉ nói một phần nhỏ, nên gọi là Hoạt. Nhưng ở trong đó, lại có biệt nghiệp, chịu khổ rất nặng, đau đớn bức bách, khổ độc khó chịu đựng nổi, cho đến đời trước hoặc là thân người, hoặc chẳng phải là thân người, đã phát khởi, đã tạo tác các nghiệp ác bất thiện, chưa hết, chưa diệt, chưa trừ, chưa chuyển, chưa hiện ra một phần nhỏ, chưa hiện ra toàn phần, ở trong khoảng ấy, mạng báo chưa hết, cầu chết chẳng được.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, chúng sanh trong đại địa ngục Hoạt, có kẻ sanh ra, có kẻ có mặt, cho đến kẻ đang trụ, ngón tay họ lại biến thành nguyên một dao sắt, hoặc nửa cái dao sắt, rất dài, bén nhọn. Họ nhìn nhau, tâm ý dục loạn; đã dục loạn rồi,… cho đến… đâm, rạch, xẻo, cắt, phá hết mà chết. Gió lạnh thổi đến, khoảnh khắc sống trở lại.

Chư Tỳ-kheo, như vậy, như vậy, vì nói một phần nhỏ, nên gọi là Hoạt.

Chư Tỳ-kheo, lại vì có biệt nghiệp, nên ở trong đó, chịu rất nhiều khổ não; vì khổ chưa hết, nên cầu chết chẳng được, cho đến đời trước, hoặc là thân người, hoặc chẳng phải là thân người, đã tạo tác những nghiệp ác bất thiện, chưa hết, chưa diệt, chưa trừ, chưa lìa, nên tất cả nhận chịu đầy đủ như vậy.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, chúng sanh ở trong đại địa ngục Hoạt thời gian không kể xiết, khổ báo chưa hết, từ ngục này ra, chạy đi khắp nơi, lại cầu đến nơi khác, có phòng ốc nhà cửa, tìm chỗ cứu hộ, tìm chỗ nương tựa. Trong khi tìm cầu như vậy, vì nghiệp tội, nên liền tự đi vào trong tiểu địa ngục Hắc vân sa. Ngục ấy, rộng dài năm trăm do-tuần. Đã vào ngục rồi, ở trên hư không, nổi lên đám mây đen lớn, mưa cát bay, lửa phừng phực, sức nóng dữ dội. Thân của chúng sanh bị đọa vào trong địa ngục, lửa ấy chạm da thì cháy da, đụng thịt thì cháy thịt, đến gân thì cháy gân, đến xương thì cháy xương, đến tủy thì cháy tủy; phát ra khói rất nóng, bùng lên cùng khắp, chịu khổ não cùng cực. Vì khổ báo ấy chưa hoàn toàn hết, nên cầu chết chẳng được, cho đến… Ngày trước, là thân người, hoặc chẳng phải thân người đã tạo tác các nghiệp ác bất thiện, chẳng diệt, chẳng trừ, chẳng chuyển, chẳng biến, chẳng lìa, chẳng mất, lần lượt mà chịu, trải qua thời gian không cùng.

Chư Tỳ-kheo, các chúng sanh ấy chịu khổ như vậy, trải qua thời gian không cùng rồi, từ địa ngục Hắc vân sa ra, lại chạy đi tìm cầu phòng xá nhà cửa, cầu cứu giúp, cầu che chở, cầu chỗ nương tựa. Trong khi tìm cầu như vậy, lại tự nhập vào trong tiểu địa ngục Nhiệt phẩn thỉ nê. Ngục ấy cũng rộng năm trăm do-tuần; tội nhân vào rồi, từ cổ trở xuống ở trong phân ướt; phân ấy nóng như nước sôi, khói nóng cũng bốc lên thiêu tay, chân, tay, mũi, đầu, mắt, thân thể của tội nhân ấy, trong giây lát chín nhừ, cho đến… Ngày trước, hoặc là người, chẳng phải người, đã khởi tạo các nghiệp ác bất thiện, chưa hết, chưa diệt, chưa trừ, chưa chuyển, chẳng lìa, chẳng mất, nên lần lượt nhận chịu.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, ở trong tiểu địa ngục Phẩn thỉ, có các thiết trùng, tên là Châm khẩu, ở trong phân ướt đục các chúng sanh, tất cả bộ phận trên thân đều bị đục thủng, trước hết đục da; đã đục phá da rồi, kế đến đục thịt; đã đục thịt rồi, kế đến đục gân; đã phá gân rồi, kế đến đục xương; đã phá xương rồi, nằm ở trong tủy, ăn tất cả tinh tủy của các chúng sanh, khiến khắp thân chịu khổ kịch liệt. Nhưng thọ mạng của chúng sanh kia cũng chưa dứt hẳn, cho đến… Người ấy làm việc ác bất thiện, chưa diệt, chưa hết, lần lượt nhận chịu như vậy.

Chư Tỳ-kheo, các chúng sanh trong địa ngục ấy ở trong thời gian vô lượng, chịu thống khổ rồi, từ nơi tiểu địa ngục Phẩn thỉ nê thoát ra, lại chạy đi tìm cầu nhà cửa phòng ốc, cầu giúp đỡ, cầu đất đai, cầu nơi nương tựa. Bấy giờ, liền nhập vào trong tiểu địa ngục Ngũ xoa. Ngục ấy rộng năm trăm do-tuần. Các tội nhân ấy, vào ngục này rồi, khi ấy ngục tốt giữ ngục chụp lấy tội nhân giơ cao lên, ném xuống rồi đặt trên sàn sắt nóng dữ dội, khói lửa bùng lên, tội nhân ở trong đó, hôn mê, nằm ngửa, ngục tốt bèn dùng hai đinh sắt nóng, đóng vào hai gót chân, sức nóng hực lên dữ dội; lại lấy hai đinh đóng vào hai tay, sức nóng cũng hực lên dữ dội; ở giữa rốn đóng một đinh sắt, sức nóng trở nên dữ dội. Khi ấy ngục tốt lại dùng năm cái xoa, xẻ năm bộ phận cơ thể, chịu đau đớn hết sức, cho đến nơi ấy, thọ mạng chưa dứt, nghiệp ác chưa hết… Xưa kia là người, chẳng phải là người, đã tạo tất cả nghiệp ác, ở trong ngục này, lần lượt nhận chịu.

Chư Tỳ-kheo, các chúng sanh ấy chịu sự đau đớn này, trải qua thời gian không cùng, từ nơi tiểu địa ngục Ngũ xoa ra, lại trở lại đi cầu cứu độ, cầu nhà cửa, cầu đất đai, cầu chỗ nương tựa, cầu che chở, cầu giúp đỡ, liền lại đi đến chỗ địa ngục đói khát. Ngục ấy cũng rộng năm trăm do-tuần, tội nhân vào rồi, khi ấy ngục tốt giữ ngục, từ xa thấy những người ấy, từ ngoài đi vào, liền hỏi trước: “Các ngươi nay đi đến đây muốn việc gì?” Các chúng sanh ấy cùng trả lời: “Thưa ngài, chúng tôi đói khát”. Ngục tốt nghe thế liền chụp tội nhân, xô nhào xuống nền sắt nóng hừng hực. Lúc ấy tội nhân hôn mê nằm ngửa, ngục tốt dùng kềm sắt cạy miệng họ ra, lấy hòn sắt nóng bỏ vào trong miệng. Môi miệng tội nhân ngay khi ấy cháy tiêu hết; đã đốt môi rồi, liền đốt lưỡi; đã đốt lưỡi rồi, liền đốt hàm ếch; đã đốt hàm ếch rồi, liền đốt yết hầu; đã đốt yết hầu rồi, liền đốt tim; đã đốt tim rồi, liền đốt ngực; đã đốt ngực rồi, liền đốt ruột già; đã đốt ruột già rồi, liền đốt bao tử; đã đốt bao tử rồi, qua đến ruột non, xuống tới bộ hạ, ra ngoài, hòn sắt ấy nóng hừng hực, vẫn còn đỏ như lúc ban đầu. Các chúng sanh ấy, ngay lúc đó, chịu khổ cùng cực mà mạng sống cũng chưa dứt, nói lược… cho đến, đời trước, hoặc là người, chẳng phải người, đã tạo… lần lượt như vậy. Trong địa ngục này, chịu đủ các thứ…

Chư Tỳ-kheo, các chúng sanh ấy trong thời gian vô cùng, thọ khổ ấy rồi, từ tiểu địa ngục đói khát này thoát ra, lại chạy đi cầu chỗ giúp đỡ, che chở… nói lược như trước. Sau đó lại đi đến địa ngục Tiêu khát; ngục ấy cũng rộng năm trăm do-tuần. Vào ngục này rồi, khi ấy, ngục tốt từ xa thấy những người ấy, từ ngoài đi vào, liền hỏi trước: “Nay đây các ngươi cần cầu việc gì?” Tội nhân đáp: “Thưa ngài, nay chúng tôi rất khát”. Ngục tốt nghe nói liền chụp tội nhân xô ngã trên nền sắt nóng hừng hực; ở trong sức nóng mãnh liệt ấy, nằm ngửa, hôn mê; ngục tốt liền dùng kềm sắt cạy miệng họ ra, nấu đồng đỏ chảy, rồi đổ vào miệng. các chúng sanh ấy, ngay lúc đó, môi miệng đều cháy bỏng hết; môi miệng cháy bỏng rồi, kế đến đốt lửa; cứ như vậy, đốt hàm ếch, đốt yết hầu, đốt tim, đốt ngực, đốt ruột già, đốt bao tử, đi thẳng qua ruột non, xuống bộ hạ rồi chảy ra ngoài. Các chúng sanh ấy, ngay khi đó, đều chịu khổ cùng cực, chịu đau cùng cực, khổ ấy khác thường, khó thể nghĩ bàn. Nhưng thọ mạng của họ, chưa dứt, chưa hết… cho đến… hoặc là người, chẳng phải người tạo nghiệp ác chưa diệt, chưa lìa… nói lược như trước, lần lượt nhận chịu đầy đủ như vậy.

Hết Quyển 2

 

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, các loài chúng sanh trong địa ngục ấy, trải qua thời gian vô lượng, chịu khổ cùng cực rồi, sau đó từ ngục Tiêu khát rộng năm trăm do-tuần ấy thoát ra, chạy đi… như trước… lược nói cho đến câu… cầu chỗ cứu hộ, liền lại đến địa ngục Nùng huyết. Địa ngục này cũng rộng năm trăm do-tuần, mủ máu lênh láng, ngập sâu đến cổ, đều sôi sùng sục. Chúng sanh ở địa ngục nhập vào trong đó rồi chạy qua chạy lại khắp Đông, Tây, Nam, Bắc. Trong khi chạy như vậy, các chúng sanh ấy bị thiêu tay, thiêu chân, thiêu tai, thiêu mũi. Tay, chân, tai, mũi đã bị thiêu rồi, tất cả chi tiết cũng bị thiêu luôn; khi chi tiết của thân thể đã bị thiêu rồi, các tội nhân ấy chịu khổ não kinh khủng, tàn khốc vô cùng, chẳng thể nghĩ bàn, cho đến khi nào mà nghiệp ác bất thiện đã tạo tác từ thân người, chẳng phải người chưa hết thì mạng cũng chưa dứt.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, địa ngục Nùng huyết lại có các loài trùng tên là Tối mãnh thắng. Các loài trùng ấy, vì chúng sanh thọ tội trong địa ngục kia mà gây ra sự khổ não lớn lao: Từ ngoài thân vào, trước hết cắn phá da họ; đã cắn phá da rồi, kế đến cắn phá thịt họ; đã cắn phá thịt rồi, kế đến cắn phá gân họ; đã cắn phá gân rồi, kế đến cắn phá xương họ; đã cắn phá xương rồi, hút tủy họ ra, theo đó mà ăn. Các chúng sanh kia, ngay trong lúc ấy, chịu các khổ cùng cực, cho đến các nghiệp ác bất thiện của người hoặc chẳng phải người đã tạo tác chưa hết, chưa diệt nên thọ mạng chẳng dứt, đều phải chịu đủ.

Lại nữa, các Tỳ-kheo, địa ngục Nùng huyết có các chúng sanh đói khát bức bách, khi ấy có kẻ dùng tay vốc lấy máu mủ sôi nóng ấy bỏ vào miệng; bỏ vào miệng rồi, lập tức môi miệng kẻ ấy bị cháy bỏng, khi môi miệng bị cháy bỏng liền cháy đến các răng; răng lợi đã cháy rồi, liền cháy đến yết hầu. Cứ như vậy, thiêu cháy ngực, thiêu cháy tim, thiêu cháy ruột, thiêu cháy bao tử; bao tử đã cháy rồi, cháy thẳng đến ruột non, từ đó tuột xuống phần dưới rồi ra ngoài. Các chúng sanh ấy, ở trong địa ngục đó, chịu các khổ nặng nề dữ dội như vậy, mạng sống chưa dứt, cho đến khi nghiệp ác bất thiện của thân người, chẳng phải người đã từng tạo tác chưa dứt, cứ như vậy lần lượt chịu đựng.

Lại nữa, các Tỳ-kheo, các chúng sanh trong địa ngục ấy trải qua thời gian vô lượng chịu khổ ách cùng cực, rồi sau đó, từ địa ngục Nùng huyết rộng năm trăm do-tuần ấy thoát ra, chạy đi như trước, cho đến chạy cầu chỗ cứu hộ, liền lại nhập vào trong ngục Nhất đồng phủ. Ngục ấy cũng rộng năm trăm do-tuần. Tội nhân vào rồi, ngục tốt thấy họ, liền chụp lấy bỏ vào trong vạc, đầu chúc xuống, chân chỏng lên; các chúng sanh ấy, ngay trong khi bị khát, lửa dữ địa ngục đốt cháy dữ dội, khi nước sôi bùng lên cũng bị rim bị nấu, khi ở khoảng giữa cũng bị rim bị nấu; khi chuyển động dọc ngang qua lại cũng bị rim bị nấu; khi bỏ nước sôi phủ lên cũng bị rim bị nấu; hoặc thấy, chẳng thấy, tất cả các thời đều bị nấu. Thí như thế gian, hoặc nấu đậu nhỏ, đậu lớn, đậu oản, cho vào trong vạc, đổ ngập nước, ở dưới đun lửa, lúc ấy nước sôi trào lên, nước sôi với đậu trộn lẫn; khi đậu nổi lên, cũng bị rim bị nấu, khi chìm xuống cũng bị rim bị nấu, khi ở khoảng giữa cũng bị rim bị nấu, khi chuyển động qua lại cũng bị rim bị nấu, khi bọt phủ cũng bị rim bị nấu; hoặc thấy, hoặc chẳng thấy, lúc nào cũng bị nấu.

Chư Tỳ-kheo, cứ như vậy, như vậy, ở ngục Nhất đồng phủ, trong đó, ngục tốt nắm lấy tội nhân, cho đầu chúc xuống, cho thân chỏng lên, ném vào vạc đồng. Khi ở trong vạc, bị lửa địa ngục thiêu đốt bức bách. Khi nước sôi trào lên, tội nhân liền bị nổi lên hoặc chìm xuống, theo đó mà bị rim, bị nấu. Nói lược… cho đến câu hoặc thấy, hoặc chẳng thấy, lúc nào cũng bị nấu. Cũng lại như vậy, các chúng sanh ấy, ở trong ngục ấy, chịu khổ kịch liệt, cho đến những nghiệp ác do người, hoặc chẳng phải người, đã tạo tác từ xưa, cứ lần lượt như vậy, ở địa ngục ấy, phải nhận chịu đầy đủ.

Chư Tỳ-kheo, trong địa ngục ấy, các loại chúng sanh, trải qua thời gian vô lượng thọ khổ đó rồi, từ tiểu địa ngục Nhất đồng phủ rộng năm trăm do-tuần thoát ra, vội vàng chạy đi như trước,… cho đến muốn tìm cầu chỗ cứu hộ. Bấy giờ liền nhập vào trong tiểu địa ngục Đa đồng phủ. Ngục này cũng rộng năm trăm do-tuần. Tội nhân vào rồi, kẻ giữ ngục khi ấy liền đến chụp bắt tội nhân đưa chân lên, chúc đầu xuống, ném vào trong nồi đồng. Lửa dữ địa ngục thiêu đốt bức bách. Khi nước sôi bùng lên cũng bị rim, bị nấu, khi nước sôi hạ xuống cũng bị rim bị nấu; khi ở khoảng giữa cũng bị rim, bị nấu; dọc ngang che khuất, hoặc thấy, hoặc chẳng thấy, tất cả đều bị rim, nấu. Giống như nấu đậu, đốt lửa thật nhiều, khi nước sôi trào lên, cũng bị rim bị nấu… lược nói cho đến câu hoặc thấy, chẳng thấy, tất cả đều bị rim, bị nấu.

Chư Tỳ-kheo, cứ như vậy, như vậy, ở trong tiểu địa ngục Đa đồng phủ rộng năm trăm do-tuần ấy, các loại chúng sanh bị kẻ giữ ngục, chụp hai chân, dựng ngược thân họ, chúc đầu xuống ném vào nồi đồng. Khi ấy tội nhân bị lửa địa ngục thiêu đốt dữ dội, hoặc trên, hoặc dưới, chuyển động dọc ngang… lược nói… cho đến câu hoặc thấy, hoặc chẳng thấy, tất cả đều bị rim nấu, cũng lại như vậy.

Chư Tỳ-kheo, trong tiểu địa ngục Đa đồng phủ rộng năm trăm do-tuần ấy, các loại chúng sanh lại bị ngục tốt dùng móng tay sắt bấu lấy tội nhân bỏ từ chỗ này qua chỗ khác, lần lượt mà nấu. Khi từ chỗ này ra, đến chỗ khác thì máu mủ da thịt khắp thân ràn rụa, tan nát chẳng còn gì, chỉ còn bộ xương. Khi ấy tội nhân chịu khổ cùng cực, nhưng mạng sống chưa dứt, cho đến khi tất cả nghiệp ác đã tạo từ thân của người hoặc chẳng phải người chưa hết, thì chẳng chấm dứt, ở trong ngục này, đều nhận chịu tất cả.

Chư Tỳ-kheo, trong địa ngục ấy, các loại chúng sanh, trải qua thời gian vô lượng, chịu khổ rồi, từ tiểu địa ngục Đa đồng phủ rộng năm trăm do-tuần ấy phát chạy ra… như trước, cho đến câu muốn tìm cầu nơi cứu hộ. Lúc ấy liền nhập vào địa ngục Thiết ngại (cối sắt). Ngục đó cũng rộng năm trăm do-tuần. Đã vào trong ấy rồi, kẻ giữ ngục liền xông đến chụp bắt chúng sanh thọ tội, xô ngã ngửa trên chày sắt, dùng lửa dữ thiêu đốt, một lúc sau nước đồng chảy ra. Khi ấy tội nhân nằm ngửa mê man. Ngục tốt mới lấy tảng đá lớn, từ trên ép xuống, ép đi ép lại, do vậy lại bị nghiền nát, nghiền đi nghiền lại, biến thành bụi nhỏ; thành bụi nhỏ rồi, lại nghiền nhỏ nữa, đã nhỏ rồi lại càng nhỏ hơn, biến thành bột mịn, lấy bột mịn ấy, nghiền nữa, nghiền đi nghiền lại, mới thành bột mịn hơn. Trong các thứ bột mịn, đó là bột mịn nhất. Ngay khi ấy, mỡ, máu, não, tủy của thân thể tội nhân, chảy qua một bên, chỉ còn dính lại bột xương mịn, nhưng do mạng báo chưa dứt, trong tất cả thời, chịu khổ cùng cực, cho đến khi nghiệp ác của thân người, chẳng phải người đã tạo chưa mất, thì chưa dứt, cứ lần lượt như vậy mà thọ nhận đủ.

Chư Tỳ-kheo, trong địa ngục ấy, các loại chúng sanh, trải qua vô lượng thời gian, chịu khổ rồi, từ tiểu địa ngục Thiết ngại rộng năm trăm do-tuần ấy thoát ra, chạy đi… như trước cho đến, muốn cầu nhà cửa, muốn cầu chỗ nương tựa, chỗ che chở. Bấy giờ liền nhập vào địa ngục Hàm lượng. Ngục này cũng rộng năm trăm do-tuần. Đã vào trong ấy rồi, kẻ giữ ngục bèn chụp bắt tội nhân bỏ vào hòm sắt, làm cho lượng lửa mảnh liệt có sẵn trong hòm bùng cháy lên. Khi tội nhân địa ngục bị lửa ấy đốt tay, đốt chân, đốt tai, đốt mũi, đốt tất cả chi tiết, bộ phận trong cơ thể. Trong lúc bị đốt, các tội nhân này chịu mọi nỗi thống khổ cùng cực, nhưng mạng sống của họ chưa được kết thúc, cho đến khi tất cả nghiệp ác bất thiện đã tạo tác ngày xưa của thân người hoặc chẳng phải người chưa dứt thì chưa chết, chưa lìa, chưa mất, cứ lần lượt như vậy nhận chịu đầy đủ.

Chư Tỳ-kheo, trong địa ngục ấy, có các loại chúng sanh trải qua thời gian vô lượng, thọ khổ rồi, từ tiểu địa ngục Hàm lượng rộng năm trăm do-tuần được thoát ra, chạy đi như trước… cầu nhà cửa, cầu che chở, cầu cứu độ, cầu đất đai, cầu chỗ nương tựa. Khi ấy liền nhập vào tiểu địa ngục Kê. Ngục ấy cũng rộng năm trăm do-tuần. Trong ngục này, chỉ thuần sanh loài gà, tràn ngập cả địa ngục, từ trên thân của gà cho đến đầu gối, cổ, tất cả đều có sức nóng dữ dội, ánh lửa bùng cháy. Các chúng sanh ở trong đó, chạy khắp nơi, chân đạp lửa nóng, ngoái nhìn bốn phía không có chỗ tránh. Lửa lớn bùng cháy đốt tay, đốt chân, đốt tai, đốt mũi; lần lượt như vậy, đốt các chi tiết lớn nhỏ trên cơ thể, cùng lúc đốt hết. Lúc ấy tội nhân chịu khổ cùng cực, đau đớn khôn xiết, nhưng tại nơi đó, mạng báo chưa dứt, thì chưa chết; lần lượt như vậy, nhận đủ tất cả.

Chư Tỳ-kheo, trong địa ngục ấy, các loài chúng sanh trải qua thời gian vô lượng, chịu khổ rồi, từ địa ngục Kê ấy được thoát ra, chạy đi như trước, cho đến muốn cầu nơi cứu hộ. Lúc ấy liền nhập vào địa ngục Khôi hà (Sông tro). Ngục đó cũng rộng năm trăm dotuần. Chư Tỳ-kheo, khi ấy dòng sông tro tuôn chảy cuồn cuộn, sóng lớn vọt cao, tiếng sóng vang động, nước tro sôi trào, tràn ngập hai bờ; tội nhân vào rồi, theo dòng mà nổi chìm; dưới đáy sông tro, toàn là gai sắt đầu nó rất bén nhọn, như là mới mài. Ở hai bên bờ sông, lại có rừng đao, đứng thẳng, dày đặc, thật đáng kinh sợ. Trong rừng đao, lại có loài chó, hình màu khói đen, lông, da, dơ bẩn; lại rất dễ sợ. Trên bờ, lại có ngục tốt giữ địa ngục ấy. Hai bên bờ sông, đặc biệt có mọc vô số cây Xà-ma-la; cây ấy có nhiều mũi nhọn, đều nhỏ và dài; mũi nó như được mài. Bấy giờ các chúng sanh ở trong địa ngục đã vào trong sông, muốn đến bờ bên kia, ngay lúc ấy, bị sóng lớn nhận chìm đến dưới đáy sông, liền bị mũi gai nhọn bằng sắt dưới lòng sông đâm ngược lên cùng khắp thân thể, chẳng cựa quậy được. Tội nhân trong ấy chịu các khổ cùng cực, nghiêm trọng. Chịu khổ đã lâu, mới được nổi lên, thoát ra. Từ dòng sông tro, qua đến bờ kia; đã lên bờ rồi, lại vào rừng đao, rừng này rất rộng, thân cành rậm rạp, đi qua khu rừng, chạm vào dao bén, đi qua khắp nơi, đi mãi không dừng, bị cắt tay, cắt chân, cắt tai, cắt mũi, cắt hết chi tiết, cắt hết thân thể không chừa chỗ nào. Lúc ấy tội nhân chịu khổ tàn độc, chịu khổ cùng cực, cho đến khi tất cả nghiệp ác đã tạo ngày trước ở thân người, chẳng phải người chưa hết thì mạng sống cũng chưa dứt, ở trong rừng ấy, đều nhận chịu đủ.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, hai bên bờ sông tro ấy lại có các loại chó, thân chúng đen điu, dơ bẩn dễ sợ, trợn mắt gầm sủa, phát ra âm thanh chát chúa ghê rợn, đăm đăm nhìn vào từng phần của cơ thể chúng sanh trong địa ngục ấy; toàn bộ chi tiết trong cơ thể, chỗ nào có thịt thì xé ra từng miếng mà ăn, chẳng sót một chút nào. Những người ở trong ấy, chịu khổ hết sức, cho đến cùng cực, nhưng chưa được chết, cho đến khi chưa hết nghiệp ác bất thiện đã tạo ở đời trước từ thân người chẳng phải người thì còn phải chịu đủ tất cả.

Chư Tỳ-kheo, các chúng sanh trong địa ngục ấy bị bức bách do nước sôi trong sông như vậy. Lại còn bị khổ trong rừng đao kiếm bén nhọn, các tên giữ ngục, các loại chó đen đui, dơ bẩn, hung ác, các thứ ấy luôn là sự nguy cấp, không nơi trốn tránh, bèn trèo lên cây Xà-ma-la. Thân cành cây ấy, toàn thể là gai sắt, mũi nó rất nhọn giống như mới mài, đầu nhọn tỉa xuống, đâm vào thân họ. Khi muốn tuột xuống thì các gai sắt đầu nhọn chỉa lên. Các chúng sanh ấy, khi ở trên cây Xà-ma-la lại có các con quạ tên là Thiết sài, bay đến trên cây mổ tội nhân ấy, trước hết mổ đầu, làm vỡ xương sọ, hút não mà ăn. Bấy giờ những người ấy chịu khổ vô cùng, chịu khổ thống thiết, chẳng thể chịu nổi, liền rớt xuống lại trong nước tro sôi; lại bị sóng lớn nhận chìm xuống tận đáy sông, khi đến đáy sông rồi lại bị gai nhọn đâm chích, đã bị đâm chích rồi thì gai sắt dính cùng mình, chẳng thể đi lại, chỉ ở trong đó, chịu khổ vô cùng, chịu khổ quá tàn khốc, chẳng thể chịu nổi. Khi chịu khốn khổ hết mức, sức tàn được khởi, vượt qua khỏi sông tro, chạy đến bờ này; chạy đến bờ này rồi, lại rơi vào rừng đao; khi rơi vào rừng đao lại bị dao nhọn cắt thân thể họ, cắt tay, cắt chân, cho đến cắt khắp tất cả chi tiết. Lại ở trong đó, chịu đủ các khổ, mạng cũng chưa dứt… lược nói… cho đến nghiệp ác đã tạo đời trước từ thân người, chẳng phải người chưa dứt chưa hết, phải lần lượt chịu đủ.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, hai bên bờ sông tro, các kẻ giữ ngục, thấy tội nhân ấy, liền đến trước hỏi: “Các ngươi nay vì sao từ xa đến đây, muốn được vật gì?” Các chúng sanh kia đều trả lời: “Chúng tôi quá khát”. Khi đó, kẻ giữ ngục liền lại chụp bắt các chúng sanh ấy đặt lên nền đất nung nóng, rực cháy, lật nằm ngửa ra. Trong lúc nằm ngửa, trên thân kẻ ấy, ngọn lửa bùng lên. Ngục tốt liền dùng kềm sắt cạy miệng ra, dùng nước đồng sôi đổ vào miệng họ. Lúc ấy các chúng sanh trong địa ngục đã uống nước đồng liền bị đốt cháy môi, miệng cho đến ruột non, đi thẳng xuống hạ bộ rồi tuôn ra ngoài. Những tội nhân kia chịu khổ cùng cực, cho đến khi thọ mạng chưa hết, chưa dứt. Những kẻ ấy đối với các nghiệp ác đã tạo ra trong quá khứ của thân người, chẳng phải người chưa diệt hết, đều phải nhận chịu.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, trong địa ngục ấy, các loại chúng sanh chịu tội báo đó, trải qua thời gian vô lượng, khổ não lâu dài, có ngọn gió tên là Hòa hiệp thổi đến thổi các chúng sanh ở trong địa ngục đến ở bên bờ; lần lượt như vậy, liền từ ngục Khôi hà đó được thoát ra, ra rồi chạy đi, cho đến cầu chỗ cứu hộ. Bấy giờ liền rơi vào địa ngục Chước tiệt. Ngục này cũng rộng năm trăm do-tuần. Tội nhân vào rồi, kẻ giữ ngục liền bắt tội nhân đặt xuống nền đất đỏ rực, cho đến xô lật nằm ngửa trên đất, liền cầm một cái rựa sắt lớn rất nóng đỏ rực dễ sợ. Các chúng sanh thọ tội trong địa ngục ấy bị chặt tay, chặt chân, chặt cả tay chân; cắt tai, cắt mũi, cắt cả tai mũi; cắt chi, cắt tiết, cắt cả chi tiết, lần lượt như vậy, toàn thân đều bị cắt. Các chúng sanh ấy, ngay lúc đó, chịu khổ cùng cực; thọ mạng chưa dứt cho đến khi các nghiệp ác đã tạo tác của thân người chẳng phải người chưa hết thì cứ như vậy, lần lượt chịu tất cả.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, các chúng sanh ở trong địa ngục ấy, trải qua thời gian vô lượng chịu khổ rồi, từ tiểu địa ngục Chước tiệt được thoát ra, ra rồi chạy đi cầu chỗ nương tựa, cho đến cầu nhà cửa, cầu che chở, cầu đất đai, cầu nơi cứu hộ. Lúc ấy liền rơi vào địa ngục Kiếm diệp. Ngục này cũng rộng năm trăm do-tuần. Vào trong ấy rồi, do vì quả của nghiệp ác, nên bỗng nhiên có ngọn gió thổi đến, thổi các lá sắt giống như kiếm bén, từ trên không rơi xuống cắt đứt tất cả bộ phận trên thân tội nhân; đó là cắt tay, cắt chân, cắt cả tay chân, cắt tai, cắt mũi, cắt cả tai mũi, cắt chi, cắt tiết, cắt cả chi tiết. Tội nhân chịu khổ cùng cực, chịu khổ ghê gớm, mạng sống cũng chưa dứt… lược nói như trên, cho đến nghiệp ác đã tạo của thân người, chẳng phải người chưa diệt, chưa tận, ở địa ngục này, chịu đủ tất cả.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, lại ở trong tiểu địa ngục Kiếm diệp ấy, các loại chúng sanh, vì quả của nghiệp ác nên có con quạ mỏ sắt bỗng nhiên bay đến đậu trên hai vai của chúng sanh ấy, chân đạp trên vai, cánh phủ trên đầu, rồi dùng mỏ sắt mổ hai tròng mắt của tội nhân, ngậm trong miệng bay đi. Khi ấy tội nhân chịu khổ cùng cực, đau đớn ghê gớm, chẳng thể nghĩ bàn, nhưng thọ mạng họ cũng chưa dứt hết… lược nói như trên cho đến các nghiệp ác đã tạo tác của thân người, chẳng phải người lần lượt như vậy đều nhận chịu tất cả.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, các loài chúng sanh, ở trong địa ngục ấy, trải qua thời gian vô lượng, chịu khổ rồi, từ tiểu địa ngục Kiếm diệp thoát ra, ra rồi chạy đi muốn cầu nhà cửa, cầu che chở, cầu đất, cầu nơi nương tựa, cầu nơi cứu hộ. Bấy giờ lại rơi vào địa ngục Hồ lang, cũng rộng năm trăm do-tuần. Các chúng sanh ấy vào ngục này rồi, vì quả của nghiệp ác, nên từ trong địa ngục xuất hiện loài lang sói dữ dằn, trợn mắt rống lên phát ra âm thanh rùng rợn, cắn xé thân các chúng sanh trong địa ngục, dùng chân đạp, miệng rứt, xé da thịt và gân mật mà ăn. Lúc ấy tội nhân chịu khổ cùng cực, đau đớn khôn cùng, mạng sống cũng chưa dứt… lược nói như trước… nghiệp ác đã tạo tác của thân người, chẳng phải người, lần lượt như vậy ở trong đó, chịu đủ tất cả.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, các loài chúng sanh ở trong địa ngục ấy trải qua thời gian vô lượng chịu khổ rồi, từ tiểu địa ngục Hồ lang được thoát ra, ra rồi chạy đi… cho đến cầu nhà cửa, cầu che chở, cầu đất đai, cầu chỗ cứu hộ, cầu chỗ nương tựa. Khi đó lại rơi vào địa ngục Hàn băng. Ngục này cũng rộng năm trăm do-tuần. Các tội nhân vào ngục đó rồi, vì quả của nghiệp ác, nên bỗng nhiên có luồng gió lạnh, từ bốn phía thổi đến, thổi hơi giá buốt tê cóng chạm vào thân thể chúng sanh ở địa ngục ấy, theo chỗ xúc chạm mà da liền bị xé rách; da bị xé rách rồi, kế đến xé rách thịt; thịt xé rách rồi, tiếp đến xé gân; xé gân rồi, kế đến phá xương; phá nát xương rồi, tiếp đến phá tủy; khi phá đến tủy, các chúng sanh ấy chịu khổ vô cùng, khổ quá sức, cho đến khổ quá lớn không thể chịu nổi, và chấm dứt mạng sống ở trong ấy.

Đó là đại địa ngục thứ nhất tên là Hoạt và mười sáu tiểu địa ngục.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, thứ hai là đại địa ngục Hắc thằng, cũng có mười sáu tiểu địa ngục rộng năm trăm do-tuần bao bọc chung quanh, từ ngục Hắc vân sa cho đến sau cùng là ngục thứ mười sáu tên là Hàn băng, cùng một loại như nhau.

Chư Tỳ-kheo, địa ngục ấy có nhân duyên gì mà gọi là đại địa ngục Hắc thằng? Đại địa ngục ấy có chúng sanh, sanh ra, có mặt, xuất hiện, và ở. Vì nghiệp bất thiện đời trước, nên bị quả báo, ở trên không trung bỗng nhiên sanh ra một dây leo to lớn nóng hừng hực, thí như mây đen từ trên không xuất hiện, phủ khắp mù mịt, xuống giáp mặt đất. Như vậy, như vậy, ở trong đại địa ngục Hắc thằng ấy, có các chúng sanh vì nghiệp bất thiện đời trước của họ nên bị quả báo, từ trên hư không xuất hiện một dây đen lớn nóng hừng hực, cũng lại như vậy. Các dây đen này rớt xuống trên thân của chúng sanh ở địa ngục ấy, khi rớt xuống trên thân, liền đốt tất cả thân thể tội nhân. Trước hết, đốt da; đã đốt da rồi, kế đến đốt thịt; đã đốt thịt rồi, kế đến đốt gân; đã đốt gân rồi, kế đến đốt xương. Khi đốt xương rồi, thì thấu đến tủy, tủy liền chảy ra, bị lửa thiêu đốt. Khi đốt tủy trong xương, phát ra lửa mạnh. Lúc ấy tội nhân chịu khổ cùng cực. Vì nghiệp của tội ác nên mạng cũng chưa dứt, cho đến… nghiệp ác bất thiện do thân của người, chẳng phải người đã tạo tác từ đời trước chưa diệt, chưa biến, chưa trừ, chưa hết nên ở trong ngục này nhận chịu tất cả.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, lại ở trong đại địa ngục Hắc thằng ấy, có các chúng sanh sanh ra, có mặt, ở và hóa thạch. Vì quả báo nơi nghiệp bất thiện đời trước của họ, các kẻ giữ ngục chụp bắt tội nhân đặt trên nền đất sắt nóng hừng hực, ánh lửa cực nóng, toàn thân bị thiêu đốt, lật nằm ngửa, dùng dây sắt nóng quấn khắp thân thể; quấn xong rồi, dùng rìu sắt nóng đỏ rực, chặt ngang chặt dọc thân thể chúng sanh ở trong địa ngục ấy, hoặc chặt làm hai phần, hoặc ba phần, bốn phần, năm phần cho đến mười phần, hoặc hai mươi phần, hoặc năm mươi phần, hoặc đến cả trăm phần. Giống như thợ mộc khéo tay ở thế gian, hoặc đệ tử của ông ta lấy các loại đồ dùng được để trên đất bằng, dùng dây mực ghi dấu đường ngang, dọc, ghi dấu đường xong rồi, liền dùng rìu bén theo đó mà chặt, hoặc chặt làm hai phần, hoặc ba phần, bốn phần, năm phần cho đến mười phần, hoặc hai mươi phần, hoặc đến trăm phần, như vậy, như vậy. Chư Tỳ-kheo, ở trong đại địa ngục Hắc thằng ấy có các chúng sanh cũng lại như vậy. Các kẻ giữ ngục chụp bắt tội nhân đặt trên nền sắt nóng, lật nằm ngửa dùng dây sắt đen quấn lại liền lấy rìu sắt chặt thân thể họ ra thành từng đoạn, cột lại như thế.

Lúc ấy tội nhân đau đớn khôn cùng, chịu khổ cùng cực nhưng mạng sống chưa dứt. Nếu chưa hết các nghiệp ác bất thiện đã tạo tác từ trước từ thân người, chẳng phải người, thì ở trong ngục phải nhận chịu tất cả.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, ở trong địa ngục Hắc thằng ấy, có các chúng sanh có mặt, có hóa sanh đến ở. Các kẻ giữ ngục, nắm bắt tội nhân đặt trên nền đất sắt nóng, cho đến xô nằm ngửa trên đất, dùng dây sắt đen quấn quanh mình họ; quấn xong rồi, lại dùng cưa sắt đang rực đỏ, theo chỗ quấn đó, cưa thân thể ra, cưa đi cưa lại, cho đến cưa nát; kế đến bửa ra, bửa đi bửa lại, cho đến bửa nát, hoặc cắt, hoặc chặt; đã cắt chặt rồi, lại cắt chặt nữa, cắt chặt cho đến rất nhỏ. Thí như người thợ cưa khéo tay ở thế gian, hoặc là đệ tử của ông lấy các thứ cây gỗ để trên mặt đất, dùng dây mực ghi dấu ngang dọc, ghi dấu rồi thì dùng cưa bén theo đó mà cưa, cưa đi cưa lại, cho đến cưa nát; kế đến bửa nhỏ ra; bửa đi bửa lại cho đến bửa nát; lại cắt chặt, đã cắt chặt rồi, lại cắt chặt nữa, cắt chặt cho đến rất nhỏ như vậy, như vậy. Chư Tỳ-kheo, ở trong địa ngục Hắc thằng ấy có các chúng sanh sanh ra, có mặt cho đến ở, các ngục tốt giữ ngục chụp bắt tội nhân đặt trên nền đất sắt nóng rực, cho đến lật nằm ngửa trên đất, dùng dây sắt đen quấn quanh để phanh thây, liền dùng cưa sắt đỏ rực cưa sả thân họ, cưa đi cưa lại cho đến cưa nát; bửa đi bửa lại cho đến bửa nát; cắt đi cắt lại cho đến cắt nát; chặt đi chặt lại cho đến chặt nát. Lúc ấy tội nhân… cho đến chịu khổ cùng cực, mạng cũng chưa dứt… lược nói như trên, cho đến các nghiệp ác đã tạo tác từ thân người, chẳng phải người, ở trong đó chịu đủ.

Lại nữa, ở trong đại địa ngục Hắc thằng, có các chúng sanh sanh ra, có mặt cho đến ở các ngục tốt dùng dây sắt nóng ánh lửa đỏ rực giao cho các tội nhân, khiến chúng tự đánh nhau; trong lúc đánh nhau làm cháy tay, cháy chân, cháy hết tay chân; cháy tai, cháy mũi, cháy hết tai mũi, cháy chi cháy tiết, cháy hết chi tiết. Khi đó, tội nhân… cho đến chịu khổ cùng cực, mạng cũng chưa dứt… lược nói như trên… cho đến nghiệp tạo tác từ trước từ thân người chẳng phải người, phải chịu đủ tất cả.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, lại trong địa ngục Hắc thằng ấy có các chúng sanh, sanh ra, có mặt… cho đến ở. Vì quả của nghiệp ác, nên từ trên không có một dây đen lớn xuất hiện, lửa khói hừng hực, sức nóng vô cùng… rơi ngay trên thân của chúng sanh ở trong địa ngục. Khi dây đen chạm đến, theo đó mà trói cột thân thể tội nhân; cột đi cột lại cho đến cột thật chặt; trói đi trói lại cho đến trói thật chặt; đã trói cột rồi lại có gió thổi tới, thổi cho mở ra; khi dây mở ra, các chúng sanh ấy, da trên thân đều bị bóc ra; da đã bị bóc rồi, thịt cũng bóc theo; thịt đã bị bóc rồi, kế đến móc gân ra, cho đến phá xương; gân xương bị phá rồi, thổi vào đến tinh tủy, tinh tủy theo gió bay đi. Bấy giờ tội nhân chịu khổ cùng cực, mạng cùng chưa dứt, lược nói như trên… cho đến nghiệp ác bất thiện chưa hết thì cứ như vậy lần lượt chịu đủ tất cả.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, các chúng sanh trong địa ngục ấy, trải qua thời gian vô lượng, chịu khổ lâu dài, mới từ đại địa ngục Hắc thằng thoát ra, ra rồi chạy đi… cho đến cầu nhà cửa, cầu che chở, cầu đất đai, cầu chỗ nương tựa, cầu nơi cứu hộ. Lúc ấy lại rơi vào địa ngục Hắc vân sa, ngục này rộng năm trăm do-tuần. Tội nhân đã vào rồi… lược nói như trên… cho đến lần lượt rơi vào địa ngục thứ mười sáu là Hàn băng; rơi vào các ngục ấy rồi cho đến khi mạng chung chịu các thứ khổ.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, đại địa ngục Hiệp cũng có mười sáu tiểu địa ngục rộng dài năm trăm do-tuần, bao bọc chung quanh, từ ngục Hắc vân sa… nói lược cho đến… địa ngục cuối cùng tên là địa ngục Hắc băng.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên gì mà đại địa ngục ấy gọi là Hiệp?

Chư Tỳ-kheo, trong địa ngục ấy, có chúng sanh sanh ra, có mặt, xuất hiện và hóa sanh cho đến ở. Do quả báo từ nghiệp ác của chúng sanh ấy, nên có hai núi lớn tên là Bạch dương khẩu ánh lửa đỏ rực nóng bức vô cùng. Lúc bấy giờ tội nhân bị ép đuổi vào trong núi ấy. Vào khoảng giữa hai núi rồi, hai núi liền kẹp lại, lại chạm vào nhau, lại húc nhau, lại ma xát nhau; khi hai núi hiệp lại như vậy, chạm nhau, húc nhau, ma xát nhau rồi, trở về chỗ cũ. Thí như rồng Tỳ-khưnâu cùng với rồng La-tỳ-khưu-nâu hiệp nhau, chạm nhau, húc nhau, ma xát nhau; chúng đã hiệp nhau, chạm nhau, húc mài nhau rồi, đều trở về chỗ cũ, như vậy, như vậy. Chư Tỳ-kheo, hai ngọn núi ấy hiệp nhau, chạm nhau, húc nhau, mài nhau, mài nhau dữ dội rồi đều trở về chỗ cũ, cũng lại như vậy. Các chúng sanh trong địa ngục ấy, khi bị hai núi hiệp, chạm, húc, mài thì tất cả máu mủ trong thân chảy ra lai láng, chỉ còn có xương bị nghiền nát. Tội nhân lúc bấy giờ… cho đến chịu khổ cùng cực, mạng cũng chưa dứt, lược nói như trên… lần lượt đều chịu, nên biết như vậy.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, trong các đại địa ngục Hiệp ấy có các chúng sanh sanh ra và ở. Ngục tốt giữ ngục ấy bắt các chúng sanh trong địa ngục ấy đặt trên nền sắt nóng, hừng hực; lửa ấy nóng dữ dội, đỏ rực, dễ sợ, xô lật nằm ngửa, lại thấy miếng sắt lớn cũng rất nóng đem phủ lên trên. Giống như cách mài nghiền ở thế gian, như thế mà mài, mài đi, mài lại, lại mài thật kỹ, làm mịn rồi mịn nữa, lại làm rất mịn; nghiền đi nghiền lại, lại nghiền nhỏ nữa cho đến thành bụi; đã thành bụi rồi lại làm thành bụi nhỏ, lần lượt như vậy, biến thành bụi cực nhỏ, khi biến thành bụi nhỏ, tất cả bộ phận cơ thể đều thành mủ máu chảy ra hết, chỉ có bộ xương còn lại chỗ đó. Lúc ấy tội nhân… cho đến chịu khổ cùng cực, mạng cũng chưa hết, lược nói như trên… lần lượt nên biết.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, trong các đại địa ngục ấy, có các chúng sanh sanh ra, có mặt cho đến ở. Ngục tốt giữ ngục ấy bắt các chúng sanh đặt trong chậu sắt lớn rất nóng, chậu ấy hừng hực một màu đỏ rực; đặt vào trong chậu rồi ép lại giống như mía và vỏ gai ở thế gian, trong khi ép như vậy, ép đi ép lại, cho đến ép thật sát; đã bị ép rồi chỉ thấy máu mủ chảy ra một bên, hài cốt đều thành bột mịn. Bấy giờ tội nhân… cho đến chịu khổ cùng cực…, lược nói như trên… mạng cũng chưa dứt, tùy theo việc làm của họ mà chịu đủ tất cả.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, lại trong các đại địa ngục Hiệp ấy, có chúng sanh sanh ra, có mặt cho đến ở. Ngục tốt giữ ngục ấy bắt các chúng sanh bỏ vào cối sắt, cối ấy hừng hực, ánh lửa đỏ rực, lại cầm chày sắt, cũng rất nóng giữ tội nhân ấy, giã đi giã lại cho đến giã mạnh; nghiền lại rồi nghiền cho đến nghiền mạnh; đã giã nghiền rồi liền thành bột mịn; đã mịn như vậy rồi mà lại càng mịn nữa, cho đến rất mịn. Trong khi nghiền thành bột mịn, chỉ thấy máu mủ ràn rụa chảy về một bên, chỉ còn bột xương. Bấy giờ, tội nhân… cho đến… chịu khổ cùng cực… lược nói như trên… cho đến… lúc bấy giờ, mạng cũng chưa dứt, chịu đủ các khổ.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, lại trong các đại địa ngục Hiệp ấy, có các chúng sanh sanh ra, có mặt cho đến ở. Lúc bấy giờ, ở trên hư không, có một con voi sắt lớn, tự nhiên xuất hiện, hừng hực mạnh mẽ, cho đến ánh lửa một màu đỏ rực, dùng hai chân đạp thân các chúng sanh ở địa ngục ấy, lần lượt đạp từ đầu đến chân, trước hết đạp trên đầu, sau đạp các chỗ khác; đạp đi đạp lại cho đến đạp mạnh; khi bị voi đạp, phần thân chúng sanh trong địa ngục ấy, máu mủ ràn rụa chảy khắp các nơi, chỉ có bột xương còn lại một bên. Bấy giờ tội nhân chịu khổ cùng cực… lược nói như trên, mạng cũng chưa dứt, như vậy lần lượt, ở trong đó chịu đủ.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, lại trong các đại địa ngục Hiệp này, các chúng sanh trải qua thời gian vô lượng, chịu khổ lâu dài; khổ này dứt rồi, từ các đại địa ngục thoát ra, ra rồi một mạch chạy đi… cho đến cầu nơi cứu hộ. Bấy giờ lại rơi vào trong tiểu địa ngục Hắc vân sa rộng năm trăm do-tuần ấy; rơi vào rồi, lại rơi vào tiểu địa ngục khác…, cứ như vậy cho đến địa ngục Hàn băng, chịu khổ đầy đủ.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, lại liền nhập vào địa ngục Khiếu hoán. Trong địa ngục đó cũng có mười sáu tiểu địa ngục; mỗi ngục rộng năm trăm do-tuần, bao bọc chung quanh. Từ ngục Hắc vân sa cho đến cuối cùng là địa ngục Hàn băng. Chư Tỳ-kheo, địa ngục ấy, có nhân duyên gì mà gọi là Khiếu hoán? Chư Tỳ-kheo, trong đại địa ngục Khiếu hoán ấy, có chúng sanh sanh ra, có mặt cho đến ở. Ngục tốt giữ ngục cùng một lúc đuổi ép các chúng sanh ấy khiến vào trong thành sắt. Thành ấy hừng hực, sắt nóng dữ dội, ánh lửa đỏ rực. Lúc ấy tội nhân ở trong thành sắt… cho đến… chịu khổ cùng cực. Vì các khổ bức bách, chẳng thể chịu đựng nổi nên thường kêu la, nên gọi là địa ngục Khiếu hoán. Lại trong ngục ấy, dùng sắt làm nhà, phòng xe cộ cũng đều bằng sắt. Lâu đài, vườn ao tất cả đều là lửa lớn dữ dội, ánh lửa rực sáng, trên dưới rỗng suốt. Ngục tốt dẫn chúng sanh chịu tội cho vào trong ấy, chịu khổ bức bách, chẳng thể chịu nổi, nên liền kêu la, vì vậy gọi là địa ngục Khiếu hoán. Tội nhân ở trong ấy, chịu khổ vô cùng. Lược nói như trên… mạng cũng chưa dứt. Nếu nghiệp ác bất thiện của họ chưa dứt, thì cứ lần lượt như vậy mà chịu đầy đủ. Chư Tỳ-kheo, trong địa ngục ấy, các loài chúng sanh chịu khổ lâu dài, trải qua thời gian vô lượng, từ địa ngục Khiếu hoán thoát ra, ra rồi chạy đi… lược nói như trước… cho đến cầu nơi cứu hộ, liền lại đến các tiểu địa ngục Hắc vân sa rộng năm trăm do-tuần, nhập vào rồi, chịu đủ các tội như trước… lược nói… cho đến sau cùng nhập vào địa ngục Hàn băng, thọ đủ các khổ mới được mạng chung.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, trong đại địa ngục Đại khiếu hoán ấy, cũng có mười sáu tiểu ngục vây chung quanh, đều rộng dài năm trăm do-tuần, từ ngục Hắc vân sa cho đến cuối cùng là địa ngục Hàn băng.

Chư Tỳ-kheo, địa ngục ấy có nhân duyên gì mà được gọi là Đại khiếu hoán?

Chư Tỳ-kheo, trong đại địa ngục Đại khiếu hoán ấy, có chúng sanh sanh ra, có mặt cho đến ở. Các ngục tốt giữ ngục bắt chúng sanh ấy cũng bỏ vào trong thành sắt nóng cháy dữ dội, cho đến trên dưới ánh lửa rực sáng cùng khắp. Tội nhân ở trong ấy chịu khổ cùng cực, vì các khổ não bức bách chẳng thể chịu nổi nên phải kêu la lớn tiếng. Do nhân duyên ấy nên gọi địa ngục đó là Đại khiếu hoán. Trong địa ngục đó, cũng dùng sắt nóng mà làm nhà; phòng xá, xe cộ, lầu gác đều làm bằng sắt, lửa dữ hừng hực đỏ rực khắp nơi; tội nhân trong đó, chịu khổ cùng cực… lược nói như trên… mạng cũng chưa dứt… lần lượt như vậy, nhận chịu đầy đủ.

Chư Tỳ-kheo, lại các loại chúng sanh trong địa ngục ấy chịu khổ lâu dài, trải qua thời gian vô lượng, mới từ đại địa ngục Đại khiếu hoán được thoát ra, thoát ra rồi chạy đi… cho đến… nói lược… cầu nơi cứu hộ. Lúc ấy, lại rơi vào trong các tiểu địa ngục Hắc vân sa; vào rồi chịu khổ… cho đến địa ngục cuối cùng là Hàn băng, chịu đủ các khổ, cho đến mạng chung.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, ở trong đại địa ngục Nhiệt não ấy, cũng có mười sáu tiểu địa ngục vây bọc chung quanh. Ngục ấy, mỗi cái đều giống như trước, rộng dài năm trăm do-tuần, từ Hắc vân sa cho đến cuối cùng là địa ngục Hàn băng.

Chư Tỳ-kheo, địa ngục ấy có nhân duyên gì mà gọi là đại địa ngục Nhiệt não?

Chư Tỳ-kheo, ở trong đại địa ngục Nhiệt não ấy chúng sanh sanh ra, có mặt cho đến ở; các ngục tốt giữ ngục bắt chúng sanh ấy chúc đầu xuống treo chân lên, bỏ vào trong nồi, nồi đó rất nóng, nước sôi sùng sục, lửa đỏ phừng phực phủ ngập tội nhân theo nước bùng lên hạ xuống. Ngay khi đó, tội nhân chịu nóng bức hết sức, nóng bức cùng cực…, vì vậy nên gọi là ngục Đại nhiệt não. Lại trong ngục ấy có vò sắt, chậu sắt, vạc sắt, đảnh sắt, nồi sắt, cũng đều rực đỏ, nóng vô cùng. Lại đem tội nhân bỏ vào trong đó. Lúc ấy tội nhân bị lửa địa ngục hoặc nấu, hoặc rim, chịu các khổ não; chịu khổ não rồi, lại chịu khổ não nữa; chịu khổ não cùng cực. Vì vậy gọi là địa ngục Nhiệt não rất nóng. Tội nhân ở trong đó, chịu khổ cùng cực… Lược nói như trước… cho đến mạng chung, lần lượt như vậy, chịu đủ các khổ. Chư Tỳ-kheo, các chúng sanh ở trong địa ngục ấy, trải qua thời gian vô lượng chịu các thứ khổ dài lâu trong ấy rồi, mới từ đại địa ngục đại địa ngục Nhiệt não vô cùng nóng bức ấy thoát ra, ra rồi chạy đi… cho đến… muốn cầu nơi cứu hộ, nơi nương tựa. Lúc ấy lại rơi vào các tiểu địa ngục Hắc vân sa cho đến địa ngục cuối cùng là địa ngục Hàn băng, nếu mạng chưa dứt thì lần lượt chịu các khổ não như trước.

Hết Quyển 3

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, trong đại địa ngục A-tỳ-chí cũng có mười sáu loại địa ngục trực thuộc, bao bọc chung quanh. Mỗi ngục rộng năm trăm do-tuần, trước hết là địa ngục Hắc vân sa, cho đến cuối cùng là địa ngục Hàn băng.

Chư Tỳ-kheo, địa ngục ấy do nhân duyên gì mà gọi là A-tỳchí?

Chư Tỳ-kheo, trong đại địa ngục A-tỳ-chí ấy có các chúng sanh, sanh ra, có mặt, xuất hiện và ở đó. Các chúng sanh ấy do quả báo của các nghiệp ác, tự nhiên sanh ra. Các ngục tốt giữ ngục dùng hai tay chụp thân của chúng sanh trong địa ngục ấy, ném trên nền sắt nóng hừng hực, ánh lửa bốc thẳng lên một cách mãnh liệt, phủ khắp mặt đất, rồi cầm dao bén từ mắt cá xẻ gân ra. dùng tay lôi rút cho đến gân trên đầu, tất cả đều dính mắc nhau, xuyên thấu tim tủy, thống khổ khó bàn; lôi rút như vậy rồi, bỏ lên xe sắt, vội vàng kéo chạy. Xe ấy rất nóng, ánh lửa hừng hực mãnh liệt, kéo chạy qua vô lượng do-tuần. Chỗ đã đi qua toàn là đường sắt hiểm hóc lửa cháy đỏ rực, đi rồi, lại đi tùy theo ý của ngục tốt, không có thời gian dừng nghỉ, muốn đến phương nào theo ý liền đến, tùy chỗ đi, tùy chỗ đến, ngục tốt kéo đi, không hề rời xa. Khi đi như vậy, tùy chốn đi qua, thiêu tiêu thân tội nhân, máu thịt không còn lại chút nào. Do nhân duyên ấy chịu khổ vô cùng, chịu khổ kịch liệt, khổ chẳng chịu nổi, mạng sống cũng chưa dứt cho đến khi nghiệp ác bất thiện chưa hết, chưa diệt, chưa tan, chưa biến, chưa đổi thì những việc đã làm của thân người và chẳng phải người từ trước, đều chịu đủ tất cả.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, trong đại địa ngục A-tỳ-chí ấy, có các chúng sanh sanh ra, có mặt, biến hóa và ở đó. Vì quả báo theo nghiệp bất thiện của họ, từ phía Đông, có một đống lửa lớn bỗng nhiên hiện ra, màu đỏ hừng hực, mãnh liệt vô cùng, rực đỏ về một phía. Lần lượt như vậy, phương Nam, Tây, Bắc, bốn góc, trên, dưới, đâu đâu cũng có đống lửa rất lớn phát ra ngọn lửa đỏ rực, sức nóng hừng hực. Lúc ấy tội nhân bị các đống lửa bốn phương này vây quanh dần dần áp sát, chạm vào thân thể nên chịu các thống khổ… cho đến chịu khổ cùng cực mà mạng cũng chưa dứt… như trên… ở trong các ngục ấy, chịu đủ tất cả.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, trong đại địa ngục A-tỳ-chí ấy, có các chúng sanh sanh ra, có mặt cho đến… ở đó. Do quả báo của nghiệp ác, nên từ tường phương Đông, phát ra ánh lửa lớn vọt thẳng tới tường phía Tây, đến rồi dừng lại. Từ tường phía Tây phát ra ngọn lửa lớn vọt thẳng xa qua tường phía Đông, đến rồi dừng lại. Từ tường phía Nam phát ra ngọn lửa lớn vọt thẳng tới tường phía Bắc. Từ tường phía Bắc phát ra ngọn lửa lớn vọt thẳng tới tường phía Nam, từ dưới vọt lên; từ trên vọt xuống; dọc ngang, trên dưới liên tục lao vào nhau. Ánh lửa rực đỏ, khối lửa chạm nhau. Lúc ấy ngục tốt bắt các tội nhân ném vào trong đống lửa lớn do sáu phương nhóm lại đó. Các tội nhân ấy… cho đến chịu khổ cùng cực và mạng cũng chưa dứt… lược nói… cho đến khi các nghiệp ác bất thiện của họ chưa dứt thì ở khoảng giữa đó, chịu đầy đủ tất cả.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, trong đại địa ngục A-tỳ-chí ấy, các chúng sanh sanh ra, có mặt… cho đến ở đó, do quả báo của nghiệp ác nên trải qua thời gian vô lượng, chịu khổ lâu dài. Bấy giờ, họ thấy ở cửa phía Đông của địa ngục bỗng nhiên tự mở. Các chúng sanh ấy đã nghe tiếng mở cửa, thấy cửa mở, liền chạy đến đó, chạy rồi, chạy lại rất nhanh. Họ nói: “Chúng ta đến nơi đó chắc chắn sẽ được thoát ra. Nay chúng ta nếu đến được chỗ ấy, chắc là được an lành”. Các chúng sanh ấy khi chạy đi như vậy, chạy đi, chạy đi mãi, chạy đi rất nhanh, thân họ chuyển thành ánh lửa rực đỏ, giống như thế gian có người con trai tráng kiện cầm ngọn đuốc lớn chạy ngược gió, lửa của ngọn đuốc ấy chuyển thành rực đỏ, ánh lửa mãnh liệt… như thế, như thế. Các chúng sanh ấy chạy như vậy, gần đến cửa thì do nghiệp lực của tội báo, cửa lại tự đóng. Khi ấy tội nhân ở trong ngục đó, bị ngọn lửa rực cháy nung nóng nền sắt làm cho tội nhân mê man ngã xuống, úp mặt mà chịu; nằm úp xuống rồi, liền bị đốt da; đã bị đốt da rồi, kế đến bị đốt thịt; đã bị đốt thịt rồi, kế đến bị đốt gân; đã bị đốt gân rồi, kế đến bị đốt xương; đã bị đốt xương rồi, đốt thấu đến tủy. Khi đốt thấu đến tủy, chỉ thấy khói bay ra, bay ra mãi; khói hết rồi, lửa phát ra; tội nhân ở trong đó, cho đến… lần lượt chịu khổ cùng cực mà mạng cũng chưa dứt… lược nói như trước… Nghiệp ác bất thiện của những kẻ ấy chưa hết cho đến những điều đã làm của thân người hay chẳng phải người từ trước, ở trong đó, chịu đủ.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, trong các đại địa ngục A-tỳ-chí ấy, các chúng sanh sanh ra, có mặt… cho đến ở đó. Do quả báo của các nghiệp ác bất thiện, nên trải qua thời gian vô lượng, ở trong đó chịu các khổ rồi, bốn cửa địa ngục lại mở ra lại. Khi cửa ngục mở, các chúng sanh trong địa ngục ấy nghe tiếng động, thấy cửa mở, nhắm theo cửa chạy ra, chạy mãi chạy mãi, cho đến chạy hết sức nhanh, khởi ý nghĩ thế này: “Chúng ta nay đây, đang ở nơi này, nhất định sẽ thoát được. Chúng ta nay đây, nhất định sẽ hết khổ”. Các người ấy, khi đang cố sức chạy như vậy, thân họ lại chuyển thành lửa đỏ mãnh liệt. Giống như một người đàn ông mạnh khỏe cầm cây đuốc bằng cỏ khô chạy ngược gió. Cây đuốc ấy đã cháy, lại càng cháy mạnh hơn. Như vậy, như vậy, các chúng sanh ấy chạy rồi chạy mãi, chạy hết sức nhanh, trong lúc chạy, các chi phần nơi thân thể của họ chuyển thành lửa đỏ; khi muốn cất chân lên thì máu thịt đều tan ra, khi muốn đặt chân xuống thì máu thịt sanh lại, khi đến các cửa ngục thì các cửa ngục đều đóng. Các chúng sanh ấy ở trên nền sắt nóng hừng hực ấy, một mặt chạy đi nhưng chẳng ra được tâm họ hôn mê, té úp xuống đất. Té úp xuống đất rồi, bị đốt hết da trên thân; đã bị đốt da rồi, kế đến bị đốt thịt; đã bị đốt thịt rồi lại bị đốt xương, cho đến đốt thấu tủy, khói lửa phực lên, khói tỏa mịt mù, lửa bốc đỏ rực, khói lửa quyện nhau, sức nóng tăng gấp bội, các tội nhân trong ấy, chịu khổ cùng cực… lược nói như trước cho đến thọ mạng chưa được chấm dứt, nghiệp ác bất thiện chưa diệt, chưa lìa, chưa biến, chưa tan… cho đến các việc đã tạo tác của thân người hay chẳng phải người từ trước, tất cả đều chịu đủ.

Chư Tỳ-kheo, trong đại địa ngục A-tỳ-chí ấy, có các chúng sanh… cho đến ở đó, do vì sức quả báo của các nghiệp ác bất thiện, mà bị ngọn lửa bừng lên thiêu đốt. Bấy giờ sắc và mắt đã thấy đều là những cái không vừa ý; cái vừa ý đều chẳng hiện ra; chẳng phải là cái mà ý ưa thích như là sắc chẳng thể ưa, sắc chẳng đẹp thường gây bực bội. Âm thanh mà tai nghe, mùi mà mũi ngửi, vị mà lưỡi nếm, cái mà thân xúc chạm, điều mà ý nghĩ đến đều là những cái mà tâm ý chẳng ưa, chẳng phải là cái mà ý ưa, chẳng phải là điều mà ý thích thì thường hiện ra. Hễ có cảnh giới đều là chẳng tốt, những tội nhân ở trong đó, do nhân duyên ấy nên thường chịu khổ não nặng nề; vì sắc kia xấu nên xúc kia cũng vậy, cho đến thọ mạng chưa được chấm dứt, nghiệp ác bất thiện chưa hết, chưa diệt; đối với tất cả các nghiệp ác đã tạo tác của thân người hay chẳng phải người đời trước thì phải chịu đủ.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, do duyên cớ gì mà ngục A-tỳ-chí gọi là A-tỳ-chí?

Chư Tỳ-kheo, trong đại địa ngục A-tỳ-chí ấy, vào tất cả thời gian, không có một khoảnh khắc nào tạm hưởng được sự an lạc, kể cả khoảng thời gian như búng ngón tay, vì vậy gọi tên đại địa ngục ấy là A-tỳ-chí. Lần lượt như vậy, chịu khổ liên tục.

Chư Tỳ-kheo, các chúng sanh trong đại địa ngục ấy, trải qua thời gian vô lượng, chịu khổ lâu dài cho đến khi từ đại địa ngục A-tỳchí này được thoát ra, ra rồi chạy đi; chạy rồi chạy mãi cho đến chạy thật nhanh, muốn cầu nhà cửa, cầu che chở, cầu đất đai, cầu nơi nương tựa, cầu chỗ cứu hộ. Bấy giờ, lại rơi vào các tiểu địa ngục rộng năm trăm do-tuần như Hắc vân sa…; rơi vào rồi… cho đến lược nói cuối cùng đến địa ngục thứ mười sáu tên là Hàn băng, chịu đủ các khổ. Sau đó, chính từ nơi ấy mới bỏ mạng. Đến đây, Đức Thế Tôn nói kệ:

Nếu người thân, khẩu, ý tạo nghiệp
Làm rồi rơi vào trong đường ác
Như thế sẽ sanh địa ngục Hoạt 
Là nơi đáng sợ, lông dựng đứng
Trải qua vô số ngàn ức năm
Chết rồi khoảnh khắc sống trở lại
Oán thù mỗi mỗi vay trả nhau
Do chúng sanh ấy lại giết nhau
Đối với cha mẹ, khởi tâm ác
Hoặc Phật, Bồ-tát, chúng Thanh văn
Kẻ ấy đều đọa ngục Hắc thằng.
Chốn ấy chịu khổ thật vô cùng
Dạy người chánh hạnh làm tà vạy
Thấy kẻ làm lành quyết phá hoại
Kẻ ấy đều đọa ngục Hắc thằng.
Hai lưỡi, lời ác, nói dối nhiều.
Chẳng tu ba thứ mầm thiện căn
Kẻ ấy si mê sẽ phải vào
Đại địa ngục Hiệp, chịu khổ lâu
Hoặc giết dê, ngựa và trâu bò
Các loại thú gà heo vân vân
Và giết các loại trùng kiến khác
Kẻ ấy sẽ đọa địa ngục Hiệp.
Ở đời dùng đủ thứ khủng bố
Để mà bức bách hại chúng sanh
Sẽ đọa trong địa ngục Ngại sơn
Chịu các khổ ném, ép, đâm, giã
Vì tham dục, sân, si kết sử
Đảo lộn chánh lý khiến sai khác
Phải cho là quấy, trái pháp luật
Họ bị đao kiếm xoay đâm thủng
Ỷ vào sức mạnh cướp của người
Có sức hay không đều lấy sạch
Nếu làm việc bức não như vậy
Kẻ ấy sẽ sanh ngục Khiếu hoán.
Dùng mọi cách xúc não chúng sanh
Ở ngục Khiếu hoán bị thiêu nấu
Trong đó lại có Đại khiếu hoán
Là do tâm dua nịnh gian xảo
Tà kiến dày đặc che lấp hết
Dây ái buộc ràng chịu trầm luân
Thường tạo nghiệp thấp kém như vậy
Họ đều bị đọa Đại khiếu hoán.
Khi đến Đại khiếu hoán như vậy
Thành sắt cháy hừng, lông rụng ngược
Trong đó nhà sắt và phòng sắt
Người đến nhập vào đều bị thiêu
Nếu làm các việc ở thế gian
Thường gây não loạn cho chúng sanh
Kẻ ấy sẽ sanh ngục Nhiệt não
Trong vô lượng thời chịu nóng bức.
Sa-môn, Bà-la-môn, thế gian
Cha mẹ, tôn trưởng bậc kỳ cựu
Thường xúc não họ khiến chẳng vui
Kẻ ấy đều đọa ngục Nhiệt não.
Tịnh nghiệp sanh thiên, chẳng ưa tu
Thường chia rẽ người thương chí thân
Kẻ ưa làm các việc như vậy
Tất sẽ đọa vào ngục Nhiệt não.
Ác với Sa-môn, Bà-la-môn
Cùng các người hiền và cha mẹ
Hoặc lại làm hại các Tôn giả
Họ đọa nhiệt não bị thiêu đốt
Thường hay tạo tác nhiều nghiệp ác
Chưa từng phát khởi một niệm lành
Người ấy đọa thẳng ngục A-tỳ
Sẽ chịu vô lượng mọi khổ não.
Nếu bảo chánh pháp là phi pháp
Bảo các phi pháp là chánh pháp
Không lợi ích đối với việc lành
Người ấy sẽ đọa ngục A-tỳ.
Cùng hai ngục Hoạt và Hắc thằng
Hiệp và Khiếu hoán là năm ngục
Nhiệt não, đại nhiệt cọng thành bảy
Ngục A-tỳ-chí là thứ tám.
Đó là tên tám đại địa ngục
Nóng bức quá khổ không chịu nổi
Do nghiệp ác mà người tạo ra
Trong đó có mười sáu tiểu ngục.

Đức Thế Tôn thuyết kệ ấy xong, bảo các Tỳ-kheo:

–Này chư Tỳ-kheo, các vị nên biết khoảng giữa thế giới kia, lại riêng có mười địa ngục. Những gì là mười? Đó là địa ngục Át-phùđà, địa ngục Nê-la-phù-đà, địa ngục A-hô, địa ngục Hô-hô-bà, địa ngục A-ca-ca, địa ngục Tao-kiền-đề-ca, địa ngục Ưu-bát-la, địa ngục Ba-đầu-ma, địa ngục Bôn-trà-lợi, địa ngục Câu-mâu-đầu. Chư Tỳkheo, trong khoảng giữa ấy, có mười loại địa ngục như vậy.

Chư Tỳ-kheo, vì nhân duyên gì mà địa ngục ấy gọi là Át-phùđà? Chư Tỳ-kheo, các chúng sanh ở trong ngục Át-phù-đà có thân hình giống như bọt nước, vì vậy gọi là Át-phù-đà.

Lại nữa, ở trong đó có địa ngục Nê-la-phù-đà. Do nhân duyên gì mà gọi là Nê-la-phù-đà? Chư Tỳ-kheo, trong địa ngục Nê-la-phùđà ấy, các chúng sanh có thân hình giống như cục thịt, vì vậy gọi đó là Nê-la-phù-đà.

Lại nữa, ở trong đó, có địa ngục A-hô. Do nhân duyên gì mà gọi là A-hô? Chư Tỳ-kheo, các chúng sanh trong ngục A-hô chịu khổ cùng cực, trong khi bị bức bách kêu la: “A-hô! A-hô!” Thật là thảm thiết, vì vậy gọi đó là địa ngục A-hô.

Lại nữa, ở trong đó có địa ngục Hô-hô-bà. Do nhân duyên gì mà gọi là Hô-hô-bà? Chư Tỳ-kheo, trong địa ngục Hô-hô-bà ấy, các loại chúng sanh vì khi bị khổ bức bách liền kêu la: “Hô hô bà!” Vì vậy gọi đó là Hô-hô-bà.

Lại nữa, ở trong đó có địa ngục A-tra-tra. Do nhân duyên gì mà gọi là A-tra-tra. Chư Tỳ-kheo, trong địa ngục A-tra-tra ấy, các chúng sanh vì bị khổ não bức bách thân họ, chỉ kêu lên được: “A tra tra! A tra tra!” Nhưng âm vang nơi lưỡi chẳng thoát ra khỏi miệng, vì vậy gọi đó là A-tra-tra.

Lại nữa, ở trong đó có địa ngục Tao-kiền-đề-ca. Do nhân duyên gì mà gọi là Tao-kiền-đề-ca? Vì màu của ngọn lửa dữ giống như Tao-kiền-đề-ca, vì vậy gọi đó là Tao-kiền-đề-ca.

Lại nữa, ở trong đó có ngục Ưu-bát-la. Do nhân duyên gì mà gọi là Ưu-bát-la? Chư Tỳ-kheo, trong địa ngục Ưu-bát-la ấy, màu của lửa dữ như hoa Ưu-bát-la, vì vậy gọi đó là Ưu-bát-la.

Lại nữa, ở trong đó có ngục Câu-mâu-đầu. Do nhân duyên gì mà gọi là Câu-mâu-đầu? Chư Tỳ-kheo, trong địa ngục Câu-mâu-đầu ấy, màu của lửa dữ giống như hoa Câu-mâu-đầu, vì vậy gọi đó là Câumâu-đầu.

Lại nữa, ở trong đó có ngục Bôn-trà-lợi-ca. Do nhân duyên gì mà gọi là Bôn-trà-lợi-ca? Chư Tỳ-kheo, trong địa ngục Bôn-trà-lợica, màu của lửa dữ như hoa Bôn-trà-lợi-ca, vì vậy gọi đó là Bôn-tràlợi-ca.

Lại nữa, ở trong đó có ngục Ba-đầu-ma. Do nhân duyên gì mà gọi là Ba-đầu-ma? Chư Tỳ-kheo, trong địa ngục Ba-đầu-ma ấy, màu của lửa dữ như hoa Ba-đầu-ma, vì vậy gọi đó là Ba-đầu-ma.

Chư Tỳ-kheo, như cái hộc của nước Kiều-tất-la, đong đầy hai mươi hộc hạt mè như vậy, vun cao không khỏa khi ấy, có một người đàn ông, mãi một trăm năm lấy đi một hạt mè, lần lượt như vậy, cứ đúng một trăm năm lại lấy một hạt ném đi nơi khác. Chư Tỳ-kheo, cứ ném như vậy cho đến hai mươi hộc của nước Kiều-tất-la đựng đầy mè; thời gian như vậy, ta nói, thọ mạng của tội nhân ở ngục Át-phùđà còn chưa dứt hẳn, chỉ dùng con số này mà nói đại khái. Hai mươi lần tuổi thọ ở ngục Át-phù-đà như vậy bằng một lần tuổi thọ ở ngục Nê-la-phù-đà; hai mươi lần tuổi thọ ở ngục Nê-la-phù-đà bằng tuổi thọ ở ngục A-hô; hai mươi lần tuổi thọ ở ngục A-hô bằng một lần tuổi thọ ở ngục Hô-hô-bà; hai mươi lần tuổi thọ ở ngục Hô-hô-bà bằng một lần tuổi thọ ở ngục A-tra-tra; hai mươi lần tuổi thọ ở ngục A-tra-tra bằng một lần tuổi thọ ở ngục Tao-kiền-đề-ca; hai mươi lần tuổi thọ ở ngục Tao-kiền-đề-ca bằng một lần tuổi thọ ở ngục Ưu-bátla; hai mươi lần tuổi thọ ở ngục Ưu-bát-la bằng một lần tuổi thọ ở ngục Câu-mâu-đầu; hai mươi lần tuổi thọ ở ngục Câu-mâu-đầu bằng một lần tuổi thọ ở ngục Bôn-trà-lợi-ca; hai mươi lần tuổi thọ ở ngục Bôn-trà-lợi-ca bằng một lần tuổi thọ ở ngục Ba-đầu-ma; hai mươi lần tuổi thọ ở ngục Ba-đầu-ma là một chung kiếp.

Chư Tỳ-kheo, tại chốn của địa ngục Ba-đầu-ma, nếu các chúng sanh ở cách xa nơi ấy một trăm do-tuần, liền bị ngọn lửa của ngục ấy táp đến; nếu chúng sanh ở cách xa năm mươi do-tuần thì bị lửa ấy xông đều đui không thấy; nếu chúng sanh ở cách xa hai mươi lăm do-tuần thì máu huyết trong thân thể bị nung nóng hư hoại.

Chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Cù-ca-lê vì đối với Xá-lợi-phất, Mụckiền-liên khởi tâm bài báng, tâm ô uế, tâm độc ác, nên sau khi chết liền đọa vào ngục Ba-đầu-ma. Sau khi đọa vào ngục ấy, từ trong miệng của ông ấy phát ra một ngọn lửa nóng lớn, dài hơn mười khuỷu tay; ở trên lưỡi của ông ta tự nhiên có năm trăm lưỡi cày sắt thường xuyên cày trên ấy. Chư Tỳ-kheo, Ta ở những nơi khác, chưa từng thấy một kẻ nào tự làm tổn hại như vậy, nghĩa là ở bên người phạm hạnh mà sanh tâm cấu uế, tâm tổn não, tâm độc ác, tâm chẳng lợi ích, tâm không tình thương, tâm bất tịnh. Chư Tỳ-kheo, vì vậy, các ông nên đối với tất cả những người phạm hạnh, khởi nghiệp thân, khẩu, ý từ bi. Như Ta đã thấy người ngày đêm khởi thân, khẩu, ý nghiệp từ bi thì thường được an lạc. Vì vậy cho nên, tất cả Tỳ-kheo các ông đều nên như điều Ta thấy, Ta nói, ngày đêm thường khởi tâm từ. Các ông thường nên học tập như vậy. Bấy giờ Đức Thế Tôn nói kệ:

Khi các người sống ở thế gian
Trên lưỡi tự nhiên sanh rìu búa
Nghĩa là miệng nói điều độc ác
Trở lại làm hại chính thân mình.
Người đáng khen ngợi lại không khen
Người chẳng nên khen thì lại khen
Như vậy gọi là miệng tranh cãi
Do sự tranh này nên không vui
Nếu người đánh bạc được tiền của
Đó là việc tranh nhỏ thế gian
Với người tịnh hạnh khởi tâm xấu
Gọi là từ miệng tranh cãi lớn
Như vậy ba mươi sáu trăm ngàn
Số địa ngục Nê-la-phù-đà
Năm chốn địa ngục Át-phù-đà
Cho đến địa ngục Ba-đầu-ma
Vì hủy Thánh nhân nên như vậy
Do nghiệp khẩu ý gây tội ác.

Chư Tỳ-kheo, ở khoảng giữa thế giới, lại có các thứ gió tên là Nhiệt não. Chư Tỳ-kheo, các thứ gió ấy nếu thổi đến châu này thì các chúng sanh sanh ra và ở trong bốn châu này, tất cả bộ phận trong thân đều hoại diệt, tiêu tan không còn gì hết. Thí như cỏ lau nếu bị cắt mà chẳng tưới nước thì sẽ khô héo, chẳng còn gì. Như vậy, như vậy, chư Tỳ-kheo, khoảng giữa thế giới có các thứ gió tên là Nhiệt não, nếu khi thổi đến bốn châu này thì ở đấy, chúng sanh đều bị khô chết, không còn gì hết, cũng lại như vậy. Nhưng vì hai núi Thiết vi và Đại thiết vi ở bên trong ngăn lại nên ngọn gió kia chẳng thổi đến đây được.

Chư Tỳ-kheo, núi Thiết vi và Đại thiết vi kia có đại lợi ích như vậy, vì các chúng sanh ở trong bốn thế giới, bốn châu này làm chỗ nương tựa.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, khoảng giữa thế giới có các thứ gió thổi vào địa ngục thiêu đốt chúng sanh, thịt mỡ, tủy trên thân và các thứ hơi hôi thối bất tịnh, thật đáng ghê sợ. Chư Tỳ-kheo, gió ấy, nếu thổi đến trong thế giới bốn châu này, thì chúng sanh ở đây cho đến ở đó, tất cả đều bị đui mù, không có mắt, do vì hơi hôi thối cực mạnh. Nhưng do vì hai núi Thiết vi và Đại thiết vi ngăn lại làm trở ngại nên mùi hôi thối đó chẳng bay đến được.

Chư Tỳ-kheo, hai ngọn núi lớn Thiết vi và Đại thiết vi đã có thể vì các chúng sanh ở trong thế giới bốn châu này làm việc lợi ích rất lớn như vậy, thành nơi nương tựa cho các chúng sanh.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, khoảng giữa thế giới, lại có gió lớn gọi là Tăng-già-đa. Chư Tỳ-kheo, gió ấy, nếu thổi đến thế giới này, thì bốn đại châu trong thế giới này cùng tám vạn bốn ngàn các tiểu châu khác, các núi lớn khác, núi chúa Tu-di đều có thể bị nhấc bổng lên, cách mặt đất hoặc cao một câu-lô-xá, nhấc lên rồi có thể làm cho vỡ ra tan đi… cho đến hoặc hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy câu-lô-xá, đã nhấc lên rồi đều có thể làm cho tan vỡ tiêu mất…, cho đến nhấc lên cao một do-tuần, tan vỡ tiêu mất, cũng như trước đã nói, như vậy cho đến nhấc lên hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy do-tuần phá hủy làm cho tiêu tan…, cho đến nhấc lên một trăm do-tuần, phá hủy làm cho tiêu tan… nhấc lên hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy do-tuần rồi phá hoại tiêu tan cũng giống như trước…, cho đến nhấc lên một ngàn do-tuần, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngàn do-tuần rồi phá hủy tiêu tan. Thí như một người trai trẻ tay nắm bột mì, nắm rồi giơ cao lên bóp vụn ra, ở giữa hư không, ném vãi tứ tán, không còn gì hết. Như vậy, như vậy, chư Tỳ-kheo, khoảng giữa thế giới ấy, có các thứ gió cực mạnh gọi là Tăng-già-đa, nếu gió ấy thổi đến bốn châu này thì khi ấy bốn châu trong thế giới này và tám vạn bốn ngàn các châu nhỏ khác, tất cả các núi và núi chúa Tu-di đều bị nhấc lên cao đến một câu-lô-xá, phá hủy, tiêu tan… lược nói như trước… cho đến nhấc cao lên bảy ngàn do-tuần, phá hoại tiêu tan, cũng lại như vậy. Chư Tỳ-kheo, nhưng vì do hai núi Thiết vi và Đại thiết vi trong đó ngăn lại nên gió chẳng thổi đến được. Chư Tỳ-kheo, do oai đức của hai núi Thiết vi và Đại thiết vi trong ấy có lợi ích lớn nên mới được như vậy, vì các loại chúng sanh ở trong thế giới bốn châu này làm chỗ nương tựa.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, ngay bên ngoài hai núi Thiết vi ở phía Nam châu Diêm-phù có trú xứ của cung điện vua Diêm-ma, bằng phẳng rộng dài sáu ngàn do-tuần, có bảy lớp tường vách, bảy lớp lan can, bảy lớp dây chuông. Bên ngoài có bảy lớp hàng cây Đa-la bao bọc chung quanh, có nhiều màu dễ xem, do bảy báu tạo thành. Đó là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, hồng ngọc, xa cừ, mã não… tạo thành. Ở bốn phương đều có các cửa, mỗi cửa đều có hàng rào bảo vệ, lầu đài, cung điện, vườn cảnh, ao hoa, các ao hoa ấy và trong vườn cảnh có các thứ cây, các thứ cây ấy có các thứ lá, các thứ hoa thơm, các thứ quả đẹp dày đặc khắp nơi, các thứ mùi thơm theo gió lan ra, các loài chim đều cùng nhau ca hót.

Lại nữa, chư Tỳ-kheo, vua Diêm-ma ấy, vì quả báo của nghiệp ác bất thiện nên vào ban đêm ba lần và ban ngày ba lần, tự nhiên có nước đồng đỏ xuất hiện trước mặt. Ngay lúc ấy, cung điện của vua liền biến thành sắt, đầu tiên, công năng của năm dục ngay trước mắt đều biến mất. Nếu vua ở trong cung thì ngay trong cung cũng xuất hiện như vậy. Khi ấy vua Diêm-ma thấy việc như thế thì lo sợ bất an, tóc lông dựng ngược, liền chạy ra ngoài. Nếu vua ở ngoài cung, thì ở bên ngoài cũng lại xuất hiện như vậy. Lúc ấy vua Diêm-ma lòng sanh sợ sệt, run rẩy bất an, tóc lông trên thân cùng lúc dựng ngược liền chạy vào trong. Khi ấy kẻ giữ ngục chụp vua Diêm-ma, giơ cao lên, ném nằm xuống trên nền sắt nóng. Nền sắt bừng cháy dữ dội, ánh sáng đỏ rực. Khi ném nằm xuống rồi, liền lấy kềm sắt cạy miệng ra, lấy nước đồng sôi rót vào trong miệng, môi miệng bị bỏng rồi, kế đến lưỡi bỏng; lưỡi đã bị bỏng rồi, lại bỏng yết hầu; yết hầu đã bị bỏng rồi, lại bỏng đến ruột già, ruột non… lần lượt cháy bỏng hết, theo hạ bộ mà ra. Bấy giờ vua Diêm-ma nghĩ: “Tất cả chúng sanh vì ngày xưa, thân đã làm hạnh ác, miệng đã nói lời ác, ý đã nghĩ điều ác, vì vậy bọn họ đều phải chịu các loại khổ não khác nhau, tâm chẳng được vui. Như các chúng sanh trong địa ngục, nay thân này của ta cùng các chúng sanh khác; vua Diêm-ma là người gây ra nghiệp cũng vậy thôi. Than ôi! Ta nguyện từ nay xả thân này rồi, khi thọ thân khác đều cùng với người ở nhân gian cùng nhau thọ sanh. Bấy giờ khiến ta ở trong pháp của Như Lai sẽ được tín giải. Khi được tín giải đầy đủ, ta sẽ cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, được tín giải chân chánh, bỏ nhà xuất gia. Khi ta xuất gia rồi, sống hòa hiệp chẳng bao lâu, đối với thân thiện nam đã làm việc gì mà được tín giải chân chánh? Bỏ nhà xuất gia, ở trong pháp thấy được chỗ cùng tột của phạm hạnh vô thượng nên tự thông đạt, chứng đắc; đã chứng đắc đầy đủ rồi, ta mong rằng: “Nay ta sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, những điều cần làm đều đã làm xong, lại đối với đời sau chẳng thọ sanh nữa”.”

Chư Tỳ-kheo, vua Diêm-ma, khi ấy phát khởi và huân tập những ý nghĩ tốt đẹp như vậy, nên ngay bấy giờ, cung điện của vua Diêm-ma trở lại thành bảy báu, các thứ xuất hiện giống như công năng nơi năm dục của chư Thiên hiện ra đầy đủ. Bấy giờ vua Diêmma lại khởi lên ý nghĩ: “Tất cả chúng sanh, vì thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện nên được sung sướng. Xin nguyện cho họ đều được hưởng an lạc như vậy. Thí như đám Dạ-xoa ở trên không, đó là thân ta cùng vua Diêm-ma khác và chúng sanh trong các cõi là những người cùng tạo nghiệp”.

Chư Tỳ-kheo, có ba Thiên sứ ở trong thế gian. Những gì là ba?

Đó là lão, bệnh, tử.

Chư Tỳ-kheo, có một hạng người vì tự buông lung, thân làm việc ác, miệng nói việc ác, ý nghĩ ác. Những người như vậy, thân, miệng, ý đều ác. Do nhân duyên ấy nên khi thân hoại mạng chung, đọa vào cõi ác sanh trong địa ngục. Những kẻ giữ ngục ngay khi ấy đến xua đuổi chúng sanh đó đến trước mặt vua Diêm-ma, tâu: “Tâu Thiên vương, những chúng sanh này xưa ở nhân gian, tự do phóng túng, hùa làm theo việc bất thiện, buông thả thân, miệng, ý làm các việc ác nên nay sanh lại ở đây, xin Thiên vương khéo chỉ dạy họ, khéo quở trách họ”. Vua Diêm-ma hỏi tội nhân: “Này các ngươi, xưa ở nhân gian, vị đệ nhất Thiên sứ có khéo chỉ dạy các ngươi, có khéo quở trách các ngươi chăng? Thường thấy vị Thiên sứ ấy xuất hiện chăng?”

Đáp rằng: “Tâu Đại thiên, chúng tôi thật chẳng thấy”. Vua Diêm-ma lại bảo: “Các ngươi thường thấy xưa kia khi ở thế gian làm thân người, hoặc là đàn bà, hoặc là đàn ông, khi tướng già lão xuất hiện, răng rụng, tóc bạc, da dẻ nhăn nheo, đen điu biến thể, hiện tượng như hạt mè, tay co lưng còng, bước đi khập khểnh, chân chẳng theo mình, nghiêng ngã hai bên, cổ nhỏ da đùn, hai bên xệ xuống, giống như cổ bò, môi miệng khô khốc, họng lưỡi khô ngạt, thân thể yếu còm, khí lực mỏng manh, khò khè ra tiếng giống như kéo cưa, bước tới muốn ngã, chống gậy mà đi, tuổi cao suy tổn, thịt tiêu máu kiệt, gầy gò yếu đuối, qua lại đường đời, cử động chậm chạp không còn như trẻ, cho đến thân tâm thường hay run rẩy chẳng yên, tất cả chi tiết mệt mỏi khó điều khiển, ngươi có thấy chăng?”

Những kẻ ấy đáp: “Tâu Đại thiên, quả thật chúng tôi có thấy”. Vua Diêm-ma lại bảo họ: “Các ngươi là người ngu si, ngày xưa đã thấy tướng mạo như vậy, vì sao không suy nghĩ như thế này: “Nay thân ta đây cũng có những hiện tượng ấy, cũng có những việc ấy; ta cũng chưa xa lìa những các hiện tượng ấy; ta nay có đủ hiện tượng già nua như vậy chưa xa lìa được. Ta sẽ đối với thân, khẩu, ý cũng có thể tạo tác các nghiệp lành vi diệu, khiến ta sẽ có quả báo lợi ích an lạc lâu dài”.”

Những người ấy đáp lại: “Tâu Đại thiên, chúng tôi thật chẳng suy nghĩ như vậy. Vì sao? Vì tâm phóng túng nên làm những việc buông lung”. Vua Diêm-ma lại bảo: “Các ngươi là người ngu si, nếu là như vậy thì các ngươi tự biếng nhác, làm việc phóng túng, chẳng tu nghiệp thiện nơi thân, khẩu và ý. Do nhân duyên ấy, các ngươi sẽ bị khổ não trong đêm dài, không có an lạc. Vì vậy, các ngươi sẽ phải chịu đầy đủ tội phóng dật này, bị quả báo của những nghiệp ác như vậy, cũng như những chúng sanh khác chịu tội báo này. Lại nữa, quả báo khổ não của những nghiệp ác này nơi các ngươi, chẳng phải do mẹ các ngươi tạo, chẳng phải do cha các ngươi tạo, chẳng phải do anh em các ngươi tạo, chẳng phải do chị em các ngươi tạo, chẳng phải quốc vương tạo, chẳng phải chư Thiên tạo, cũng chẳng phải tổ tiên ngày trước tạo, đó là do tự thân các ngươi tạo nghiệp ác này, nay tập hợp lại để chịu quả báo này”.

Bấy giờ vua Diêm-ma trình bày đầy đủ đệ nhất Thiên sứ như vậy để khéo chỉ dẫn, quở trách họ rồi, lại đem đệ nhị Thiên sứ khéo chỉ dẫn, quở trách họ, bảo: “Này các ngươi, các ngươi đã bao giờ từng thấy đệ nhị Thiên sứ xuất hiện ở thế gian chăng?” Đáp: “Tâu Đại thiên, chúng tôi quả thật chẳng thấy”. Vua lại bảo: “Các ngươi đâu chẳng thấy khi xưa làm thân người tại thế gian, hoặc làm thân đàn bà, hoặc làm thân đàn ông, tứ đại hòa hiệp, bỗng nhiên chống trái, bị bệnh khổ xâm nhập, khốn đốn triền miên, hoặc nằm trên giường nhỏ, hoặc nằm trên giường lớn, vì tự phóng uế nên thân mình dơ bẩn, lăn lóc trên đó hết sức bực bội, nằm ngủ ngồi dậy đều nhờ người dìu đỡ, cho ăn, cho uống, tất cả đều nhờ người, các ngươi có thấy chăng?”

Những người ấy đáp: “Tâu Đại thiên, chúng tôi quả thật có thấy”. Vua lại bảo: “Các kẻ ngu si kia, các ngươi thấy như vậy, nếu là người thông minh thì tại sao chẳng suy nghĩ như vầy: “Nay ta cũng có hiện tượng như vậy, nay ta cũng có việc như vậy, ta cũng chưa xa lìa hiện tượng hoạn nạn như vậy, chưa thoát khỏi được. Nên tự biết ta nay cũng có thể tạo các nghiệp thiện, hoặc nghiệp thiện của thân, hoặc khẩu, hoặc ý, khi ấy ta sẽ được đại lợi ích, được an lạc lâu dài”.”

Những người ấy đáp: “Tâu Đại thiên, dạ không, chúng tôi quả thật chẳng suy nghĩ như vậy, vì tâm biếng nhác nên làm việc phóng túng”.

Vua lại bảo: “Các người ngu si kia, nay các ngươi đã làm việc phóng dật như vậy, lười biếng nhác nhớm, chẳng làm việc thiện, hoặc nghiệp thiện của thân, hoặc khẩu, hoặc ý thì làm sao các ngươi có thể hưởng được quả báo lợi ích, an lạc lâu dài. Vì vậy các ngươi phải tu hành việc thiện. Nếu hành phóng dật, chạy theo sự phóng dật thì nghiệp ác này của các ngươi chẳng phải do cha mẹ tạo, chẳng phải do chị em tạo, chẳng phải vua, chẳng phải trời, cũng chẳng phải tổ tiên ngày trước tạo, chẳng phải các Sa-môn, Bà-la-môn… tạo. Nghiệp ác này các ngươi đã tự tạo, các ngươi tự trở lại nhận chịu quả báo này”.

Khi ấy vua Diêm-ma đã đem đệ nhị Thiên sứ để khéo chỉ dẫn, quở trách bọn họ như vậy rồi, lại đem đệ tam Thiên sứ để khéo chỉ bày, khéo quở trách họ, nói: “Này bọn ngu si kia, các ngươi khi xưa làm thân người ở thế gian, đã từng thấy đệ tam Thiên sứ xuất hiện ở đó chăng?” Đáp: “Tâu Đại thiên, chúng tôi quả thật chẳng thấy”. Vua Diêm-ma lại bảo: “Các người ngu si kia, khi ở thế gian đâu chẳng thấy, hoặc thân đàn bà, hoặc thân đàn ông, lúc mạng chung, đặt ở trên giường, lấy áo nhiều màu phủ kín trên thân, mang ra khỏi xóm làng, lại làm các thứ tràng phan, xe lọng bao bọc trang nghiêm, quyến thuộc vây quanh, vứt bỏ chuỗi báu, đưa tay xõa tóc, tro đất bôi đầu, vô cùng sầu khổ, kêu gào khóc lóc, hoặc kêu than ôi, hoặc kêu cha, hoặc kể công dưỡng dục, xót thương đấm ngực, nghẹn ngào đau đớn thảm thiết, các ngươi có thấy chăng?” Đáp: “Tâu Đại thiên, chúng tôi quả thật có thấy”.

Vua Diêm-ma lại bảo: “Các người ngu si kia, các người ngày xưa đã thấy những việc như vậy, thì tại sao chẳng suy nghĩ như vầy: “Ta nay cũng có hiện tượng như vậy, thân ta cũng có những việc như vậy, ta chưa thoát được những việc như vậy, ta cũng có chết, ta cũng có hiện tượng chết, chưa được thoát khỏi. Ta nay nên tạo các nghiệp thiện, nghiệp thiện hoặc của thân, hoặc của miệng, hoặc của ý, là vì để được lợi ích lớn, được an lạc lâu dài cho ta?” Những người ấy đáp: “Tâu Đại thiên, chúng tôi quả thật chẳng suy nghĩ như vậy. Vì sao? Vì do phóng dật”.

Vua Diêm-ma lại bảo: “Các người ngu si kia, các ngươi đã là người làm việc phóng dật. Vì phóng dật nên chẳng tạo nghiệp thiện, cũng chẳng vì sự lợi ích lâu dài, sự an lạc lâu dài của các ngươi mà tu các điều thiện của thân, khẩu, ý. Vì vậy nay các ngươi có việc như vậy, gọi là việc làm phóng dật. Vì phóng dật nên các ngươi tự tạo các nghiệp ác bất thiện này. Nghiệp ác này của các ngươi, chẳng phải do cha mẹ tạo, chẳng phải do anh em tạo, chẳng phải do chị em tạo, chẳng phải vua, chẳng phải trời, cũng chẳng phải tổ tiên ngày trước tạo. Lại chẳng phải Sa-môn, Bà-la-môn tạo. Nghiệp ác này của các ngươi là do các ngươi tự tạo, tự tập hợp lại; bị quả báo này, các ngươi lại tự nhận chịu”.

Khi ấy vua Diêm-ma đem đầy đủ việc của đệ tam Thiên sứ chỉ bày, quở trách các tội nhân ấy. Quở trách xong, ra lệnh dẫn đi. Khi ấy, kẻ giữ ngục liền chụp lấy hai tay, hai chân tội nhân, chúc đầu xuống, chỏng chân lên, ném ngược họ vào trong các địa ngục. Bấy giờ Đức Thế Tôn nói kệ:

Chúng sanh tạo tác nghiệp ác rồi
Sau khi chết, đọa vào đường ác
Khi vua Diêm-ma thấy họ đến
Dùng tâm thương xót mà quở trách:
Khi xưa ngươi ở tại nhân gian
Há chẳng thấy lão, bệnh, tử sao?
Đó là Thiên sứ đến chỉ dạy
Tại sao phóng túng chẳng hay biết.
Buông thân, khẩu, ý nhiễm các trần
Chẳng hành ý, giới, tự điều phục
Như vậy làm sao gọi là biết?
Và chẳng tạo tác nhân lợi ích.
Bấy giờ vua Diêm-ma như pháp
Đã quở trách tội nhân như vậy.
Kẻ ấy ngạt thở, tâm sợ hãi
Toàn thân run rẩy tâu vua rằng:
Tôi xưa do theo bạn bè ác
Nghe các pháp lành tâm chẳng ưa
Bị tham dục sân hận buộc ràng
Chẳng làm tự lợi nên tổn thân.
Vua nói: ngươi chẳng tu nhân lành
Chỉ thuần tạo các thứ nghiệp ác
Người si, ngày nay phải gặt quả
Nhận chịu việc kia nên đến ngục.
Tất cả các nghiệp ác như thế
Chẳng phải cha và mẹ làm ra
Chẳng phải Sa-môn, Bà-la-môn
Lại chẳng phải Quốc vương, chư Thiên
Đó chính là ngươi tự tạo tác
Đủ các loại nghiệp ác bất tịnh
Đã tự tạo các nghiệp ác ấy
Nay phải nhận chịu quả ác này.
Vua kia cùng với ba Thiên sứ
Lần lượt dạy bảo quở trách xong
Khi ấy ngục chủ, vua Diêm-ma
Buông tha tội nhân khiến dẫn đi.
Kẻ ở trong chỗ vua Diêm-ma
Liền đến trước chụp bắt tội nhân
Dẫn dắt họ đến chỗ địa ngục
Là chốn đáng sợ, lông dựng ngược
Bốn bên đối nhau có bốn cửa
Bốn phương, bốn hướng đều sừng sững
Tường bọc chung quanh đều bằng sắt
Bốn bên lại dùng lan can sắt
Sắt nóng hừng hực dùng làm nền
Ánh lửa mãnh liệt, khói nghi ngút
Xa thấy khiếp sợ tâm phân tán
Hừng hực đỏ rực chẳng dám đến
Giống như trong vòng trăm do-tuần
Lửa lớn cháy bừng phủ dày đặc.
Chúng sanh trong đó đều bị thiêu
Đều do ngày trước tạo nhân ác
Lại bị ba Thiên sứ quở trách
Nhưng tâm phóng dật không quán sát
Bọn họ ngày nay hối hận mãi
Đều do tâm tội lỗi ngày xưa.
Các loại chúng sanh có trí tuệ
Nếu thấy Thiên sứ đến chỉ dẫn
Phải nên tinh cần chớ phóng dật
Vua khéo léo nói thánh pháp này
Đã thấy nghe rồi phải kinh sợ
Chốn cùng tận các cõi tử sinh 
Tất cả không đâu hơn Niết-bàn
Các hoạn nạn hết không còn nữa.
Đến đó đạt an ổn diệu lạc
Như vậy, thấy pháp đạt tịch diệt
Đó là vượt qua các sợ hãi
Tự nhiên đắc Niết-bàn tịch tịnh.

Hết Quyển 4