KINH TRUNG BỔN KHỞI
(Còn một tên là Tứ Bộ Tăng – Rút ra từ bộ Trường A Hàm)

Hán dịch: Ðời Hậu Hán, Tây Vức sa môn Ðàm Quả và Khương Mạnh Tường
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN HẠ

10.- PHẨM ÐỘ VUA BA TƯ NẶC

Bấy giờ đức Như Lai trở về nước Xá Vệ, ở trong vườn ông Cấp Cô Ðộc, rừng cây ông Kỳ Ðà, cùng với 1250 vị Tỳ kheo Tăng. Lúc ấy trong tâm của vua Ba Tư Nặc tự suy nghĩ: “Ðức Phật là giòng họ Thích, xuất gia ở trong núi, đã thành bậc Vô thượng chánh chơn, chánh giác, oai nghiêm, thần diệu, khiến cho trời, rồng quỷ thần, không ai mà không kính ngưỡng. Ngài thuyết pháp cho mọi người nghe, phần đầu, phần giữa và phần cuối đều thiện. Những người nghe Ngài thuyết pháp không ai mà không hoan hỷ, mở đường phước đức, ngăn chận tai ương, lời nói đưa đến Niết-bàn”.

Nhà vua liền chuẩn bị xa giá lên đường, kẻ theo hầu dẫn đường như mọi khi. Khi đến cử ngõ, nhà vua xuống xe, quần thần đều đến phiá trước, đứng thẳng, chấp tay vái chào rồi ngồi xuống, bạch đức Phật rằng:

– Tôi chợt nghe người con giòng họ Thích sáu năm đoan tọa, thành đạo hiệu là Phật, điều đó có đúng chăng? Hay là do người đời phong tặng thôi?

Ðức Phật bảo nhà vua:

– Ta đúng là Phật, không phải là người đời dối truyền.

Nhà vua lại nói:

– Cù Ðàm tự xưng là Phật chớ không phải là Phật chăng?

Ðức Phật lại trả lời nhà vua:

– Vào thời quá khứ lâu xa, khi ấy một vị Phật hiệu là Ðịnh Quang thọ ký cho ta một cách chắc chắn rằng: “Vào đời sau, 91 kiếp nữa, ngươi sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, có 18 pháp đặc thù vi diệu, 10 món thần lực, 4 vô sở úy. Nếu thiếu một trong những thứ ấy thì không thể gọi là Phật. Nay ta đã có đủ các thứ ấy nên gọi là Như Lai, vô sở trước, chánh chơn giác vậy.

Vì mê mờ, tâm vua nghi ngờ, lại hỏi đức Phật:

– Cù Ðàm tuổi còn nhỏ, học đạo chưa bao lâu. Vì sao như vậy? Vì ở đời có Bà la môn tu thờ nước, lủa, siêng năng, cực khổ không kể ngày đêm, đối với 96 học thuật, chẳng có cái nào mà học chẳng thông suốt, tuổi cao đức lớn như Bất Lan Ca Diếp….. 6 người danh tiếng bao trùm thiên hạ, còn chưa đủ quả Phật kia! Phật là bậc rất tôn quý, lấy đó mà suy tôi rất nghi ngờ.

Ðức Phật bảo nhà vua:

– Nay ta sẽ thuyết pháp cho nhà vua nghe về chơn đế. Vậy hãy lắng nghe cho rõ, chớ có nghi ngờ.

Nhà vua nói:

– Lành thay!

Ðức Phật bảo Nhà vua:

– Có bốn cái nhỏ nhưng không thể coi thường. Những gì là bốn?

Một là: Thái tử tuy nhỏ, tương lai sẽ là vị vua. Với người ấy không thể coi thường.

Hai là: một đốm lửa tuy nhỏ, nhưng sẽ thiêu rụi cỏ cây, chừng nào cháy hết mới thôi. Với đốm lửa không thể coi thường.

Ba là: Con của loài rồng tuy nhỏ, nhưng có thể làm mưa gió. sấm sét, mưa đá… Với nó, không thể coi thường.

Bốn là: Ðạo sĩ tuy nhỏ, nhưng đã nhập cốt lõi đạo, trí huệ sâu xa vi diệu, có thể phi hành giáo hoá, độ thoát nhân dân. Với vị ấy không thể coi thường.

Bấy giờ đức Thế tôn nói bài kệ này cho nhà vua:

– Thái tử phước thành
Sẽ làm vị vua
Người ngu khinh mạn
Tai họa liền sanh
Vì do tâm khởi
Coi trọng coi khinh
Ðã có túc hạnh
Phước tự theo mình
Phải quán gốc đức
Sau mới xét người
Gốc đạo đã đủ
Ðại vương thử nghĩ
Ðốm lửa gặp cỏ
Sẽ cháy vô cùng
Núi báu Tu Di
Cũng từ núi nhỏ
Kẻ trí quán vật
Không nhỏ không lớn
Gặp rồng không tránh
Chút độc (cũng) chết người.
Tỳ kheo phá ác
Tinh tấn nhập thiền
Thành đạo, thần thông
Biến hiện độ người
Kiến đế , tịnh không dơ
Ðã độ năm đường hiểm
Phật xuất hiện thế gian
Vì đời trừ sầu hoạn.

Nhà vua nghe lời chơn chánh ấy xong, vì tâm ô uế sâu dày che lấp, hồ nghi, vẫn chưa ngộ, liền đến trước lạy dưới chân đức Phật, cáo từ trở về cung.

Khi ấy ở trong đất nước của vua có Bà la môn giàu có, nhiều của báu, đã già mà chẳng có con nên hết lòng khấn vái đất trời, sau đó không bao lâu sanh được một người con trai. Cậu bé mới bảy tuổi bị bệnh rồi chết. Người cha âu sầu khổ sở, đứng nằm không yên, lại chẳng ăn uống gì cả. Ông ta nghe đức Phật có thể diệt trừ được ưu hoạn, nên ông liền đến Kỳ Hoàn gặp Ngài.

Ðức Phật hỏi Phạm chí:

– Ông có sự buồn rầu gì mà nhan sắc tiều tụy như vậy?

Bà la môn thưa:

– Tuổi con đã già, chỉ có một đứa con trai duy nhất, nhưng nó đã chết, bỏ con lại một mình, làm cho con buồn thương, đau đớn vô cùng.

Ðức Phật bảo Phạm chí:

– Con người vì có ân ái nên mới bị ưu sầu (khổ não). Song tâm của Phạm chí mê mờ, liền thưa đức Phật:

– Ân ái là vui, có gì là ưu bi khổ não?

Ðức Phật nói:

– Chẳng phải vậy.

Như vậy cho đến ba lần mà Bà la môn vẫn không hiểu, liền chạy ra khỏi Kỳ Hoàn thì thấy hai người đang đánh cờ bạc, trong tâm suy nghĩ: “Chắc họ là người trí, có thể giải tỏa được mối nghi của ta”, liền hỏi hai người kia:

– Ân ái là vui hay là buồn khổ?

Họ trả lời Phạm chí:

– Ðiều vui trong thiên hạ không gì hơn là ân ái.

Phạm chí lại nói:

– Tôi gặp Cù Ðàm nhưng vị ấy đã nói ngược lại.

Hai người kia đáp:

– Sa môn Cù Ðàm đi ngược lại đời, mê hoặc con người, cẩn thận đừng có tin ông ta.

Những người ngu trong nước cùng nhau chê cười lời đức Phật. Câu chuyện đến tai nhà vua, khiến cho ý vua bị mê hoặc, nên nhà vua mới gọi phu nhân – tên của phu nhân là Mạt-Lợi – bảo rằng:

– Cù Ðàm thật đáng cười, phản luận một cách thất lý. Sao lại có chuyện ân ái mà sanh ưu bi được?

Phu nhân đáp rằng:

– Ðức Phật không bao giờ nói lời hư dối. Sự thật là như vậy.

Nhà vua lại nói rằng:

– Nàng tôn kính Cù Ðàm, vì tôn thân như vậy mới tin lời của vị ấy mà thôi.

Phu nhân tâu với vua:

– Sao ngài không tự đến hoặc bảo người có trí đến chỗ đức Phật để thưa hỏi việc này, để chứng thật sự điên cuồng, mê hoặc của người đời.

Nhà vua nghe lời nói ấy liền gọi vị thần có trí tuệ tên là Na Lợi Thằng, bảo rằng:

– Ngươi hãy nhân danh ta đến hỏi đức Cù Ðàm rằng: “Người đời ngu si, mê hoặc, dối truyền tôn chỉ, nói càn rằng: ân ái mà sanh ra ưu bi, quái gỡ vì trái với lý, cho nên nhà vua sai sứ giả đến để cúi nghe Phật giáo hóa”.Nếu đức Phật có dạy điều gì ngươi phải lãnh thọ cho kỹ.

Vị thần vâng theo lệnh của nhà vua, liền đến Kỳ Hoàn, lạy đức Phật, đứng dậy, đến trước, quỳ xuống bạch rằng:

– Quốc vương Ba Tư Nặc cúi lạy trước tòa, xin hỏi điều không hiểu rõ, mong đức Phật chỉ dạy, dám thưa lời thật!

Bấy giờ đức Như Lai bảo vị đại thần ngồi xuống, Ngài dạy:

– Cội gốc của ân ái là giòng nước sâu không đáy, sự áo não ưu bi là do ân ái mà ra.

Ngài lại bảo vị đại thần:

– Ta nay hỏi ngươi, ý hiểu thế nào thì trả lời thế ấy. Thí như có người, cha mẹ đều chết, vợ con cũng chết, tài sản bị quan huyện tịch thu, thì người ấy có ưu não dữ dội không?

Ðại thần thưa:

– Ðúng như lời đức Thế tôn dạy.

– Lại nữa, này đại thần, ngày xưa có một người gia đình bần cùng khốn khổ, nhưng khi cưới vợ, gặp gia đình vợ giàu có. Vì gia đình vợ làm biếng, ăn không ngồi rồi, do đó gia đình ngày càng nghèo khổ. Gia đình đã cùng khốn mà còn phải lo lót quan trên, cho nên họ muốn bắt cô dâu tái giá. Người vợ nghe gia đình bàn luận, nàng liền nói cho chồng nghe rằng: “Gia đình tôi sẽ dùng sức mạnh, chắc chắn họ sẽ bắt chàng. Vậy chúng ta phải tính sao?!”. Người chồng nghe vợ nói bèn dẫn vợ vào phòng, nói rằng: “Nay anh muốn chúng ta cùng chết một chỗ”. Chàng liền đâm vợ chết, rồi tự đâm mình chết.

Ðức Phật bảo Na Lợi Thằng:

– Vì ân ái mà giết nhau, đâu phải chỉ có ưu bi thôi.

Ðại thần lãnh thọ lời Phật dạy, đảnh lễ rồi trở về cung, nói đầy đủ tôn chỉ của đức Phật. Nhưng ý vua vẫn không ngộ, còn chê cười lời dạy ấy, lại nói với Hoàng hậu Mạt-Lợi:

– Vì sao chính Cù Ðàm lại nói lời ấy?

Hoàng hậu hỏi nhà vua:

– Có hai quận kia: một là Ca Di, hai là Câu Ðạt Lô. Nếu có người tâu với vua: “Hai nước ấy bị vua nước khác chiếm đoạt, vậy vua làm sao?

Nhà vua bảo Hoàng hậu:

– Sự giàu có và an lạc của ta là nhờ hai nước ấy vậy. Nếu mất hai nước ấy ta rất lo buồn.

Hoàng hậu lại hỏi:

– Thái tử Lưu Ly và Hoàng nữ Kim-Cương, hoặc bị bệnh hay bị chết, vậy nhà vua làm sao?

Nhà vua đáp Hoàng hậu:

– Nếu như vậy thì ta không sao chịu nỗi!

Hoàng hậu hỏi vua:

– Ðó là do ân ái nên mới sanh ra ưu bi chứ?

Hoàng hậu lại hỏi:

– Tiện thiếp xấu xí, được hầu hạ dưới trướng đức vua, nếu một mai bị bệnh mà chết, vậy bệ hạ sẽ làm sao?!

Nhà vua đáp:

– Này Mạt-Lợi! Nếu vậy thì tâm ta mờ mịt, mạng sống của ta nguy ngập!

Hoàng hậu lại nói:

– Ðó là do ân ái nên sanh ra ưu bi chứ?

Lúc ấy tâm của vua khai mở, liền bước xuống giường, từ xa hướng về Kỳ Hoàn đảnh lễ, quy mạng Tam tôn, sám hối lỗi lầm, cho đến suốt đời vâng theo lời dạy của đức Phật . / .

 



KINH TRUNG BỔN KHỞI