KINH CHÁNH PHÁP HOA
(KINH HOA CHÁNH PHÁP)
Dịch Phạn ra Hán: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Thị
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 9: THỌ KÝ CHO A NAN VÀ LA VÂN

Khi ấy Hiền giả A-nan tự nghĩ: “Ta có thể nhận được sự thọ ký như thế chăng?” Tâm nghĩ như thế, Hiền giả âm thầm mong ước, liền rời khỏi chỗ ngồi, đến cúi đầu lễ ngang chân Đức Phật, Hiền giả La-vân cũng đến trước Phật, cúi đầu lạy xuống ngang chân Thế Tôn. Hai vị cùng thưa với Đức Phật:

– Xin Thế Tôn vì chúng con mà giảng pháp cam lộ, Thế Tôn là cha lành, lẽ nào chẳng thấu suốt? Người chưa quay về đã được quay về, người chưa được cứu đã được cứu, người chưa được hộ trì đã được hộ trì; đối với chúng chư Thiên và A-tu-luân, Thế Tôn đã tạo dựng biết bao loại thần biến trang nghiêm. Chúng con A-nan, La-vân, người là con của Phật, người là thị giả giữ gìn kho báu chánh pháp. Cúi xin Thế Tôn cho chúng con hoàn thành sở nguyện, được thọ ký đắc đạo Vô thượng chánh chân.

Lại có các Thanh văn khác gồm hai ngàn người chưa đoạn hết phiền não, đều rời khỏi chỗ ngồi, vén y để trần vai phải, chắp tay, nhất tâm chiêm ngưỡng dung nhan Đức Phật mong được (thọ ký).

Đức Phật bảo A-nan:

– Về đời tương lai, ông sẽ thành Phật, hiệu là Hải Trì Giác Ngộ Lạc Thần Thông Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Ông trước phải cúng dường sáu mươi hai ức Đức Phật, cung phụng, hầu cận, giữ gìn chánh pháp, hộ trì kinh điển; sau đó, cuối cùng sẽ thành tựu quả vị Tối chánh giác. Lúc đó ông sẽ khai hóa cho hai mươi trăm ngàn vô số trời, người, khiến họ đều phát tâm đạo Vô thượng chánh chân. Quốc độ của Đức Phật đó thanh tịnh, không cấu uế, đất bằng lưu ly xanh biếc, tràng phan dựng khắp nơi để tự trang nghiêm, thế giới bằng phẳng, không có sỏi đá, núi gò, khe hang, đất đai mềm mại như tơ lụa cõi trời. Kiếp ấy tên là Nhu hòa, không có sấm chớp. Thọ mạng của Đức Phật ấy thật là vô lượng chẳng thể tính đếm, chẳng thể ví dụ, khó đạt được chỗ tận cùng. Các chúng đệ tử, người lãnh hội giáo pháp tới ức trăm ngàn vạn, không thể kể xiết, không thể suy lường. Khi A-nan thành Phật, làm Bậc Đại Thánh, có hiệu là Hải Trì Giác Ngộ Lạc Thần Thông, thì nhân dân cõi Phật ấy có nhiều thần biến, vây quanh. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp sẽ trụ ở đời gấp bội (thọ mạng Phật), thời gian tượng pháp trụ ở đời lại gấp bội chánh pháp; vô lượng, vô ức trăm ngàn Đức Phật trong mười phương đều sẽ ca ngợi công đức của Đức Phật ấy.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ khen ngợi:

Nay ta tuyên nói
Cho chúng Tỳ-kheo
Nhân giả A -nan
Thân giữ pháp Phật,
Vào đời tương lai
Thành Bậc Tối Thắng
Cúng dường chư Phật
Sáu mươi hai ức
Hiệu là Hải Trì
Giác Lạc Thần Thông
Do vì nghe rộng
Nên thành đạo lớn.
Cõi ấy thanh tịnh
Hiện bày vi diệu
Tự nhiên dựng lên
Vô số tràng phan.
Các chúng Bồ-tát
Như cát sông ngòi
Đều do Như Lai
Giáo hóa thành tựu.
Thảy đều tối thắng
Thần túc vô biên.
Danh Đức Phật ấy
Vang khắp mười phương
Muốn tính thọ mạng
Không thể tính hết.
Giáo hóa thế gian
Bi mẫn vô lượng.
Giả sử Phật ấy,
Sau khi diệt độ
Chánh pháp sẽ trụ
Gấp bội số ấy
Tượng pháp trụ đời
Lại bội hơn trên
Phật ấy tuyên thuyết
Giáo hóa như vậy,
Chúng sinh cõi ấy
Như cát sông Hằng
Khởi tin nhân quả
Trụ vững Phật đạo.

Lúc bấy giờ, tám vạn Bồ-tát mới phát tâm, mỗi vị đều tự nghĩ: “Thật là lạ lùng, việc này chúng ta chưa từng nghe, xưa nay chưa từng có. Đâu có đề cập đến Bồ-tát chúng ta. A-nan là hàng Thanh văn kém trí mà lại được thọ ký sẽ đạt được đại đạo. Vì sao như thế?” Đức Thế Tôn biết tâm niệm của họ, bèn bảo:

– Các thiện nam và chúng Tỳ-kheo hãy lắng nghe, Phật pháp bình đẳng. Này các thiện nam! A-nan vốn đã phát tâm Vô thượng chánh chân từ trước nơi Đức Siêu Không Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác và hiện tại nghe nhiều kinh điển, thường tu tinh tấn, hầu cận ta cũng ân cần chu đáo. Do nhân duyên ấy nên mau đắc đạo Vô thượng chánh chân thành Bậc Tối Chánh Giác. Hiền giả A-nan vì Phật Thế Tôn vâng giữ tạng pháp, tu hạnh Bồ-tát, xuất gia với ý nguyện cao nhã, vì các thiện nam, mà nhận sự phó thác.

Bấy giờ, A-nan theo hầu bên Đức Phật, được nghe pháp nghĩa rộng lớn vô lượng, được Phật thọ ký sẽ được thành Phật, cùng với quốc độ và hạnh nguyện xưa của mình, hoan hỷ vui mừng, ngay tức khắc nhớ lại vô số ức trăm ngàn vạn kinh điển của các Bậc Chánh Giác; lại thấy được các việc làm của mình trước đây trong quá khứ vô số kiếp, liền nói bài tụng ca ngợi:

Tôi vốn được nghe
Vô lượng chư Phật
Đều nghĩ vì con
Khi nói kinh pháp,
Các đấng Tối Thắng
Nếu có diệt độ
Con đều nhớ đúng
Như điều đã nghe
Con sẽ thành Phật
Tâm chẳng nghi ngờ
Gần gũi như thế
Là khéo phương tiện
Để được an trụ
Địa vị thị giả
Chỉ vì đại đạo
Phụng trì chánh pháp.

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo Hiền giả La-vân:

– La-vân hãy nghe! Vào đời tương lai, ông sẽ thành Phật, hiệu là Độ Thất Bảo Liên Hoa Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Ông sẽ cúng dường phụng sự các Đức Như Lai như số vi trần trong mười thế giới, sẽ vì chư Phật mà hiện làm trưởng tử; cũng như hiện nay làm con ta. Đức Độ Thất Bảo Liên Hoa Như Lai đó, cõi nước, thọ mạng, giáo hóa chúng sinh, có các thứ trang nghiêm cũng thanh tịnh như thế giới của Đức Hải Trì Giác Ngộ Lạc Thần Thông. La-vân sẽ làm trưởng tử của các Đức Phật ấy; rồi sau đó sẽ đắc đạo Vô thượng chánh chân, thành Bậc Tối Chánh Giác.

Khi ấy Phật nói bài tụng:

La-vân đây là
Trưởng tử của ta
Bé thơ trong trắng
Nhu hòa vô cùng.
Người con Phật này
Sẽ đạt đạo lớn
Thường dung pháp thí
Ban vui nhiều người
Vô số ức Phật
Thấy đều thương mến
Dù muốn tính đếm
Không thể hạn lượng
Đều sẽ làm con
Chư Phật tối thắng
Rồi sẽ thành Phật
Giống chúng Tỳ-kheo.
Lại La-vân này
Việc làm ôn nhã
Lập nguyện thù thắng
Phụng trì chánh giới
Khen ngợi tuyên dương
Đạo sự của đời
Nay ta nói là
Con của Như Lai
Đức nhiều vô lượng
Số cả vạn ức
Dù có suy tính
Chẳng thể lường được,
La-vân này là
Trưởng tử của Phật
Nay đã thông đạt
Trụ Phật đạo vậy.

Lúc bấy giờ A-nan, La-vân cùng bạch Phật:

– Nay chúng con thấy hai ngàn vị Thanh văn học giới đệ tử, trong lòng hân hoan, chiêm ngưỡng tôn nhan, nghe Thế Tôn giảng dạy chánh pháp chẳng thể nghĩ bàn và đang mong đợi.

Thế Tôn bảo A-nan và La-vân:

– Hai ông có thấy hai ngàn Thanh văn học giới đệ tử kia chăng?

A-nan bạch Phật:

– Dạ, có thấy.

Phật bảo A-nan:

– Bọn họ sẽ cùng tu học pháp Đại thừa, sẽ cúng dường chư Như Lai như số vi trần trong năm trăm thế giới và giữ gìn chánh pháp. Rồi vào đời sau, cùng lúc tụ tập, rồ i phân bố ra mười phương cõi khác nhau, đều đạt đạo Vô thượng chánh chân, thành Bậc Tối Chánh Giác, hiệu là Bảo Anh Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu, thọ mạng một kiếp, tuệ giác bình đẳng, chư Thanh văn nhiều, ít đồng nhau không khác, các chúng Bồ-tát cũng như thế. Sau khi diệt độ, thời gian chánh pháp trụ đời cũng không khác.

Khi ấy, Phật nói bài tụng:

Các Thanh văn này
Tất cả hai ngàn
Nay đều đứng đây
Ở trước Thế Tôn
Những Thánh trí này
Phật đều thọ ký
Vào đời tương lai
Sẽ được thành Phật
Thị hiện hiển bày
Vô lượng thí dụ
Gặp các Đức Phật
Đều sẽ cúng dường
Rồi sẽ đạt được
Đạo cả Vô thượng
Trong khi tu đạo
Vẫn được tự tại
Danh hạnh khác nhau
Đi khắp mười phương
Đều tu nhẫn nhục
Trong khoảng sát-na
Trở về một chỗ
Ngồi dưới tàng cây
Sẽ đạt Phật đạo
Thành tựu trí tuệ
Đều thành Chánh giác
Tai cả cùng hiệu
Gọi là Bảo Anh
Danh vang thế giới
Cõi nước chư Phật
Bằng phẳng đẹp đẽ
Các chúng Thanh văn
Thảy đều như nhau
Thần túc quang minh
Khắp cả cõi đời
Vòng quanh tất cả
Mười phương quốc độ
Phân biệt kinh pháp
Làm nơi nương tựa
Chánh pháp tồn tại
Như nhau không khác.

Khi ấy, các Thanh văn Hữu học nghe Phật thọ ký, vui mừng phấn chấn liền khen ngợi tán thán Đức Phật:

Con nghe Phật thọ ký
Như ánh sáng chiếu soi
Như được rưới cam lộ
Được bình an vô lượng.



KINH CHÁNH PHÁP HOA