KINH KHỞI THẾ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 7: TỨ THIÊN VƯƠNG

Chư Tỳ-kheo, lưng chừng phía Đông núi chúa Tu-di có ngọn núi tên là Do-càn-đà; đỉnh núi cách đất bốn vạn hai ngàn do-tuần. Trên đỉnh núi ấy có trụ xứ là thành quách của Thiên vương Đề-đầulại-tra. Thành ấy tên là Hiền thượng, dài rộng bằng phẳng sáu trăm do-tuần, có bảy lớp bờ tường, bảy lớp lan can, bảy lớp dây chuông, lại có bảy lớp hàng cây Đa-la bao bọc chung quanh, nhiều màu đẹp đẽ, đều dùng bảy báu để trang trí, đó là vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, xích châu, mã não… tạo thành. Ở bốn phía đều có các cửa, mỗi cửa đều có lầu cao phòng vệ, đài gác, vườn cảnh, ao hồ, có các vườn hoa, các thứ cây lạ, cây ấy có các thứ lá, các thứ hoa, các thứ quả, các thứ hương, hương ấy lan khắp, có các giống chim cùng nhau ca hót, âm thanh dịu dàng, thanh thoát, rất dễ say mê.

Chư Tỳ-kheo, lưng chừng phía Nam núi chúa Tu-di, cách mặt đất bốn vạn hai ngàn do-tuần, ở trên đỉnh núi Do-càn-đà có trú xứ là thành quách của Thiên vương Tỳ-lâu-lặc-ca, tên thành là Thiện hiện, dài rộng trang nghiêm giống như trú xứ của Thiên vương Đềđầu-lại-tra đã nói ở trước, cho đến đủ các giống chim cùng nhau ca hót, âm thanh êm dịu thánh thót, rất dễ say mê.

Chư Tỳ-kheo, lưng chừng phía Tây núi chúa Tu-di, cách mặt đất bốn vạn hai ngàn do-tuần, trên đỉnh núi Do-càn-đà có trú xứ là thành quách của Thiên vương Tỳ-lâu-bác-xoa, tên thành là Thiện quán, rộng dài trang nghiêm, tất cả đều giống như trú xứ của Thiên vương Đề-đầu-lại-tra đã nói, cho đến các giống chim cùng nhau ca hót, âm thanh êm dịu thánh thót, rất dễ say mê.

Chư Tỳ-kheo, lưng chừng phía Bắc núi chúa Tu-di, cách mặt đất cũng bốn vạn hai ngàn do-tuần, trên đỉnh núi Do-càn-đà, là chỗ ở của Thiên vương Tỳ-sa-môn, có ba thành quách lớn. Một tên là Tỳ-xá-la-bà, hai tên là Già-bà-bát-đế, ba tên là A-trà-bàn-đa, cả ba đều dài rộng sáu trăm do-tuần, có bảy lớp bờ thành, bảy lớp lan can… cho đến các giống chim cùng nhau ca hót.

Chư Tỳ-kheo, chỉ trừ cung điện của Nguyệt thiên tử, bảy cung điện lớn của Nhật thiên tử, còn các cung điện trong đó, có cái dài rộng bằng phẳng bốn mươi do-tuần, có cái ba mươi, có cái hai mươi, cho đến có cái mười hai do-tuần, cái nhỏ nhất cũng dài rộng tới sáu do-tuần, chỗ ở cũng có bảy lớp bờ thành, bảy lớp lan can… như trước, cho đến các giống chim cùng nhau ca hót.

Chư Tỳ-kheo, khoảng giữa hai cung điện của Tỳ-xá-la-bà và Già-bà-bát-đế, xuất hiện một cái ao cho Thiên vương Tỳ-sa-môn, tên là Na-trĩ-ni, dài rọng bằng phẳng bốn mươi do-tuần, nước ao điều hòa, trong mát êm ả, vị nước ngon ngọt, thơm sạch không bẩn, bốn phía bờ ao có bảy lớp bậc thềm gạch, bảy lớp gỗ báu xen lẫn phân minh, có bảy lớp lan can, bảy lớp dây chuông, cũng có bảy lớp hàng cây Đa-la bao bọc chung quanh, nhiều màu đẹp đẽ…, cho đến xa cừ, mã não… bảy báu tạo thành. Ở bốn phía đều có đường cấp, cũng dùng bảy báu trang nghiêm. Trong ao có nhiều loại hoa như hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-mâu-đầu, hoa Bôn-trà-lợi… tự nhiên mọc lên. Hoa hình lửa thì màu lửa, ánh sáng lửa, cho đến hình nước thì có màu nước, ánh sáng nước. Hoa lớn hay nhỏ đều như bánh xe, ánh sáng tỏa chiếu đến nửa do-tuần, mùi thơm lan tỏa khắp một do-tuần. Có các ngó sen lớn như trục xe, cắt ra, nhựa chảy màu trắng như sữa, uống vào ngon ngọt, vị như mật hảo hạng.

Chư Tỳ-kheo, khoảng giữa hai cung điện Già-bà-bát-đế và Atrà-bàn-đa có thiết lập một cảnh vườn cho Thiên vương Tỳ-sa-môn, vườn ấy tên là Ca-tỳ-diên-đa, dài rộng bằng phẳng bốn mươi dotuần, có bảy lớp bờ tường, bảy lớp lan can, cho đến bảy lớp hàng cây Đa-la bao bọc chung quanh, nhiều màu đẹp đẽ… như trước… cho đến bảy báu tạo thành.

Chư Tỳ-kheo, nơi trú xứ Hiền thượng của Thiên vương Đề-đầulại-tra, sự qua lại giữa các thành quách có hai con đường. Nơi trú xứ Thiện hiện của Thiên vương Tỳ-lâu-lặc-ca, sự qua lại giữa các thành quách cũng có hai con đường. Nơi trú xứ Thiện quán của Thiên vương Tỳ-lâu-bác-xoa, sự qua lại giữa các thành quách cũng có hai con đường. Nơi trú xứ là các thành quách A-trà-bàn-đa, Tỳ-xá-la-bà và Già-bà-bát-đế của Thiên vương Tỳ-sa-môn cũng đều có hai con đường. Nơi trú xứ là cung điện của các chúng tiểu thiên và quyến thuộc của trời Tứ thiên vương, sự qua lại cũng có hai con đường. Sự qua lại giữa ao Na-trĩ-ni và vườn Ca-tỳ-diên-đa… cũng có hai con đường.

Chư Tỳ-kheo, Thiên vương Tỳ-sa-môn nếu muốn đi vào trong vườn Ca-tỳ-diên-đa vui chơi, tắm rửa thì lúc ấy liền nghĩ đến thiên vương Đề-đầu-lại-tra, vị này liền phát sanh ý nghĩ: “Thiên vương Tỳ-sa-môn đã nghĩ đến ta”. Biết như vậy rồi, vị ấy liền nghĩ đến phạm vi sở thuộc của mình là chư Tiểu thiên vương và Tiểu Thiên chúng. Khi ấy các vua quyến thuộc và Thiên chúng ở phương Đông đều nghĩ: “Thiên vương Đề-đầu-lại-tra đã nghĩ đến chúng ta”. Biết như vậy rồi, tất cả đều trang sức nơi thân, mang các chuỗi Anh lạc, cưỡi các thứ xe, lên xe đi đến chỗ Đại thiên vương Đề-đầu-lại-tra. Đến nơi thì dừng lại một bên ở trước. Lúc ấy, Thiên vương Đề-đầulại-tra cũng tự trang sức nơi thân mình, mang các chuỗi báu, cưỡi các thứ xe cùng các tiểu vương, Thiên chúng quyến thuộc vây quanh sau trước, cùng nhau đi đến chỗ Đại thiên vương Tỳ-sa-môn. Đến rồi, dừng lại một bên ở trước.

Bấy giờ Thiên vương Tỳ-sa-môn lại nghĩ đến hai vị Đại thiên vương là Tỳ-lâu-lặc-ca và Tỳ-lâu-bác-xoa. Cùng lúc hai vị vương kia cũng nghĩ: “Thiên vương Tỳ-sa-môn đã nghĩ đến chúng ta”. Biết như vậy rồi, họ liền nghĩ đến các Tiểu thiên vương và các Thiên chúng dưới quyền thống lãnh của mình. Khi ấy các tiểu vương và các Thiên chúng cũng đều nghĩ là Đại thiên vương đã nghĩ đến chúng ta, chúng ta phải kịp thời đến nhanh. Biết như vậy rồi, họ liền dùng chuỗi báu trang sức nơi thân, cùng đi đến chỗ hai vị đại vương Tỳ-lâu-lặc-ca và Tỳ-lâu-bác-xoa. Lúc ấy hai vị Thiên vương biết các tiểu vương và Thiên chúng đều đã tụ hội, cũng tự trang sức nơi thân, đeo các thứ chuỗi Anh lạc, cưỡi các thứ xe đến trước cùng chúng vây quanh, cùng nhau đi đến chỗ Đại thiên vương Tỳ-sa-môn. Đến nơi rồi, theo chỗ thích hợp mà dừng lại phía trước.

Lúc đó Đại thiên vương Tỳ-sa-môn thấy hai vị Thiên vương và Thiên chúng của họ đều đã tụ hội, cũng tự nghĩ đến các tiểu vương và Thiên chúng dưới sự thống lãnh của mình. Lúc ấy các Tiểu thiên vương và Thiên chúng của họ ở phía Bắc liền nghĩ: “Đại thiên vương Tỳ-sa-môn nay đã nghĩ đến chúng ta”. Biết như vậy rồi, tất cả đều mang các thứ chuỗi báu Anh lạc trang sức nơi thân, cùng nhau đi đến trước chỗ Đại thiên vương Tỳ-sa-môn, đứng im lặng.

Bấy giờ Đại thiên vương Tỳ-sa-môn cũng liền đeo các thứ chuỗi báu, trang nghiêm nơi thân rồi cưỡi các loại xe, cùng với các Đại thiên vương Đề-đầu-lại-tra, Tỳ-lâu-lặc-ca, Tỳ-lâu-bác-xoa… bốn vị Thiên vương, mỗi vị đều dẫn theo các Thiên vương, Thiên chúng sở thuộc vây quanh sau trước, cùng đi đến vườn cảnh Ca-tỳ-diên-đa. Đến rồi, tạm thời dừng lại ở trước cửa vườn. Chư Tỳ-kheo, trong vườn Ca-tỳdiên-đa ấy, tự nhiên có ba luồng gió, đó là khai, tịnh và xuy. Khai là mở cửa vườn ấy, khiến hoa tung bay; tịnh là làm sạch đất vườn ấy; xuy là thổi cây vườn ấy. Chư Tỳ-kheo, trong vườn Ca-tỳ-diên-đa, hoa rơi xuống ngập tới đầu gối, các thứ hương thơm lan tỏa khắp nơi.

Lúc ấy Đại thiên vương Tỳ-sa-môn, Thiên vương Đề-đầu-lạitra, Thiên vương Tỳ-lâu-lặc-ca, Thiên vương Tỳ-lâu-bác-xoa… cùng các tiểu vương và các quyến thuộc vây quanh, cùng đi vào trong vườn Ca-tỳ-diên-đa tắm rửa, vui chơi tùy ý thỏa thích. Họ ở trong vườn ấy tắm rửa rồi, hoặc một tháng, hai tháng, ba tháng vui chơi tùy theo ý muốn, dạo chơi khắp chốn. Chư Tỳ-kheo, vua Tỳ-sa-môn có năm vị Dạ-xoa luôn luôn đi theo hộ vệ hai bên: vị thứ nhất tên là Ngũ Trượng, vị thứ hai tên là Khoáng Dã, vị thứ ba tên là Kim Sơn, vị thứ tư tên là Trường Thân, vị thứ năm tên là Châm Mao. Chư Tỳ-kheo, Thiên vương Tỳ-sa-môn khi qua lại dạo chơi thường được năm vị thần Dạ-xoa này hộ vệ.