PHẬT THUYẾT KINH BỒ TÁT BẢN DUYÊN
Tăng-già-tư-na soạn
Hán dịch:  Đời Đông Ngô, Ưu-bà-tẳc Chi Khiêm, người nước Nguyệt chỉ
Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN THƯỢNG

3/ Phẩm vương Tử Nhất Thiết Trì:

Bồ-tát Ma-ha-tát
Vì các chúng sinh nên
Đem tất cả vật quý
Bố thí cho tất cả.

Trước đây, tôi từng nghe:

Thời quá khứ có một vị vua, con của nhà vua là thái tử Nhất Thiết Trì, tuổi còn nhỏ, dung mạo tuấn tú, cũng như mặt trăng tròn sáng giữa muôn sao, mọi người ngắm nhìn không hề chán, uy nghi đĩnh đạc như núi Tu-di, trí tuệ sâu xa như biển lớn, thành tựu nhẫn nhục cũng như mặt đất, tâm không thay đổi như vàng ròng, thường được tất cả trời người yêu mến, như nước trong sạch gồm đủ tám vị, tâm luôn bình đẳng đối với thế gian, như mặt trăng mặt trời chiếu khắp vạn vật luôn làm mãn nguyện chúng sinh, như người cầu xin gặp ngọc Như ý, tâm sinh hoan hỷ, cũng như mẹ hiền trông thấy con yêu.

Vào lúc ấy, vương tử nói kệ:

Ta tự do sử dụng
Với vô lượng tài sản
Cho chúng sinh cùng hưởng
Như mặt trời chiếu khắp
Thấy người đến cầu xin
Không lúc nào nói không
Với người không mong cầu
Cũng bố thí cho họ.

Bồ-tát vương tử các căn luôn tịch tĩnh cũng như Phạm thiên. Tài sản đầy đủ như Tỳ-sa-môn. Vua cung cấp các phương tiện để phục vụ cho mọi người, như đệ tử phục vụ Hòa thượng. Tâm thường yêu mến tất cả chúng sinh như cha mẹ nhớ đến con ruột, giáo hóa chúng sinh theo phép tắc lễ nghi như bậc Đại hiền. Bồ-tát vương tử thành tựu được các công đức lớn lao như vậy. Tâm luôn vui vẻ bố thí cho tất cả chúng sinh. Vật như thế này bố thí cho người này. Vật như thế nọ, bố thí cho người kia. Người này sợ hãi, ta sẽ an ủi họ giúp tu tập chánh pháp, không có bỏ phế. Vật bố thí là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, trân châu, xa cừ, mã não, san hô, bích ngọc, cùng các loại dụng cụ, y phục, giường nằm, chăn nệm, xe cộ, nhà cửa, đất đai ruộng lúa, lương thực, nô tỳ, người phục vụ, voi ngựa, bò dê. Bố thí đầy đủ tùy theo nhu cầu, cũng như trời mưa làm cho trăm loại cây lương thực phát triển. Bồ-tát bố thí tài vật cho người với năm ngón tay của mình, như năm con rồng phun trận mưa lớnẽ Bồ-tát vương tử cũng luôn bố thí không ngừng như thế. Nếu hôm nào không có người đến xin, thì dung nhan Bồ-tát tiều tụy, trong lòng buồn rầu, cũng như mặt trăng vừa mới xuất hiện đã bị mây mù che phủ, không còn phát ra ánh sáng. Bấy giờ quần thần đều sinh ý hiềm hận đốì với vương tử.

Than ôi Vua ta ngu si vô trí
Có tiền không ăn, vị lai ra sao
Hiện tại không dùng, cũng không trách con
Phân tán kho tàng cho kẻ ở không
Kho tàng cạn rồi dân chúng ly tán
Dân chúng ly tán, giặc đến ai chống?
Giả như không giữ mạng sẽ chẳng toàn
Mạng đã chẳng còn, nước còn ai sống?

Các đại thần và dân chúng đều suy nghĩ về việc này.

Khi ấy vua cha có một con voi trắng có thể đi lại trên hoa sen, sức lực có thể hàng phục các nước thù địch. Vì có voi quý ấy nên các nước khác không dám xâm lăng.

Vua oán địch ở nước bên cạnh thường nghĩ: “Ta phải bày mưu chước gì để có được voi trắng quý giá kia”.

Vua liền sai người giả dạng một vị Bà-la-môn khổ hạnh, đi đến chỗ vương tử cầu xin voi trắng nọ.

Vì vương tử thấy các đại thần sinh tâm phẫn nộ, nên cỡi voi trắng ra ngoài thành du ngoạn, muốn đến một khu rừng, thì ngay trên đường đi đã thấy người Bà-la-môn. Sau khi gặp vương tử, Bà- la-môn rất vui mừng, chú nguyện: “Nguyện cho vương tử kế tục ngôi vị cao cả của đại vương, sống lâu vô cùng, các nước khác đều quy phục, thiên hạ được thái bình”. Rồi nói:

-Thưa vương tử, chúng tôi đều là Bà-la–môn sống ở phương xa, thường nghe vương tử thích làm việc bố thí, nên từ nơi ấy đến đây, trên đường bị đói khát, chịu nhiều thống khổ. Thưa vương tử, nên biết chúng tôi thọ trì giới cấm thanh tịnh, đọc tụng rất nhiều, thông suốt tất cả. Công đức của vương tử trải khắp mười phương, nghe xứ nọ tán về đức độ của ngài, ai cũng yêu mến. Ngài luôn cho chứng sinh thỏa mãn ý nguyện, chẳng một ai đến xin mà trở về tay không. Xin ngài bố thí cho chúng tôi con voi trắng đang cỡi.

Nghe vậy, vương tử suy nghĩ: “Nay nếu không cho thì trái với lời nguyện, còn nếu như đem cho thì voi chẳng phải là của ta, mà là vật vua cha rất yêu quý.” Suy nghĩ như thế nên bảo người Bà-la-môn:

-Các vị nếu cần vàng, bạc, lưu ly, châu báu, các loại xe cộ, nô tỳ của ta, thì ta sẽ cho hết. Còn voi trắng này vốn không phải là của ta nên ta không có quyền cho. Vả lại, đây là voi của vua cha ta cỡi, làm sao ta tự tiện đem cho được. Tính ra xem voi trắng này giá trị bao nhiêu, ta sẽ cho bằng với giá ấy, không khiến cho các vị nghèo cùng, cần gì chỉ muốn có được voi ấy. Bà-la-môn quý vị luôn thương xót chúng sinh nên xuất gia thọ giới, đã xa lìa tất cả vật chất thì dùng voi này làm gì? Nếu các vị được nó, có khi lại thêm khổ sở là khác.

Các Bà-la-môn nói:

-Chúng tôi không dùng tiền tài châu báu, chỉ cần voi này để cỡi vào núi tìm kiếm hoa đẹp cúng dường chư Thiên, sẽ làm cho chúng sinh được sinh lên cõi trời hoặc nhập Niết-bàn. Bản nguyện của vương tử là muốn đem lại lợi ích cho người khác, tôi cũng vậy, chỉ vì muốn đem lại lợi ích cho mọi người.

Vương tử nghe nói vậy, bèn phát sinh tâm Bi, liền từ lưng voi nhảy xuống, lại nghĩ: “Voi này là sở hữu của vua cha, nay ta đem bố thí, tất quần thần và dân chung thấy sẽ tức giận, nghi ngờ. Ta muốn đem lại lợi ích cho mọi người tại sao lại phải tính toán như vậy, vì sự bố thí của ta là không cầu danh tiếng hay cầu sinh lên cõi trời, chỉ nhờ vào việc này giúp cho chúng sinh đoạn trừ các khổ não.”

Sau khi phát nguyện, Bồ-tát liền bố thí voi trắng quý cho Bà- la-môn, rồi tự mình cỡi một con ngựa trở về thành.

Được voi quý xong, các Bà-la-môn cùng nhau cỡi voi trở về, trong thời gian rất ngắn, họ đã trở về nước cũ.

Các đại thần cùng nhau tập họp, vội vàng đến gặp nhà vua tâu lên:

-Đại vương, hôm nay xin quyết đoán cho khéo vì vương tử đã đem voi trắng quý cho các Bà-la-môn và họ đã cỡi đi, lúc này chắc đã về tới nước thù địch. Vì trước đây đại vương thấy vương tử bố thí vàng bạc châu báu lại không khiển trách, đến nỗi ngày nay đem cả voi trắng quý giá cho kẻ oán thù. Đại vương, người con xấu trong thế gian có nhiều tội lỗi vì uống rượu, cờ bạc, tham sắc, hoang phí. Chúng thần mạo muội tâu bày, xin đại vương đừng bắt tội, từ đây về sau nếu vương tử không còn đem tài vật bố thí cho người thì cho phép ở lại triều đình, còn nếu không ngưng bố thí nên thì đuổi vào rừng sâu.

Nhà vua ra lệnh triệu vương tử đến và suy nghĩ: “Lạ thay! Tại sao tự dưng ta lại vì các đại thần mà không cho phép con ta bố thí tùy ý. Ta thật xấu hổ, khác nào nàng dâu sợ cha mẹ chồng.” Nhài vua bèn nói với con mình:

-Từ nay, con không được tham lam thực hành tất cả các công đức nữa, hãy từ bỏ tâm xả đi. Người hành theo chánh pháp nên mặc y phục bằng cỏ, uống nước lạnh, ăn trái cây, ở xa trong núi sâu. Con không thể móc mắt trái để trị mắt phải. Hôm nay vì sao bỗng dưng con làm phiền muộn tâm ta cùng đám quần thần. Người sống theo pháp phải làm cho hàng thân thuộc được an vui trước, sau đó mới đem lại an vui cho người khác. Nay, vì sao con lại đem voi trắng quý giá cho kẻ oan gia?

 



KINH BỒ TÁT BẢN DUYÊN