KINH KHỞI THẾ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 2: CHÂU UẤT-ĐƠN-VIỆT
Chư Tỳ-kheo, châu Uất-đơn-việt có vô lượng núi. Trong các núi, có các loại cây sum suê tươi tốt, tỏa ra các mùi hương; hương xông khắp nơi trong châu. Núi sanh các loại cỏ đều có màu xanh biếc, xoay về bên phải như lông Khổng tước, hương thơm giống như Bà-sư-ca, chạm vào mềm mại như áo Ca-chiên-lân-đề-ca, dài bốn ngón tay, chân giẫm lên thì nó nằm rạp xuống, dỡ chân lên thì trở lại như cũ. Núi ấy, đặc biệt có cây trái nhiều màu; cây có thân, lá, hoa, quả, tỏa ra các thứ mùi thơm, xông khắp; có các loài chim loài nào cũng hót, âm thanh hòa nhã, vi diệu. Trong các núi ấy, có các dòng sông, rẽ thành trăm nhánh, xuôi dòng chảy xuống từ từ êm ả, chẳng chậm, chẳng nhanh, không có sóng gợn. Ở bờ sông chẳng sâu; chẳng cạn, bằng phẳng, dễ lội. Nước sông trong vắt, các thứ hoa phủ ở trên, rộng nửa do-tuần, nước chảy đầy khắp. Hai bên bờ các dòng sông, có các khu rừng mọc dọc theo, cành lá rậm rạp; có các loại hoa thơm, các thứ quả, quả xanh phủ khắp; các loài chim cùng nhau ca hót. Lại ở các bờ sông ấy, có các thuyền đẹp, trang trí bằng đủ màu sắc, đẹp đẽ khả ái, toàn là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xích châu, xa cừ, mã não… bảy báu tạo thành.
Chư Tỳ-kheo, châu Uất-đơn-việt, đất đai bằng phẳng, không có các loại gai gốc, rừng rậm, hầm hố, nhà xí, phân uế bất tịnh, sỏi đá, ngói gạch, mà toàn bằng vàng bạc; thời tiết điều hòa, không lạnh, không nóng; đất thường nhuận ướt, cỏ cây phủ khắp. Các rừng cây, lá cành luôn tươi tốt, hoa quả đầy cành.
Chư Tỳ-kheo, châu Uất-đơn-việt, lại có rừng cây tên là An trụ. Cây cao sáu câu-lô-xá, lá dày chồng chất, thứ lớp nối nhau như tranh lợp nhà, giọt mưa không lọt. Người ở cõi ấy, cư trú dưới tàng cây. có các cây Hương cũng cao sáu câu-lô-xá, hoặc có cây cao năm câu-lôxá, có cây cao bốn, ba, hai, một câu-lô-xá, cây thấp nhất cao nữa câu-lô-xá, tất cả đều có cành, lá hoa, quả. Các cây ấy, tùy theo ý muốn (của người) phát ra các thứ mùi thơm. Lại có cây Kiếp-ba-ta, cũng cao sáu câu-lô-xá, cho đến năm, bốn, ba, hai, một câu-lô-xá; cây nhỏ nhất, cao nửa câu-lô-xá, tất cả đều có cành, lá hoa, quả. Từ hông của quả, tự nhiên trồi ra đủ các thứ y phục, treo nơi cây. Lại có các thứ cây Anh lạc; cây ấy cũng cao sáu câu-lô-xá, cho đến cây cao năm, bốn, ba, hai, một câu-lô-xá; cây nhỏ nhất cao nửa câu-lô-xá, tất cả đều có cành, lá, hoa, quả. Từ quả theo ý muốn của người, tuôn ra các thứ Anh lạc thòng xuống. Lại có cây Man cũng cao sáu câulô-xá, cho đến có cây cao năm, bốn, ba, hai, một câu-lô-xá, cây nhỏ nhất cao nửa câu-lô-xá, cũng có cành, lá, hoa, quả. Từ quả, tùy theo ý muốn của người, mọc ra các thứ tràng hoa treo ở nơi cây. Lại có cây Khí; cây ấy cũng cao sáu câu-lô-xá, cho đến có cây cao năm, bốn, ba, hai, một câu-lô-xá, cây nhỏ nhất cao nửa câu-lô-xá, cũng có cành, lá, hoa, quả; tùy theo ý người muốn mọc ra các thứ đồ dùng, treo ở nơi cây. Lại có đủ các loại cây ăn quả, cây ấy cũng cao sáu câu-lô-xá, cho đến cao năm, bốn, ba, hai, một câu-lô-xá, cây nhỏ nhất cao nửa câu-lô-xá, đều có cành, lá, hoa, quả. Từ nơi cành ấy, theo ý người muốn mọc ra đủ các loại quả. Lại có cây Nhạc; cây ấy cũng cao sáu câu-lô-xá, cho đến cây cao năm, bốn, ba, hai, một câulô-xá, cây nhỏ nhất cao nửa câu-lô-xá; cũng có cành, lá, hoa, quả. Từ hông của cây ấy, tùy theo ý người, hiện ra các thứ nhạc cụ, treo ở nơi cây. Đất ở cõi ấy, lại có gạo thơm tự nhiên, chẳng do cày bừa, gieo trồng; tinh khiết, trắng trẻo, không có vỏ. Khi muốn nấu ăn thì có các quả tên là Đôn trì, dùng làm chõ, vạc, đốt bằng lửa ngọc, chẳng cần than, củi, tự nhiên phát sức nóng, tùy theo ý muốn, làm chín các thức ăn; thức ăn đã chín rồi thì lửa ngọc mới tắt.
Chư Tỳ-kheo, châu Uất-đơn-việt, bốn mặt chung quanh có bốn ao nước. Ao ấy tên là A-nậu-đạt-đa, mỗi cái đều rộng, dài năm mươi do-tuần, nước ao mát lạnh, êm ả ngọt ngào, thơm, sạch, không đục. Có bảy lớp bờ lũy, bảy lớp thềm gỗ, bảy lớp lan can, bao bọc chung quanh, bảy lớp dây chuông treo rũ chung quanh, lại có bảy lớp hàng cây Đa-la, bao bọc bốn phía, nhiều màu khả ái. Tất cả đều do bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não… tạo thành. Ở bốn phía của ao đều có bờ thềm, mỗi bờ thềm cũng do bảy báu tạo thành, hiện ra nhiều màu tươi đẹp. Lại có các loài hoa: hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-mâu-đầu, hoa Bôn-trà-lợi-ca…, màu xanh, vàng, đỏ, trắng và màu xanh ngọc bích. Mỗi hoa lớn như bánh xe, mùi thơm chan hòa vi diệu tuyệt vời. Lại có các cọng lớn như trục xe, bẻ ra nhựa chảy, màu như sữa, ăn thì ngon ngọt, vị nó như mật.
Chư Tỳ-kheo, bốn phía của ao A-nậu-đạt-đa, có bốn sông lớn, rộng một do-tuần, các thứ hoa phủ kín, nước sông bình lặng, chảy thẳng không uốn khúc, chẳng nhanh, chẳng chậm, chẳng có sóng gợn, từ từ chảy thẳng; bờ sông không cao, bằng cạn dễ vào. Hai bên bờ các sông, có các khu rừng, cành nhánh giao nhau che khuất ánh nắng, tỏa ra các mùi thơm vi diệu; có các loại cỏ mọc ở bên cạnh, màu xanh, mềm mại, xoay về bên phải… Nói lược, cho đến cao bằng bốn ngón tay; chân giẫm xuống thì nó rạp theo, giở chân lên thì trở lại như cũ; cũng có các loài chim phát ra các thứ âm thanh. Ở hai bên bờ sông, lại có các thuyền nhiều màu khả ái, cho đến dùng bảy báu: xa cừ, mã não… đóng thành, chạm vào mềm mại như áo Ca-chiên-lâu-đề-ca.
Chư Tỳ-kheo, châu Uất-đơn-việt, thường vào nửa đêm, từ trong bốn ao A-nậu-đạt-đa, khởi lên mây rất dày, che phủ khắp nơi; châu Uất-đơn-việt và các núi biển, đều bị che phủ, sau đó mới mưa nước tám công đức, như sữa Lê ngưu đổ xuống. Mưa ngập bốn ngón tay, ngay chỗ nước mưa rơi xuống, liền thấm vào đất, chẳng chảy lan ra. Vào nửa đêm hôm sau, mưa tạnh, mây tan, bầu trời trong vắt, từ biển nổi gió, thổi vào mát mẻ, trong lành êm diệu, chạm vào khỏe khoắn, thấm nhuận châu Uất-đơn-việt, khắp nơi được điều hòa màu mỡ tốt tươi. Như người xâu tràng hoa khéo tay và đệ tử ông ta, đã làm xong tràng hoa, dùng nước rảy lên, tràng hoa kia được tưới, tươi sáng rực rỡ. Chư Tỳ-kheo, châu Uất-đơnviệt, đất đai thường thấm nhuận, tươi sáng màu mỡ cũng lại như vậy, như thường có người dùng dầu tô thoa lên.
Chư Tỳ-kheo, châu Uất-đơn-việt, lại có một cái ao tên là Thiện hiện; lại có một khu vườn, cũng tên là Thiện hiện. Vườn ấy rộng dài một trăm do-tuần, có bảy lớp lan can, bảy lớp dây chuông; hàng cây Đa-la cũng có bảy lớp, bao bọc chung quanh, nhiều màu khả ái…, tạo thành. Mỗi hướng đều có các cửa, ở mỗi cửa đều có thành bảo vệ, nhiều màu khả ái, cũng dùng bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, san hô, xích châu, xa cừ, mã não… tạo thành.
Chư Tỳ-kheo, vườn Thiện hiện ấy bằng phẳng đẹp đẽ, không có gai gốc, gò đống, hầm hố, sỏi đá, ngói gạch và các vật tạp uế…, chỉ có nhiều vàng, bạc, các thứ châu báu khác lạ; khí hậu điều hòa, không lạnh, không nóng, thường có suối chảy bốn phía tràn đầy; cây lá tốt tươi, hoa quả đầy cành, có các thứ hương theo gió ngát thơm. Lại có các loài chim lạ, thường phát ra âm thanh vi diệu, hòa nhã trong trẻo; có cỏ màu xanh, xoay về bên phải, mềm mại êm ái, như lông Khổng tước, mùi thơm giống như hoa Bà-lợi-sư, chạm vào như áo Ca-chiên-lân-đề-ca, dùng chân giẫm lên, theo chân rạp xuống, bung lên khi dở chân. Lại có loại cây có gốc, thân, hoa, lá, quả đều tỏa ra mùi thơm, xông khắp mọi nơi.
Chư Tỳ-kheo, trong vườn Thiện hiện, cũng có rừng cây tên là An trú; cây đều cao sáu câu-lô-xá, lá dày che kín, nước mưa không lọt, thứ lớp như vảy cá, như tranh lợp nhà. Mọi người đều cư trú dưới đó. Lại có cây Hương, cây Kiếp-ba-ta, cây Anh lạc, cây Man, cây Khí, cây quả. Lại có cơm chín bằng gạo thơm tự nhiên, thanh khiết, tuyệt ngon.
Chư Tỳ-kheo, vườn Thiện hiện ấy, không có ai là sở hữu chủ, cũng không canh gác bảo vệ. Người ở châu Uất-đơn-việt khi muốn vào vườn này, tự ý vui chơi, hưởng các thú vui, thì với bốn cửa ấy, tùy ý muốn vào cửa nào cũng được; vào vườn ấy rồi, vui chơi tắm rửa, thoải mái hưởng mọi sự vui thích, muốn đi thì đi, muốn ở thì ở, tự tại tùy ý.
Chư Tỳ-kheo, vì người Uất-đơn-việt, nên ở phía Nam ao Thiện hiện, lại có một cái vườn tên là Phổ hiền; vườn ấy dài rộng một trăm do-tuần, có bảy lớp lan can… bao bọc chung quanh, cho đến… Cơm chín tinh khiết, tuyệt ngon.
Chư Tỳ-kheo, vườn Phổ hiền ấy, cũng không canh gác bảo vệ; người ở châu Uất-đơn-việt nếu khi muốn vào vườn Phổ hiền tắm rửa, vui chơi hưởng mọi sự thích thú, thì theo bốn cửa của nó, tùy ý mà vào; vào rồi, tắm rửa, vui chơi thỏa thích; đã thỏa thích rồi, muốn đi thì đi, muốn ở thì ở.
Chư Tỳ-kheo, vì người Uất-đơn-việt nên phía Tây của ao Thiện hiện, lại có một khu vườn tên là Thiện hoa. Vườn ấy rộng, dài một trăm do-tuần, bảy lớp lan can bao bọc chung quanh, nói lược… cho đến như vườn Thiện hiện, không có gì khác; cũng lại không có người canh gác bảo vệ. Người ở châu Uất-đơn-việt nếu khi muốn vào trong vườn Thiện hoa, tắm rửa, vui chơi, hưởng thọ khoái lạc, thì theo bốn cửa của nó, tùy ý mà vào; vào rồi tắm rửa, vui chơi hưởng lạc; hưởng lạc rồi, muốn đi thì đi, muốn ở thì ở, nói lược… như vườn Thiện hiện ở trước.
Chư Tỳ-kheo, vì người Uất-đơn-việt, nên ở phía Đông ao Thiện hiện, tiếp theo vườn Thiện hiện, ở khoảng đó, có sông tên Dị nhập đạo, từ từ xuôi dòng, không có sóng gợn, không chậm, không nhanh, các loại hoa phủ đầy, rộng hai mươi do-tuần rưỡi.
Chư Tỳ-kheo, sông Dị nhập đạo, ở trên hai bờ có các thứ cây, cành lá che khuất ánh nắng, tỏa ra các thứ mùi thơm, xông khắp vùng ấy; có các thứ cỏ mọc…, lược nói… cho đến… chạm vào mềm mại như áo Ca-chiên-lân-đề-ca, cao bằng bốn ngón tay, khi chân đạp lên, theo chân lên xuống. Lại có các thứ cây ăn trái nhiều màu; cành, lá, hoa, quả đều đầy đủ; cũng có các thứ mùi thơm xông khắp; các thứ chim lạ, cùng nhau ca hót. Hai bên bờ sông ấy, có các thuyền đẹp, nhiều màu khả ái, do bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xích châu, xa cừ, mã não… tạo thành, trang nghiêm đẹp đẽ.
Chư Tỳ-kheo, vì người Uất-đơn-việt, nên ở phía Nam ao Thiện hiện, có một sông lớn tên là Thiện thể, từ từ xuôi dòng… lược nói… đều như sông Dị nhập đạo. Chỗ ấy có các thứ rừng cây, cùng với sông trên không khác, cho đến… các thuyền… các sắc tạo thành, mềm mại giống như áo Ca-chiên-lân-đề-ca.
Chư Tỳ-kheo, ở phía Tây ao Thiện hiện, vì người Uất-đơnviệt, nên có một sông lớn tên là Đẳng-xa, cho đến… nói lược… từ từ xuôi dòng.
Chư Tỳ-kheo, ở phía Bắc ao Thiện hiện, vì người Uất-đơn-việt, nên có một sông lớn tên là Oai chủ, từ từ xuôi dòng, lược nói… cho đến… hai bên bờ sông có thuyền do bảy báu trang sức, mềm mại giống như áo Ca-chiên-lân-đề-ca; trong đó có kệ Uất-đà-na:
Sông Thiện hiện, Phổ hiền
Thiện hoa và Hỷ lạc
Dị nhập cùng Thiện thể
Đẳng xa và oai chủ.
Chư Tỳ-kheo, người ở châu Uất-đơn-việt, nếu khi muốn vào sông Dị nhập đạo, sông Thiện thể, Đẳng xa, Oai chủ đó… để tắm gội, vui chơi, hưởng các sự thích thú, thì liền đến hai bên bờ sông ấy, cởi bỏ áo xiêm, ngồi lên các thuyền đậu bên bờ sông, bơi đến giữa dòng sông, tắm rửa thân thể, vui chơi thỏa thích; tắm rửa rồi, tùy ý, có người nào ra trước, thì liền lấy y phục ở trên mặc vào rồi đi, cũng chẳng cần tìm kiếm y phục của mình. Vì sao? Vì người Uất-đơn-việt, không có ngã và đối tượng chấp ngã, không canh gác, bảo vệ. Các người ấy, lại đi đến dưới các cây Hương; đến dưới cây rồi, cây ấy tự nhiên cong cành rũ xuống, vì các người ấy, tỏa ra các mùi thơm vi diệu, để cho họ đưa tay lên thì đụng tới. Những người ấy, lấy các thứ hương ở nơi cây, thoa lên thân hình rồi, lại cùng đi đến cây Kiến-bata; đến rồi, cây ấy, cũng cong cành rũ xuống như cây trước, hiện ra các thứ y phục, để cho các người ấy dùng tay lấy tới. Những người ấy lại lấy các thứ y phục thượng diệu ở cây đó, mặc vào rồi đi. Lại đi đến dưới cây Anh lạc; đã đến đó rồi, cành cây Anh lạc cũng đều cong rũ xuống, vì các người ấy hiện ra các thứ Anh lạc thượng diệu, dùng tay lấy được. Những người ấy lấy các đồ trang sức bằng Anh lạc ở nơi cây, mang vào thân rồi, liền lại đi đến dưới các cây Man; đến nơi, cây Man tự nhiên vì các người ấy mà cong cành rũ xuống, hiện ra các tràng hoa báu thượng diệu, để cho các người ấy đưa tay lấy được. Họ liền lấy các tràng hoa đẹp ở đấy, đặt lên đầu, rồi đi đến các cây Khí vật; đến nơi, cây Khí cũng tự nhiên rũ cành xuống, để cho những người ấy đưa tay tới, tùy theo ý muốn, lấy các đồ dùng rồi, mang đến chỗ cây ăn quả; khi ấy cây ăn quả đó, cũng vì các người ấy, cành uốn cong rũ xuống, sanh ra các thứ trái ngọt tuyệt vời, để họ dùng tay lấy được. Những người ấy tùy theo ý muốn, lấy các thứ quả chín ở cây ấy, ăn rất ngon lành. Trong đó, có người lấy nhựa, đựng đầy đồ dùng mà uống. Ăn uống đã xong, họ lại đi đến rừng cây âm nhạc; đến rừng đó rồi, vì các người ấy, nên cành cây âm nhạc cũng rũ xuống, hiện ra các loại nhạc cụ, đưa tay lấy được. Những người ấy, tùy theo nhu cầu của mình, mà lấy các loại nhạc cụ ở trên cây ấy, hình dáng các thứ cụ khí đẹp đẽ, có âm thanh hòa nhã; lấy rồi mang theo, dạo chơi khắp nơi, muốn đàn thì đàn, muốn múa thì múa, muốn ca thì ca, tùy theo sở thích, hưởng các thứ nhạc. Việc ấy đã xong, mỗi người theo ý thích, hoặc đi, hoặc ở.
Hết Quyển 1
Này chư Tỳ-kheo, người Uất-đơn-việt tóc màu xanh biếc dài bằng tám ngón tay, người cùng một loại, một hình, một sắc, không có hình sắc riêng để có thể biết sự khác biệt của họ.
Chư Tỳ-kheo, người Uất-đơn-việt đều mặc y phục, không ai lõa thể, cho đến chỉ để lộ nửa thân; thân, sơ bình đẳng, không có sự thích hoặc không. Răng đều bằng khít, không khuyết, không thưa, đẹp đẽ sạch sẽ, sắc trắng như ngọc kha, sáng đẹp, khả ái.
Chư Tỳ-kheo, người Uất-đơn-việt, nếu có đói khát, khi cần ăn uống, liền tự có để sử dụng, không cày bừa, chẳng gieo trồng, có gạo thơm tự nhiên, tinh khiết trắng trẻo, không có mày, cám, lấy đựng đầy trong quả Đôn trì; lại lấy ngọc lửa để dưới quả Đôn trì; do phước lực của chúng sanh, khi ngọc lửa vừa để vào, tư nhiên phát ra sức nóng; thức ăn chín rồi, lửa lại tự tắt. Những người ấy được cơm, khi muốn ăn dọn đồ dùng ra, tập hợp lại ngồi ăn. Bấy giờ, nếu có người từ bốn phương đến muốn cùng ăn, họ liền vì các người ấy, dọn đủ cơm ra, ăn xong, cơm vẫn còn, cho đến người ăn, ngồi ăn chưa xong, đồ đựng thức ăn vẫn đầy. Khi những người ấy ăn cơm gạo thơm tự nhiên không mày cám, tinh khiết thơm ngon này, mùi vị của nó đầy đủ, chẳng cần gia vị. hình sắc của loại cơm ấy giống như vị Tô-đà của chư Thiên; lại như chùm hoa tinh khiết, trắng, tươi sáng. Những người ấy ăn xong, thân thể đầy đặn, không có khuyết giảm, cứ vậy không thay đổi, không già, không khác. Sự ăn uống đó còn giúp thêm cho những người ấy, sức lực sắc diện được an ổn, trọn vẹn, không gì là không đầy đủ.
Chư Tỳ-kheo, người Uất-đơn-việt, nếu đối với nữ nhân khi sanh tâm mê đắm, tùy theo sự yêu mến trong lòng, đưa mắt ngắm nhìn, người con gái kia biết tình ý, liền đến đi theo. Hai người cùng đi tới nơi gốc cây; người con gái đi theo đó, nếu là thân thuộc như mẹ, dì, chị em của người này, thì cành cây không rủ xuống, mà ngay khi ấy lá của cây ấy héo vàng, khô, rụng, chẳng che kín, chẳng ra hoa quả, cũng chẳng chịu hiện ra giường chõng, đồ nằm… Nếu chẳng phải là mẹ, dì, chị, em… thì cây liền cong cành rũ nhánh che khuất, cành lá sum suê, hoa quả tươi tốt, cũng vì họ mà hiện ra trăm ngàn các thứ giường chõng, đồ nằm… Họ liền dắt nhau đi vào nơi gốc cây, làm theo ý muốn, vui vẻ hưởng mọi sự.
Chư Tỳ-kheo, người Uất-đơn-việt ở trong thai mẹ, chỉ trong bảy ngày, đến ngày thứ tám, thì sanh ra. Người mẹ sanh rồi, tùy đứa con sanh ra hoặc trai, hoặc gái, đều đem đặt ở ngã tư đường, bỏ đấy mà đi. Ở trên đường đó, người đi đường từ Đông, Tây, Nam, Bắc qua lại, thấy đứa con trai con gái ấy, lòng sanh thương mến, vì muốn nuôi nấng, ai cũng lấy ngón tay đưa vào trong miệng đứa bé, ngay nơi ngón tay ấy, tự nhiên chảy ra sữa ngọt tuyệt diệu. Đứa bé trai, gái, uống thứ nước đó, khiến được sống an toàn như là uống sữa. Trải qua bảy ngày, các đứa trẻ trai, gái ấy lại tự thành tựu một loại thân thể, cùng với vóc dáng của người xưa không khác; con trai lại theo con trai, con gái lại theo con gái, mỗi người đều theo bạn bè cùng nhau mà đi.
Chư Tỳ-kheo, người Uất-đơn-việt, thọ mạng đúng hạn, không có người chết yểu. Khi mạng chung, đều được sanh lên các cõi trên. Vì nhân duyên gì mà người Uất-đơn-việt được hạn định tuổi thọ này, sau khi mạng chung đều được sanh lên các cõi trên?
Chư Tỳ-kheo, ở đời, hoặc có người, chuyên làm việc sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói thô ác, nói thêu dệt, tham, sân, tà kiến. Do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, đọa vào cõi ác, sanh trong địa ngục. Hoặc lại có người chưa từng sát sanh, chẳng trộm cắp của người khác, chẳng làm việc tà dâm, chẳng nói dối, chẳng nói hai lưỡi, chẳng nói thô ác, chẳng nói thêu dệt, chẳng tham, chẳng sân, cũng chẳng tà kiến. Do nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, hướng đến đạo lành, sanh trong cõi trời, người. Do nhân duyên gì mà người bị sanh xuống? Vì sự sát sanh, tà kiến… của họ, có người khởi lên ý nghĩ thế này: “Ta nay nên thực hành mười điều thiện. Vì nhân duyên này, nên khi thân ta hoại, sẽ được vãng sanh vào cõi Uất-đơn-việt. Sanh vào cõi ấy, sống lâu ngàn năm chẳng tăng, chẳng giảm”. Người ấy đã phát nguyện như vậy rồi, thực hành mười điều thiện, khi thân hoại được sanh vào cõi Uất-đơn-việt; đã ở cõi ấy, lại được thọ mạng đúng hạn, đầy đủ ngàn năm, chẳng tăng chẳng giảm.
Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên này mà người Uất-đơn-việt được thọ mạng đúng hạn.
Chư Tỳ-kheo, vì nhân duyên gì mà được sanh lên cõi trên? Chư Tỳ-kheo, người cõi Diêm-phù, khi ở cõi ấy, thọ mười điều thiện, vì vậy, nên khi mạng chung, liền được vãng sanh vào cõi Uất-đơn-việt. Người Uất-đơn-việt, vì do thân trước của họ có mười điều thiện, ở trong cõi Uất-đơn-việt, như pháp tu hành, nên khi thân hoại mạng chung đều được sanh lên cõi thiện của chư Thiên.
Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên này, người Uất-đơn-việt, sanh lên chỗ tốt đẹp. Chư Tỳ-kheo, người Uất-đơn-việt, mạng sống đến lúc kết thúc, khi xả thọ, không có một người nào buồn thương, lưu luyến, khóc than, chỉ cùng nhau mang thi thể đến đặt ở ngã tư đường bỏ đó mà đi.
Chư Tỳ-kheo, người trong cõi Uất-đơn-việt có pháp như vầy. Nếu có chúng sanh, khi thọ mạng hết, liền có một con chim tên là Ưu-thừa-già-ma, từ trong núi lớn bay nhanh đến, ngậm tóc người chết, tha thi hài của người chết, bỏ trên bờ sông ở phương khác. Vì sao? Vì người Uất-đơn-việt hạnh nghiệp thanh tịnh, ưa sự tinh khiết, ưa sự vui vẻ, nên không thể cho gió thổi mùi xú uế bay đến chỗ ở của họ. Chư Tỳ-kheo, người Uất-đơn-việt, khi muốn đại tiểu tiện, thì vì người ấy, đất liền nứt ra; đại tiểu tiện xong rồi đất khép lại như cũ. Vì sao? Vì người Uất-đơn-việt ưa sự tinh khiết, ưa sự vui vẻ. Lại nữa, cõi đó có nhân duyên gì mà được gọi là châu Uất-đơn-việt? Chư Tỳ-kheo, châu Uất-đơn-việt đó, ở trong bốn châu thiên hạ, đối với ba châu kia, thì nó là tối thượng, tối diệu, tối cao, tối thắng, nên gọi châu này là Uất-đơn-việt.