KINH KHỞI THẾ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 1: CHÂU DIÊM-PHÙ

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Bà-già-bà, ở thạch thất Ca-lợi-la tại thành Xá-bà-đề. Lúc ấy, các Tỳ-kheo, sau khi thọ trai, tập hợp tại giảng đường. Mọi người đồng ngồi, suy nghĩ và cùng bàn luận:

–Các Trưởng lão, thật chưa từng có! Nay, thế gian này, quốc độ, đất trời, chỗ ở của chúng sanh, thành lập như thế nào? Tan hoại như thế nào? Tan hoại rồi lại thành lập như thế nào? Thành lập rồi lại an trụ như thế nào?

Bấy giờ Đức Thế Tôn, một mình ở tại tịnh thất, do thiên nhĩ nghe pháp thanh tịnh hơn người, nghe các Tỳ-kheo sau khi thọ trai tập hợp tại giảng đường, cùng bàn luận chuyện hi hữu như vậy. Nghe xong, Thế Tôn sau buổi trưa xuất thiền, từ thạch thất đứng dậy, đi lên giảng đường, ở trước đại chúng Tỳ-kheo, theo lệ thường, trải tòa, ngồi thẳng tự nhiên. Đức Thế Tôn tuy biết nhưng vẫn hỏi:

–Các vị Tỳ-kheo, tập hợp tại đây để bàn luận chuyện gì?

Khi ấy các vị Tỳ-kheo đồng bạch Phật:

–Bạch Đại Đức Thế Tôn, Tỳ-kheo chúng con, sau khi thọ trai, cùng nhau tập hợp tại giảng đường này, bàn luận, nêu lên vấn đề: “Các Trưởng lão, thật chưa từng có! Thế gian thành lập như thế nào? Thế gian tan hoại như thế nào? Thế gian tan hoại rồi lại thành lập như thế nào? Thế gian thành lập rồi lại an trụ như thế nào?” Bạch Đại Đức Thế Tôn, chúng con tập hợp đến đây, ngồi bàn luận việc như vậy.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Hay thay! Tỳ-kheo các vị mới có khả năng tin và làm theo những điều đúng pháp như vậy. Các thiện nam tử, các vị vì lòng tin mà bỏ nhà xuất gia. Nếu các vị thường cùng nhau tập hợp một chỗ, bàn luận những điều đúng pháp như vậy, thì đó là việc chẳng thể nghĩ bàn. Tỳ-kheo các vị, nếu khi tập hợp ngồi lại, thì nên tu hai Pháp hành này, mỗi người vì sự nghiệp của mình, chẳng sanh lười biếng kiêu mạn, đó là bàn luận pháp nghĩa và im lặng như bậc Thánh. Nếu có thể làm được điều đó, thì các vị nên nghe Như Lai nói về ý nghĩa và sự thành lập thế gian, sự tan hoại của thế gian, sự tan hoại rồi và thành lập lại của thế gian, thành lập rồi được an trụ như thế nào.

Các Tỳ-kheo đồng bạch Phật:

–Bạch Đại Đức Thế Tôn, nay đã đúng lúc. Nếu Phật Thế Tôn vì các Tỳ-kheo mà nói nghĩa này, thì Tỳ-kheo chúng con sau khi nghe Thế Tôn nói, sẽ như vậy mà phụng trì.

Bấy giờ Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, và suy nghĩ cho kỹ! Ta sẽ vì các vị lần lượt giảng nói.

Các Tỳ-kheo đồng bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn, chúng con rất muốn được nghe.

Phật dạy:

–Tỳ-kheo, như chỗ vận hành của một mặt trời mặt trăng, chiếu sáng bốn cõi thiên hạ, cũng giống như vậy, bốn cõi thế giới, có ngàn chỗ mặt trời, mặt trăng chiếu đến, thì đấy gọi là một ngàn thế giới. Chư Tỳ-kheo, trong ngàn thế giới, có ngàn mặt trăng, ngàn mặt trời, ngàn núi chúa Tu-di, bốn ngàn châu nhỏ, bốn ngàn châu lớn, bốn ngàn biển nhỏ, bốn ngàn biển lớn, bốn ngàn giống loại rồng, bốn ngàn dòng giống rồng lớn, bốn ngàn giống loại Kim sí điểu (chim cánh vàng), bốn ngàn giống loại Kim sí điểu lớn, bốn ngàn giống loại ở chỗ cõi ác, bốn ngàn giống loại ở chỗ cõi ác lớn, bốn ngàn tiểu vương, bốn ngàn đại vương, bảy ngàn loại cây lớn, tám ngàn loại núi lớn, mười ngàn loại địa ngục lớn, ngàn vua Diêm-ma, ngàn châu Diêm-phù, ngàn Cù-đà-ni, ngàn Phất-bà-đề, ngàn Uất-đơnviệt, ngàn trời Tứ thiên vương, ngàn trời Tam thập tam, ngàn trời Dạ-ma, ngàn trời Đâu-suất-đà, ngàn trời Hóa lạc, ngàn trời Tha hóa tự tại, ngàn trời Ma-la, ngàn trời Phạm thế.

Chư Tỳ-kheo, ở trong cõi Phạm thế, có một Phạm vương, oai lực rất mạnh, không ai có thể hàng phục, thống lãnh cả ngàn Phạm tự tại vương, nói: “Ta có khả năng tạo tác, có khả năng biến hóa. Ta như cha trong các sự việc”. Vị ấy nói lên lời tự kiêu, tự đại như vậy rồi, liền sanh ngã mạn. Như Lai chẳng vậy. Vì sao vậy? Vì tất cả thế gian, mỗi cái tùy theo nghiệp lực mà hiện khởi và thành lập.

Chư Tỳ-kheo, ngàn thế giới này, giống như lưới phủ, gọi là tiểu thiên thế giới. Chư Tỳ-kheo, một ngàn thế giới phủ vây như lưới, đó là bậc thứ hai trung thiên thế giới. Chư Tỳ-kheo, như trung thiên thế giới bậc hai này hợp làm một đầy khắp đủ một ngàn cõi thì gọi là Tam thiên đại thiên thế giới. Chư Tỳ-kheo, Tam thiên đại thiên thế giới đồng thời thành lập; đồng thời thành lập rồi, thì lại tan hoại; đồng thời tan hoại rồi thì lại thành lập; đồng thời thành lập trở lại rồi, thì được an trụ. Thế giới như vậy bị thiêu đốt hết rồi, gọi là tan hoại. Tất cả sinh khởi lại, gọi là thành lập. Tất cả ổn định rồi gọi là an trụ. Đó là nơi ở của chúng sanh của một cõi Phật vô úy.

Chư Tỳ-kheo, đại địa này đây dày bốn mươi tám vạn do-tuần, chung quanh rộng vô cùng. Như vậy đại địa, trụ ở trên nước; nước trụ trên gió; gió nương hư không. Chư Tỳ-kheo, phía dưới đại địa này, có lớp nước, dày sáu mươi vạn do-tuần, chung quanh rộng vô cùng. Phía dưới lớp nước ấy, có lớp gió, dày ba mươi sáu vạn do-tuần, chung quanh rộng vô cùng. Chư Tỳ-kheo, nước biển lớn ấy sâu vô cùng, sâu đến tám vạn bốn ngàn do-tuần, chung quanh rộng vô cùng. Như vậy đại địa trụ ở trên nước; nước trụ trên gió; gió nương hư không. Chư Tỳ-kheo, núi chúa Tu-di, phần dưới chìm trong nước biển tám vạn bốn ngàn do-tuần, phần trên nhô lên khỏi mặt nước biển cũng tám vạn bốn ngàn do-tuần. Núi chúa Tu-di, phần đáy bằng phẳng, phần dưới bám chặt trên bánh xe vàng lớn. Chư Tỳ-kheo, núi chúa Tu-di ở trong biển lớn, dưới hẹp, bên trên càng lên càng rộng ra, ngay thẳng chẳng cong, thân lớn kiên cố, đẹp đẽ lạ thường, rất thích ngắm nhìn, bốn báu hiệp thành, đó là vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Trên núi Tu-di, có sanh các loại cây; cây ấy sum suê tươi tốt, tỏa ra các mùi thơm, mùi thơm xông khắp cùng các núi, là chỗ dừng chân của nhiều chúng Thánh hiền, oai đức rất lớn, thiên thần thù thắng tuyệt đẹp.

Chư Tỳ-kheo, núi chúa Tu-di, phần trên có đỉnh, đỉnh nhô ra bốn phía uốn cong cách mặt biển, mỗi cái cao bảy trăm do-tuần, đẹp đẽ khả ái, do bảy báu hiệp thành, đó là nơi trang trí vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chơn châu, xa cừ, mã não.

Chư Tỳ-kheo, phần dưới núi Tu-di, riêng có ba bậc, nơi ở của chư thần. Bậc cuối cùng cao rộng bằng phẳng sáu mươi do-tuần, có bảy lớp tường nhà, bảy lớp lan can, bảy lớp dây chuông; lại có bảy lớp cây Đa-la, bao bọc chung quanh, ngay ngắn ưa nhìn. Cây ấy đều do bảy báu tạo thành: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, hồng ngọc, xa cừ, mã não. Mỗi bức tường đều có bốn cửa, ở mỗi cửa, có các bờ lũy, nhà gác, đường đi; đối diện có lầu, chòi, đài, cung điện, phòng, hành lang, vườn, ao tắm, đầy đủ trang nghiêm. Trong mỗi ao, đều sanh hoa đẹp, phảng phất các mùi hương. có các rừng cây, các thứ thân, lá, các thứ hoa quả đều đầy đủ, cũng tỏa ra các thứ mùi thơm tuyệt diệu. Lại có các thứ chim hót lên âm thanh vi diệu, âm thanh hòa quyện vào nhau, hòa nhã thánh thót.

Bậc thứ hai của núi, cao rộng bằng phẳng bốn mươi do-tuần; có bảy lớp tường, bảy lớp lan can, bảy lớp dây chuông, hàng cây Đa-la cũng có bảy lớp, bao bọc chung quanh đều đặn bằng phẳng, ngay ngắn khả ái; cũng được trang trí bằng bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, hồng ngọc, xa cừ, mã não; các loại cửa, nhà, lầu, gác, đài, điện, vườn, ao, cây, quả, chim chóc đều đầy đủ trang nghiêm.

Bậc cao nhất của núi, cao rộng bằng phẳng hai mươi do-tuần; bảy lớp tường cho đến các loài chim, hót lên các âm thanh vi diệu, không thiếu thứ gì.

Chư Tỳ-kheo, trong bậc dưới có vị Dạ-xoa, tên là Bác Thủ ở. Trong bậc hai, có vị Dạ-xoa tên là Trì Man ở. Trong bậc cao, có vị Dạ-xoa tên là Thường Túy ở.

Chư Tỳ-kheo, lưng chừng núi Tu-di, cao bốn vạn hai ngàn dotuần, có cung điện của Tứ đại thiên vương. Phần trên núi Tu-di, có cung điện của trời Tam thập tam là chỗ ở của trời Đế-thích. Trên cõi trời Tam thập tam một tầng, có cung điện của chư Thiên Dạ-ma. Trên cõi trời Dạ-ma một tầng, có cung điện của trời Đâu-suất-đà. Trên trời Đâu-suất một tầng, có cung điện của chư Thiên Hóa lạc. Trên trời Hóa lạc một tầng, có cung điện của chư Thiên Tha hóa tự tại. Trên trời Tha hóa một tầng, có cung điện của chư Thiên Phạm thiên. Trên trời Tha hóa, dưới trời Phạm thiên, ở khoảng giữa có cung điện của chư Thiên Ma-la Ba-tuần. Trên trời Phạm thiên lại có trời Quang âm; trên trời Quang âm lại có trời Biến tịnh; trên trời Biến tịnh, lại có trời Quảng quả; trên trời Quảng quả lại có trời Bất thô; trên trời Quảng quả dưới trời Bất thô, khoảng giữa có chỗ của cung điện chư Thiên tên là Vô tưởng chúng sanh. Trên trời Bất thô, có trời Bất não; trên trời Bất não, có trời Thiện kiến; trên trời Thiện kiến có trời Thiện hiện, có cung điện của A-ca-ni-trá.

Chư Tỳ-kheo, từ A-ca-ni-trá trở lên, lại có chư Thiên tên là Vô biên không xứ, Vô biên thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, các nơi này đều là tên gọi chỗ ở của chư Thiên.

Chư Tỳ-kheo, xứ sở như vậy, ranh giới như vậy, các chúng sanh cư trú trên đó. Các chúng sanh ấy, hoặc đến, hoặc đi, hoặc sanh, hoặc diệt, ở trong giới hạn đó, trong thế giới đó. Có các chúng sanh, có sanh, già, chết, đọa vào và sống trong đường sanh hóa như vậy, đến bây giờ chẳng ra khỏi, đó gọi là thế giới Ta-bà, cõi Vô úy. Tất cả các thế giới khác trong mười phương cũng lại như vậy.

Chư Tỳ-kheo, phía Bắc núi chúa Tu-di, có châu tên là Uất-đơnviệt. Cõi ấy dài rộng mười ngàn do-tuần, bốn phía bằng phẳng. Mặt người ở cõi ấy giống như hình trái đất.

Chư Tỳ-kheo, phía Đông núi chúa Tu-di, có châu tên là Phấtbà-đề. Cõi ấy dài rộng chín ngàn do-tuần, tròn như trăng đầy. Mặt người ở cõi ấy giống như hình trái đất.

Chư Tỳ-kheo, phía Tây núi chúa Tu-di, có châu tên là Cù-đàni. Cõi ấy rộng dài tám ngàn do-tuần, hình như bán nguyệt. Mặt người ở cõi ấy giống như hình trái đất.

Chư Tỳ-kheo, phía Nam núi chúa Tu-di, có châu tên là Diêmphù-đề. Cõi ấy rộng dài bảy ngàn do-tuần. Bắc rộng, Nam hẹp, như xe của Bà-la-môn. Mặt người trong cõi ấy giống như hình trái đất.

Chư Tỳ-kheo, phía Bắc núi chúa Tu-di, do vàng trời tạo thành, chiếu sáng châu Uất-đơn-việt; phía Đông do bạc trời tạo thành, chiếu sáng châu Phất-bà-đề; phía Tây do pha lê trời tạo thành, chiếu sáng châu Cù-đà-ni; phía Nam do lưu ly trời màu xanh tạo thành, chiếu sáng châu Diêm-phù-đề.

Chư Tỳ-kheo, châu Uất-đơn-việt, có một đại thọ tên là Am-bala, thân to bảy do-tuần, phần ăn sâu dưới đất hai mươi mốt do-tuần, cao trăm do-tuần, cành lá phủ che năm mươi do-tuần.

Chư Tỳ-kheo, châu Phất-bà-đề, có một đại thọ tên là Ca-đàmbà, thân to cũng bảy do-tuần, ăn sâu xuống đất hai mươi mốt dotuần, cao một trăm do-tuần, cành lá phủ che năm mươi do-tuần.

Chư Tỳ-kheo, châu Cù-đà-ni có một đại thọ tên là Chấn-đầuca, thân to cũng bảy do-tuần, cho đến cành lá che phủ năm mươi dotuần. Ở gốc cây ấy, có một con trâu đá, cao một do-tuần. Do nhân duyên này nên gọi là Cù-đà-ni.

Chư Tỳ-kheo, châu Diêm-phù ấy có một đại thọ tên là Diêmphù, thân to cũng bảy do-tuần, cho đến cành lá che phủ năm mươi do-tuần. Ở gốc cây đó, có một đống vàng Diêm-phù-na-đàn, cao hai mươi do-tuần. Vì vàng tốt này xuất hiện nơi cây Diêm-phù, nên gọi là Diêm-phù-na-đàn, và do đó có tên là vàng Diêm-phù-na-đàn.

Chư Tỳ-kheo, chỗ ở của loài Kim sí điểu, có một đại thọ tên là Câu-tra-dư-ma-lợi, thân lớn cũng bảy do-tuần, cho đến cành lá che phủ năm mươi do-tuần.

Chư Tỳ-kheo, chỗ ở của A-tu-la, có một đại thọ tên là Thiện trú hoa, thân lớn cũng bảy do-tuần, cho đến cành lá che phủ năm mươi do-tuần.

Chư Tỳ-kheo, cõi trời Tam thập tam có một đại thọ tên là Thiên du, thân lớn cũng bảy do-tuần, ăn sâu xuống đất hai mươi mốt do-tuần, cao một trăm do-tuần, cành lá che phủ năm mươi do-tuần.

Chư Tỳ-kheo, dưới núi Tu-di, kế đến có núi tên là Khư-đề-la, cao bốn vạn hai ngàn do-tuần, trên rộng cũng vậy, ngay ngắn, khả ái, do bảy báu hợp thành, đó là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, hồng ngọc, xa cừ, mã não.

Chư Tỳ-kheo, khoảng giữa hai núi Tu-di và núi Khư-đề-la, rộng tám vạn bốn ngàn do-tuần, bao bọc do vô lượng các loài hoa: hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-mâu-đầu, hoa Bôn-trà-lợica…, là các thứ có mùi thơm vi diệu, lan tỏa khắp mặt nước.

Chư Tỳ-kheo, ngoài núi Khư-đề-la, có núi tên là Y-sa-đà-la, cao hai vạn một ngàn do-tuần, trên rộng cũng vậy, hùng vĩ khả ái…, cho đến do mã não…, bảy báu tạo thành. Khoảng giữa hai núi Khưđề-la và Y-sa-đà-la, rộng bốn vạn hai ngàn do-tuần; bao bọc do vô lượng các loài hoa: hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-mâuđầu, hoa Bôn-trà-lợi-ca…, là các thứ có mùi thơm vi diệu, lan tỏa khắp mặt nước.

Ngoài núi Y-sa-đà-la, có núi tên là Du-càn-đà-la, cao một vạn hai ngàn do-tuần, trên rộng cũng vậy, hùng vĩ khả ái…, cho đến do mã não…, bảy báu tạo thành. Khoảng giữa hai núi Y-sa-đà-la và Ducàn-đà-la, rộng hai vạn một ngàn do-tuần, bao bọc do vô lượng các loài hoa: hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-mâu-đầu, hoa Bôn-trà-lợi-ca…, là các thứ có mùi thơm vi diệu, lan tỏa khắp mặt nước.

Ngoài núi Du-càn-đà, có núi tên là Thiện kiến, cao sáu ngàn do-tuần, trên rộng cũng vậy, đẹp khả ái…, cho đến do mã não…, bảy báu tạo thành. Khoảng cách giữa núi Du-càn-đà-la và Thiện kiến là một vạn hai ngàn do-tuần, có vô lượng các loài hoa bao bọc chung quanh: hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-mâu-đầu, hoa Bôntrà-lợi-ca…, là các thứ có mùi thơm vi diệu, lan tỏa khắp mặt nước.

Ngoài núi Thiện kiến, có núi tên là Mã bán đầu, cao ba ngàn do-tuần, trên rộng cũng vậy, đẹp đẽ khả ái…, cho đến do mã não… bảy báu tạo thành. Núi Thiện kiến cùng với núi Mã bán đầu, khoảng cách giữa hai núi, rộng sáu ngàn do-tuần, bao bọc chung quanh do vô lượng các loài hoa: hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-mâuđầu, hoa Bôn-trà-lợi-ca, là các loại hoa có mùi thơm vi diệu, lan tỏa khắp mặt nước.

Ngoài núi Mã bán đầu, có núi tên là Ni-dân-đà-la, cao một ngàn hai trăm do-tuần, trên rộng cũng vậy, đẹp đẽ khả ái…, cho đến do mã não…, bảy báu tạo thành. Núi Mã bán đầu, cùng với núi Nidân-đà-la, khoảng cách giữa hai núi, rộng hai ngàn bốn trăm dotuần, bao bọc chung quanh do vô lượng các loài hoa: hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-mâu-đầu, hoa Bôn-trà-lợi-ca…, là các thứ có mùi thơm vi diệu, lan tỏa khắp mặt nước.

Ngoài núi Ni-dân-đà-la, có núi tên là Tỳ-na-da-ca, cao sáu trăm do-tuần, trên rộng cũng vậy, đẹp đẽ khả ái…, cho đến do mã não…, bảy báu tạo thành. Núi Di-dân-đà-la và núi Tỳ-na-da-ca, khoảng cách giữa hai núi, rộng một ngàn hai trăm do-tuần, bao bọc chung quanh do các thứ hoa vô lượng nhiều màu…, cho đến các loại hoa có mùi thơm vi diệu, lan tỏa khắp mặt nước.

Ngoài núi Tỳ-na-da-ca, có núi tên là Chước-ca-la, cao ba trăm do-tuần, trên rộng cũng vậy, đẹp đẽ khả ái…, cho đến do mã não…, bảy báu tạo thành. Khoảng cách giữa núi Tỳ-na-da-ca và Chước-cala, rộng sáu trăm do-tuần, bao bọc chung quanh do vô lượng hoa, có bốn loại, nhiều màu sắc… cho đến các loại hoa có mùi thơm vi diệu, lan tỏa khắp mặt nước. Cách núi Chước-ca-la, một khoảng không xa là biển lớn, khoảng đất trống ở giữa, có cỏ xanh phủ khắp. Ở phía Bắc biển lớn, có Thọ vương tên là Diêm-phù, thân to bảy do-tuần, rễ ăn sâu xuống đất hai mươi mốt do-tuần, cao trăm do-tuần…, cho đến cành lá, che phủ bốn phía năm mươi do-tuần, bên cạnh có vùng đất trống, cỏ xanh phủ khắp. Kế đến có rừng cây Am-ba-la, rừng cây Diêm-phù, rừng cây Đa-la, rừng cây Na-đa, mỗi rừng cây ngang rộng năm mươi do-tuần. Giữa các rừng cây, có khoảng đất trống, sanh các loại cỏ xanh. Kế đến có rừng cây tên là Nam, rừng cây tên là Nữ, rừng San-đà-na, rừng Chơn-đà-na, mỗi khu rừng cũng rộng năm mươi do-tuần; bên cạnh có khoảng đất trống, cỏ xanh rậm rạp. Kế đến có rừng quả A-lê-lặc, rừng quả Tỳ-hê-lặc, rừng quả A-malặc, rừng quả Am-ba-la-đa-ca; mỗi khu rừng cũng rộng năm mươi dotuần; bên cạnh có vùng đất trống, cỏ xanh rậm rạp. Kế đến có rừng cây Khả-thù-la, rừng quả Tỳ-la, rừng quả Bà-na-bà, rừng quả Thạch lựu; mỗi khu rừng cũng rộng năm mươi do-tuần; bên cạnh có vùng đất trống, cỏ xanh phủ đầy. Kế đến có rừng cây Điểu bột, rừng cây Nại, rừng cây Cam giá, rừng Trúc nhỏ, rừng Trúc lớn, mỗi khu rừng cũng rộng năm mươi do-tuần; bên cạnh có vùng đất trống, cỏ xanh phủ đầy. Kế đến có rừng Lau, rừng Sậy, rừng Cát-la, rừng Cát-la lớn, rừng Ca-sa-văn đà, mỗi khu rừng cũng rộng năm mươi do-tuần; bên cạnh có vùng đất trống, cỏ xanh phủ đầy. Kế đến có rừng hoa A-đề-mục-đa-ca, rừng hoa Chiêm-ba, rừng hoa Ba-tra-la, rừng hoa Tường vi, mỗi khu rừng cũng rộng năm mươi do-tuần; bên cạnh có vùng đất trống, cỏ xanh phủ khắp. Lại có các ao, trong các ao lại có hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-mâu-đầu, hoa Bôn-trà-lợi-ca… phủ đầy. Lại có các ao, đầy ắp rắn độc; mỗi ao cũng rộng năm mươi do-tuần. Khoảng giữa các ao, có vùng đất trống, cỏ xanh phủ đầy. Kế đến có biển tên là Điểu-thiền-na-ca, rộng mười hai do-tuần, nước biển trong, mát, vị rất ngon ngọt, êm ả, trong vắt, có bảy lớp bờ lũy, nối liền bằng bảy báu, bảy lớp lan can, bảy lớp dây chuông; bên ngoài có bảy lớp hàng cây Đa-la, bao bọc chung quanh, trang nghiêm đẹp đẽ; dùng mã não…, bảy báu trang trí; bốn mặt chung quanh có các bậc thềm, đường đi, đẹp đẽ, cũng dùng vàng, bạc lưu ly, pha lê, xích châu, xa cừ, mã não… tạo thành. Lại có vô lượng hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-mâu-đầu, hoa Bôn-trà-lợi-ca, che phủ mặt nước. Hoa nào màu lửa, thì hiện ánh sáng lửa; hoa nào màu vàng ròng, thì hiện ánh sáng vàng ròng; hoa nào màu xanh thì hiện ánh sáng xanh; hoa nào màu đỏ thì hiện ánh sáng đỏ; hoa nào màu trắng thì hiện ánh sáng trắng; hoa nào màu Ba-vô-đà thì hiện ánh sáng Ba-vô-đà; hoa như bánh xe, cọng như trục bánh xe; cọng tiết ra nhựa, sắc trắng như sữa, vị ngọt như mật.

Chư Tỳ-kheo, trong biển Điểu-thiền-na-ca, có đường đi của Chuyển luân thánh vương, rộng mười hai do-tuần. Trong cõi Diêmphù, khi Chuyển luân thánh vương ra đời, thì trong biển, con đường này tự nhiên hiện lên, ngang bằng với mặt nước.

Chư Tỳ-kheo, kế biển Ô-thiền-na-ca, có núi tên là Ô-thừa-giàla. Chư Tỳ-kheo, núi Ô-thừa-già-la ấy trang nghiêm ngay thẳng, đẹp đẽ khả quan; tất cả cây, tất cả lá, tất cả hoa, tất cả quả, tất cả hương, các loài cỏ, các loài chim thú, xuất hiện trong thế gian đều ở trong núi ấy, không thiếu thứ gì. Chư Tỳ-kheo, núi Ô-thừa-già-la hùng vĩ, đẹp đẽ khả quan như vậy, các vị nên biết rõ điều đó.

Chư Tỳ-kheo, kế đến, lại có núi tên là Kim hiệp. Ở trong núi đó, có tám vạn cái hang, có tám vạn long tượng cư trú, thân màu trắng như hoa Câu-mâu-đầu, bảy chi chống đất, đều có thần thông, nương trên không mà đi; đầu có màu đỏ giống như loài trùng Nhân-đà-la-cù-baca; sáu ngà đầy đủ. Ngà nó nhọn hoắt, màu như vàng ròng.

Chư Tỳ-kheo, qua khỏi núi Kim hiệp, liền có núi Tuyết, cao năm trăm do-tuần, rộng, dày cũng vậy. Núi ấy đẹp đẽ, do bốn báu tạo thành, đó là vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Bốn mặt của núi đó, có bốn ngọn bằng vàng, đỉnh nhô ra ngoài núi, mỗi cái cao hai mươi dotuần. Lại có ngọn cao, các thứ báu xen nhau, cao vượt hẳn lên một trăm do-tuần. Trên đỉnh núi, có ao tên là A-nậu-đạt-đa. Ao ấy rộng dài năm mươi do-tuần. Nước ao mát lạnh, mùi vị ngon ngọt, trong trẻo chẳng đục; bảy lớp bờ lũy, bảy lớp thềm gỗ, bảy lớp lan can, bảy lớp dây chuông bao bọc chung quanh, ngay thẳng đẹp đẽ, cho đến… mã não…, bảy báu tạo thành. Lại có các loài hoa: hoa Ưu-bátla, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-mâu-đầu, hoa Bôn-trà-lợi-ca; hoa ấy có nhiều màu sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng, lớn như bánh xe, dưới có củ, rễ lớn như trục xe, nhựa trắng như sữa, vị ngọt như mật.

Chư Tỳ-kheo, trong ao A-nậu-đạt-đa đó, có cung điện của Long vương A-nậu-đạt-đa. Điện này có năm trụ, đẹp đẽ khả ái. Long vương A-nậu-đạt-đa cùng với quyến thuộc vui chơi trong đó, hưởng năm dục của trời, vui thích tự tại.

Chư Tỳ-kheo, phía Đông ao A-nậu-đạt-đa, có sông Hằng-già, từ miệng voi phát ra, cùng với năm trăm sông đều chảy vào biển Đông. Phía Nam ao A-nậu-đạt-đa, có sông Tân-đầu, từ miệng trâu phát ra, cùng với năm trăm sông đều chảy vào biển Nam. Phía Tây ao A-nậu-đạt-đa, có sông Bạt-xoa, từ miệng ngựa phát ra, cùng với năm trăm sông, đều chảy vào biển Tây. Phía Bắc ao A-nậu-đạt-đa, có sông Tư-đà, từ miệng sư tử phát ra, cùng với năm trăm sông, đều chảy vào biển Bắc.

Chư Tỳ-kheo, do nhân duyên gì, mà Long vương này gọi là Anậu-đạt-đa?

Chư Tỳ-kheo, có ba nhân duyên. Những gì là ba? Chư Tỳ-kheo, trong châu Diêm-phù, có chỗ ở của các rồng, chỉ trừ Long vương Anậu-đạt, còn các rồng khác khi hưởng mọi sự vui thích, thân liền nóng bức. Lúc bấy giờ các rồng liền mất thiên hình, hiện ra hình rắn, các rồng luôn luôn chịu các khổ này. Long vương A-nậu-đạt-đa, không có việc như vậy. Đó là nhân duyên thứ nhất.

Chư Tỳ-kheo, trong châu Diêm-phù, trừ Long vương A-nậu-đạt, còn các rồng khác, khi vui chơi hưởng mọi sự thích thú, có gió nóng thổi đến, thổi lên thân thể, liền mất thiên hình, hiện ra hình rắn, chịu khổ như vậy. Đó là nhân duyên thứ hai.

Chư Tỳ-kheo, trong châu Diêm-phù có các rồng, khi vui chơi hưởng mọi sự thích thú, Kim sí điểu vương bay vào cung; các rồng thấy Kim sí điểu vương thì tâm sanh sợ hãi; vì sợ hãi nên liền mất thiên hình, hiện ra hình rắn, đều chịu các khổ. Long vương A-nậuđạt không có việc như vậy. Nếu Kim sí điểu vương sanh tâm thế này: “Ta nay muốn vào trong cung của Long vương A-nậu-đạt-đa”, thì Kim sí điểu kia bị quả báo bại liệt, liền tự chịu khổ, vĩnh viễn chẳng thể vào được cung điện của Long vương A-nậu-đạt. Chư Tỳ-kheo, đây là nhân duyên thứ ba. Vì vậy gọi là A-nậu-đạt-đa.

Chư Tỳ-kheo, phía Nam núi Tuyết không xa, có thành tên là Tỳ-xá-ly. Phía Bắc Tỳ-xá-ly, có bảy núi đen. Phía Bắc bảy núi đen, có núi Hương; ở trong núi Hương có vô lượng vô biên Khẩn-na-la ở, thường có tiếng ca vũ, âm nhạc. Núi ấy có nhiều các giống cây. Cây ấy đều tỏa ra các thứ hương xông, là chỗ ở của vị thần đại công đức.

Chư Tỳ-kheo, trong núi Hương ấy, có hai hang báu: một là Tạp sắc, hai là Thiện tạp sắc, đẹp đẽ khả ái…, cho đến đều dùng mã não…, bảy báu tạo thành. Mỗi hang đều rộng, dài năm mươi do-tuần, mềm mại trơn láng, chạm vào giống như áo Ca-chiên-lân-đề-ca.

Chư Tỳ-kheo, có một Càn-thát-bà vương tên là Vô Tỷ Dụ, cùng với năm trăm Khẩn-na-la nữ, ở trong hai hang Tạp sắc và Thiện tạp sắc, cùng hưởng ngũ dục, đi, đứng, nằm, ngồi, vui chơi thỏa thích.

Chư Tỳ-kheo, phía Bắc của hai hang, có Thọ vương Đại-bà-la tên là Thiện trụ, riêng có tám rừng cây Bà-la, bao bọc chung quanh. Trong rừng Thiện trụ ấy, có một Long tượng cũng tên là Thiện trụ, dạo, chơi, dừng nghỉ trong đó, lông trắng như hoa Câu-mâu-đầu, bảy chi chấm đất, bay lên không mà đi; xương đầu nhô lên như con trùng Nhân-đà-la-cù-ba-ca; đầu nó màu đỏ, đầy đủ sáu ngà, ngà nhọn hoắt, như mạ cát vàng.

Lại có tám ngàn vị Long tượng khác, đều là quyến thuộc, lông chúng đều trắng như hoa Câu-mâu-đầu, bảy chi chấm đất, cho đến… ngà chúng đều mạ vàng.

Phía Bắc rừng Ba-la thiện trụ, vì Đại long tượng vương Thiện trụ mà xuất hiện một cái ao, tên là Mạn-đà-cát-ni, dài rộng bằng phẳng, năm mươi do-tuần; nước ao mát lạnh, ngon ngọt trong trẻo, không có các uế trược, cho đến…, rễ, củ lớn như trục xe; cắt ra nhựa chảy, màu trắng như sữa, vị ngọt như mật.

Chư Tỳ-kheo, bên cạnh ao Mạn-đà-cát-ni, lại có tám ngàn ao bao bọc, bốn mặt vây quanh. Mỗi ao đều giống như ao Mạn-đà-cátni, không khác.

Chư Tỳ-kheo, Long tượng vương Thiện trụ ấy khi khởi ý muốn vào ao Mạn-đà-cát-ni để chơi, liền nghĩ đến tám ngàn vị Long tượng quyến thuộc. Khi ấy tám ngàn vị Long tượng, cũng khởi tâm thế này: “Tượng vương Thiện trụ đã nghĩ đến chúng ta, nay chúng ta nên đến chỗ của Thiện trụ vương”. Các Long tượng đến rồi, đều dừng lại, và đứng cúi đầu trước Long tượng vương Thiện trụ.

Bấy giờ Đại long tượng vương Thiện trụ, biết các Long tượng đã tập hợp, liền dẫn đi đến ao Mạn-đà-cát-ni. Tám ngàn long tượng sau, trước vây quanh, thứ lớp mà đi. Tượng vương Thiện trụ đi ung dung, trong lúc các Long tượng, có con cầm lọng trắng che đầu, có con dùng vòi cầm quạt Ma-ni trắng quạt lưng; có các nhạc thần, nhảy múa hát xướng, đi trước dẫn đầu.

Đại long tượng vương Thiện trụ đến rồi, liền vào ao Mạn-đàcát-ni, lặn hụp tắm gội, vui chơi giải trí, tùy theo ý thích, hưởng mọi sự thích thú. Trong đám Long tượng, có con rửa vòi, có con chà ngà, có con ngoáy tai, có con gội đầu, có con kỳ lưng, có con chà hông, có con rửa đùi, có con rửa chân, có con rửa đuôi, có con nhổ gốc sen, rửa sạch đưa vào miệng, có con nhổ hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đầu-ma, hoa Câu-mâu-đầu, hoa Bôn-trà-lợi-ca… kết lên đầu tượng vương Thiện trụ.

Khi ấy Đại long tượng vương Thiện trụ ở trong ao Mạn-đà-cátni, tắm rửa tùy thích, giỡn chơi vui vẻ, tự tại an lạc, ăn các củ sen do các long tượng dâng hiến; trên đầu trang sức các thứ hoa Ưu-bát-la… và các thứ hoa khác; tắm rửa xong rồi, tự ao ấy ra, lên đứng trên bờ. Tám ngàn long tượng, sau đó phân tán vào trong tám ngàn ao, tùy ý tắm rửa, giỡn chơi tự tại; hưởng mọi sự thích thú rồi, đều ăn củ sen; ăn xong cũng dùng hoa Ưu-bát-la và các thứ hoa khác kết lên đầu để tự trang nghiêm; rồi cùng nhau tập hợp đến chỗ Thiện trụ vương, vây quanh bốn phía, cung kính dừng lại.

Lúc ấy Đại tượng vương Thiện trụ cùng tám ngàn Long tượng kia, sau trước dẫn đi, trở về nơi rừng cây Ba-la thiện trụ. Khi tượng vương đi, các long tượng, hoặc cầm lọng trắng, hoặc cầm quạt trắng đi theo, như trước. Các thần trỗi nhạc, dẫn đường cũng như vậy.

Đại long tượng vương Thiện trụ đến rừng cây lớn Ba-la thiện trụ rồi, ở dưới cây Thọ vương, tùy ý nằm, đứng, hưởng mọi an lạc. Tám ngàn long tượng, cũng đều đi đến tám ngàn cây của chúng, đi, đứng, nằm, tự tại an lạc. Ở trong rừng ấy, hoặc có cây Ba-la, vòng gốc của nó lớn sáu tầm, hoặc có cây Ba-la, vòng gốc của nó lớn bảy tầm, tám tầm, chín tầm, mười tầm; có cây Ba-la, vòng gốc của nó lớn mười hai tầm, chỉ có cây Thọ vương Ba-la thiện trụ, vòng gốc của nó lớn mười sáu tầm. Trong rừng tám ngàn cây Ba-la ấy, nếu có lá úa vàng rụng xuống, thì liền có gió thổi bay ra ngoài, làm sạch rừng ấy. Tám ngàn long tượng, nếu có bài tiết vật ô uế, thì có các Dạ-xoa, quét dọn mang đổ.

Chư Tỳ-kheo, trong cõi Diêm-phù-đề, khi có Chuyển luân thánh vương ra đời, trong tám ngàn long tượng, có một con nhỏ nhất, sáng sớm mỗi ngày, đều đến trước Chuyển luân vương hầu hạ phụng sự, luyện tập thuần thục voi báu. Nhân đó được gọi là Đại long tượng vương Thiện trụ. Mỗi ngày rằm, vào lúc sáng sớm, đi đến chỗ trời Đế-thích, đứng ở phía trước, nhận sự sai bảo.

Chư Tỳ-kheo, Tượng vương Thiện trụ có thần thông, có oai đức như vậy, nên tự sanh vào loài voi nhưng là voi chúa mới có sức đại oai thần như thế. Các Tỳ-kheo, nên biết như vậy.