DIỆU ÂM NHÂN QUẢ
NỖI ÁM ẢNH CỦA CON ĐƯỜNG ‘THỊT CHÓ’
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
NỖI ÁM ẢNH CỦA CON ĐƯỜNG ‘THỊT CHÓ’
Vào những năm 90, khi chưa giải toả để xây cầu Thủ Thiêm như bây giờ, con đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh là một khu vực tấp nập quán ‘Thịt chó’, tương tự như khu Nhật Tân ở Hà Nội.Các quán ‘Cầy tơ bảy món’ ngày nào cũng thơm lừng mùi nướng, mùi chiên, mùi gia vị ướp thịt….
Trong số những chủ quán thịt cầy ở đường Ngô Tất Tố đó, có một ông chủ có tay nghề lão luyện, có tiếng là một tay sát chó có hạng, chỉ cần một búa, những con chó chỉ kịp ẳng lên một tiếng là chết ngay.
Thấm thoát mà cũng đã mấy năm kể từ ngày mở quán, cuộc sống của họ cũng khá thoải mái, mỗi ngày họ giết khoảng chục con chó để phục vụ cho các thượng đế, lượng khách cũng ổn định. Ông có ba đứa con trai, khi đó, đứa lớn nhất tầm 12 tuổi, đứa kế tầm 10 tuổi và đứa bé nhất tầm 5 tuổi.
Mọi việc đều suôn sẻ cho đến một ngày nọ, đứa con trai 12 tuổi của ông bỗng nhiên mắc một căn bệnh lạ. Ngày thì sợ ánh sáng, đêm thì thích chui vào gầm bàn kêu lên những tiếng nghe như ai oán, dần dà, căn bệnh ngày càng nặng hơn. Đêm nào đứa trẻ cũng tru những tiếng não nề, lạ một điều là đôi mắt cậu bé nhìn trong đêm cứ sáng quắc.
Vợ chồng chủ quán buồn lắm, ông đem con chạy chữa khắp nơi, ai chỉ nơi đâu có thầy hay thuốc giỏi là vợ chồng đều lặn lội dẫn con đến chữa. Nhưng tuyệt nhiên, căn bệnh của con ông không hề giảm sút.
Lúc này, quán ông lại càng đông khách, do một phần người ta hiếu kì, muốn đến nhìn tận mắt đứa trẻ mắc chứng bệnh lạ này.
Một lần nữa, nỗi đau của ông lại chồng chất khi đứa con trai thứ hai của ông cũng bị chứng bệnh lạ như anh trai của nó. Đêm đêm, hai anh em đứa gầm giường, đứa kẹt tủ thi nhau tru rên những tiếng bi ai thống thiết. Lúc này, hàng xóm ai cũng ngờ ngợ ra là tiếng kêu rên như tiếng chó tru ai oán. Người ta rỉ tai chủ quán một cách nhỏ nhẹ, khuyên lơn họ bỏ nghề.
Nhưng vốn không tin trên đời này có sự báo ứng, họ bỏ ngoài tai tất cả những lời khuyên lơn chân tình của hàng xóm. Mỗi tuần họ đều đặn dẫn hai đứa con đi chữa trị đủ chỗ, những mong một ngày nào đó con họ sẽ hết bệnh.
Bao nhiêu tiền của tích cóp mấy năm họ đều dồn vào việc chữa trị bệnh cho con. Nhưng tai ương vẫn chưa chịu buông tha gia đình họ.
Đứa con trai nhỏ nhất vào một ngày nọ, tự dưng sợ ánh sáng. Lo sợ đứa con tỉnh táo duy nhất bị giống hai anh, vợ chồng ấy liền vội vàng mang con đi khám và bốc thuốc.
Nhưng cuối cùng, cũng như hai anh nó, đứa út cũng đã tru lên những tiếng thống khổ về đêm.
Từ đó trong đêm, ba cặp mắt sáng quắc, tiếng tru này nối tiếp tiếng tru kia làm hàng xóm ai cũng không chịu nổi. Lúc này, như sực tỉnh, cả hai vợ chồng từ từ dẹp quán, họ buồn bã dẫn ba đứa con đi biệt xứ, đến nay đã khoảng 20 năm không biết sống chết thế nào.
Lại nói thêm về những quán gần đó, sau khi chứng kiến tận mắt cảnh tượng báo ứng gia đình nhà nọ, họ sợ sệt đến nỗi lần lượt người sang quán, kẻ giải nghệ. Giờ đây, đoạn đường Ngô Tất Tố ngay chân cầu Thủ Thiêm đã được mở rộng. Dấu tích các quán cầy tơ cũng không còn, nhưng vài người sống lâu năm tại đây vẫn còn nhớ câu chuyện năm xưa.
Bình: Nhiều người thắc mắc cho rằng cha mẹ làm ác thì có lý nào con cháu phải hứng chịu những hành động ác đó? Như vậy há chẳng phải luật Nhân Quả không công bằng hay sao? Kỳ thật, cái gọi là “tai họa cho con cháu” cũng chỉ là một câu nói theo thói quen, tập quán, chỉ là một hiện tưởng ngoài mặt, chứ phía sau nó còn ẩn chứa một đạo lý rất sâu.
Trong kinh Xuất Diệu Đức Phật dạy: “Mình tạo tội thì tự mình chịu tai ương, không ai có thể thay thế mình được”. Câu này Đức Thế Tôn muốn nói với chúng ta, “tự làm tự chịu” là nguyên lý về nhân quả, không có chuyện mình làm ác mà con cháu phải chịu ác báo thay. Sở dĩ có hiện tượng “tai họa cho con cháu”, nguyên nhân chính là do “Cùng nghiệp đi với nhau, cộng nghiệp chiêu cảm lẫn nhau, quả báo đời sau chuyển thành quả báo hiện tại”.
Cái gọi là “cùng nghiệp đi với nhau” là chỉ cho những người trong đời quá khứ đã tạo các nghiệp thiện, ác giống nhau, cho nên mới có xu hướng làm quyến thuộc họ hàng với nhau. Ví dụ đời trước có hai người cùng khuyên mọi người tu bố thí, nên đời này làm cha con lẫn nhau, người cha kiếm ra thật nhiều tiền, người con sinh trong gia đình ấy, cùng nhau hưởng phước báo giàu sang.
Cái gọi là “cộng nghiệp chiêu cảm lẫn nhau” là chỉ cho tất cả cộng đồng cùng tham gia trong đời trước, là những người cùng tạo nghiệp thiện hoặc ác, cho nên có xu hướng làm quyến thuộc họ hàng với nhau. Ví dụ trong đời trước, hai cha con cùng nhau đi ăn trộm, đời này quả báo người cha phải đi ăn xin, người con sinh làm con của người ăn xin đó, cho nên hai người phải chịu quả báo bần cùng, đói rách.
Cái gọi là “quả báo đời sau chuyển thành quả báo hiện tại”: Vốn ác báo đó đến đời sau mới chịu, nhưng do trong cuộc sống gặp được những duyên thích hợp, làm cho ác báo đó sớm thành thục. Vì thế đời này phải chịu luôn ác báo; có người đáng lẽ phải đến tuổi già mới thọ ác báo nhưng cũng do duyên mà phải thọ ác báo ngay khi tuổi còn trẻ. Là do duyên đã chín muồi.
Rất nhiều bằng chứng sống trong xã hội, người tạo nghiệp sát nhưng chưa thấy họ chịu ác báo, là do phước báo của họ chưa hết, với lại duyên chưa đủ để ác báo thành thục. Lúc này , sẽ xảy ra những khả năng:
* Sau khi những người làm ông bà cha mẹ tạo nghiệp sát sinh, con cháu sinh ra có đứa tàn tật, dị hình, bệnh hoạn, chết yểu…đây là quả báo của việc sát sinh do chính những đứa con đó đã tạo trong kiếp trước của nó. Bởi vì do “cùng nghiệp thì đi với nhau, cộng nghiệp nên chiêu cảm lẫn nhau”. Đáng lẽ ác báo của những đứa con, đứa cháu này đến đời sau mới xuất hiện, nhưng do nó có cùng nghiệp giống với những người sẽ làm cha mẹ ông bà nó nên nó đầu thai vào làm con cái hay cháu. Lúc này con cháu gặp những ác báo chính là do ác báo của bản thân nó đã thành thục, chứ chẳng phải chúng chịu tội thay cho tổ tiên, cha mẹ. Còn cha mẹ ông bà nó tạo nghiệp sát sinh thì có thể sẽ tự chịu trong kiếp này hoặc kiếp sau.
* Sau khi sinh con cháu rồi chúng ta mới tạo ác nghiệp: Nếu nó là đứa phước mỏng, vả lại đời trước nó đã tạo nghiệp sát sinh, mà bây giờ chúng ta lại tạo nghiệp ác, khiến cho quả báo sát sinh của con cháu chúng ta đến sớm hơn; đáng lẽ với việc ác đó đời sau nó mới thọ ác báo, nhưng gặp duyên sát sinh của cha mẹ, do vậy mà ngay đời này nó phải hứng chịu ác báo nhiều bệnh tật, chết yểu hay gặp chuyện bất trắc.
Chuyện con cháu chịu ác báo chỉ là “quả báo đời sau chuyển thành quả báo hiện tại” mà thôi, nhưng chính vẫn là “tự làm, tự chịu”, điều này cho thấy Luật Nhân Quả rất công bằng.