Những căn cứ để làm cho hết thảy mọi người niệm Phật được vãng sanh hay không vãng sanh
Hết thảy các pháp môn do đức Như Lai đã nói trong một đời Ngài đều nhằm dạy chúng sanh tu Giới – Định – Huệ, đoạn tham – sân – si, hiểu rõ sanh tử huyễn vọng, chứng tâm tánh chân thường. Nhưng chúng sanh căn tánh có lợi – độn, Hoặc (phiền não) có dày – mỏng. Kẻ căn tánh nhạy bén, Phiền Hoặc mỏng nhẹ thì sẽ có thể liễu sanh tử ngay trong đời này hay trong hai, ba, bốn, năm đời sẽ liễu sanh tử. Kẻ căn độn, Phiền Hoặc dầy thì mười, trăm, ngàn, vạn đời, hay mười, trăm, ngàn, vạn kiếp vẫn chẳng thể liễu được! Đấy là luận trên sự tu trì theo giáo lý thông thường, cậy vào sức tu Giới – Định – Huệ của chính mình để đoạn sạch tham – sân – si phiền hoặc, khó khăn cũng dường như lên trời! Mặc cho anh kiến địa cao siêu, công phu sâu đậm, công đức to tát, trí huệ lớn lao; nếu Kiến Tư Hoặc trong tam giới chưa hết, quyết chẳng thể vượt ra ngoài tam giới để liễu sanh tử được!
Chỉ có pháp môn Niệm Phật là hoàn toàn cậy vào nguyện lực đại từ bi của A Di Đà Phật. Nếu đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, chí thành khẩn thiết niệm danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương, bất luận lợi căn hay độn căn, Phiền Hoặc dầy hay mỏng đều có thể ngay trong đời này vào lúc lâm chung được nương theo Phật từ lực đích thân rủ lòng tiếp dẫn mà vãng sanh Tây Phương. Đã được vãng sanh rồi, Kiến Tư phiền não chẳng đoạn mà tự đoạn, bởi cảnh duyên trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thù thắng, mỗi mỗi đều có thể tăng trưởng công đức, trí huệ của con người, trọn chẳng khiến cho con người dấy lên tham – sân – si. Đấy chính là pháp môn đặc biệt trong cả một đời giáo hóa của đức Như Lai, chẳng thể dùng những giáo lý theo đường lối thông thường để luận định pháp môn Tịnh Độ được!
Trong cõi đời có những kẻ thông hiểu Tông – Giáo sâu xa, nhưng chẳng tin vào pháp môn Tịnh Độ, ấy là vì đã dùng giáo lý theo đường lối thông thường để luận định pháp môn đặc biệt. Nếu họ biết đây là pháp môn đặc biệt thì sẽ tự hành, dạy người, nào dám chống trái! Bà Lưu Thị – thím của ông Trương Phước Tuyền – bẩm tánh tinh thuần, đã có túc căn, đến khi mắc bệnh bèn tin theo lời của Phước Tuyền, Tông Tịnh v.v… mà niệm Phật, lại còn được người nhà trợ niệm, vì thế qua đời thật tốt lành. Những tướng tốt đẹp như: Vẻ mặt trở nên đẹp đẽ hơn lúc sống, sau mười bốn tiếng đồng hồ toàn thân đã lạnh, đảnh đầu vẫn còn ấm, chân tay, mình mẩy mềm mại, ruồi nhặng chẳng bu tới v.v…. Căn cứ theo bài kệ kiểm nghiệm tình trạng lúc lâm chung trong kinh Đại Tập thì:
Đảnh thánh, nhãn thiên sanh,
Nhân tâm, ngạ quỷ phúc,
Súc sanh tất cái ly,
Địa ngục cước bản xuất.
(Đảnh: thánh, mắt: sanh thiên,
Tim: người, ngạ quỷ: bụng,
Súc sanh: đầu gối lìa,
Địa ngục: bàn chân thoát)[1]
Bởi lẽ con người sắp chết, hơi nóng từ dưới dồn lên trên thì siêu sanh; từ trên dồn xuống dưới sẽ đọa lạc. Nếu toàn thân đã lạnh, chỉ còn đỉnh đầu ấm, ắt sanh về Tây Phương, vào trong thánh đạo. Mắt và trán nóng là sanh trong đường trời. Ngực nóng là sanh trong nhân đạo. Bụng còn ấm là sanh trong ngạ quỷ đạo, đầu gối ấm là sanh trong súc sanh đạo, bàn chân ấm là sanh trong địa ngục đạo.
Người niệm Phật nếu nhất tâm niệm Phật, chẳng nghĩ đến gia nghiệp, con cái trong thế gian, quyết định sẽ được Phật từ lực tiếp dẫn vãng sanh. Bất luận tu trì đã lâu hay mới tu, thậm chí kẻ tới lúc lâm chung mới được bạn lành khai thị liền nhất tâm niệm Phật dẫu chỉ niệm được mười tiếng liền mạng chung thì cũng được vãng sanh. Bởi lẽ, trong bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, nguyện thứ mười tám là: “Nếu có chúng sanh nghe danh hiệu ta chí tâm tin ưa, cầu sanh về nước ta, thậm chí mười niệm, nếu chẳng được sanh, ta không giữ ngôi Chánh Giác”. Do nhân duyên ấy, kẻ thường ngày chẳng hề niệm Phật, lâm chung được bạn lành khai thị, mọi người trợ niệm, cũng có thể vãng sanh.
Người thường niệm Phật nếu lúc lâm chung bị quyến thuộc vô tri tắm rửa, thay quần áo sẵn và hỏi han mọi chuyện, cũng như khóc lóc v.v… Do những nhân duyên ấy phá hoại chánh niệm liền khó được vãng sanh. Vì thế, người niệm Phật lúc thường ngày ắt phải bảo ban quyến thuộc trong nhà đều niệm thì khi chính mình lâm chung bọn họ đều biết trợ niệm. Lại do thường nói lợi ích của trợ niệm khi lâm chung và những họa hại do khóc lóc, bày vẽ mù quáng, họ sẽ chẳng đến nỗi vì lòng hiếu mà khiến cho người thân vẫn phải hứng chịu nỗi khổ sanh tử lớn lao, sẽ ngay trong đời này hưởng lợi ích lớn lao vãng sanh Tây Phương.
***
[1] Tuy kinh dạy như vậy, tổ Ấn Quang nói riêng và chư vị tổ sư đại đức truyền thừa Tịnh tông đều răn nhắc không nên đụng chạm thăm dò hơi nóng nơi người vừa chết trong vòng 8-12 tiếng đồng hồ kể từ khi người ấy sắp chết. Đã tắt hơi rồi, vẫn chớ nên thăm dò hơi nóng.