NHẬT KÝ TRỊ BỊNH
Hạnh Đoan
-1-
CHUYẾN XE CẤP CỨU VÀ BA CON CHÓ ĐỐM
Khi cơn bịnh bất thần ập tới, nhắm mình không trụ lâu nổi tôi dặn dò Hương lo hậu sự và nó ngoan ngoãn dạ vâng.
Nhưng Hương không cam lòng để tôi chưa trị bịnh mà ra đi nhanh thế. Nên nó và các bạn thân tôi bàn nhau đưa tôi đi bịnh viện và ra sức thuyết phục tôi.
Tôi nói: Giờ cô ngồi xe hơi cũng không nổi nữa.
Hương bảo nó có cách cho tôi đến bịnh viện mà không mệt, miễn là tôi chịu đi khám bịnh.
Tôi đành chìu ý cho nó và bạn bè vui. Tôi nói:
Đi khám tổng quát rồi về liền nha.
Thấy tôi chịu đi bịnh viện, bạn tôi và Hương vội gọi cho xe cấp cứu ở Đồng Nai tới.
Tôi được khiêng ra xe nằm. Nhưng lòng thầm lo…
Vì bốn mươi năm rồi tôi không đến bịnh viện. Thấy hình ảnh báo đăng có vài bịnh viện người ta nằm ra tới ngoài hè, ngoài vườn… nên tôi hơi ớn. Đi bịnh viện mà gặp cảnh như vậy thà tôi ở cốc, hễ hết tuổi thọ thì cứ ra đi như vậy khỏe hơn.
Huệ ân đã nhọc nhằn thuyết phục tôi:
Cô an tâm, hai con em bịnh nặng, được bác Sĩ Bịnh Viện Đại Học Y Dược cứu sống, vào đó cô không lo chật chội, kém vệ sinh. Bịnh viện rất sạch sẽ. Ở đó cô sẽ được khám kỹ, biết đâu cô phục hồi và khoẻ lại.
Thương Huệ Ân bỏ ra mấy tiếng đồng hồ thuyết phục, trấn an… nên tôi mũi lòng đồng ý.
Chiếc xe cấp cứu đến đón tôi vào lúc gần 12 giờ trưa. Các cô chùa Viên Chiếu túa ra hành lang đứng dòm, ngạc nhiên vì không ai biết tôi bịnh. Do tôi không tiếp khách.
Hương lên xe với nụ cười hớn hở vì tôi chịu đi bịnh viện. Nhìn gương mặt vui mừng của nó, dù nằm trên băng ca tôi vẫn ráng nói:
Dòm Mặt Hương giống đi ăn cưới chứ không giống đưa người đi cấp cứu.
Cô điều dưỡng (hay phụ xe) kiểm tra huyết áp cho tôi suốt chặng đi và phàn nàn huyết áp thấp quá.
Riêng ông tài xế rất là đặc biệt, ông lái một tay, tay kia cầm điện thoại vừa nhìn vào màn hình FaceTime trò chuyện, vừa lái xe. Do không chú ý nên ông chạy lạc qua Long Khánh cả đoạn dài bằng từ chỗ tôi đến Sài Gòn. Kiểu này ai mà bịnh nặng chưa đến nơi thì chắc đã tắc tử rồi.
Ông lái xe khá ẩu nhưng nhờ buổi trưa đường vắng xe chạy thưa thớt nên chẳng có xui rủi gì xảy ra.
Nhưng kiểu lái xe của ông làm tôi nhớ phim hoạt hình 101 con chó đốm: có bà già mặt giống phù thuỷ lái xe bạt mạng chở trăm con chó đốm, bà lái xe theo hình chữ z, mặc cho cửa xe rớt ra bà cũng không màng. Ông tài xế này tuy không giống bà 100% nhưng cái cách vừa lái một tay vừa trò chuyện video phone mặc cho xe đảo và đi lạc thì cũng giống thế.
Tôi gọi chuyến đi này là “chiếc xe cấp cứu và ba con chó đốm”
Tức ba hành khách chúng tôi.
Viên Thông càu nhàu: Đã lái ẩu còn đi lạc khiến đường xa gấp đôi.
Nhưng tôi bảo: Đi lạc cô không trách vì nằm trên xe cô thầm ước đường dài thêm cho lâu tới bịnh viện, vì cô sợ tới bịnh viện không biết họ sẽ làm gì mình. Mà không khí mát dịu trên xe làm tôi thấy dễ chịu nên không nôn ngóng mau đến.
Chỉ trách cách lái xe ẩu tả của ông ta.
Nhưng khi đến bịnh viện, thấy ông tận tuỵ bế tôi xuống xe đẩy, nên thôi tôi xí xoá, bỏ qua vậy.
Tôi mệt nên ráng viết chút chút báo cáo tình hình cho bà con an tâm và khỏi nóng ruột.
Có thể văn không ổn như thời tôi còn khoẻ (nhưng ai xem mà cười là chết với tôi).
-2-
(Tôi viết không phải vì rảnh rỗi ưa viết văn mà chủ yếu là viết để quý vị chưa từng biết bịnh đế khổ ra sao sẽ được dịp hiểu chút chút và biết trần gian này không có thơ mộng mà lo tu! Và cũng để những người từng lo lắng cho tôi hiểu rõ bịnh trạng mà an lòng. Đó là lý do dù khoẻ hay không tôi vẫn ráng viết hồi ký này.)
NHẬP VIỆN
Giống mấy người nhà quê lên thành phố, chúng tôi càng ngơ ngáo khi đến bịnh viện.
Tôi đang lo không biết làm sao thì may mà Huệ Ân đã cho trưởng nữ là bé Thủy chờ sẵn để giúp chúng tôi.
Bé Thủy cũng từng bịnh nặng, đã vào đây nằm mòn giường và đi… mòn đường bịnh viện nên rành thủ tục nhập viện khám bịnh, thêm Huệ Ân chu đáo hẹn trước với vị bác sĩ giỏi từng chữa trị cho hai con mình nên tôi vào khám tương đối suôn sẻ.
Tôi được ngồi trên xe đẩy khám đủ hết: chụp x quang, chụp phổi, tim, rút máu xét nghiệm…
Nghĩa là được tranh thủ khám gấp không bỏ phí phút giây nào.
Nhưng ngồi xe được đẩy đi lòng vòng khám liên tục riết, do yếu sức nên tôi bắt đầu thấy chóng mặt thì may thay, chu trình khám kết thúc.
Bác sĩ nhìn hồ sơ hỏi tôi:
-Cô làm sao mà máu trong người cạn kiệt hết vậy? Giờ sức khoẻ thấy thế nào thì nói hết ra?
Tôi đáp:
-Tôi ăn gì cũng ói ra hết, ói toàn máu… bước đi một chút thì tim rất đau như bị bóp nghẹt muốn ngừng đập, còn hễ té xuống thì không đứng lên nổi…
Bác sĩ nói:
-Cô yếu như cọng bún thiu, đứng lên không nổi là phải rồi!
Do Huệ Ân giúp tôi đăng ký nằm ở phòng hai người, nhưng hiện thời không có phòng hai người nên bác sĩ bảo:
-Giờ tạm thời cô nằm phòng bốn người, khi nào có phòng hai người tôi sẽ cho cô chuyển đến đó!
Tôi được đẩy vào phòng bốn người tầng 13.
Phòng khá thoáng rộng.
Sau đó chừng nửa tiếng tôi được dời đến phòng hai người như đã đăng ký.
Phòng hai người tuy sạch sẽ nhưng khá chật hẹp, tù túng. Hai giường bệnh được ngăn nhau bởi tấm màn.
Giường tôi được nằm cạnh cửa sổ có thể ngắm phong cảnh bên ngoài.
Bệnh viện này sạch đẹp nên giá phòng khá cao. Chưa kể tiền khám và thuốc men thì nội tiền phòng không cũng đáng lo: Phòng một người giá hai triệu tư một ngày, phòng hai người thì hai triệu, phòng bốn người thì triệu sáu…
(Sau này tôi mới biết). Tôi cảm giác mình với Hương giống như hai tên ăn mày đèo bòng đi vào chốn sang khám vì chi phí tính ra khá cao so với thân phận côi cút của chúng tôi.
Hương muốn tôi an tâm điều trị nên nó luôn bảo:
Cô đừng nghĩ ngợi gì cả, cứ yên chí ở đây trị cho hết bịnh, mọi việc để con lo…
Ở mấy bịnh viện kia người ta nằm ra tới ngoài hè, làm sao cô trị hết bịnh được?
Do tôi thiếu máu trầm trọng nên hai ngày đầu bịnh viện vô liền bốn bịch máu và hai bịch màu trắng mà họ gọi là nước mát.
Việc truyền máu thường xảy ra suốt đêm. Hễ tôi vừa chợp mắt là cô điều dưỡng trực đêm vào thăm chạm tay vào bịch máu kiểm tra… khiến tôi lại mất ngủ suốt.
Bác sĩ nói tôi rất yếu nên đi dễ mệt, dù là vào toa lét, tôi có thể bị té và xỉu trong đó nên yêu cầu Hương dùng loại bô tiểu trên giường cho bệnh nhân.
Trời ạ! Tôi không bị bịnh tiểu đường, thế mà bị bắt… tiểu trên giường? Làm sao cam lòng được?
Hồi chưa bịnh tôi hay ăn ngọt nên cũng lo mình có thể bị tiểu đường. Giờ nhờ đi khám mới biết mình không hề bị tiểu đường. Do tôi không chịu dùng bô nên khi tôi vào toa lét Hương luôn theo sát dìu tôi và canh chừng.
Mới đầu tôi mặc đồ tu mang theo, nhưng sau đó thấy Hương giặt giũ bất tiện nên tôi bảo Hương:
Để cô mặc đồ bịnh viện phát cho Hương đỡ giặt. Bịnh viện này sạch sang, đồ được tiệt trùng, vệ sinh bảo đảm… nên cô mặc không sao đâu.
Mới đầu Hương do dự, nhưng tôi thuyết phục riết nó đồng ý và cũng thấy tiện khi đỡ giặt giũ. Nhưng nó không cho tôi đắp mền bịnh viện. Chỉ xài mền mang theo.
Thức ăn tuần lễ đầu của tôi toàn là cháo, nấu theo tiêu chuẩn rất lạt dành cho bệnh nhân, gồm: cháo bắp, (ít bắp Mỹ bào nhuyễn trộn chung, cháo khoai lang (vài miếng khoai lang cắt vuông khoảng 2,5cm hay cháo đậu hũ… (Gồm vài miếng đậu hũ trắng xắt nhỏ trộn vào). Mùi vị họ nêm ngọt ngọt lạt lạt, tôi vừa uống thuốc vừa ăn cháo kiểu này, cũng có dùng thêm sữa mang theo và không còn bị ói hay xuất huyết bao tử… gì nữa. Coi như chứng bịnh này tạm êm.
Nhìn tầng trệt cả rừng người chầu chực chờ khám bịnh mà thương. Tôi thì được vào thẳng, đêm ngày đều có bác sĩ y tá khám theo dõi.
Sau khi truyền hai bịch máu thì mặt tôi đỡ trắng bệch.
Bác sĩ dự tính sẽ nội soi bộ tiêu hoá để biết rõ bịnh tôi.
Quá trình nội soi này phải gây mê nên họ cho tôi đi khám tim để kiểm tra sức khoẻ.
Đi khám về xong, họ ra toa cho tôi uống hai lít nước (pha thuốc xổ) để xổ hết mọi thứ trong người ra cho sạch sẽ cho tiện nội soi.
Tôi phải uống một lít nước đầu vào khoảng 16g30 đến 17g30 và lít thứ hai sẽ uống vào bốn giờ khuya. Nước thuốc này có mùi tanh tanh thiệt khó uống.
Trong thời gian uống nước xổ, họ vẫn tiếp tục truyền máu cho tôi.
Nghĩa là tôi tiếp tục vô máu hai bịch nữa, cộng thêm một bịch trắng, xem như tôi phải truyền máu suốt đêm, trong khi 7- 8 giờ tối là lít nước xổ tôi uống vào đầu tiên bộc phát công hiệu và khởi sự hoành hành.
Tôi nằm trên giường tay bị ghim dây chuyền máu chằng chịch, nên muốn ngồi dậy bước đi cực kỳ bất tiện…
Mà trong thời điểm này bụng cứ sôi ùng ục thúc tôi phải xổ…
Cái khổ vì bị truyền máu, rút máu, hay chích… chẳng thấm vào đâu so với cái khổ bụng quặn đau thúc xổ gấp mà không thể ngồi dậy bước đi…
Bây giờ tôi thật sự thấm cái khổ bịnh đế mà Phật từng tả…
Hù hu! Ôi mẹ ơi!
-3-
CHUYỂN XUỐNG KHOA TIM
Nếu tôi rành về quá trình trị bịnh, tôi sẽ yêu cầu bác sĩ nên truyền máu xong xuôi rồi hãy cho xổ, chứ vừa truyền máu vừa xổ thật quá khổ.
Trời hỡi! “Toa lét cách hai mét mà chân không thể bước…
Chỉ nhìn thôi mà tâm tức lòng đau”…
Hương nghe bụng tôi sôi rồn rột, òn ọt… dữ quá, nó nói:
Cô xổ đại nơi cái bô nằm trên giường này đi! Không sao đâu.
Nhưng nó và tôi đều không biết quá trình xổ do thuốc không có “khiêm cung” như bình thường, mà nó sẽ mạnh như… bắn pháo hoa…
Do cùng đường, tôi đành làm theo lời nó khuyên.
Dù đã cố gắng tóm gọn, tôi vẫn thấy… hoa vàng trên nệm xanh. Nghĩa là có lấm tấm vài chấm trên drab giường.
Hên là bịnh viện luôn cho thay drab mền thường xuyên nên sạch sẽ
Đang lúc Hương lo dọn dẹp vệ sinh cho tôi thì cô y tá vén màn ló mặt vào định đo huyết áp cho tôi, nhìn cảnh này cô nói lia lịa:
Xin lỗi! Xin lỗi!
Sau đó cô tặng cho tôi một câu khiến tôi méo mặt:
-Này! Xổ chóng mặt luôn đó!
Hương vừa dọn dẹp cho tôi xong, bụng tôi lại sôi rồn rột, òn ọt, báo hiệu trận xổ tiếp theo.
Lần này đã có kinh nghiệm và khôn ngoan hơn, Hương lôi mớ tả mua dự phòng ra, lót trước cho tôi. Vậy mà hay, tả giúp xổ gọn sạch sẽ.
Cuối cùng sau mấy tiếng đồng hồ nhừ tử với thuốc xổ, tôi được y tá vào thông báo:
Bác sĩ xem hồ sơ siêu âm tim của cô, ông nói bịnh tim cô quá nặng, tồi tệ, rằng “ tim cổ tan nát hết rồi”, do vậy ông không dám tiến hành gây mê để nội soi bộ tiêu hoá cho tôi. Và ra lịnh huỷ việc uống thêm một lít thuốc xổ lúc bốn giờ khuya, vì đã huỷ không nội soi thì tôi chả cần xổ cho sạch ruột làm chi nữa.
Tôi nghe mà mừng, vì truyền máu tới sáng mới xong, nếu tôi vừa vô máu ban tối, vừa phải xổ tiếp ban ngày nữa thì đúng là cực hình và không còn sức chịu, thêm phần nước xổ tanh quá khó uống.
Sau khi truyền bốn bịch máu và ba bịch nước trắng thì tôi bớt yếu xìu, nhờ uống thuốc, bụng tôi đã êm, bao tử không còn xuất huyết và tôi hết ói.
Bác sĩ nói chỉ có bịnh tim tôi là chưa ổn, nên nếu tôi đồng ý ông sẽ chuyển tôi xuống khoa tim ở tầng 7 cho họ điều trị, còn nếu tôi không chịu thì thứ hai này (là đúng một tuần chữa trị) ông sẽ cho tôi xuất viện.
Tôi và Hương đều phân vân, chưa biết quyết định thế nào thì ở phòng bên, tức giường bịnh nhân nằm ở màn bên cạnh, bà mẹ bịnh nặng có cô con gái là Ngọc Anh đang theo nuôi. Ngọc Anh vén màn thò đầu qua nói với tôi và Hương:
Theo em, cô nên trị tiếp cho hết bịnh. Em thấy ở bịnh viện này ê kip bác sĩ chẩn trị giỏi hơn mấy chỗ khác.
Mẹ em bị gan nặng, đi các viện kia họ trị không bớt, vô đây tình hình mẹ đỡ hơn. Mấy chỗ khác họ dùng kim tiêm to khiến tay mẹ em sưng nhức, còn ở đây họ dùng kim nhỏ, tiêm chích nhẹ nhàng ít đau, mà trị có kết quả. Cô nên trị tiếp đi, nếu sợ không đủ viện phí em hỗ trợ cho chút ít.
Nói xong Ngọc Anh cầm tiền đưa, chúng tôi không dám lấy, em liền để trên nệm.
Hương vội cầm lấy xấp tiền, nó đếm và la lên:
Sao chị cho nhiều vậy? (Số tiền khoảng năm triệu). Ngọc Anh ngăn không cho hương trả lại và nói:
– Các cô ráng trị tiếp đi, em biết kinh tài nên tiền bạc không túng bấn…
Mẹ con Ngọc Anh này là người tàu, theo đạo hoà hảo, cả nhà họ ăn chay trường.
Ngọc Anh rất có hiếu và chăm mẹ chu đáo. Tôi hỏi:
Em bao nhiêu tuổi rồi?
Ngọc Anh đáp: Dạ 42
Tôi thật kinh ngạc vì trông Ngọc Anh xinh trẻ như mới đôi mươi.
Nhờ Ngọc Anh giải thích, khuyến khích, tôi và Hương quyết định trị tiếp, thế là ngay thứ sáu hôm đó tôi được chuyển xuống khoa tim tầng 7. Tôi không nói rõ số phòng là có lý do.
Xuống tầng 7 giường tôi ở vị số 4 bên trái nhưng nó lại giống như giường nằm đầu dãy bên phải. (Do nhà vệ sinh nằm sát cửa ra vào kế đến là giường bịnh của tôi).
Cái giường nằm kề toa lét có vẻ tiện nhưng không khí ở đây làm tôi khó chịu, cảm thấy ngộp thở.
Dù quanh các giường bịnh đều có giăng màn bao quanh.
Nhưng cảm giác của tôi về chỗ nằm này không lành chút nào.
Vì tôi cứ nghe mùi tanh tưởi, ẩm mốc trong không khí, nằm trên giường tôi thấy ngộp thở chẳng thoải mái. Cái khả năng nhận ra mùi nhạy bén của tôi, đã cho tôi cảm giác rằng: chỗ hay giường nằm của tôi không được sạch, vì bầu không khí tanh tưởi, ẩm mốc, ngộp ngộp… khiến tôi nghĩ rằng ở đây nếu toát ra mùi này ắt là có loài ma quỷ vô hình trú ngụ.
Tôi chỉ nghi ngờ thế thôi nhưng không dám nói rõ ra.
Xuống phòng này, đêm đầu tiên bác sĩ tiếp tục truyền máu cho tôi cùng với một bịch nước màu trắng. Xem như tôi lại tiếp tục mất ngủ suốt đêm,người hoàn toàn đuối đừ.
Cái giường nằm có vẻ cũ kỹ, giống như hai nửa hợp lại nên dù có lót nệm nó vẫn làm cấn và khiến tôi đau lưng vì chỗ khập khểnh. Bầu không khí thì tanh, ngộp, tôi bảo Hương:
Ở đây trược khí nhiều khiến cô khó thở và muốn ói, lưng thì bị cấn đau quá.
Nghe tôi nói, Hương tưởng tôi nhõng nhẽo làm nư, nhưng khi nó thấy tôi ọe một tiếng to như sắp nôn mửa tới nơi, nó vội vàng chụp cái sô sạch mới mua, đưa cho tôi ói vào.
Nhưng may là tôi không ói. Mà tôi nằng nặc đòi về. Tôi khóc nói:
Hương xin cho cô xuất viện đi, cô không trị tiếp nữa. Mấy đêm liền vô máu mất ngủ, cô đuối lắm rồi, bây giờ xuống đây gặp bầu không khí trược quá, cô chịu hết nổi, vừa buồn nôn, vừa khó thở…
HƯƠNG HÃY XIN CHO CÔ XUẤT VIỆN ĐI.
Hương nhìn tôi mặt buồn rầu khó xử.
Đến nửa đêm, sau khi truyền máu xong, cô y tá vào tháo đồ. Tôi tưởng được giải thoát. Nhưng không. Cứ năm phút, mười phút tôi lại mắc tiểu một lần.
Mà mỗi lần tôi đi toa lét Hương đều phải dìu, vì tôi quá yếu, sợ tôi té.
Tôi khổ tâm vì không thể bắt Hương thức suốt đêm để đưa tôi vào toa lét, nó cũng mệt đuối và cần ngủ dưỡng sức.
Nhưng nửa đêm còn lại (sau khi truyền máu xong) thì tôi bị thúc đi tiểu tới 14 lần, nhưng tôi chỉ để Hương thức dìu tôi vào nửa khuya và gần sáng, còn 12 lần kia, tôi âm thầm len lén tự đi vì Hương ngủ say không hay. Mỗi phòng bịnh nhân đều có kê cái băng dài nhỏ cho người nuôi bệnh nằm ngủ.
Sáng ra tôi cằn nhằn không hiểu sao khi họ ngưng truyền máu thì tôi bị đi tiểu suốt?
Hương đáp: Do họ truyền bịch nước trắng để thông tiểu cho cô nên cô mới phải đi như vậy…
– Ôi trời ơi!
Chưa kể suốt đêm tôi bị hành không ngủ, mà hễ vừa chợp mắt tôi còn nghe tiếng hát ru của một người đàn ông trẻ khoảng ba bốn mươi. Giọng ca hao hao Tuấn Vũ, nhưng tôi nghe không rõ lời. Chỉ biết là họ ca như hát ru, dù chỉ một hai câu thôi. Lúc mới nghe, tôi ngóc đầu lên nhìn quanh quất để tìm xem ai hát…
Phòng này có bốn bịnh nhân, một nam ba nữ, thảy đều đau tim và thở không ra hơi, cái ông nam bịnh nhân duy nhất khi thở còn phải nhờ máy hỗ trợ, thì lấy hơi đâu mà hát? thêm phần ông tuổi cao già yếu nữa?
Đích thị giọng hát tôi nghe là của… ma rồi.
Tôi nghĩ giường mình đang nằm có con ma nam đóng trú, nó chỉ hát vài câu ru cho tôi biết sự hiện diện của nó, chứ không phá phách gì, nhưng cái mùi tanh tưởi của nó làm tôi khó chịu, không kham được.
Sáng ra, tôi thúc Hương đi xin bác sĩ cho tôi về.
Hương đi một hồi rồi về kể, bác sĩ buộc nó viết giấy bảo đảm nếu tôi bỏ dỡ cuộc chẩn trị mà lỡ xảy ra chuyện gì không hay, thì họ hoàn toàn không chịu trách nhiệm.
Bác sĩ đề nghị sẽ chuyển chỗ nằm thoải mái cho tôi và khuyên tôi nên tiếp tục chữa trị.
Đối diện xéo giường tôi, (ở gần phía cửa sổ bên trái là chỗ nằm thoáng rộng). Nữ bịnh nhân giường đó hôm nay xuất viện. Ông chồng nuôi bà vợ chỗ này rất vui tính, tự dưng đi qua bảo chúng tôi:
-Cô hãy vui vẻ lên mới mau hết bệnh. Vợ tôi nằm đây cả tháng, Hôm nay xuất viện rồi. Cô hãy chuyển qua chỗ chúng tôi nằm, vừa thoáng rộng, khí tốt.
Và ông hạ giọng nói nhỏ: Cái giường chỗ cô nằm có MA!
Ai vô cũng trụ không bền, không yên.
Viên Thông kể khi em vào thăm tôi, tự dưng đầu em quay mòng mòng chóng mặt muốn xỉu. Em phải nằm xuống băng nuôi bịnh nghỉ.
Thế là tôi quyết định trị tiếp, (với điều kiện bác sĩ chuyển tôi sang chỗ mới như ông xuất viện góp ý), chỗ này rất thoáng rộng, gần cửa sổ thường có mặt trời chiếu vào, dương khí nhiều, sạch sẽ, mát dễ chịu.
Khi rời giường cũ, tôi nói nhỏ với con ma:
-Ở yên đây và đừng theo tôi nhé!
Nhiều người bạn hỏi tôi sao không cầu siêu cho nó?
Tôi đáp: Thân tôi bịnh hoạn lo chưa xong, sức đâu mà cầu cho nó. Vả lại kẻ chết trong bịnh viện tình chấp nặng cứ bám vào cái giường không chịu đi. Nó chỉ có thể siêu khi buông bám chấp, chứ mình cầu chưa chắc nó chịu rời đi!