NHẬP PHÁP GIỚI
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

QUYỂN BỐN

Chương chín

Ngày 21 tháng 7 năm 1991

Hôm nay là buổi thuyết giảng thứ một trăm ba mươi mốt về kinh Hoa Nghiêm tại chùa này, đồng thời cũng là buổi thuyết giảng thứ mười tám của Đại Bát Nhã. Nhưng trước khi vào kinh, chúng tôi muốn thông báo cho quí vị mấy điểm. Tới ngày mùng 7 tháng 8, trong ban kinh này có bốn người, tôi, ông Minh Đạo, ông Đính và bà Định làm một cuộc hành hương sang Ngũ Đài Sơn. Chúng tôi có làm một bản khấn nguyện, (cũng như trước kia chúng ta có làm một bản khấn nguyện ở núi Linh Thứu vậy), nếu quí vị nào có muốn ký tên, cùng khấn nguyện thì xin ký vào đây.

Trong đời mạt pháp này, chúng ta tu hành thực ra không được tinh tấn lắm, vì nghiệp chướng còn sâu dày, phước đức cạn mỏng, nên đôi khi muốn dâng những sớ ngay ở các Thánh địa nhờ chư Phật và chư Đại Bồ Tát gia hộ. Theo tôi biết, ở núi Linh Thứu có ngài Mật Tích Kim Cang Bồ Tát mà chúng ta có thể nương về được. Còn ở Ngũ Đài Sơn có ngài Thanh Lương, là một vị tổ của tông Hoa Nghiêm và trên đó lại còn có đức Văn Thù hay hiện thân. Tôi xin đọc bản khấn nguyện như sau:

Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Nam mô Thanh Lương Hoa Nghiêm Bồ Tát.

Chúng con là những Phật tử trong ban Hoa Nghiêm tại chùa Trúc Lâm Yên Tử, vùng Santa Ana, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Xin kính cẩn đề trình bản khấn này. Cầu xin cho thế giới được an bình, bớt thiên tai và chiến tranh, cầu xin gia bị cho chúng con, đọc tụng và giảng nói bộ kinh Đại Bát Nhã ba la mật đa. Lấy công đức hồi hướng cho tất cả để làm tư lương vãng sanh Tịnh Độ.

Bản khấn nguyện chỉ có thế, lát nữa, sau buổi giảng, vị nào muốn ký tên vào bản khấn nguyện này xin ghi vào.

***

Nay ta trở lại kinh…

Vừa rồi chúng ta tụng một phẩm Bát Nhã, trong đó Phật dạy rằng, mỗi khi có người tụng, hay giảng nói Bát Nhã ba la mật đa tâm kinh thì vô lượng chư Thiên tới nghe. Vì thế, chúng ta phải cố gắng mà tụng, đừng khởi tâm giải đãi, lấy công đức đó hồi hướng cho tất cả làm tư lương vãng sanh Cực Lạc.

Trong kinh lại nói thêm rằng, khi vô lượng chư Thiên tới nghe, thường thường có hào quang, nhưng mắt ta kém cỏi nên không nhìn thấy, và có mùi hương lạ, nhưng dĩ nhiên chúng ta cũng không ngửi thấy. Nhưng khi các vị chưThiên đến thì các tiểu quỷ phải đi xa ngay.

Về kinh Hoa Nghiêm, chúng ta giảng đã gần xong, nên trước khi giảng nốt nửa bài kệ ấy, tôi xin giảng qua một ít về Bát Nhã.

Chúng ta đang ở trong giai đoạn tiền bát nhã, tức là giai đoạn chuẩn bị để đi vào kinh thôi. Trong Bát Nhã có ba giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất là Văn tự bát nhã. Văn tự, là trong một, hai kỳ nữa chúng ta sẽ đi vào những lời kinh xem ngài dạy thế nào, ngài nói những gì là vô sỡ đắc, các gì là vô sở hữu v.v…, chúng ta sẽ được nghe những lối lập luận của ngài Tu Bồ Đề, Xá Lợi Phất như thế nào. Thực ra, trong kinh, Phật nói rất ít, để cho mấy vị đại đệ tử nương vào thần lực của Phật luân phiên giảng nói về Bát Nhã. Thường là ngài Tu Bồ Đề, Xá Lợi Phất, Phú Lâu Na, Thiên Đế (Ngọc Hoàng Thượng Đê) luân phiên nhau nói. Vì vậy, các chư thiên tề tựu rất đông. Chúng ta khởi sự đi vào kinh cho quen dần lời kinh, vì lời kinh lúc nào cũng nói đến chữ “ly”,đến mức độ sau này đọc không còn thấy vướng nữa, lúc đó tâm đã hơi thuần thục rồi, kinh gọi là “nhu nhuyễn.” Đó là giai đoạn văn tự bát nhã.

Giai đoạn thứ hai, là chúng ta có thể học tại chùa này, hoặc khi về nhà, hay ở bất cứ nơi chốn nào, tùy tâm thức mỗi người, ta phải tu tập “Quán chiếu bát nhã.” Vậy thế nào là Quán chiếu bát nhã? Thường thường trong kinh dạy, đầu tiên là ta phải quán vô thường, mọi sự mọi vật đều vô thường biến đổi, không có cái gì là thường còn mãi mãi cả. Thứ hai, lên cao hơn một bậc là ta phải quán lý nhân duyên, thấy tất cả các pháp đều là những nhân duyên hội tụ lại, như thân căn này nó không thực có, chỉ là sự hội tụ của vô số tế bào, hộ trùng kết thành thân căn này, đến khi những con hộ trùng và các tế bào ấy hết duyên nghiệp, thì nó tách rời ra, mỗi đứa đi một đàng, đứa đi ngược, đứa đi xuôi, lúc đó ta sẽ mất đi cái thân này, vì thế gọi là không. Mà tất cả các pháp đều như thế, thân căn chúng ta, bàn này, ghế kia, chùa chiền v.v… đều là do vô lượng những nhân duyên hội tụ lại, kết lại do những nghiệp cũ, khi kết lại đúng thời gian thì nghiệp lực giữ nó lại, làm thành hiện hữu một thời tiết dài, ngắn nào đó, khi hết nghiệp thì tự nhiên nó rũ ra, thì cái pháp ấy không còn nữa. Thứ ba, chúng ta quán lên cao nữa là quán theo lối như huyễn. Rồi thứ tư là hành giả sẽ quán đến chỗ như như tịch tĩnh, trạm nhiên tịch chiếu, đó chính là cái tâm của mình. Đó là giai đoạn quán chiếu bát nhã. Thì tùy mỗi người, sau khi đọc kinh, thấy ta hợp với lối quán chiếu nào nhất thì hành theo lối ấy, thích quán theo lối nhân duyên, hay như huyễn, hoặc tu tâm từ v.v… thì làm theo thế ấy. Riêng tôi, tôi chọn cái quán nhưhuyễn. Như tôi đã thường nói nhiều lần ở đây, lối quán chiếu này, theo tôi dễ thực hiện hơn cả. Như khi ta đi chơi ngoài phố, đến công viên, trông thấy một cái cây mọc lên, ta quán chiếu rằng cái cây đó cũng mọc trong tâm của ta mà ra cả. Hoặc trông một chiếc lá lắt lay, rung động, ta nghĩ rằng, cái tâm ấy cũng đang lắt lay rung động vậy. Hay ta xuống phố, vào trong khu Phúc Lộc Thọ ngồi ăn, thấy lao xao chung quanh những người nào ăn, nào uống, nào trẻ con chơi nghịch, người lớn cười đùa, đôi khi cãi vả ồn ào, mà lúc đó ta vẫn giữ được tâm bình lặng và quán chiếu rằng: Tất cả những thứ đó đều “hiện-trong-tâm mình, chứ không- phải-ngoài-tâm”. Hay những lần ra biển chơi, trông thấy nước bao la trùng trùng, nhiều khi khỏi tâm sợ hãi, nhưng rồi cũng phải quán rằng, tất cả cũng đều nổi lên trong tâm mình mà thôi. Vì trong kinh Lăng Nghiêm dạy rằng, tất cả sơn hà đại địa của vũ trụ này đều nổi lên trong tâm tương tự như áng mây xanh trên bầu trời. Lối quán chiếu này đi đâu, làm gì, cũng đều làm được cả, đồng thời chúng ta cũng có thể mỗi ngày đề khởi tâm Từ khoảng mười lăm hay ba mươi phút. Đề khởi tâm Từ để làm gì? Để cho tâm ta mềm lại, nhu nhuyễn hơn, vì tâm ta bây giờ rất thô tháo, cứng ngắc, vì từ nhiều kiếp nó chỉ thích chạy theo ngoại vật, vì nó chấp ngã một cách kiên cố, người nào nói chạm đến mà không hợp ý là ta nổi sân lên ngay. Đó là tâm thô, không có mềm mại. Nên ta phải đề khởi tâm từ mới làm bớt đi được tham, sân, si, ngã mạn…, lúc đó mới có thể đi sâu vào vô thức.

Vì vậy, trong kinh Pháp Hoa, có ngài Thường Bất Khinh, gặp ai cũng lạy. Đó chính là vì ngài quán cái tâm ấy, trông người kia xấu xí, tật nguyền, nhưng ngài biết được người ấy cũng có phật tánh trong tâm, cũng từ một biển diệu tâm mà ra, nên lễ lạy chính là lễ lạy cái tâm ấy, cái Phật tánh ấy.

Giai đoạn thứ ba là giai đoạn “chứng nhập”. Chứng nhập thì ghê gớm quá, chúng ta chưa cần phải nói đến, vì chưa ai đến mức độ đó cả.

Nhưng hôm nay, tôi muốn nêu lên một vấn đề, có lẽ vấn đề này nhiều người đã nghe qua, nhưng chưa có thì giờ hoặc có dịp để suy nghĩ kỹ. Trong đạo Phật có hai chữ mà chúng ta luôn luôn nghe nhắc tới, nhưng có thể chúng ta chưa hiểu rõ, mà hai chữ này rất cần hiểu rõ để sau này biết được trình độ tu chứng của chính mình và những người khác. Chữ thứ nhất là chữ “NGỘ,” chữ thứ nhì là chữ “GIÁC.” Vậy thì thế nào là ngộ, và thế nào là giác? Trong kinh Pháp Hoa nói đến bốn chữ: KHAI, THỊ, NGỘ, NHẬP, thì chỉ có chữ ngộ mà không có chữ giác, vậy chữ giác trong bốn chữ này là chữ nào?

Chữ “giác” chính là chữ “nhập.”

PHẬT TỬ: Nếu theo như lời ông giảng, tôi nghĩ như vậy chữ “ngộ” là chỉ cho con đường mới chớm hiểu về pháp giới. Còn chữ “Giác” là… chắc là phải hiểu sâu lắm rồi, có phải chăng?

ĐÁP: Đức Phật ngài là bậc giác ngộ. Nhưng thường chúng ta gọi ngài là bậc Đại Giác mà không dùng chữ ngộ. Và ngài Thiện Tài đồng tử mà chúng ta đang học, thì ta lại gọi là bậc Đại Ngộ hay bậc Đại Giác? Theo ý tôi, kinh Hoa Nghiêm là kinh của nhập pháp giới, ít khi dùng chữ ngộ…

HỎI: Vậỵ xin hỏi, ngộ là gì?

ĐÁP: Ngộ là nhận ra.

HỎI: À…, hóa ra chữ ngộ chỉ có nghĩa là “mới gặp thấy” thôi, chữ ngộ còn kém chữ “đắc,” vì theo như tôi suy luận, chữ đắc nó sâu xa hơn, có phải không?

ĐÁP: Đắc là một danh từ gọi chung. Thí dụ một hành giả đắc được một quả vị thấp nào đó cũng gọi là đắc, hoặc một quả cao nào đó cũng gọi là đắc. Trở lại chữ ngộ, nó không có nghĩa là “gặp gỡ” đâu, mà nó có nghĩa là “nhận ra.” Khi một hành giả tu đến mức nhận ra cái tâm của mình thì gọi là “liễu ngộ” đến khi vào được lớp ngoài của tàng thức sơ năng biến, tức là chớm bước vào không hải thì gọi là “đại ngộ,” nhưng nếu hành giả không dừng ở bờ mé ấy mà lặn sâu xuống đáy, đến chỗ tột không, khởi lên tất cả những giả hữu để độ sanh thì đó mới gọi là giác và đại giác. Vậy thì, các vị Bồ Tát là những bậc đã vào được đến tàng thức rồi, nhưng còn tùy theo mức độ nông, sâu. Trong con đường lặn sâu vào tàng thức, cũng có nhiều giai đoạn, khi vượt một phần thì gọi là “tương tợ giác” (ngờ ngợ biết được pháp giới), sâu hơn nữa thì gọi là “phần giác” (biết được một phần pháp giới), và lặn đến tột đáy tàng thức ấy thì gọi là “đại giác” (biết được toàn thể pháp giới, hay nhập pháp giới trọn vẹn)

Quý vị phải nhớ rõ con đường đi vào tâm thức bằng những danh từ này: Liễu ngộ, chứng ngộ, tương tợ giác, phần giácđại giác. Nên ngài Thiện Tài trong Hoa Nghiêm không thể gọi là ngộ được mà đến đoạn cuối, lúc ngài gặp ngài Phổ Hiền thì ở mức độ gần như Đại Giác rồi. Hơn nữa, có thể nói tất cả những nhân vật trong Hoa Nghiêm ta cũng không thể dùng chữ ngộ được, vì các ngài toàn là những bậc ở mức độ phần giác hay đại giác cả.

Vậy thì những vị nào hay dùng chữ ngộ nhất? Đó là những vị tu thiền. Như tông pháp của Thiền đốn ngộ chẳng hạn. Nhưng hai mươi tám tổ sư thiền bên Ấn (Tây độ) là những vị thiền sư rất cao, mà không bao giờ các ngài tự nhận mình giác hay tự nhận mình là Phật cả. Còn nói về năm vị tổ thiền đầu tiên bên Trung Hoa (Đông độ), là những ngài Đạt Ma, Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín và Hoằng Nhẫn cũng không bao giờ nói về mình, không tự cho mình là những bậc đại giác. Tôi cho rằng các vị như Hoằng Nhẫn, Hám Sơn và Hư Vân các ngài không phân biệt tông với giáo. Ngài Hám Sơn và ngài Hư Vân cũng niệm Phật. Riêng có ngài Hoằng Nhẫn, ngài viết cuốn sách “Tối thượng thừa luận” thì ngài nói một câu rất khiêm tốn, không bao giờ khoe mình, vì trong trang cuối của cuốn sách, ngài nói với Phật rằng: “Con viết bộ luận tối thượng thừa này, là con y văn, nhận nghĩa, chứ không phải là do sự chứng đắc.” Từ ngài Huệ Năng trở về sau, thiền Đông độ đi vào một khúc rẽ. Thứ nhất là các ngài có vẻ Trung Hoa hóa vấn đề thiền, đồng thời đưa đến bát nhã, nhưng bát nhã đã đượm mầu sắc vô vi của Lão, Trang, về sau, lại xiển dương những thứ đó thành những công án và thường thường các ngài chỉ nhấn mạnh chữ “ngộ” thôi. Vì các ngài lập luận rằng, các thiền khác của nhà Phật gọi là “Như Lai thiền” thì các ngài không theo những lốì thiền ấy, mà lại theo Tổ sư thiền, mà Tổ SƯ thiền bắt nguồn từ điển tích “Niêm hoa vi tiếu,” tức là khi đức Phật ngồi ở Linh Sơn, đưa cành hoa lên ngài Ca Diếp hiểu được ý Phật nên mỉm cười. Có nghĩa là “lấy tâm truyền tâm.” về sau, các vị thiền sư Đông độ đưa cái đó lên, và cho rằng TỔ sư thiền hơn Như Lai thiền. Điều đó, tôi nghĩ chưa hẳn là đúng. Lại còn nói rằng, Như Lai thiền được dạy trong các kinh, còn riêng Tổ sư thiền thì không có trong các kinh, chỉ lấy “tâm truyền tâm” mà thôi. Thí dụ như trong Hoa Nghiêm, có một lối thiền gọi là “Quán pháp giới,” mà ngài Đỗ Thuận và ngài Thanh Lương chủ trương, nhưng lối thiền ấy, sau này không có mấy người theo, vì không mấy người đọc nổi Hoa Nghiêm. Đồng thời lại có kinh Lăng Nghiêm đưa ra phép quán “Như huyễn tam ma đề” phép quán này có ba giai đoạn: không, giả và trung. Trước hết đi vào không hải, đó là lịch trình mà hành giả phải đi qua sắc ấm, qua các cảm giác (thọ ấm), rồi vượt qua những tâm tưởng (tưởng ấm), hóa giải tất cả những thứ đó, rồi qua hành ấm chấp ngã, hóa giải luôn cái ngã ấy, rồi đi vào thức ấm sơ năng biến. Lúc đó, hành giả đã bắt đầu đi vào biển tàng thức lung linh kỳ diệu, cái không hải của tâm thức. Trong lúc quán chiếu đi vào không hải, khi vào được tàng thức sơ năng biến, hành giả không được dừng lại ở đó. Thường những vị đã vào được tàng thức sơ năng biến là tương đương gần như một vị A La Hán, đã đi qua được tứ thiền, tứ không định, rồi qua luôn diệt thọ tưởng định để vào tàng thức sơ năng biến. Vào trong đó rồi, các ngài gột nốt những phiền não chướng để thành quả A La Hán. Còn những vị tu theo pháp môn Tịnh Độ thì theo hạnh nguyện sẽ thây đức A Di Đà. Ta nên nhớ rằng tất cả con đường tu tập thiền hay tịnh, đều phải đi vào tàng thức sơ năng biến, dù là thiền đốn ngộ, nghi tình, công án hay thiền theo lối Thiên Thai v.v… cũng phải đi vào tàng thức sơ năng biến ấy. Nhưng phương tiện dùng thì khác nhau. Đây cũng chính là con đường quán chiếu bát nhã.

Nay, tôi xin đơn giản hóa và tóm lược lại cho quí vị nắm được những ý chính. Trong nhà thiền, đại khái là có một pháp môn là “Như Lai thiền” dạy trong các kinh, và một phương pháp khác là “Thiền đốn ngộ,” Tổ sư thiền mà bây giờ có nhiều người theo học, phương pháp thiền đốn ngộ này là bất lập văn tự, không quan tâm đến kinh sách nhiều. Nay, ta nói đến Như Lai Thiền trước, xem sự khác biệt như thế nào.

Các vị Bồ Tát tu tập đi vào không hải, vào được đến đó thì phải LẶN SÂU XUỐNG để khởi lên những cái giả độ sanh và trung quán song chiếu để thành Phật. Còn các vị Thanh Văn thì đầu tiên các ngài tu tứ niệm xứ, sau đó đến 37 phẩm trợ đạo, rồi tu tứ thiền, vào bốn không định bằng cách quán tứ đế và thập nhị nhân duyên để vào được diệt tưởng định, sau đó rồi sẽ vào được không hải. Không hải ở đây là cái rỗng không của tâm thức, nhưng các vị Thanh Văn chỉ mới chớm bước vào không hải thôi, chưa lặn sâu. Ở đây, các ngài ngồi quán chiếu để tiêu dung đi tất cả phiền não chướng như: Tham, sân, si rồi thành quả A La Hấn, dứt được phân đoạn sanh tử, không phải thọ sanh trở lại nữa.

Còn thiền của đại thừa thì có những ngành thiền nào? Như bên Trung Hoa, có một ngành thiền tạm gọi là Hoa Nghiêm thiền. Tổ của ngành này là ngài Đỗ Thuận và Thanh Lương, nhưng rất tiếc ngày nay không còn được truyền thừa nữa, vì lúc đầu, các vị trí thức bên Tầu theo Hoa Nghiêm rất nhiều, nhưng sau thấy quá khó, kinh lại dài gần năm ngàn trang tụng mãi không hết, nên càng ngày càng thưa dần. Và còn có một ngành thiền khác bên Trung Hoa, đi khá đúng như trong kinh đó là ngành thiền Thiên Thai, do ngài Huệ Tư và Trí Giả Đại Sư ở núi Thiên Thai lập nên. Các vị tổ này cũng đồng thời với ngài Huệ Năng bên thiền đốn ngộ. Trong ngành này, Tổ Thiên Thai cũng lập theo lốì không, giả, trung, và nói đến “nhất tâm tam quán.” Trước hết phải quán không, đi vào bát nhã, sau quán giả để đi vào đại bi, sau đó là “không-giả” song quán. Trong con đường thiền định của ngành này, ta thấy đi đúng như trong kinh. Vì trong Lăng Nghiêm cũng nói rằng, có ba giai đoạn tu “như huyễn tam ma đề” là: Samatha (không quán), Sa-ma-bát-đề (giả quán) và thiền na (trung đạo song chiếu). Nhưng bên ngành thiền đốn ngộ lại đưa ra một lối lập luận khác, tuyên bố rằng, không cần phải lập văn tự, chỉ cần “trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật.” Vậy thì câu “kiến tánh thành Phật” là câu mà chúng ta cần phải xét kỹ. Thực ra, các vị Tổ thiền sau ngài Huệ Năng chỉ nhận mình là ngộ, đâu dám nói đến chữ “giả.” Đủ biết rằng, những giai đoạn của ngành tu thiền đốn ngộ, thí dụ như hành giả đề khởi nghi tình, hay quán thoại đầu để đi vào không hải, mà vào đến đó cũng chưa xong chuyện, (chứ đừng nói đến chuyện thành Phật), vì chính trong nhà thiền, cũng có một chữ gọi là “bảo nhậm.” Bảo nhậm có nghĩa là khi một hành giả mới lọt vào không hải thì phải “bảo nhậm” cái kiến tánh đó, vì cái đó chỉ là một sự “thoáng nhìn thấy” (glimpse) không hải của tâm, chưa đến được mức độ nhìn thấy thường trực. Vì vậy, phải vào rừng sâu, tu 30 năm để bảo nhậm cái đó. Nói một cách dể hiểu, hành giả phải tập sông không lìa tánh, giữ cái tánh đó thường trực hiện hữu, sau đó mới đi vào quán giả. Nên các vị thiền Trung Hoa, thường hay nói một cách phóng khoáng, và tuyên bố câu “kiến tánh thành Phật”. Nhưng thực ra, từ kiến tánh đến thành Phật là cả một đoạn đường dài xa cần khổ, vì kiến tánh chỉ mới thành tựu được không quán, (một phần ba đường tu) mà các ngài còn phải đi nốt con đường giả quán và trung đạo song chiếu. Mà trong hai phần ba đoạn đường cuối cùng này, giả quán và trung đạo song chiếu, phải đạt nhiều thần thông biến hóa thì mới tới được mục đích tối hậu. Một điều nữa cần để ý, các vị thiền sư Trung Hoa ít có vị nào có thần thông, nếu có người hỏi đến thần thông thì các ngài lại bác, chỉ nói rằng ta kiến tánh diệu dụng vô cùng mà không cần thần thông. Nhưng chính trong kinh Hoa Nghiêm dạy, phải có thần thông mới độ sanh được. Nên tôi nghĩ rằng, các vị bên thiền đốn ngộ, sau này ăn nói một cách quá bát nhã, phóng khoáng, cứ nói vô trụ, vô tâm, kiến tánh thành Phật v.v… như chuyện kiến tánh là thành Phật rất dễ, nên gieo lại nhiều sự ngộ nhận cho người đời sau. Các ngài quên rằng, tập khí của một chúng hữu tình rất sâu xa ghê gớm, vì nhiều khi một hành giả đã trừ được những tâm niệm thô, lúc đó tâm đã được tĩnh lặng đôi chút, nhưng ở trong, tập khí biến dịch sanh tử còn nhiều. Chẳng cần phải tìm đâu xa, ta cứ xét chính mình cũng biết ngay. Lúc ta đọc kinh, hay giảng một bài pháp, thì lúc đó ta có vẻ từ bi, tự tại lắm, có vẻ không lấy gì tham, sân nhiều. Nhưng nếu có một người nào dè bỉu, chê bai thì lúc đó tập khí lại nổi lên ầm ầm, chẳng có gì là từ bi,tự tại. Hơn nữa, tập khí chấp ngã rất kiên cố, đừng tưởng chỉ cần một sớm, một chiều, một vài tháng, một vài năm mà có thể tiêu trừ được. Vì vậy, trong Thiền đốn ngộ, chuyện kiến tánh là chỉ giai đoạn “mới-chớm-vào-không-hải” thôi, còn hai phần ba con đường phải đi. Nên sau khi kiến tánh rồi, cần phải đi vào rừng sâu, tu ba mươi năm để bảo nhậm cái đó, cho kiến tánh ấy không bị lu mờ. Và chính Tổ Đạt Ma cũng dạy tu theo lối quán không, trung,giả, bằng cớ là câu chuyện của ngài Huệ Khả đến cầu pháp mà tôi đã kể một lần đây rồi. Khi Tổ Đạt Ma hỏi ông đến đây đề cầu gì? “Thưa thầy, con chỉ xin thầy an tâm cho con”. “Vậy ông đưa cái tâm đây ta an cho”. Lúc đó Huệ Khả đứng suy nghĩ một lúc, thấy rằng cái thân này không phải là tâm, lên đến những cảm giác phù du hư ảo cũng không phải là tâm, lên đến những tâm tưởng cũng chỉ là những vọng tâm, không phải là chân tâm, rồi lên đến cái ngã cũng không thấy có nữa, nên thưa rằng: “Con không thấy tâm ở đâu cả. “Vậy là ta đã an tâm cho ông rồi đó”. Tức là ngài đã đưa ngài Huệ Khả vào nơi không hải, thành tựu giai đoạn không quán. Tu một ít lâu nữa, thì ngài Huệ Khả lại trình lên Tổ Đạt Ma rằng: “Thưa thầy, con đã buông bỏ muôn duyên rồi,” buông bỏ muôn duyên tức là ngài Huệ Khả đang bơi lội trong không hải ấy, không còn một duyên gì vướng ngại nữa. Lúc đó, Tổ Đạt Ma bèn dặn rằng: “Cẩn thận, chớ rơi vào đoạn diệt, hãy đi vào diệu hữu.” Ý nói rằng, ông đã vào được không hải đó rồi, nhưng đừng trụ vào cái không ấy, mà khởi giả quán để đi vào diệu hữu. Nên ta thấy rõ, từ sau ngài Huệ Năng, các vị thiền sư Trung Hoa rơi vào cái đà mê say, muốn Trung Hoa hóa ngành Thiền đốn ngộ, đồng thời nhuộm thêm mầu sắc vô vi của Lão, Trang. Nên các ngài ít nhắc tới quán giả và quán trung mà chỉ nói đến phép đi vào kiến tánh thôi, tức là đi vào không hải. Do đó, các vị thiền sư không bao giờ gọi là giác mà chỉ gọi là ngộ thôi.

Còn tu theo lối Tịnh Độ của chúng ta thì sao? Thì thấy rõ rằng, lối tu tịnh độ chẳng có gì kém thiền, hơn thế nữa, cũng có thể gọi là “Đốn-ngộ-trực-chỉ.” Vì khi ta chuyên tâm niệm Phật vào đến niệm Phật tam muội, đó cũng là con đường đi vào không hải, lọt vào đó thì bên thiền tông sẽ kiến tánh, còn Tịnh Độ sẽ thấy được đức A Di Đà. Một đằng là phi thần hóa (thiền),một đằng là thần hóa (Tịnh Độ). Một hành giả tu Tịnh Độ sẽ thấy được đức A Di Đà khi vào không hải ấy. Nhưng lúc chết, ta có thể thấy được ngài là vì bất cứ ai chết cũng phải có một lúc thần thức được rút lên lọt vào không hải ấy, đó là một cơ hội tự nhiên mà ta có thể thừa dịp để được giải thoát dễ dàng. Phương pháp Tịnh Độ có điểm rất hợp cho thời mạt pháp là người tu có thể tu theo cách “tán môn” cũng có thể được vãng sanh, mà không cần phải niệm đến mức nhất tâm bất loạn. Thứ nữa, theo như bên Mật Tông của Tây Tạng dạy, thì mỗi người khi chết đều có một cơ hội tự nhiên để được giải thoát. Có hai cơ hội tự nhiên con người có thể được giải thoát. Cơ hội thứ nhất là trong kiếp hoại, khi thế giới này băng hoại đi, lúc đó tự nhiên trên trời có tiếng nói: “Các chúng sanh nào ở dục giới sẽ lên sơ thiền”. Rồi có những cơn phong luân đưa chúng sanh lên sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Đó cũng gọi là “Đốn,” tức là biến thể. Cơ hội thứ hai là khi chết, (theo như trong Mật tông Tây Tạng) thần thức bị rút lên trên, qua bình diện sắc ấm, qua thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và lọt vào tàng thức sơ năng biến. Vào đến đó thì tùy theo mức độ thanh tịnh của người chết, có người chỉ trụ trong đó một giây, có người trụ được một, hai giờ, nhẫn đến vài ngày. Lúc đó, nếu người nào có sự tập luyện, biết niệm Phật, biết quán như huyễn, sẽ có thể nắm ngay cơ hội ây.

Tâm thức chúng ta luôn luôn phân tán, lúc nghĩ thế này, sau lại nghĩ thế khác. Nhưng trong thiền tông, hành giả dùng định lực để cột tâm lại bằng cách “đề khởi nghi tình.” Vì pháp tu nào cũng là “nhất niệm vi mật hiện tiền an trụ tịch tĩnh,” bên Tịnh Độ niệm Phật cũng thế, nhưng bên tịnh độ có rất nhiều cái lợi như tôi đã nói hồi nãy. Bây giờ ta hãy trở lại bên thiền tông với những công án, và đề khởi nghi tình. Vậy thì đề khởi nghi tình là như thế nào? Thường thường thiền sinh hay quán những công án như sau: “Niệm Phật là ai?” “Vô,” hay “Muôn pháp qui về một, thì cái một ấy qui về đâu?” v.v…, còn có rất nhiều công án khác, mà các vị thiền sư tùy theo căn cơ của thiền sinh mà đặt thêm ra. Nhưng công án thông dụng nhất có lẽ là “Niệm Phật là ai ?” Ai khởi lên câu niệm Phật ấy ? Có phải là Ông Nguyễn? Bà A? Có phải là cái thân của tôi không? Nói tóm lại, phải quán chữ “AI” đó, mà chữ “ai” ấy chính là quán cái tâm của ta vậy. Như thế, thiền sinh luôn quán chữ “Ai” ấy, suốt ngày, đi, đứng nằm ngồi đều nghĩ đến nó, đến mức độ không còn thấy mình đi, đứng, nằm, ngồi, nhẫn đến không thấy được cảnh giới chung quanh. Chỉ nhớ một chữ “Ai,” tức là nhớ đến cái tâm đó. Dần dần, trải qua độ vài tháng, vài năm, như ngài Mông Sơn mang chữ “Ai” quán trong mười tám hôm thì ngài lọt được vào tàng thức, có vị phải quán đến mấy chục năm, có vị chỉ quán trong vòng vài ngày, vài tháng thì sẽ lọt được vào tàng thức, có nghĩa là, cái dùi của vị đó chọc thủng được lớp sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, ngã ấm (hành ấm), phá tan cái ngã đó rồi mới chui vào thức ấm. Vì vậy, phần lớn các vị thiền sư không có vị nào có thần thông, vì muốn có thần thông phải đi xa hơn vào quán giả và quán trung. Chỉ có mấy vị như ngài Phổ Hóa, Tịnh Chiếu là có thể chết tự tại thôi, mà không có thọ sanh tự tại, đồng thời không có thần thông.

HỎI: Xin ông định nghĩa chữ thần thông là gì? Ngay cả khoa học bây giờ cũng có thần thông vậy, như nếu một người có máy quay phim, đi đến một nước ở bên kia trái đất, quay những quang cảnh mà ở đây ta không thể thấy, rồi đem về đây quay lại, thì đó cũng gọi là thần thông. Hay người tu có một chút định, có thể cầm đá hóa vàng cũng gọi là thần thông. Theo tôi, khi người ta không chứng minh được một điều gì, và nhất là không làm được, thì người ta cho rằng đó là thần thông. Nếu vậy, khoa học càng ngày càng tiến bộ thì khoa học cũng có rất nhiều thần thông hay sao?

ĐÁP: Những thần thông như chỉ đá hóa vàng, kinh Phật gọi đó là những thần thông của thiên ma ngoại đạo, chưa ăn thua gì với thần thông của chư Phật và chư Đại Bồ Tát, vì tất cả đều tùy vào mức độ nông sâu của tâm thức. Vả lại, ngoại đạo còn nhiều mong cầu và chấp Ngã. Còn cái gọi là “thần thông” của khoa học lại còn kém hơn nữa, vì khoa học phải trụ vào bình diện sắc ấm để làm nên thần thông, ví dụ như máy ảnh (là một thí dụ ông vừa nêu ra), xe hơi, máy bay, điện thoại v.v… đều làm từ sự xắp xếp những chất rất thô kệch của sắc ấm. Còn trong tâm thì chấp Ngã, chấp vật, nên đem theo nhiều đấu tranh, hệ lụy và phiền não. Còn thần thông của đạo Phật như những thần thông trong kinh Hoa Nghiêm hay kinh Duy Ma Cật. Ngài Duy Ma ngồi một chỗ như người thợ gốm, vươn cánh tay kéo tất cả cõi Bất Động đến cõi Ta Bà để độ sanh. Hay chư Phật hóa hiện ra thành nhiều cõi tùy theo nghiệp duyên cho chúng sanh nương về. Như cõi Cực Lạc là do đức A Di Đà hóa hiện ra vậy. Nói tóm lại, thần thông thuộc về quán giả (từ bi). Bát Nhã thuộc về quán không (trí huệ), đó là lối song chiếu cũa các ngài, như con thoi thiện thệ qua lại không bao giờ ngừng nghỉ.

HỎI: Xin ông cho biết sự khác biệt giữa Thông Thiên Học của Bà La Môn giáo và đạo Phật khác nhau thế nào?

ĐÁP: Ngày xưa, trước khi tôi vào đạo Phật, tôi đã bị lạc năm, bảy năm đọc sách Thông thiên học. Về sau, tôi bị một ấn tượng rất mạnh là Bà La Môn giáo nói rằng, một người Bà La Môn thì vĩnh viễn là Bà La Môn mà không thể xuống làm súc sanh, vì thần ngã bất biến. Ngược lại, đạo Phật lại bảo thần ngã không phải bất biến, nó là một “trường lực luôn luôn biến chuyển,” khi một dẫn nghiệp mạnh, nó sẽ dẫn thần thức đi vào cảnh giới ấy. Đạo Phật lại nói sau khi chết, thần thức chỉ trải qua bốn mươi chín ngày làm thân trung ấm, sau đó đi thọ sanh. Còn Thông thiên học nói giữa hai kiếp có khi cách nhau hơn một ngàn năm. Ngược lại, đạo Phật nói rõ không nhất định một người sẽ mãi mãi làm người, súc sanh mãi mãi là súc sanh, mà còn tùy theo nghiệp duyên dẫn dắt. sở dĩ đức Phật nói như thế vì nhãn lực (thiên nhãn thông) của ngài rất rộng lớn, trùm khắp tam thế ba đời, hơn hẳn các tôn giáo khác. Các vị Bà La Môn chỉ nhìn được một khúc nên thấy sao nói vậy thôi. Riêng tôi nghĩ, những trường hợp người chết bị đọa làm sâu bọ rất khó, nhưng trường hợp bị đọa làm súc sanh có thể xảy ra, vì nhiều khi trước khi chết, tâm người chết nổi lên những cuồng vọng của tâm thức súc sanh thì sẽ bị đọa và súc sanh. Đừng nói đâu xa, đôi lúc trong tâm thức ta hay nổi lên những cuồng vọng rất giống súc sanh, tham ăn, tham dục, bỏn xẻn, sân si, tật đố v.v… ở một mức cao độ thì đó là những tâm niệm của súc sanh, ngạ quỉ, nếu chết đúng lúc tâm thức có những thứ đó nổi lên thì chắc sẽ bị đọa.

KINH: …(Bỏ một đoạn)…

Nếu người thanh tịnh tâm quảng đại
Đầy đủ thí giới các công đức
Thân cận Như Lai đủ từ bi
Khiến họ nghe tiếng đại thừa đạo
Hoặc có quốc độ nghe nhất thừa
Hoặc nhị, hoặc tam, hoặc tứ, ngũ
Như vậy nhẫn đến vô lượng thừa
Đều là Như Lai phương tiện lực
Niết Bàn tịch tịnh chưa từng khác
Trí hạnh thắng liệt có sai khác
Như hư không thể tánh là một.
Chim bay gần, xa tự sai khác.

GIẢNG: Ý ngài muốn nói rằng, thực tại cuối cùng là Như Như. Niết Bàn tịch tĩnh chưa từng sai khác. Nhưng sở dĩ có tất cả các pháp, tất cả các thừa, Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, Bồ Tát thừa, cùng những mức độ tu chứng v.v… là vì do tâm còn phân biệt nên mới có sự sai khác, và tùy theo căn cơ của chúng sanh. Nên tất cả pháp không thực có.

KINH:

Phật thể âm thanh cũng duy nhất
Phổ biến tất cả cõi hư không
Tùy tâm chúng sanh sai khác nhau
Nên nghe và thấy cũng tự khác.

GIẢNG: Chúng ta nên nhớ thế giới này chỉ là ảnh hiện trùng trùng. Đừng tưởng rằng cái chùa này, cái cây ngoài sân chùa, cái núi v.v… phải nhất định là những thứ đó, mà vì chúng ta cùng một cộng nghiệp nên cùng trông thấy như nhau, nên đặt danh xưng, cho rằng cái này gọi là chùa, núi, sông, cây cỏ v.v… Nói tóm lại, tất cả vũ trụ này là một trường biến hiện, tùy theo tâm thức mỗi loài chúng sanh mà ánh ra thôi, mà loài khác sẽ trông thấy khác.

KINH:

Do Phật quá khứ tu công hạnh
Hay theo sở thích diễn diệu âm
Không lòng tính nghĩ đây và kia
Ai là đáng nói, ai thời không
Nơi mặt Như Lai phóng đại quang
Đủ số tám muôn bốn ngàn sáng
Pháp môn Phật nói cũng như vậy
Chiếu khắp thế giới trừ phiền não
Đầy đủ thanh tịnh công đức trí
Mà thường tùy thuận tam thế Phật
Ví như hư không chẳng nhiễm trước
Vì chúng sanh nên Phật xuất hiện
Hiện có sanh, lão, bệnh, tử, khổ
Cũng hiện trụ thọ ở thế gian
Dầu thuận thế gian hiện như vậy.
Thể tánh thanh tịnh đồng hư không.

GIẢNG: Trong kinh nói rằng các chư Phật và các quốc độ, và cõi Cực Lạc cũng vậy, các ngài hiện lên để hóa độ chúng sanh, mà thực ra không có gì nhất định cả. Ta chỉ cần nghĩ điều ấy khoảng vài ngày, vài tháng, vài năm, nhẫn đến vài chục năm, đến khi điều ấy thấm vào tâm thì lúc đó ta sẽ có được chút huệ nhãn, dù mang nghiệp nặng chư Phật cũng duỗi lòng cứu vớt. Vì tin được điều đó là rất khó.

HỎI: Lâu nay, ông thường giảng, tất cả những gì ở ngoài thế gian đều mọc từ trong tâm ra. Chữ “mọc” trong tâm ra có nghĩa thế nào? Xin ông giảng rõ hơn một chút. Vì theo như ai cũng đều thấy rõ, những vật ở ngoài đều do nhiều thứ tạo thành, ví như cái cây, cần phải có đất, có nước, có ánh sáng, có người vun sới v.v… Còn cái tâm, theo tôi hiểu, nó giống như một lăng kính để chiếu vào những đối tượng ấy (cảnh y báo bên ngoài), tùy theo nghiệp riêng của mỗi loài chúng sanh mà có sai khác, chứ không phải từ trong tâm này chui ra làm thành. Không biết tôi hiểu như vậy có đúng chăng?

ĐÁP: Muốn giải thích được rõ ràng, nay ta phải trở về với duy thức học. Trên tột bờ mé của biển tâm nó là một biển sáng ngời, không có một chút vọng nào,một vật nào,đó là Tâm của Phật, là biển uyên nguyên Như Như Tịch Tĩnh. Còn tàng thức của chúng sanh thì nó có một nửa chân, một nửa vọng. Tàng thức ấy tiếp tục đi xuống một bình diện thô kệch hơn là Mạt na thức. Do vọng tưởng phân biệt, Ngã và Phi Ngã, nó bị phân đôi. Một đằng là tướng phần, đi ra ngoài, một là kiến phần, ở trong. Kiến phần tượng trưng cho tâm thức trong thân chúng sanh, còn tướng phần di ra ngoài thành vũ trụ thế giới này, nhưng tất cả đều lưu xuất từ nơi biển diệu tâm ấy. Nên tôi mới nói là nó “mọc ra”, mọc ra từ tàng thức ấy. Nhưng chúng sanh ngu si, say mê, chấp trước nhiều mặt, thích cái này thì cho là của ta, ghét cái nọ thì lại cho là không phải của ta, mà không biết rằng tất cả cũng từ một biển tâm ấy mà ra… Nói rõ hơn, thì cây mọc từ đất, đất mọc từ hư không, hư không mọc từ thức luân, mà thức luân chính là cái “bóng mờ” của biển tâm ấy.

HÓI: Như vậy, trong tàng thức nó vẫn có cả kiến phần và tướng phần. Vì trong duy thức học nói rằng, Mạt na thức lấy cái kiến phần của A lại da thức chấp làm ngã. Vậy thì tất cả những thức đi vào vọng, từ mạt na thức trở xuống, hình như nó đều có tướng phần và kiến phần cả?

ĐÁP: Đúng vậy. Nhưng ở A lại da thức, tướng phần và kiến phần chưa hiện rõ rệt, nó rất vi diệu, gần như một, nó dễ trực nhận. Chỗ đó là bờ mé mịt mùng, không có mấy ai giải được rõ ràng, vì ngôn từ hạn hẹp, không thể nghĩ bàn được, chỉ biết và chấp nhận như thế thôi. Nên khi tôi nói cái cây ấy nó mọc từ trong tâm, tức là do nhân duyên từ nhiều kiếp, bây giờ nó hiện tướng ra như thế.

PHẬT TỬ: Tại vì ông cứ nói vắn tắt “nó mọc từ tâm ra” nên khi người nghe thấy rất “vấp” và khó chịu. Nhưng bây giờ ông giảng rõ ra từ tàng thức thì có vẻ dễ chấp nhận hơn.

ĐÁP: Ông nói như thế cũng rất đúng, vì tùy theo tâm thức của mỗi người nhìn vào một vấn đề như thế nào. Nhưng đối với riêng tôi, tôi thích dùng những chữ “mọc” hay chữ “nở,” vì những chữ ấy nó đưa tôi đi sâu vào tàng thức, để thâm nhận được cảnh giới nó chỉ từ tâm mình hiện ra.

KINH:

Giảng pháp chơn thiệt khiến điều phục
Hoặc đến trong chúng hội Phạm Thiên
Nói tứ vô lượng các thiền định.
Cho họ hoan hỉ bèn bỏ đi.

GIẢNG: Các đại Bồ Tát và chư Phật hiện lên như thế, nói pháp xong, hay làm xong một vài Phật sự rồi bỏ đi.

KINH:

Không ai biết được tướng qua lại
Hoặc đến sắc Cứu Cánh thiên cung
Để giảng giác phần những bửu hoa
Cùng những vô lượng thánh công đức
Sau đó bỏ đi chẳng ai biết
Phật trí vô ngại thấy khắp nơi
Trong đó tất cả những hàm thức
Đều dùng vô biên phương tiện môn
Nhiều cách giáo hóa khiến thành tựu
Ví như thuật sĩ giỏi ảo thuật
Hiện ra các thứ hình tượng huyễn
Phật hóa chúng sanh cũng như vậy
Vì họ mà hiện nhiều thân hình
Ví như trăng sáng giữa hư không
Thế gian chúng sanh thấy tròn, khuyết
Tất cả sông, ao hiện ánh trăng
Tất cả tinh tú khuất ánh sáng
Như Lai trí nguyện hiện thế gian
Cũng dùng phương tiện hiện tăng giảm
Tâm thủy Bồ Tát hiện bóng Phật
Thanh Văn, Duyên Giác khuất quang sắc
Như trong đại hải đầy châu báu
Trong sạch không nhơ, không hạn lượng.

GIẢNG (xúc động): Những câu kệ lạ lùng bất khả ngôn thuyết. Khó giải nói được. Nói không được, nói không được…

KINH:

Bao nhiêu chúng sanh ở bốn châu
Tất cả hiện bóng ở trong biển
Phật thân công đức cũng như vậy
Không nhơ, không đục, không ngằn mé
Nhẫn đến pháp giới các chúng sanh
Không-ai-chẳng-hiện-trong-thân-Phật.

GIẢNG: Chúng ta ngồi đây là đương hiện trong pháp thân Phật mà không hề hay biết. Hiện trong thân Phật Thích Ca, hay ngài Quán Thế Âm, tùy theo vị nào ta chọn.

KINH:

Ví như mặt nhựt phóng quang minh
Chẳng rời bổn xứ chiếu mười phương
Phật quang chiếu khắp cũng như vậy
Không khứ, không lai, trừ si tối
Ví như Long Vương tuôn mưa lớn
Chẳng từ thân ra, chẳng từ tâm
Mà mưa cùng khắp đều nhuần thâm
Trừ hết viêm nhiệt được thanh lương.

GIẢNG: Khi Long Vương tuôn mưa không phải từ thân hay từ tâm ngài, nhưng chữ “tâm” này ý nói là vọng tâm suy nghĩ của ngài. Mà chính từ cái tâm lực, có những nguyện như vậy, khi ngài quán chiếu đến những nguyện ấy thì tự nhiên có mưa lớn.

KINH:

Như Lai pháp vũ cũng như vậy
Chẳng từ thân tâm Phật phát ra
Mà hay khai ngộ tất cả chúng
Khiến khắp diệt trừ lửa tam độc
Như Lai thanh tịnh diệu pháp thân
Tất cả ba cõi không gì sánh.

GIẢNG: Pháp thân của chư Như Lai, pháp thân tịch tĩnh, ngoài ngôn ngữ. Không một ngôn ngữ, ý niệm nào có thể nói được, nó ngoài cái hữu và vô.

KINH:

Dầu không sở y mà ở khắp.
Dầu đến tất cả mà không đi
Như vẽ không trung, cảnh trong mộng
Phải quán thân Phật là như vậy
Những pháp có, không, trong ba cõi
Chẳng thể ví dụ cùng Phật được
Ví như chim muông trong núi rừng
Không nương không gian mà ở được
Đại hải ma ni vô lượng mầu
Thân Phật sai khác cũng như vậy
Như Lai phi sắc, phi phi sắc
Tùy nghi mà hiện, không sở trụ
Hư không, chân như và thiệt tế
Niết bàn, pháp tánh, tịch diệt thảy
Chỉ có những pháp chân thật này
Khả dĩ hiển thị được Như Lai
Sát trần tâm niệm đếm biết được
Nước trong đại hải uống hết được
Hư không lường được, gió buộc được
Không thể nói hết công đức Phật
Nếu ai nghe biển công đức này
Mà sanh lòng vui mừng tin, hiểu
Tất sẽ được những công đức này
Thận trọng chớ sanh lòng ngờ vực…

GIẢNG: Đây là đoạn kệ cuối cùng của ngài Phổ Hiền trong Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới. Những ai nghe được biển biến hóa không cùng của chư Phật, mà sanh lòng kính tin, không ngờ vực, thì người đó trong một kiếp vị lai sẽ được mặc áo hào quang, đi dự những hải hội nhiệm mầu. Chúng ta, trong ban kinh này, tôi có thể nói chắc thế nào cũng sẽ đi đến mức đó, chỉ có nhanh (một, hai kiếp), hay chậm (nhiều kiếp) mà thôi.

Tới đây, ta chấm dứt phẩm nhập pháp giới, đồng thời cũng bơi qua được biển Hoa Nghiêm. Kỳ sau, chúng ta sẽ cố gắng dành vài năm bơi qua biển Bát Nhã. Biển này khó hơn, vì nó trừu tượng hơn, vì nó đi sâu vào Không. Nên ta phải hết sức kiên nhẫn, dù có ốm đau, bệnh tật cũng cố bơi qua.

HẾT CUỐN BỐN

Trọn bộ NHẬP PHÁP GIỚI