NHẬP PHÁP GIỚI
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
QUYỂN BỐN
Chương tám
Ngày 7 tháng 7 năm 1991
Hôm nay, chúng ta đi vào bài kệ cuối của Hoa Nghiêm. Trong bài kệ này, ngài Phổ Hiền nói rằng:
— Tất cả thế gian này đều là vọng tưởng, Và chư Phật vì lòng đại bi bình đẳng hiện đủ các thứ thân để độ chúng sinh. Vì vậy, dù là một hòn đá trước cửa nhà, trông có vẻ vô nghĩa, ù lỳ, nhưng cũng là sự hiện tướng của pháp thân đó.
KINH: Đương lúc đó, Thiện Tài thứ đệ được những hạnh nguyện hải của Phổ Hiền Bồ Tát, đồng với Phổ Hiền, đồng với chư Phật một thân sung mãn tất cả thế giới…..
GIẢNG: Ngài Phổ Hiền tu đến mức độ đó thì thân ngài lớn đồng với thân chư Phật, sung mãn cả pháp giới, tức là nhập pháp giới trọn vẹn, không có một cọng cây, một cái lá, một đóa hoa, một vi trần nào…, mà không có tâm và thân của ngài phổ vào.
KINH: Đồng quốc độ, đồng hạnh, đồng chánh giác, đồng thần thông, đồng pháp luân, đồng biện tài, đồng ngôn từ, đồng âm thanh, đồng lực vô úy, đồng Phật sở trụ, đồng đại từ bi, bất tư nghì giải thoát tự tại đều đồng.
GIẢNG: Ngài Phổ Hiền đến bậc này là bậc Đẳng giác vào Diệu giác.
KINH: Lúc đó Phổ Hiền đại Bồ Tát liền nói kệ rằng:
Các ngài phải trừ những phiền não
Nhất tâm bất loạn mà lắng nghe
Tôi nói Như Lai đủ các độ…
GIẢNG: Đủ các độ là tất cả phật sát độ.
KINH:
Tất cả đạo chân thật giải thoát
Xuất thế điều nhu Thắng Trượng Phu
GIẢNG: Trong phẩm thứ mười hai, phẩm Hiền Thủ, ngài Hiền Thủ cũng nói đến công đức của chư Phật, ở đây ngài Phổ Hiền thu tóm lại tất cả. Tại sao lại phải nói đến công đức của chư Phật? Vì nếu không có chư Phật thì thế gian này không thể tồn tại một sát na nếu không nương vào thần lực hải của chư Phật. Như quí vị đã biết, trong phẩm Thành tựu thế giới, thế giới này được tạo dựng bằng ba thứ lực: Nghiệp lực hải của chúng sanh, nguyện lực hải của chư Đại Bồ Tát và thần lực hải của chư Phật. Nghiệp lực của chúng sanh phải nương vào thần lực và nguyện lực thì mới tạo lập thế gian được, và chỉ cần chư Phật rút đi thần lực trong một sát na thôi, thì tất cả thế gian này sẽ tan tành không còn lại một cái gì. Vì vậy, kinh nói đến công đức của chư Phật là gìn giữ thế gian này. Nhưng trong kinh Lăng Già lại nói rằng, thế gian này nở ra từ A-lại-da thức của chúng sanh, và khi a-lại-da thức được gạn lọc đến chỗ tột cao thì trở thành Bạch tịnh thức, tức là thành thần lực hải của chư Phật. Vì vậy, Phật và chúng sanh cũng không phải là một, không phải là khác. Nên ngài Phổ Hiền nói rằng: “Tất cả đạo chân thật giải thoát. Xuất thế điều nhu Thắng Trượng Phu.” Thắng Trượng Phu là chư Phật. Trong kinh thường dùng những chữ như: Thắng Trượng Phu, Tối Thắng Tôn…, để chỉ cho chư Phật. Còn một vị Bồ Tát tu đến mức độ cao thì gọi là Tối Thắng Tử, người con tối thắng, hay Phật tử tối thắng.
KINH:
Trong lòng thanh tịnh như hư không
Hằng phóng trí nhật đại quang minh
Khiến khắp quần sanh diệt si ám…
GIẢNG: Lúc nào các ngài cũng phóng quang minh diệt si ám cho chúng ta mà ta không hề hay biết.
KINH:
Như Lai rất khó được thấy nghe
Vô lượng ức kiếp nay mới gặp
Như hoa Ưu Đàm một lần hiện
Vì thế nên nghe Phật công đức…
GIẢNG: Công đức này là công đức trưởng dưỡng những thiện căn của chúng sanh.
KINH:
Tùy thuận việc làm của thế gian
Ví như thuật sĩ hiện những sự
Chỉ để làm vui lòng chúng sanh
Chưa từng phân biệt khởi tưởng niệm.
GIẢNG: Khi Phật phóng quang minh khởi tất cả những sắc tướng độ chúng sanh, nhưng tâm niệm ngài vẫn vô niệm. Giống như một nhà thuận sĩ (nhà ảo thuật), hiện tất cả mọi sắc tướng mà tâm không chấp. Trong kinh Đại Bảo Tích cũng nói chư Phật là nhà Đại Ảo Sư tạo nên thế gian để độ chúng sanh. Nên thế gian này chỉ là một tuồng huyễn hóa, do một đại ảo SƯ bày ở ngã ba đường. Nhưng phải hiện thế để vui lòng chúng sanh, khiến tăng trưởng lòng tin mà tu hành mới ra khỏi được lưới ấy. Sau khi ngài Phổ Hiền nói như vậy, chư Bồ Tát nghe xong bài kệ ấy, đều cũng khởi lòng khát ngưỡng, mà nghĩ rằng, ngài Phổ Hiền Bồ Tát đã đủ các hạnh rồi, nay ngài nói đến công đức của chư Phật, ta phải nghe cho kỹ.
KINH: Phổ Hiền Bồ Tát công đức trí huệ trang nghiêm đầy đủ, như hoa sen chẳng dính trần cấu tam giới. Ngài bảo chúng Bồ Tát rằng: “Các ngài hãỵ lắng nghe, naỵ tôi muốn nói tướng một giọt trong biển công đức của Phật.”
GIẢNG: Ngài nói và ngài dùng chữ “một giọt công đức,” chứ ngài không nói đến cả biển công đức ấy, vì tất cả lời nói đều hữu hạn, chỉ nói được phần nào mà không thể nói đến chỗ như như tịch tĩnh, lồng lộng khôn cùng. Nhưng dù chỉ nói một giọt thôi, cũng đủ lắm rồi, vì giọt nước trong biển ấy vẫn mang đủ những khí vị của nước biển.
KINH: Phổ Hiền nói kệ rằng:
Phật trí rộng lớn đồng hư không
Khắp cùng tất cả tâm chúng sanh
Đều rõ thế gian những vọng tưởng.
GIÁNG: Những kiến chấp của phàm phu chúng ta, của Thanh Văn của ngoại đạo v.v… đều chĩ là những vọng tưởng.
KINH:
Chẳng khởi những phân biệt sai khác…
Một niệm đều biết pháp tam thế
Cũng rõ tất cả căn chúng sanh
Ví như nhà ảo thuật thiện xảo
Mỗi niệm thị hiện vô biên sự
Tùy tâm chúng sanh hiện những hạnh
Thuở xưa các nghiệp, sức thệ nguyện
Khiến họ thấy, biết đều chẳng đồng
Mà Phật bổn lai không động niệm
Hoặc có xứ xứ thấy Phật ngồi
Sung mãn thập phương các thế giới
Hoặc có chúng sanh tâm bất tịnh
Trong vô lượng kiếp chẳng thấy Phật
GIẢNG: Ở đây ngài nói đến các loại căn cơ chúng sanh. Những người tu hành cao, có tín giải thì sẽ thấy xứ xứ đều có Phật sung mãn thập phương thế giới. Trái lại,những chúng sanh tâm ý bất tịnh, không tin, không chịu tu hành, thì trong vô lượng kiếp cũng không thể thấy Phật được, vì không cảm thì không có ứng.
KINH:
Hoặc có tín giải rời kiêu mạn
Phát ý liền được thấy Như Lai
GIẢNG: Chúng sanh nào có tín giải, tâm lại thanh tịnh không kiêu mạn, thì người đó chỉ cần phát ý (khởi niệm) là thấy được Như Lai. Như nếu chúng ta có lòng tin sâu chắc, tâm ý lại thanh tịnh, thì chỉ cần một niệm mong được thấy đức A Di Đà thì ngài sẽ hiện đến.
KINH:
Hoặc kẻ siểm cuống tâm bất tịnh,
Ức kiếp tìm cầu chẳng thấy Phật
GIẢNG: Những kẻ nào tâm còn bất tịnh thì trăm ngàn ức kiếp có tìm cầu hoài cũng không thấy được Phật.
KINH:
Hoặc người mọi xứ nghe tiếng Phật
Âm thanh mỹ diệu làm tâm vui
Hoặc kẻ trăm ngàn muôn ức kiếp
Vì tâm bất tịnh chẳng được nghe
Hoặc thấy thanh tịnh đại Bồ Tát
Đầy khắp tam thiên đại thiên giới
Đều đã đầy đủ hạnh Phổ Hiền
Trong đó Như Lai nghiễm nhiên tọa
GIẢNG: Những vị tu hành cao, tâm ý thanh tịnh, luôn luôn thấy được Như Lai.
KINH:
Hoặc thấy cõi nầy diệu vô tỷ
Phật vô lượng kiếp đã nghiêm tịnh
GIẢNG: “Diệu vô tỷ,” là diệu trang nghiêm không thể so sánh được. Trong kinh Duy Ma Cật, ngài Xá Lợi Phất nghĩ rằng, không biết tại sao cõi Ta Bà của đức Thích Ca xấu xí thế. Liền đó Phật Thích Ca chỉ cần lấy chân ấn đất thì ngài Xá Lợi Phất thấy cõi Ta Bà thanh tịnh ngay. Đủ biết sở dĩ ta thấy đầy hầm hố, chông gai, chỉ là vì nghiệp của chúng ta quá nặng nề, nhưng nếu tâm thức ta thanh tịnh thì cõi Ta Bà này trở thành tịnh độ.
KINH:
Tỳ Lô Giá Na Tối Thắng Tôn
GIẢNG: “Tối Thắng Tôn” là tên gọi của chư Phật.
KINH:
Trong đây đại ngộ thành chánh giác
Hoặc thấy Liên Hoa cõi thắng diệu
Hiền Thủ Như Lai ở trong đó.
GIẢNG: Đoạn kinh này ngài nói về cõi tịnh độ của ngài Liên Hoa Hiền Thủ, còn thanh tịnh hơn cõi của đức A Di Đà nhiều lắm. Kinh Hoa Nghiêm có dạy rất rõ về các từng lớp thanh tịnh của các cõi tịnh độ, sự thanh tịnh tột cùng là cõi tịnh độ Liên Hoa, ở đó,những đại Bồ Tát như ngài Phổ Hiền ngồi đầy khắp trong hoa sen. Cõi Cực Lạc của Đức A Di Đà vẫn còn có hàng Thanh Văn và phàm phu, còn phải nghe pháp để đắc cái này, cái nọ. Nhưng sở dĩ chúng ta cầu vãng sanh Cực Lạc íà vì căn cơ chúng ta chỉ có được từng đó thôi, thứ nữa cõi ây gần chúng ta hơn và có nhiều tầng lớp để chúng ta có thể dần dần tu lên nữa. Còn những cõi tịnh độ kia thì cao quá, căn cơ chúng ta không thể với nổi. Và trong kinh thì lúc nào cũng nói trùng trùng những cõi tịnh và uế, và nói rất rõ. Ây vậy mà vẫn còn có những vị tu hành vẫn bài bác tịnh độ và không chịu tin, lại còn chê những người tu theo pháp môn tịnh độ là những người ngu xuẩn, chỉ dành cho những bà già nhà quê. Đó là một điều sai lầm và đáng tiếc!
KINH:
Vô lượng Bồ Tát chúng vi nhiễu
Thảy đều siêng tu hạnh Phổ Hiền
Hoặc có thấy Phật Vô Lượng Thọ
(tức là ngài A Di Đà)
Quán Âm, Thế Chí hầu hai bên
Đều bậc quán đảnh bổ xứ cả
Sung mãn mười phương các quôc độ.
GIẢNG: Trong đoạn kinh này, ngài lại tả sự thanh tịnh bên cõi Cực Lạc của đức A Di Đà, có ngài Quán Âm và ngài Thế Chí hầu hai bên.
KINH:
Hoặc có thấy cõi đại thiên này
Thanh tịnh trang nghiêm như Diệu Hỷ
A Súc Như Lai ngự tại đây
Chúng đại Bồ Tát bao quanh Phật
GIẢNG: Ở phương tây có đức A Di Đà. Phương đông có đức Diệu Hỷ Như Lai. Trong kinh Đại Bảo Tích có nói rõ các vị Phật bốn phương. Nhưng thường thường chúng ta xin vãng sanh Cực Lạc vì ngài A Di Đà có túc duyên lớn với chúng ta, ngài phát thệ bốn mươi tám nguyện lớn để độ chúng sanh. Thứ nữa nước Cực Lạc cũng gần hơn những cõi thanh tịnh khác. Vì vậy, nên Phật khuyên chúng ta nên cầu xin vãng sanh Cực Lạc.
KINH:
Hoặc thấy Nguyệt Giác Danh xưng Phật
Cùng Kim Cang Tràng chư Bồ Tát
Ở cõi Viên Cảnh diệu trang nghiêm
Khắp đến mười phương các quốc độ
GIẢNG: Đây cũng là một cõi tịnh độ lớn.
KINH:
Hoặc thấy Nhựt Tạng Phật Thế Tôn
Ở cõi thanh tịnh Thiện Quang Minh
Cùng với quán đảnh chư Bồ Tát.
Sung mãn mười phương mà thuyết pháp.
GIẢNG: Có những cõi mà chúng Bồ Tát đều là nhứt sanh bổ xứ, có những cõi đều có những vị quán đảnh. (Những vị quán đảnh này đều là đệ thập địa Bồ Tát).
KINH:
Hoặc thấy Kim Cang Đại Diệm Phật
Câu hội với Trí Tràng Bồ Tát
Châu hành tất cả cõi quảng đại
Thuyết pháp diệt trừ chúng sanh mê.
GIẢNG: Ngài giảng nói toàn những cõi tịnh độ.
KINH:
Mỗi mỗi đầu lông bất khả thuyết
Chư Phật tướng hảo ba mươi hai
Bồ Tát quyến thuộc đồng vây quanh
Vì độ chúng sanh luôn thuyết pháp.
GIẢNG: Trên kia, ngài nói đến các cõi tịnh độ lớn, còn ở đoạn kinh này ngài nhắc lại rằng trong những lỗ lông có vô lượng cõi. Đủ biết rằng, khi tâm thức lên đến mực độ ấy thì không gian bị hóa giải, không còn có cái lớn, bé như con mắt phàm nữa. Như lúc đầu, Thiện Tài mong cầu thấy ngài Phổ Hiền mà chỉ thấy các tinh vân, tinh tú, nhật, nguyệt v.v.., sau đó mới nhìn thấy ngài Phổ Hiền ngồi cạnh đức Phật Thích Ca trong bồ đề đạo tràng.
Lúc ấy, kinh lại không tả ngài Phổ Hiền hình dáng ra sao theo lối mắt nhìn của chúng ta mà chỉ mô tả ngay vào lỗ lông của ngài, từ mỗi lỗ lông cổ trăm vạn thân vân, mỗi thân vân lại khởi lên tạo thành những tinh tú, nhật, nguyệt, hoặc cõi này, cõi khác v.v… ở đây, cũng như thế, nói đến những cõi tịnh độ: “Mỗi mỗi đầu lông bất khả thuyết…”
KINH:
Hoặc có xem thấy một lỗ lông
Đầy đủ cõi trang nghiêm quảng đại
Vô lượng Như Lai đều ở trong
Thanh tịnh phật tử đều sung mãn
Hoặc có thấy trong một vi trần
Có đủ hằng sa Phật quốc độ
Vô lượng Bồ Tát đều sung mãn
Bất khả thuyết kiếp tu các hạnh
Hoặc có thấy chỗ một đầu lông
Vô lượng trần sa những sát hải
Bao nhiêu nghiệp khởi đều sai khác
Tỳ Lô Giá Na chuyển pháp luân.
GIẢNG: Trên kia, phần nhiều kể những cõi tịnh. Còn đến đoạn kinh tiếp theo đây ngài lại kể những cõi uế.
KINH:
Hoặc thấy thế giới chẳng thanh tịnh
Hoặc thấy thanh tịnh báu làm thành
Như Lai trụ thọ lâu vô lượng.
GIẢNG: Ở đây, ngài chỉ nói một câu có thế giới uế thôi, sau đó lại nói đến những thế giới thanh tịnh.
KINH:
Nhẫn đến Niết Bàn đều hiện đủ
Cùng khắp mười phương khắp thế giới
Thị hiện nhiều thứ bất tư nghì
Tùy các chúng sanh tâm trí nghiệp
Thảy đều hóa độ khiến thanh tịnh
Vô Thượng Đạo Sư như vậy thảy
Sung mãn thập phương các quốc độ
Thị hiện nhiều loại thần thông lực
Tôi nói một ít ngài nên nghe.
GIẢNG: Trong đoạn kinh này có điều lạ là ngài chỉ nói một câu “hoặc thấy thế giới chẳng thanh tịnh,” sau đó ngài lại nói đến những thế giới thanh tịnh ngay. Có lẽ là vì trong phẩm “Hoa tạng thế giới thành tựu” ngài đã tả về những uế độ nhiều rồi, nên ở đây, khi một hành giả tu đến mức gần cuối cùng thì ngài thường nói đến cõi thanh tịnh nhiều hơn. Nếu ta đọc lại kinh Hoa Nghiêm sẽ thấy rằng, ở chỗ nào ngài cũng hay nói đến những cõi tịnh, uế. Vì thế, không thể nào không tin là có cõi tịnh độ được. Vì như thế mới hợp lý. Tu hành là gì? Là chúng ta tu từ cõi uế sang cõi tịnh. Nhưng nếu ta cứ khăng khăng, bướng bỉnh mà cho rằng, “không cần sang tịnh độ” thì đó chính là tự cô phụ mình vậy. Rồi khi sang được cõi tịnh, tu hành đắc đạo lại trở lại cõi uế độ sanh. Muốn nhưthế, trước hết ta phải ra khỏi dục giới đã.
KINH:
Hoặc thấy Thích Ca thành Phật đạo
Đã trải kiếp số bất tư nghì
Hoặc thấy nay mới làm Bồ Tát
Mười phương lợi ích các chúng sanh.
GIẢNG: Ở đây, chúng ta phải trở lại phẩm “Thọ lượng Như Lai” trong kinh Pháp Hoa. Trong đó Phật nói ngài thành đạo từ lâu xa lắm, hoặc nói bây giờ ngài mới thành đạo là tùy theo mức độ tâm thức từng loài chúng sanh nhìn. Nếu chúng sanh nhìn với tâm nhãn cao, sẽ thấy Phật thành Phật từ rất lâu xa về quá khứ, nhưng với con mắt thịt đương thời của phàm phu chúng ta thì sẽ thấy, ngài mới thành Phật khoảng hai ngàn năm trăm năm trước. Thường thường, các ngài thị hiện như vậy để chúng sanh nghĩ rằng: “Thì ra, vị Phật ấy là một Thái Tử, giống như những người thường, cũng có vợ, con. Sau đi tu thành Phật được, thì ta đây tu một thời gian cũng có thể thành Phật được.” Đó là phương tiện thiện xảo của các ngài thị hiện để độ sanh.
KINH:
Hoặc người lại thấy Thích Sư Tử
(Thích Sư Tử cũng là một vị Phật)
Cúng dường chư Phật tu đạo hạnh
Hoặc thấy Thế tôn đủ phước trí
Hiển hiện những sự đại thần thông
Hoặc thấy bố thí, hoặc trì giới
Hoặc nhẫn, tinh tấn, hoặc thiền định
Bát nhã, phương tiện, nguyện, lực, trí
Tùy tâm chúng sanh đều thị hiện.
GIẢNG: Ở mỗi cõi, tùy theo chúng sanh chấp trước cái gì, thích gì, ngài hiện ra như vậy. Nếu có chúng sanh chấp mình là người tu hành, thì ngài hiện thân người tu hành thành đạo. Nhưng nếu trong các cõi như sắc cứu cánh, là một cõi tâm thức chúng sanh đã cao rồi, thì ngài lại nói thẳng rằng ngài đã đắc đạo từ vô lượng kiếp, và trong cõi đó ngài lại thị hiện thành Phật nhưng dưới một hình thức khác.
Nhân đây, tôi cũng xin nói qua về con đường tu chứng của chúng ta ra sao. Ban đầu chúng ta tu hành là phát bồ đề tâm, làm những hạnh lành và tất cả đều hồi hướng Cực Lạc, sang đó để đắc được năm thứ tam muội. Sau đó lên được mức Vô sanh pháp nhẫn (đệ bát địa) và được chư Phật thọ ký. Lúc đó, có thể ta sẽ ở luôn đây để tu hành, hoặc có thể ta có những hạnh nguyện trở về những cõi uế để độ sanh mà không bị nhiễm, vì lúc đó ta đã ở mức vô sanh pháp nhẫn rồi, và sắc thân lúc đó không còn là thai sanh máu mủ nữa mà là “pháp thân đại sĩ.” Sau đó, trải qua nhiều kiếp tu hành về các hạnh “ba la mật,” đến khi vào đến đệ thập địa thì lúc đó Đại Bồ Tát ấy sẽ lên cung trời sắc Cứu Cánh (như trong kinh Tâm Địa Quán hay Lăng Già dạy thế). Lúc đó, Đại Bồ Tát sắp nhận sự quán đảnh của Chư Phật, ngài ngồi trên một bông đại bửu liên hoa, phóng hào quang khắp thập phương thế giới, các chư Bồ Tát từ các nơi vân tập về để dự lễ thọ chức của vị Đại Bồ Tát này, lúc đó ngài đã gần đồng như Phật.
Sau khi thọ lễ quán đảnh, ngài có thể vẫn ở trên đó, tu dần đến Đẳng giác và Diệu giác, hoặc ngài có thể thị hiện xuống nhân thế để độ sanh. Khi ấy, ngài sẽ xuống cõi trời Đâu Suất như ngài Di Lặc, ngồi đó, chờ thời tiết chín mùi, chờ cõi nhân thế, và tâm thức của chúng sanh chín mùi, đáng được gặp một vị Phật. Rồi chọn xem gia đình, quyến thuộc nào đáng được mang thai Phật, thường là gia đình được chọn đều đã theo ngài tu hành nhiều kiếp rồi, và nhất là người đàn bà mang thai Phật đều là bậc đại Bồ Tát lớn có nguyện mang thai Phật, như ngài Ma Gia thị hiện xuống trần để cho ngài gá vào. Nhưng người trần gian lại cứ tưởng rằng ngài cũng là thai sanh như họ. Ngài làm những việc đó, tìm những quyến thuộc của mình, đồng thời cùng những vị đệ tử của ngài từ nhiều kiếp để cùng xuống trần như một chùm nho vậy. Như ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, đi vào ngoại đạo, hoặc ngài Ca Diếp đi tu thờ thần lửa v.v…
Chư Phật không bao giờ đản sanh mà không có rất nhiều quyến thuộc đi theo. Từ chư thiên cõi sắc và cõi vô sắc đều đi theo hộ trì và nghe pháp. Ngay khi ngài nhập thai, các vị chư Thiên và Đại Bồ Tát cũng vẫn ở nơi bụng ngài Ma Gia để nghe pháp, đồng thời tất cả những vị có cơ duyên đều cũng thọ sanh cùng thời với ngài. Vì vậy, những người vợ của đức Thích Ca như Da-Du-Đà-La và Thích-Nữ-Cù-Ba chỉ xuống thị hiện làm vợ ngài thôi. Thực ra các ngài đều là những bậc tu hành lớn. Bà Cù-Ba là một vị đại Bồ Tát địa thứ mười. Còn bà Da Du Đà La với Phật chắc đã nhiều kiếp làm vợ chồng rồi, có thể các ngài làm chồng vợ với nhau đến năm trăm kiếp, (như ngài A Nan và Ma Đăng Già), lúc bấy giờ thì chuyển tình đời sang tình đạo, cùng nhau đi trong sanh tử mà không bị sanh tử làm đắm nhiễm. Trong kinh kể những mốì tình như thế rất nhiều, như trong kinh Hoa Nghiêm cũng vậy, có vị Bửu Nữ Cụ Túc Diệu Đức và Thái Tử Đại Quang (nếu tôi nhớ tên ngài không lầm) cũng thế. Nên phải hiểu rằng, có những cặp nam nữ, có duyên với nhau từ nhiều kiếp, cùng làm vợ chồng, rồi đến một lúc nào đó thì tình đời chuyển thành tình đạo, sau đó hai người cùng lên cao, những vọng tưởng sẽ trở thành Bát Nhã, vọng tình sẽ trở thành Đại Bi, lên đến tột bờ mé thì cùng nhập lại để vào Niết Bàn tịch tĩnh của chư Phật. Nên sự chuyển biến từ tình đời sang tình đạo đều được chuyển theo hình xoáy trôn ô’c, vọng tình sau trở thành đại bi, vọng tưởng trở thành bát nhã.
Trên đây là con đường tu chứng mà ta cần phải biết qua, và cần phải cầu xin vãng sanh Cực Lạc, cốt nhất là để đắc “Vô sanh nhẫn,” tức là đệ bát địa. Ở địa này, hành giả đã được mức độ bất thối chuyển, đã có ngũ thông, và nhiều tam muội, tự tại lực, lúc đó hành giả có thể thong dong đi xuống trần thế độ sanh, xuống đây, có thể làm đủ hạnh, như lấy vợ, sinh con, làm đủ nghề thế gian mà không bị nhiễm đắm, vì lúc đó hành giả đã là pháp thân bồ tát rồi. Làm những hạnh độ sanh đủ lục ba la mật rồi, lúc đó hành giả lên cõi trời sắc cứu cánh, vào đệ thập địa, rồi thành Phật. Hay xuống cung Đâu Suất, nhìn xuống nhân gian chọn nơi thọ sanh và thị hiện thành Chánh Giác. Đó là lịch trình tu chứng của một vị Bồ Tát. Nên chúng ta phải đọc nhiều kinh rồi nối lại mới có thể hiểu rõ.
Như chuyện thành Phật ở trời sắc cứu cánh là lộ trình mà trong kinh Tâm Địa Quán đã dạy rõ, mà trong kinh Lăng Già cũng nhắc lại điều ấy. Khi ngài Đại Huệ hỏi đức Phật rằng: Tại sao không thành Phật ở tầng trời sắc Cứu cánh mà lại thành Phật ở nhân gian? Nhưng chính ra, các ngài thành Phật ở trời sắc cứu cánh, còn xuống nhân gian chỉ là thị hiện thành Phật mà thôi. Mỗi kinh, nói từng phần một, vì Phật thuyết pháp là tùy theo người hỏi mà trả lời, nên khi ta đọc kinh, ta phải biết nối lại từ đoạn này đến đoạn kia, như những ngọn hải đăng lập lòe trên biển sương mù, khi biết nối lại rồi thì tất cả các kinh đều thông suốt lẫn nhau mà không hề mâu thuẫn cả. Sở dĩ đôi khi đọc kinh ta thấy như có sự mâu thuẫn vì không hiểu kinh và không biết cách nối mà thôi.
Trong bộ Đại Trí độ luận, ngài Long Thọ nói rất kỹ về thế nào là Bồ Tát vị, thế nào là đắc vô sanh pháp nhẫn, thế nào là bất thối chuyển, có bao nhiêu thứ thọ ký v.v… tất cả những thứ ấy, chúng ta phải hiểu qua. Theo ý tôi, nếu vị nào tu học đại thừa cẩn thận, phải đọc bộ Đại trí độ luận (do cụ Thích Trung Quán dịch), giảng về Đại Bát Nhã.
Nay trở lại ngài Thiện Tài.
KINH:
Hoặc hiện tu hành vô lượng kiếp
Trụ nơi Bồ tát, bậc kham nhẫn
Hoặc hiện trụ nơi bực bất thối
Hoặc hiện pháp thủy rưới trên đầu…
GIẢNG: ” Pháp thủy rưới trên đầu..” là lễ quán đảnh.
KINH:
Hoặc hiện thân Phạm, Thích, Tứ Vương…
GIẢNG: Thân Phạm là thân Phạm Thiên. Thích là thân trời Đế Thích. Tứ Vương là thân Tứ Thiên Vương.
KINH:
Hoặc hiện Sát Lợi, Bà La Môn…
GIẢNG: Sát Lợi là thân Sát Đế Lợi. Bà La Môn là thân các vị Bà La Môn ngoại đạo.
KINH:
Nhiều loại sắc tướng thân trang nghiêm
Dường như thuật sĩ hiện hình tượng…
GIẢNG: Riêng bài kệ này đã dùng ba lần chữ “thuật sĩ.” Tôi đã đọc cho quí vị nghe một đoạn trong kinh Đại Bảo Tích nơi phẩm “Đại ảo sư Bạt Đà La” ở đạo tràng này rồi, trong đó Phật tự nhận mình là một Đại Ảo Sư. Nên sự quán chiếu về ảo rất quan trọng, ta nên thực hành sự quán chiếu ấy, vì không có gì lợi hơn và khi quán lâu, những ý tưởng đó sẽ thấm dần vào chúng ta,rồi đi đâu, thấy cảnh giới gì cũng thấy chẳng thật, chẳng hư, tất cả chỉ là một tuồng huyễn ảo, dần dần nó sẽ trừ được nhiều thứ phiền não và hệ lụy. Đến khi quán chiếu ngay cái thân ta cũng là ảo thì ở mức độ này, ta cũng có thể đối phó ít nhiều với bệnh tật được rồi, có thể sẽ không còn cảm thấy đau đớn mấy đỗi, và khi tâm thức chuyển dần lên cao thì bệnh tật không còn có thể móc vào ta được nữa.
KINH:
Hoặc hiện Đâu Suất mới giáng thần
Hoặc hiện trong cung thọ dục lạc.
GIẢNG: Các ngài có thể thị hiện thọ đủ những dục lạc của thế gian, như ăn uống, ngủ nghỉ và ngay cả đến vấn đề nam nữ v.v.., nhưng vẫn không nhiễm đắm.
KINH:
Hoặc thấy rời bỏ những vinh hoa.
Xuất gia lìa tục đi học đạo
Hoặc thấy mới sanh hoặc thấy chết
Hoặc thấy xuất gia học dị hạnh.
GIẢNG: Tất cả những gì gọi là “dị” có nghĩa là ngoại đạo, và các ngài thị hiện đi vào ngoại đạo để học, nhưng chính thật để chỉ cho ngoại đạo biết rằng, con đường tu của họ vẫn chưa đến mực giải thoát rốt ráo. Còn tất cả chúng sanh chưa hiểu đạo thì gọi lá “dị tánh”.
KINH:
Hoặc thấy ngồi dưới cội Bồ Đề
Hàng phục ma quân thành chánh giác
Hoặc lại thấy Phật mới Niết Bàn
Hoặc thấy dựng tháp khắp thế gian
Hoặc thấy trong tháp thờ tượng Phật
Vì biết thời cơ hiện như vậy
Hoặc thấy Như Lai Vô Lượng Thọ
Phật thọ ký cho chư Bồ Tát
Mà thành vô thượng Đại Đạo Sư
Kế bổ nhậm ở cõi An Lạc
Hoặc thấy vô lượng ngàn ức kiếp
Phật sự đã xong nhập Niết Bàn.
GIẢNG: Trong tất cả các đức Phật, riêng có ngài Đa Bảo là ngài không thuyết pháp, sau khi thành Chánh giác ngài nhập Niết Bàn ngay, và ngài để lại toàn thân sá lợi, thì đó cũng là một cách thuyết pháp. Còn đức Thích Ca để toái thân sá lợi (sá lợi nát ra từng viên một).
KINH:
Hoặc thấy nay mới thành bồ đề
Hoặc thấy chánh tu những diệu hạnh
Hoặc thấy Như Lai Thanh Tịnh Nguyệt
Ở tại Phạm Thế và Ma Cung.
GIẢNG: Đức Như Lai ở trên trời Phạm thế và ngay cả cung điện của Ma nữa.
KINH:
Tự Tại thiên Cung, Hóa Lạc Cung
Thị hiện thần thông những biến hóa.
GIẢNG: Lúc nào kinh cũng nói sự biến hóa.
KINH:
Hoặc thấy ở tại cung Đâu Suất
Vô lượng chư Thiên đồng vây quanh
Vì họ thuyết pháp cho hoan hỉ
Chư Thiên phát tâm cúng dường Phật
Hoặc thấy ở tại Dạ Ma Thiên
Đao Lợi, Tứ Thiên, cung Long Thần
Nơi cung điện Thiên, Long, Bát Bộ
Không chỗ nào Phật chẳng hiện thân.
GIẢNG: Ở chỗ nào Phật cũng hiện thân. Ngay ở đây ngài cũng hiện thân mà chúng ta không nhìn nổi. Nếu có một vị tu hành cao, ngồi tụng kinh với tâm thanh tịnh, tụng độ ba ngày vào được định thì sẽ thấy Phật đang ngồi thuyết pháp. Vì thế, chúng ta cần ý thức rằng chung quanh đây đều bao bọc bởi thế giới vô hình, rất ghê gớm, chỉ cần có cơ hội là những lực vô hình có thể lọt vào được thân tâm ta rồi. Thí dụ như người tu, chỉ cần khởi một tâm kiêu mạn, hay tâm tham dục thì ma lợi dụng ngay kẽ hở đó để hại được họ rồi, vì vậy có rất nhiều trường hợp bị ma nhập, nhưng thế gian không muốn nói đến mà cứ lờ đi. Ngược lại, nếu hành giả ấy không có tâm kiêu mạn, tham dục hay mong cầu sự chứng đắc nào, thì chư Phật lại hiện ra đối trước người ấy. Nên ta lúc nào cũng phải ý thức đến thế giới vô hình. Thí dụ như ta làm một việc nào mà nghĩ rằng không có ai biết cả, nhưng các vị quì thần đều biết hết, nghĩ như thế sẽ bớt đi những ý nghĩ cuồng ngông vô ý thức.
KINH:
Ở chỗ Nhiên Đăng Phật Thế Tôn
Rải hoa, trải tóc để cúng dường
Từ đây biết rõ pháp thâm diệu
Hằng dùng đạo này độ quần sanh.
GIÁNG: Đoạn kinh này nhắc lại một thuở quá khứ của đức Phật Thích Ca cúng dường Phật Nhiên Đăng. Lúc đó ngài là một vị Bà La Môn tên Mê Già, đi cúng dường ngài Nhiên Đăng, gặp cô con gái cầm hoa, hai người rủ nhau cùng mang hoa này cúng dường Phật. Sau khi ngài rải hoa, ngài lại trải tóc, và trải cái áo da hưu xấu của mình để đức Phật dẵm lên. Khi Phật dẵm lên chiếc áo ấy, ngài Mê Già đắc ngay vô sanh pháp nhẫn, bay lên hư không nói kệ tán thán Phật Nhiên Đăng. Nên chúng ta phải có lòng tin sâu chắc, tin chắc rằng, nếu có tu hành thì sẽ có ngày chứng đắc, như trong mây câu kệ cuối cùng ngài Phổ Hiền dạy…
KINH:
Nếu ai nghe biển công đức này
Mà sanh lòng vui mừng tin hiểu
Tất sẽ được những công đức này
Thận trọng chớ sanh lòng ngờ vực.
GIẢNG: Ngài Phổ Hiền dặn dò chúng ta thế, vì biết phàm phu chúng ta hay khởi tâm nghi ngờ lắm. Không nên khởi tâm nghi như vậy, phải tin chắc rằng một ngày kia, đức Phật sẽ dẵm lên lưng ta, đắc ngay được vô sanh pháp nhẫn, bay lên hư không cao bảy cây đa la nói kệ tán thán đức Phật. Chắc chắn sẽ như thế! Nên ta phải có lòng tin và sự chuyên cần, đừng nhìn vào vật nhiều quá, vì khi nhìn vào vật nhiều sẽ là những cơ duyên làm ta bị lùi lại mất vài ngày, vài năm, nhẫn đến vài kiếp trên con đường tu chứng của ta. Hãy quay trở lại nhìn vào tâm, lúc đầu có thể chúng ta sẽ ngơ ngác, sau quen dần, lúc đó sẽ nhìn thấy được nhiều điều kỳ diệu.
KINH:
Hằng dùng đạo này độ quần sanh
Hoặc người thấy Phật lâu Niết Bàn
Hoặc thấy Phật mới thành bồ đề
Hoặc thấy Phật trụ vô lượng kiếp
Hoặc thấy giây lát liền nhập diệt
Thân tướng quang minh cùng thọ mạng
Trí huệ bồ đề và Niết Bàn.
Chúng hội được độ tiếng oai nghi
Mỗi mỗi như vậy đều vô số
Hoặc hiện thân mình rất rộng lớn
Như núi Tu Di đại bửu sơn
Hoặc thấy Phật ngồi chẳng động la
Sung mãn vô biên những thế giới.
GIẢNG: Ngài có thể hiện ra như một hạt bụi, mà cũng có thể ngài ngồi kiết già, thân choán cả hư không.
KINH: Hoặc thấy viên quang lượng một tầm…
GIẢNG: Tức là thân ngài phóng quang minh ra khoảng một tầm. Tại sao chư Phật và đức Thích Ca chỉ hiện quang minh một tầm thôi, trong khi ngài có thể hiện hào quang sáng chói mọi cõi nước? Vì với chúng sanh như chúng ta nếu ngài phóng hào quang lộng lẫy chói sáng quá ta sẽ khởi tâm sợ hãi, hơn nữa nghiệp chúng sanh chỉ đáng được như thế thôi, nên ngài chĩ hiện một tầm thôi. Nhưng nếu một vị Bồ Tát cần phải hiện mười tầm thì lúc đó ngài sẽ hiện mười tầm hay hơn nữa.
KINH: Hoặc thấy ngàn vạn ức do tuần…
GIẢNG: Hoặc ngài có thể phóng quang minh xa đến ngàn vạn ức do tuần. (Mỗi một do tuần khoảng bốn mươi dặm).
KINH:
Hoặc thấy chiếu khắp vô lượng cõi.
Hoặc thấy sung mãn tất cả cõi.
Hoặc thấy Phật thọ 80 năm (như Phật Thích Ca)
Hoặc thấy thọ ngàn muôn ức tuổi.
GIẢNG: Tùy theo thời tiết và căn cơ của chúng sanh thì thọ mạng của chư Phật cũng thế. Thí dụ như trong một cõi nào, thọ mạng chúng sanh lên đến tám ngàn tuổi thì ngài cũng thị hiện thọ mạng dài như thế.
KINH: Hoặc thọ bất khả tư nghì kiếp…
GIẢNG: Vì tất cả chỉ là biến hóa của tâm, mọi sự đều có thể biến hóa ra được. Nhưng chúng ta lại không biết được điều đó, suốt mấy chục năm sống, chỉ nhìn thấy những việc rất hữu hạn, và tin chắc vào những điều mắt thấy, tai nghe ấy. Như cứ tin chắc rằng, người thì phải chui từ bào thai ra mà không bao giờ nghĩ rằng có những trường hợp hóa sanh, hoặc nghĩ rằng phải đi làm mới có tiền, phải ăn cơm, ăn thịt mới thấy no, mà không biết rằng có những loài chúng sanh ăn bằng nhiều loại khác nhau, như chỉ cần suy tư cũng no (tư thực), hay chỉ cần ngửi mùi hương (xúc thực), và tuyệt nhiên không bao giờ hiểu rằng, thức có thể nuôi sống thọ mạng được (thức thực). Khi chúng ta hết được những tham dục thì sẽ được thọ sanh trong hoa sen, hay trong bông soài.
Những Phật tử tu theo tịnh độ, thường tu theo hai cách. Thứ nhất là tu niệm Phật cho đến khi nhất tâm bất loạn. Nhưng lối niệm Phật này rất khó, vì phải giữ sao cho tâm thật yên tịnh, nhưng ngoài ra, chúng ta cũng có thể tu theo pháp môn “tán môn,” tức là niệm Phật một ít, suy nghĩ về kinh một ít. Nhất là hiểu được tất cả thế gian này đều là huyễn ảo, kể cả ngài A Di Đà và cõi Cực Lạc, thì có thể có hy vọng vãng sanh. Hiểu được điểm then chốt ấy (về chữ ảo) chúng ta sẽ bớt đi rất nhiều phiền não, bớt được nhiều tham dục, sân, si, và đồng thời trưởng dưỡng được lòng từ bi bình đẳng.
KINH:
Hoặc thọ bất khả tư nghì kiếp
Như vậy lần lượt bội hơn đây
Phật trí thông đạt tịnh vô ngại
Một niệm biết khắp pháp tam thế.
GIẢNG: Như tôi vẫn nói đến vấn đề thời gian. Chúng ta luôn thấy có quá khứ, hiện tại, vị lai. Nhưng chư Phật chỉ cần một niệm là có thể thấy tam thế hiện tiền (hiện ra trước mắt), từ vô lượng kiếp về trước, nhẫn đến vô lượng kiếp về sau.
KINH:
Một niệm biết khắp pháp tam thế
Đều từ tâm thức nhơn duyên sanh
Sanh diệt vô thường không tự tánh.
GIẢNG: Đoạn này giảng cũng giống như kinh Lăng Nghiêm, trong kinh nói “tâm ảnh ra sắc.” Còn kinh Lăng Già lại nói tất cả từ do tâm ánh ra, từ A-lại-da thức phát khởi lên, ánh ra thành sắc. Khi thọ sanh, chủng tử nở ra cái gì, lập tức ta sẽ lọt vào cảnh giới y báo ở ngoài đúng y như thế. Như một người có những chủng tử nhiều phước đức, nhiều trí huệ nở ra, thì lập tức thần thức sanh vào một y báo rất tốt, vào một gia đình quyền quý, chung quanh đều bằng vàng ngọc, lưu ly. Ngược lại, nếu những chủng tử ngu si, ít trí huệ, không có phước đức hay thiện căn, thì thần thức ấy sẽ chui vào một gia đình bần cùng, hèn kém, không biết Phật, pháp, tăng. Vì vậy trong kinh có câu: “Các chúng sanh đều là những người nghèo cùng.” Nghèo cùng về thiện căn, về phước đức, và trí huệ. Dù rằng có thể được làm vua có nhiều tiền bạc, nhưng cái tiền ấy chỉ đem lại một ít vật chất trong kiếp này thôi, rất hữu hạn. Còn cái từ bi và trí huệ thì đi qua nhiều kiếp tiêu xài cũng không hết. Vì vậy, giữa tiền bạc, của cải và trí huệ, từ bi ta nên chọn cái trí huệ và từ bi ấy.
KÍNH:
Tất cả vào một, một vào khắp
Tùy tâm chúng sanh đều thị hiện.
GIẢNG: Trong đạo Phật, ta luôn luôn nên nhớ chữ “tùy tâm.” Vì có thân căn đẹp, xấu thế nào, bị đui mù, hay những y báo bên ngoài, những quyến thuộc, bố, mẹ, vợ con, sang trọng hay nghèo hèn v.v… đều tùy ở tâm thanh tịnh hay nhơ uế. Tâm ta thế nào thì cuộc đời đãi ngộ đúng y như vậy, hiện ra như vậy.
HỎI: Lúc nãy ông có nói rằng, tùy theo phước đức và trí huệ của mình thì sẽ sanh gia đình giàu có, còn kém phúc thì sanh vào nhà bần hàn. Thì tại sao có những trường hợp người ta sanh vào nhà bần hàn sau làm thủ tướng, tể tướng, hay làm quan lớn, hoặc làm thương gia giàu có? Nếu nói rằng một người rất ít phước, rất ít trí huệ phải sanh vào nhà bần cùng thì tại sao sau này họ lại được nhiều cơ duyên sung sướng như thế?
ĐÁP: Quí vị nghĩ sao về câu hỏi này? Khi một thần thức sắp thọ sanh, trong a lại da thức của người ấy có những chủng tử nợ nần, hay những chủng tử ít thiện căn nở ra trước nên phải chui vào nhà bần hàn đã, sau những chủng tử thiện, hay phước đức nở ra sau, nên cuộc đời của họ biến chuyển theo phước đức ấy. Đó là vấn đề thời tiết, căn cơ chín mùi ra sao thì sẽ như vậy, không phải tất cả những chủng tử đều nở tóe ra cùng một lúc được. Nói về nghiệp lực thì thật trùng trùng, đan nhau chằng chịt, chỉ có tuệ giác của Phật mới có thể nhìn thấy hết.
HỎI: Nếu nói về nghiệp lực, thì một người kiếp trước phải tích đức nhiều, nếu kiếp này vì còn rơi rớt những chủng tử xấu, hay còn nợ nần nhiều người thì phải chui vào nhà bần cùng để trả nợ, cũng có nghĩa rằng, đó cũng là do nghiệp xấu của kiếp trước chi phối, như vậy cũng là kém rồi.
ĐÁP: Tâm thức của chúng sanh là một tiến trình triển chuyển luôn luôn. Nó không phải là một cái gì cố định, ù lỳ. Nói cách khác, không phải người sanh trong nhà khá giả phải nhất định là phước đức hoàn toàn, vì trong a lại da thức, từ nhiều kiếp nó huân tập tất cả những chủng tử, từ những chủng tử tốt, xấu, phước đức, bất hạnh v.v… mà không chừa một loại chủng tử nào. Đến khi đi thọ sanh, những chủng tử nào nở trước thì y báo tương ưng sẽ hiện ra. Vì vậy, trong đạo phật, cũng có tướng số, có thiên văn và đủ mọi thứ, vì Phật pháp chính là thế gian pháp. Nhưng đừng bị vấp vào đó để cản trở con đường tu hành của mình, vì khi ta bị vấp vào những cái tử vi, quẻ số, tiên đoán những hên sui trong tương lai, lúc đó tâm ta sẽ bận bịu suốt ngày về những thứ ấy, rồi quên mất mục đích chính của mình là trở về Tâm, tìm cầu sự giải thoát.
Trong bộ Đại Trí Độ luận kể một câu chuyện rằng:
Có một vị tu sĩ khổ hạnh tu trong một khu rừng, mỗi ngày ra suối tắm và giặt quần áo mà thỉnh thoảng trong quần áo ấy, nhiều khi vị tu sĩ bị mộng tinh nên những tinh khí rơi rớt ra trong khi giặt, sau đó có một con hưu cái đến uống nước ấy, sau đó thọ thai. (Ta phải hiểu rằng, không nên xét nhãn quan về pháp giới này một cách hạn hẹp, gần gần, vì có nhiều kiếp xa xôi về trước có sự thọ thai, hay sinh nở cũng rất lạ.) Đến thời kỳ sanh con, hưu cái trở lại nơi nó thụ thai kêu la thảm thiết rồi sanh ra một đứa bé, sau đó nó bỏ đi. Vị tu sĩ nghe tiếng kêu la, chạy ra thấy một đứa bé nằm trên phiến đá, thương tình ông mang về nuôi. Thằng bé lớn lên rất thông minh, nhưng nó lại mang hai cái chân hưu, sau rất giỏi về thiên văn, rồi gặp được Phật xin xuất gia, và đắc quả A la hán. Một hôm, hai thầy trò đi đến một vùng làng mạc vào một buổi chiều, cả hai ngồi xuống một ven rừng nghỉ chân, vị tỳ kheo chân hưu nhìn tinh tú một hồi và nói rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, thật là nguy, con xem tinh tú và biết rằng xứ Ma Gia Đà này sẽ bị mưa liền trong mười hai năm trời, tất cả mùa màng đều hỏng, tật bệnh, đói kém xảy ra khắp nơi, sẽ có rất nhiều người chết.” Đức Phật không nói gì, ngài chỉ ngồi im lặng một lúc, sau đó ngài bảo: “Bây giờ ông thử coi lại tinh tú xem sao?” Vị Tỳ kheo chân hưu coi lại bảo với Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, lạ quá, con coi lại thì các tinh tú đã chuyển đường hướng vận hành, mưa chỉ còn lại có bảy ngày thôi.” Thì ra, chính Phật đã dùng thần lực chuyển tất cả đường đi của tinh tú, đồng thời ngài phải gánh cái nghiệp mười hai năm đói kém cho dân chúng miền đó.
Đó là về thiên văn, tướng số trong đạo phật. Trong Đại Bảo Tích cũng có kể một câu chuyện, một vị tu sĩ tu trong núi Tuyết Sơn mấy chục năm ròng rã, lúc nghe Phật đi ngang qua miền ấy, ông ta bèn xuống núi gặp Phật để tranh luận với ngài, ông ta hỏi Phật rằng: “Ngài là ai? Ngài có biết về pháp môn Tinh tú học không?” Phật ngồi im một hồi rồi bảo rằng: “Cái đó tôi có thể biết được, nhưng ông tu về tinh tú mấy chục năm nay, cũng tốt đấy, nhưng những thứ đó chỉ làm cho ông thêm bận tâm mà không đưa ông đến được sự giải thoát nào, ông phải nên nhớ trong đời này, cái may, sự rủi đều không quan trọng, cái quan trọng nhất là làm sao cho tâm ta thanh tịnh, an nhiên.”
Trong cuộc đời chúng ta, ai cũng chỉ thích sự may mắn mà không bao giờ chấp nhận sự rủi ro, nhưng tất cả những thứ ấy chỉ là những cặp đối đãi do vọng tưởng tạo thành, không có gì là chắc thực cả. Vì khi cái may nó đến thì âm đức lại kém đi, còn gặp cảnh rủi ro thì nghiệp vơi đi, thì có gì cần và quan trọng đâu, tất cả đó chỉ là do nghiệp tắc nhân quả mà thành. Thí dụ như một người giỏi về bói toán hay tướng số, suốt ngày ngồi trong nhà, có một con chim khách bay qua hót lên ba tiếng, ông vội vã ngồi bấm độn xem số mạng ấy thế nào. Rồi cả ngày chỉ bận rộn vào ba cái hào, cái quẻ, tất nhiên tâm lúc nào cũng bận, thì làm sao có trí huệ, làm sao tâm được thanh tịnh, yên vui? Vì vậy, một số người tu hành, đến một mức nào đó, hiểu về pháp giới được một ít, cho là đủ, suốt ngày bận bịu với những thứ ấy, không biết rằng tất cả những thứ đó chỉ là sự biến hiện của tâm, chỉ dạy những thứ đó, mà quên mất Tâm. Muốn biết được tất cả phải buông bỏ mọi nhân duyên, càng buông thì tâm càng lớn, đến tột bờ mé, nhập vào pháp giới với tâm là một. Đó mới chính là bản hoài của chư Phật.
Nên trong đạo Phật, nho, y, lý, số v.v… đều có, nhưng đó chỉ là những biện pháp tạm thời ở một mức độ tu chứng nào đó thôi, nếu còn chấp và đó thì chỉ làm bận tâm hành giả, mà không đưa hành giả đến được cái tâm như như bất động được.