NHẬP PHÁP GIỚI
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng
QUYỂN BỐN
Chương bảy
Ngày 9 tháng 6 năm 1991
Hôm nay là buổi thuyết giảng thứ một trăm hai mươi chín về kinh Hoa Nghiêm và đồng thời cũng là buổi thuyết giảng thứ mười sáu về Đại Bát Nhã tại chùa này.
Trong ban Kinh Hoa Nghiêm chúng ta từ năm, sáu năm nay, đã có một số người lần lượt ra đi. Bắt đầu là cụ Giáo Anh, sau đến bà Bách, mới đây là con của anh Đạo, tuy rằng người con anh này còn rất trẻ. Tôi chắc rằng, trong ban kinh này, những vị lớn tuổi, đôi khi cũng cảm thấy thấp thỏm về chuyện ra đi ấy, nghĩ rằng mình sắp sửa phải qua một cái cầu khỉ trơn như mỡ rất khó đi qua. Nhưng riêng tôi, tôi nghĩ rằng, người tu hành giữ giới thi-la, không trọng thân mạng vì thường dùng con mắt ảo để quán sát thân mình. Lại nữa, trong kinh có nhắc, những người tu hành theo lối quán như huyễn, lên đến mức độ cao thì ngay tụi quỷ đi kiếm mình cũng không thể thấy được. Vì vậy, y cứ vào hai lời kinh trên, tôi mong quí vị nên tập quán huyễn, vì thực đúng như vậy.
Khi chúng ta còn bám vào kinh, còn tụng kinh đều, còn tin vào kinh, đôi khi quán huyễn, tôi chắc rằng mọi sự đến với chúng ta đều nhẹ nhàng và an lạc, ngay cả cái chết có đến cũng không làm gì được chúng ta cả, cùng lắm là chỉ mất đi cái thân căn này, nhưng giới căn huệ mạng không bao giờ mất.
Nên tôi thường nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại nhiều lần về sự “khởi vọng,” về chữ “vô minh bất giác.” Chắc quí vị đã nghe nhiều nhưng có thể chưa lý hội được rõ. Vậy thì thế nào là Vô minh bất giác? Vô minh bất giác là hôi nhiên quên rằng chính mình và pháp giới này, tất cả chúng sanh, núi non, cây cỏ, trăng sao v.v… đều từ biển diệu tâm ấy hiện ra, không có một cái gì có thực, nhưng hốt nhiên., bất giác, tương tự như trong biển lớn ấy (diệu tâm) có một đợt sóng khởi lên, tự tách ra ngoài, rồi quay đầu nhìn lại biển tâm ấy. Vì vậy tôi hay nhấn mạnh đến tác động soi gương của Diễn Nhã Đạt Đa trong kinh Lăng Nghiêm, bỗng nhiên tự soi gương vào chính cái tâm mình, và trong tác động soi gương ấy, làm lóe lên tất cả những mê vọng. Mê vọng thứ nhất là y báo bên ngoài (tất cả cảnh vật bên ngoài), cứ tưởng là có thực, và tồn tại độc lập với tâm mình. Mê vọng thứ hai chính là thân căn này lại tưởng là có thực, vì quay lại tự chiếu soi nên lóe tất cả những mê đồ ảo vọng, vì tâm ánh ra tất cả những mê vọng ấy và chúng sanh cứ tưởng là thực. Nhưng trong đạo Phật rất kỵ sự quay lại chiếu soi ấy, như trong kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, có kể một câu chuyện “không quay đầu lại” rằng: Có năm trăm người lái buôn ra biển tìm châu báu, giữa đường gặp bọn quỷ La Sát hóa làm những gái đẹp, đem tất cả về chia nhau để làm chồng. Một hôm vị chủ thuyền được một quỷ La Sát (không biết vì duyên cớ gì) hồi tâm, mách anh rằng, đây là hòn đảo của quỷ La Sát ở, không tin, chàng hãy qua bờ biển bên phía Nam sẽ thấy một chỗ chất toàn xương người. Quả nhiên, khi vị thương chủ đi về phía ấy thấy núi xương người thật. Lúc đó, có Đức Quán Thế Âm hóa làm con thần mã ở bờ biển, mách rằng, ngày mai, ngươi hãy gọi tất cả những người muốn về cố quốc tới đây, ta sẽ đưa các ông về, nhưng với một điều kiện là không được quay đầu nhìn trở lại… Hôm sau, năm trăm người thương chủ ra biển theo ngài Quán Thế Âm, (lúc bấy giờ là Thần Mã), khi thần mã sắp cất cánh bay, tụi quỷ La Sát hiện hình những cô gái đẹp, kêu la thảm thiết, kể lể bao chuyện mặn nòng thắm thiết với nhau, những người quay đầu lại đều bị rớt xuống biển, lúc bây giờ tụi quỷ vớt lên ăn thịt hết. Sự “quay đầu lại” có nghĩa là nhớ tưởng, khi tụi quỷ kêu thì các thương chủ liền nhớ lại những kỷ niệm cũ, nhớ những phút ái ân hay những thú vui dục lạc, thì lập tức lòng chao động, vì vậy nên bị rớt trở lại, vì vậy mới bị quỷ ăn thịt hết.
Trong đạo Phật rất kỵ chuyện quay đầu trở lại, vì khi chúng ta nhìn về quá khứ nhiều quá, nhớ tưởng lung tung, như những người tỵ nạn chúng ta, cứ hay quay trở về quá khứ, nhớ tưởng Sàigòn. Đừng có tưởng quê hương thật của chúng ta là Việt Nam đâu, vì chúng ta đã trải qua rất nhiều kiếp, đi lang thang qua nhiều cõi, nên không có nơi nào nhất thiết là quê hương của mình cả. Đó chỉ là những nơi mỏi gối chồn chân, khách tha hương dừng lại trên con đường giang hồ mải chơi, mà quê hương thật của chúng ta chính là Cực Lạc, là cái Tâm của chính mình, vì nơi nào có nhiều thần thông nhất, thì nơi đó là quê hương của mình, còn nơi nào nhiều đau khổ, nhiều kỷ niệm vớ vẩn nhất chỉ là nơi sau này chúng ta sẽ về để độ sanh thôi. Nên trong đạo Phật có kinh “người biết sống một mình”, có nghĩa là họ không nhớ tưởng đến quá khứ, không dự tưởng đến tương lai, mà chỉ sống trong hiện tại với tâm không chao động. Trong kinh Đại Bát Nhã cũng dạy như thế, dạy rằng, đừng nhớ tưởng phân biệt. Nhớ là nhớ đến quá khứ, tưởng là vọng tưởng đến cái vị lai, phân biệt là phân biệt các pháp này với pháp khác, nên bị dính vào những pháp ấy, mà phải chịu những khổ lụy triền miên.
Một ngày nào đó, khi lâm chung, thần thức chúng ta lìa khỏi xác, lúc đó rất dễ rơi vào sự hoang mang tiếc nuối, nhớ tưởng kinh khủng, nhớ chồng, nhớ vợ, nhớ những đứa con, những kỷ niệm, và nhất là nhớ tiếc cái thân mình vừa rời bỏ v.v… thì dễ bị đọa lắm. Như có một câu chuyện có một vị thương gia giàu có, nhưng tính tình rất hà tiện, có một hũ vàng dấu dưới gậm giường, đến khi mạng chung, nhưng không nỡ rời hũ vàng của mình, vì tâm còn tiếc nuối quá, nên quay lại, muốn đầu thai để có một cái thân, nhưng trong nhà không có ai thụ thai cả, chỉ có một con chó cái đang có chửa, nên thần thức ông ta chui ngay vào đấy, làm thân chó, cả ngày nằm trong gậm gường canh giữ hũ vàng ấy. Một hôm đức Phật đến, con chó cứ đứng trong nhà sủa ra mãi, đức Phật mới nói rõ tiền thân của nó như thế, mọi người trong nhà mới biết đó là bố mình, vì tiếc của mà phải bị làm thân chó. Nên việc “quay đầu lại” rất nguy hiểm, nhưng không có nghĩa rằng ta cứ lùi lũi mà đi một cách vô ơn, bạc nghĩa, ngược lại ta vẫn nhớ đến những ơn ấy, nếu có dịp sẽ trả ơn nhưng không bị đắm nhiễm trong ấy.
Một câu chuyện thần thoại thứ hai là chuyện con rắn, mình rất dài, nếu nó chỉ ngang nhiên đi một cách ung dung không nhớ tưởng thì không sao, nhưng hốt nhiên một ngày nào đó, nó bỗng quay đầu lại, nhìn thấy thân mình dài quá, tít cùng lại có cái đuôi ngoe nguẩy. Lúc đó, hốt nhiên khởi vọng, nghĩ rằng cái đuôi ấy không phải là mình, rồi từ đó Minh đầy những vọng. Cũng như phàm phu chúng ta sống trong pháp giới này, cứ nghĩ rằng pháp giới này không phải của mình, mà chấp nó là một cái gì riêng biệt với mình, nhưng trong kinh nói rõ, nó chính là tướng phần, từ tàng thức ánh ra pháp giới này, còn kiến phần thì hiện ra thân căn chúng ta. Chúng ta chính là diệu tâm, tự tách ra khỏi sự nhất như ấy, rồi quay lại nhìn, nên rơi vào sự phân đối.
Lần trước, tôi đã giảng một phần về điều này, hôm nay tôi muốn đọc cho quí vị nghe một khúc kệ ngắn trong kinh Lăng Già nói y như vậy, nghĩa là nói đến sự “soi gương.” Kinh Lăng Già là một bộ kinh rất khó hiểu, danh từ rất cô đọng, vì Phật nói cho các vị Bồ Tát nghe nên chúng ta đọc chỉ mong hiểu được một phần nào.
KINH: Khi ấy, Phật trùng tuyên nghĩa ấy nên nói bài kệ sau đây:
Huyễn mộng nước bóng cây.
Tóc xõa và hơi nóng.
GIẢNG: Huyễn mộng tức là cảnh huyễn, cảnh nào cũng là mộng. Như vừa rồi quí vị tụng một đoạn kinh Bát Nhã nói rằng, thấy các pháp đó đều như huyễn, nghe các âm thanh như trong mộng. Nên tôi vẫn nói, khi sống trong đời này, thỉnh thoảng ta giật mình ý thức thấy rằng tất cả các pháp đều như mộng ảo, thì đó là những giây phút có thể cứu giúp quí vị rất nhiều, vì nó sẽ giảm bớt đi những đắm say và sa ngã.
“Huyễn mộng nước bóng cây…” cảnh giới bên ngoài là huyễn, vì tất cả chỉ là ảnh tượng, là mộng huyễn như “nước bóng cây…” ví như cây bên bờ sông chiếu xuống nước, thì cảnh giới chúng ta nhìn thấy cũng y như thế, chỉ là bóng cây dưới nước thôi, không thật có.
KINH: Tóc xõa và hơi nóng…
GIẢNG: Trong kinh Lăng Nghiêm có nói một ví dụ như một người bị bệnh đau mắt, nhìn bóng đèn thấy hoa bóng đèn lòe chung quanh nó, còn người mắt sáng thì không thấy. Chúng sanh mê cũng tương tự như người bị bệnh đau mắt trông thấy hoa đèn như hoa đốm giữa hư không. Còn ở đây, ví như “tóc xõa,” tức là cảnh giới giống như một hình ảnh tóc xõa hiện ra trước mắt, chỉ là một ảnh tượng mà thôi. Còn “hơi nóng” là khi quí vị đi trên sông vào những buổi trưa nắng gắt, hơi nóng bốc lên tạo lên nhiều ảnh tượng trên sông, nhưng thực ra thì không có gì cả.
KINH:
Quán ba cõi như vậy.
Rốt ráo được giải thoát.
GIẢNG: Nếu chúng ta hay nhớ những thí dụ ấy và quán như huyễn nhiều, thì như tôi vừa nói, ngay loài quỉ đến muốn bắt cũng không thể thấy. Và quán như vậy là lối quán cao siêu nhất, nó là trung đạo song chiếu, vừa là giả vừa là không. Ngoài ra, tất cả những quán khác như quán hơi thở, các ấm, hay quán nhân duyên đều ở mức độ thấp hơn, vì sao? Vì những thứ quán ấy vẫn còn chấp có trong, có ngoài, vẫn có tự, có tha, còn vấp trong vòng nhị biên nên không được gọi là “rốt ráo.”
Trong Bát Nhã, ta thấy có mấy tầng lớp quán chiếu, đầu tiên là quán vô thường, sau quán nhân duyên, cuối cùng mới đến quán như huyễn, quán như huyễn là lối quán cao nhất, nhiều công đức nhất.
KINH:
Ví như nai khát nước.
Tâm mê hoặc động chuyển.
GIẢNG: Ví như con nai khát nước trong rừng sâu không kiếm được nước, bị cái khát rày vò giữa dòng sống sinh tử, và cái khát nước của nó giống như sự ái dục của chúng sanh đi trong đêm tối ái dục ấy, lúc nào cũng khao khát mọi thứ, như khát tiền, sắc đẹp, vinh hoa, tương tự như con nai khát nước vậy. Vì vậy, tâm mê ái dục ấy, nên bị mê loạn, động chuyển.
KINH:
Tưởng bóng nắng là nước.
Mà thực không có nước.
GIẢNG: Nai chạy lâu quá khát nên nhìn đằng xa thấy bóng nắng rung rinh nên nhìn ánh lên tưởng như có nước, kỳ thật chỉ là bóng nắng thôi. Chúng ta đi trên đường giữa trưa trời nắng cũng thế, nhìn xuống mặt đường phía xa, thấy óng ánh như ướt nước, nhưng kỳ thực không phải. Chúng ta tâm ái dục mong cầu nhiều, nhìn cái gì cũng lệch lạc duyên theo tâm ái dục của mình. Nên Phật dạy, tất cả cảnh giới chúng ta thấy chung quanh, như người, đồ vật, nhà cửa, cây rừng v.v… đều là những ảo ảnh nước thôi, không thật có, muốn nắm bắt cũng chỉ như nắm bắt hoa đốm giữa hư không. Mà chúng ta bị đọa làm thân người, súc sanh, ngạ quỉ v.v. đều chỉ vì trong vô lượng kiếp, không bao giờ chúng ta chịu nhìn vào tâm, mà chỉ nhìn vào vật bên ngoài, chỉ dùng tâm để hướng ngoại, như nhìn con cái, nhìn vợ, nhà cửa, của cải, tiền bạc v.v.. mà không bao giờ quay đầu lại nhìn vào tâm cả. Nên thỉnh thoảng chúng ta nên tập dừng chân lại, không chạy theo vật nữa mà nên nhìn vào tâm mình, nhìn lâu thì thấy rằng tất cả những vật ngoài kia đều là ảo ảnh nước trên đường, như hoa đốm giữa hư không, vì đến khi lâm chung, chúng ta không mang theo được bất cứ một thứ gì, từ vợ,chồng, con cái tiền bạc, của cải, xe cộ v.v… ngoại trừ cái nghiệp mình đã tạo và phước báo mình đã tu. Ngay đến khi già chết, chúng ta cũng không thể nhờ được con cháu một điều gì mà có thể đem đến một niềm an lạc, vì chính chúng nó cũng chỉ là những sản phẩm của cơn mê sảng thôi. Nên khi chết, hành trang của ta chính là những nghiệp báo ta đã tạo, lúc đó không thể “hối lộ” được với quỉ thần, vì luật tắc trong giới u minh rất nghiêm ngặt.
KINH:
Tưởng bóng nắng là nước.
Mà thật không có nước.
Thức chủng tử cũng thế…
GIẢNG: “Thức chủng tử”, ý ngài muốn nói rằng, tàng thức ta có những chủng tử đó khi đến thời cơ chín mùi, nó sẽ nở ra và ánh ra ngoài thành những y báo như thế, chứ không phải thực có, chỉ do đủ duyên thì tâm nở ra thế thôi. Nhìn cảnh giới bên ngoài lay chuyển, hiện đủ thứ này nọ, động chuyển, thay đổi, có thời gian, không gian, chính chỉ là từ do tâm “động” ánh ra, do những chủng tử hiện hành mà ra. Đó là “Thánh ngôn lượng” lời của bậc Đại Giác nói, vì các ngài đã đi qua những cảnh giới của chúng ta nhiều lắm rồi, các ngài đã vào đến tàng thức, đến những bình diện rất sâu, nên các ngài thấy rất rõ,rồi nói lại cho ta biết như vậy.
KINH:
Thức chủng tử cũng thế.
“Động” tâm chuyển thấy cảnh.
GIẢNG: Vì vậy, những gì tôi giảng ở đạo tràng này không phải tôi nghĩ ra đâu, mà chính là trong kinh nói như thế, tôi chỉ là người nói lại cho quí vị nghe,còn tin hay không là tùy ở quí vị. Tin thì tâm thức chúng ta còn có cơ hội tiến lên, không tin thì chỉ cô phụ chính mình thôi.
Tất cả những sự vật chúng ta cùng người khác trông thấy, như cây cỏ, núi non, (nhưng không trông thấy được quỉ), là do tâm ta động nên thấy thế thôi, nếu khi có những chủng tử nở khác, như ta có những chủng tử thấy quỉ thì nó sẽ nở ra, lúc bấy giờ ở ngoài sẽ có quỉ hiện đến. Nên hai câu kệ trên đây, tôi cho là rất quan trọng, nói lên cái cơ cấu căn bản của pháp giới này. “Thức chủng tử cũng thế. Động tâm chuyển thấy cảnh”. Ngoài kia, ngay cả không gian và thời gian cũng không có, vì tâm động nên tạo nên không gian và thời gian. Ngoài kia không có cảnh, chỉ vì diệu tâm ấy rất mầu nhiệm, nên khi ta quay đầu nhìn lại, thì lóe ra tất cả cảnh giới bên ngoài. Hoài bão của chư Phật chỉ muốn dạy chúng la có thế này thôi, tất cả kinh Lăng Già chỉ thu tóm trong hai câu này. Vì vậy, ngày xưa, có ngài Tăng Triệu làm một bộ luận nhỏ, nhưng rất nổi tiếng gọi là “Vật bất thiên luận.” Vật bất thiên là vật không rời đổi, không thay đổi. Ý ngài nói rằng, vật không hề thay đổi, như thân căn chúng ta đây, cây cỏ kia, núi sông kia, không hề lớn, già, chết v.v.. mà chính vì cái tâm ta chuyển nên ta mới thấy thế. Vì vậy kẻ nào chấp nhận và hiểu ý nghĩa sâu xa nhiệm mầu ấy, mà trong vòng nhiều năm suy tư mà thấy thấm được những lời kinh, tôi tin chắc chư Phật phải duỗi tay cứu độ kẻ ấy.
KINH:
Người ngu sanh vọng tưởng.
Như mắt bị bệnh lòa.
Từ đời vô thủy lại.
Nhiếp thọ sanh chấp đắm.
GIẢNG: Chúng sanh bị bệnh lòa mắt, bị ái dục làm lòa, chấp vào thân, chấp vào cảnh, quên rằng ta và pháp giới chính là một. Quên mất đi sự nhất như uyên nguyên, tự tách ra để chấp mình là khác với pháp giới này, rồi nhìn thấy pháp giới với muôn vàn hình tướng sai biệt, nên suốt ngày chạy theo những vật, không lúc nào ngơi nghỉ, rồi tham đắm vào đây. Tham từ những miếng thịt, ly rượu, áo đẹp, danh vọng, tham luyến người nữ kia, người nam nọ v.v… mà không bao giờ biết tham cái tâm cả, vì thế chúng sanh bị đầy đọa, trôi nổi trong sáu nẻo luân hồi mà không thể ra khỏi vòng xích sắt ấy. Vì vậy kinh mới nói “nhiếp thọ sanh chấp đắm” vì nhiếp thọ cảnh giới ấy, vì không hiểu cảnh là huyễn, trông thấy một cái xe hơi đẹp đâm đắm nhiễm mê say, khởi tâm muốn chiếm hữu cho được, dù phải đi vay nợ, hay tệ hơn nữa là đi lường gạt người để chiếm hữu cho bằng được. Tôi nhớ hồi còn trẻ, lúc khoảng độ hai mươi tuổi, trông một bộ quần áo đẹp mê không thể nói được, suốt đêm nghĩ cách làm thế nào có tiền để mua bộ quần áo, nhưng nếu lúc đó mà chợt nhớ được cái tâm mình, thì có lẽ chúng ta không còn bị cái đắm nhiễm vọng tưởng đó điều khiển nữa.
KINH:
Ngôn giáo chỉ giả danh.
Nó cũng không có tướng.
GIẢNG: Trong Bát Nhã luôn luôn nói tất cả chỉ là danh tự, danh tướng thôi, ý chỉ tất cả sự vật như cái núi kia, thì chúng ta tưởng cái núi ấy có thật, nhưng không hiểu rằng, vì chúng ta là người, có những cộng nghiệp tương đương, nên trong tàng thức ánh ra thành cái núi, những người khác vì cũng có những cộng nghiệp, nên trong tàng thức riêng của mỗi người đều ánh ra những quang minh kết nên cái núi ấy, nên cái thấy của tôi, cũng như của quí vị đều giao thoa với nhau để cùng nhìn thấy như thế. Nhưng với loài chúng sinh khác, có những cộng nghiệp khác, họ không cho đó là cái núi, mà có thể đi qua núi đá ấy một cách vô ngại. Nên mọi vật không nhất thiết là một cái gì, rồi ta đặt cho mỗi vật một danh tên, tưởng nó có thật, kỳ thật nó chỉ là huyễn thôi mà chỉ có danh tự. Vì vậy, Phật mới dạy rằng “ngôn giáo chỉ giả danh,” nghĩa là tất cả chỉ là huyễn mà chỉ có tên gọi chụp lên nó thôi. Đây là những điểm khó tin, khó hiểu, khó vào nhất.
KINH: Nó cũng không có tướng…
GIẢNG: Mà tướng của nó cũng chỉ là tướng huyễn, vì vật kia, sông kia, núi kia v.v… cũng huyễn mộng thôi. Nên tôi vẫn thường nói ở đây, khi xuống phố trông thấy một người quen đi giữa đường, sau khi dùng tâm thế gian chào hỏi, thì ta nên dùng cái tâm vi diệu để quán chiếu người đó chỉ như cái bóng trong tâm ta hiện lên thôi. Khi nghĩ được như vậy, thì người đó đẹp hay xấu, nam hay nữ, hôi nhơ hay thơm sạch v.v… ta cũng có một tâm bình đẳng, không đắm nhiễm, không thương, không ghét. Ngay cho dù họ có chửi vào mặt cũng không giận (điều này làm rất khó, vì cái ngã của ta rất lớn, còn lớn hơn núi Tu Di nữa, nên vừa nghe câu chửi là ta đã nổi sân lên rồi), hay ăn cắp tiền của ta cũng không khởi tâm giận họ. Ngược lại, họ có cho ta tiền hay cung kính lễ bái ta cũng không khởi tâm ngã mạn, vì biết tất cả chỉ do nhân duyên nở ra thôi.
KINH:
Ở đây khởi vọng tưởng.
Ấm hạnh như mớ tóc.
GIẢNG: Tức là ở tất cả cảnh huyễn kia do ta khởi vọng tưởng, vì thế các vật “ấm hạnh” giống như mớ tóc xõa xuống nên người đau mắt nhìn thấy thế.
KINH: Như bức vẽ mộng sự.
GIẢNG: Mộng sự là cảnh thấy trong mộng. Người họa sĩ chính là cái tâm vẽ lên đủ thứ, và cảnh giới hiện lên theo nghiệp lực như vậy. Khả năng của tàng thức chúng ta rất ghê gớm mà không ai biết cả. Đức Phật nói rằng, tất cả vật là do tâm ảnh hiện, ngoài ra không có gì khác.
KINH: Như thành càn thát bà.
GIẢNG: Những người đi biển vào đến những vùng chói chang mặt trời, hơi nước bốc lên chập chùng thường hay làm hiện lên hình dạng giống như những thành phố, nhưng chính thực không có, nên gọi là thành càn thát bà.
KINH: Như vành lửa, bóng nắng.
GIẢNG: Vành lửa là khi ta đốt một cây hương xoay tròn người ở xa nhìn thấy một vòng lửa, nhưng chính thực chỉ là một điểm hương cháy di động thôi (vẫn nói đến cảnh huyễn).
KINH: Vốn không mà hiện có.
GIẢNG: Chính thực nó không có gì hết, chỉ hiện ra như vậy thôi. Nên chúng ta phải luôn nhớ chữ hiện trong kinh.
KINH:
Chúng sanh thường mê chấp.
Thường, vô thường, nhất dị.
GIẢNG: Chúng ta hay mê chấp, cái vô thường thì chấp là thường, chấp rằng cái này giống cái kia, hay khác cái kia, chấp có nam, có nữ, có yêu, có ghét v.v.
KINH:
Do vô thỉ lỗi lầm.
Người ngu si vọng chấp.
GIẢNG: Do những tập khí nhận thức từ vô thỉ của chúng ta nên cứ phải trôi lăn chìm nổi mãi.
KINH: Tịnh nhãn thấy gương sáng.
GIẢNG: Còn những bậc Đại Bồ Tát và Phật, không bị bệnh mắt lòa, có con mắt thanh tịnh thì thấy pháp giới như một cái gương sáng, tất cả diệu tâm không có một vật, tuy rằng, nếu nhìn bằng nhục nhãn, các ngài cũng vẫn nhìn thấy pháp giới núi sông, người vật y hệt như chúng ta vậy, đồng thời nếu các ngài nhìn bằng huệ nhân thì tất cả như một tấm gương sáng. Cũng vẫn là câu chuyện soi gương của chàng Diễn Nhã, diễn tả một người có nhiều vọng nghiệp “soi gương’ nên làm lóe lên tất cả cảnh giới này. Ngược lại, đối với các ngài đắc đạo, như ngài Huệ Năng thì nói “Bổn lai vô nhất vật” là vì tất cả chỉ như một cái gương sáng tròn đầy.
KINH:
Thấy Ma ni bửu tháp.
Trong đó hiện các pháp.
GIẢNG: Những bậc có đạo lực cao, thì thấy các Ma ni bửu tháp, với những diệu pháp.
KINH: Mà thiệt vô sở hữu.
GIẢNG: Thí dụ như chúng ta có nguyện thanh tịnh muốn sang Cực Lạc, về sau chín mùi trong tâm thức ta sẽ ánh lên những cảnh giới của Cực Lạc, tuy cũng là huyễn, nhưng ta cần phải vào cái huyễn tế đó, sau mới ly huyễn và nhập vào chân không (diệu tâm).
KINH:
Hết thảy tánh hiển hiện.
Như tranh vẽ hơi nóng.
Hiện đủ các hình sắc,
Như mộng không thật có.
GIẢNG: Trong những bài kệ kinh Lăng Già, ngài chỉ dạy thu tóm một chữ huyễn thôi.
Tóm lại, chúng ta nên nhớ đến điểm soi gương, đó chính là tàng thức của mình ánh ra pháp giới, thân căn này. Tuy tách ra thành hai phần rõ rệt, trong ngoài, nhưng không phải hai. Vì tất cả pháp giới này đều Nhất Như, đều từ diệu tâm khởi ra, chúng sanh ngu si, tự tách đôi rồi tự tạo những cảnh huyễn của mình, sau đó bị lạc trong mê đồ ấy, và khởi lên lất cả những nghiệp vọng luân hồi.
Đấy là hết bài kệ trong kinh Lăng Già nói về khởi vọng.
***
Nay ta trở về kinh Hoa Nghiêm, với ngài Thiện Tài…
Kinh Hoa Nghiêm cũng dạy chúng ta Nhập Pháp Giới, cũng tương tự như thế. Nhập Pháp Giới là nhập vào trong tất cả diệu hữu ,tất cả các pháp, nhưng tâm vẫn vẳng lặng, không thọ một pháp nào, vẫn biết tất cả các pháp đều không thì lúc đó sẽ đắc được Vô Thượng Chánh Giác. Còn phàm phu chúng ta không phải là nhập pháp giới, mà là lạc vào mê đồ ảo phố của pháp giới, lạc loài trong đó, chịu mọi sự gian chuân, thống khổ, vì chúng ta chấp từng pháp một, hoặc chấp vài chục pháp, vài trăm pháp v.v… rồi tự làm những hàng rào ngăn cách chính mình với các pháp khác, nên không thể nhập trọn vẹn trong pháp giới. Ngược lại, Chư Phật nhập vào tất cả pháp nhưng không thọ một pháp nào cả nên mới đến mức nhập pháp giới trọn vẹn được.
Tôi xin tóm lược qua những kỳ giảng trước khi đi vào kinh. Khi Thiện Tài gặp ngài Phổ Hiền thì đầu tiên thấy những thoại tướng mây quang minh, rồi từ những quang minh ấy nở thành những thân chúng sanh, chư Thiên và các tầng trời, trông thấy bao la mọi cảnh giới, sau thu nhỏ lại nhìn thấy báo thân ngài Phổ Hiền ngồi trên tòa sen báu gần đức Phật. Lúc ấy, kinh không tả báo thân của ngài Phổ Hiền, mà tả từng lỗ lông của ngài, từ những lỗ lông ấy hiện ra vô số những thân vân, bửu vân, hoa vân, hương vân v.v.., mà mỗi thứ mây ấy kết thành vô lượng cảnh giời, có thứ kết thành cảnh trời cõi sắc, cõi dục, hay kết thành những thân thiên tử, hay kết thành những thân chúng sanh v.v… vẫn đi từ chỗ rất nhỏ, đến chỗ rất lớn. Sau khi Thiện Tài trông ngắm những lỗ lông của ngài Phổ Hiền rồi, thì chỉ riêng sự nhìn ngắm ấy thôi, Thiện Tài đắc được mười thứ trí ba la mật. Trong đạo phật, tột cao nhất là cái trí, rồi sau đó biến thành lực. Lực là sức biến hóa, đồng thời cũng là cái dụng, còn trí là bản thể tạo nên sự biến hóa ấy. Khi Thiện Tài đắc được mười thứ trí ba la mật là gần đến chỗ tột cùng rồi.
KINH: Trí ba la mật có thể trong mỗi niệm đi khắp tất cả các cõi Phật.
GIẢNG: Ngài dùng trí ba la mật mà trong mỗi niệm – một thời gian rất ngắn – có thể đi vào khắp tất cả cõi Phật, chỉ dùng trí của mình để đi mà không cần mang cả thân này.
KINH: Trí ba la mật trong mỗi niệm đều có thể qua đến tất cả chỗ Phật.
GIẢNG: Ở đoạn kinh trên thì chỉ nói đến các cõi Phật thôi, còn đoạn kinh này lại nói đến ngay chỗ Phật ngự, để cung kính cúng dường. Như vậy, Thiện Tài đã hóa giải được không gian.
KINH: Trí ba la mật, trong mỗi niệm đều có thể cúng dường tất cả Như Lai.
GIẢNG: Chỉ dùng cái trí ấy, hóa hiện đủ các thứ cúng dường, chỗ Phật ở đâu thì Thiện Tài hiện thân mình đến đó, rồi hiện các đồ cúng dường thành những mây, hoa, hương v.v… để cúng dường lên chư Như Lai, mà không cần phải dùng đến ngoại vật, mà chỉ dùng trí để hiện lên vật mà thôi. Tức là trí ấy là sự biến hóa không cùng.
KINH: Trí ba la mật trong mỗi niệm ở khắp chỗ của tất cả Như Lai để nghe pháp và thọ trì.
GIẢNG: Tới đó nghe pháp và nhớ mãi không quên. (đắc văn đà ra ni).
KINH: Trí ba la mật trong mỗi niệm tư duy pháp luân của tất cả Như Lai.
GIẢNG: Trong mỗi niệm, Thiện Tài tư duy các pháp luân của tất cả Như Lai. Trong đạo phật, pháp của đức Phật là “pháp luân,” bánh xe pháp, vì giáo lý của Như Lai tương tự như một cái thiên la võng, không có đầu, không có đuôi, và bánh xe ấy nói về đạo lý vận hành của pháp giới này. Vì thế gọi là “pháp luân” và nó cũng không cùng, không tận. Một người đắc đạo cao, chỉ cần một câu, nhẫn đến một chữ mà có thể diễn giảng mãi cũng được, như ngài Xá Lợi Phất, chỉ cần một chữ gì đó (tôi cũng quên mất), ngài có thể giảng bảy ngày, bảy đêm mới xong, vì trí huệ của ngài xoay tròn, đi theo đạo lý vận hành ấy nên nói mãi cũng không hết.
KINH: Trí ba la mật trong mỗi niệm biết sự đại thần thông bất tư nghì của tất cả Phật.
GIẢNG: vẫn là biến hóa.
KINH: Trí ba la mật trong mỗi niệm nói một câu pháp tột thuở vị lai biện tài vô tận.
GIẢNG: Khi có cái trí ấy rồi, Thiện Tài nhập vào pháp giới, ngay chỉ một chữ “diệu” thôi, trong một bông hoa thế nào, trong ngọn cỏ ra sao, hay trong một hạt cát, một người v.v… tất cả biến hóa thế nào, ngài cũng có biện tài vô tận nói mãi cũng không hết được nghĩa lý vi diệu của nó.
KINH: Trí ba la mật trong mỗi niệm dùng thâm bát nhã quán tất cả pháp.
GIẢNG: Tới trí này rồi, Thiện Tài vừa có Chân Không, vừa có Diệu Hữu, lúc nào cần dùng chân không đó thì dùng thâm Bát Nhã để quán tất cả các pháp đều huyễn mộng.
KINH: Trí ba la mật trong mỗi niệm nhập tất cả pháp giới thiệt tướng hải.
GIẢNG: Tất cả pháp giới đều là không, khi vào đến hiện chân không ấy, đồng thời khởi lên nhập vào tất cả các pháp mênh mông như đại hải, có thể nhìn rõ từng chi tiết, từng pháp một mà vẫn thấy chập chùng huyễn mộng, nên gọi là “nhập pháp giới thiệt tướng hải.”
KINH: Trí ba la mật trong mỗi niệm biết tâm của tất cả chúng sanh. Trí ba la mật trong mỗi niệm huệ hạnh của Phổ Hiền đều hiện tiền. Thiện Tài đã được mười trí ha la mật này rồi, Phổ Hiền Bồ Tát liền dơ tay hữu xoa đầu Thiện Tài…
GIẢNG: Thiện Tài được hai lần xoa đầu. Ngài Văn Thù và ngài Phổ Hiền. Đến đây, được ngài Phổ Hiền xoa đầu tức là Thiện Tài đã được sự ấn chứng là nhập vào pháp giới khá sâu. Như tôi đã nói ở đây, ngài Văn Thù tiêu biểu cho căn bản trí, còn ngài Phổ Hiền tiêu biểu cho hậu đắc trí. Giống như một xoáy nước nỗi lên trong biển diệu tâm (căn bản trí) vì mê vọng nên khởi một cuộc hành trình đi xuống đến chỗ cùng tột của mê đồ từ địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, kiếp người, thiên v.v… Sau khi đi lang thang khắp mọi nơi, cuối cùng hốt nhiên có một niệm thủy giác muốn vòng trở về với diệu tâm uyên nguyên ấy gọi là thủy giác. Sau khi thủy giác đi mãi, làm các hạnh nguyện tu hành,sau cùng thành tựu sai biệt trí tột cùng cũng tức là hậu đắc trí và đồng như căn bản trí. Nói một cách khác, cuộc hành trình của chúng sanh là tự mình rời bỏ căn bản trí ấy, tự mình rời bỏ cái diệu minh, để đi xuống, chỉ giữ lấy cái hư minh, mang cái hư minh ấy, đi là đà mãi trong mê đồ, đi qua các kiếp, các cõi, đến tột cùng thì một lúc nào đó, bắt đầu có ý muốn trở về. Và sau khi ngoi ngóp vượt qua năm màn sương mù của năm ấm, vượt luôn qua thức ấm, thì đến được chỗ sai biệt trí, cũng là hậu đắc trí, trở về với căn bản trí.
KINH: Được xoa đầu, Thiện Tài liền được tất cả phật sát vi trần số môn tam muội, mỗi tam muội lại dùng phật sát vi trần số tam muội làm quyến thuộc.
GIẢNG: Khi Thiện Tài được xoa đầu có nghĩa là trở về biển diệu tâm, đó là biển của tâm vi tế nhất, trong đó cụ túc tất cả mọi thứ nên có đủ các tam muội, vì bất cứ tâm tưởng nào khởi lên cũng đủ sức định lực để trở thành một tam muội. Lúc bấy giờ không có duyên làm chia chẻ, lệch lạc.
KINH: Mỗi mỗi tam muội đều thấy tất cả phật sát vi trần số phật đại hải mà từ xưa chưa thấy tích tập tất cả phật sát vi trần số nhất thiết trí trợ đạo…
GIẢNG: Trong mỗi tam muội,Thiện Tài lúc đó đã vào được Diệu Tâm, nên có thể thấy được vi trần số phật sát,những cõi phật mênh mông như biển mà từ xưa Thiện Tài chưa từng thấy. Muốn vào lần lần được bình diện “tột vi tế” của diệu tâm này, Thiện Tài cần tích tập tất cả phật sát vi trần số nhất thiết hạnh trí trợ đạo. Tu hành những gì thì gọi là “Nhất thiết trí trợ đạo” Khi người tu đao, khác với người tu bình thường là làm bất cứ hạnh nào làm trợ đạo, các ngài đều hồi hướng nhất thiết trí, không bao giờ các ngài nghĩ đến những chuyện chứng đắc nhỏ khác, như đắc quả tu đà hoàn, a na hàm, a la hán v.v… mà chỉ nghĩ đến nhất thiết chủng trí, là chỗ Tri Kiến Phật, và các ngài có thể nhập pháp giới trọn vẹn. Thí dụ như chúng ta cầu xin về cõi Cực Lạc, sau khi bỏ báo thân này, thì ta cũng nên cầu rằng, con nguyện xin vô cõi ấy, để đắc được quả nhất thiết trí này, rồi dùng nhất thiết chủng trí khởi thần thông vô lượng trở lại sanh tử độ sanh, đó mới đúng với bản hoài của chư Phật. Nên trong đoạn kinh này, lúc nào cũng nhắc đến nhất thiết chủng trí.
KINH: Sanh đủ tất cả phật sát vi trần số nhất thiết tri thượng diệu pháp.
GIẢNG: Tức là sanh đủ tất cả các vi trần số thượng diệu pháp mà hướng về nhất thiết trí.
KINH: Phát tất cả phật sát vi trần số nhất thiết trí đại thệ nguyện.
GIẢNG: Dù khởi cái nguyện nào cũng đều hướng đến Phật Tri Kiến, không bao giờ kém hơn. Không phải như thế là các ngài có lòng tham cầu vị kỷ, vì trong sự mong cầu có sự “tự tha vô ngại”, và khi tham cầu nhập pháp giới, trở lại cái nhất như uyên nguyên đó chỉ để độ sanh thôi, và đã xả ly hết ngã rồi.
KINH: Nhập tất cả phật sát vi trần số đại nguyện hải, trụ tất cả phật sát vi trần số nhất thiết trí xuất yếu đạo, tu tất cả phật sát vi trần số bồ tát nhất thiết trí đại tinh tấn, được tất cả phật sát vi trần số nhất thiết trí tịnh quang minh.
GIẢNG: Tu hành những hạnh để mong có được những quang minh ấy, những pháp xuất yếu đó để tới được đến nhất thiết chủng trí, tức nhập pháp giới trọn vẹn.
KINH: Như ở Ta Bà thế giới chỗ của Tỳ Lô Gĩá Na Phật này, Phổ Hiền Bồ Tát xoa đầu Thiện Tài Đồng Tử, khắp mười phương thế giới, trong mỗi vi trần nơi những thế giới ấy, tất cả thế giới, tất cả chỗ Phật, Phổ Hiền Bồ Tát cũng xoa đầu Thiện Tài như vậy, những pháp môn tam muội chứng được cũng đồng.
GIẢNG: Như cõi Ta Bà thế giới của đức Tỳ Lô Giá Na Phật này, trong kinh không nói của đức Thích Ca Mâu Ni, vì đức Phật vẫn thường nói ta với ngài Tỳ Lô Giá Na Phật cũng là một, cũng là khác. Mỗi vị thị hiện cách khác, nhưng đồng là Diệu Tâm cả. Do ảnh hiện chập chùng của Hoa Tạng, khi ngài Phổ Hiền xoa đầu Thiện Tài thì trong tất cả các cõi, tất cả các vi trần đều ảnh hiện lên đồng một hình ảnh như thế. Như tôi vẫn thường nói, chúng ta ngồi đây nghe kinh, thì trong tất cả vi trần các cõi đều ảnh hiện lên hình ảnh đạo tràng nhỏ bé này, với chúng ta đọc, tụng, nghe giảng kinh như thế, nhưng vì tâm chúng ta còn lồi lõm, còn đục ngầu, nên ảnh hiện ấy không rõ, đến khi nào chúng ta lên đến bực của ngài Thiện Tài thì cũng sẽ thấy ảnh hiện rõ ràng.
Tu hành đến chỗ tột bờ mé thì hiện ra những trạng thái như vậy, tức là nhìn thấy được tất cả các cơn lốc quang minh, khởi lên những tầng trời, các thứ thân chúng nanh, rồi sẽ nhìn thấy báo thân của một vị Phật hay Bồ Tát mà chúng ta mong muốn được nhìn, như Phật A Di DA, ngài Quán Thế Âm, ngài Phổ Hiềnv.v… rồi nương vào thần lực của các ngài đưa chúng ta đến chỗ bất thối chuyển, rồi được các ngài thọ ký, tới chỗ nhập pháp giới trọn vẹn, tức Phật quả.
KINH: Bấy giờ Phổ Hiền Bồ Tát bảo Thiện Tài rằng, này thiện nam tử, ngươi thấy thần lực của ta chăng?
GIẢNG: Lúc nào ngài cũng nói đến thần lực. Vì vậy, pháp giới này và thân căn chúng ta chỉ dệt nên bởi ba thứ lực: Thần lực hải của chư Phật, nguyện lực hải của chư đại Bồ Tát và nghiệp lực hải của chúng sanh.
KINH: Thiện Tài thưa: Bạch vâng, những sự thần thông quảng đại bất tư nghì này chỉ đức Như Lai mới biết được.
GIẢNG: Ý Thiện Tài muốn nói là thần thông quảng đại đó thuộc về Như Lai, mà ngài Phổ Hiền cũng là một vị Phật, (ngài chỉ thị hiện là Bồ Tát để khiến chúng sanh cảm thấy gần gũi hơn), vì sự nhập pháp giới này tột cao, bậc thập địa cũng chưa thể làm nổi. Tôi cũng xin nhắc một điểm là giữa bậc cửu địa Bồ Tát và bậc thập địa cách nhau rất xa, vì một vị Bồ Tát ở thập địa có thể cái chân, nhấc tay mà cửu địa Bồ Tát không thể biết nổi. Và những tam muội, những hành xứ, những tâm tưởng ngài khởi lên thì bậc cửu địa không thể biết nổi. Nên vì vậy, quanh chúng ta đây, chư Phật hiện thần thông biến hóa tràn đầy và ta đang sống trong ấy, nhưng cũng không hay, không biết mảy may. Như khi ta đau ốm quá, tự nhiên một hôm có người mách một thứ thuốc, mang về uống thì thấy đỡ. Tâm lý thường chúng ta nghĩ đó là do cơ duyên may mắn, gặp người mách thuốc. Nhưng riêng ý tôi, tôi nghĩ rằng, khi nghiệp chúng ta chuyển biến, nhiều khi các vị thần linh giúp ta bằng cách này hay cách khác, nhưng thường các ngài không bao giờ hiện ra cho ta biết, mà chỉ đưa đẩy cơ duyên qua tay người khác đem đến thôi. Cũng như người đi tàu bị đắm, người ấy khấn ngài Quán Thế Âm thì rất ít khi ngài hiện ra cho người bị nạn thấy, ngài chỉ dùng cơ duyên như hiện một miếng ván tấp đến cho kẻ kia níu lấy để trôi vào bờ. Vì nghiệp chướng của ta quá sâu dày, chưa đáng nhìn thấy hình tướng các ngài, nên chỉ nhận được những duyên do các ngài đẩy đến và phần đông chúng ta chỉ tưởng là tình cờ, ngẫu nhiên. Nhưng trong pháp giới này không có sự ngẫu nhiên (hasard). Cũng không có sự quyết (ljnh (déterminismè). Chỉ có sự tương ưng (correspon- (lancè) giữa pháp giới và Tâm nở ra mà thôi. Ở trong nở tốt, thì ngoài hiện tướng tốt, và ngược lại.
KINH: Này thiện nam tử, thuở quá khứ bất khả thuyết bất khả thuyết phật sát vi trần số kiếp, ta thật hành bồ tát hạnh cầu nhất thiết trí. Trong mỗi mỗi kiếp vì muốn thanh tịnh bồ đề tâm, nên kính thờ bất khả thuyết bất khả thuyết phật sát vi trần số Phật. Trong mỗi mỗi kiếp vì tích tập nhất thiết trí phước đức nên thiết lập bất khả thuyết bất khả thuyết phật sát vi trần số thí hội quảng đại, khiến tất cả thế gian đều nghe biêt, phàm ai đến cầu xin thời đều làm cho họ đầy đủ cả.
GIẢNG: Trong đoạn này, ban đầu thì ngài tu hạnh lễ kính chư Phật, sau thì tu theo hạnh bố thí (đàn ba la mật).
KINH: Trong mỗi mỗi kiếp vì cầu pháp nhất thĩết trí nên ta đem bất khả thuyết bất khả thuyết phật sát vi trần số tài vật bố thí.
GIẢNG: Ở đây, thì ngài bố thí ngoại vật, cho của cải. Ngài kể qua cho Thiện Tài nghe về con đường bồ tát hạnh của ngài.
KINH: Trong mỗi mỗi kiếp vì cầu phật trí, nên ta đem bất khả thuyết bất khả thuyết phật sát vi trần số thành ấp, tụ lạc, quốc độ, vương vị, thê tử, quyến thuộc, mắt tai mũi lưỡi, thân thịt tay chân đến cả mạng sống để bố thí.
GIẢNG: Đoạn kinh này, ngài bố thí đến nội vật, ngay cả thân thể mình cũng đem ra bố thí, không những tu hạnh đó trong một kiếp, mà vô lượng vô số kiếp. Vì phải cho như thế thì mới thành tựu môn “Như huyễn tam muội”, hiểu thân thể này cũng là huyễn, mà thật ra không có cái chết, nó chỉ biến hóa từ một thân căn này qua một thân căn khác. Phàm phu chúng ta sợ hãi không làm được hạnh bố thí thân căn ấy vì chưa quen, cũng như chưa tin sự biến hóa ấy. Lúc đầu thí thân thì sợ lắm, nhưng về sau, khi quen rồi, các ngài làm việc ấy rất dễ dàng, kinh nói rõ rằng, một vị Bồ Tát khi thí thân, thì có pháp hỷ sung sướng như một vị Tỳ kheo nhập đệ tam thiền vậy.
KINH: Trong mỗi mỗi kiếp vì cầu nhất thiết trí thủ, nên ta đem bât khả thuyết bất khả thuyết phật sát vi trần số đầu để bố thí. Trong mỗi mỗi kiếp vì cầu nhất thiết trí, nên ở chỗ bất khả thuyết bất khả thuyết phật sát vi trần số Như Lai, ta cung kính tôn trọng, kính thờ cúng dường, rồi xuất gia học đạo, trong phật pháp tu hành hộ giáo.
GIẢNG: Phàm phu chúng ta cứ tưởng rằng khi tu hành nhất thiết phải đến chùa, thọ giới, mặc áo sư, và xuất gia v.v… nhưng trong tất cả pháp giới này, “sự-kỳ- diệu-là-cái-gì-cũng-có-thể-có-được”. Kinh nói rằng, có những cõi tịnh độ, như cõi của ngài Văn Thù Sư Lợi là cõi “Phổ Kiến Như Lai” tất cả chúng sanh vừa mới sanh ra đã được mặc áo cà sa rồi. Cũng như chúng ta chỉ thấy có thai sanh thôi, người mẹ sanh ra người con, nên không hiểu rằng có những kiếp chúng sanh thanh tịnh đến mức độ hóa sanh từ hoa sen xong, không cần phải đi thọ giới, người vốn là pháp hạnh, được mặc ngay áo cà sa, (trong Đại Bảo Tích).
KINH: Này thiện nam tử, ta ở trong những số kiếp như vậy, tự nhớ chưa từng có một niệm chẳng thuận phật giáo, chưa từng có một niệm sanh lòng sân hại…
GIẢNG: Niệm nào cũng đều tùy thuận Bồ Đề tâm cả, nhất là không có niệm nào sân hại cả. Trong kinh Hoa Nghiêm có hai chỗ, ở phẩm thứ ba mươi lăm, ngài Phổ Hiền nhấn mạnh hai lần về lòng sân. Bồ Tát không bao giờ được khởi lòng sân đối với một vị Bồ Tát khác, vì lòng sân rất ghê gớm, nó như ngọn lửa có thể đốt hết tất cả những pháp lành và công đức của mình. Lòng tham thì không đốt căn lành nhiều như lòng sân, nhưng nó làm cho chúng ta lưu luyến, làm tâm bị nặng nề trần trược, nên không thể thăng hoa lên được.
KINH: Cũng chưa từng có một niệm sanh tâm ngã, ngã sở…
GIẢNG: Ngài cũng không từng có một niệm sanh tâm cái này của mình, cái kia là mình v.v… vì ngài đã nhập vào diệu tâm ấy, biết rằng, ta và pháp giới này là một, nên không khởi lên sự sai biệt đôi bên.
KINH: Tâm mình người sai biệt, tâm xa rời bồ đề, tâm nhàm mỏi sanh tử…
GIẢNG: Cũng không bao giờ ngài khởi tâm nhàm mỏi sanh tử, vì nếu có tâm nhàm mỏi thì sẽ rơi vào hàng Thanh Văn, mà không thể tiến xa hơn để độ sanh và Nhập pháp giới trọn vẹn được.
KINH: Tâm lười biếng, tâm chướng ngại, tâm mê hoặc…
GIẢNG: Không bao giờ nên khởi tâm mê hoặc người khác. Nếu một vị đạo sư, hoặc tự xưng mình là một đạo sư kỳ diệu có nhiều người theo, hoặc muốn nói những chuyện quyến dụ người khác, làm cho họ nghe mình, muốn họ cúng dường mình thật nhiều, thích được phật tử khen mình nhiều, hay sai đệ tử đăng báo ca tụng mình v.v… tất cả những điều ấy đều rơi vào cái “tâm mê hoặc” người khác. Ngược lại, một vị đạo sư khi nói pháp, chỉ cốt làm thế nào để giữ được tâm trang nghiêm, đừng cầu gì thì vị đạo sư đó không có tâm mê hoặc.
KINH: Mà ta chỉ an trụ tâm đại bồ đề vô thượng chẳng thể trở hoại tích tập pháp trợ đạo nhất thiết trí.
GIẢNG: Tu hành bất cứ con đường nào, mục đích chung chỉ để đến nhất thiết trí thôi. Đấy là ngài Phổ Hiền nói thế, mặc dù Thiện Tài cũng biết rồi, nhưng ngài cũng vẫn cứ nhắc lại để kinh lại cho người đời sau noi theo, không nên xen một tâm niệm nào khác làm lạc tâm bồ đề và tâm cầu nhất thiết trí.
KINH: Này thiện nam tử, ta trang nghiêm phật độ, dung tâm đại bi cứu hộ chúng sanh, giáo hóa thành tựu, cúng dường chư Phật, thờ thiện tri thức, vì cầu chánh pháp nên hoằng tuyên hộ trì, trong thân ngoài vật đều có thể xả tất cả, đến mạng sống cũng không tiếc.
GIẢNG: Trong kinh Đại Bảo Tích có một vị hỏi Phật rằng, người tu hành trong rừng sâu, thấy những cọp, beo, lang sói, rắn độc v.v… rất sợ, thì lúc đó phải làm sao? Phật dạy, người tu hành trong rừng sâu phải coi thân mình như cây cỏ, tường vách, giả dụ như nó đến ăn cũng chẳng sao. Nên phải hiểu tâm vô úy của người tu hành trong đạo Phật ở một mức độ rất cao, dù cho hổ đói có đến ăn cũng bố thí bỏ xả thân này không một niệm luyến tiếc, sợ hãi. Ngày xưa, đọc đến những đoạn kinh Phật dạy như thế, tôi thấy thật là khủng khiếp và quá sức phi nhơn bản, nhưng dần dần, suy tư nhiều về những lời kinh, tôi thấy quả đúng như thế, không có thể làm gì khác khôn ngoan hơn điều Phật dạy, phải coi thân này như cây cỏ, tường vách, “người giữ thi la không trọng thân mạng, vì dùng con mắt ảo quán sát pháp giới.” Nên Phật giáo là một tôn giáo đạt tới mức cao độ tâm thức một cách tột cùng, không có một tôn giáo nào sánh kịp.
HỎI: Ở Việt Nam, cũng có những vị sư mỗi tối ra ngoài vườn, cởi trần ra để cho muỗi đốt, làm như vậy sẽ có những con muỗi độc đốt xong rồi truyền bệnh cho vị này, sau đó vị nàỵ có bệnh như sốt rét chẳng hạn, mà chứng sốt rét có thể lây bệnh cho người khác nữa. Hành động như thế là đúng hay sai? Bố thí như thế có đúng không?
ĐÁP: Nói đến việc đúng sai thì phải xét cái tâm của vị ấy. Trong cuốn “Đường về Cực Lạc” có một vị sư mỗi tối, ngài chui vào bụi, cởi trần cho muỗi đốt, dùng máu của mình nuôi chúng sanh khác, đó là xả thân để bố thí. Hành động này tôi cho là đúng.
HỎI: Nhưng còn vấn đề làm lây bệnh cho người khác thì sao? Nếu làm một hạnh để giúp được một khía cạnh này, thì vô hình chung ta lại tạo ra một mặt khác hại người.
ĐÁP: Có thể cũng truyền bệnh cho người khác, nhưng người khác nếu bị lây bệnh cũng có gì là tuyệt đối quan trọng đâu, vì người ấy cũng được vơi nghiệp đi. Phần đông chúng ta chưa đến mức độ tâm thức đó đâu, vì trước hết thường nghĩ rằng mình làm thế bị bệnh thì lôi thôi lắm, đau đớn khổ sở, không tu hành được chẳng hạn chúng ta không làm được vì tâm thức còn hạn hẹp hòi, còn sợ bệnh tật, có nghĩa rằng còn chấp ngã, còn quí cái thân xác này, còn cho nó có thực, còn chấp rằng, có người thọ, có kẻ gây v.v… Nhưng nêu xét theo pháp giới về cả hai khía cạnh, thì không có gì trên thế gian này quan yếu cả, chỉ là một tuồng biến hóa thôi. Cùng lắm bệnh nó có thể làm cho chúng ta bỏ thân này, nhưng cái giới thân huệ mạng của chúng ta đâu có chết, bỏ được thân này, biết đau lại có một thân khác thanh tịnh hơn, thần thông biến hóa hơn.
Riêng tôi, tôi cho rằng hạnh bố thí của những vị đó là đúng nhưng ít người có thể làm nổi. Đó chỉ là một hình thức bố thí xả bỏ thân này thôi mà chúng ta không làm nổi rồi, hà huống gì nói đến việc cho mắt, mũi, tủy não…
KINH: Nếu dùng thời gian kiếp hải để nói nhơn duyên đó, kiếp hải còn có thể hết chớ nhơn duyên đó không cùng tận. Này thiện nam tử, trong pháp hải của ta, không có một chữ, không có một câu…
GIẢNG: Ngài dùng chữ “pháp hải” là biểu tượng một cái gì bao la mênh mang vô tận, nhưng trong pháp hải ấy không có một chữ, không có một câu (tức Bát Nhã).
KINH: Chẳng phải thí xả ngôi Chuyển Luân Vương mà cầu được. Chẳng phải thí xả tất cả sở hữu mà cầu được.
GIẢNG: Ý ngài muốn nói, tất cả sự thí xả về tài vật vẫn còn thấp, không thể như thế mà cầu được pháp ấy.
KINH: Này thiện nam tử, pháp của ta cầu đều vì cứu hộ tất cả chúng sanh. Một lòng suy nghĩ mong cho chúng sanh được nghe pháp nầy. Nguyện dùng trí quang chiếu khắp thế gian. Nguyện vì chúng sanh mà khai thị trí xuất thế gian…
GIẢNG: Tức là xả thí như thế vẫn chưa đủ mà phải dùng đại bi để cứu độ tất cả chúng sanh, và nhất là phải có pháp thí.
KINH: Nguyện cho chúng sanh đều được an lạc. Nguyện khắp tán dương những công đức của chư Phật, thuở xưa, nhơn duyên của ta như vậy, trong bất khả thuyết bất khả thuyết phật sát vi trần số kiếp hải nói không hết được.
GIẢNG: Hạnh của ngài là hạnh “hải.” Phổ Hiền hạnh nguyện hải phải làm rất nhiều kiếp.
KINH: Này thiện nam tử, vì thế nên ta dùng sức trợ đạo pháp như vậy, những sức thiện căn, sức đại chí nguyện, sức tu công đức, sức như thiệt tư duy tất cả pháp, sức trí huệ nhãn, sức Phật oai thần, sức đại từ bi, sức tịnh thần thông, sức thiện tri thức như vậy nên ta được pháp thân thanh tịnh tam thế bình đẳng rốt ráo này.
GIẢNG: Ngài tu những hạnh đó nay được pháp thân thanh tịnh bình đẳng rốt ráo như thế, không những được pháp thân ngài còn được cả báo thân và hóa thân.
KINH: Ta lại được sắc thân thanh tịnh vô thượng siêu các thế gian, tùy sở thích tâm của chúng sanh mà hiện hình vào tất cả cõi khắp tất cả xứ, nơi các thế giới rộng hiện thần thông, làm cho người thấy đều vui mừng.
GIẢNG: Ngài kể rằng, khi vào được biển thần lực hải đó rồi (pháp thân), đồng thời ngài lại có sức đại bi, hiện tất cả các thân tùy theo các loài để độ sanh (hóa thân).
KINH: Này thiện nam tử, ngươi quan sát sắc thân của ta như vậy.
GIẢNG: Pháp thân chưa nói đến, chỉ nói đến sắc thân thôi, sắc thân này là thân thanh tịnh vô thượng siêu các thế gian.
KINH: Sắc thân của ta đây đã thành tựu từ vô biên kiếp hải. Vô lượng ngàn ức na do tha kiếp khó thấy khó nghe. Này thiện nam tử, nếu có chúng sanh chưa gieo thiện căn và gieo ít thiện căn, Thanh Văn, Bồ Tát thời còn chẳng được nghe danh hiệu của ta huống là thấy được thân ta.
GIẢNG: Ngài nói thế, xong ngài lại bảo Thiện Tài đi vào sắc thân của ngài, vào từng lỗ chân lông ngài.
KINH: Này thiện nam tử, nếu có chúng sanh được nghe danh hiệu của ta thời không còn thối chuyển nơi vô thượng bồ đề. Nếu ai hoặc thấy, hoặc chạm, hoặc rước, hoặc đưa, hoặc tạm theo dõi, nhẫn đến trong mộng được thấy nghe ta, thời đều cũng được bất thối chuyển.
Hoặc có chúng sanh một ngày, một đêm nhớ nghĩ đến ta thời liền được thành thục. Hoặc bảy ngày, bảy đêm, nửa tháng, một tháng, nửa năm, một năm, trăm năm, ngàn năm, một kiếp, trăm kiếp, nhẫn đến bất khả thuyết bất khả thuyết phật sát vi trần số kiếp nghĩ nhớ đến ta mà được thành thục.
GIẢNG: Có người chỉ cần nghĩ nhớ đến ngài một ngày một đêm đã được thành thục bất thối chuyển, nhưng cũng có người lâu hơn, có thể bảy ngày, bảy đêm, một tháng một năm, nhiều năm, nhiều kiếp nghĩ nhớ đến ngài mới được thành thục.
KINH: Hoặc thấy ta phóng đại quang minh, hoặc thấy ta chấn động cõi Phật, hoặc sanh e sợ, hoặc sanh hoan hỷ thảy đều thành thục.
GIẢNG: Khi ngài phóng đại quang minh và thấy ngài chấn động cõi Phật, thì dù cho tâm ngươi sanh e sợ, hay sanh tâm hoan hỷ, nghĩa là duyên nào cũng tốt cho người ấy cả. Vì thế, trong đạo Phật kỵ nhất là hạng người thờ ơ, không theo, không chống. Tốt nhất là người tin thuận theo, tốt nhì là người chống đối, tỷ dụ như Việt Cộng, nhưng đó là một “cơ duyên nghịch,” vì sau khi xuống địa ngục xong, lên làm người lần lần sẽ gặp được các bậc thiện tri thức hay gặp Phật. Còn những người cứ lờ dờ, chẳng tu hành, chẳng nghe kinh, chẳng tin, cũng chẳng chống đó là hạng người bết nhất. Trở lại đoạn kinh này, những vị nào thấy những quang minh phóng ra của ngài Phổ Hiền, hoặc phát sợ hãi khi tất cả cõi phật chấn động, hoặc phát tâm vui mừng khấp khởi, hai hạng người này đều được độ cả. Trong kinh Mật Tông có nói một thí dụ về điểm này, ví như một người đi vào rừng Chiên Đàn lấy cây chiên đàn về cúng Phật là tốt nhất rồi, nhưng cũng có loại người vào đó đập phá lung tung, đến khi người ấy về tuy bị tội đập phá rừng chiên đàn, nhưng trên người vẫn thoảng có mùi hương chiên đàn, nên cũng vẫn được lợi ích. Duy còn một loại người không hề ghé chân qua rừng chiên đàn ấy, thờ ơ thì đó là loại người đáng thương nhất, họ sống bập bềnh, mù mịt trong pháp giới này, vì mùi hương chiên đàn (ví như pháp vị của Chư Phật), không thể thấm vào thân tâm của họ được. Lại một thí dụ khác, là có một vị tỳ kheo ni, vào trong cung vua khuyên các cung phi đi tu, các cô này bảo rằng, chúng tôi đi tu làm sao được, vì chúng tôi còn trẻ đẹp, yêu đời, đi tu thế nào cũng phạm giới. Vị tỳ kheo ni lại bảo, thì các vị cứ tu đi, rồi cứ… phạm giới đi, sau khi bị đọa địa ngục rồi lên sẽ có cơ duyên gặp Phật, lúc đó sẽ được ngài điểm hóa rồi có thể tinh tân tu hành. Đó là một cách gieo những chủng tử lành cho nhiều đời sau vậy.
Còn chuyện “chấn động cõi phật” trong kinh, điểm này cũng có rất nhiều người hỏi, tại sao kinh bảo thế giới chấn động sáu cách mà ta chẳng thấy gì cả, cỉ thỉnh thoảng thấy động đất làm sợ muốn chết! Nhưng chắc sự chấn động trên bình diện tâm thức vi tế hơn, người phàm phu chúng ta không hay biết, phải những bậc tu hành cao họ mới cảm thấy điều đó, có lẽ sự chấn động trong tầng lớp thọ ấm, tưởng ấm hay hành ấm gì đó mà chúng ta không biết chắc được.
KINH: …(Bỏ một đoạn)… Nếu có chúng sanh nào thấy nghe cõi thanh tịnh của ta thời tất được sanh trong cõi thanh tịnh này. Nếu có chúng sanh nào thấy nghe thân thanh tịnh của ta thời tất được sanh trong thân thanh tịnh của ta…
GIẢNG: Trong kinh Hoa Nghiêm luôn luôn nói đến cõi tịnh và bất tịnh, nên ta phải hiểu rằng chân lý của Tinh Độ rất rõ rệt. Nếu người nào chê bai Tịnh Độ là vẫn chưa hoàn toàn hiểu kinh, vì cả bộ kinh thường nhắc đốn cõi tịnh, uế luôn. Mà tu hành thì phải đi từ cõi uế đến cõi tịnh, đâu có thể chê bai tha lực được.
Ở đây, ngài Phổ Hiền nói cõi thanh tịnh và thân thanh tịnh của ngài cũng là một. Như cõi Cực Lạc, chúng ta coi như là thân của đức A Di Đà hay cõi của ngài cũng được. Vì thế tôi vẫn nói, chúng ta ngồi đây là đang ngồi trong thân của ngài Quán Thế Âm vậy.
KINH: Này thiện nam tử, ngươi nên quan sát thân thanh tịnh của ta đây. Thiện Tài quán sát tướng hảo chi tiết nơi thân Phổ Hiền Bồ Tát. Trong mỗi mỗi lỗ lông đều có bất khả thuyết bất khả thuyết phật sát hải. Mỗi mỗi sát hải đều có chư Phật xuất thế và chúng hội Bồ Tát.
GIẢNG: Ở đây ngài Phổ Hiền nói rằng, khi trước Thiện Tài quan sát chưa được kỹ lắm, nay nên đi vào từng lỗ lông xem sao.
KINH: Và lại thấy tất cả sát hải đó: những kiến lập…
GIẢNG: Trong kinh, đôi khi ta gặp chữ “kiến lập” có nghĩa là tạo dựng. Cũng như trong kinh Lăng Già, chúng ta hay gặp chữ “kiến lập” và chữ “phỉ báng.” Kiến lập tức là khẳng định, còn phỉ báng là phủ định, (đó là những chữ khó của kinh Lăng Già). Còn ở đây là kiến lập, là thành lập các cõi.
KINH: Những hình trạng, những trang nghiêm, những đại sơn bao quanh, những sắc mây che trùm hư không, những Phật Như Lai xuất thế thuyết những pháp luân.
GIẢNG: Bao giờ cũng nói đến “pháp luân,” bánh xe pháp.
KINH: Lại thấy ở trong mỗi mỗi thế giới hải, Phổ Hiền xuất hiện tất cả phật sát vi trần số phật hóa thân vân, cùng khắp thập phương tất cả thế giới giáo hóa chúng sanh khiến hướng về vô thượng bồ đề.
GIẢNG: Tất cả đều là những đám mây hào quang xoáy tròn hữu nhiễu tạo thành những thân đó.
KINH: Bây giờ Thiện Tài lại thấy tự thân ở trong thân Phổ Hiền giáo hóa chúng sanh trong mười phương tất cả thế giới.
GIẢNG: Lúc bấy giờ, Thiện Tài tự thấy thân mình nhập vào thân ngài Phổ Hiền, vì thân ngài Phổ Hiền tức là pháp giới. Thực tình, kinh Hoa Nghiêm không có cách gì có thể giảng rõ được, chỉ có thể gượng giảng tạm thôi, vì tất cả vấn đề đều là sự chập chùng thần lực của Diệu Tâm, nếu chưa đi sâu vào tâm thức, chúng ta chỉ có thể nương theo kinh tưởng tưởng gượng thế thôi, chứ không thể giảng rõ được.
KINH: Bao nhiêu thiện căn trí huệ quang minh của Thiện Tài đã được, khi thân cận phật sát vi trần số chư thiện tri thức, sánh với thiện căn khi thấy Phổ Hiền Bồ tát mà được, thời không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn, một phần trăm ngàn ức, nhẫnn đến không bằng một phần toán số ví dụ.
GIẢNG: Từ trước đến nay, trong kinh nói Thiện Tài gặp năm mươi ba vị thiện tri thức, đó chỉ là những ví dụ điển hình thôi, nhưng thực ra Thiện Tài đi gặp vô lượng vị, nhưng tất cả thiện căn Thiện Tài đắc được trong cuộc hành trình đi gặp các vị thiện tri thức này, nếu so với thiện căn khi gặp ngài Phổ Hiền Bồ Tát thì không bằng một phần trăm, một phần ngàn…, nhẫn đến một phần toán số ví dụ. Tại sao lại được công đức ghê gớm thế khi gặp ngài Phổ Hiền? Thiện Tài tu hành không biết bao nhiêu hằng hà sa na do tha kiếp, gặp không biết bao nhiêu vị thiện tri thức, tích lũy những thiện căn, nhưng tất cả thiện căn ấy, vẫn không bằng thiện căn khi được gặp ngài Phổ Hiền, vì trong đạo Phật, lúc nào cũng chú trọng về cái phẩm, khi lên đến tột bờ mé thì cái phẩm nó biến hóa rất nhiều, nó tăng cấp số nhân với một con số không thể nghĩ bàn, vì ngài Phổ Hiền là chặng đường tột cuối của tâm thức cao độ, nên vì vậy, thiện căn tích lũy nhiều vô cùng tận.
Nên vì vậy, tôi vẫn thường nói ở đây, ví như một ngôi chùa có năm trăm ngàn Phật tử, chỉ đến lễ lạy cầu phước báo hữu lậu, hay làm những phật sự thông thường, kinh kệ thì mù mịt, chỉ lễ lạy, cầu siêu, cầu an, cầu gia nghiệp làm ăn phát đạt v.v… không bằng một ngôi chùa có chỉ độ hai, ba chục phật tử trong đó có vài người hiểu kinh và phát bồ đề tâm. (Đó là kinh nói, không phải tôi nghỉ ra đâu). Vì trong vài người ấy, sau này sẽ thành Phật độ chúng sanh, còn tất cả năm trăm ngàn người kia chỉ lăng xăng, trôi nổi lên lên, xuống xuống trong sáu nẻo luân hồi, không bao giờ thành Phật, cũng chẳng giúp ích được cho một người nào đi vào con được phật đạo và phát bồ đề tâm.
KINH: Trong một niệm mà hiện nay Thiện Tài nhập sát hải của chư Phật ở trong một lỗ lông của Phổ Hiền, sánh với thời gian từ sơ phát tâm đến nay đã nhập sát hải, thời nhiều hơn đến số bất khả thuyết bất khả thuyết phật sát vi trần. Như nơi một lỗ lông, tất cả lỗ lông cũng đều như vậy.
GIẢNG: Câu này cũng y như câu trên. Trong một niệm, Thiện Tài nhập vào một lỗ lông của ngài Phổ Hiền, tức là nhập vào tâm thức tột cao để nhập vào pháp giới, thì niệm ấy, sánh với thời gian mới bắt đầu phát tâm bồ đề đến lúc gần nhập pháp hải, niệm này còn dài hơn lất cả các a tăng kỳ kiếp, vì thời gian là như vậy. Khi tâm càng thanh tịnh bao nhiêu thì thời gian càng chóng vánh bấy nhiêu, còn thời gian đục ngầu phía dưới thì dài lê thê hơn nhiều. Như trong phẩm Thọ Lượng Như Lai có nói một kiếp ở cõi Ta Bà này (mười sáu triệu năm), chỉ bằng một ngày một đêm ở cõi Cực Lạc. Vì tâm thánh chúng bên ấy thanh tịnh hơn tâm chúng ta nhiều. Vì vậy, khi Thiện Tài nhập vào lỗ lông của ngài Phổ Hiền thì tâm ngài thanh tịnh tột bực, nên chỉ cần ngài khởi một niệm, vẫn có thể dài hằng hà sa số kiếp ở những sát độ khác. Ngược lại, có thể thu ngắn nhiều kiếp thành một sát na.
KINH: Trong lỗ lông của Phổ Hiền Bồ Tát, Thiện Tài bước một bước qua khỏi bất khả thuyết, bất khả thuyết phật sát vi trần số thế giới, đi mãi như vậy tột thuở vị lai vẫn còn chẳng biết được thứ đệ sát hải của trong một lỗ lông, cũng chẳng biết ngằn mé của sát hải tạng, sát hải sai biệt, sát hải phổ nhập, sát hải thành, sát hải hoại, sát hải trang nghiêm. Cũng chẳng biết được ngằn mé của Phật hải thứ đệ, Phật hải tạng, Phật hải sai biệt, Phật hải phổ nhập, Phật hải sanh, Phật hải diệt. Cũng chẳng biết được ngằn mé của Bổ Tát chúng hải thứ đệ, Bổ Tát chúng hải tạng, Bồ Tát chúng hải sai biệt, Bổ Tát chúng hải phổ nhập, Bồ Tát chúng hải tập, Bồ Tát chúng hải tán. Cũng chẳng thể biết ngằn mé của trí nhập chúng sanh giới, biết căn chúng sanh, giáo hóa điều phục chúng sanh, chỗ trụ thậm thâm tự tại của Bồ Tát những địa, những đạo của Bồ Tát nhập.
GIẢNG: Đọc những câu kinh này, có thể nói rằng ta bị đè bẹp tan hoang, vì sự mường tượng về tâm ý ghê gớm quá. Đại ý đoạn kinh này nói rằng, trong lỗ lông của ngài Phổ Hiền, tuy gọi là “lỗ lông’ mà nó cũng chính là pháp giới. Vì thế, Thiện Tài ở trong một lỗ lông ấy chỉ cần bước một bước đã qua bất khả thuyết, bất khả thuyết phật sát vi trần số thế giới. Đi mãi không biết bao nhiêu kiếp, đến tột thuở vị lai cũng không bao giờ hết, không thấy được ngằn mé, thứ đệ của pháp giới đó. Vì lúc đó tâm Thiện Tài vẫn còn động chuyển theo sức Đại Bi vô niệm, nên pháp giới vẫn vô tận. Ngược lại, ngài chỉ cần khởi một tâm niệm Bát Nhã lên, thì tất cả pháp giới ấy sẽ không còn, sẽ tắt đi và trở thành hữu tận.
Phàm phu chúng ta vì tâm luôn luôn động nên pháp giới trở thành “không ngằn mé,” và tâm ta động niệm theo sự thô kệch nhất của tham, sân, si. Ngược lại, chư Phật và chư Đại Bồ Tát động niệm theo Đại Bi bình đẳng để độ sanh, nên pháp giới cũng không ngằn mé,do Đại Bi Vô Niệm.
Trong lỗ lông của ngài Phổ Hiền, có thể nói không gian và thời gian đều bị hóa giải, không còn nhất định dài hay ngắn nữa. Một sát na có thể kéo dài cả nhiều kiếp, ngược lại,hằng hà sa số kiếp có thể thu ngắn vào một sát na, tùy tâm thức của các ngài khởi tâm niệm đại bi hay bát nhã. Vì vậy, Thiện Tài có thể bước một bước qua khỏi vi trần số thế giới mà không biết được ngằn mé.
PHẬT TỬ: Tôi vào kinh Hoa Nghiêm cũng nhờ nhưng câu kinh khó như thế này, khó quá! tuy không hiếu, nhưng trong tâm vẫn cứ ngờ ngờ thấỵ hay..
ĐÁP: Đúng, nhiều đoạn trong kinh, có thể đè bẹp người đọc như bị ngạt thở, như thấy bàng hoàng, đảo lộn. Khi đọc kinh, dù không hiểu mà cảm thấy “ngờ ngợ” hay, tức là người có nhiều túc duyên với đại thừa.
Ông nên đọc cuốn kinh “Đại thừa trang nghiêm bảo vương”cũng nói riêng về những lỗ lông của ngài Quán Thế Ấm Bồ Tát. Trong kinh, Phật nói đến mức hóa giải luôn về không, thời gian.
Tôi xin đọc lại cho quí vị nghe đoạn kinh vừa đọc, không phải nghe để hiểu, (vì lời kinh khó quá), mà nghe để thấy được sự mênh mang sâu thẳm trong lời kinh…
KINH: Trong mỗi lỗ lông của Phổ Hiền Bồ Tát, Thiện Tài bước một bước qua khỏi bất khả thuyết, bất khả thuyết phật sát vi trần số thế giới, đi mãi như vậy tột thuở vị lai vẫn còn chẳng biết được thứ đệ sát hải của trong một lỗ lông, cũng chẳng biết ngằn mé của sát hải tạng, sát hải sai biệt, sát hải phổ nhập, sát hải thành, sát hải hoại, sát hải trang nghiêm. Cũng chẳng biết được ngằn mé của Phật hải thứ đệ, Phật hải tạng, Phật hải sai biệt, Phật hải phổ nhập, Phật hải sanh, Phật hải diệt. Cũng chẳng biết ngằn mé của Bồ Tát chúng hải thứ độ, Bồ Tát chúng hải tạng, Bồ Tát chúng hải sai biệt, Bồ Tát chúng hải phổ nhập, Bồ Tát chúng hải tập, Bồ Tát chúng hải tán…
GIẢNG: Những “thế-giới-hải-tập” thế nào? Và “Thế-giới-hải-tán” ra sao? Cũng như trong kinh Bát Nhã có phẩm “Tập, tán.” Khi các vi trần tụ tập lại thành thế giới, rồi các vi trần ấy tán ra thành hư không. Nên Phật dạy, đừng tưởng các cõi ấy đều thực có, mà chỉ do các vi trần tập hợp mà thành, vì vậy ngài nói rằng: “Vi trần chỉ tạm gọi là vi trần, cõi tạm gọi là cõi…” và ngay cái thân này cũng chỉ là cái pháp tích tập của những vi tế bào. Vì vậy, khi những tế bào ấy đến lúc trở về không thì nó lại tán ra, nên không cách gì giữ được xác thân trường tồn mãi được, vì pháp giới vận hành phải như vậy.
KINH: Cũng chẳng thể biết ngằn mé của trí nhập chúng sanh giới, biết căn sanh, chỗ trụ thậm thâm tự tại của Bồ Tát những địa, những đại của Bồ Tát nhập.
Nơi sát hải trong lỗ lông của Phổ Hiền Bồ Tát, Thiện Tài đi như vậy hoặc nơi một cõi trải qua một kiếp, nhẫn đến hoặc trải qua bất khả thuyết bất khả thuyết phật sát vi trần số kiếp mà đi như vậy.
Cũng chẳng mất nơi đây mà hiện nơi kia. Mỗi niệm Thiện Tài cùng khắp vô biên sát hải giáo hóa chúng sanh khiến họ hướng về vô thượng bồ đề.
Đương lúc đó, Thiện Tài thứ đệ được những hạnh nguyện hải của Phổ Hiền Bồ Tát, đồng với Phổ Hiền, đồng với chư Phật một thân sung mãn tất cả thế giới…
GIẢNG:Thân ngài đầy khắp pháp giới tức là nhập giới.
KINH: Đồng quốc độ, đồng hạnh, đồng chánh giác, đồng thần thông, đồng pháp luân, đồng biện tài, đồng ngôn từ, đồng âm thanh, đồng lực vô úy, đồng phật sở trụ, đồng đại từ bi, bất tư nghì giải thoát tự tại đều đồng…
Tôi xin ngừng nơi đây. Quí vị nào có cần hỏi gì không? Chỉ còn một bài kệ của ngài Phổ Hiền, xin để kỳ sau sẽ giảng tiếp.