NHẬP PHÁP GIỚI
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

 

QUYỂN BỐN

Chương năm

Ngày 12 tháng 5 năm 1991

 

Hôm nay là buổi thuyết giảng thứ 127 về kinh Hoa Nghiêm tại chùa này.

Nay chúng ta đi vào ngài Thiện Tài, trong những đoạn cuối cùng trên con đường tìm cầu thiện tri thức của ngài. Chúng ta đang ở chỗ Thiện Tài đồng tử sắp từ biệt ngài Di Lặc. Đây là những lời ngài Di Lặc nói…

KINH: Này thiện nam tử, Đại Bồ Tát sanh nhà tôn thắng như vậy rồi…

GIẢNG: Ý ngài muốn nói rằng, ngài thị hiện thọ sanh trong nơi tôn thắng ấy để độ chúng sanh, vì những người đó trước đã đồng hạnh, đồng tu với ngài nhiều kiếp, đã phát bồ đề tâm, nhưng sau đó lại quên mất, nên ngài phải trở lại để nhắc nhở cho họ tiếp tục tu hành.

KINH: Vì biết tất cả pháp như ảnh tượng nên đối với thế gian không ghét chê.

GIẢNG: Tất cả đều là ảnh tượng, khi ta hiểu được nghĩa thú ấy thì không có tâm ghét bỏ, chê trách.

KINH: Vì biết tất cả pháp như biến hóa…

GIẢNG: Ta thấy rất rõ, đạo Phật khẳng định rõ ràng là tất cả pháp giới này, (mà chúng ta luôn nghĩ nó ù lì cố định) đều là biến hóa, pháp nào cũng chẳng có, chẳng không.

KINH: Nên không nhiễm trước các cõi hữu lậu..

GIẢNG: Tất cả thế gian này hiện lên, Bồ Tát lớn đi qua như người khách, vì các ngài biết nó là biến hóa nên không bị nhiễm trước.

KINH: Vì biết tất cả pháp không có ngã nên giáo hóa chúng sanh lòng không nhàm mỏi. Vì liễu đạt sanh tử dường như mộng nên trải qua tất cả kiếp mà không e sợ. Vì biết rõ các uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều như huyễn nên thị hiện thọ sanh lòng không nhàm mỏi. Vì biết các giới, xứ, đồng pháp giới nên nơi các cảnh giới không bị hoại diệt.

GIẢNG: Giới là 18 giới: Gồm có, sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, và ý thức. Xứ đại khái cũng giống như thế, như mắt là một xứ sở, nhìn trần lại là một xứ sở thứ hai v.v…

KINH: Vì biết các tưởng như dương diệm…

GIẢNG: Dương diệm là ánh nắng quái của mặt trời, như khi ta đi trên đường nhìn đằng xa thấy ánh mặt trời rọi trên mặt đường loang loáng như ướt nước, mà không phải nước. Những tưởng niệm của chúng ta cũng đều như thế, chỉ như nắng quái cả mà không thật có.

KINH: Nên vào trong các loài mà chẳng sanh điên đảo mê hoặc.

GIẢNG: Vì biết tất cả đều như dương diệm nên đi vào bất cứ loài nào như Dạ Xoa, La Sát, súc sanh, ngạ quỉ, loài người v.v… cũng không bị mê hoặc hay sợ hãi.

KINH: Vì đạt tất cả pháp đều như huyễn nên vào cảnh giới ma chẳng sanh nhiễm trước.

GIẢNG: Bồ Tát dù có đi vào cảnh giới ma cũng không bị nhiễm trước vì hiểu tất cả đều huyễn hóa.

KINH: Vì biết pháp thân nên tất cả phiền não chẳng khi dối được.

GIẢNG: Vì tâm trụ nơi pháp thân, chỗ bất động như như rồi, thì ngay những phiền não, lo buồn, bệnh tật v.v.., không thể di lụy được.

KINH: Này thiện nam tử, thân ta sanh khắp tất cả pháp giới…

GIẢNG: Ngài nói rõ rằng tất cả pháp giới rộng lớn như thế mà thân ngài sanh cùng khắp, không có một tinh cầu nào, một hạt bụi, một cọng cỏ nào mọc lên, hoa nào nở ra v.v… mà ngài không nhập vào trong ấy.

KINH: Đồng các tướng sai biệt với tất cả chúng sanh…

GIẢNG: Không có tướng sai biệt nào của chúng sanh mà không có trong thân ngài, chúng sanh khởi một tâm niệm ưa thích, yêu ghét v.v… thế nào ngài đều biết cả.

KINH: …(Bỏ một đoạn)… Đồng với tâm tưởng của tất cả chúng sanh, đồng thệ nguyện với tất cả Bồ Tát mà hiện thân mình đầy khắp pháp giới.

GIẢNG: Đây là ngài nói về sự nhập pháp giới của ngài. Chúng sanh bời bời vô tận thế, nhưng tất cả tâm tưởng của chúng sanh ngài đều biết cả. Tất cả Bồ Tát khác phát thệ nguyện thế nào ngài cũng đồng những thệ nguyện như thế. Thân của ngài trùm pháp giới, thì thân của các đại Bồ Tát khác cũng trùm pháp giới, xen kẽ lồng vào nhau nên giao thoa rất vi diệu, vì thế ngài theo thệ nguyện đó để hiện thân mình đầy khắp pháp giới.

KINH: …(Bỏ một đoạn)… Này thiện nam tử, lúc ta viên mãn bổn nguyện thành nhất thiết trí…

GIẢNG: Ngài là bậc nhất sanh bổn xứ, trong chừng tám triệu năm nữa thì ngài sẽ xuống cõi Ta Bà này bên núi Kê Túc thị hiện thành Phật ở đó. “Viên mãn bổn nguyện thành nhất thiết trí” là đã thành tựu bổn nguyện trí biết tất cả các pháp. Trong kinh thường dùng hai chữ gần giống nhau, đó là “nhất thiết tr픓nhất thiết chủng trí.” Nhất thiết trí là biết tất cả các pháp với cái tổng tướng của nó, thí dụ như biết tất cả các pháp là khổ, vô thường, vô ngã, biết Niết Bàn là an lạc tịch tĩnh. Còn nhất thiết chủng trí là cái biết sâu hơn, vì có thêm chữ “chủng” là biết tất cả dòng giống các pháp, không những biết rõ tổng tướng của nó mà còn biết những biệt tướng nữa. Như ngoài sự biết các pháp là khổ, nhưng trong các khổ ấy còn có muôn vàn cơ duyên gây nên sự khổ, ngoài tám món khổ chính như sanh, già, bệnh, chết, ái biệt ly khổ, oán tằng hội khổ… những khổ này thuộc về nhất thiết chủng trí, vì nó đi sâu vào chi tiết hơn.

KINH: Lúc ta viên mãn bổn nguyện Thành Nhất Thiết Trí, chứng Vô Thượng Bồ Đề, thời ngươi và Văn Thù Sư Lợi đều được thấy ta.

GIẢNG: Ý đoạn kinh này muốn nói rằng, ngài Văn Thù Sư Lợi là biển giác tánh nguyên sơ, nguồn phát khởi tất cả các pháp. Còn Thiện Tài là một chúng sanh đã bắt đầu muốn trở lại biển Chân Như ấy. Trên con đường đạo, Thiện Tài được gọi là thủy giác, còn ngài Văn Thù là căn bổn giác. Khi cái gốc khởi lên một dòng đi xuống, đi mãi đến khi nó bắt đầu muốn vòng trở về thì gọi là thủy giác (Thiện Tài), để nhập vào biển Chân Như ấy là căn bổn giác (ngài Văn Thù Sư Lợi). Còn ngài Di Lặc đã trở về gần đến nơi rồi, vì ngài đã là Nhất Sanh Bổ Xứ, chỉ còn một kiếp nữa là thành Phật, nên ngài sẽ nhập vào Bổn giác ấy. Nên ngài muốn nói rằng, tất cả ta với ngươi và ngài Văn Thù đều ở trong giác tánh ấy cả, và khi ngài thành Phật, chúng ta sẽ gặp nhau tại đó. Chúng ta cũng đều là những tia sáng phụt lên từ căn bổn giác ấy, nay bắt đầu mới có một chút thủy giác muốn trở về, nhưng con đường còn rất xa, nhưng cũng được gọi là thủy giác. Vì khi đã hiểu được chút ít kinh điển Đại Thừa, và có ý muốn trở về, không muốn đi sâu hơn nữa vào sanh tử, bắt đầu nhàm chán thế gian, chĩ muốn làm con cá Tích, mặc dù nghiệp chướng vẫn còn nhiều, vô minh còn dầy đặc, nhưng cũng tạm được gọi là thủy giác.

KINH: Này thiện nam tử, ngươi nên qua đến chỗ Văn Thù Sư Lợi thiện tri thức mà hỏi rằng, Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, thế nào nhập Phổ Hiền hạnh môn, thế nào thành tựu, thế nào quảng đại, thế nào tùy thuận, thế nào thanh tịnh, thế nào viên mãn? Văn Thù sư Lợi sẽ vì ngươi mà phân biệt diễn nói.

GIẢNG: Ý ngài Di Lặc vẫn dạy rằng, Thiện Tài trước kia ra đi, do sức gia trì của ngài Văn Thù Sư Lợi. Lịch trình tu chứng Phật giáo là con đường đi vòng xoáy trôn ốc, cái vòng ấy khởi lên và vòng trở lại, nhưng dần dần đi lên đến những nấc cao hơn. Chúng ta cũng “đi lòng vòng’ hoài đấy chứ, nhưng cái đi lòng vòng của chúng ta không giúp ích gì cho ta mấy đỗi, không đưa chúng ta đi lên mà nhiều khi lại còn đi xuống, vì còn đầy những vọng tình và vọng tưởng. Sáng thức dậy đánh rằng rửa mặt, đi làm, chiều về ra quán ăn uống, nói ba câu chuyện tào lao, sau đó lại… trở về nhà. Đó cũng là một vòng chu kỳ của đời sống, nhưng nó không phải vòng trôn ốc, vì chỉ lập đi lập lại từng đó động tác mà không có gì làm chúng ta thăng hoa, nên không giúp ích gì cho sự giải thoát của chúng ta mấy đỗi. Nhưng cho đến một lúc nào đó, khi tâm thức chín mùi, chu kỳ ấy chợt thay đổi chút ít, biết thích đọc kinh sách, thích suy tư về kinh, rồi có ý tưởng muốn quay trở về. Lúc đó, từng ngày, từng tháng, từng năm, từng kiếp sống, tâm thức sẽ được dũa mài để chín mùi hơn, đường vòng trôn ốc càng ngày càng đi lên hơn, rồi đến một kiếp nào đó, chúng ta cũng là một Thiện Tài đi tìm cầu các thiện tri thức như thế này. Hoặc giả, nếu đủ túc duyên chúng ta sẽ được vãng sanh bên Cực Lạc, con đường tu sẽ thênh thang rộng mở, được vào bậc bất thối chuyển, khi hoa sen nở, đắc vô sanh pháp nhẫn, bay đi mười phương cúng dường chư Phật cùng dự những pháp hội nhiệm mầu, có thể hóa thân để độ sanh.

Bây giờ, Thiện Tài sẽ đến gặp ngài Văn Thù Sư Lợi, sau đó sẽ gặp ngài Phổ Hiền. Ngày trước Thiện Tài bắt đầu đi về phương Nam, đi mãi mãi sắp kết thúc một vòng tròn, giờ sắp trở về Bồ đề Đạo Tràng, sẽ được gặp ngài Phổ Hiền để viên mãn hạnh nguyện của mình. Thiện Tài bắt đầu từ tạ ngài Di Lặc để đi kiếm ngài Văn Thù.

KINH: Y lời dạy của Di Lặc Bồ Tát, Thiện Tài đi qua hơn một trăm mười thành đến nước Phổ Môn, thành Tô Ma Na…

GIẢNG: Tôi vẫn nói con số 100 và con số 10 trong Hoa Nghiêm tượng trưng cho vô số, tức là Thiện Tài đi qua rất nhiều nơi, làm rất nhiều hạnh nguyện, đến nước Phổ Môn, là một nơi “cùng khắp,” thành Tô Ma Na, (chữ này chắc có cái nghĩa cũng lớn lao, nhưng rất tiếc tôi không có dịp tìm tòi để giảng cho quí vị).

KINH: Ở nơi cửa thành suy tìm Văn Thù Sư Lợi trông được gặp gỡ kính thờ…

GIẢNG: Khi Thiện Tài đến cửa thành, trông chờ ngài Văn Thù Sư Lợi, một vị thấy đã gia trì cho Thiện Tài trong cuộc hành trình cầu đạo. Chỗ này có một điều lạ là ngài Văn Thù Sư Lợi không hiện ra, mà ngài chỉ đứng rất xa, dơ tay quán đảnh, sờ đầu Thiện Tài.

KINH: Bây giờ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát từ xa đưa tay hữu qua khỏi một trăm mười do tuần áp lên đầu Thiện Tài mà nói rằng: Lành thay, lành thay, này thiện nam tử, nếu rời tín căn thời tâm yếu kém, lo sợ ăn năn công hạnh chẳng tròn đủ…

GIẢNG: Ngài Văn Thù Sư Lợi hơi khác với những thiện tri thức trước là ngài không hiện thân, ngài đứng rất xa vươn tay hữu xoa đầu Thiện Tài, cũng như lối truyền tâm ấn cho Thiện Tài. Thường thường các ngài dùng tay hữu, như sau này đến ngài Phổ Hiền cũng dùng tay hữu xoa đầu Thiện Tài. Những vị cao như vậy mới có thể nói truyền tâm ấn, hay ấn chứng cho đệ tử được.

Việc truyền tâm ấn rất quan trọng và có một ý nghĩa sâu xa khôn lường, mà người được truyền tâm ấn lúc ấy tâm thức cũng được chuyển hóa, biến đổi. Nhưng thời này, tà sư nổi lên bời bời như cát bụi, chỗ nào cũng có vụ truyền tâm ấn tập thể hay điểm đạo cho cả chục người, trăm người. Và dĩ nhiên chỉ là đại vọng ngữ.

Khi ngài Văn Thù vươn tay hữu qua khỏi một trăm mười do tuần (cũng tượng trưng cho sự vô biên công hạnh), sau khi xoa đầu Thiện Tài ngài khuyên nên trở về chỗ cũ, trở về căn đầu tiên là tín căn, chứ ngài không nói gì cao siêu khó hiểu, vì tín căn là mẹ các công đức.

KINH: Thối thất tinh cần, nơi một thiện căn sanh lòng trụ trước, với chút ít công đức đã cho là đủ.

GIẢNG: Nếu ta ít tín căn, mỗi khi chỉ cần làm một chút thôi thì đã vội cho là đủ, như bố thí một chút đã cho rằng ta có đủ công đức lắm rồi, chẳng cần tu thêm gì nữa, vì vậy, cần phải có tín căn sâu chắc, như gốc cây nở ra các hoa công đức. Ngài Văn Thù chỉ nói đơn sơ nhưng thần lực của ngài gia trì cho Thiện Tài lại rất lớn.

KINH: Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát tuyên nói pháp ấy cho Thiện Tài được lợi ích hoan hỷ thành tựu vô số pháp môn.

GIẢNG: Ngài nói đơn sơ thế nhưng vì sự gia trì của ngài cùng các thiện căn của Thiện Tài, nên Thiện Tài thành tựu được nhiều pháp môn.

KINH: Đầy đủ vô lượng đại trí quang minh, khiến được Bồ Tát vô biên tế đà la ni, vô biên tế nguyện, vô biên tế tam muội, vô biên tế thần thông, vô biên tế trí, khiến vào đạo tràng Phổ Hiền hạnh.

GIẢNG: Lúc này Thiện Tài đã vào được biển căn bổn giác nên ngài thành tựu nhiều pháp môn ghê gớm.

KINH: Lại để Thiện Tài ở tại chỗ cũ, Văn Thù Sư Lợi Bổ Tát nhiếp thần lực chẳng hiện ra.

GIẢNG: Lúc bấy giờ ngài Văn Thù khuyên Thiện Tài đến ngài Phổ Hiền tức là viên mãn được Phổ Hiền hạnh nguyện, đồng thời đắc những thần thông đại tự tại lực. Xin quí vị nghe kỹ những trang kinh sau nói về ngài Phổ Hiền, để xem ngài Thiện Tài nhập pháp giới như thế nào…

KINH: Thiện Tài muốn thấy Phổ Hiền Bồ Tát…

GIẢNG: Cũng như chúng ta muốn thấy đức A Di Đà vậy, tất cả vấn đề là ở chỗ đó, là khởi tâm muốn thấy. Mà khi thấy được đức A Di Đà là con đường đi của chúng ta gần như xong, không còn gì phải lo lắng cả. Vì khi thấy được đức A Di Đà là đương nhiên chúng ta được sang Cực Lạc. Mà khi sang được bên ấy thì chúng ta sẽ có những tam muội, các định và có năm thứ thần thông, thân thì có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, được đắc vô sanh nhẫn và lần tu lên nữa để đi đến quả Phật.

Con đường tu của chúng ta ở cõi Ta Bà này bập bềnh lên xuống, có thể thời gian này tinh tấn, qua một thời gian khác lại thối thất, giải đãi. Nhưng nếu được vãng sanh thì không còn bao giờ thối thất cả, đến khi đắc được vô sanh pháp nhẫn thì không còn lo lắng nữa, đủ chứng tỏ con đường tịnh độ thù thắng đến thế nào. Ngay cả những vị đã đắc A La Hán rồi cũng còn thối thất, vì các ngài tu một thời gian thấy đường tu chông gai, cần khổ, khó khăn quá, chúng sanh lại bời bời, biết đến bao giờ mới độ cho hết, nên có thể thối chí, mà chỉ muốn đắm mình vào nhưng cơn định trầm không thú tịch mà không muốn khởi đại bi tâm.

HỎI: Xin ông dạy cho phương pháp niệm thế nào cho… chóng được việc để qua được Cực Lạc?

ĐÁP: Thành thực mà nói, tôi không dám dạy cách niệm Phật sao cho có hiệu quả, vì mỗi người mỗi căn cơ khác nhau, nên cách niệm cũng có khác đôi chút. Nhưng với những vị căn cơ cao, đạo hạnh nhiều, tu hành giỏi, thường họ chỉ rằng, khi niệm cần phải đều đặn và nhất tâm, khi niệm Phật đừng nghĩ điều gì khắc hết, làm thế nào để câu niệm Phật sáng tỏ mãi trong tâm chúng ta, vừa rõ ràng, vừa ý thức rằng mình đang niệm, đến khi nhất tâm bất loạn, không có gì ngoại cảnh có thể lay động được. Người xưa, có nhiều vị làm quan tài để giữa nhà, khi niệm Phật thì chui vào đó, và coi như mình đã chết rồi thì mới dễ nhất tâm được. Nhưng đến mức độ này rất khó, ở đời mạt pháp này, tôi trộm nghĩ ít ai có thể làm được.

Tôi cứ hoài vọng muốn nói về chín phẩm sen bên Cực Lạc cho quí vị thấy rất hay và rất lạ, để biết rằng pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn tối thắng, không thể nào bịa đặt ra được. Những người nào không tin đều là người chưa đủ căn cơ, vì tôi vẫn nói, tuy trong ban kinh này, có vài vị không đọc kinh nhưng tin vào pháp môn Tịnh Độ thì người đó căn cơ đã sâu rồi, vì pháp môn này khó tin lắm! Lấy một thí dụ điển hình, bên Cực Lạc, người được hóa sanh từ hoa sen, chúng ta chưa thấy ai sanh từ một loài hoa ra cả, chỉ thấy người sanh ra người, thú sanh ra thú thôi, nên rất khó tin.

HỎI: Trong các kinh có một số người nói rằng, có một số kinh liễu nghĩa, (như kinh của Phật giáo nguyên thủy) có thể tin được, và một số kinh bất liễu nghĩa (như những pho kinh Đại thừa) không thể tin được mà chỉ toàn là chuyện mê tín dị đoan? Vì vậy, họ không chịu đọc tụng kinh điển bất liễu nghĩa ấy. Theo ông, ông nghĩ sao về điều này?

ĐÁP: Như vậy họ chưa hiểu thế nào là liễu nghĩa, và bất liễu nghĩa. Kinh liễu nghĩa là những kinh nói đến cỗi nguồn là Diệu Tâm (đại thừa), còn những kinh bất liễu nghĩa là những kinh của Thanh Văn (của hàng Nhị thừa), vì kinh của Tiểu Thừa không nói tới cỗi nguồn của pháp giới, và chỉ đưa người tu đến Niết Bàn hóa thành thôi, chưa thể nhập được pháp giới trọn vẹn. Chưa chứng được trí của Phật, chưa phân thân bời bời vô lượng, trụ vô số kiếp để độ sanh. Còn chuyện tin được hay không tin được kinh Đại Thừa lại phải tùy vào căn cơ của người nghe nữa. Trong Công Giáo có nói một câu cũng rất lý thú: “Sung sướng thay cho những người nào không thấy mà tin.” Khi thấy rồi thì tin rất dễ, nhưng chúng ta không trông thấy pháp giới, không nhìn thấy chư Thiên, quỉ thần, chư Phật, chư Đại Bồ Tát mà tin được thì đó là điều hy hữu hiếm có. Nên phải hiểu lòng tin cần phải nuôi nhiều kiếp mới có thể nở ra như vậy.

Thực tâm tôi, tôi muốn bỏ ra một vài buổi giảng để giảng kỹ cho quí vị nghe về Tịnh Độ, vì đó là điều quan yếu cho ta ở thời mạt pháp này. Tôi cố thể trích dẫn những câu kinh khuyến tấn chúng sanh cầu sanh về Tịnh Độ. Không có người nào tu hành muốn đắc vô sanh pháp nhẫn mà không phải đi qua Tịnh Độ, dù người tu thiền. Vì ở cõi uế độ này, tu thiền giỏi lắm là chỉ ở các mức độ dưới thôi, khi nào lên đến Viễn Hành Địa, địa thứ bảy, Viễn hành tức là đi xa, đi đâu? Là qua Tịnh Độ để ở gần Phật đắc vô sanh pháp nhẫn rồi mới trở lại cõi này để độ sanh. Dụ như người muốn cứu một kẻ chết đuối phải đi học bơi đã, rồi trở về mới làm được hạnh cứu người, người thường không ai có thể qua được mức Viễn hành địa cả, trừ phi phải sang Cực Lạc (trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập địa nói rõ thế!).

Ngay đến những vị A La Hán, tiêu dung được những kiết sử của tam độc, lúc bấy giờ không thọ sanh trong ba cõi thôi, nên tạm gọi là vào Niết Bàn, nhưng cái vào Niết Bàn ấy chỉ là hóa thành. Lúc bấy giờ, chư Phật sẽ như những con chim Kim Súy Điểu bay tới, xòe cánh dơ vuốt gắp các ngài mang sang Tịnh Độ. Nhưng vì các ngài chưa có tâm tin Tịnh Độ nên phải ngồi trong hoa sen ở Biên Địa, rồi trong suốt nhiều kiếp, chư Phật soi hào quang vào đó để đánh thức tuệ giác vô thượng, (vì các ngài chưa biết cầu thành Phật), cho đến khi chín mùi, lúc đó tâm thức các ngài mới khởi tâm bước sang bồ tát đạo đi nốt con đường còn lại để thành Phật, nhập pháp giới trọn vẹn, tức là vào Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh của Chư Phật.

KINH: Thiện Tài muốn thấy Phổ Hiền Bồ Tát, liền ở trước tòa sư tử của Tỳ Lô Giá Na Như Lai nơi Kim Cang Tạng Bồ Đề Tràng, trên tòa bửu liên hoa tạng phát tâm rộng lớn như hư không giới…

GIẢNG: Khi Thiện Tài muốn đi tìm ngài Phổ Hiền Bồ Tát thì phải trở về chỗ cũ bồ đề đạo tràng, trở về chỗ đức Như Lai ngồi, tức là phải trở về tâm của mình.

KINH: khởi tâm vô ngại bỏ tất cả cõi, rời tất cả chấp…

GIẢNG: Thiện Tài muốn thấy một vị Bồ Tát lớn thì phải mở tâm rộng lớn như hư không giới vậy, vì chính Bồ Tát lớn là… hư không, vì khi mở tâm lớn phải bỏ tất cả các cõi, rời tất cả các chấp (bát nhã), ý niệm nào cũng phải rời bỏ cả.

KINH: Tâm vô ngại đi trong tất cả pháp vô ngại. Tâm vô ngại vào khắp tất cả thập phương. Tâm thanh tịnh vào cảnh giới của nhất thiết trí…

GIẢNG: Đây là nói tâm phải mở rộng lớn như hư không mà đi vào không hải. Nhưng sau đây lại nói đi vào diệu hữu…

KINH: Tâm minh liễu quán sát đạo tràng trang nghiêm. Tâm quảng đại nhập tất cả Phật pháp hải. Tâm châu biến hóa độ tất cả chúng sanh giới. Tâm vô lượng tịnh tất cả Phật độ. Tâm vô tận trụ tất cả kiếp. Tâm cứu cánh xu hướng Như Lai thập lực…

GIẢNG: Trên ngài nói đi vào hư không giới, dưới này ngài nói đi vào tất cả các pháp. Tuy rằng đi vào hư không nhưng đồng thời vẫn phải có cái tâm minh liễu quán sát đạo tràng trang nghiêm, tâm quảng đại nhập tất cả phật pháp hải, tâm châu biến, đi khắp tất cả mọi chỗ để hóa độ tất cả chúng sanh giới. Vì ngài Phổ Hiền tượng trưng cho Chân không, Diệu hữu. Khi ta nhập được vào tâm đó rồi thì tức khắc ngài hiện ra cho chúng ta thấy ngay, tức là phải có tâm tương ưng, là tâm có tín, nguyện, hạnh.

Nên khi Thiện Tài khát mong muốn thấy Phổ Hiền Bồ Tát thì phải làm tâm mình lặn sâu xuống đến tột không, đồng thời khởi lên tất cả cảnh giới của diệu hữu.

KINH: Lúc Thiện Tài phát khởi những tâm như vậy, do sức thiện căn của mình, được sức gia hộ của tất cả Như Lai, do sức đồng thiện căn của Phổ Hiền Bồ Tát…

GIẢNG: Khi Thiện Tài càng cố gắng lặn sâu vào tam muội để trở về biển diệu tâm đó thì chư Phật đều hộ trì, đồng thời tâm thức ngày càng tương ưng với thiện căn của ngài Phổ Hiền. Nên phải hiểu tất cả vấn đề chỉ ở chỗ tương ưng. Cũng như khi tâm ta chỉ tương ưng với loài quỉ, hay loài chồn, hồ ly thì tụi nó lại hiện ra, khi tương ưng với loài người thì loài người hiện ra. Ở đây, chúng ta tương ưng với loài người nên chung quanh nhìn thấy toàn là người cả, loài quỉ cũng ít hiện ra cho chúng ta thấy, còn thần linh thì không bao giờ hiện cả, vì tâm các ngài bao la hơn, mà tâm chúng ta chỉ có nửa thiện, nửa ác lăng nhăng của loài người, không có gì gọi là siêu xuất cả, nên chỉ chơi với người, rồi sau sanh kiến chấp chỉ có người thôi, mà không có những chúng sanh khác. Vì vậy, nên chúng ta không biết rằng có những người ngồi tu trong rừng sâu, có thể nói chuyện với thú dữ, chim nuông, cỏ hoa, ngay cả với thần linh, và đó là những vị có tâm thức cao.

Sức “tưởng” rất lớn mạnh, tỷ dụ như một người trong nhiều kiếp hay sợ ma, có cơ duyên cũ với nó, khi thời tiết chín mùi thì túc duyên cũ hiện lên, nếu đó là những nợ cũ thì nó thanh toán đòi nợ. Như ngài Miralepa sức tưởng của ngài rất mạnh, ngài có thần thông nhiều, một hôm đến một khu núi hẻo lánh, ngài chỉ nghĩ bụng rằng, ở đây phải có quỷ khoáng dã. Thì lập tức quỷ khoáng dã hiện ra ngay, nó đứng co ro trước mặt ngài mãi, cuối cùng ngài nói: “Sao ngươi không đi đi?” “Con không thể đi được vì sức tưởng của ngài lớn quá, như có sợi dây trói con lại làm con không ẩn thân nổi.” Tất cả đạo Phật thường dạy chúng ta về chữ tưởng, tưởng cái gì thì nó ra cái đó, tưởng lâu dần, có định lực, và cái lực đó nó có thể làm hiện lên những cảnh giới. Tưởng uế độ thì vào uế độ, tưởng vãng sanh Cực Lạc thì được sang Cực Lạc. Nên tất cả thế gian này đều là do mộng tưởng. Như ta lấy một người vợ đó là vì từ nhiều kiếp ta có những cơ duyên cũ, hoặc nuôi cái mộng tưởng ấy. Như trong kinh Phật cũng kể một vài trường hợp như ngài A Nan và bà Ma Đăng Già, cơ duyên nhiều kiếp, mộng tưởng nhiều kiếp đến kiếp này mới nở ra như thế. Một trường hợp khác như ngài Mê Già và vị nữ nhân cho hoa trong Kinh Đại Bửu Tích, không phải khơi khơi ngài gặp vị nữ nhân ấy đâu, mà do từ nhiều kiếp huân tập, đến kiếp đó nở ra nên vị nữ nhân ấy mới cho hoa đi cúng Phật.

KINH: Do sức đồng thiện căn của Phổ Hiền Bồ Tát…

GIẢNG: Trong kinh Pháp Hoa, ngài Phổ Hiền nói người nào tụng danh hiệu của ta và quán tưởng đến ta thì ta sẽ hiện thân trước người ấy. Hiện ra dưới hình thức voi sáu ngà, và tùy theo nguyện của người đó để giúp và độ cho họ. Tất cả điều này đều là những luật tắc tác động và phản tác động, nhưng tâm thức chúng ta chưa tới mức độ đó.

KINH: Nên Thiện Tài thấy mười thứ thoại tướng, như là…

GIẢNG: Khi Thiện Tài quán để được thấy ngài Phổ Hiền Bồ Tát thì lúc đó hiện lên mười thoại tướng…

KINH: Thấy tất cả phật độ thanh tịnh, tất cả Như Lai thành Đẳng Chánh Giác. Thấy tất cả phật độ thanh tịnh không ác đạo. Thấy tất cả phật độ thanh tịnh nghiêm sức với những diệu liên hoa. Thấy tất cả phật độ thanh tịnh, tất cả chúng sanh thân tâm thanh tịnh. Thấy tất cả phật độ thanh tịnh, trang nghiêm với những châu bửu. Thấy tất cả phật độ thanh tịnh, tất cả chúng sanh tướng tốt trang nghiêm thân…

GIẢNG: Khi Thiện Tài quán lâu đến một mức độ thì tâm rơi vào biển không hư, thấy tất cả những quốc độ đều chỉ là hư không, vì đều là hóa hiện, như thấy phật sát thanh tịnh không có gì vẩn đục.

KINH: …(Bỏ một đoạn)… Thiện Tài lại thấy mười tướng quang minh như là: Thấy bao nhiêu vi trần của tất cả thế giới, trong mỗi mỗi vi trần xuất sanh tất cả thế giới vi trần số phật sát quang minh võng vân chiếu sáng khắp nơi.

GIẢNG: Những quang minh ấy biến hiện. “Quang minh võng vân” là mây lưới sáng hiện lên bời bời, trông chỗ nào cũng như lưới quang minh, trùng trùng lớp lớp.

KINH: Trong mỗi mỗi vi trần xuất sanh tất cả thế giới vi trần số Phật quang minh luân vân nhiều thứ sắc tướng cùng khắp pháp giới.

GIẢNG: “Luân vân” là những đám mây xoay tròn.

Tôi đã giảng nhiều lần ở đây về sự xoáy trôn ốc của pháp giới này, hôm nay tôi xin nhắc lại. Tất cả những chuyển động trong pháp giới này có thể xoay theo hai chiều, một là hữu nhiễu (hiện tướng), hai là tả nhiễu, (rơi chìm vào biển chân không). Như cái hố thẳm đen (black hole), các nhà khoa học chưa hiểu rõ ràng về nó, chỉ biết các vật chung quanh nó bị hút vào đấy và mất tích luôn, không có một vật gì có thể cưỡng lại được với sức hút của nó. Nhưng nếu dựa theo kinh, tôi thiển nghĩ rằng đó là những cái hố hay nút xoáy không luân cuốn hút vật chất tiêu chìm trở về hư không, và chắc là nó xoay theo lối tả nhiễu. Nên trong kinh luôn luôn dùng chữ “luân,” là những cơn lốc xoáy tròn, mà không có gì đi thẳng cả. Đường thẳng là một ảo tưởng của tâm thức, mà tất cả phải xoáy tròn, như chúng ta vẫn xoáy tròn liên tục mà không hề hay biết.

Trở lại đoạn kinh trên, Thiện Tài thấy những màng lưới kết lại, trong màng lưới có những đám mây sáng xóay tròn.

KINH: Trong mỗi vi trần xuất sanh tất cả thế giới vi trần số Phật sắc tượng bửu vân cùng khắp pháp giới.

GIẢNG: Khi đám mây xoáy tròn lâu thì những đám mây trân bửu ấy hiện lên sắc thân Phật cùng khắp pháp giới.

KINH: Trong mỗi mỗi vi trần xuất sanh tất cả thế giới vi trần số phật quang diệm luân vân cùng khắp pháp giới.

GIẢNG: Cũng là những đám mây xoay tròn để hiện tướng.

KINH: Trong mỗi mỗi vi trần xuất sanh tất cả thế giới vi trần số những diệu hương vân cùng khắp mười phương khen ngợi tất cả hạnh nguyện đại công đức hải của Phổ Hiền.

GIẢNG: Câu này chúng ta phải hiểu rằng những đám mây xoay vần rồi phát ra những mùi hương rất thơm, đồng thời mùi hương đó phát ra những âm thanh ca ngợi tất cả những hạnh nguyện cùng biển công đức của ngài Phổ Hiền. Cũng như trong kinh Lăng Nghiêm nói trong tiếng động phát ra quang minh, quang minh hiện thành sắc tướng, sắc tướng thành ra mùi hương, dần dần hiện tướng như thế, thì ở đây là những lưới quang minh xoay tròn, đầu tiên hiện những sắc tướng Phật, rồi hiện ra những hương vân, sau đó phát ra âm thanh.

KINH: Trong mỗi mỗi vi trần xuất sanh tất cả thế giới vi trần số nhựt nguyệt tinh tú vân, đều phóng quang minh của Phổ Hiền Bồ Tát chiếu khắp pháp giới.

GIẢNG: Kinh tả dần dần hiện tướng ngày càng rõ rệt, vì trong những quang minh vân ấy bắt đầu hiện lên các mặt trời, mặt trăng, tinh tú. Như vậy là một hoa tạng thế giới bắt đầu xuất hiện trước mắt Thiện Tài, có nghĩa rằng, Thiện Tài đang trôi dần vào biển pháp giới, để có thể nhập pháp giới trọn vẹn.

KINH: Trong mỗi mỗi vi trần xuât sanh tất cả thế giới vi trần số tất cả chúng sanh thân sắc tượng vân phóng phật quang minh chiếu khắp pháp giới.

GIẢNG: Trên kia nói thành tựu thế gian tức là “Khí thế giới,” tạm gọi là vô tình, như thấy nhật, nguyệt, tinh tú v.v… Còn đây là nói đến những loài hữu tình, các chúng sanh. Mà tất cả đều do những đám mây quang minh tạo thành. Vì vậy tôi vẫn thường nói rằng, giáo lý nhà Phật là giáo lý của những quang minh và diệu âm, của những bông hoa tạng thế giới lúc nở ra, rồi cụp lại. Mà nếu chúng ta cứ suy tư lâu ngày rồi thấm và tin chắc chắn, thì đức A Di Đà thế nào cũng phải cứu độ chúng ta.

KINH: Trong mỗi mỗi vi trần xuất sanh tất cả thế giới vi trần số Bồ Tát thân sắc tượng vân.

GIẢNG: Trên kia là Phật sắc tượng, lúc đầu còn là những lưới mây xoay tròn, dần dần hiện mùi hương, sắc, âm thanh, rồi đến nhật nguyệt, tinh tú, rồi đến những chúng sanh hữu tình, rồi đến các Phật sắc tướng, rồi đến đây là hiện thân các vị Bồ Tát sắc tướng. Như vậy, trước mắt Thiện Tài pháp giới bắt đầu xuất hiện lại tuần tự rất rõ. Đó là bước thứ hai, nay chúng ta qua bước thứ ba…

KINH: Thiện Tài thấy mười thứ quang minh này rồi, nghĩ rằng nay tôi sẽ được thấy Phổ Hiền Bồ Tát thêm lớn thiện căn.

GIẢNG: Chúng ta nên biết rằng, khi gặp một vị có đạo hạnh cao, chĩ cần nhìn thấy ngài thôi là thiện căn của ta tự dưng tăng trựởng, còn nếu khởi tâm cung kính cúng dường vị đó thì thiện căn càng thêm lớn. Vì vậy, những người tu học ngày xưa, chỉ cần gặp Phật là đắc quả, bởi vì thiện căn của họ đã chín nên chỉ thêm một giọt nước là tràn ly.

HỎI: Còn gặp vị Lạt Ma bên Tây Tạng thì sao?

ĐÁP: Tôi cũng không biết chắc ngài đến bực nào, nhưng dân Tây Tạng coi vị Đạt Ma là một hóa thân của đức Quán Thế Ảm Bồ Tát. Nhưng cũng phải còn tùy thiện căn của người gặp nữa, nếu ta không có thiện căn, tâm không tương ưng, thì dù có gặp cũng không cảm thấy gì, ngược lại, nếu tâm thức của người gặp đã chín thì lại khác.

KINH: Thiện Tài thấy mười thứ quang minh nầy rồi, nghĩ rằng: Nay tôi sẽ được thấy Phổ Hiền Bồ Tát thêm lớn thiện căn. Thấy tất cả Phật, nơi tất cả Bồ Tát sanh tri giải quyết định, được nhất thiết trí.

Thiện Tài nhiếp khắp thiện căn, nhứt tâm cầu thấy Phổ Hiền Bồ Tát, khởi đại tinh tấn tâm không thối chuyển, liền dùng phổ nhãn quán sát mười phương tất cả chư Phật và chúng Bồ Tát. Bao nhiêu cảnh giới đã thấy đều tưởng là được thây Phổ Hỉền Bồ Tát.

GIẢNG: Thiện Tài tập trung tâm thức, nhất tâm quán chiếu nên thấy cảnh giới nào Thiện Tài cũng tưởng như thấy ngài Phổ Hiền vậy. Cũng vậy, khi chúng ta tập quán đức A Di Đà, thì đi đến đâu, bất cứ thấy cảnh giới nào cũng đều tưởng nhớ đến ngài, dù là trên xe bus, hay ngoài phố cũng đều thấy đức A Di Đà, thì lúc đó thế nào Phật A Di Đà cũng sẽ hiện lên cho chúng ta thấy. Trong kinh Hoa Nghiêm, có một đoạn ngài Văn Thù dạy rằng, “Muốn tìm cầu thiện trí thức phải dũng mãnh tự tại du hành tất cả các nơi, tìm cầu vị thiện tri thức, thứ hai là gặp cảnh giới nào cũng phải quán chiếu là thấy vị thiện tri thức, thứ ba là phải coi thân mình như mộng, như huyễn.” Giữ được tâm như thế thì lúc đó ta đã đến một mức quyết định khá kiên cố rồi.

KINH: Dùng trí huệ nhân quán sát Phổ Hiền đạo, tâm quảng đại dường như hư không, đại bi kiên cố như Kim Cang. Nguyện tận vị lai thường được theo Phổ Hiền hạnh, thành tựu trí huệ, nhập Như Lai cảnh, trụ Phổ Hiền địa. Bấy giờ Thiện Tài đồng tử liền thấy Phổ Hiền Bồ Tát ở trong chúng hội trước đức Như Lai…

GIẢNG: Trước thì thấy tất cả pháp giới hào quang chập chùng lần lượt hiện tướng như thế nào, bây giờ mới thấy ngài Phổ Hiền, vì tất cả những thân vân, mùi hương, lưới chập chùng của quang minh v.v… đều là thân y báo ngài Phồ Hiền, sau cùng mới đến chánh báo của ngài.

KINH: Bấy giờ Thiện Tài đồng tử liền thấy Phổ Hiền Bồ Tát ở trong chúng hội trước đức Như Lai, ngồi tòa sư tử Bửu Liên Hoa, chúng Bồ Tát vây quanh rất là tôn nghiêm, thế gian không sánh được, cảnh giới trí huệ vô lượng vô biên khó lường khó nghĩ, đồng tam thế Phật, tất cả Bồ Tát không quán sát được.

GIẢNG: Thiện Tài nhìn thấy tất cả pháp giới chính là thân không thân của ngài Phổ Hiền, và đến giờ phút này mới được nhìn rõ báo thân của ngài ngồi ngay trong Bồ Đề Đạo Tràng. Tức là từ trước Thiện Tài nhìn tất cả pháp giới rộng lớn, bây giờ thu lại thành một báo thân thị hiện ngồi đạo tràng ấy, có nghĩa là nhìn từ một cái thật lớn nay thu nhỏ lại thành một báo thân. Và bây giờ, Thiện Tài nhìn thây trong lỗ chân lông của ngài lại nở lớn ra cả trăm ngàn thế giới. Có nghĩa là cái lớn, nhỏ tự tại vô ngại dung thông với nhau.

KINH: Thấy thân Phổ Hiền mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả thế giới vi trần số quang minh vân, khắp pháp giới tất cả chúng sanh khổ hoạn, khiến các Bồ Tát sanh đại hoan hỷ. Thấy mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả phật sát vi trần số những sắc hương diệm vân, khắp pháp giới hư không giới tất cả chư Phật chúng hội đạo tràng để huân tập tất cả. Thấy mỗí mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả phật sát vi trần số tạp hoa vân, khắp pháp giới hư không giới tất cả chư Phật chúng hội đạo tràng mưa những diệu hoa. Thấy mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả phật sát vi trần số hương thọ vân, khắp pháp giới hư không giới tất cả chư Phật chúng hội đạo tràng mưa những diệu hương. Thấy mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả Phật sát vi trần số diệu y vân, khắp pháp giới hư không giới chư Phật chúng hội đạo tràng mưa những diệu y…

GIẢNG: Thiện Tài nhìn từ một khía cạnh hết sức bao quát cả một thế giới rồi dần dần thu nhỏ lại nhìn thấy báo thân của ngài Phổ Hiền sau đó lại thấy trong tất cả lỗ chân lông của ngài lại nở ra trùm tất cả pháp giới. Tức là từ lớn thu vào nhỏ, từ nhỏ nở ra lớn như một bông hoa, lúc nở ra bao trùm pháp giới, lúc thu lại trong một lỗ lông, ở đây, Thiện Tài thấy các lỗ lông của ngài Phổ Hiền xuất sanh tất cả các sắc hương diệu vân, sau đó xuất sanh các tạp hoa vân, mưa những diệu hoa, rồi xuất sanh tất cả những vi trần số hương thọ vân (mùi hương từ những áng mây), rồi diệu y vân (áo bằng mây vi diệu)…

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả phật sát vi trần số bửu thọ vân, khắp pháp giới hư không giới tất cả chư Phật chúng hội đạo tràng ma ni bửu. Thấy mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả phật sát vi trần số sắc giới thiên thân vân sung mãn pháp giới khen ngợi bồ đề tâm.

GIẢNG: “Thiên thân vân” là những áng mây trong đó cuộn lại thành hình chư Thiên. Các chư thiên hiện ra khen ngợi bồ đề tâm.

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả phật sát vi trần số Phạm Thiên thân vân, khuyến thỉnh chư Như Lai chuyển diệu pháp luân.

GIẢNG: Trong những lỗ lông ấy xuất sanh các vị Phạm Thiên, là những vị vua trời coi tầng trời sơ thiền. Các vị vua trời ấy đều khuyến thĩnh chư Như Lai chuyển diệu pháp luân.

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông xuất sanh tất cả phật sát vi trần số dục giới thiên vương thân vân, hộ trì pháp luân của tất cả Như Lai.

GIẢNG: Vì vậy, tôi hay thường nhắc rằng, có các vị Thiên Vương hộ pháp mà chỗ nào có người đọc tụng kinh và thành khẩn, giới hạnh tinh nghiêm thì các vị cũng đến nghe và hộ trì cho.

KINH: Thấy mỗi mỗi lỗ lông trong mỗi niệm xuất sanh tất cả phật sát vi trần số tam thế phật sát vân…

GIẢNG: “Phật sát vân” là những đám mây sinh ra những cõi Phật, như cõi Ta Bà chúng ta chẳng hạn, trong đây là những đám mây xoay tròn hiện lên thế giới này.

KINH: Thấy mỗí mỗi lỗ lông trong mỗi niệm xuất sanh tất cả phật sát vi trần số tịnh, bất tịnh phật sát vân…

GIẢNG: Tức là có những đám mây hiện rất nhiều cõi, từ những cõi tịnh đến những cõi bất tịnh.

KINH: Khắp pháp giới hư không giới khiến tạp nhiễm chúng sanh đều được thanh tịnh.

GIẢNG: “Tạp nhiễm chúng sanh” chính là chúng ta, nên các ngài phải tạo ra những cõi tịnh và bất tịnh để dạy chúng ta đi từ cõi bất tịnh (tạp nhiễm) sang đến cõi tịnh. Trong kinh không có lúc nào không nhắc nhở chúng ta nhớ đến Tịnh Độ, nếu chúng ta không tin thì đó là cô phụ chính chúng ta vậy.