DIỆU ÂM NHÂN QUẢ
NHÂN QUẢ LUÂN HỒI TẠP LỤC
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học
NHÂN QUẢ LUÂN HỒI TẠP LỤC
Soạn dịch: Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Ai nói luân hồi chuyện vẩn vơ,
Người – dê chuyển kiếp lẹ không ngờ,
Đốt lò hương hỏi niềm xưa cũ,
Nghe giọng triều âm tỉnh giấc mơ.
Chuyện Mạnh Phu Nhơn
Điền Canh Dã, làm quan Đề Đốc tỉnh Quảng Tây, vợ là Mạnh Phu Nhơn, bẩm tính hiền lương, nhưng chẳng may mất sớm.
Khi Điền Canh Dã trên thuyền ngắm cảnh ở trấn Lương Châu, đêm trăng ngồi một mình nơi nha dinh, bỗng mơ màng như vào mộng, thấy phu nhơn dung mạo cực đẹp, từ trên ngọn cây phơi phới bay xuống. Điền Canh Dã mừng rỡ cùng nhau hỏi chuyện hàn huyên như thuở bình sanh.
Phu nhơn bảo: “Thiếp vốn là một vị thiên nữ, do túc duyên đời trước nên nay làm bạn với tướng công, duyên trần đã mãn, lại trở về ngôi cũ. Nay bởi còn chút duyên thừa nên mới đến viếng thăm.”
Điền Canh Dã hỏi: “Tôi kết cuộc ở quan tước nào?”
Phu nhơn đáp: “Quan vị còn tăng, không phải chỉ chừng ấy mà thôi.”
Tôi thọ được bao lâu?
Đáp: Cơ trời khó nói, tướng công lúc chết nên ở nơi hương lý, không ở chốn quan nha, không tại quán dịch bên đường, cũng không mất giữa chiến trận, thời đến sẽ tự rõ.
Hỏi: Sau khi tôi chết, còn được thấy nhau nữa chăng?
Đáp: Việc này đều do tướng công, nếu cố gắng tu, khi sanh lên cõi trời tất sẽ được gặp, bằng không chắc sẽ khó hy vọng.
Sau Điền Canh Dã đi chinh phạt giặc Miêu trở về, già yếu chết dưới trướng binh.
Chuyện Vị Lão Tăng
Thế gian diễn hứa bi hoan sạ
Dục nhập tham thiền vạn kiếp không.
Thời Trung Hoa Dân Quốc cư sĩ Uông Hiểu Viên một hôm ra chợ, thấy vị lão tăng đứng ngó sững vào hàng thịt rưng rưng nước mắt, cư sĩ lấy làm lạ hỏi duyên cớ. Lão tăng đáp:
Câu chuyện rất dài xin lược thuật phần đại khái. Tôi nhớ được việc hai kiếp về trước. Đời thứ nhất, tôi là một tên đồ tể. Hơn ba mươi tuổi mãn phần, hồn bị người bắt trói đưa đi. Minh quan trách là nghiệp sát nặng, cho quỷ áp giải đến Ty chuyển luân để thọ ác báo. Lúc bị xô xuống con sông đen tối, tâm thức tôi hoảng hốt mơ màng, thoạt tiên thật nóng như lửa đốt khó nhẫn, kế đó là cảm hơi mát mẻ; tỉnh ra thì mình đã sanh làm kiếp súc vật trong chuồng heo. Sau khi dứt sữa, thấy thức ăn không được sạch, lòng cùng biết nhàm gớm, nhưng vì đói quá gan ruột cồn cào, nên bất đắc dĩ phải nhắm mắt nuốt vào. Sau lần lần thông tiếng nói của loài heo, thường cũng hỏi han nhau, trong đồng loại cũng có lắm kẻ nhớ biết kiếp trước của mình, song không thể nói cho người hiểu được. Đại để đều nhận thức mình sẽ bị giết, nên có lúc rên rỉ, đôi mắt ướt, là tỏ dấu bi sầu. Loài heo thân thể thô nặng, vào mùa hạ rất nóng khổ, chỉ tìm vũng bùn nằm vùi mới đỡ, song cũng không thường có được. Bởi lông thưa và cứng, nên mùa đông lại khổ vì lạnh, thân thể giá buốt, thấy loài dê chó lông nhuyễn dày, hằng mơ ước, xem như loài thú tiên. Đến lúc bị bắt tự biết mình không khỏi, nhưng sợ quá nhảy chạy càng mong kéo hưỡn mạng sống được phút nào hay phút nấy. Khi bị trói rút bốn chân khiêng đi, dây khuyết đau đến tận xương. Lúc người bỏ lên xe chở về, thân hình cùng đồng loại chồng chất đè lên nhau, máu huyết ứ đọng, gần như muốn đứt. Khi đến nhà lò, bị liệng xuống đất, gan ruột tựa hồ tan nát. Nhìn thấy dao bén, chảo vạt để hai bên, lòng bắt run sợ, không biết khi bị giết sẽ đau đớn như thế nào?! Lúc thọc huyết, thân tâm sảng sốt rụng rời, thấy ánh dao chớp lên liền nhắm mắt không dám nhìn thẳng. Khi đồ tể ấn lưỡi dao vào cổ, rung lắc mạnh cho huyết chảy xuống bồn, ban đầu còn kêu la, sau chỉ rên nhỏ trong cổ họng cho đến máu chảy đến tắt hơi, sự đau khổ thật không thể hình trạng!
Bây giờ hoảng hốt mê ly như say như mộng, chừng tỉnh dậy thấy mình đã thành hình người. Minh quan xét thấy kiếp trước còn có nghiệp lành, nên cho chuyển sanh làm người, tức là thân đời nay đây. Vừa rồi tôi thấy loài heo bị giết thương nó đau đớn, nhớ lại kiếp trước mình đã chịu khổ độc, rồi tiếc cho người đồ tể này tương lai cũng bị nỗi khổ đó, ba mối niệm giao cảm, bất giác thương tâm không biết rơi lệ lúc nào!
Nói xong, quay mặt bỏ đi. Lúc ấy, người xung quanh nghe nói, chỉ trỏ bàn tán phân vân. Bác hàng thịt được biết câu chuyện, sanh lòng sợ hãi, từ đó về sau đổi nghề đi bán rau. (Trích lục Phật học chỉ nam.)
Thái Thú Họ Ngưu
Miền Tích Châu, có Uông Tả Viên tiên sinh biệt hiệu là Sĩ Khang. Trong niên hiệu Gia Khánh, Uông Tả Viên thi đỗ tiến sĩ, được bổ làm huyện lịnh ở Tứ Xuyên. Dưới quyền quản lãnh của tiên sinh có viên Thái thú họ Ngưu, vốn là hàng đồng niên và đã chiếm Á Nguyên ở bản tỉnh.
Quan Thái thú này, bàn tay mặt là tay người, còn bên trái là móng ngựa. Ông nhớ rõ ba kiếp trước, tường thuật với tiên sinh rằng:
Đời trước tôi là một vị tướng, vì đánh giặc Miêu tàn sát quá nhiều, nên Minh quan phạt cho chuyển kiếp làm ngựa. Khi sanh ra đã đổi thành thân ngựa trong tàu, tự bị thương la ré nhảy cắn, không ăn mà chết. Minh ty quở là cưỡng lệnh, đánh phạt, rồi cũng cho chuyển sanh làm ngựa như cũ. Lần này, vì sợ trách phạt, nên không dám cầu chết, khi lớn lên được một vị tướng quan chọn lựa để cỡi. Viên tướng này tánh tình nóng nảy hung bạo, nên thân mình hằng bị roi vọt, trăm điều thống khổ.
Một hôm, vị tướng đánh giặc thua quân địch đuổi theo rất gấp. Tôi chở chủ tướng bôn đào, thoạt chạy đến một khe núi rộng ước hơn trượng, bờ bên kia đá nhọn dựng chập chồng. Lúc ấy tôi nghĩ: “Nếu nhảy qua mình sẽ phải chết, song chủ tướng có thể đào sinh. Như không vượt qua, tất chủ bị binh giặc theo giết.” Nghĩ xong, liều mình cố hết sức nhảy qua khe núi, bụng bị đá nhọn đâm, rách ruột mà chết. Vị tướng nhờ đó thoát nạn.
Sau khi tôi chết, Minh ty khen là trung nghĩa, hứa cho chuyển thân người lại là văn quan, lên đến bậc tứ phẩm. Trước kia lúc tôi sắp làm ngựa, quỷ tốt lấy da ngựa khoác vào mình, đến khi trở lại làm người, lại lột da ngựa ấy đi. Nhưng vì tôi đã hai kiếp làm ngựa, da dính khắn vào thân, quỷ dùng dao lột ra, đau đến tận xương tủy. Khi dao rạch đến móng lại càng đau đớn, không thể nhẫn, nhân mới lén lút dấu móng chân đàng trước. Quỷ tốt cũng không để ý phát giác. Chẳng ngờ vì duyên cớ đó, mà chuyển sanh bàn tay lại thành móng ngựa.
Kể chuyện xong, Thái Thú bảo Uông Tả Viên rằng: Lộc vị của tôi chỉ đến chừng này, mạng sống cũng chẳng còn bao lâu, đến ngày tháng ấy… sẽ từ trần.” Sau việc quả nhiên.
“Dung Ai bút ký”.
Giết Dê Hại Vợ
Lưu Đạo Nguyên làm quan huyện tại Bông Khê, lúc giải chức trên đường về ở trọ nhà họ Tần. Đêm ấy ông nằm mộng thấy một thiếu phụ đến khóc thưa: “Tôi vốn là vợ của họ Tần nhà này. Vì lỡ tay đánh chết người thiếp, nên bị Minh quan xử phải đền mạng, lại phạt làm dê. Nay tôi ở trong chuồng, sáng sớm sẽ bị giết để đãi ông. Tôi chết vẫn không tiếc, nhưng vì trong bụng hiện mang thai dê con. Nếu nó nhân đó mà chết theo, thì tội lỗi càng thêm nặng.”
Lưu Đạo Nguyên đợi đến sáng thuật lại, thì dê cái đã bị giết. Cả nhà nghe nói khóc rống, nhét dê con trở vào bụng dê cái rồi đem đi chôn.
Phạm Dâm Trả Quả
Trần Sanh ở Động Đình nhà rất nghèo, nên đem vợ và em trai di cư đến Châu Kinh. Nơi đây thương khách tới lui tấp nập. Trần Sanh tánh hay chìu chuộng nịnh bợ lại khéo mua bán, nên chẳng mấy năm gia tư có đến ngàn lượng vàng.
Một hôm ông bỗng vướng bệnh nằm liệt vài ngày, rồi chỗi dậy bảo vợ cùng em rằng: “Ba người chúng ta kiếp trước đều là tu sĩ, chung nhau gian dâm một thiếu phụ, rồi giết người chồng. Kẻ cầm giao giết chính là tôi. Nay Minh vương cho quỷ đến bắt, oan trái tất phải đền trải. Bây giờ tôi đi trước còn hai người chắc cũng không thoát khỏi đâu.”
Nói xong tự nhổ râu tóc, lấy giao cắt lưỡi mình; lại dùng lấy hai ngón tay móc đôi tròng mắt lôi ra, giây phút liền tắt thở.
Cô vợ và người em mấy ngày sau cũng chết.
Bất Hiếu Đọa Làm Heo
Hầu Nhị ở Kim Đơn vốn là kẻ bất hiếu. Bà mẹ đem gạo giúp đỡ người ăn xin, Hầu Nhị trông thấy nổi giận đánh mẹ và đuổi ra khỏi nhà. Vợ con khóc lóc can gián, y cũng không nghe. Chẳng bao lâu khắp mình Hầu Nhị sanh ghẻ độc lở lói, hành hạ đau nhức cho đến lúc mãn phần.
Sau khi chết, Hầu Nhị về ứng mộng cho thấy bảo rằng: “Do cha ngỗ nghịch bất hiếu nên đọa phạt làm heo ở nhà Trương Nhị nơi cửa Tuyên Võ tại Kinh Sư. Con nên qua đó mà chuộc mạng cha, nếu để trễ e không kịp.”
Thức dậy đứa con y theo lời tìm đến nhà Trương Nhị, quả có heo nái vừa mới sanh mấy heo con. Trong đó có một heo con hình thú mặt người, có râu mép, trạng mạo giống cha mình. Đứa con thương khóc thuật lại duyên cớ, nguyện đưa ra mười vạn lạng xin chuộc đem về. Nhưng Trương Nhị không nghe đem heo con ra giết.
Việc nầy xảy ra vào niên hiệu Khang Hy thứ 39 đời Thanh.
Vùi Trong Bếp Lửa
Bên nhà một phú ông ở Hoa Đĩnh có thân cây khô rất to. Ông sắp đốn, thì đêm lại mông thấy một lão nhơn dẫn nhiều người tới, xin hãy thong thả chậm lại ít hôm cho dời đi. Phú ông biết trong cây đó có vật lạ, sai người trèo lên nhìn xem, thì thấy cây đó bọng ruột. Trong bọng cây vô số rắn lạ nằm khoanh. Ông liền bảo đầy tớ đổ dầu đốt cháy cây ấy. Lúc đó hơi tanh hôi bay xa cả dặm, phú ông đắc ý vỗ tay cả cười.
Không bao lâu, ban đêm phú ông thấy có đám lửa to bay vào nhà. Ông gọi gia nhân thức dậy đến cứu chữa, nhưng lại tịnh nhiên không có chi cả. Việc như thế xảy ra nhiều lần rồi đều lặng lẽ, cả nhà không lấy làm lạ. Đêm nọ đứa tớ gái trộm củi đem nấu đồ riêng, bỗng lửa cháy phát đỏ. Phú ông và tất cả gia nhân đều cho là trạng thái cũ, nằm nghỉ luôn không thức dậy. Nhưng lần này cháy thật, cả gia quyến đều bị vùi trong lửa.
Lai Tinh Hải
Lai Tinh Hải còn có tên là Lai Phục, người ở Tam Nguyên xứ Hiệp Tây. Ông thi đỗ tiến sĩ vào khoa Đinh Mùi, niên hiệu Vạn Lịch. Cha ông là Lai Thiếu Sâm, tánh tình điềm đạm khiêm nhường cũng là một bậc tiến sĩ.
Khi Lai Tinh Hải chưa sanh, trong làng có một vị tăng pháp danh Lai phục, dốt chữ, chỉ nhờ người dạy học thuộc lòng được phẩm Phổ Môn và Bát Nhã Tâm Kinh, ngoài ra không biết chi cả. Cách làng hơn mười dặm, có khoảng sông cạn đầy cát, đến mùa mưa nước tràn ngập, người đi lại rất làm khổ sở. Sư Lai Phục không nề nhọc nhằn, tự thân đứng ra đắp đường làm cầu, có ai duyên trợ cũng đều tạ. Do đấy, xa gần đều gọi là sư Phật Hòa Thượng. Có người thấy sư khổ hạnh, dốt nát, gọi là Chuyết Hòa Thượng (Hòa Thượng quê vụng). Cũng có kẻ hiềm sư không chịu đi đám tụng kinh, nên gọi là Lại Hòa Thượng (Hòa Thượng Làm Biếng). Duy tiến sĩ Lai Thiếu Sâm kính trọng sư, nên gọi là Hữu Hạnh Hòa Thượng.
Sư tánh không thích cầu cạnh người, Lai Thiếu Sâm biết ý, thỉnh thoảng đến chùa nghe sư tụng hai thứ kinh và cúng dường vài gạo cùng các thức ăn.
Một hôm Lai Thiếu Sâm đang ngồi ở thính đường xử việc chợt thấy Lai Phục đi vào. Lai Thiếu Sâm vội vã đứng lên đón rước, nhưng sư không đoái hoài đến, đi thẳng vào nhà trong; kêu hỏi cũng chẳng đáp, Lai Thiếu Sâm lấy làm lạ, thì giây lát có tin truyền ra là phu nhơn sanh được một đứa bé trai. Ông vội sai người hỏi thăm, mới hay sư vừa hóa kiếp. Lai Thiếu Sâm biết sư đã thác sanh làm con mình, nên đặt ký danh là Lai Phục.
Thuở niên thiếu, Lai Phục cực thông minh, đọc rất nhiều sách, tinh cả nghề thuốc và bách công kỹ nghệ. Lớn lên thi đỗ làm quan các nơi,kẻ nghe biết đến cầu trị bịnh, cứu được rất nhiều người. Khi lớn tuổi, ông cáo bệnh về quê, thường nói với người rằng: “Ta vốn là kẻ xuất gia, đi trên đường hoạn lộ đã lâu; e quên mất bản lai, biết làm sao đây?”
Lúc sắp chết ông lại nói: “Nay ta muốn trở về để nối thành công nghiệp cũ.” Nói xong liền qua đời.
Hạ Phùng Thánh
Quan tướng Quốc đời Minh là Hạ Phùng Thánh, trong niên hiệu Sùng Trinh, cùng gia nhơn tử miền quê lên Kinh sư. Thuyền vừa đến mũi Tầm Ngư, thuộc dòng Cửu Giang, sóng to gió lớn chợt nổi lên. Hạ Phùng Thánh vội mặc triều phục, cầm hốt ra trước thuyền khấn vái. Khi ấy người trên thuyền thấy giữa hư không có vị thần mặc áo lụa đỏ, xách xon quỷ đen liệng xuống nước, liền đó sóng gió dừng lặng. Hạ Phùng Thánh cho thuyền ghé vào bờ, thiết lễ cúng nơi miếu Đại Vương ở bên sông, để đáp ơn thần phò hộ. Do duyên sự này, từ đó về sau dân chúng càng tin tưởng, đem hương đèn, dê lợn dâng cúng mỗi ngày thêm nhiều.
NămSùng Trinh thứ mười ba, Kỳ Thân Vương muốn phục hưng đạo tràng Quy Ngưỡng, cho rước Tam Muội Quang luật sư vào đất Sở.
Thuyền qua Cửu Giang, Tam Muội Quang mơ thấy một vị áo mão trang nghiêm đến thưa rằng: “Tôi là Tống Đại Vương, thủy thần ở sông Cửu Giang. Kiếp trước tôi cùng Tam Muội Quang và Hạ Phùng Thánh, ba người là bạn đồng tu ở chốn thâm sơn. Tam Muội Quang không mê là chánh nhơn, nên đời này là bậc cao tăng. Hạ Phùng Thánh do phước duyên, lên đến ngôi tể tướng. Còn tôi, vì một niệm sai lầm, trở thành vị thần hưởng huyết thực. Trước đây, Hạ Phùng Thánh bị con yêu nơi cây đại thọ ở mũi Tầm Ngư nổi sóng muốn lật thuyền, tôi vì nghĩ đến tiền duyên nên ra tay giúp đỡ. Không ngờ do sự việc đó mà dân chúng sát sanh đến cúng tế ngày càng thêm nhiều, e rằng tương lai tất bị đọa vào địa ngục. Ngày mai Tam Muội Quang đi ngang qua đây, xin ghé vào miếu, từ bi thọ lý cho. Lại xin công bố việc này cho bốn phương hay biết, để về sau dân chúng đừng sát sanh cúng tế nữa. Như thế, niềm hân cảm mối thâm ân sẽ vô hạn.” Sau khi tỉnh dậy Tam Muội Quang ghi nhớ và nhứt nhứt làm y theo lời.
Từ đó về sau, giang thuyền qua lại mũi Tầm Ngư, quanh năm đều được yên ổn, kẻ lữ hành chỉ dùng trai thực hoa quả cúng tế mà thôi. Chuyện này cùng với việc thần hồ Cùng Đinh thác mộng cho vị sư con vua nước An Tức cầu cứu độ, có phần tương đồng. (Trích lục Trì Bắc Ngẩu Đàm).