Nguồn Gốc Thùng Công Đức

Pháp vật này là do Tăng sĩ phát minh ra sau khi Phật giáo truyền sang phương Bắc. Hình dáng của nó giống như thùng bỏ phiếu ngày nay vậy. Thường được đặt phía trước hoặc kế bên bàn thờ của chánh điện, cũng có khi đặt ở các điện đường hoặc vị trí khác, tùy theo sự sắp xếp của vị Trụ trì.

Thùng công đức, nó là một cái tủ nhỏ để đựng tiền của thí chủ cúng dường, phía trên có viết:“QUẢNG CHỦNG PHƯỚC ĐIỀN” tức là phát tâm rộng rãi gieo trồng vào ruộng phước, phước điền tam bảo, công đức sương – thùng công đức, thùng tam bảo, thùng phước điền,… Và cũng có khi không để chữ, chỉ cần để ngay trước bàn thờ thì người hộ trì tam bảo biết. Với ý nghĩa nhằm khuyên mọi người nên kết duyên, xả bỏ ái tài, gieo trồng nhân lành vào thửa ruộng công đức ngôi tam bảo, thì sẽ được phước quả.

Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài và Tăng đoàn sống một cuộc đời thanh khiết, biết đủ, giản dị, hằng ngày đi khất thực để nuôi sắc thân, ăn một bữa giữa trưa, không nấu chứa để thức ăn. Ngoài y bát và một vài vật dụng phải có để duy trì cuộc sống ra, không cất giữ đồ vật gì khác. Ngài là đấng sáng lập ra đạo Phật và cũng là bậc thầy tiêu biểu cho chư thiên và loài người. Phương thức sống của Đức Phật Thích Ca không chỉ thể hiện qua tinh thần Phật giáo, mà còn phản ánh về phong tục tập quán của nhân dân Ấn Độ thời xưa.

Ở Ấn Độ xưa, người dân cho rằng người xuất gia tu hành là thay mình chịu khổ. Vì thế cúng dường người xuất gia là bổn phận mà mình phải hết lòng. Bất kỳ người xuất gia là ai, quen biết hay không quen biết, nhưng khi đến trước cửa nhà mình khất thực thì liền đem những thức ăn ngon nhất ra để cúng dường, nhằm kết duyên với đạo giải thoát.

Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn và cho mãi đến khi cử hành kết tập lần thứ hai (tức năm 443 trước Công Nguyên), các Tăng sĩ Ấn Độ vẫn không chịu nhận cúng dường bằng tiền. Tuy nhiên, sau lần tập kết này, đã phân thành hai bộ phái: Thượng tọa và Đại chúng.

Đại chúng bộ bắt đầu khẳng định có thể nhận cúng dường bằng tiền và thừa nhận việc cất giữ tiền là hợp pháp. Thế nhưng, Thượng tọa bộ vẫn giữ thái độ phủ định hoàn toàn.

Theo thời gian phong tục ấy cũng thay đổi dần cho đến khi Phật giáo truyền sang phương Bắc, đã được sự hộ trì Tam bảo mạnh mẽ của giai cấp phong kiến: quốc vương, đại thần, … phụng thờ ngôi tam bảo, xây dựng chùa chiền. Do phong tục quốc độ khác nhau nên các Tăng sĩ không còn sống bằng cách khất thực ngoài nữa, mà chỉ ở tại tự viện tiếp nhận các vật phẩm cúng dường của tín chúng. Công đức sương xuất hiện từ đó.

Hai chữ Công đức này, theo như quyển thượng của “Thắng Man Kinh Bảo Quyển” chép: “Dứt sạch hết các điều ác gọi là công, tích đầy những điều thiện gọi là đức. Đức tức là được vậy. Bỏ ác sẽ được quả thiện cho nên gọi là công đức.”

Trong quyển thượng “Nhân Vương Kinh Sớ” của Trí Giả đại sư chép:

Ban tặng vật cho người gọi là công, quay về với chính mình gọi là đức.

Do vậy, “Thùng công đức” là nơi mà các người tín chủ phát tâm hộ trì, gieo trồng hạt giống phước lành vào ngôi Tam bảo, để cho ba ngôi qúy báu này tồn tại mãi ở thế gian.