Người tu Tịnh nghiệp ăn chay niệm Phật trong xử sự thường nhật chuyện gì cũng phải rất phù hợp với Tịnh hạnh thì mới có thể vãng sanh

Cư sĩ Tào Á Bá người huyện Dương Tân tỉnh Hồ Bắc, thiên tư khá tốt, đến tuổi búi tóc đi học, liền cùng với những vị tham gia cuộc khởi nghĩa Vũ Xương[1] cực lực đề xướng cách mạng. Triều đình nhà Thanh nghiêm cấm, bèn liều mạng bỏ ra nước ngoài, đi khắp Âu – Mỹ, cùng hoạt động chung với các vị như Tôn Tổng Lý[2]. Đến năm Dân Quốc 11 (1922), cư sĩ bèn chẳng muốn nghe đến chuyện quốc sự nữa, ẩn cư tại Thượng Hải. Tiếp đó tậu sản nghiệp, dựng nhà tại Côn Sơn, rồi nghe theo lời khuyên của cư sĩ Trương Thuần Nhất tin tưởng Phật pháp, đọc khắp những bộ kinh luận nổi tiếng của Đại Thừa. Đến năm Dân Quốc 18, 19 (1929-1930), sau khi thân cận cụ Ấn, cũng khá hợp tính với Sâm, hễ gặp người khác bèn đem Phật pháp khuyên lơn, đề xướng tuyên truyền, khá có ảnh hưởng.

Đối với chuyện thuộc pháp môn, cư sĩ tận lực hộ trì, chẳng hề né tránh, kiêng dè, cũng là người làm được những điều người khác khó thể làm. Sâm lo liệu những chuyện thuộc về tài sản nhà chùa tại Giang Tây cũng được cư sĩ giúp sức không ít. Ông ta khinh tài trọng nghĩa, thanh cao, thật thà, chẳng tranh quyền lợi với ai, cũng là hạng người hiếm có trong thời này.

Tiếc là chuyện gì cũng luông tuồng, chẳng tuân theo quy củ đã định, đến nỗi phần nhiều những chuyện ông làm đều trở thành trò đùa! Vì thế, chỉ gieo được cái nhân xa, chứ khó thể được lợi ích thật sự trong đời này.

Thường ngày, do thân lẫn tâm đều mạnh mẽ, ông tự coi mình là anh hùng, mong có thể sống tới một trăm hai mươi tuổi! Hiềm rằng thuở thiếu niên chơi bời bừa bãi (chuyện này ông ta thường tự lớn tiếng nói cho người khác biết), trác táng quá độ nên đã trở thành bề ngoài mạnh mẽ nhưng bên trong thì khô héo; cho nên đến tuổi xế chiều cũng thường sanh bệnh. Mùa Thu năm Dân Quốc 26 (1937), bị bệnh thổ tả nhẹ, trị gần lành, vẫn gởi thư cho Sâm ước hẹn kỳ hạn đến đất Tô lễ bái, thân cận cụ Ấn, nhân đấy bày tỏ nỗi lòng.

Nào ngờ tối hôm trước ngày đã định, cư sĩ mắc chứng dịch tả. Lần này những người bạn thân đã ước hẹn đồng hành đến mời cư sĩ lên đường, thấy ông ta đã sắp mất, chưa đầy một tiếng đồng hồ đã thiêm thiếp qua đời, thọ sáu mươi hai tuổi, chỉ được nửa số tuổi mong muốn, mất đúng vào giữa trưa ngày Hai Mươi Lăm tháng Tám. Hết thảy các sự thế gian lẫn xuất thế gian đã nói trước đây đều trở thành bánh vẽ. Đây chính là bằng chứng chắc như sắt về chuyện đùa bỡn nơi pháp môn, khó được lợi ích thật sự trong đời này! Người tu Tịnh nghiệp đối với hết thảy những chuyện chẳng tuân theo quy củ đã định phải thống thiết răn ngừa vậy!

Cư sĩ Bành Thủ Chuyết người huyện Nam Xương, tỉnh Giang Tây, năm Dân Quốc 18 (1929), đặc biệt sang đất Hỗ chọn đầu bếp chuyên nấu món chay về Nam Xương trông coi tiệm đồ chay. Nhân đó, đến chùa Thái Bình lễ cụ Ấn nên mới bắt đầu quen biết Sâm. Về sau, ông lại trông coi Phật Kinh Lưu Thông Xứ tại chùa Hựu Dân. Do làm việc nghiêm túc, ông được các cư sĩ tín nhiệm, cho nên công việc cả hai nơi đều giao cho ông chăm sóc. Đối với chuyện trong pháp môn, ông luôn ủng hộ các vị Tăng – tục, cũng như dốc cạn tâm lực hộ trì đề xướng. Sâm phải lo chuyện tài sản nhà chùa ở vùng Nam Cám, được ông lập nhiều cách giúp đỡ, hưởng lợi ích cũng sâu đậm lắm. Nhưng vì ông đông con quá, trong nhà chẳng có của cải gì, duy trì sanh kế cho gia đình khá vất vả. Công khóa tự tu tuy chưa thể không gián đoạn, nhưng cũng chẳng chịu bỏ luống.

Khi ngoài năm mươi tuổi, do lao lực chất chứa, thân suy nhược, đến nỗi thường đổ bệnh. Đến khoảng tháng Bảy năm Dân Quốc 27 (1938), biết trước lúc mất, đã định sẵn kỳ hạn với người nhà. Khi ấy, người nhà vây quanh trợ niệm Phật hiệu, cư sĩ cũng chánh niệm phân minh, an tường về Tây giữa tiếng niệm Phật của đại chúng. Do ông ta cung kính Tam Bảo, chuyện gì cũng học theo ông Hứa Chỉ Tịnh, nghe nói tướng lành lúc vãng sanh cũng gần giống như vậy (nhưng lúc nghe còn chưa ghi lại, nên vẫn còn nhiều chuyện chưa thể tường tận được).

Cư sĩ Tra Tân Thần, người huyện Cửu Giang tỉnh Giang Tây, năm Dân Quốc 24 (1935), làm nghề buôn bán, gia đạo cũng dư dả đôi chút, nhiệt tâm làm chuyện công ích, ưa làm lành, thích bố thí. Những chuyện từ thiện trong địa phương đều khảng khái giúp cho thành tựu, làm phó xã trưởng của Cửu Giang Liên Xã. Năm Dân Quốc 24 (1935), Sâm qua Cửu Giang vừa gặp mặt lần đầu liền được ông đặc biệt ưu đãi. Năm Dân Quốc 25 (1936), triều bái Phổ Đà, đến đất Tô, càng thêm quen biết đậm đà hơn. Mùa Xuân năm Dân Quốc 28 (1939), do tỵ nạn về sống tại Cám Châu, tuy phải lênh đênh trôi nổi, vẫn cứ nhất tâm thờ Phật, mấy lần gởi thư cho Sâm để bàn bạc chuyện trong pháp môn.

Đến tháng Giêng năm Dân Quốc 29 (1940), chẳng may phi cơ oanh tạc Cám Thản, bom rớt xuống gần nơi [cư sĩ] cư ngụ, bị kinh hãi trúng phong, tiếp đó bị chứng bệnh viêm màng não cấp tính, qua đời vào giờ Thân ngày Hai Mươi Mốt tháng Hai. Do bình nhật tin tưởng Tịnh Độ sâu xa, thật sự có tu trì, lại thêm quyến thuộc cũng hơi biết về ý nghĩa quan trọng của sự giúp sức trong lúc lâm chung, nên tuy bị mất vì bệnh ngặt, tâm vẫn giữ được chánh niệm, trọn chẳng có hiện tượng hôn mê, vướng mắc, xưng niệm A Di Đà Phật liên tiếp, nhắm mắt, an nhiên qua đời. Dựa theo kinh giáo, người mất như vậy có khá đầy đủ tướng lành sanh về Tây, cũng là do chuyện gì cũng đều tuân theo quy củ đã định, phần nhiều phù hợp với Tịnh Độ mà cảm vời ra.

Xét ra, ba vị cư sĩ này đều quy y dưới tòa của Ấn lão nhân, giữ lễ đệ tử, đối với cư sĩ Hứa Chỉ Tịnh không ai chẳng đồng thanh tán dương, nhưng hết thảy hành vi của hai vị Bành – Tra phần nhiều lấy hai vị lão nhân (tức tổ Ấn Quang và ông Hứa Chỉ Tịnh) làm khuôn mẫu để phỏng theo; nếu có chỗ nào sức không kham nổi thì cũng tự biết hổ thẹn, chẳng dám buông lung, do vậy kết quả cũng chẳng thua kém cho mấy! Tào cư sĩ xưng tụng ngoài miệng, có thực hành, nhưng không có gì tới nơi tới chốn, chỉ tự mình hành động, phần nhiều gần như là làm quấy quá, chứ thật ít khi thực hiện thật sự! Hơn nữa, hoàn toàn chẳng có công khóa nhất định để lễ bái, trì tụng đúng pháp, lại còn thuận theo tâm hạnh của chính mình, nên mang tiếng là niệm Phật nhưng kết quả cũng hoàn toàn chẳng có ảnh hưởng gì! Đủ chứng tỏ Phật pháp quý nơi thật hành, chứ không phải chỉ nói xuông là có thể giải quyết xong việc. Công chẳng lãng phí, quả chẳng phí uổng. Sâm viết bài này để tự răn mà cũng để răn nhắc hết thảy những ai cùng bệnh vậy!

***

[1] Tức cuộc Cách Mạng Tân Hợi (1911), xảy ra vào ngày 10 tháng 10 năm Tân Hợi, bắt đầu từ Vũ Xương, lật đổ nhà Thanh, lập ra Dân Quốc. Thoạt đầu, Tào Á Bá là một trong những lãnh tụ của nhóm thanh niên chủ trương cách mạng, canh tân Trung Hoa.

[2] Tức Tôn Văn (tự Dật Tiên, hiệu Trung Sơn), quốc phụ của Trung Hoa Dân Quốc.