NGŨ UẨN
TT Thích Nhất Chân
Ý nghĩa của Uẩn là gì?
Uẩn có các nghĩa như sau:
1. bị gắn dính vào: như các cành cây bị gắn dính vào thân cây.
2. tích tụ lại hay nhóm họp lại, mà thành các nghĩa nhóm, tụ, phân bộ v.v…: Như những gì đồng loại, đồng tính chất với nhau, gom lại thành một nhóm hay một tụ, một bộ loại, thì gọi là Uẩn.
Uẩn, theo lối dịch xưa, còn được dịch là Ấm. Ấm có nghĩa là “che đậy” hay “che mờ”…
Năm Uẩn là những Uẩn nào?
Có năm loại Uẩn khác nhau là:
- Sắc
- Thọ
- Tưởng
- Hành
- Thức
Tại sao lại nói Năm Uẩn?
Vì “Ngã” không hề có, “Tôi” không hề có, cũng không hề có một “con người” nào hết. Vậy tôi đang sống, tôi đang có đây, nếu không có tôi, không có một con người đang sống, đang có đó, thì “sống” và “có” đó là cái gì sống và có đó vậy?
Đáp: Cái đang sống và đang có đó chính là Năm Uẩn và chỉ là Năm Uẩn mà thôi. Thế nên thay vì nói Ngã, đức Phật nói Năm Uẩn.
Nghĩa tổng quát của 5 Uẩn Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức:
1. Sắc là mầu sắc, nói chung cho bất cứ gì hữu hình, hữu chất. Song ý nghĩa của Sắc ở đây bao gồm không phải chỉ các Cảnh (tức 5 Trần sắc, thanh, hương, vị, xúc,) mà còn kể luôn cả các Căn (tức 5 Căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,) và kể luôn cả các hoạt động của cơ thể (như duỗi, co, đi, đứng, nằm, ngồi v.v…) Tóm lại, thân thể của các loài hữu tình, cũng như các cử động, hoạt động, cùng với ngoại cảnh xung quanh, đều gọi chung là Sắc.
2. Thọ là “thọ nhận” hay “thâu nạp”. Tâm thức thọ nhận lấy các “cảnh giới” thuộc Sắc xung quanh qua sự “tiếp xúc” giữa Căn, Cảnh và Thức, thì gọi là Thọ. Thông thường gọi là cảm giác. Các cảm giác sướng, khổ và “dửng dưng” (tức không sướng không khổ), đều gọi chung là Thọ.
3. Tưởng là “giữ lại hình ảnh”. Tâm thức giữ lại hình dáng hay hình tướng của các Cảnh đã qua đi, đã thuộc về quá khứ, hoặc các Cảnh không đang có đó đối trước các Căn. Các hình tướng được giữ lại như thế gọi chung là Tưởng.
4. Hành là “hành động”, “hoạt động”. Hoạt động ở đây là hoạt động của Tâm thức sắp xếp phối hợp các thứ Sắc này khác, mà đã được Thọ và Tưởng nhận vào và giữ hình ảnh lại, để tạo ra các kết quả đúng theo như “ý muốn” của Tâm thức. Đồng thời, hoạt động ấy cũng chính là cách thức của Tâm thức nhằm làm hiển lộ chính mình ra, tức tự làm cho mình hiện hữu ra đúng y theo với “tính chất” hay “khuynh hướng” của chính mình.
5. Thức là “nhận biết rõ ràng” theo từng lãnh vực của 6 Căn đối chiếu với 6 Cảnh. Như Tâm thức cùng với Căn và Cảnh tiếp xúc với nhau, do Xúc ấy mà Tâm thức “thọ” và “tưởng” Cảnh kia. Thọ và tưởng Cảnh kia rồi, Tâm thức liền có “thái độ” hay hoạt động, tức là Hành vậy, đối với Cảnh ấy theo đúng tính chất của Tâm thức để Tâm thức được thỏa mãn. Như với Tâm thức thích ngọt và sợ cay, thì khi Căn lưỡi vừa đụng vào vị cay, tức vừa „thọ“ và “tưởng” vị cay, thời Tâm thức liền có “thái độ” là nhè ra, nhăn mặt, và chê liền. Thái độ hay hoạt động ấy biểu lộ rõ ra và theo đúng với tính chất sợ cay của Tâm thức, đồng thời cũng là làm theo đúng ý muốn của Tâm thức là tránh không bao giờ bị nếm phải vị cay. Khi hoạt động ra như thế, một mặt Tâm thức tự xác định sự “có mặt” của mình qua thái độ hay hoạt động thuộc Hành này. Mặt khác Tâm thức, cũng qua thái độ hay hoạt động thuộc Hành ấy, vừa xác định ý nghĩa của Cảnh kia là “cay” chẳng hạn, đồng thời cũng chính là biểu lộ mình ra như là một chủ tể hoàn toàn “biết rõ” chính xác rằng “cái này là cay”. Phật Pháp không chấp nhận Tâm thức là một “chủ tể” thường hằng bất biến, mà chỉ chấp nhận ý nghĩa “biết rõ” các Cảnh dựa theo các Căn này của Tâm thức mà thôi, và gọi cái thái độ “nhận biết rõ ràng” theo từng Căn đối với từng Cảnh ấy là Thức.