ngự tuyển ngữ lục

Phật Quang Đại Từ Điển

(禦選語錄) Cũng gọi Ung chính ngự tuyển ngữ lục. Ngữ lục, 19 quyển, do vua Thế tông soạn vào đời Thanh, được thu vào Vạn tục tạng tập 119. Nội dung thu tập các pháp ngữ của các Thiền sư xưa nay ở Trung quốc, các cư sĩ và vua Thế tông đời Thanh. Gồm có: Chính tập 12 quyển, Ngoại tập 1 quyển, Tiền tập 2 quyển, Hậu tập 3 quyển và Đương kim pháp hội 1 quyển. Trong đó,Chính tập có các bài ngữ yếu ngắn của 15 vị: Tăng triệu, Vĩnh gia Huyền giác, Hàn sơn, Thập đắc, Qui sơn Linh hữu, Ngưỡng sơn Tuệ tịch, Triệu châu Tùng thẩm, Vân môn Văn yển, Vĩnh minh Diên thọ, Tử dương Chân nhân Trương bình thúc, Tuyết đậu Trùng hiển, Viên ngộ Khắc cần, Ngọc lâm Thông tú, Cung khê Hành sâm và Thạc ung thân vương Viên minh cư sĩ(vua Thế tông). Ngoại tập là phần Tịnh độ vấn đáp của ngài Vân thê Châu hoành. Tiền tập vàHậu tậpđều là ngữ lục của các Thiền sư nhiều đời. Ở cuối bài Ngự chế tổng tự có dòng chữ: Ung chính Quí sửu thập nhất niên (1733), tứ nguyệt sóc nhật. Ở đầu ngữ lục của mỗi vị đều có bài tựa Ngự chế đề ngày 15 tháng 4 đến ngày 15 tháng 8 năm Quí sửu (1733).Cứ theo bài hậu tựa Ngự chế cho biết về lí do biên soạn Ngữ lục này là vì nhà vua không vừa lòng với các bộ ngữ lục đã có từ trước nên vua mới soạn ra bộ sách này. Sách được nhập Tạng vào niên hiệu Càn long năm đầu (1736). [X. Đại Thanh tam tạng thánh giáo mục lục Q.5; Trung quốc Phật giáo sử (Tưởng duy kiều) Q.4].