NGŨ GIA THẤT TÔNG
YẾU LƯỢC
ESSENTIAL SUMMARIES OF
THE fIVE HOUSES & SEVEN SCHOOLS
Thiện Phúc
Lời Đầu Sách
Theo Phật giáo, Đức Phật là người đã đạt được Giác Ngộ và Niết Bàn qua thiền tập và tu tập những phẩm chất như trí tuệ, nhẫn nhục, bố thí. Con người ấy sẽ không bao giờ tái sanh trong vòng luân hồi sanh tử nữa, vì sự nối kết ràng buộc phàm phu tái sanh đã bị chặt đứt. Thật vậy, qua tu tập thiền định, chư Phật đã loại trừ tất cả những tham dục và nhiễm ô. Vị Phật của hiền kiếp là Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài sanh ra với tên là Tất Đạt Đa trong dòng tộc Thích Ca. Phật là Đấng Toàn Giác hay một người đã giác ngộ viên mãn về chân tánh của cuộc sinh tồn. Chữ Phật có nghĩa là tự mình giác ngộ, đi giác ngộ cho người, sự giác ngộ nầy là viên mãn tối thượng. Từ Buddha” được rút ra từ ngữ căn tiếng Phạn “Buddha” nghĩa là hiểu rõ, thấy biết hay tỉnh thức. Phật là người đã giác ngộ, không còn bị sanh tử luân hồi và hoàn toàn giải thoát. Trong Kinh Châu Báu, Tiểu Bộ, Tập 6, Đức Phật dạy: “Phật, Thế Tôn thù thắng, nói lên lời tán thán, pháp Thiền định trong sạch, liên tục không gián đoạn. Không gì sánh bằng được pháp thiền vi diệu ấy. Như vậy nơi chánh pháp là châu báu thù diệu. Mong với sự thật nầy, được sống chơn hạnh phúc.”
Như vậy, Phật tử chân thuần chúng ta nên biết rằng trong Phật giáo, thiền làm công việc của một ngọn đuốc đem lại ánh sáng cho một cái tâm u tối. Nói chung, mỗi tông phái thiền cung cấp cho hành giả với loại ánh sáng của nó, nhưng đều giúp cho hành giả có ánh sáng để thấy được mọi thứ. Giả như chúng ta đang ở trong một căn phòng tối tăm với một ngọn đuốc trong tay. Nếu ngọn đuốc quá mờ, hay nếu ngọn đuốc bị gió lay, hay nếu tay chúng ta không nắm vững ngọn đuốc, chúng ta sẽ không thấy được cái gì rõ ràng cả. Tương tự như vậy, nếu chúng ta không thiền đúng cách, chúng ta sẽ không bao giờ có thể đạt được trí tuệ có thể xuyên thủng được sự tăm tối của vô minh để nhìn thấy bản chất thật sự của cuộc sống và cuối cùng đi đến chỗ đoạn tận được khổ đau và phiền não. Vì vậy, Phật tử chơn thuần nên luôn nhớ rằng thiền chỉ là một phương tiện, một trong những phương tiện hay nhất để đạt được trí huệ trong đạo Phật.
Sau Tổ Bồ Đề Đạt Ma, nói chính xác hơn là sau thời Lục Tổ Huệ Năng, ban đầu Thiền Tông Trung Hoa được chia làm ít nhất 4 phái thiền: Phái Thiền Hành Tư, Phái Thiền Hoài Nhượng, Phái Thiền Huệ Trung, và Phái Thiền Thần Hội. Rồi sau đó, Thiền tông Trung Hoa lần nữa lại được chia làm 5 trường phái chính hay Ngũ Gia Thiền, chỉ cho giáo pháp riêng biệt được giảng dạy từ những truyền thống có liên hệ tới những vị Thiền sư đặc biệt. Ba trong số năm truyền thống này: Tào Động, Vân Môn, và Pháp Nhãn, đi xuống từ dòng truyền thừa được truy nguyên ngược về Thanh Nguyên Hành Tư và Thạch Đầu Hy Thiên. Hai truyền thống kia: Lâm Tế và Quy Ngưỡng, được tiếp nối từ Mã Tổ Đạo Nhất và Bách Trượng Hoài Hải. Tông Lâm Tế về sau này lại sản sanh ra hai nhánh Dương Kỳ và Hoàng Long. Khi mà hai phái sau này được thêm vào Ngũ Gia thì người ta gọi đó là Thất Tông.
Thuật ngữ “Ngũ Gia Thất Tông” được dùng trong Thiền tông Phật giáo để chỉ những tông phái chính của truyền thống Thiền dưới thời nhà Đường. Biểu đồ Ngũ Gia được tóm lược bởi Thiền sư Văn Ích. Ngũ tông là năm tông phái Thiền của Phật giáo ở Trung Hoa bắt nguồn từ Nguồn Thiền “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” của Lục Tổ Huệ Năng. Về sau nầy có thêm hai phái sau này là Dương Kỳ và Hoàng Long. Thứ nhất là Quy Ngưỡng Tông: Quy Ngưỡng Tông là một dòng Thiền được sáng lập bởi hai đệ tử của ngài Bách Trượng Hoài Hải. Đời thứ 37 sau Tổ Ma Ha Ca Diếp, Thiền Sư Linh Hựu trở thành Sơ Tổ Khai Sáng Tông Quy Ngưỡng. Quy là chữ đầu của Quy Sơn Linh Hựu (đệ tử của ngài Bách Trượng). Ngưỡng là chữ đầu của Ngưỡng Sơn Huệ Tịch (đệ tử của ngài Quy Sơn). Vào giữa thế kỷ thứ mười, tông phái nầy sáp nhập vào tông Lâm Tế nên từ đó nó không còn tồn tại như một tông phái độc lập nữa. Thứ nhì là Tào Động Tông: Đời thứ 38 sau Sơ Tổ Ma Ha Ca Diếp, Thiền Sư Động Sơn Lương Giới trở thành Khai Tổ Tào Động Tông. Truyền thống Tào Động tông Trung Hoa được ngài Động Sơn Lương Giới cùng đệ tử của ngài là Tào Sơn Bổn Tịch sáng lập. Tên của tông phái lấy từ hai chữ đầu của hai vị Thiền sư này. Có nhiều thuyết nói về nguồn gốc của phái Tào Động.
Một thuyết cho rằng nó xuất phát từ chữ đầu trong tên của hai Thiền sư Trung Quốc là Tào Sơn Bổn Tịch và Động Sơn Lương Giới. Một thuyết khác cho rằng đây là trường phái Thiền được Lục Tổ Huệ Năng khai sáng tại Tào Khê. Thứ ba là Lâm Tế Tông: Đời thứ 38 sau Sơ Tổ Ma Ha Ca Diếp, Thiền Sư Lâm Tế Nghĩa Huyền trở thành Khai Tổ Lâm Tế Tông. Lâm tế Tông là một trong những trường phái Thiền nổi tiếng của trung Quốc được Thiền sư Lâm Tế sáng lập. Lâm Tế là đại đệ tử của Hoàng Bá. Vào thời kỳ mà Phật giáo bị ngược đãi ở Trung Quốc khoảng từ năm 842 đến năm 845 thì thiền sư Lâm Tế sáng lập ra phái thiền Lâm Tế, mang tên ông. Trong những thế kỷ kế tiếp, tông Lâm Tế chẳng những nổi bật về Thiền, mà còn là một tông phái thiết yếu cho Phật giáo Trung Hoa thời bấy giờ. Tông Lâm Tế mang đến cho Thiền tông một yếu tố mới: công án. Phái Thiền Lâm Tế nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự “Đốn Ngộ” và dùng những phương tiện bất bình thường như một tiếng hét, một cái tát, hay đánh mạnh vào thiền sinh cốt làm cho họ giựt mình tỉnh thức mà nhận ra chân tánh của mình. Lâm Tế tông được sáng lập và xiển dương bởi ngài Lâm Tế, pháp tử của Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận. Tại Trung Hoa, tông này có 21 đời đệ tử truyền thừa, suy thoái dần từ thế kỷ thứ XII, nhưng trước đó đã được mang sang Nhật Bản và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay dưới tên gọi là Rinzai. Thứ tư là Vân Môn Tông: Đời thứ 40 sau Sơ Tổ Ma Ha Ca Diếp, Thiền Sư Văn Yển khai sáng Vân Môn Tông. Về sau nầy thiền sư Tuyết Đậu Trùng Hiển tập hợp những bài ca ngợi nổi tiếng kèm theo các công án mà sau nầy Viên Ngộ Khắc Cần công bố dưới nhan đề Bích Nham Lục. Tuyết Đậu là vị đại sư cuối cùng của phái Vân Môn, phái nầy bắt đầu suy thoái từ giữa thế kỷ thứ XI và cuối cùng tàn lụn hoàn toàn vào thế kỷ thứ XII. Thứ năm là Pháp Nhãn Tông: Đời thứ 42 sau Sơ Tổ Ma Ha Ca Diếp, Thiền Sư Pháp Nhãn Văn Ích khai sáng Pháp Nhãn Tông. Đây là một trong ‘Ngũ Gia Thất Tông’, tức là những trường phái lớn thuộc truyền thống Thiền thật sự. Nó được Huyền Sa Sư Bị, môn đồ và người kế vị pháp của Tuyết Phong Nghĩa Tồn thành lập. Lúc đầu phái nầy gọi là Huyền Sa, theo tên gọi của người sáng lập. Nhưng sự vinh quang của Huyền Sa chẳng bao lâu bị cháu mình là Pháp Nhãn lấn lướt. Do đó nó có tên là Pháp Nhãn. Pháp Nhãn là một trong những thiền sư quan trọng, có 63 người nối pháp đã giúp truyền bá pháp của ông đi khắp Trung Hoa và đến tận Triều Tiên.
Trong ba thế hệ đầu, trường phái nầy đã trải qua thời kỳ phồn thịnh, nhưng đến thế hệ thứ năm thì tàn lụn. Thứ sáu là Phái Thiền Dương Kỳ: Đời thứ 45 sau Sơ Tổ Ma Ha Ca Diếp, Lâm Tế Tông Đời Thứ Tám, khởi điểm của Thiền Phái Dương Kỳ. Đây là nhánh quan trọng nhất trong hai nhánh thiền thoát thai từ thiền Lâm Tế sau khi Thiền sư Thạch Sương Sở Viện thị tịch. Trong truyền thống thiền Lâm Tế người ta gọi nó là Lâm Tế Dương Kỳ. Phái Dương Kỳ có nhiều thiền sư quan trọng, trong đó có Vô Môn Tuệ Khai, người sưu tập bộ Vô Môn Quan. Sau nầy các môn đệ của Vô Môn, nhất là Kakushin, đã du nhập vào Nhật Bản dòng thiền Lâm Tế Dương Kỳ, hiện vẫn còn tồn tại. Vào cuối thời nhà Tống, khi Thiền tông bắt đầu suy thoái, dòng Lâm Tế Dương Kỳ trở thành nơi dung hợp cho tất cả các phái Thiền khác cũng đang suy yếu và biến mất. Dưới thời nhà Minh, Thiền hòa lẫn với Tịnh Độ nên mất đi tính chất riêng của nó, không còn tinh thần “tâm truyền tâm” nữa. Thứ bảy là Hoàng Long Phái: Đời thứ 45 sau Sơ Tổ Ma Ha Ca Diếp, Lâm Tế Tông Đời Thứ Tám, khởi điểm của Thiền Phái Hoàng Long. Nó là một trong bảy phái thiền đầu tiên được thiền sư Vinh Tây Minh (1141-1215) đưa vào Nhật Bản. Tuy nhiên, nó tàn lụi ở cả Trung Hoa lẫn Nhật Bản sau vài thế hệ. Do bắt nguồn từ phái Lâm Tế nên người ta cũng gọi nó là Lâm TếHoàng Long phái.
Trong số bảy tông phái Thiền nầy, hai trường phái Tào Động và Lâm Tế là nổi trội nhất và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Trong khi pháp môn của tông Lâm Tế là bắt tâm của các môn đồ phải tìm cách giải quyết một vấn đề không thể giải quyết được mà chúng ta gọi là tham công án hay thoại đầu.
Chúng ta có thể xem pháp môn bí truyền của tông Lâm Tế rất là rắc rối, vì lối tham thoại đầu hay công án hoàn toàn vượt ra ngoài tầm của kẻ sơ học. Người ấy bị xô đẩy một cách cốt ý vào bóng tối tuyệt đối cho đến khi ánh sáng bất ngờ đến được với y. Trái lại, pháp môn tu tập của tông Tào Động là dạy cho môn đồ cách quán tâm mình trong tĩnh lặng. Chúng ta có thể xem pháp môn của tông Tào Động là hiển nhiên hay công truyền. Nếu ngay từ đầu, môn đồ được chỉ dẫn thích đáng bởi một vị thầy giỏi, pháp môn của tông Tào Động không đến nỗi khó tu tập cho lắm. Nếu chúng ta có thể có được những lời dạy khẩu truyền từ một thiền sư có kinh nghiệm thì không sớm thì muộn chúng ta sẽ học được cách ‘quán tâm trong tĩnh lặng’ hoặc, nói theo thuật ngữ Thiền, cách tu tập loại ‘mặc chiếu Thiền’.
Bộ sách 3 quyển có tựa đề “Ngũ Gia Thất Tông Yếu Lược” này không phải là một nghiên cứu thâm sâu về triết thuyết của Thiền Tông, mà nó chỉ tóm lược về Ngũ Gia Thất Tông Trung Hoa và Những Dòng Truyền Thừa cũng như pháp tu đặc biệt của từng tông phái sau sự khai sinh của Thiền tại xứ sở nầy. Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng mục đích cuối cùng của người tu Phật là giác ngộ và giải thoát, nghĩa thấy được cách nào để thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử ngay trong kiếp này. Chính vì thế mà mặc dù hiện tại đã có quá nhiều sách viết về Phật giáo, tôi cũng mạo muội biên soạn bộ “Ngũ Gia Thất Tông Yếu Lược” song ngữ Việt Anh nhằm giới thiệu một cách khái quát về buổi sơ thời của Thiền Tông, một trong những tông phái quan trọng nhất trong Phật Giáo. Những mong sự đóng góp nhoi nầy sẽ mang lại lợi lạc cho những ai mong cầu có được cuộc sống an bình, tỉnh thức và hạnh phúc.
Cẩn đề,
Thiện Phúc