NĂNG LỰC THẦN CHÚ LĂNG NGHIÊM
Hòa Thượng Tuyên Hóa lược giảng
Đại Địa Linh Văn Lăng Nghiêm Thần Chú (Thần chú Lăng Nghiêm, ngữ ngôn linh diệu của trời đất).
Hiện tại, tôi sẽ giảng về thần chú Lăng Nghiêm cho quý vị. Trong trăm ngàn muôn kiếp chưa có ai giảng giải và dẫu có giảng qua một lần cũng không dễ dàng. Pháp hội giảng thần chú Lăng Nghiêm này thật hy hữu vì khó lòng mà gặp được. Khi giảng giải, tôi biết rõ ràng không ai hiểu rõ những điều đã được giảng. Dẫu có ai nghĩ rằng hiểu rõ, nhưng thật ra họ không hiểu. Có người tự nghĩ rằng đã hiểu, nên không chú ý, nhưng họ cũng chẳng hiểu thật sự.
Trong Phật giáo, thần chú Lăng Nghiêm được xem là một bài chú tối quan trọng, vì là vua trong các thần chú, cũng là thần chú dài nhất. Thần chú này quan hệ tới sự thạnh suy của Phật giáo. Nhờ linh văn của thần chú Lăng Nghiêm mà trời đất không bị đoạn diệt. Linh văn thần chú Lăng Nghiêm duy trì được việc thế giới tránh ngày tận thế. Đó là lý do tại sao tôi thường bảo rằng nếu còn một người tụng thần chú Lăng Nghiêm thì thế giới và Phật pháp không bao giờ bị hủy hoại. Ngược lại, khi không còn ai tụng trì nữa thì thế giới sẽ nhanh chóng bị hủy hoại vì chánh pháp không còn trụ thế.
Hiện tại có một hạng thiên ma ngoại đạo bảo rằng kinh Lãng Nghiêm và thần chú Lăng Nghiêm là giả. Chúng sai ma con và ma cháu xuống rao đồn những tin thất thiệt để khiến con người không còn tin vào kinh Lăng Nghiêm và thần chú Lăng Nghiêm. Kinh Lăng Nghiêm và thần chú Lăng Nghiêm là một bộ kinh chú rất quan trọng cho việc tồn vong của chánh Pháp. Đức Phật thuyết kinh Lăng Nghiêm do vì thần chú Lăng Nghiêm. Không có cách gì để giải thích hết về tầm trọng yếu của kinh Lăng Nghiêm và thần chú Lăng Nghiêm; cho đến cuối đời vị lai cũng không thể thuyết hết công đức và diệu dụng của kinh Lăng Nghiêm và thần chú Lăng Nghiêm, nên bộ kinh chú này thật không thể nghĩ bàn. Nói chung kinh Lăng Nghiêm tán thán thần chú Lăng Nghiêm. Nếu vẫn còn một người trì tụng thần chú Lăng Nghiêm thì thiên ma ngoại đạo không thể dám công khai xuất đầu lộ diện, vì chúng sợ nhất là thần chú Lăng Nghiêm. Nếu không còn ai tụng thuộc làu thần chú Lăng Nghiêm thì yêu ma quỷ quái xuất đầu lộ diện. Chúng làm những chuyện tồi bại mà người đời không bao giờ nhận ra. Hiện tại, do còn người vẫn tụng thuộc thần chú này nên yêu ma quỷ quái không dám xuất hiện nơi thế gian. Do đó, nếu muốn giúp thế giới không bị hủy hoại, phải mau niệm thần chú Lăng Nghiêm và tụng kinh Lăng Nghiêm để giúp chánh pháp trụ lại thế gian dài lâu.
Hôm nay tôi bắt đầu giảng thần chú Lăng Nghiêm. Chữ Lăng Nghiêm được dịch là “Cứu cánh kiên cố”.
Toàn danh tự của thần chú này là: “Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát La Đà La Ni” hay “Phật Đảnh Quang Minh Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát La Vô Thượng Thần Chú”. Phật đảnh tức là hóa Phật trên đảnh nhục kế của Phật Thích Ca; thần chú này vi diệu không thể nghĩ bàn. Thần chú này hàng phục thiên ma và chế ngự ngoại đạo. Từ đầu đến cuối, mỗi câu đều là pháp môn tâm địa của chư Phật; mỗi câu có mỗi công dụng; mỗi chữ có mỗi điểm thâm áo vi diệu; tất cả đều có thần lực không thể nghĩ bàn. Chỉ cần tụng niệm một câu, một chữ, một hội hay toàn thần chú cũng đều khiến trời rung đất chuyển, quỷ thần khóc, yêu ma lánh xa, ly mị độn hình. Ánh hào quang trên đảnh nhục kế của đức Phật biểu thị cho thần lực của thần chú, tức là có khả năng phá trừ tất cả màn đêm tăm tối và khiến hành giả thành tựu tất cả công đức lành. Nếu thọ trì thần chú này thì tương lai nhất định sẽ thành Phật, chứng đắc ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nếu thường tụng trì thần chú này thì sẽ tiêu trừ nghiệp chướng trong bao đời tiền kiếp. Đó là diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm.
“Ma Ha” là tiếng Phạn, dịch là “Đại (lớn)”. Tại sao gọi là “đại” ?. Vì thể, tướng, dụng của thần chú này vĩ đại. Thể biến khắp 10 phương, nên gọi là “Đại”. Dụng bao trùm tận hư không khắp pháp giới. “Tướng” tức là vô tướng, nhưng vô tướng mà vô bất tướng (không có tướng mà chẳng không có tướng). Dụng cũng có thể gọi là không có dụng; tận cùng khắp pháp giới không có gì là chẳng dụng. Dụng tức là đại dụng; tướng tức là đại tướng, thể tức là đại thể. Biến khắp 10 phương và tận cùng hư không pháp giới là nghĩa của chữ “Ma Ha”.
“Tát Đát Đa” cũng là tiếng phạn, dịch là “Bạch (trắng)”, nghĩa là thanh tịnh không có nhiễm ô. Thần chú Lăng Nghiêm là pháp trắng sạch thanh tịnh không có nhiễm ô.
“Bát Đát La” cũng là tiếng Phạn, dịch là “tán cái (lọng dù)”. Tán Cái là ví dụ. Diệu dụng của Tán Cái này là che trùm muôn đức, nghĩa là bảo vệ tất cả người có nhân đức; ai có đức hạnh thì sẽ gặp thần chú này. Những ai thiếu đức hạnh thì không thể gặp được pháp này. Thế nên có câu:
“Tam quang phổ chiếu thấu tam tài
Diêm phù thế giới nhĩ bất lai
Đại đức đại thiện năng ư đắc
Vô đức vô thiện bất minh bạch
Tạm dịch:
Ba hào quang chiếu khắp ba tài
Thế giới Diêm Phù bạn không qua
Đức lớn lành lớn mới đạt được
Thiếu đức thiếu lành không hiểu đâu”
“Ba hào quang chiếu khắp ba tài”, nơi đây ba ánh hào quang không phải bàn về mặt trời, mặt trăng, tinh sao, mà có nghĩa là khi tụng thần chú Lăng Nghiêm, thân khẩu ý của quý vị phóng ánh hào quang. Ba tài tức là bàn về trời, đất và con người.
“Thế giới Diêm Phù bạn không qua” nghĩa là tìm kiếm xuyên suốt thế giới Diêm Phù mà không thể tìm thấy ánh sáng đó. Tuyệt đối phải trì tụng thần chú này mới đạt được ánh sáng đó.
“Đức lớn lành lớn mới đạt được”, nghĩa là có đức hạnh cao cả và nghiệp lành nhiều mới gặp pháp môn này.
“Thiếu đức thiếu lành không hiểu đâu”, nghĩa là nếu thiếu đức độ và không vun trồng đủ công đức thì dẫu có đối mặt mà quý vị vẫn đánh mất cơ hội. Ngay trong tầm tay mà để đánh mất. Thấy vàng mà nghĩ lầm là đồng; thấy kim cương mà cho là thủy tinh; không thể nhận ra. Xem qua thần chú Lăng Nghiêm xong mà chỉ cho là tầm thường, nên không biết được châu báu quý giá nhất trong các hạt châu báu và vi diệu nhất trong các sự vi diệu! Không biết rõ hết được công đức không thể nghĩ bàn của thần chú Lăng Nghiêm.
Có ánh sáng màu đỏ xoáy cuộn bên cạnh ba ánh hào quang thanh tịnh của ba nghiệp thân khẩu ý. Tụng thần chú Lăng Nghiêm tự nhiên có màu đỏ cuốn xoáy xuất hiện. Thế nên có câu:
“Thiên đóa hồng liên hộ trụ thân
Tọa câu kỵ trước hắc kỳ lân
Vạn yêu nhất kiến vãng viễn đóa
Tế Công pháp sư hữu diệu âm.
Tạm dịch:
Sen đỏ ngàn cánh hộ trì thân
Ngồi vững trên lưng kỳ lân đen
Muôn yêu ma vừa thấy trốn xa
Pháp sư Tế Công có diệu âm”
“Sen đỏ ngàn cánh hộ trì thân”: Khi tụng 29 câu chú đầu tiên của thần chú Lăng Nghiêm thì có cảnh giới xuất hiện: Hoa sen đỏ ngàn cánh phóng ánh sáng đỏ hộ trì thân của quý vị.
“Ngồi vững trên lưng kỳ lân đen”: Người trì thần chú Lăng Nghiêm tự cảm thấy dường như ngồi trên lưng kỳ lân màu đen.
“Muôn yêu ma vừa thấy trốn xa”: Dầu loại yêu ma quỷ quái nào cũng đều bỏ chạy vì không dám đối đầu với tướng đại oai đức này. Ai ai cũng biết pháp sư Tế Công, Pháp Sư chuyên dùng một đoạn chú văn để hàng phục thiên ma và chế ngự ngoại đạo rất là linh nghiệm, nên bảo “Pháp Sư Tế Công có diệu âm”. Đoạn chú văn đó cũng dạy chúng ta “Quy y tất cả chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác tận cùng khắp hư không pháp giới”.
Đây cũng là đoạn hộ trì Tam Bảo. Thế nên, vừa niệm đoạn đầu thần chú này thì yêu ma quỷ quái đều bỏ chạy lánh xa ra ngoài mười dặm, không những chỉ mười dặm mà chúng thối lui cho đến khi không còn chỗ thối lui. Từ đó, chúng không còn dám tác quái và bị bắt buộc phải sống đàng hoàng.
Đó là ý nghĩa đại khái của đoạn thần chú này; nếu bàn chi tiết thì vi diệu không thể nghĩ bàn.
“Áo diệu vô cùng tận nan sai
Kim Cang Mật Tích ngữ bổn tánh lai
Lăng Nghiêm chú lý hữu linh diệu
Ngũ nhãn lục thông đạo phàm khai.
Tạm dịch:
Vô cùng ảo diệu khó suy lường
Lời Kim Cang Mật Tích từ bổn tánh
Trong chú Lăng Nghiêm có linh diệu
Ngũ nhãn lục thông khai đạo phàm”.
“Vô cùng ảo diệu khó suy lường”: Thần chú Lăng Nghiêm vô cùng thâm áo vi diệu; sự biến hóa của thần chú cũng không thể nghĩ bàn và không thể suy lường.
“Lời Kim Cang Mật Tích từ bổn tánh”: Thần chú Lăng Nghiêm là thần chú bí mật trong sự bí mật; nghĩa là Kim Cang Mật Tích đến hộ trì thần chú. Cội nguồn của bổn tánh chính là Phật tánh trong tự tánh xuất hiện.
“Trong chú Lăng nghiêm có linh diệu”: Thần chú Lăng Nghiêm cũng được gọi là “Linh Văn (văn tự linh nghiệm)”, vì đặc biệt có linh nghiệm và thần lực, nên nói rằng trong thần chú Lăng Nghiêm có sự linh nghiệm vi diệu.
“Ngũ nhãn lục thông khai đạo phàm”: Nếu thường nhất tâm chuyên trì tụng thần chú này thì sẽ mở ngũ nhãn (nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn), lục thông (thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, thần túc thông, túc mạng thông, tha tâm thông, lậu tận thông). Kế đến, sẽ cảm nghiệm sự biến hóa không thể nghĩ bàn và không thể suy lường của những cảnh giới khác nhau mà hầu hết những người phàm tục đều không thể biết đến. Do đó, tôi hy vọng mọi người đều tụng đọc kinh Lăng Nghiêm và học thuộc thần chú Lăng Nghiêm. Tại sao yêu ma quỷ quái không dám xuất hiện khi quý vị tụng thần chú Lăng Nghiêm? Vì thần lực quá lớn lao đến nỗi không có nơi nào trong tận cùng hư không pháp giới là không có ánh hào quang của thần chú tràn ngập chiếu đến. Thế nên, nếu còn người tụng thần chú này thì còn người hỗ trợ cho chánh khí của trời đất. Một người trì tụng thì tạo năng lực của một người, trăm người tụng thì tạo trăm năng lực. Nhờ đó mà yêu ma quỷ quái trên thế gian này đều phải sống đàng hoàng. Vì vậy, càng có nhiều người trì tụng thần chú này thì càng tốt hơn.
Đây là thần chú vô thượng. Tại sao gọi là “vô”? Vì thần chú này cao siêu sáng ngời vô cùng tận, và ánh hào quang chiếu đến cực điểm mà không có loại ánh sáng nào tỏa sáng bằng, nên gọi là “vô”. Tại sao gọi là “thượng”? Vì không có gì cao thượng, tôn quý bằng, nên gọi là “thượng”. “Thần” có nghĩa là không thể nghĩ bàn và oai linh khó suy lường. “Chú” nghĩa là cảm ứng đạo giao; khi tụng thần chú thì sẽ có cảm ứng.
“Phật Đảnh Quang Minh Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát La Vô Thượng Thần Chú”: Nghĩa là ánh hào quang từ đảnh nhục kế của Phật phóng ra giống như cây dù trắng lớn che chở và hộ trì tất cả chúng ta, những ai trì tụng thần chú.
Không ai hiểu rõ thần chú này hay giải thích từng và từng chữ được. Tuy nhiên, nếu quý vị muốn hiểu rõ, tôi sẽ cố gắng hết sức mình để giải thích. Thần chú Lăng Nghiêm không thể được giải thích trong một năm, hai năm, ba năm, hoặc ngay cả mười năm mới xong. Hiện tại, tôi giải thích ý nghĩa tổng quát về thần chú này.
Thần chú này có năm hội để tượng trưng cho năm phương, như Đông, Tây, Nam, Bắc, chính giữa. Phương Đông là bộ Kim Cang với Phật A Súc làm giáo chủ. Phương Nam là bộ Bảo Sanh, với Phật Bảo Sanh làm giáo chủ. Trung ương là bộ Phật, với Phật Thích Ca làm giáo chủ. Phương Tây là bộ Liên Hoa, với Phật A Di Đà làm giáo chủ. Phương Bắc là bộ Yết Ma, với Phật Thành Tựu làm giáo chủ. Năm bộ này quản lý năm đại quân của quỷ ở năm phương. Vì năm loại ma này nên chư Phật phân ra năm hướng để trấn áp chúng. Nếu không có chư Phật, ma quân đều xuất hiện nơi thế gian. Thế nên, quý vị vừa tụng một biến thần chú Lăng Nghiêm thì năm đại ma quân ở năm hướng liền đưa đầu nạp mạng, tự hành chân chánh, không dám chống lại oai lực của thần chú này. Nhờ có đủ năm bộ nên thần chú này mới tối vi diệu không gì sánh bằng. Tuy nhiên, chớ nên chấp trước, bằng ngược lại sẽ không còn vi diệu.
Trong năm hội thần chú Lăng Nghiêm có hơn 30 bộ pháp. Xưa kia ở vùng Mãn Châu, lý do tôi chữa trị được bệnh tật cho dân chúng, tất cả đều nhờ vào oai lực của thần chú Lăng Nghiêm.
Xong, không thể tùy tiện lạm dụng thần chú này. Nếu lạm dụng thì không thể dùng hết được vì ngay trong đó có hơn ba mươi bộ pháp khác nhau. Đây là bàn đại khái. Nếu bàn chi tiết thì có hơn một trăm loại.
Trong những pháp đó có pháp Thành Tựu; nghĩa là trì tụng thần chú Lăng Nghiêm thì dẫu tu pháp môn nào cũng đều thành tựu; dẫu cầu việc gì, tất cả sẽ đều thành tựu như ý nguyện. Lại nữa, có pháp Tăng ích: Ví dụ, khi tu hành nếu đạo tâm chưa vững, thì nhờ trì tụng thần chú này mà tăng trưởng trí huệ, tâm Bồ Đề, nguyện lực; tất cả đều được tăng trưởng. Khi tụng trì thần chú này tất cả sở cầu của mình đều có thể được tăng thêm; đối với sở cầu của người khác cũng như thế.
Pháp Tiêu Tai: Tụng trì thần chú này thì không còn thiên tai hoạn nạn. Giả sử có người đáng lẽ phải bị chết đuối trên biển cả, nhưng nhờ trì tụng thần chú này mà được thoát chết. Hoặc giả sử ngồi trên một chiếc thuyền sắp bị chìm, nhưng nhờ tụng trì thần chú này mà thuyền không chìm. Hoặc giả đáng lẽ phi Cổ sẽ bị rơi, nhưng nhờ trì tụng thần chú này mà phi cơ tránh được tai nạn. Tuy nhiên, phải chính tự mình chịu trách nhiệm diệt trừ những tai hoạn ngay trong nội tâm. Những tai hoạn đó là gì? Nếu chỉ dựa vào thần chú mà trong tâm lại khởi vọng tưởng, giữ những tâm niệm xấu xa, có đầy tạp niệm và dục niệm không thanh tịnh, thì quý vị thật chưa diệt trừ tai hoạn ngay trong nội tâm. Trong trường hợp đó, dẫu tụng chú gì cũng vô dụng. Nếu muốn tránh tai hoạn, trước hết phải thanh tịnh hóa tâm niệm; đó mới là việc diệt trừ tai hoạn chân chính. Dẫu có niệm chú nào cũng không linh nghiệm nếu trong tâm vẫn đầy tràn tham lam, sân hận, si mê. Do đó, tâm niệm rất là quan trọng; nhất định phải giữ tâm từ bi hiền hòa lương thiện, nguyện muốn trợ giúp người khác.
Pháp Câu Triệu: Được dùng để bắt thiên ma ngoại đạo khi gặp chúng, giống như cảnh sát bắt kẻ phạm tội. Pháp Câu Triệu này bắt những yêu ma quỷ quái bỏ chạy sau khi hại người ở nơi này, tạo việc xấu ở nơi khác, khiến người sanh bịnh, hoặc gây tai nạn. Khi trì tụng thần chú này, tất cả thiện thần hộ pháp, tám bộ quỷ thần, 84.000 Kim Cang Tạng Bồ Tát đều có thể bắt yêu ma quỷ quái dẫu chúng có chạy xa đến đâu. Dẩu như thế, đôi khi chúng không khuất phục, nên quý vị phải dùng đủ mọi phương tiện để giáo hóa chúng. Nếu cưỡng bức áp chế để hàng phục chúng, thì đó là phương pháp thấp hèn không tốt. Phương pháp hay nhất là không dùng thế lực để áp bức hay tranh đấu với chúng như loài A Tu La thường thích tranh hơn thua. Dấu rõ ràng có đủ oai lực để hàng phục chúng, nhưng không nên lạm dụng. Phải dùng đức độ để cảm hóa và giáo hóa chúng.
Pháp Hàng Phục: Ma cũng có thần thông và chú thuật. Quý vị tụng chú; chúng cũng tụng chú. Tuy nhiên, khi tụng thần chú Lăng Nghiêm quý vị phá hết tất cả chú thuật của chúng và hàng phục được chúng. Dùng oai lực của thần chú này để khiến chúng phải đàng hoàng. Trước kia, tôi đã từng nói với quý vị rằng trong thần chú này có vài câu chú phá được lưới võng của ma quân. Tại sao khi tụng thần chú Lăng Nghiêm thì chú của Tiên Phạm Thiên vô hiệu nghiệm? Vì nhờ oai lực của năm đại tâm chú. Năm đại tâm chú đó là tâm chú căn bản phá vỡ tất cả chú thuật của thiên ma ngoại đạo. Dẫu chúng có chú thuật gì, một khi quý vị tụng câu chú đó thì liền phá được chú thuật của chúng, khiến vô hiệu hóa tà thuật. Nếu muốn ra giá pháp này, cả triệu đô cũng chưa xứng. Xong, vì thấy quý vị có chút ít tâm thành, tôi truyền pháp này mà không lấy một xu.
Kết luận, dẫu tu pháp nào, phải nên giữ tâm Bồ Đề vô thượng, tâm đại từ đại bi, đại hỷ đại xả. Chớ dùng oai lực để trấn áp người khác hay yêu ma quỷ quái.
Pháp Kiết Tường: Tụng trì thần chú này thì tất cả sự việc đều tùy tâm như ý, thật kiết tường may mắn. Tôi sẽ giải thích rõ những pháp này cho quý vị.
Dẫu có giảng nhiều năm mà vẫn không thể giảng hết những điểm hay của thần chú này. Tất cả 10 phương chư Phật đều sanh xuất từ thần chú này, nên có thể gọi là thần chú Lăng Nghiêm là mẹ của chư Phật. Mười phương các đức Như Lai đều nương y thần chú này mà thành tựu đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Các Ngài ứng thân nhiều như số bụi vi trần ở các cõi nước để chuyển bánh xe Pháp, giáo hóa chúng sanh, thọ ký cho chúng sanh trong 10 phương, cứu độ chúng sanh thoát khổ, khiến tất cả chúng sanh đại, tiểu, quyền, thừa đều được giải thoát; tất cả các Ngài đều nhờ nương y vào oai lực của tâm chú Lăng Nghiêm. Nếu muốn chứng đắc quả A La Hán, phải trì tụng thần chú này thì mới tránh ma sự. Trong thời mạt pháp, nếu có ai học thuộc thần chú này hay khuyến khích người khác học thuộc, thì lửa không thể đốt người đó, và nước không thể làm họ chết đuối. Dầu thuốc độc nặng nhẹ đến đâu cũng không thể hại được họ. Đối với những ai thường tụng trì thần chú này, thuốc độc sẽ biến thành nước cam lồ khi vừa vào miệng. Người trì tụng thần chú này sẽ không tái sanh vào những chỗ xấu xa; dẫu có muốn cũng không được. Tại sao? Vì thần chú này giữ quý vị lại mà không cho đi đến những nơi đó. Dẫu không bao giờ tích tụ được công đức khi trì tụng thần chú, nhưng chư Phật trong 10 phương sẽ ban bố công đức lành cho quý vị. Có phải đáng giá chăng? Đó là do thường trì tụng thần chú này thôi. Ngoài ra, nếu thường trì tụng, quý vị sẽ luôn luôn được sanh vào nơi và lúc chư Phật ra đời cũng như huân tu được sự giáo huấn của các Ngài.
Giả sử tâm niệm thường bị tán loạn không thể chuyên nhất hay phát sanh định lực, nếu tâm tưởng về thần chú Lăng Nghiêm rồi dùng miệng để trì tụng thì Bồ Tát Kim Cang Tạng Vương sẽ ẩn hình chú ý hộ trì quý vị cho đến khi tâm tán loạn tiêu dần và phát khởi định lực. Các ngài sẽ ẩn hình hỗ trợ quý vị khai mở trí huệ và chuyên tâm nhất ý đến độ tỏ ngộ hoàn toàn về tất cả sự tình trong 84.000 hằng hà sa số kiếp.
Nếu quý vị tụng thần chú Lăng Nghiêm đến độ tụng thuộc lòng để hòa nhập vào với thần chú thì tâm của quý vị là thần chú và thần chú cũng là tâm của quý vị, tức là đắc được tam muội trì chú và sự tụng đọc trôi như nước chảy cuồn cuộn không ngừng. Nếu hành được như thế thì tệ lắm là trong bảy đời thường được giàu sang như những trùm tư bản có các mỏ dầu ở Mỹ. Quý vị có thể bảo:
“Ổ! Thật tuyệt hảo! Tôi sẽ học thần chú Lăng Nghiêm ngay lập tức! Bảy đời trở thành nhà tỷ phú thì chẳng có sao đâu”.
Nếu ích kỷ như thế, không nên học thần chú Lăng Nghiêm để làm gì. Bảy đời trôi qua mau như chớp mắt. Người thường trì tụng thần chú Lăng Nghiêm phải hy vọng đạt được những gì? Phải hy vọng đạt được quả vị Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chớ quá nhỏ nhoi. Thật ra, những ai thường trì tụng thần chú Lăng Nghiêm chính là hóa thân Phật. Không những là hóa thân Phật mà còn là hóa thân Phật ngay trên đảnh nhục kế của Ngài, nghĩa là hóa thân Phật ngay trong hóa thân. Do đó, chỗ vi diệu của thần chú Lăng Nghiêm thật không thể nghĩ bàn. Bất cứ nơi nào có người chân thành trì tụng thần chú Lăng Nghiêm thì nơi đó sẽ có một cây dù trắng lớn che đỉnh đầu của hành giả đó. Nếu công phu thâm sâu, cao tột thì khi vừa khởi niệm trì tụng thần chú, cây dù trắng lớn đó sẽ hiện ra trong khoảng ngàn dặm che trên đỉnh đầu của quý vị để bảo hộ tránh khỏi thiên tai hoạn nạn. Nếu chỉ có công phu chút ít thì dù trắng sẽ che trên đỉnh đầu để bảo vệ quý vị. Nếu là vị đại đức cao tăng thì khi tụng trì thần chú này, cả quốc gia đều được thanh bình, không gặp những thiên tai. Hoặc giả nếu không tránh được thì thiên tai hoạn nạn lớn sẽ chuyển thành nhỏ, và thiên tai hoạn nạn nhỏ sẽ không xảy ra.
Dẩu quốc gia đó có bị chiến tranh, đói khát, bệnh dịch, hay giặc cướp, tất cả đều sẽ được tránh khỏi. Giả sử viết và dán thần chú Lăng Nghiêm bốn cửa thành hoặc trên ụ gác, hoặc những đài cao; giả sử quý vị có khiến cho dân chúng kính ngưỡng và mến thích thần chú Lăng Nghiêm mà họ cung kính đảnh lễ và nhất tâm cúng dường thần chú này thể như cúng dường chư Phật; giả sử có thể khiến mọi công dân mang thần chú này trong mình hoặc trì giữ trong nhà. Nếu làm được như thế, tất cả thiên tai hoạn nạn sẽ tan biến. Bất cứ nơi nào có thần chú Lăng Nghiêm trời rồng đều vui mừng. Thế nên, nơi đó sẽ tránh khỏi bão lụt; mùa màng ngũ cốc đều được phong phú, dân chúng sẽ sống an lạc thanh bình. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng công đức và diệu dụng của thần chú này thật không thể nghĩ bàn, không thể tưởng tượng. Đó là nơi vi diệu của thần chú này.
Nếu phá giới trọng thì không thể kết lại. Tuy nhiên, nếu trì tụng thần chú Lăng Nghiêm thì sẽ được thanh tịnh trở lại. Xong, khi tôi nói rằng tụng trì, không có nghĩa là tụng qua loa mà phải đạt trì chú tam muội. Thần chú phải được lưu xuất từ tâm niệm và quy về nơi tâm niệm. Đó là “thần chú là tâm và tâm là thần chú”. Tâm và thần chú đều nhất như, hợp thành một thể mà không có sự phân biệt. Dấu có muốn quên thần chú đi, nhưng không thể nào quên được. Đó gọi là không niệm mà niệm hay niệm mà không thấy mình niệm. Nếu dẹp trừ hết tất cả tạp niệm thì đó là tâm niệm trì tụng thần chú Lăng Nghiêm; tâm niệm hợp nhất với thần chú mà không còn vọng niệm niệm thứ hai nào. Bấy giờ, muôn vật diễn thuyết nghĩa Đại thừa; Tiếng gió hiu hiu và dòng nước chảy róc rách đều là tâm chú của thần chú Lăng Nghiêm. Nếu đạt đến cảnh giới đó và dẫu có phạm giới, thì giới thể vẫn được thanh tịnh trở lại. Nghĩa là không cần thọ giới trở lại. Nếu không muốn tu hành tinh tấn hay không muốn nghiên cứu Phật pháp nhưng trì tụng thần chú trong một thời gian thì tự nhiên quý vị sẽ phát tâm tu hành tinh tấn; những ai thiếu trí huệ, tụng trì thần chú này thì sẽ khai mở trí huệ. Nếu sự tu hành chưa được thanh tịnh vì hủy phạm trai giới, nhưng nếu không quên trì tụng thần chú này thì tịnh giới sẽ mau chóng được phục hồi. Nếu phạm giới trước lúc trì tụng thần chú này, thì một khi nhất tâm trì tụng thần chú, dẫu là tội khinh hay trọng đến đâu, bao gồm những tội không thể sám hối như bốn tội Ba La Di, ngũ nghịch, bốn hay tám tội bị đuổi khỏi tăng đoàn, sẽ đều được tiêu trừ hoàn toàn mà không còn một mảy lông tội lỗi nào. Do đó, tôi nói rằng năng lực của thần chú Lăng Nghiêm thật không thể nghĩ bàn.
Có người nhận biết sự linh ứng và diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm nên chỉ chú tâm trì tụng nhưng lại bỏ qua tất cả những phương pháp tu hành khác; đó thật là thái quá. Đối với việc tu đạo, dẫu tu pháp môn nào, phải y theo trung đạo, chớ tu hành giải đãi hay thái quá. Tuy thần chú Lăng Nghiêm rất linh nghiệm, nhưng cũng phải tu thiền định. Kinh Lăng Nghiêm giảng thuyết về sự nhiệm màu của thần chú Lăng Nghiêm nhưng cũng giảng giải về pháp môn Nhĩ Căn Viên Thông: “Phản văn văn tự tánh (nghe lại tánh nghe của mình)”, đó cũng là pháp môn tối trọng yếu. Đang lúc trì tụng thần chú, quý vị cũng nên nghe lại tánh nghe hay phản chiếu lại ánh sáng tự tâm của mình. Có phải bên trên tôi đã nói rằng khi trì tụng, thần chú là tâm niệm và tâm niệm là thần chú chăng? Thần chú và tâm niệm không thể tách rời nhau được; tâm niệm và thần chú tuy là hai nhưng chẳng phải hai. Nếu đạt đến đó thì dẫu cầu mong điều gì, tất cả sẽ được thành tựu và như ý nguyện. Một khi thể nhập thần chú vào tâm niệm thì chính là đạt được thiền định tam muội và định lực chân chánh. Đó là điều mà mỗi chúng ta phải nên biết rõ.
Mỗi câu trong thần chú Lăng Nghiêm đều có vô lượng ý nghĩa; mỗi nghĩa đều có vô lượng công năng. Nên biết rằng thần chú Lăng Nghiêm là “Linh văn (ngôn ngữ nhiệm màu)” trong trời đất, là pháp bảo vô thượng, là châu báu cứu mạng tất cả chúng sanh, là linh văn giữa các linh văn, và bí mật trong các sự bí mật. Thần chú này bao trùm muôn vật, trên thì đến mười phương chư Phật, dưới thì tới địa ngục A Tỳ; tất cả bốn hàng thánh vị (Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác) và sáu loài phàm phu (trời, người, địa ngục, ngạ quỷ,súc sanh, A Tu La) đều tôn kính thần chú này. Không có một Pháp giới nào trong mười pháp giới vượt ngoài phạm vi của thần chú này. Tất cả loài quỷ thần, chư Thiên hộ pháp, Thanh Văn, Duyên Giác, cho đến Phật Thừa đều nằm trong thần chú Lăng Nghiêm. Khi những danh tự của các quỷ thần trong thần chú Lăng Nghiêm được tụng đọc lên, tất cả quyến thuộc của những loài quỷ thần đó đều quy phục, tuân thủ quy củ, không dám tùy tiện phá phách. Tụng trì thần chú Lăng Nghiêm mỗi ngày sẽ khiến cho yêu ma quỷ quái trên thế gian không dám xuất hiện hại người mà phải sống đàng hoàng. Đại dụng của thần chú Lăng Nghiêm là bao trùm toàn thể tánh và có thể nói rằng bao quát tất cả giáo nghĩa Phật pháp. Nếu hiểu rõ thần chú Lăng Nghiêm thì sẽ hiểu rõ tất cả tinh hoa bí mật của Phật giáo. Mọi sự thâm sâu áo diệu và những sự không thể nghĩ bàn trong trời đất, tất cả đều nằm trong thần chú này. Nếu hiểu thần chú này thì không cần phải học Mật Tông, Bạch- Giáo, Hắc- Giáo, Hoàng- Giáo, Hồng -Giáo. Đây là pháp tam muội căn bản và bí mật rốt ráo nhất. Không ai hiểu rõ và nhận ra pháp bí mật này. Dầu có tu học nhưng hầu hết mọi người đều chưa thâm nhập được, chỉ biết tụng niệm, mà không hiểu ý nghĩa. Thật ra, không cần phải hiểu ý nghĩa của thần chú, chỉ biết rằng thần chú này là “Linh Văn” không thể nghĩ bàn cũng đủ rồi.
Có khả năng trì tụng thần chú này tức là làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, bằng ngược lại thì không làm được gì cả. Quý vị hãy mau học, ghi nhớ, quán sát, và hiểu thần chú này! Nếu được như thế thì hoàn thành trọng trách của người Phật tử. Cách hay nhất của việc trì tụng thần chú này là phải vì sự lọi lạc chung cho cả toàn thế giới hồi hướng tất cả công đức cho toàn thế giới. Trong Phật giáo, không có gì quan trọng bằng thần chú Lăng Nghiêm vì thần chú này là biểu tượng chân chánh cho chánh Pháp. Sự hiện hữu của thần chú này bảo đảm cho sự hiện hữu của chánh pháp. Một khi không còn thần chú này thì chánh pháp cũng sẽ biến mất. Những ai chưa có thể tụng đọc thần chú này thì không đáng làm người Phật tử. Thần chú Lăng Nghiêm có biệt danh là “Lăng Bán Niên (trong nửa năm mới học thuộc thần chú này)” vì dẫu ngày ngày có tinh tấn tụng niệm, nhưng đến nửa năm mới nhớ hết. Những người trì tụng thuộc lòng thần chú Lăng Nghiêm như chúng ta hiện nay vốn là những người đã từng trồng căn lành trong vô số kiếp; thuộc nhớ mà mãi mãi không quên, chính là sự biểu hiện của căn lành. Nếu không có căn lành, ngay cả danh tự còn không thể xem thấy còn nói chi đến việc tụng niệm. Hoặc giả có nghe qua danh tự của thần chú, nhưng sẽ không thể thường trì tụng được. Thật vậy, những ai tụng thuộc thần chú này chính là những người có căn lành sâu xa.
Thần chú Lăng Nghiêm là pháp môn khó gặp được trong trăm ngàn muôn kiếp. Học và hiểu mỗi câu thì hiệu nghiệm hóa một phần năng lực của thần chú, nhưng phải hành trì thực tiễn. Xong, không phải nghe rằng thần chú này có linh nghiệm và năng lực rất lớn để rồi sử dụng những điều đó. Nếu sử dụng Pháp này mà không giữ giới như hầu hết những người không hiểu rõ gì và buông lung tạo nghiệp giết hại, ăn cắp, tà dâm, nói láo, uống rượu và những người chỉ tụng năm tâm chú chính khi gặp hoạn nạn, thì đó là làm ô uế pháp này, chứ không tạo công đức gì cả. Nếu cố ý muốn sai sử quỷ thần và chư thần hộ pháp thì chỉ tự khiến nghiệp xấu tăng trưởng và sẽ tự mang lại tai họa cho chính mình. Do đó, đối với việc tu đạo, đầu tiên là phải giữ giới luật, chú trọng đức hạnh, không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tư lợi, không nói láo. Nếu không đủ đức độ mà giả dạng làm thánh hiền truyền thánh chỉ hay giả trang là quốc vương, thì hành vi đó không thể nào chấp nhận được. Ngày nay, nhiều người chỉ chú trọng việc tụng chú để có thần thông linh ứng, mà không chú trọng phẩm hạnh của mình, thì khiến vô hiệu hóa sự tụng niệm thần chú này.
Do đó, muốn tu học pháp môn của thần chú này thì hành vi và động Cố phải chân chánh, chớ nên khởi vọng tưởng hay làm những việc không thanh tịnh. Phải chú tâm tu hành hạnh thanh tịnh. Nếu có ai một bên thì trì tụng thần chú, còn một bên thì không giữ đúng quy củ, họ sẽ gặp những vấn đề lớn phát sanh. Mọi người phải hiểu rõ điểm này. Nếu không giữ chánh niệm và không hành theo chánh hạnh, Bồ Tát Kim Cang Tạng sẽ không kính phục và bảo hộ quý vị. Chư Phật và chư Bồ Tát có lòng đại từ bi, nên không biết làm hại chúng sanh vì sân hận. Tuy nhiên, tất cả trời, rồng, quỷ thần, hộ pháp đều sẽ tức giận. Những ác quỷ, ác thần khi thấy quý vị đang trì tụng thần chú Lăng Nghiêm mà lại tạo lỗi lầm, họ sẽ mang tai họa đến và làm hại quý vị; hoặc họ sẽ khiến quý vị bất an, gặp những điều phiền toái lớn lao; hoặc khiến quý vị phải chịu hoạn nạn, thọ bao quả báo xấu.
Đây không phải là điều giỡn chơi. Do đó, tất cả quý vị phải nên ăn chay và thanh tịnh hóa thân tâm, giữ hạnh thanh tịnh, không hành pháp nhiễm ô, chớ phạm bất cứ quy củ nhỏ nhoi nào.
Tụng trì thần chú Lăng Nghiêm còn giá trị hơn bất cứ vàng bạc nào. Tụng một biến thì đáng giá bằng muôn vạn cân vàng. Tuy nhiên, chớ tụng niệm chỉ vì vàng! Nếu trì giới thì không có tâm đố kỵ ganh ghét, chướng ngại. Nhờ không tham lam hay sân hận khi trì tụng thần chú mà sẽ phát khởi sự cảm ứng và lợi ích lớn lao. Lúc tu hành, nếu có những hành vi trái quy củ thì sẽ không đạt được sự cảm ứng hay linh nghiệm gì cả vì chư thiện thần hộ pháp tránh xa; nếu có việc gì xảy đến chư thiện thần hộ pháp chẳng màng đến quý vị. Do đó, đối với người trì tụng thần chú này, chớ nên có tâm gian xảo hoặc có những hành vi bất chánh như tạo tác nghiệp xấu. Bất cứ lúc nào cũng phải có hành vi chân chánh quân tử và chỉ biết làm lọi cho người, chứ không nghĩ về mình, giữ tâm hạnh và hành hạnh Bồ Tát.
Pháp tu trì thần chú Lăng Nghiêm rất mực linh nghiệm, nhưng không thể dễ dàng. Trước hết, chớ nên có tâm ích kỷ. Kế đến, chớ nên có tâm tự lợi mà phải giữ tâm rộng lượng không thiên vị, phải có tâm xả mình vì người cứu độ hết tất cả chúng sanh. Nếu giữ tâm niệm như thế, sự tu hành mới mau đạt thành tựu. Quý vị phải chú ý giữ năm giới cho cẩn thận và thường hành mười điều lành, vì đó là những phép tắc căn bản nhất.
Không thể tu hành mà chẳng giữ giới. Nếu tâm niệm đầy cả vọng tưởng ô uế, chẳng những tu hành không được cảm ứng hay thành tựu, mà chỉ mang lại tai họa. Do đó, lúc tu pháp trì tụng thần chú Lăng Nghiêm, đặc biệt phải chú ý giữ ba nghiệp thân, khẩu, ý cho thanh tịnh thì mới có cảm ứng. Chớ nên tùy tiện nói nhảm khiến tạo sự chia rẽ, hoặc khiến đại chúng trong đạo tràng tu hành cảm thấy không an lạc. Trong mọi cử chỉ hành động, như đi, đứng, nằm, ngồi nhất định phải chú ý. Chớ nên “giặt y phục cho người khác” mà phải quán chiếu lại chính mình.
Như trên đã bàn qua, thần chú Lăng Nghiêm “vốn là linh văn (ngôn ngữ linh nghiệm)”; mỗi câu có mỗi sự hiệu nghiệm riêng. Xong, chớ nên nghĩ: “Tại sao tôi trì tụng thần chú Lăng Nghiêm nhưng lại không có hiệu nghiệm?” Chớ màng đến việc có hiệu nghiệm hay không, chỉ nên trì tụng; giống như tập võ, ngày ngày đều đánh quyền mà không màng công phu như thế nào. Có võ thuật là do có công phu tập luyện, bằng ngược lại thì không thể có được. Cũng như thế, ngày ngày phải trì tụng pháp này không ngừng nghỉ, dẫu có bận rộn đến đâu hay sự việc gì xảy ra. Chớ nên trì tụng thần chú Lăng Nghiêm một thời gian rồi sanh tâm giải đãi vì không còn thích thú vào pháp này. Không chắc chắn quý vị sẽ có được sự cảm ứng ngay vừa lúc trì tụng. Dẫu có được cảm ứng hay không, ngày ngày phải thường trì tụng. Công phu tu hành phải ngày càng thâm sâu. Sự thành tựu không phải xảy ra trong một ngày một đêm. Điển hình, phải học tập suốt mười năm, hai mươi năm, hoặc ngay cả ba mươi năm trước khi thật sự có trình độ học vấn; việc tu hành cũng phải như thế. Phải luôn luôn giữ tâm niệm trì tụng thần chú liên tục mà không gián đoạn, giống như việc mặc y phục, ăn cơm, ngủ nghỉ. Dầu có cảm ứng hay không cũng chẳng quan trọng vì nhờ trì tụng hằng ngày mà quý vị từ từ sẽ có điểm tựa căn bản và tự nhiên cảm nghiệm được diệu dụng của thần chú.
Nếu mong cầu sự diệu dụng và thần thông không thể nghĩ bàn của thần chú thì chớ giữ tâm vọng tưởng như ngủ mớ vào ban ngày với bao tâm niệm lăng xăng; Nếu tam muội trì chú bị gián đoạn thì không thể đạt thành tựu.
Lúc hành trì pháp môn thần chú Lăng Nghiêm phải dùng tâm chân thật và thành khẩn. Tại sao gọi là tâm chân thật? Nghĩa là vì việc trì tụng thần chú Lăng Nghiêm mà quên tất cả thời gian, không gian, ngày đêm, ăn uống, ngủ nghỉ. Mọi việc đều tan biến; một niệm dài như vô lượng kiếp và vô lượng kiếp cũng dài bằng một tâm niệm. Phải có tinh thần quên đi sự ăn uống ngủ nghỉ mà chỉ vì mục đích tu hành. Nếu được như thế, nhất định sẽ đạt thành tựu Lăng Nghiêm tam muội, bằng ngược lại thì không phải là chân thật tu hành pháp môn trì thần chú Lăng Nghiêm. Không những lúc tu trì thần chú Lăng Nghiêm phải như thế, mà lúc hành trì các pháp môn khác cũng phải hành như vậy. Đi mà không biết đang đi; ngồi mà không biết đang ngồi; khát mà không biết đang khát; đói mà không biết đang đói. Quý vị có thể nói: “Vậy thì trở thành người ngu si sao?” Vâng, điều này rất đúng. Có câu: “Dưỡng thành dại chuyết phương vi xảo, học đáo như ngu thủy kiến kỳ (Dưỡng thành vụng dại mới có thiện xảo, học đến như ngu mới thấy lạ kỳ)”.’
Nếu có thể học đến lúc như người ngây dại thì dẫu tu pháp môn nào cũng đều có thể đắc tam muội và đạt thành tựu. Vì chưa được ngu si nên chưa chân chánh thâm nhập vào cảnh giới thiền định, và sự tu hành chưa được tương ưng với đạo.
Lúc dụng công trì thần chú Lăng Nghiêm, hoặc có thể mộng thấy lễ Phật, hoặc có thể mộng thấy Phật phóng ánh hào quang, hoặc có thể mộng thấy mình cùng Phật giảng kinh thuyết pháp, hoặc mộng thấy Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, Thánh Tăng hay thiên tướng trên trời, hoặc mộng thấy tự thân thăng lên hư không, hoặc mộng thấy tự mình biết bay, hoặc mộng thấy cưỡi ngựa, vượt sông, hoặc thấy bao loại ánh sáng kiết tường, hoặc thấy dị tướng phi thường lạ kỳ xuất hiện, đó là những điềm mộng lành. Nếu đạt được những điềm cảm ứng linh nghiệm như thế, phải nên cẩn thận, phải nên phát tâm Bồ Đề, phải thanh tịnh hóa ba nghiệp thân, khẩu, ý, và phải khẩn thiết gia tăng sự dụng công trì tụng thêm nữa. Xong, chớ nên kể cho người khác nghe những cảm ứng hay linh nghiệm gì mà quý vị đã cảm nhận được với mục đích muốn khiến người khác tin tưởng và kính trọng mình. Tự biết về những cảm ứng mà mình đã cảm nhận cũng quá đủ rồi. Nếu mãi quảng cáo công đức của mình và đi dạo rao sự tu hành thì hoàn toàn sai lầm. Nếu làm như thế thì để lỗ hổng cho ma thừa cơ hội xông vào, cũng giống như không cất giữ châu báu trong hộp kín. Nếu bỏ châu báu trước cổng nhà thì nhất định sẽ bị người trộm lấy. Do đó, tu hành theo đạo Phật, chúng ta phải cẩn thận, chớ để thiên ma ngoại đạo thừa cơ hội quấy phá. Tuy nhiên, có thể kể lại kinh nghiệm tu hành của mình cho các bạn đồng tu nếu không vì mục đích tham danh lợi được người cung kính, ca ngợi.
Kinh Lăng Nghiêm thuyết: “Nếu thường tụng trì thần chú Lăng Nghiêm cho đến khi có công phu và đạt diệu dụng, thì 84.000 Bồ Tát Kim Cang Tạng và quyến thuộc của các ngài sẽ thường đi theo và bảo hộ quý vị, khiến tất cả sở cầu đều được như ý nguyện, xong ma vương cũng không ngừng tìm chỗ hở để gieo rắc rối nhiều hơn khả năng quý vị có thể chịu đựng được.
Xưa kia, tại vùng Hồ Bắc ở Đông Sơn, ngũ tổ Hoằng Nhẫn tu hành và giữ giới đặc biệt rất tinh nghiêm. Lần nọ, một bọn cướp vây quanh thành Hồ Bắc. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn không thể nhẫn chịu nhìn cảnh đó, nên quyết định xuống núi cứu dân chúng trong thành. Ngài xuống núi Đông Sơn và đi vào thành Hồ Bắc. Vừa thấy Ngài đến, bọn cướp run sợ, hạ gươm giáo và bỏ chạy. Tại sao? Dầu Ngài chỉ vào thành một mình, nhưng bọn cướp thấy thiên binh và thiên tướng mang kiếm vàng cùng áo giáp vàng uy dũng từ trên trời bay xuống nên bọn chúng liền bỏ chạy tán loạn. Không dùng một cây gươm, giáo, cung, tên, Ngài đánh bại bọn cướp, vì Ngài thường trì tụng thần chú Lăng Nghiêm, nên vừa thấy Ngài thì bọn cướp liền run sợ. Có thể nói rằng chư Bồ Tát Kim Cang Tạng hiển oai linh hoặc đó là do oai đức tu hành của ngũ tổ Hoằng Nhẫn mà nhiếp phục bọn cướp. Đó là cách mà hành giả không dùng một quân binh hay khí giới nào để hàng phục bọn cướp. Nếu không chân chánh tu hành hoặc không có công phu chân thật thì làm sao có những sự cảm ứng đạo giao như thế?
Phật Thích Ca tuyên thuyết thần chú Lăng Nghiêm để gia hộ và hỗ trợ định lực cho tất cả những người phát tâm tu đạo như chúng ta hiện nay, khiến cho thân tâm của chúng ta được an lạc, không bị phiền muộn. Do đó, trong mọi thời mọi khắc, chúng ta chớ quên pháp trì tụng thần chú này. Nếu có thể thành tâm chuyên chú trì tụng thần chú Lăng Nghiêm thì chính là hỗ trọ Phật pháp được hưng thạnh và chánh pháp được trụ lại thế gian dài lâu.
Kinh thủ Lăng Nghiêm đại biểu chánh pháp Như Lai (giảng vào tháng giêng, năm 1983).
Trong Tam Tạng Kinh điển của Phật giáo đại thừa, Kinh Thủ Lăng Nghiêm là bộ Kinh ví như tấm gương chiếu rõ yêu ma quỷ quái. Tất cả thiên ma ngoại đạo, ly mị, võng lượng, một khi nhìn đến Kinh Thủ Lăng Nghiêm, thì hình tướng của chúng sẽ hiện rõ, không thể ẩn hình, hoặc chạy trốn khỏi. Vì vậy, xưa kia khi đại sư Trí Giả nghe đến bộ kinh này, liền hướng về Ấn Độ thành tâm khẩn thiết, lễ bái mười tám năm trường, cầu mong bộ kinh này qua đến nước Tàu.
Tất cả chư đại đức cao tăng đại trí huệ, ai ai cũng đều tán thán kinh Thủ Lăng Nghiêm. Do đó, bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm tồn tại thì Phật pháp mới còn tồn tại. Ngược lại, Phật pháp sẽ bị hủy diệt. Tại sao gọi là đời mạt pháp? Gọi là đời mạt pháp vì Kinh Thủ Lăng Nghiêm bị hủy diệt. Ai hủy diệt bộ Kinh này? Thiên ma ngoại đạo sẽ hủy diệt. Chúng thấy Kinh Thủ Lăng Nghiêm như đinh trong mắt, như xương trong thịt, nên ngồi không yên, đứng không an. Vì vậy, bắt buộc chúng phải sáng chế tà thuyết, bảo rằng Kinh Thủ Lăng Nghiêm này là giả.
Phật tử chúng ta phải nhận rõ điều này. Mỗi lời trong bộ kinh này đều là chân Kinh, chân điển. Lời lời đều giảng về chân lý. Vì vậy, hiện tại chúng ta nghiên cứu năm mươi loại ấm ma, mới thấy rõ Kinh Thủ Lăng Nghiêm quan trọng như thế nào. Tà ma quỷ quái sợ nhất bộ kinh này.
Đại lão Hòa thượng Hư Vân trụ thế 120 năm. Suốt đời tu hành, đại lão Hòa thượng Hư Vân rất quý trọng bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm, nên chỉ chú giải bộ Kinh này, và đặc biệt bảo tồn những lời chú giải cả vài thập niên. Tuy nhiên, điều nuối tiếc nhất trong đời của đại lão Hòa thượng Hư Vân là quyển chú giải bị đốt mất, do biến cố tại Vân Môn. Đại lão Hòa thượng Hư Vân chủ trương rằng là người xuất gia như chúng ta phải nghiên cứu tu học cho đến khi thuộc lòng bộ kinh này từ đầu đến cuối và từ cuối đến đầu.
Được người khác thưa rằng có kẻ bảo Kinh Thủ Lăng Nghiêm là giả tạo, đại lão Hòa thượng Hư Vân bảo:
Hiện tại là đời mạt pháp; yêu ma quỷ quái muốn lừa bịp người tu hành, nên bảo rằng mắt cá là hạt châu, khiến người người mê mờ, không phân biệt đúng sai. Chúng khiến người khác đui mù để không còn nhận ra Phật pháp. Chúng cho thật là giả và giả là thật, nên bảo: “Xem kìa! Người này viết quyển sách này, ai ai cũng đọc. Người kia viết quyển sách kia, ai ai cũng đọc. Tuy nhiên, đối với kinh điển chân chánh do Phật thuyết, hãy đặt trên gác sách, để vĩnh viễn không ai có thể đọc được.”
Vì vậy, mới thấy rõ chúng sanh nghiệp chướng nặng nề.
Nếu nghe tà tri tà kiến, thì họ liền tin tưởng ngay. Giảng giải chánh tri chánh kiến, họ không tin tưởng. Tại sao họ không tin? Vì không đủ căn lành và không có nền tảng đạo đức căn bản. Do đó, đối với chánh pháp, họ hoài nghi bất tín.
Tại Vạn Phật Thành, chúng ta kiến lập đạo tràng Thủ Lăng Nghiêm. Mỗi ngày, có ai phát tâm tụng đọc Kinh hay học thuộc lòng bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm thì thật rất hay. Ngày ngày, quý vị thường đọc tụng hoặc học thuộc lòng Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, và ngay cả Kinh Hoa Nghiêm, như đến trường học thì rất tuyệt. Nếu có ai học được như thế thì chánh Pháp mãi trường tồn trên thế gian. Thế nên, tại đạo tràng Vạn Phật Thành thanh tịnh, mọi người phải phát tâm hành những hạnh này. Tuy nhiên, chớ nên tranh với nhau. Chúng ta phải vượt trên mọi thế tình để hành hạnh này.
Xưa kia, tâm nguyện của tôi là: Học thuộc lòng Kinh Pháp Hoa và Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Tại Hồng Kông, tôi có đệ tử là Hằng Định, học thuộc lòng Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Tôi cũng dạy Thầy ta học Kinh Pháp Hoa. Tại đạo tràng vi diệu này, chúng ta phải phát tâm Bồ Đề, tu học nghiên cứu và học thuộc lòng Kinh luật của Phật đà như Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Tứ Phần Luật, và Kinh Phạm Võng. Nếu làm được như thế thì chánh pháp mới tồn tại lâu dài trên thế gian.
Kinh Hoa Nghiêm, mẹ của chư Phật (giảng vào năm 1979).
Kinh Hoa Nghiêm là Kinh của pháp giới và là Kinh của hư không. Tận hư không khắp Pháp giới, nơi nơi đều có kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm ở nơi đâu thì có chư Phật, chư Pháp, và chư hiền Thánh Tăng ở nơi đó. Vì vậy, vừa giác ngộ thành Chánh Đẳng Chánh Giác, đức Phật liền thuyết Kinh Hoa Nghiêm để giáo hoá chư đại Bồ Tát. Vì là bộ Kinh vi diệu bất khả tư nghi, nên Kinh Hoa Nghiêm được bảo tồn tại Long Cung. Sau này, Bồ Tát Long Thọ xuống Long Cung, học thuộc lòng rồi đem trở lại thế gian.
Kinh Hoa Nghiêm như vầng mây lành trong hư không, biến chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, như mưa pháp cam lồ thấm nhuần hết tất cả chúng sanh. Kinh Hoa Nghiêm ví như vầng mặt trời, soi chiếu khắp đại thiên thế giới, khiến tất cả chúng sanh đều được ấm áp. Bộ Kinh này cũng như cõi đất, có khả năng sinh trưởng tất cả vạn vật. Do đó, còn Kinh Hoa Nghiêm thì chánh Pháp còn tồn tại lâu dài.
Mỗi ngày giảng giải, nghiên cứu Kinh Hoa Nghiêm, chúng phải y chiếu theo lý kinh mà tu hành, và dùng Kinh điển để đối trị những tật xấu của mình. Khi nghe qua Kinh Hoa Nghiêm, tâm tham, sân, si liền bị diệt trừ.
Giảng giải lý lẽ của bộ kinh này, nhằm mục đích đối trị tập khí xấu xa của chúng ta. Tuyệt đối chớ bảo rằng Kinh này Phật thuyết cho chư Bồ Tát, chư A La Hán tu hành, chứ không liên hệ gì với chúng ta. Không nên nói: “ồ! Phàm phu chúng ta chỉ có thể lắng nghe kinh này thôi, chứ không thể nhận ra cảnh giới của chư thánh hiền”.
Nếu nghĩ như thế, tức là tự khinh rẻ và tự cách biệt với chư thánh hiền.